Thứ Sáu , 29 Tháng Ba 2024
Home / Viện đào tạo môn đồ / BẰNG CHỨNG VỀ CHÚA JESUS

BẰNG CHỨNG VỀ CHÚA JESUS

Bạn có bao giờ nói rằng, Nếu tôi thấy một phép lạ mà Chúa Giê-su làm trong Tân Ước, tôi sẽ thuyết phục mọi người tin rằng Ngài là Con của Đức Chúa Trời hay không? Trong lập luận này có một vấn đề. Trong Phúc Âm Giăng, một số người đã thấy và nghe những gì Chúa Giê-su đã làm nhưng họ vẫn không chịu tin.

Lý luận có thể giúp đưa một người đến chỗ người đó có thể thực hiện bước nhảy của đức tin. Phân đoạn Kinh Thánh này kêu gọi chúng ta xem xét những bằng chứng khác nhau có thể giúp dẫn đến đức tin. Dầu vậy, phân tích đến cuối cùng thì vấn đề vẫn là đức tin trông cậy.

 

Một Sự Chữa Lành Kỳ Lạ (5:1-9a)

 

Các phép lạ là những dấu hiệu, và do đó, cần phải giải thích chúng. Trong Giăng 5, Chúa Giê-su trở lại Giê-ru-sa-lem. Chúa Giê-su đi về hướng đền thờ để tham dự một kỳ lễ Do Thái. Tuy nhiên, trên đường đi Ngài thấy có nhiều người ở xung quanh một cái hồ gần chỗ “cửa Chiên” (5:2). Phúc Âm Giăng nhấn mạnh khung cảnh đầy ảm đạm khi mô tả tình trạng của họ—“ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xuội” (5:3). Những người này chắc chắn đã được bạn bè hay gia đình đưa đến đây vì họ không còn hy vọng nào khác. Truyền thuyết về hồ nước này kể rằng mỗi khi nước động, người nào xuống hồ trước tiên thì sẽ được chữa lành (5:7).

Chúa Giê-su chú ý đến một người đàn ông ở gần hồ. Phúc Âm Giăng chép rằng người đàn ông này đã bị bệnh ba mươi tám năm rồi (5:5). Chúa Giê-su biết ông đã ở đó một thời gian dài (5:6). Điều được nhấn mạnh ở đây chính là tình trạng tuyệt vọng của người đàn ông này.

Chúa Giê-su hỏi người đàn ông (5:6), “Ngươi có muốn lành chăng?” Tại sao Chúa Giê-su lại hỏi như thế? Chẳng lẽ chúng ta không đoán được rằng ai đang bệnh cũng muốn được khỏe hết sao? Có vẻ như thế thật. Tuy nhiên, hãy xét đến những khả năng khác. Người đàn ông bên hồ có thực sự thích chứng bệnh của mình không? Sau hết, bệnh tật có thể đưa chúng ta thoát khỏi nhiều điều lắm. Thực tế là đôi khi ít nhất một số người thích sự quan tâm do bệnh tật mang đến cho họ.

Tôi có một sinh viên đã vắng mặt nhiều hơn số tiết cho phép trong lớp. Anh ta luôn có lý do—bao tử tôi đau, đau đầu, tôi thấy mình bị cảm, tôi bị dị ứng, v.v. Anh ta chẳng gặp phải đau yếu gì nghiêm trọng cả—chỉ là những chuyện vặt vãnh mà thôi. Người sinh viên này đến gặp bác sĩ, và kết quả khám bệnh cho thấy chỉ có một số dị ứng theo mùa mà thôi.

Lúc đầu tôi bào chữa cho cậu ta. “Tôi hiểu,” tôi nói. “Tôi cũng thấy khó chịu lắm khi bị nhức đầu.”

Sau khi chàng sinh viên này vắng mặt nhiều lần, tôi tự hỏi không biết mình có thiên vị anh ta quá hay không. Chàng thanh niên này sắp trở thành một mục sư. Các mục sư hiểu rằng có nhiều bữa sáng Chúa Nhật họ không thấy khỏe lắm, nhưng vẫn phải giảng. Tôi nói với chàng sinh viên đó, “Nếu em không có bị sốt hay bệnh truyền nhiễm, thì em phải đi học.”

Có lẽ chúng ta có thể hiểu câu hỏi của Chúa Giê-su như sau: Phải chăng ngươi đã quá thích nghi với tình trạng của mình đến độ ngươi không còn muốn thay đổi nữa? Hay có lẽ Chúa Giê-su đang nói với người đàn ông như vầy, Ngay bây giờ đây ngươi không cần phải lựa chọn nơi mà mình sẽ đến nữa. Ngươi đến bất cứ nơi nào người ta đưa ngươi đến. Khả năng bước đi sẽ khiến ngươi phải quyết định xem đôi bàn chân của ngươi sẽ đưa ngươi đi đâu. Ngươi có sẵn sàng cho điều đó chưa?

Dù với lý do gì, Chúa Giê-su đã hỏi người đàn ông (5:6), “Ngươi có muốn lành chăng?” Người đàn ông thực sự đã không trả lời. Ông nói với Chúa Giê-su rằng không có ai giúp ông xuống hồ khi mà nước động cả. Chúa Giê-su phán (5:8), “Hãy đứng dậy, vác giường ngươi mà đi.” Phúc Âm Giăng khẳng định rằng, “Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi” (5:9). Thậm chí Chúa Giê-su cũng chẳng cần đưa người đàn ông đó xuống hồ. Lời của Ngài là đủ. Ba mươi tám năm bệnh tật, mà chỉ cần một lời của Chúa Giê-su, người đàn ông đã được lành.

Đây là một biến cố đầy kịch tính. Sự tuyệt vọng biến mất chỉ với một lời phán của Chúa Giê-su. Một phép lạ xảy ra.

Xin hãy hiểu rằng tôi không muốn làm loãng đi câu chuyện, nhưng có đôi điều cần phải nói. Trước hết, không phải tất cả mọi người ở tại hồ đều được chữa lành dù rằng Chúa Giê-su đã ở đó. Cần phải nói điều này ra vì có một số diễn giả có chủ đích hoặc vô tình dạy rằng Chúa Giê-su muốn tất cả mọi người đều khỏe mạnh về thuộc thể. Theo những diễn giả này, vấn đề là ở chỗ đức tin của chúng ta. Nếu chúng ta có đủ đức tin, Chúa Giê-su sẽ khiến chúng ta mạnh khỏe. Các khối u sẽ biến mất, ung thư sẽ tan đi, và có thể vứt bỏ những chiếc xe lăn. Nếu bạn và tôi chỉ cần có đủ đức tin, thì Chúa Giê-su sẽ khiến chúng ta được lành.

Hãy suy nghĩ về điều này một chút. Nếu bạn là người không được chữa lành thì sao? Phải chăng đó là do bạn thiếu đức tin? Ruby Jones và con gái bà, Ruby Fern Jones, là thành viên trong Hội Thánh mà tôi đã phục vụ trong thời gian học tại chủng viện. Ruby Fern bị chứng suy nhược cơ thể. Vài năm trước đây, khi tôi trở lại thăm Hội Thánh, lúc bước vào nghĩa trang của Hội Thánh, tôi thấy hai mẹ con bà được chôn bên cạnh nhau. Lúc tôi là mục sư của họ, tôi biết rõ đức tin đơn sơ, thuần khiết của họ. Tôi chưa hề gặp một ai khác có đức tin giống như con trẻ nơi quyền năng của Đức Chúa Trời hơn là Ruby và Ruby Fern. Họ bước đi cách đơn sơ và khiêm nhường với Đức Chúa Trời. Rõ ràng là Ruby thường cầu nguyện cho con gái của mình được lành. Cả Hội Thánh cầu nguyện cho sức khỏe của cô thanh nữ này. Nhưng cả hai người phụ nữ này hiểu một điều về đức tin. Đôi khi Đức Chúa Trời thay đổi hoàn cảnh. Đôi khi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sức lực để chịu đựng. Cả hai đều là những phép lạ của ân điển. Cả hai đều đòi hỏi đức tin.

Một khía cạnh thứ hai của câu chuyện đó là người đàn ông được chữa lành không tỏ ra là ông có nhiều đức tin lắm. Ông thật đã đứng dậy khi Chúa Giê-su bảo ông vác giường mình mà đi. Tuy nhiên, cuối ngày hôm đó, khi những bậc lãnh đạo tôn giáo hỏi ai đã chữa lành cho ông vào ngày Sa-bát, ông nói với họ rằng ông chẳng biết. Người đàn ông đó không biết Chúa Giê-su Na-xa-rét là ai (5:13). Rõ ràng ông ta đã vui vẻ trên đôi chân của mình đến độ ông chạy ngoài đường mà không thèm dừng lại để hỏi, Tiện đây, tôi muốn biết Ngài là ai để khi người ta hỏi ai đã chữa lành cho tôi, tôi có thể nói với họ.

Những gì chúng ta có trong phép lạ này không hẳn là một câu chuyện về đức tin của con người bèn là một câu chuyện về Đức Chúa Giê-su, Đấng có quyền năng biến đổi cuộc đời. Đức tin chúng ta là điều quan trọng, và đức tin đó được xây dựng trên nền tảng vững chắc của ân điển Đức Chúa Trời. Quyền năng của ân điển Đức Chúa Trời không bị giới hạn bởi đức tin hay sự nghi ngờ của chúng ta.

Bên cạnh ao Bê-tết-đa, Chúa Giê-su đã nêu ra một bằng chứng rằng Ngài thực sự là Đức Chúa Trời. Dấu hiệu này không nhắm đến người đàn ông đã được chữa lành bèn là Chúa Giê-su, Đấng chữa lành mỗi chúng ta theo những cách khác nhau.

 

Một Xung Đột Kỳ Lạ (5:9b-24)

 

Bạn sẽ nghĩ rằng mọi người hẳn rất thích thú về phép lạ này. Một người đàn ông không thể đi được trong ba mươi tám năm. Chỉ với một mạng lệnh của Chúa Giê-su, ông đã đứng dậy trên đôi chân của mình. Tuy nhiên, một số bậc lãnh đạo tôn giáo thấy khó chịu. Đây là ngày Sa-bát, và một trong những luật Do Thái là không một ai được phép vác giường đi trong ngày Sa-bát (5:10).

Wayne Oates, một trong những người tiên phong của phong trào chăm sóc mục vụ và cũng là một giáo sư lâu đời tại Chủng Viện Thần Học Báp-tít Phương Nam và Đại Học Y Dược Louisville, thường nói về cái gọi là “tôn giáo bệnh hoạn.” Phản ứng của các bậc cầm quyền trước người đàn ông được chữa bệnh đang vác giường của mình là một điển hình cổ điển của thứ tôn giáo bệnh hoạn, thiển cận. Tôn giáo chẳng nên nhìn bức tranh lớn hay sao? Đây chính là quyền năng của Đức Chúa Trời hành động. Người đàn ông có thể thậm chí chẳng biết luật về việc không được vác giường mình đi trong ngày Sa-bát. Ông đã không thể mang vác bất cứ thứ gì trong gần bốn thập kỷ, bất luận là vào ngày nào! Nhưng đối với những người lãnh đạo tôn gaío, cái giường lại là vấn đề.

Cuối cùng, khi những người lãnh đạo này gặp Chúa Giê-su, tình huống càng trở nên phức tạp hơn. Phúc Âm Giăng nói rằng họ bắt đầu bắt bớ Chúa Giê-su vì Ngài đã chữa lành trong ngày Sa-bát (5:16). Chúa Giê-su trả lời, “Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy” (5:17). Nếu Chúa Giê-su có ý định dẹp yên cuộc tranh cãi, thì đó không phải là một câu trả lời tốt. Những người lãnh đạo giận sôi lên (5:18). Điều Chúa Giê-su đã làm đó là kể Ngài đồng đẳng với Đức Chúa Trời.

Để cố hiểu được cơn giận dữ của những người lãnh đạo Do Thái, chúng ta phải nhớ thuyết độc thần và những luật lệ khác nhau là quan trọng đối với một người Do Thái mộ đạo như thế nào. Thuyết độc thần nói rằng chỉ có một Đức Chúa Trời. Một trong những hiểu lầm mà một số người vướng phải liên quan đến niềm tin Cơ-đốc là họ nghĩ rằng các Cơ-đốc nhân tin nơi ba vị thần. Các Cơ-đốc nhân luôn ý thức được sự khó khăn trong việc diễn tả giáo lý Ba Ngôi. Tuy nhiên, giáo lý Cơ-đốc cổ điển luôn rất cẩn thận khẳng định rằng chỉ có một Đức Chúa Trời Đấng thể hiện chính Ngài qua Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Linh.

Chúng ta có thể thấy điều đáng buồn của một tôn giáo là nhấn mạnh đến cái giường hơn là con người, nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng việc tuân giữ luật pháp quan trọng như thế nào đối với người Do Thái. Bị thống trị bởi những lực lượng quân sự mạnh hơn như Đế Chế La-mã, những người Do Thái thấy sự vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời là một cách để duy trì đặc trưng dân tộc của họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu những người lãnh đạo tôn giáo để cho một diễn giả lưu động vô danh nói với mọi người rằng không cần tuân giữ luật pháp? Những người Do Thái nhìn thấy đó giống như một cái dốc trơn trợt cuối cùng có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống luật pháp cứng nhắc của họ và cả đặc trưng dân tộc họ nữa.

Những ý niệm đó nhắc chúng ta nhớ rằng đằng sau những hành vi tôn giáo có vẻ lâu đời có nhiều nguyên nhân—có lẽ là những nguyên nhân lâu đời, dù sao thì vẫn là những nguyên nhân. Một số học giả tin rằng động lực chính thúc đẩy sự phát triển của trào lưu Hồi giáo là cảm giác bất an cho rằng trừ khi một chấm một phết của kinh Koran được thực hiện chính xác, Hồi giáo sẽ đánh mất đặc trưng của mình do sự điều tiết của văn hóa. Bất cứ ai—kể cả các Cơ-đốc nhân—cũng có thể trở thành nạn nhân của lối lý luận đó. Thảm kịch của suy nghĩ này nằm ở chỗ con người trở nên sợ hãi hơn và phòng thủ hơn. Qua đó, mọi khả năng vui hưởng trong ân điển của Đức Chúa Trời không còn nữa.

 

Một Lời Chứng Mạnh Mẽ (5:31-40)

 

Rõ ràng Chúa Giê-su muốn những người lãnh đạo nghe điều Ngài nói về bản chất thánh của Ngài. Trong các câu 31-40, mọi cuộc nói chuyện đã ngừng lại. Cuộc đàm thoại đã chấm dứt. Thật như thể Chúa Giê-su bước lên bục để giảng. Đây là một toát yếu về Chúa Giê-su, Đấng đang bảo vệ xuất xứ của mình. Chúa Giê-su kêu gọi những chứng nhân đã làm chứng rằng Ngài là logos hay Lời thánh từ Đức Chúa Trời.

Nhân chứng đầu tiên là Giăng Báp-tít. Chúa Giê-su gọi Giăng là “đuốc đã thắp và sáng” (5:35). Chúa Giê-su thận trọng nói rằng lời chứng của một con người không thể khẳng đỉnh ằng Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, nhưng Ngài nói lời này về Giăng vì đã có lúc người ta lắng nghe điều Giăng nói. Bên cạnh đó, Chúa Giê-su sẽ kêu gọi bất cứ nhân chứng nào đứng lên để giúp đỡ người khác hiểu rằng Ngài đến nhằm đưa con người vào trong một mối tương giao mới, đầy hứng thú với Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, nhân chứng thứ hai còn ấn tượng hơn nữa. Chúa Giê-su khẳng định rằng các công việc của Ngài là một phần trong kế hoạch của Cha Ngài. (5:36).

Hơn nữa, trong câu 37, Chúa Giê-su khẳng định rằng: “Chính Cha, là Đấng đã sai ta, cũng làm chứng về ta.” Chúa Giê-su lại nói thêm rằng nếu đọc Kinh Thánh Cựu Ước cẩn thận và cởi mở, thì sẽ thấy rằng Kinh Thánh chỉ về Ngài là Đấng Mê-si-a (5:39, 45). Đức Chúa Cha đã làm chứng thông qua Kinh Thánh.

Tôi từng là một mục sư tạm thời tại một Hội Thánh nơi mà các tín hữu có cùng suy nghĩ về bảy bài giảng cuối cùng của Chúa Giê-su. Một cô gái trẻ ăn nói đặc biệt lưu loát và nồng nhiệt. Cô trích dẫn lời của một tác giả, theo người phụ nữ này, đã đưa ra một bằng chứng hết sức kinh ngạc từ trong Cựu Ước chứng minh rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a. Quan điểm của cô là, Tại sao người ta không thể nhìn xa hơn cái bóng của sự nghi ngờ về việc Chúa Giê-su nói Ngài là ai? Khi cô nói, tôi nghĩ đến một chàng thanh niên Do Thái rất khôn ngoan mà tôi biết, một người không nhìn Cựu Ước theo cách đó.

 

Còn Chúng Ta Thì Sao?

 

Trong phân đoạn Kinh Thánh Giăng 5 này, Chúa Giê-su đưa ra một bằng chứng cho thân thế của mình. Những ai đã nghe Chúa Giê-su nói về các bằng chứng này đều gặp thách thức phải quyết định. Chúng ta cũng vậy. Cuối cùng, chúng ta chấp nhận hay phủ nhận bằng chứng đó dựa trên sự giải thích của chúng ta về Kinh Thánh và đức tin chúng ta nơi Đức Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời.

Đức tin khác với việc đem đồ vào phòng thí nghiệm và chứng minh nó bằng phương pháp khoa học. Đức tin là dùng khả năng lý luận tốt nhất của chúng ta, nhưng biết rằng lý luận không phải là con đường duy nhất dẫn đến lẽ thật. Một số lẽ thật vượt quá sự lý luận của con người.

Tôi tin nơi Đức Chúa Trời dù rằng tôi chưa bao giờ thấy Ngài. Tôi tin rằng Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời. Tôi có thể chứng minh niềm tin này trước sự nghi ngờ của mọi người không? Không. Tôi có tin điều đó với tất cả tâm trí, tấm lòng và linh hồn mình không? Có! Còn bạn thì sao?

 

Unkown Author

NGUỒN: Hướng Đi Magazine   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn