Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Ý NGHĨA THẬP TỰ GIÁ

Ý NGHĨA THẬP TỰ GIÁ

Điều đó có nghĩa là gì?

christ-connects-us-with-god
Tân Ước cố gắng diễn giải tin tức tốt lành đến không ngờ này qua nhiều phép ẩn dụ. Điều tuyệt vời đó là Đức Chúa Trời chấp nhận trả nợ thay, cất bỏ những gánh nặng, cam chịu sự rủa sả, và mang lấy tội lỗi của chúng ta. Quả thật là tuyệt vời; nhưng điều đó đưa chúng ta đến tâm điểm đồi Gô-gô-tha. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Giê-su rất kiên định khi hướng về thành Giê-ru-sa-lem, trong khi Ngài hoàn toàn có thể dễ dàng rời đi nơi khác. Ngài đã định sẵn về sự chết của mình. Ngài biết rằng Ngài sẽ nhận số phận của Đầy Tớ Chịu Khổ mà đã được nói đến đầy sinh động qua các tiên tri thời Cựu Ước. Ngài biết rằng Chúa sẽ đặt trên Ngài những điều tội lỗi của hết thảy chúng ta. Ngài biết rằng Ngài sẽ mang lấy sự vi phạm của chúng ta. Ngài biết rằng những lằn roi Ngài chịu đem lại cho chúng ta sự bình an. Ngài biết rằng sự chết của Ngài sẽ là một sự hy sinh vì tội lỗi mà không có sự hy sinh nào trên thế gian có thể sánh bằng – Chúa ban sự sống của Ngài cho tội nhân. Ngài biết rằng “Con Người”, từ ngữ mà Ngài dùng để nói về chính mình, sẽ phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người trên cây thập tự. Ngài biết rằng sau khi tất cả những điều đó qua đi, Ngài sẽ nhìn thấy thành quả từ sự khó nhọc của Ngài và lấy làm thỏa mãn – cảm thấy rất đáng để hy sinh. Bởi Ngài sẽ lập nên một thỏa thuận mới giữa Đức Chúa Trời và con người: một giao ước mới.
Tất cả những giao ước khác trong lịch sử tôn giáo đều có hai bên, bên con người và bên Đức Chúa Trời. Vấn đề cũng chính là ở họ – con người luôn vi phạm giao ước về phía của họ! Nhưng sự giao ước mới này đem lại sự tha thứ tội lỗi. Nó không chỉ đảm bảo thỏa mãn về phía của Đức Chúa Trời nhưng cũng cho con người nữa. Trên thập giá, Ngài là con người toàn vẹn, phó dâng mạng sống mình cho những người khác: Ngài cũng là một Đức Chúa Trời toàn vẹn, bởi “Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người.” Một kế hoạch thiên thượng, được tỏ bày bằng sự tôn trọng và vinh hiển trong ngày Chúa Chịu Thương Khó.
Có lẽ chúng ta sẽ có cái nhìn tốt hơn nếu đứng từ khía cạnh của ba nhân vật hiện diện trong ngày ấy. Ta sẽ có ba bức tranh, ba lối ẩn dụ về những điều Đức Chúa Giê-su đã đem lại cho chúng ta trên cây gỗ; ba cách giúp chúng ta nhìn nhận rằng nếu chúng ta thậm chí không thể tha thứ cho chính mình vì những điều tồi tệ nào đó đã phạm phải trong quá khứ, Đức Chúa Trời vẫn có thể và sẽ tha thứ, và Ngài  làm điều đó với công lý trọn vẹn và tình yêu vô bờ bến.

Cái nhìn của người chiến đấu vì tự do.

Accused-by-Officials

Có một nhân vật trong ngày Thương Khó đầu tiên đã hiểu một cách đầy sống động ý nghĩa thập giá của Đức Chúa Giê-su. Ông là một người chiến đấu vì tự do, bị bắt vì nổi dậy có vũ trang và phạm tội giết người. Bị giam cùng những tòng phạm, ông đang chờ đợi ngày hành quyết, vui vì đã đánh bại một vài tên lính La-mã, buồn vì đã không giúp giải cứu dân mình khỏi nanh vuốt người La-mã. Hãy tưởng tượng khi bình minh cuối cùng của đời ông bắt đầu ló dạng. Những bước đi dọc hành lang. Chìa khóa cắm vào trong ổ. Tóc gáy ông dựng đứng. Kế đến trong sự ngỡ ngàng, viên quan chỉ huy tháo dây xích khỏi chân tay ông và nói: “Ba-ra-ba, anh được tự do.” Ba-ra-ba nhìn viên chỉ huy đầy ngờ vực và cho rằng đó chỉ là một trò đùa. Nhưng không đùa tí nào. Ông đã nghe lệnh tha người đầy kỳ lạ của Phi-lát trong ngày Lễ Vượt Qua. Đầy choáng váng, ông gần như không thể lê bước khỏi chốn hành hình nơi những người bạn của ông sẽ chết bởi tội họ đã phạm vì đất nước của họ, và là nơi mà nhân vật Con Đức Chúa Cha lạ lùng này sẽ chết trên chính thập giá của Ba-ra-ba, tại chính vị trí của Ba-ra-ba. Lịch sử không ghi lại sau này ông đã trở nên thế nào. Nhưng điều chắc chắn là ông không thể nào quên được rằng Đức Chúa Giê-su đã thay thế cho hình phạt của ông. Sự chết của Đức Chúa Giê-su đã giải quyết hết mọi cáo trạng của ông để chúng sẽ không bao giờ bị đem ra nhằm chống lại ông một lần nào nữa. Chắn chắn không thể nào ông ngừng suy ngẫm rằng đúng ra người trên cây gỗ ấy phải là chính ông. “Ngài đã làm điều đó vì tôi.” Tôi có thể tưởng tượng ông thốt lên. “Ngài đã làm điều đó vì tôi.”

Sự trao đổi kỳ lạ ấy tạo nên một ấn tượng trong cộng đồng Cơ Đốc. Thánh Phi-e-rơ gần như chắc chắn là một nhân chứng trực tiếp tại khung cảnh ấy, lẩn mình trong đám đông để tránh sự thu hút từ những sự chú ý không mong muốn. Qua bức thư tín đầu tiên của mình, Phi-e-rơ kể rằng ông là “người chứng kiến sự đau đớn của Đấng Christ.” Sau khi chứng kiến Đức Chúa Giê-su vác thập tự giá đến nơi hành hình, ngã quỵ dưới sức nặng của cây gỗ, bị đóng đinh vào thập giá không mong muốn ấy, Phi-e-rơ đã viết cho những độc giả Cơ Đốc của ông những lời chắc chắn cần phải được diễn giải theo những gì đã nhìn thấy và cảm nhận trong ngày hôm đó. “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em” ông viết. “Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình; Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ… nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh” (I Phi-e-rơ 2:23, 24). Hình ảnh của Người Đầy Tớ Chịu Thương Khó trong sách Ê-sai, về Đức Chúa Giê-su lảo đảo bước lên đồi Gô-gô-tha mang lấy những gánh nặng tội lỗi của Phi-e-rơ, về Đức Chúa Giê-su vô tội đứng vào thay cho chúng ta là những Ba-ra-ba đầy tội lỗi. Những hình ảnh ấy có thể đã đi vào tâm trí Phi-e-rơ khi ông viết thư tín này. Ông đã làm rõ về vấn đề  trong chương tiếp theo (I Phi-e-rơ 3:18). “Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời.” Đó là lý do tại sao Đức Chúa Giê-su chết: Đấng công bình thay cho kẻ không công bình. Phi-e-rơ đã hiểu thập giá đó có nghĩa là gì.

3
Phao-lô cũng vậy. Một thông điệp đáng chú ý trong thư tín gửi các tín hữu tại Cô-lô-se, Phao-lô  viết rằng Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta hết thảy tội lỗi, đã bỏ đi những sai phạm chống lại chúng ta, cùng với những yêu cầu hợp pháp: Ngài đã xóa bỏ và đóng đinh nó trên cây thập tự. Thật là một sự hiểu biết vĩ đại về Gô-gô-tha! Một danh sách dài ghi những tội lỗi chống lại Ba-ra-ba, nhưng Đức Chúa Giê-su đã nhận lấy hết thảy khi Ngài chết thế chỗ của Ba-ra-ba trên thập giá. Cũng vậy một danh sách dài những tội lỗi chống lại Phao-lô; nhưng Đức Chúa Giê-su đã nhận lấy hết thảy khi Ngài chết thế chỗ Phao-lô, tại thập giá ấy. Phạm nhân khi bị kết án thường có một tờ cáo trạng ghi những tội danh và phải đeo nó vào cổ khi người ấy bước ra chốn hành hình; bảng cáo trạng này được đóng vào cây gỗ của người ấy. Phao-lô đã nhìn thấy Đức Chúa Giê-su  bị đóng đinh – không phải với cáo buộc đầy giễu cợt: “Vua dân Giu-đa,” nhưng đó chính là tội lỗi của ông và của chúng ta được đeo trên cổ Ngài. Đó là lý do mà Ngài chết. Để trả nợ cho chúng ta. Để xóa nợ chúng ta với chính Đức Chúa Trời mà chúng ta đã mắc lỗi. Ngài bỏ đi tất cả những sai phạm mà tôi đã viết lên để chống lại chính tôi, là những tội lỗi ngang ngạnh của tôi: và Ngài đã đóng đinh chúng trên thập giá Đấng Christ. Chúng sẽ không bao giờ được gợi lại để chống lại tôi, cũng giống như với Phao-lô, Phi-e-rơ và Ba-ra-ba.

Vì Đấng Christ đã chịu khổ một lần vì tội lỗi, Đấng công bình vì những kẻ không công bình, nên Ngài có thể đem chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Đó là một khía cạnh ý nghĩa của thập giá. Nợ chúng ta được tha. Chúng đã được xóa bỏ. Điều đó có nghĩa là chúng sẽ không bao giờ bị gợi lên chống lại chúng ta một lần nào nữa. Bởi Đức Chúa Trời trong Đấng Christ đã trả giá đến tận từng xu, thậm chí nó đã đưa Ngài đến thập giá đầy đắng cay. Không một việc làm nào của chúng ta có thể thay thế được tội lỗi trong quá khứ. Nhưng hành động rộng rãi lớn lao của Chúa đã biến đổi mọi thứ.

 

(Còn nữa)

MICHAEL GREEN

Translated by Vinh Hien.

 

Bài trước: https://huongdionline.com/2016/06/03/khong-gi-co-the-thay-doi-qua-khu/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn