Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Hai Chị Em Ma-ri

Hai Chị Em Ma-ri

April 16, 2023 LGC

1/LẮNG NGHE LỜI CHÚA (Lu-ca 10:38-42)

Hãy tưởng tượng bạn phải chuẩn bị bữa tối cho Đức Chúa Giê-su và các môn đồ của Ngài – mười ba người nam! “Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đường, đến một làng kia” (câu 38) Hiển nhiên họ đã đến thành Bê-tha-ni khá sớm nên Ma-thê vẫn chưa sẵn sàng tiếp đón và điều này đã gây ra căng thẳng giữa hai chị em. Ma-ri đã giúp đỡ chị [1] trước lúc Đức Chúa Giê-su đến, nhưng sau đó cô ngồi dưới chân Đức Chúa Giê-su để lắng nghe Ngài giảng dạy. Khi đang chuẩn bị bữa tối, Ma-thê cảm thấy bực tức và cuối cùng tiến vào phòng, cắt ngang bài giảng và chỉ trích cả Đức Chúa Giê-su lẫn Ma-ri.

[1] Bản văn Hy Lạp trong Lu-ca 10:39 có từ “cũng” nhưng hầu hết các bản dịch tiếng Anh đều đã bỏ từ này trừ bản dịch New King James Version và American Standard Version năm 1901. G. Campbell Morgan viết rằng: “Ma-ri đã góp phần phục vụ, sau đó bà ngồi dưới chân Chúa. Bà đã rời công việc quá sớm nên làm phật ý Ma-thê” [Morgan, Great Physician, 234].

Khung cảnh đáng xấu hổ này nêu bật sự khác biệt tính cách giữa hai chị em. Ma-thê là một người chủ động và dễ dàng nói lên suy nghĩ của mình, trong khi Ma-ri thì im lặng, một người lắng nghe và suy ngẫm. Họ là những bản sao của Phi-e-rơ và Giăng (Phi-e-sơ sôi nổi và năng động, còn Giăng trầm tĩnh). Chúa yêu và sử dụng mọi người, chính vì thế không có lý do gì những người hoạt ngôn và những người tĩnh lặng suy tư lại không thể chấp nhận và làm việc cùng nhau. Hơn thế nữa, họ cần có nhau. Gia đình của Đức Chúa Trời bao gồm nhiều con người với những ân tứ và tính cách khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa là Đấng ban năng lực và phước hạnh cho tất cả mọi người.

Vấn đề của Ma-thê không phải ở việc Ma-ri rời đi khỏi công viêc phục vụ, cũng không phải vì Đức Chúa Giê-su đã đem Ma-ri ra khỏi những việc cô phải làm. Vấn đề của Ma-thê chính là cô đã bị quay cuồng bởi quá nhiều công việc, bởi vì cô không hành động bởi đức tin. Cô không tin rằng Đức Chúa Giê-su thật sự quan tâm đến cô. Lời lẽ trong câu hỏi của Ma-thê trong Lu-ca 10:40 chỉ ra rằng cô kỳ vọng một câu trả lời là không. “Ngài không quan tâm có phải không?” Vì thiếu đức tin, Ma-thê bị sao nhãng và bị chia cách khỏi Chúa. Vấn đề không phải là tính cách (Tính tôi là thế đấy!); nhưng vấn đề chính là sự thiếu kém đức tin. Cô không tin rằng Đức Chúa Giê-su thật sự quan tâm đến cô, và điều đó khiến cô cảm thấy lo âu, bồn chồn. Các môn đồ cũng đã phạm một lỗi tương tự khi bị mắc kẹt trong cơn bão ở giữa biển, và Đức Chúa Giê-su đã hỏi rằng: “Đức tin các ngươi ở đâu?”. “Một ngày kia, Ngài xuống thuyền với môn đồ, mà phán rằng: Hãy qua bên kia hồ; rồi đi. 23 Khi thuyền đương chạy, thì Ngài ngủ. Có cơn bão nổi lên trong hồ, nước vào đầy thuyền, đương nguy hiểm lắm. 24 Môn đồ bèn đến thức Ngài dậy, rằng: Thầy ôi, Thầy ôi, chúng ta chết! Nhưng Ngài, vừa thức dậy, khiến gió và sóng phải bình tịnh, thì liền bình tịnh và yên lặng như tờ. 25 Ngài bèn phán cùng môn đồ rằng: Đức tin các ngươi ở đâu? Môn đồ sợ hãi và bỡ ngỡ, nói với nhau rằng: Người nầy là ai, khiến đến gió và nước, mà cũng phải vâng lời người?” (Lu-ca 8:22-25). Hãy nhớ rằng càng được lớn lên trong Lời Chúa thì chúng ta càng được lớn lên trong đức tin. “Đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô. 10:17).

Cuộc sống được định hình bởi những sự lựa chọn. Ma-thê đã lựa chọn đúng đắn khi quyết định chuẩn bị bữa ăn tối. Đức Chúa Giê-su phán rằng Ma-ri đã chọn phần tốt hơn khi ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe lời Ngài. Thức ăn thuộc linh sẽ còn lại lâu dài hơn rất nhiều! Tuy nhiên lựa chọn tốt nhất là sự kết hợp của cả hai, chính là trở nên người thờ phượng và người hầu việc, và làm công tác bởi sức lực từ Chúa. Phải chi Ma-thê dành thời gian tương giao với Chúa thì cô đã không cảm thấy tội nghiệp cho bản thân, cô sẽ không chỉ trích Ma-ri và Đức Chúa Giê-su nhưng cô sẽ cảm thấy được yên nghỉ. “Hỡi những k mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”  (Mat. 11:28). Giống như vua Đa-vít, tất cả chúng ta đều cần có tấm lòng tận hiến và đôi tay khôn khéo. “Đa-vít chăn giữ Israel theo sự thanh liêm lòng người. Và lấy sự khôn khéo tay mình mà dẫn dắt họ” (Thi. 78:72).

Áp dụng: Ngày nay chúng ta có thể vừa làm việc vừa nói chuyện với Chúa, thay vì giữ sự càm ràm/phàn nàn trong lòng. Một số chị em trưởng thành khi chuẩn bị bữa ăn trong nhà bếp cho các thánh đồ thường cầu nguyện: “Ngợi khen Chúa, đang khi con chuẩn bị các món ăn này, xin Chúa ban phước trên thực phẩm, trên các món ăn mà anh chị em trong nhà Chúa sẽ ăn. Cũng xin Ngài ban cho chúng con nhận lãnh thực phẩm thiêng liêng nữa. Xin Chúa ban cho con một tấm lòng vui mừng, vì con được có cơ hội và đặc ân để chuẩn bị bữa ăn cho mọi người.” Khi cầu nguyện trên tinh thần này, thì chị em chúng ta sẽ không đi vào vết xe đổ của Ma-thê!

Vào năm 2002, tôi biên dịch sách của Chuck Smith, ông là MS giáo hội trưởng của Calvary Chapel Hoa Kỳ.  

Hãy nghe lời chứng của MS Chuck Smith: “Theo ý tôi thì những người hút thuốc lá có một thói quen dơ bẩn nhất thế giới. Họ luôn luôn có cái mùi mà đi đâu họ cũng để lại cái mùi đó. Cho nên rất dễ biết được một người có hút thuốc hay không. Mình chỉ cần đi ngang là có thể ngửi được mùi đó trên họ hoặc trên quần áo họ. Khi vào nhà một người hút thuốc, chỉ cần ngửi cái màn cửa không thôi cũng đủ ngã ngữa rồi. Hút thuốc là thói quen bẩn nhất. Nhưng mà còn tệ hơn thế nữa, họ vất những tàn thuốc khắp nơi. Rồi họ thường lấy bàn chân của họ dúi đi điếu thuốc đang cháy làm bẩn cả lối đi. Khi đến phòng nhóm họ cũng phì phà điếu thuốc, sửa soạn vào nhóm họ cứ vứt bừa dưới đất rồi lấy chân chà ngang qua. Ai là người phải đi nhặt những tàn thuốc ấy?

Khi tôi lớn lên trong gia đình, mẹ tôi dặn là không được đụng đến thuốc lá. Thế nên tôi rất kỵ thuốc lá cho đến ngày hôm nay, tôi không thể không cảm thấy khó chịu khi đụng đến thuốc lá hay tàn thuốc lá. Mỗi khi tôi phải nhặt một tàn thuốc ở dưới đất, ngay lúc ấy có cái gì đó làm tôi rất là khó chịu giống như hồi còn nhỏ. Ghê thật! Khi tôi đi vòng trong sân của Hội Thánh và thấy đầy tàn thuốc lá, tôi cảm thấy rất khó chịu đành phảỉ cúi xuống nhặt nó lên. Nhưng khi tôi nhặt nó lên thì tôi cảm thấy trong lòng có sự bực tức đốí với những người hút thuốc, tôi lại nghĩ: “Những người nầy thật là bẩn thỉu, hôi hám, bất lịch sự.”

Nhưng sau đó Chúa phán với lòng tôi rằng: “Con phục vụ ai?” Tôi đáp lại: “Con phục vụ Chúa.” Chúa bảo: “Thế thì đừng có lằm bằm.” Thế nên, không nên phục vụ với lòng cay đắng. Đừng lằm bằm khi phục vụ. Nếu tôi đi nhặt những tàn thuốc và nghĩ xấu về những người hút thuốc, thì tôi không nên làm. Nhưng nếu tôi nghĩ: “Chúa ơi, con muốn giữ cho nhà Chúa sạch sẽ” thì tôi nhận thấy rằng tôi có thể nhặt những tàn thuốc đó và trong lòng không cảm thấy khó chịu vì tôi làm cho Chúa, chứ không phải làm cho ai khác, nhưng chỉ cho Chúa mà thôi. Kinh Thánh cũng cho ta biết: “Mặc dầu anh em nói hay làm, cũng phảỉ nhơn danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:17)

Luôn có thời gian cho ý muốn Chúa và sức lực cho công tác Chúa. Alan Redpath đã từng nhắc chúng ta rằng: “Hãy cảnh giác với sự cằn cỗi vì một đời sống bận rộn.”

2/YÊN NGHỈ NƠI LỜI HỨA CỦA CHÚA (Giăng 11)

Khi anh trai của họ là La-xa-rơ lâm bệnh, Ma-thê và Ma-ri đã sai người đến thưa cùng Đức Chúa Giê-su rằng: “Lạy Chúa, nầy, kẻ Chúa yêu mắc bịnh” (Giăng 11:3). Họ không bảo Chúa phải làm gì; họ chỉ chia sẻ gánh nặng với Ngài. Dù trong quá khứ họ có những khác biệt nhưng giờ đây hai chị em cùng hiệp ý lo lắng cho anh trai mình và đều có đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ. Đức Chúa Giê-su đáp rằng bệnh này sẽ không chết đâu nhưng vì sự vinh hiển của Con Đức Chúa Trời.

Phải mất một ngày để người đưa tin đi từ Bê-tha-ni đến chỗ Đức Chúa Giê-su và một ngày nữa để quay trở về mang theo lời nhắn của Đức Chúa Giê-su. Sau khi người đưa tin đã đi, Đức Chúa Giê-su chờ thêm hai ngày nữa và sau đó đi thêm một ngày để đến Bê-tha-thi. Khi Ngài đến nơi, Ngài biết La-xa-rơ đã được chôn trong mộ bốn ngày. Điều này nghĩa là La-xa-rơ đã chết trong ngày người đưa tin quay trở lại Bê-tha-ni với thông điệp đầy hy vọng của Đức Chúa Giê-su: “Bệnh nầy không đến chết đâu.” Nhưng La-xa-rơ đã chết! “Việc này sẽ làm sáng danh Đức Chúa Trời.” Nhưng La-xa-rơ đã chết! Đức Chúa Giê-su nhắc hai người chị em nhớ rằng Ngài đã trả lời và những lời ấy sẽ thành hiện thực (Giăng 11:40).

Ma-thê và Ma-ri gần như đã đánh mất hy vọng. Tại sao Đức Chúa Giê-su không đến ngay? Tại sao Chúa để cho người anh trai của họ chết? Tại sao Chúa không phán lời quyền năng ngay tại nơi Ngài đã ở trước đó để chữa lành anh trai của họ? (liên hệ câu chuyện đứa đầy tớ thầy đội) Cả hai chị em đều nói cùng Đức Chúa Giê-su rằng: “Thưa Chúa, nếu…” (Giăng 11:21,32), và những lời nói như thế chỉ càng làm vấn đề thêm trầm trọng. Hoặc chúng ta nói “Thưa Chúa” và tin cậy Ngài, hoặc chúng ta nói “nếu” rồi nghi ngờ và phê bình Chúa.

Đọc câu chuyện về đầy tớ của thầy đội trong Lu-ca 7:2-7.

Vả, một thầy đội kia có đứa đầy tớ rất thiết nghĩa đau gần chết, 3 nghe nói Đức Chúa Jêsus, bèn sai mấy trưởng lão trong dân Giu-đa xin Ngài đến chữa cho đầy tớ mình. 4 Mấy người đó đến cùng Đức Chúa Jêsus, mà nài xin rằng: Thầy đội thật đáng cho thầy nhậm điều nầy; 5 vì người yêu dân ta, và đã cất nhà hội cho chúng tôi. 6 Đức Chúa Jêsus bèn đi với họ. Khi Ngài gần tới nhà, thầy đội sai bạn hữu mình đi thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin đừng tự phiền đến thế, vì tôi không đáng rước Chúa vào nhà tôi. 7 Tôi cũng nghĩ mình không đáng đến cùng Chúa; song xin phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành.
Lưu ý: Trong trường hợp của La-xa-rơ thì Chúa Giê-su không hành động theo cách này.

ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG HÀNH ĐỘNG THEO MỘT CÔNG THỨC, NHƯNG THEO Ý MUỐN CỦA NGÀI/THEO THỜI ĐIỂM CỦA NGÀI

Niềm hy vọng của chúng ta đặt nơi Chúa, không phải nơi hoàn cảnh (Mọi việc đang trở nên tốt hơn,) cũng không đặt ở cảm giác. Mục đích của Chúa luôn luôn là vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và kế hoạch của Ngài không bao giờ sai lầm. Khi Đức Chúa Giê-su đến dùng bữa tối trong Lu-ca 10:38-41, Ngài đã đến sớm; nhưng lần này Chúa cố ý trì hoãn. Trải nghiệm thứ nhất có mùi thơm ngon của thức ăn, nhưng trong trải nghiệm thứ hai là mùi hôi của tử thi. Hoàn cảnh sẽ thay đổi và những trải nghiệm với Đức Chúa Giê-su đều khác nhau. Mặc dù vậy, “Đức Chúa Giê-su Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Hê. 13:8). Ma-thê có nền tảng Kinh Thánh đúng đắn, rằng anh trai của cô sẽ được sống lại từ cõi chết trong ngày cuối cùng (Giăng 11:24), nhưng tại sao Chúa lại phải trì hoãn không đến ngay? Đức Chúa Giê-su chính là sự sống lại và sự sống (Giăng 11:25)! Sự hiện diện của Đức Chúa Giê-su chính là sự hiện diện của năng quyền và sự đắc thắng mọi kẻ thù, kể cả sự chết. Đức Chúa Giê-su đã khiến La-xa-rơ sống lại từ cõi chết, và kết quả là rất nhiều bạn hữu của Ma-ri và Ma-thê đã đặt đức tin nơi Chúa.

“Có nhiều người Giu-đa đã đến cùng Ma-ri và thấy sự Đức Chúa Jêsus làm (thấy Chúa gọi La-xa-rơ sống lại), bèn tin Ngài”

(Giăng 11:45).

Đây cũng chính là phép lạ cuối cùng (phép lạ đầu tiên là Chúa hóa nước thành rượu trong một tiệc cưới) và là một phép lạ vĩ đại mà Chúa thi hành trước công chúng.

Bởi vì Ma-ri ngồi nơi chân Đức Chúa Giê-su và lắng nghe Lời Ngài nên cô có thể đến nơi chân Chúa và trao cho Ngài những gánh nặng trong lòng. Đối với những Cơ Đốc Nhân là người đến nơi chân Đức Chúa Giê-su và yên nghỉ nơi lời hứa của Chúa thì không có gì là tuyệt vọng. Đức Chúa Giê-su có thể trì hoãn câu trả lời của Ngài, nhưng Ngài chậm trả lời không có nghĩa là Ngài từ chối. Hoàn cảnh có vẻ như vô vọng, nhưng Đức Chúa Giê-su Christ chính là niềm hy vọng của chúng ta. “Đức Chúa Jêsus Christ là sự trông cậy chúng ta” (1 Ti-mô-thê 1:1)! Tất cả những gì Ma-thê và Ma-ri phải làm đó là yên nghỉ nơi lời hứa mà Đức Chúa Giê-su đã nhắn gửi qua người đưa tin và mọi việc đều sẽ yên ổn.

3/DÂNG CHÚA ĐIỀU TỐT NHẤT (Giăng 12:1-8)


“Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Chúa Giê-su đến thành Bê-tha-ni, nơi La-xa-rơ ở, là người Ngài đã khiến sống lại từ kẻ chết. Người ta đãi tiệc Ngài tại đó, và Ma-thê hầu hạ; La-xa-rơ là một người trong đám ngồi đồng bàn với Ngài. Bấy giờ, Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Giê-su, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó (một cân dầu cam tùng = 1 năm tiền lương của công nhân = 24 000 USD). Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn đồ về sau phản Ngài, nói rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo? – Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong.  Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta. Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn.” (Giăng 12:1-8)

Trong trải nghiệm đầu tiên, Ma-ri đã ngồi dưới chân Đức Chúa Giê-su và học từ Ngài, chính vì thế cô biết rằng Đức Chúa Giê-su sẽ chết, Ngài sẽ được chôn và sau đó sống lại (nhóm 12 sứ đồ cũng đã được Chúa thông báo trước về những điều này). Cô quyết định xức dầu Chúa để chuẩn bị cho những sự kiện này. Những người phụ nữ khác có thể đến mộ Chúa từ sáng sớm để chăm lo cho xác Ngài, nhưng họ sẽ chỉ tìm thấy ngôi mộ trống. Ma-ri biết rõ hơn những người phụ nữ khác nên cô không đi cùng họ. Để mua loại thuốc xức này cần phải tốn tiền công của một năm làm việc, nhưng tình yêu thương thì không tính toán đến cái giá phải trả. Ma-ri đã có thể sử dụng thuốc thơm quý giá để xức xác anh trai mình, nhưng bà đã giữ lại điều quý giá nhất cho Đức Chúa Giê-su.

Trong Lu-ca 10 chúng ta thấy có mùi thơm của thức ăn, trong Giăng 11 chúng ta thấy mùi hôi của sự chết, nhưng tại đây trong Giăng 12, chúng ta có hương thơm đầy vinh quang của dầu thơm quý giá tràn ngập căn phòng. Mỗi một gia đình đều có dầu thơm, phụ thuộc vào cách mà họ đối đãi với Đức Chúa Giê-su như thế nào. Khi thi hành chức vụ chăn bầy, tôi thường viếng thăm những gia đình mà tại đó tôi nhận thấy “có mùi không ổn” và không ngoài dự đoán, về sau những điều rác rưởi phải được dọn sạch. Nhưng tôi cũng đã đến nhiều gia đình mà tại đó hương thơm của Đức Chúa Giê-su lan tỏa. “Tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn!” (2 Côr. 2:14-17). Đó chính là điều chúng ta muốn cho căn nhà của mình.

Trong Lu-ca 10 chúng ta nghe Ma-thê chỉ trích Đức Chúa Giê-su và Ma-ri khi cô hối hả chuẩn bị bữa tối. Nhưng tại đây trong Giăng 12, Ma-thê đang phục vụ cho một đoàn khách rất đông nhưng không than phiền chút nào. Trải nghiệm của cô với người em gái trong Giăng 11 đã làm tăng lên tình yêu thương giữa họ với nhau và khiến cho tình yêu thương của họ với Đức Chúa Giê-su thêm sâu sắc. Ma-thê đã học được rằng cô phải đến với Đức Chúa Giê-su và để Ngài giúp đỡ. Người anh trai của cô đã sống lại và đó là một phép lạ mà Đức Chúa Giê-su đã làm!

Trong Lu-ca 10 Ma-thê chỉ trích Ma-ri, nhưng tại đây trong Giăng 12, chính Giu-đa và các môn đồ khác đã chỉ trích Ma-ri. Trong mọi mối thông công, thường có ít nhất một người có tính cách giống như Giu-đa, vì những lý do ích kỷ mà họ luôn công kích những người tận hiến. Tôi học được rằng những chỉ trích hiểm độc trong các Hội Thánh thường che đậy một điều gì đó và nếu bạn đủ kiên nhẫn chờ đợi thì sự thật sẽ được phơi bày. Đức Chúa Giê-su bảo vệ Ma-ri. “Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy.34 Ai sẽ lên án họ ư? Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta” (Rô 8:33-34) và tuyên bố rằng những việc cô đã làm cho Chúa sẽ được lan truyền khắp thế giới (Mác 14:9). Chúng ta hãy xem phước hạnh lan tỏa như thế nào: trong Lu-ca 10, Ma-ri là một nguồn phước cho Đức Chúa Giê-su, trong Giăng 11 cô là nguồn phước cho anh trai của mình, còn giờ đây cô là nguồn phước cho cả thế giới. Chúa nói về Ma-ri, Người đã làm điều mình có thể làm được, đã xức xác ta trước để chôn.  Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong khắp cả thế gian, hễ nơi nào Tin lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng sẽ được nhắc lại để nhớ đến người” (Mác 14:8-9)

Ma-ri công khai bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Giê-su một cách thật rộng rời. Những người giống như Giu-đa trong thế giới này sẽ chỉ trích những ai yêu mến Đấng Christ, những ai trao dâng những điều tốt nhất nơi chân Ngài, tuy nhiên những lời chỉ trích không nên là điều khiến chúng ta dừng lại. Ma-ri và Ma-thê đều hầu việc Đức Chúa Giê-su và dâng lên Chúa điều tốt nhất. Họ cũng sống hòa thuận cùng nhau và trở nên nguồn phước cho cả thế giới. Thế còn Giu-đa – người chỉ trích thì sao?

Chúng ta có đang bày tỏ sự hiếu khách đối với Đức Chúa Giê-su không? Chúng ta có đang lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ gánh nặng cho Chúa và dâng Chúa điều tốt nhất? “Tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; 17 đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em” (Êph. 3:16-17). Chúa sẽ đẹp lòng đến dường nào nếu chúng ta yêu thương nhau, suy ngẫm Lời Chúa, hầu việc Chúa, chia sẻ gánh nặng cho Ngài và dâng Chúa điều tốt nhất?

Khi chúng ta thết đãi người khác, đặc biệt là những ai đang thiếu thốn thì chúng ta cũng thết đãi Chúa. Trong ngày phán xét, người công bình sẽ hỏi rằng: “Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?” Đức Chúa Giê-su sẽ đáp rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Mat. 25:37, 40). Khi chúng ta rộng lòng với những người thiếu thốn nghĩa là chúng ta đang rộng rời với Chúa, và Ngài sẽ không quên những công việc đó.

Kết luận: 1 Cô. 13: “Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy/hy vọng, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.”

 Đức tin—lắng nghe Lời Chúa;

 Hy vọng—yên nghỉ trên lời hứa của Chúa;

Tình yêu thương—dâng Chúa điều tốt nhất;

  • ..

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn