Thi Thiên 137 – Trong Âm Nhạc
Thi Thiên 137 là Thi Thiên được sáng tác trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của người Do Thái. Thi Thiên diễn tả tâm trạng của những người xa cách quê hương hoài tưởng lại quá khứ.
Bối Cảnh Lịch Sử
Năm 597 T.C. vua Nebuchadnezza Đệ II của Babylon chiếm Jerusalem. Sau đó, Nebuchadnezza lập Sê-đê-kia, một hoàng thân trong hoàng tộc Do Thái, làm vua vương quốc Giu-đa. Vào năm 589 T.C., sau khi được tin vua Sê-đê-kia liên minh với Ai Cập chống lại Babylon, Nebuchadnezza đem quân đến vây Jerusalem lần thứ hai. Sau 30 tháng bao vây, năm 587 T.C. thành Jerusalem bị chiếm. Quân Babylon giết rất nhiều người Do Thái, hủy phá đền thờ, cung điện, nhà cửa và tường thành Jerusalem. Để ngăn ngừa người Do Thái có thể nổi dậy trong tương lai, vua Nebuchadnezza đem những thành phần ưu tú của dân Do Thái lưu đày tại Babylon và chỉ cho phép những người nghèo ở lại trong xứ.
Thánh Kinh cho biết dân Do Thái làm phu tù tại Babylon 70 năm. Thi Thiên 137 được sáng tác trong thời gian giữa năm 587–538 T.C.
Sơ Lược Nội Dung
Thi Thiên 137 diễn tả tâm trạng của người Do Thái đang sống trong cảnh lưu đày. Bài thơ gồm ba phần. Phần một (137:1-3) mô tả tâm trạng của kẻ lưu đày và nỗi lòng của người đang sống tha hương. Phần hai (137:4-6) thể hiện nổi nhớ quê hương. Trong phần thứ ba (137:7-9), tác giả bộc lộ cảm nghĩ của mình đối với những người đã đưa tác giả và nước Do Thái đến hoàn cảnh hiện tại.
Thi Thiên 137 được phổ nhạc rất nhiều lần. Phần lớn các bài hát chỉ phổ nhạc ý thơ trong phần một và phần hai của Thi Thiên 137, còn những câu thơ trong phần thứ ba thì bị lược bỏ. Đa số các nhạc sĩ cho rằng họ không thể viết nhạc khơi dậy lòng hận thù đã được tác giả nhắc đến trong những câu thơ này. Động lực thúc đẩy tác giả viết những lời thơ đó khác hẳn với quan điểm yêu thương và tha thứ mà Đức Chúa Jesus đã dạy trong Thánh Kinh Tân Ước. Trong khi đó, một số khác cho rằng nếu chúng ta không ở vào hoàn cảnh vợ con bị tàn sát, tài sản bị hủy diệt, quốc gia bị xâm chiếm, bản thân bị lưu đày thì chúng ta không thể nào hiểu thấu lý do vì sao tác giả đã viết lên những lời như vậy.
Trong phần ba của Thi Thiên 137, tác giả bộc lộ sự tức giận với dân Ê-đôm và dân Babylon. Dân Ê-đôm, là dòng dõi của Ê-sau. Ê-sau và Gia-cốp, tổ phụ của người Do Thái, là anh em sinh đôi. Mặc dầu có liên hệ huyết thống với người Do Thái nhưng khi nước Do Thái bị ngoại xâm tấn công, người Ê-đôm chẳng những không giúp đỡ, nhưng đã đồng lòng với kẻ thù tàn phá xứ sở của anh em mình. Phần cuối của bài thơ bày tỏ cảm nghĩ của tác giả đối với người Babylon. Một số người đã phê bình câu kết của bài thơ cổ vũ sự tàn sát trẻ em. Tuy nhiên, Wolfgang Dachstein, một nhà biên soạn thánh ca cùng thời với Martin Luther, cho rằng câu thơ này là lời tác giả trả lời người Babylon khi họ yêu cầu tác giả hãy vui vẻ ca hát. Tác giả đã hỏi lại người Babylon rằng: “Quý vị có vui không khi người ta bắt các con nhỏ của quý vị và đập nát chúng trên đá?” Có lẽ thế hệ những người Babylon đang trò chuyện với tác giả không hiểu rõ những điều mà quân Babylon đã làm tại Jerusalem. Bằng cách đặt câu như vậy tác giả đã khéo léo nhắc lại tội ác của quân Babylon và giúp cho người đối thoại – bằng cách đưa họ vào hoàn cảnh của mình – hiểu rõ vì sao tác giả vẫn u hoài.
Âm Nhạc
Thi Thiên 137 được sáng tác cách đây hơn 2.500 năm. Kể từ đó đến nay, bài thơ được phổ nhạc rất nhiều lần, với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, và được trình bày trong cộng đồng Do Thái giáo cũng như Cơ Đốc giáo.
Giữa thế kỷ 16, Giovanni Pierluigi da Palestrina (1525–1594), Orlando di Lasso (1532–1594) và Nicolas Gombert (1495–1560) đã sáng tác Super Flumina Babylonis dựa trên Thi Thiên 137. Bài hát được viết cho bốn giọng. Lời hát được viết bằng tiếng Latin. Đầu thế kỷ 17, Salamone Rossi (1570–1630), một nhạc sĩ vĩ cầm người Ý, gốc Do Thái, đã sáng tác Al Naharot Bavel (עַל נַהֲרוֹת בָּבֶל). Lời hát dùng Thi Thiên 137 trong nguyên văn Hebrew. Sang thế kỷ 18, Artemy Vedel (1767-1808), nhạc sĩ Ukrainian, đã sáng tác Псалом 136. Псалом 136 trong Kinh Thánh tiếng Nga là Thi Thiên 137 trong Kinh Thánh tiếng Việt.
Trong cộng đồng Do Thái, Thi Thiên 137 được phổ nhạc nhiều lần. Một trong những bài được yêu thích là Al Naharoth Bavel do Meydad Tasa, một ca sĩ ở lứa tuổi thiếu niên trình bày.
Tựa đề: Al Naharoth Bavel. Trình bày: Meydad Tasa
Trong lĩnh vực nhạc thính phòng, vào thế kỷ 19, Franz Liszt (1811-1888), nhạc sĩ phong cầm nổi tiếng người Hungary, đã sáng tác An den Wassern Babylons. Tác phẩm này được biên soạn cho soprano, harp, violin, organ và ban hợp xướng. Nhạc sĩ Charles-Valentin Alkan (1813–1888), người Pháp, đã biên soạn Super Flumina Babylonis (Op. 52). Giuseppe Verdi (1813–1901), một nhạc sĩ người Ý, đã sáng tác opera Nabucco, trong đó có ca khúc Va, Pensiero dựa trên Thi Thiên 137. Ca khúc này mô tả tâm trạng đau buồn của những người nô lệ người Do Thái.
Va, Pensiero – Giuseppe Verdi
Trong giới nhạc trẻ, tác phẩm Rivers of Babylon do Brent Dowe và Trevor McNaughton thuộc nhóm The Melodians sáng tác vào năm 1970, được Boney M. trình bày vào năm 1978 là tác phẩm nổi tiếng nhất. Bài hát này được một số ca sĩ Tin Lành trình bày.
Thi Thiên 137 – Va, Pensiero – Giuseppe Verdi
Trong những bản thánh nhạc hiện đại, City of Sorrows của Fernando Ortega là bài hát được sáng tác dựa trên Thi Thiên 137.
Châu Thanh
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org