THẬT THÚ VỊ khi khám phá những gì người ta tưởng Đức Chúa Trời là như vậy. C. S. Lewis kể một câu chuyện hài hước về một cậu học sinh được hỏi về những gì cậu đã hình dung về Chúa. Cậu ta trả lời rằng, theo như anh ta có thể xác định, Chúa là “loại người luôn rình mò để xem có ai đang vui thích với bản thân không rồi tìm cách ngăn chặn điều đó.”1
Đức Chúa Trời thực sự như thế nào? Những người viết Kinh Thánh cổ đại muốn dân Y-sơ-ra-ên được biết, nhưng họ sống trong thời kỳ mà các phương pháp giao tiếp khá hạn chế. Chúng ta có thể tưởng tượng mình đang sống trong một thế giới không có tivi, radio, máy đèn chiếu, trình phát video và đồ họa máy tính không? Những người sống trong thời của Kinh Thánh lúc bấy giờ không có những phương tiện này. Những gì họ có là từ ngữ. Vì vậy họ đã sử dụng từ ngữ để tạo ra những hình ảnh tinh thần về Đức Chúa Trời. Những “hình ảnh từ ngữ” này đặc biệt nổi bật trong các phần thơ văn của Kinh Thánh, nơi có rất nhiều hình ảnh và ẩn dụ.
Sử dụng hình ảnh là một cách tuyệt vời để truyền đạt lẽ thật về Chúa, vì một số lý do. Thứ nhất, những hình ảnh tinh thần dường như lưu lại trong ký ức của chúng ta tốt hơn những giới luật trừu tượng. Hãy nghĩ về một quảng cáo mà chúng ta vừa xem gần đây. Trong tâm trí chúng ta luôn lưu lại một số hình ảnh của những quảng cáo mà chúng ta vừa mới xem! Thứ nhì, hình ảnh tinh thần hấp dẫn cảm xúc cũng như tâm trí. Người ta được thông báo bằng lời nói, nhưng được cảm động bởi những bức tranh nói thay lời. Thứ ba, những hình ảnh trình bày lẽ thật về Đức Chúa Trời có thể dễ dàng được truyền đến cho người khác. Chẳng hạn, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn đều có thể hiểu hình ảnh mà Chúa Giê-su dùng trong lời tuyên bố của ngài, “Ta là người chăn nhân lành.” Trong chương này, chúng ta sẽ xem những hình ảnh mà Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Đức Chúa Trời.
ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ VẦNG ĐÁ CỦA CHÚNG TA
Trong số bảy mươi lăm lần xuất hiện của từ “đá” trong Kinh Thánh, ba mươi ba lần là tượng trưng cho Đức Chúa Trời. Môi-se là người đầu tiên gọi Đức Chúa Trời là “Vầng Đá” (Phục-truyền. 32:4; 32:15), nhưng khi đề cập đến các dân tộc ngoại giáo, Môi-se nói: “Vầng đá của họ không giống Vầng Đá đá của chúng ta” (32:31). Đa-vít công bố rằng, “Đức Giê-hô-va là hòn đá và đồn lũy tôi, Đấng giải cứu tôi. Đức Chúa Trời tôi là hòn đá tôi, nơi tôi sẽ nương náu mình, Là thuẫn đỡ tôi, sừng chửng cứu tôi, Ngọn tháp cao và nơi nương dựa của tôi; Hỡi Đấng che chở tôi!” (2 Sa-mu-ên 22:2-3). Hình ảnh vầng đá cũng nổi bật trong Thi thiên.2
Trong tiếng Hê-bơ-rơ sur, “rock,” không đề cập đến một viên đá hoặc viên sỏi nhỏ, mà là một tảng đá lớn, khối đá, vách đá, hoặc có thể là núi. Chúng ta biết gì về những tảng đá khiến các trước giả Kinh Thánh sử dụng chúng làm hình ảnh cho Đức Chúa Trời? Thứ nhất, những tảng đá lớn không thể chuyển dời được. Chúng có xu hướng đứng yên. Thứ nhì, đá tồn tại rất lâu. Dưới mái vòm của tảng đá đền thờ Giê-ru-sa-lem là tảng đá của Núi Mô-ri-a nơi Áp-ra-ham dâng Y-sác (Sáng thế ký 22). Sau gần bốn nghìn năm, đến nay tảng đá đó vẫn còn. Chúng ta có thể nhìn thấy tảng đá đó khi đến thăm Giê-ru-sa-lem. Thứ ba, những tảng đá có thể đem lại sự che chở. Người ta có thể ẩn sau chúng khi bị kẻ thù tấn công. Thứ ba, đá có thể cung cấp sự bảo vệ. Bạn có thể ẩn sau chúng khi kẻ thù của bạn tấn công. Cả những mũi tên nhọn và đá bắn ra từ ná, đều không thể xuyên thủng một pháo đài bằng đá vững chắc. Những tảng đá lớn cũng có thể tạo ra bóng râm che chắn sức nóng gay gắt của mặt trời trong một vùng hoang dã cằn cỗi đầy đá sỏi.
Với những sự thật này trong tâm trí, chúng ta có thể hiểu tại sao các trước giả Kinh Thánh gọi Chúa là “Tảng đá của chúng ta.” Ngài chắc chắn, vững vàng, không lay chuyển và ban cho sự bảo vệ. Ngài hoàn toàn đáng tin cậy. Ngài không chịu ảnh hưởng của thời gian. Trong khi các pháo đài nhân tạo đổ nát và sụp đổ, Chúa là “vầng đá của các thời đại” (Ê-sai 26:4). Sau hàng ngàn năm, Ngài vẫn không hề thay đổi. Như một tảng đá, Đức Chúa Trời là đồn lũy và nơi ẩn náu của chúng ta (Thi thiên 18:2). Ngài là Đấng mà chúng ta có thể chạy đến khi bị kẻ thù tấn công hoặc gặp lúc đau khổ và khó khăn. Là “hòn đá về sự cứu rỗi tôi” (89:26), Ngài là Nguồn sức lực và sự giải cứu chắc chắn của chúng ta. Người nào nương cậy vào Chúa như Tảng đá mình sẽ được an ninh (62:2, 6).
Ê-sai đề cập đến Đấng Mê-si là “hòn đá vấp ngã, vầng đá vướng mắc cho cả hai nhà Y-sơ-ra-ên, và là bẫy cùng lưới cho dân cư thành Giê-ru-sa-lem vậy” (Ê-sai 8:14). Hễ ai đến với Ngài phải nhận biết Ngài. Một số vấp ngã và Ngài khiến kẻ ấy đổ vỡ để ăn năn. Những kẻ khác vấp ngã và bị chính tảng đá đè nát, tức là họ bị phán xét vì tội lỗi mình. Chúa Cứu Thế cũng là “Hòn đá đã bị người xây nhà bỏ ra” (Thi thiên 118:22; Ma-thi-ơ 21:42). Nhưng ai tin vào Tảng đá này sẽ không hổ thẹn (Ê-sai 28:16; 1 Phi-e-rơ 2:6). Trong thời gian ở đồng vắng, Môi-se đã đập vào hòn đá và nước chảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên đang khát (Xuất 17: 6; Phục truyền 8:15; Thi thiên 78:15). Phao-lô đồng nhất tảng đá này với Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 10:4). Hình ảnh tảng đá trong Kinh thánh cuối cùng chỉ về Chúa Giê-su, Vầng đá cứu rỗi của chúng ta.
ĐỨC CHÚA TRỜI NƠI ẨN NÁU CỦA CHÚNG TA
Hình ảnh Chúa là nơi ẩn náu của chúng ta khá giống với Chúa là vầng đá của chúng ta. Trên thực tế, những hình ảnh này đôi khi xuất hiện dưới dạng các thuật ngữ song song. Trong Thi thiên 62:7 Đa-vít viết rằng Đức Chúa Trời “Hòn đá về sức lực tôi, và nơi nương náu mình.” Từ nguyên Hê-bơ-rơ hasa, “tìm nơi ẩn náu,” và danh từ mahseh, “nơi ẩn náu” được sử dụng chủ yếu trong Thi thiên và các sách văn thơ khác. Những từ này được sử dụng theo nghĩa đen là trú ẩn khỏi cơn mưa bão (Ê-sai 4:6; 25:4) hoặc trú ẩn khỏi nguy hiểm trên các núi cao (Thi thiên 104:18). Nhưng những từ này thường được dùng theo nghĩa bóng để nói về việc tìm kiếm sự nương tựa nơi Đức Chúa Trời.
Những trước giả Thi thiên thường xác định Đức Giê-hô-va là nơi ẩn náu. “Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi, tôi nương náu mình nơi Ngài” (7:1). “Tôi nương náu mình nơi Đức Giê-hô-va” (11:1). “Linh hồn tôi nương náu nơi Chúa” (57:1). “Thà nương náu mình nơi Đức Giê-hô-va còn hơn tin cậy loài người” (118:8).
Những trước giả Thi thiên muốn nói gì về hình ảnh này? Rõ ràng là Đức Chúa Trời không đem đến sự bảo vệ theo cách mà những bức tường phòng thủ hay một pháo đài vững chắc ở đời nầy mang lại. Lấy Đức Chúa Trời làm nơi nương náu nghĩa là “tin cậy” nơi Ngài. Đây là hình ảnh có tính văn thơ thể hiện sự tin chắc vào Đức Chúa Trời quyền năng của chúng ta, Đấng cung cấp sự an toàn cho những người không nơi nương tựa, gặp cảnh khó khăn. Như những núi cao cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho những người đang gặp gian nguy (Giô-suê 2:22), Đức Chúa Trời là “nơi nương náu vững bền” (Thi 71:7). Ngài như một “cái thuẫn cho mọi người nương náu mình nơi Ngài” (2 Sa-mu-ên 22:31).
Trong tiếng Hê-bơ-rơ có một từ khác được sử dụng để chỉ các thành ẩn náu (Dân số ký 35), người ta không thể không thấy mối liên hệ giữa họ và Đức Chúa Trời như một nơi ẩn náu. Sáu thành lánh nạn đã cung cấp nơi cư trú cho một người Y-sơ-ra-ên phạm tội ngộ sát. Chừng nào kẻ có tội vẫn còn trong các bức tường của thành, kẻ báo thù huyết không thể thi hành hình phạt. Cũng giống như vậy, Chúa Giê-su Christ là “nơi nương náu” cho những tội nhân (Hê-bơ-rơ 6:18). Ngài là nơi nương náu vững bền và an toàn cho những ai tin cậy nơi Ngài.
Trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY
Translated by VMI