Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Mặc Khải Đặc Biệt là Gì?

Mặc Khải Đặc Biệt là Gì?

NHU CẦU CHO MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

Trong khi bản chất tự nhiên của con người và cõi sáng tạo bày tỏ một số điều về Đức Chúa Trời. Tuy nhiên những điều này không được thiết kế để chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ về Ngài và ý muốn Ngài cho chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho chính Ngài. Đức Chúa Trời sáng tạo chúng ta để chúng ta thiết lập mối quan hệ với Ngài. Nhìn vào sự xinh đẹp và trật tự hài hòa trong vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va biết đến các tác phẩm của Đức Chúa Trời, nhưng nếu muốn nhận biết Ngài cách cá nhân họ phải giữ mối tương giao gần gũi với Ngài. Từ buổi bình minh của lịch sử con người, Đức Chúa Trời không chỉ bày tỏ chính Ngài qua cõi sáng tạo, nhưng cũng bày tỏ trực tiếp bằng các lời của Ngài.

Ngắm nhìn cõi sáng tạo và suy ngẫm về bản chất của chúng, có thể sẽ không bao giờ giúp cho A-đam và Ê-va đi đến chỗ nhận biết ý muốn Đức Chúa Trời và mục đích Ngài dành cho cuộc đời của họ là cai quản trái đất (Sáng thế ký 1:26-28), và chăm sóc khu vườn (2:15). Đức Chúa Trời đã giao nhiệm vụ này cho họ thông qua các lời (words). Chúng ta không biết đầy đủ các chi tiết về sự giao tiếp giữa Đức Chúa Trời với tổ phụ loài người. Tuy nhiên từ “đi ngang”  trong Sáng thế ký 3:8, “Lối chiều,nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” cho biết rằng đó là một sự xuất hiện thường xuyên của Ngài. Từ này cũng được dùng khi đề cập đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đền tạm. Vì vậy một người nghiên cứu Kinh thánh kết luận rằng vườn Ê-đen cũng như đền tạm là nơi chốn Đức Chúa Trời hiện diện, và rằng “có thể một cuộc trò chuyện hàng ngày giữa Đấng Toàn năng và các sinh vật của Ngài là thông lệ”1   Vì vậy, ngay từ ban đầu, mặc khải phổ quát thông qua tự nhiên đã cung cấp nền tảng cho giao tiếp bằng lời nói cá nhân.

 

Sự xâm nhập của tội lỗi vào thế giới làm tăng nhu cầu giao tiếp cá nhân. Thông qua tự nhiên và lương tâm, lịch sử bày tỏ rằng con người đi đến một nhận thức là có Đức Chúa Trời, và Ngài thiết lập thế giới loài người trên những nguyên tắc của luật đạo đức. Con người cũng có ý thức là không ai có thể sống và thực hành kiên định trên những luật này. Nhưng không nơi nào trong tự nhiên hay trong chính con người mà chúng ta tìm ra lối thoát cho tình huống khó xử này.

Lịch sử của các tôn giáo bày tỏ rằng khi con người không nhận được khải thị đặc biệt của Đức Chúa Trời, họ không tìm thấy sự giải thoát thực sự khỏi cảm giác tội lỗi. Các tôn giáo được xây dựng lên để tìm câu trả lời, nhưng ngoại trừ sự khải thị đặc biệt, thì những người sùng đạo vẫn còn bị mắc kẹt với những kiến thức họ có trong khải thị phổ quát. Họ biết họ phải sống theo những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể. Nhưng họ không thể. Do đó họ thiết lập nhiều phương cách để bù đắp cho sự thất bại của họ.

Không thể tránh khỏi các tôn giáo được thành lập dựa trên sự mặc khải phổ quát là những tôn giáo của công đức/việc làm. Không nhận được sự khải thị đặc biệt về sự tha thứ của Đức Chúa Trời xuyên qua Đấng Christ, họ không bao giờ được yên nghỉ với những gánh nặng của tội lỗi. Trước giả Thi thiên đã viết, “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi. 19:1) và “Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại” (Thi. 19:7).

Sự mặc khải đặc biệt bổ sung một số chân lý còn thiếu trong sự khải thị phổ quát về Đức Chúa Trời trong cõi sáng tạo, và nó cũng khiến cho con người có khả năng để nhìn xem các lẽ thật trong sự mặc khải phổ quát chính xác. Cho đến khi một người được phục hòa với Đức Chúa Trời nhờ vào mối liên hệ cá nhân với Chúa Giê-su Christ, thì người người đó mới có thể nhìn xem thế giới trong lăng kính của Đức Chúa Trời. Chỉ có sự soi sáng của Đức Chúa Trời mới có thể mở đôi mắt bị mù vì tội lỗi.  Người nào nói đến sư vinh hiển của Đức Chúa Trời trong các từng trời là một người tin kính Ngài. Nhưng một người vô thần nhìn vào các từng trời, anh ta sẽ đưa ra một kết luận khác. John Calvin, nhà cải chánh vĩ đại của Pháp, đã minh họa một cách khéo léo sự cần thiết của khải thị đặc biệt cho một người đọc “quyển sách của tự nhiên” một cách chính xác, “Cũng giống như những người đàn ông già hoặc mắt mờ và những người có thị lực yếu, nếu bạn ném trước mặt họ một tập sách đẹp nhất, ngay cả khi họ nhận ra đó là một loại văn bản nào đó, nhưng họ khó có thể đọc ra hai từ, nhưng với sự hỗ trợ của kính đeo mắt họ sẽ bắt đầu đọc một cách rõ ràng; vì vậy  tập họp những  hiểu biết về Đức Chúa Trời còn lộn xộn trong tâm trí chúng ta qua mặc khải phổ quát thì Kinh thánh đã giải tán sự buồn tẻ của chúng ta, cho chúng ta thấy rõ một Đức Chúa Trời chân thật.”2                          Sự mặc khải đặc biệt mà qua đó Đức Chúa Trời giao tiếp trực tiếp theo cách cá nhân, do đó rất quan trọng đối với đời sống con người. Từ buổi ban đầu con người được tạo dựng để giao tiếp với Đức Chúa Trời. Khi tội lỗi bước vào trong dòng dõi loài người, nó phá vỡ sự thông công này. Nhưng kế hoạch của Đức Chúa Trời yêu thương là phục hồi sự gãy đổ. Điều này đòi hỏi Đức Chúa Trời của ân điển phán với chúng ta qua sự mặc khải đặc biệt.

 

NHỮNG HÌNH THỨC CỦA SỰ MẶC KHẢI ĐẶC BIỆT

Đức Chúa Trời giao tiếp với chúng ta bằng cách nào? Một số học giả nói rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài trong các hành động quyền năng xuyên suốt lịch sử, và không qua Lời. Một số khác chỉ ra rằng sự mặc khải cá nhân về Đức Chúa Trời được bày tỏ trong Đấng Christ. Bởi vì Đấng Christ được gọi là Ngôi Lời (Giăng 1:1), họ lập luận rằng những lời của Kinh thánh không phải là Ngôi Lời. Những quan điểm như thế đòi hỏi chúng ta phải tra xét cẩn thận những gì Kinh thánh nói về sự mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời.

Trước giả sách Hê-bơ-rơ công bố, “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, 2 rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian » (Hê-bơ-rơ 1 :1-2). Tại tuyên bố này gợi ý, mặc khải đặc biệt cũng bao gồm một loạt các phương pháp khác, lên đến đỉnh điểm là sự xuất hiện của Con Đức Chúa Trời.

Các biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được (Theophanies).

Phương cách nổi bật mà Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài từ buổi bình minh của lịch sử được ghi lại trong Kinh thánh là thông qua các biểu hiện có thể nhìn thấy được cho con người về Đức Chúa Trời. Từ theophany  có nguồn gốc từ hai từ Hy-lạp là Theos (Đức Chúa Trời) và phaino (hiển thị hoặc xuất hiện). Vì vậy Theophany là sự xuất hiện của Đức Chúa Trời.

Trong một số trường hợp các hình thức của sự xuất hiện Đức Chúa Trời không được bày tỏ. Ví dụ, khi Kinh thánh ký thuật, “Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ram” (Sáng. 12:7). Trong những trường hợp khác Kinh văn chỉ ra rằng Đức Chúa Trời đã có những hình thức khác nhau để làm cho chính Ngài được biểu hiện. Trong một cơ hội, Áp-ra-ham bày tỏ long hiếu khách chào mửng ba người đàn ông đến trong nhà trại của mình. Hai người trong số họ là thiên sứ, nhưng người thứ ba là chính Đức Chúa Trời. “Áp-ra-ham nhưng mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt. Vừa khi thấy, bèn bắt từ cửa trại chạy đến trước mặt ba người đó, sấp mình xuống đất” (Sáng. 18:2). “các đấng bèn từ đó đi qua hướng Sô-đôm; nhưng Áp-ra-ham hãy còn đứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va.  Áp-ra-ham lại gần và thưa rằng: Chúa sẽ diệt người công bình luôn với người độc ác sao?” (câu 22-23). “Lối chiều, hai thiên sứ đến Sô-đôm; lúc đó, Lót đương ngồi tại cửa thành. Khi Lót thấy hai thiên sứ đến, đứng dậy mà đón rước và sấp mình xuống đất” (19:1).

Con người bí ẩn mà đã vật lộn với Gia-cốp tại Phê-ni-ên cũng là một hình thức xuất hiện của Đức Chúa Trời. Gia-cốp đã nói, “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu” (câu 30).
Nhiều lần sự xuất hiện của Đức Chúa Trời được Kinh thánh mô tả là “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va.”  Chúng ta đọc trong Xuất. 3:2, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra cùng người (Môi-se) trong ngọn lửa, giữa bụi gai kia.”  Và thiên sứ này cũng hiện ra trong hình dáng của một con người, và Kinh văn làm cho điều này sáng tỏ người đó không phải là thiên sứ bình thường. Một số điều về sự xuất hiện của thiên sứ hoặc thông điệp tiên tri của ông đã nói với A-ga khi bà đang trốn chạy trong sa mạc, “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va dạy nàng rằng: Ngươi hãy trở về chủ ngươi …

Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?” (Sáng. 16:9-13). Từ sự hiện ra đáng kinh sợ, cùng với lời tiên tri và cách mà “thiên sứ của Đức Giê-hô-va cũng lên theo trong ngọn lửa của bàn thờ” (Các quan xét 13:20), cha mẹ của Sam-sôn  biết đó là thiên sứ của Đức Giê-hô-va, và cũng là Đấng họ nhận biết là Đức Giê-hô-va (Các quan xét 13:3-23; cũng xem 6:11-24).

 

Mặc dù không phải là “theophanies” theo nghĩa đen, thiên sứ đã xuất hiện trong các giấc mơ (Sáng. 31:11-13) và nói chuyện với từng cá nhân mà không có bất kỳ hình dáng rõ ràng nào (ví dụ, 22:11-12). Nhiều sinh viên trường Kinh thánh tin rằng thiên sứ của Đức Giê-hô-va không phải ai khác nhưng là chính là Con Đức Chúa Trời mà sau này đã giáng sinh tại Bết-lê-hem. Mặc dù điều này có thể không được kết luận, nhưng thực tế là Ngài có thể tha thứ tội lỗi và việc Ngài mang danh Đức Chúa Trời cho thấy rõ ràng rằng Ngài là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Theo một nghĩa khác, sự xuất hiện của Đấng Christ trong thân xác con người cũng là một biểu hiện về Đức Chúa Trời mà con người có thể nhìn thấy được, nhưng nó khác với tất cả những điều còn lại. Trong những trường hợp khác, Đức Chúa Trời chỉ mặc lấy một hình dạng khi Chúa Giê-su giáng sinh, Đức Chúa Trời Con đã mặc lấy chính Ngài trong bản chất con người xác thực.

 

Các giấc mơ và khải tượng

Mặc dù các giấc mơ không đóng vai trò chính trong sự mặc khải, vào một số trường hợp quan trọng, đặc biệt là trong sách Sáng thế ký và Đa-ni-ên, Đức Chúa Trời truyền thông điệp đến các đầy tớ Ngài thông qua các giấc mơ. Một trường hợp được nhiều người biết đến là Gia-cốp nhìn thấy một cái thang từ đất nối lên đến trời (Sáng. 28:12-16) và giấc mơ của Giô-sép liên quan đến vị trí lãnh đạo trong tương lai của ông (Sáng. 37:5-7, 9). Sa-lô-môn trong 1 Các vua 3:5 và Giô-sép, chồng của Ma-ri cũng nhận được các giấc mơ mà qua đó Đức Chúa Trời bày tỏ khải thị thiên thượng.

Các giấc mơ không chỉ giới hạn trong dân sự của Đức Chúa Trời, Ngài cũng bày tỏ kế hoạch tương lai của Ngài trong giấc mơ cho Pha-ra-ôn ở Ai-cập và Nê-bu-cát-nết-sa ở Ba-by-lôn (Sáng. 41:1-7; Đa-ni-ên 2:3, 31-35). Tuy nhiên trong cả hai trường hợp này sự giải thích giấc mơ thuộc về người của Đức Chúa Trời. Hầu hết những giấc mơ mặc khải này đều bao gồm lời nói của Đức Chúa Trời, nhưng với giấc mơ của Giô-sép chỉ bày tỏ về chính ông và các anh em của ông.

Các khải tượng phổ biến hơn nhiều như một phương tiện mặc khải, đặc biệt là đối với các nhà tiên tri. Trong một số trường hợp những gì đượcnhìn thấy được mô tả trong một cảnh tượng. Ê-xê-chi-ên đã nhìn thấy đền thờ Giê-ru-sa-lem trong một khải tượng (Ê-xê-chi-ên 8:3). Tuy nhiên những gì A-mốt nhìn thấy liên quan đến Israel (A-mốt 1:1) và cũng liên quan đến việc nghe hoặc nhận thức các lời. Các khải tượng thường được nối kết với các tiên tri nhiều đến nỗi họ được gọi là “những người nhìn thấy” (ví dụ, 2 Sa-mu-ên 24:11; 1 Sử ký 9:22; 2 Sử ký 16:7; 29:30).

Giao tiếp trực tiếp

Đức Chúa Trời thường xuyên phán trực tiếp với con người. Các cụm từ này thường xuyên xuất hiện trong Kinh thánh: Đức Chúa Trời phán, có lời của Đức Giê-hô-va đến với tôi. Trong một số trường hợp dường như đây là tiếng nói có thể nghe được bằng tai, như Phao-lô nghe một tiếng phán từ trên cao (Công vụ 9:4) và chàng trai trẻ tuổi Sa-mu-ên nghe tiếng phán của Chúa (1 Sa-mu-ên 3:4, 6, 8, 10-14). Trong những trường hợp khác, dường như là một tiếng nói từ bên trong hướng dẫn dân sự của Đức Chúa Trời giống như khi chúng ta giữ yên lặng trong khi cầu nguyện với Chúa và nghe tiếng Ngài phán. Khi một thiên sứ của Chúa ra lệnh cho Phi-líp đuổi theo hoạn quan Ê-thi-ô-pi (Công vụ 8:29), hay khi Đức Thánh Linh bảo Phi-e-rơ rằng có ba người đang tìm ông (Công vụ 10:19), hay khi hội thánh sai phái Phao-lô và Ba-na-ba đi truyền giáo (13:2). Những trường hợp này có thể là nghe được tiếng nói của Đức Chúa Trời từ bên trong. Loại tiết lộ này có thể là những gì Phao-lô nhận được từ Đấng Christ trong thời gian ông ở sa mạc A-ra-bi (Ga-la-ti 1:11-17).

Một trường hợp duy nhất Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với Môi-se được ghi trong Xuất Ê-díp-tô ký 33:11, “Đức Giê-hô-va đối diện phán cùng Môi-se, như một người nói chuyện cùng bạn hữu mình.” Khi Mi-ri-am và A-rôn đặt câu hỏi về uy quyền của Môi-se, Đức Chúa Trời phán rằng Ngài nói chuyện với họ xuyên qua các khải tượng và giấc mơ, nhưng với Môi-se thì khác.  Đức Chúa Trời nói về Môi-se: “Tôi tớ Môi-se ta không có như vậy, người thật trung tín trong cả nhà ta. Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng, một cách rõ ràng, không lời đố, và người thấy hình Đức Giê-hô-va” (Dân số ký 12:7-8). Điều này bày tỏ sự thân mật trực tiếp giữa Đức Chúa Trời và Môi-se.

 

(còn nữa)

 

Trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Translated by VMI

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn