Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Tôi Là Người Được Phước

Tôi Là Người Được Phước

Ma-ri bèn nói rằng:
Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
Lu-ca 1:46
_
Các nhà thần học chính thống Hy lạp gọi Ma-ri là theotokos có nghĩa “người cưu mang Chúa.” Đó là vinh dự cao cả, thánh thiện mà Ma-ri đã chấp nhận với một đức tin khiêm nhường. Tuy nhiên nhiều tín hữu cho rằng vinh dự này đã nâng cao Ma-ri đến nỗi tấm gương của bà vượt xa mọi thứ chúng ta có thể hy vọng đạt được, và chúng ta không nên cố gắng làm điều đó. Với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hy vọng bước theo tấm gương tin kính nhiệt thành của Ru-tơ, hay tấm gương cầu nguyện của An-ne. Nhưng tấm gương cống hiến của Ma-ri thì nhiều tín hữu không thể đạt được!
Giữ quan điểm như trên đây là sai. Ma-ri không bao giờ tìm kiếm vinh hiển cho riêng mình, thay vì vậy, bà nói, “linh hồn tôi ngợi khen Chúa.” Ê-li-sa-bét ca ngợi, “Ngươi (Ma-ri) có phước giữa vòng những phụ nữ, thai trong lòng ngươi cũng được phước” (Lu-ca 1:42). Lưu ý, câu này không nói: ngươi có phước vượt lên trên tất cả những phụ nữ khác. Sụ thụ thai của Ma-ri là phép lạ duy nhất, nhưng trong những phương diện khác Ma-ri cũng giống như bất kỳ phụ nữ nào ngày hôm nay tìm kiếm vinh hiển dâng về Chúa. Lời nói cuối cùng trong Tân ước của bà là: “Hãy làm theo bất cứ điều gì mà Giê-su truyền bảo cho anh” (Giăng 2:5). Và lần xuất hiện cuối cùng của bà được ghi lại trong Công vụ. 1:12-15. Ở đó bà đang nhóm cầu nguyện chung với 119 tín hữu khác, để chờ đợi sự giáng lâm của Đức Thánh Linh. Nếu chúng ta muốn dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời trong các mục vụ, thì Ma-ri là một tấm gương sáng. Dĩ nhiên Ma-ri có một vị trí độc nhất trong Kinh Thánh, và chúng ta có thể học được các bài học quí báu từ người phụ nữ đặc biệt này.
CHÚNG TA PHẢI NHẬN ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Ân điển là sự ban cho của Chúa đến với con người mặc dù con người không xứng đáng để nhận. Ân điển này ban xuống cho tất cả nhân loại. Thiên sứ Gáp-ri-ên nói với cô thôn nữ ở Na-xa-rét, “Hỡi người được ơn lớn, mừng cho ngươi; Chúa ở cùng ngươi. Ma-ri nghe nói thì bối rối, tự hỏi rằng lời chào ấy có nghĩa gì. Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn lớn trước mặt Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 1:29-30). Điều này không có nghĩa phẩm hạnh và tư cách của Ma-ri quá tuyệt vời nên khiến cô nhận được ân ban từ Chúa. Bởi vì ân điển không thể giành lấy được. Ân điển là món quà mà Đức Chúa Trời ban cho những người không xứng đáng thừa nhận nhu cầu của họ và tiếp lấy món quà của Ngài bằng đức tin.
Lời chào mừng của thiên sứ, “ngươi đã được ơn lớn trước mặt Đức Chúa Trời” là cách chuyển ngữ từ tiếng Hy lạp được sử dụng hai lần trong Tân Ước: Lu-ca 1:28 và Ê-phê-sô 1:6. Chúng ta đọc thấy, “…để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài (His glorious grace) đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!” (Ê-phê-sô 1:6). Trong ngôn ngữ Hy Lạp lời chào mừng trên có nghĩa là “ngươi được ban cho ân điển”. Nói cách khác những lời thiên sứ nói với Ma-ri, thì Đức Chúa Trời cũng phán lời ấy với mỗi tín hữu. Tất cả chúng ta đều được “ban ơn bởi ân điển của Chúa”. Weymouth dịch rõ nghĩa của Ê-phê-sô 1:6: “Ngài đã làm giàu cho chúng ta trong Con yêu dấu.”
Trong trường hợp này, chúng ta có thể theo tấm gương của Ma-ri là người khao khát tôn vinh Chúa trong tất cả những gì cô ấy đã làm. Điều huyền nhiệm không phải là khả năng của tạo vật nhưng là ân sủng của Đấng sáng tạo. Ma-ri là một cô gái nghèo, nhưng dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời thì không tùy thuộc vào của cải vật chất nơi con người. Cô thuộc về một chủng tộc không được coi trọng trong đế quốc Rô-ma, nhưng sự vâng lời không đòi hỏi quyền công dân đặc biệt. Ma-ri đến từ Na-xa-rét, một thị trấn mà ngay cả người Do Thái cũng coi thường, “há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:46). Nhưng khi Đức Chúa Trời ban phước, Ngài không thiên vị một địa danh đặc biệt nào. Tất cả những điều mà mọi người trên thế giới yêu cầu là chúng ta phải có một số điều kiện nhất định để nhận được sự chấp thuận, ân sủng thì không phải như vậy.
Đọc lại bài ca ngợi của Ma-ri trong Lu-ca 1:46-55, và lắng nghe sứ điệp nó công bố: Ân sủng của Chúa đã đảo lộn mọi thứ trên thế giới này! Các đầy tớ khiêm nhường được ban phước và kẻ kiêu ngạo bị hạ xuống. Người yếu được ban cho sức mạnh đáng kinh ngạc, nhưng những kẻ có thế lực bị lật đổ khỏi ngai vàng và “những người vô danh” thay thế họ. Kẻ đầy đủ trở nên đói trong khi người đói được dư dật, và người giàu trở nên phá sản trong khi người nghèo được giàu. Đó là ân sủng! Theo Kathleen Norris, bài ca của Ma-ri tấn công vào hệ thống chính trị đương thời đến nỗi trong những năm 1980, chính phủ Guatemala đã cấm mọi người đọc hoặc học thuộc lòng nó. Bài ca ấy có “làm đảo lộn” cuộc sống của chúng ta?
Ân sủng của Đức Chúa Trời đã biến đổi một Gia-cốp gian manh trở nên tổ phụ của mười hai chi phái Israel. Ân sủng đó đã biến đỗi một Ghê-đê-ôn nhát sợ trở nên một dũng sĩ đứng lên tiêu diệt kẻ thù. Ân sủng cũng khiến cho Ru-tơ một phụ nữ ngoại bang trở nên tổ mẫu của vua Đa-vít. Và từ dòng dõi vua Đa-vít, Đấng Mê-si đến trần gian. Ân sủng biến đổi Sau-lơ hung bạo khủng bố đạo Chúa trở thành sứ đồ Phao-lô – nhà truyền giáo quyền năng và thần học gia của hội thánh đầu tiên. Không có gì phải ngạc nhiên khi Robert Robinson đã viết:
Đến với ân sủng, tôi là một con nợ lớn
Lòng tốt của Ngài, giống như một sợi dây xích yêu thương
Cột chặt những suy nghĩ vẩn vơ của tôi vào Ngài
Ma-ri bày tỏ thái độ khiêm nhường khi nói với thiên sứ, “tôi đây là tôi tớ Chúa. Xin sự ấy xảy đến cho tôi như lời người truyền” (Lu-ca 1:38). Ma-ri tập chú đến Đức Chúa Trời và những gì Ngài sẽ làm. Không giống như thầy tế lễ Xa-cha-ri đặt câu hỏi với thiên sứ khi nghe thông báo về sự ra đời của Giăng Báp-tít: “Bởi sao tôi biết được điều đó? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi.” (Lu-ca 1:18). Theo một tâm trí bình thường, thì làm sao một nữ đồng trinh lại có thể thụ thai và sinh con trai? Gáp-ri-ên giải thích cho Ma-ri biết, “Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 1:35). Đây là một phép lạ, bởi vì “không có gì là không thể đối với Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35-37). Weymouth đã dịch câu 37, “không có lời hứa nào từ Thiên Chúa mà không thể thực hiện được.” và tác giả giải thích rằng “không thể thực hiện” có nghĩa là “bất lực, không có quyền năng.” Trong một bản dịch của phiên bản American Standard Version năm 1901 dịch câu 37 là, “Không có một lời nào của Đức Chúa Trời sẽ mất hiệu lực.” Đức Chúa Trời phát ngôn và khai phóng quyền năng biến đổi trong mọi thời đại!
Đức Chúa Trời sáng tạo nên muôn vật, và giữ cho chúng đứng vững bởi Lời quyền năng Ngài. “Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy Lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật” (Hê-bơ-rơ 1:3). Và cũng Lời ấy, Chúa hoàn thành các phép lạ trong đời sống của các tôi tớ Ngài từ Môi-se đến Phao-lô. Đức Chúa Trời ban phát Lời Ngài. Ma-ri tin Lời ấy, và Chúa Giê-su được hoài thai bên trong cơ thể Ma-ri. Chúa Giê-su truyền lệnh bằng Lời biến nước thành rượu, dẹp tan cơn bão, chữa lành kẻ đau, kêu gọi người chết sống lại. Quyền phép của Đấng Rất Cao che phủ Ma-ri dưới bóng Ngài. Con Thánh được sinh ra từ một người nữ khiêm nhu. Cuộc đời Ma-ri phản chiếu ra vinh quang của Thiên Chúa.
Bài ca ngợi của Ma-ri với những từ ngữ xinh đẹp có những nét tương đồng với bài ca của An-ne trong Cựu ước (1 Sa-mu-ên 2:1-10). Không chắc là gia đình của Ma-ri sở hữu bất kỳ cuộn sách Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nào, nhưng cô đã nghe những đoạn Kinh thánh này được đọc trong các nhà hội và chúng đã khiến nhiều người nhớ đến. Ma-ri có thể đã rất thích các Thi thiên, bởi vì cô đã ám chỉ đến các câu sau từ Thi thiên: 71:19; 89:10; 98:3; 111:9; 103:13, 17; và 107:9 trong bài ca của mình.
Khi chúng ta tin vào các lời hứa của Đức Chúa Trời và áp dụng các Lời ấy, Đức Thánh Linh sẽ hành động xuyên qua Lời, và khai phóng quyền năng của Ngài để hoàn thành mục đích Ngài trên cuộc đời chúng ta. Đức Thánh Linh viết Lời thành văn là Kinh Thánh để bày tỏ và làm vinh hiển Chúa Giê-su. Ngài hành động xuyên qua Lời khi chúng ta vâng phục và tin cậy Đức Chúa Trời hành động. Như Ê-li-sa-bét đã nói với Ma-ri, “Phước cho người đã tin, vì lời Chúa truyền cho sẽ được ứng nghiệm!” (Lu-ca 1:45). Nhưng hãy nhớ rằng sự ban phước của Chúa không chỉ dành cho Ma-ri, mà còn cho tất cả những ai tiếp nhận và áp dụng Lời Chúa.
CHÚNG TA PHẢI VÂNG PHỤC Ý MUỐN CỦA CHÚA
Ma-ri khiêm nhường tự nhận là “tôi tớ của Chúa” (Lu-ca 1:38, 48). Bản Kinh Thánh King James Version, dịch từ này hầu gái hay tớ gái. Có thể Ma-ri nhớ lại những lời của Ru-tơ nói với Bô-ô trong Cựu ước (Ru-tơ 3:9) hoặc là lời cầu nguyện của An-ne (1 Sa-mu-ên 1:11). Ma-ri có thể không hiểu tất cả các chi tiết xảy ra trong cuộc sống của mình, nhưng chắc chắn cô ấy đã nhận ra ý nghĩa của nó đối với cô và Giô-sép. Cô là một trinh nữ chưa kết hôn chính thức, nhưng bây giờ lại mang thai. Mọi người chung quanh sẽ nói sao về điều đó? Ma-ri phải chịu hiểu lầm, bị tổn thương, một thanh gươm sẽ đâm thấu tâm hồn cô sau này (một sự đau thương lớn) khi Chúa Giê-su bị đám đông chối bỏ và bị nhục hình trên thập giá (Lu-ca 2:35; Giăng 19:25-27)
Tình yêu thương của Chúa dẫn đến ý muốn Ngài cho mỗi đời sống chúng ta. Ý muốn của Chúa đến từ tấm lòng nhân ái của Ngài (Thi thiên 33:11). Chúa Giê-su tiếp nhận ý chỉ của Đức Chúa Trời như là một sự nuôi dưỡng dành cho Ngài, đó không phải là sự trừng phạt. Ngài tuyên bố với các môn đồ, “Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến.” (Giăng 4:31-34). Lời này khích lệ chúng ta làm theo ý muốn Chúa và dâng vinh hiển cho Ngài. Biết ý muốn của Chúa thì chưa đủ, chúng ta phải sẵn sàng làm theo ý muốn Ngài (Ê-phê-sô 6:6). Đức tin dẫn đến việc làm, và việc làm qui vinh hiển về cho Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 5:16).
Đôi khi vâng lời Chúa sẽ gặp nhiều khó khăn và đau đớn. Nhưng không vâng lời thì thậm chí còn đau đớn hơn. Khi vâng lời Chúa, những khó khăn là bài huấn luyện trắc nghiệm cho chúng ta, khi chúng ta không vâng lời Ngài, chúng sẽ chống lại chúng ta. Ý muốn của Đức Chúa Trời trở nên hoàn hảo khi chúng ta vâng lời Ngài. Hoặc là ý muốn đó kỷ luật chúng ta khi chúng ta từ chối Ngài. Nhưng dù bằng cách nào, Chúa thấy rằng ý muốn của Ngài vẫn sẽ được thực hiện. Thật không dễ dàng cho Ma-ri khi nghe những người khác công kích Chúa Giê-su và nhìn thấy cách họ đối đãi với Ngài. Nhưng đó là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời.
Một ngày kia, trong khi Chúa Giê-su đang giảng dạy, một phụ nữ trong đám đông tuyên bố về Chúa Giê-su, “Phước cho dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú!” (Lu-ca 11:27). Người phụ nữ này muốn nói đến Ma-ri. Chính Ma-ri cũng nhận biết bản thân là một người được phước. Trong bài ca ngợi của mình, Ma-ri nói, “từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước” (Lu-ca 1:48). Đức Chúa Giê-su trả lời người phụ nữ trên đây: “Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!” (Lu-ca 11:28). Ma-ri đã nghe và giữ Lời Chúa, và Đức Chúa Trời thực hiện phần còn lại. Chúng ta cũng phải theo gương mẫu của Ma-ri.
CHÚNG TA PHẢI TÙY THUỘC VÀO THÁNH LINH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta chấp nhận ý muốn của Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài bởi đức tin. Khi đó chúng ta sẽ khám phá rằng Đức Thánh Linh ban quyền năng để chúng ta hoàn thành mọi mạng lệnh của Đức Chúa Trời. “Bởi vì không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu-ca 1:37). Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ma-ri vui mừng và hát rằng, “Đấng Toàn năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh” (Lu-ca 1:49). Đức Chúa Giê-su đã truyền bào các môn đồ phải chờ đợi tại thành Giê-ru-sa-lem, cho đến khi được mặc lấy quyền phép từ trên cao (Lu-ca 24:49). Sách Công vụ các sứ đồ đã ghi lại những việc lớn lao mà Đức Thánh Linh đã làm trong hội thánh đầu tiên qua chức vụ của các sứ đồ, bởi vì họ đã tùy thuộc vào Đức Thánh Linh.
Nhiều hội chúng ngày hôm nay nỗ lực làm việc nhưng không có quyền phép Đức Thánh Linh. Các thành viên quá quen thuộc với “các hoạt động thường nhật” và họ nghĩ rằng tất nhiên chúng phải như vậy. Vì vậy họ tiếp tục sử dụng tiền bạc, các hình thức quảng cáo của hội thánh để lôi kéo con người. Hội chúng phớt lờ sự cầu nguyện, nói rất ít hoặc không nói về các ân tứ thuộc linh; làm việc rất ít để chia sẻ Phúc âm tại gia đình cũng như không quan tâm đến công tác truyền giáo hải ngoại. Sự phục hưng chỉ đến khi chúng ta thừa nhận mình không có khả năng phục vụ Chúa trong sự khôn ngoan riêng và rồi chúng ta tuyệt vọng quay về với Ngài để cầu nguyện tìm kiếm quyền năng của Đức Thánh Linh. A. W. Tozer đã viết trong tác phẩm Sinh Ra Sau Nửa Đêm: “Có thể nói mà không cần dè dặt rằng mỗi Cơ đốc nhân cần phải được đầy dẫy Đức Thánh Linh.”3 Chúng ta có thể thay thế “mỗi Cơ đốc nhân” bằng”mỗi hội thánh.” Lần gần đây nhất bạn có nghe ai đó cầu nguyện nhiệt thành xin Đức Thánh Linh đầy dẫy trên người giảng, người thờ phượng trong hội thánh là khi nào? Khi đã có tất cả các thiết bị công nghệ hỗ trợ về âm thanh, ánh sáng, màn hình chiếu… và những chuyên viên, chúng ta có còn cần đến sự hỗ trợ của các thánh đồ trong lời cầu nguyện xin Thần của Chúa vận hành? Ma-ri đầu phục Đức Chúa Trời và được đổ đầy Đức Thánh Linh. Bài ca ngợi của bà lưu phát ra từ đó. Theo Ê-phê-sô 5:18-21, “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh. 19 Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa. 20 Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, vì mọi sự tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha chúng ta. 21 Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau.” Những câu 19, 20, 21 trong phân đoạn Kinh Thánh này là kết quả tất nhiên của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh.
Từ những cảnh báo trên đây chúng ta sẽ quan tâm đến tất cả những thách thức mà các hội thánh địa phương phải đối mặt ngày nay trong việc tiến cử một mục sư tin kính đến chia sẻ phúc âm với cộng đồng và thế giới ngoại bang.
Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn