Thứ Hai , 23 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / TÂM TÌNH CỦA MỘT MỤC SƯ

TÂM TÌNH CỦA MỘT MỤC SƯ

TÂM TÌNH NGƯỜI SỐNG ĐỨC TIN

Saigon, ngày 7/3/2014,

leminhdat

Sáng nay mình vào bệnh viện lấy tủy, để đánh giá tiến trình điều trị căn bệnh ung thư máu phát hiện hồi tháng 8/2012.

Chọc tủy là một thủ thuật mà bác sĩ sẽ lấy một cái xy-lanh, to như cái xy-lanh chích heo, chọc vào phần xương cánh quạt ở phần mông để lấy tủy đem đi xét nghiệm. Mình hồi nhỏ hay chơi thể thao nên xương hơi cứng một chút. Có khi, bác sĩ phải gồng lấy sức mới chọc thủng vào xương. Khi nằm viện, mình đã lấy tủy 5 lần, nhưng sáng nay thì thực sự lo lắng. Chuyện là, đối diện nhà mình cũng có một người ung thư máu. Khi lấy tủy thì bị trục trặc gì đó, phải lấy 4 lần trong vòng 10 ngày! Kết quả: nhiễm trùng, suýt nữa mất mạng. Bạn sẽ thắc mắc, chỉ nhiễm trùng thôi mà, sao nghiêm trọng đến thế. Sự thật là như vậy. Bệnh nhân ung thư đang trong thời gian đánh thuốc (hóa trị) chỉ cần nhiễm trùng thì khả năng tử vong rất cao.

Để giết thời gian khi nằm trên giường chờ đợi đến lượt (vốn rất kinh khủng!), mình cầm theo cuốn sách Reading for Preaching (Đọc để Giảng) do Viện Thần Học Calvin (tiểu bang Michigan) vừa mới tặng. Năm ngoái (2013) mình nộp thư ứng tuyển chương trình học bổng bồi dưỡng các giáo sư Kinh Thánh dưới 40 tuổi của Viện này, nhưng bị từ chối.

Nhìn lại chuyện học hành của mình, cũng có nhiều chuyện mắc cười. Năm 2002, mình trúng tuyển học bổng Fulbright. Khi vào học, mình thường nói với bạn bè cùng lớp rằng, xưa nay Fulbright chỉ tuyển người giỏi, năm nay (2002) họ đã phạm một sai lầm, ấy là họ đã tuyển mình. Ha.ha.ha.ha. Mình đã lừa được hội đồng tuyển sinh để vào được chương trình học bổng ấy. Đến năm 2008, mình lại lừa được Viện Thần Học Dallas, khiến Viện này nhận mình vào chương trình học bổng cho mục sư dưới 35 tuổi. Năm năm sau, 2013, mình ứng tuyển chương trình dành cho giáo sư dưới 40 tuổi, thì không lừa được Viện thần học Calvin. Hi.hi.hi.hi.

Mình nghe rằng rất nhiều người Mỹ bị tiểu đường. Mình xin bổ sung rằng, ngón tay và bàn phím của họ cũng bị nhiễm đường. Cầm trên tay lá thư từ chối của Viện thần học Calvin, đọc mà nghe ngọt lịm. Đúng là Mỹ. Đại khái rằng, chào anh Đạt, chúng tôi rất vinh dự khi nhận được thư ứng tuyển của anh vào chương trình XYZ. Chúng tôi rất ấn tượng với công việc anh đang làm. Sự cống hiến của anh thật là quý giá. Chúng tôi sẽ rất tự hào nếu có thể nhận anh vào chương trình này. Nhưng vì số đơn ứng tuyển vượt gấp ba lần số chổ chúng tôi có thể cung cấp, nên chúng tôi buộc lòng không nhận anh. Với biết bao tiếc nuối. Rất mong anh sẽ ứng tuyển vào các chương trình khác của chúng tôi. Để ghi nhận sự nỗ lực của anh, chúng tôi xin tặng anh một cuốn sách vừa mới ra lò, còn nóng hổi thơm mùi giấy. Hy vọng anh đọc sẽ thấy vui.

Bạn có nghe mùi đường trong những dòng họ viết không?

Tính mình hảo ngọt, đọc lá thư đậm mùi đường thấy cũng yên ủi khi bị từ chối thâu nhận vào chương trình.

Nhân tiện nói chuyện hảo ngọt. Bác sĩ cảnh báo mình, anh hảo ngọt, coi chừng bị tiểu đường. Vợ mình lại cảnh báo, anh hảo ngọt ra đường coi chừng bị con gái dụ. Ủa, sao cùng một triệu chứng mà đưa đến hai kết quả vậy ta?

Quay lại cuốn sách Reading for Preaching (Đọc để Giảng).

Tác giả của cuốn sách, Cornelius Plantinga Jr.(nickname là Neal), là viện trưởng emeritus của Viện thần học Calvin. Giọng văn của Neal nhẹ nhàng, nhưng đậm chất “văn.” Neal xem mục sư (preacher) là giống cái (!) khi dùng chủ ngữ “she” và đại từ nhân xưng “her.” Điều này khác hẳn với các tác giả khác xem preacher là giống đực (dùng he/his). Mình chưa đọc Hermingway, nhưng nghe thầy của mình nói, Hermingway viết khác người. Đại văn hào này viết là “He don’t like this.” thay vì nếu đúng ngữ pháp phải viết là “He doesn’t like this.” Nếu bạn thấy thư này có lỗi chính tả, thì đó là điềm báo rằng mình có nguy cơ trở thành đại văn hào của Việt Nam.

Mình thán phục những người đọc rộng. Trong giới phi Cơ đốc, mình thật sự nể phục giáo sư Trần Hữu Dũng, giáo sư kinh tế (vừa nghỉ hưu) của Đại học Wright State University (tiểu bang Ohio). Ông là managing editor của tờ Arts&Letters Daily. Giới phóng viên quốc tế khắp thế giới cũng kính phục giáo sư Trần Hữu Dũng vì khả năng đọc của ông. Một cuốn sách mình đọc mấy tháng chưa hết thì giáo sư Dũng đọc chưa hết một ngày. Kinh!

Giáo sư Trần Hữu Dũng là con trai của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Những người trí thức lớn tuổi có thể biết bác sĩ Nghiệp. Mong rằng con trai mình, Lê Minh Quân, sau này cũng sẽ đọc rộng và uyên bác.

Trong giới thần học tại Mỹ, mình thích đọc John MacArthur (Viện trưởng Viện thần học The Master’s), Albert Mohler (Viện trưởng Viện thần học Southern Baptist), James White (cựu Viện trưởng Viện thần học Gordon-Conwell), Hank Hanekraaff (Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ Đốc). Với sức làm việc và lực đọc của họ, mình tưởng mỗi ngày họ có 96 tiếng đồng hồ.

Cảm thấy mình đọc chưa đủ nhiều và chưa đủ rộng, nên mình luôn tìm cách để đọc hiệu quả hơn. Kevin Vanhoozer, chủ biên cuốn Tự điển thần học giải kinh, nói rằng, để có thể giảng một cuốn sách của Cơ Đốc Giáo, người mục sư phải đọc thật nhiều cuốn sách khác. Là một người giảng, mình rất sợ mắc bệnh “lê thê và sáo rỗng”, “ồn ào và nhạt nhẽo”. Không phải “ồn ào và lặng lẽ” trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh đâu nhé. Susan Felch là giáo sư tại Viện thần học Calvin, nói một một câu mình rất thích: mục sư cũng phải giống như nhà thơ, nói ít chữ nhưng nhiều ý. Để đạt được điều đó cần phải đọc rộng, đọc nhiều. Còn Neal thì nói rằng, “the preacher who reads widely has a chance to become wise.” (người mục sư đọc rộng thì may ra mới trở thành khôn ngoan). Vì, ít có công việc nào đòi hỏi như “nghề” mục sư. Ông ấy phải nói đủ thứ chuyện trên đời: Chúa, cuộc đời, sự sống, sự chết, ân điển, tội lỗi, yêu thương, thù hận, hy vọng, tuyệt vọng, cảm thông…Một người mục sư có trách nhiệm không thể nói nhăng nói cuội trên micro.

John Ames kể lại một giấc mơ, trong giấc mơ đó ông đang đứng trên tòa giảng, đang say sưa giảng thì đột nhiên thấy Chúa Giê-xu ngồi dưới hàng ghế, mặc áo trắng toát, vẻ mặt kiên nhẫn, buồn bã và kinh ngạc. Mình đọc được giữa hàng chữ (to read between the lines) của John Ames: Đó sẽ là thái độ của Chúa Giê-xu khi nghe nhiều bài giảng: Ngài sẽ kiên nhẫn ngồi đó (giống như bao nạn nhân khác mỗi Chúa nhật), sẽ im lặng, thở dài và ngơ ngác tự hỏi, sao mục sư ABC lại có thể giảng Lời ta đến mức như thế. 

Phần đông những người nhận email này là những người đang giảng dạy Lời Chúa. Bạn ơi, nếu Chúa Giê-xu ngồi dưới hàng ghế nghe bạn giảng, Chúa sẽ mỉm cười thỏa lòng như một nhạc sĩ hài lòng với ca sĩ trình bày tác phẩm của mình, hay là, nhạc sĩ đó đang héo úa trong lòng vì ca sĩ kia đang gây nên một thảm họa âm nhạc khi trình bày bài hát của mình.

“Cũng hãy vì tôi mà cầu nguyện, để khi tôi mở miệng ra, Chúa ban cho tôi tự do mọi bề, bày tỏ lẽ màu nhiệm của đạo Tin Lành.” (Ê-phê-sô 6:19).

 

Thân ái,

Lê Minh Đạt

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn