Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / THẦY ƠI / VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN LÀ GÌ?

VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN LÀ GÌ?

“Không thầy đố mày làm nên.”

Bài trước:

CƠ ĐỐC NHÂN CÓ BỊ THU HÚT VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ?

Thầy ơi cho tôi hỏi:

VAI TRÒ CỦA CHÍNH QUYỀN LÀ GÌ? 

Trả lời: 

Nhiều chính thể, đế chế dấy lên rồi suy toàn trong suốt chiều dài lịch sử. Đế quốc A-si-ri, rồi đến Ba-by-lôn (612-539 trước Công nguyên), Mê-đi ba-tư (539-531 trước Công nguyên), Hy-lạp (331-63 trước Công nguyên), Rô-ma (63 trước CN đến 476 sau CN). Mặc dù mỗi đế chế của nền văn minh cổ đại mang theo một trình độ, khả năng và sức mạnh quân sự nhất định, tuy nhiên một đặc điểm chung được chia sẻ giữa các đế quốc là những nhà độc tài gian ác đã cai trị dân chúng.

Chúng ta cũng xem xét Đế Quốc Anh. Vào thời điểm trên đỉnh vinh quang, nó trải dài trên một phần ba của thế giới – một kỳ công không một đế chế nào khác đạt được. Tuy nhiên, ngay cả quyền lực và chế độ của Đế quốc Anh cũng đôi khi mang theo nó sự tàn bạo do các vị vua gian ác nắm quyền lực.

Trong lịch sử thế giới, những nhà cai trị gian ác và độc tài tiêu biểu sau đây đã hủy diệt dân chúng, tấn công các nước khác, làm những điều tồi tệ đi ngược với đạo TRỜI: Adolf  Hitler (Đức), Josef  Stalin (Nga), Mao Trạch Đông (Trung Quốc). Chính sách cai trị của họ hoàn toàn khước từ các định luật đạo đức tự nhiên và lẽ thật của Kinh Thánh.

Tuy nhiên Đức Chúa Trời có một mục đích rõ ràng và tốt đẹp cho những nhà cầm quyền trên đất.  Theo Kinh Thánh, TRỜI thiết lập các vương quốc và Ngài cai trị toàn thế giới.

Vì chẳng phải từ phương đông, phương tây,
Hay là từ phương nam, mà có sự tôn cao đến.
 Bèn là Đức Chúa Trời đoán xét:
Ngài hạ kẻ nầy xuống, nhắc kẻ kia lên. (Thi. 75:6-7)

Lòng của vua ở trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy;
Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn. (Châm ngôn 21:1)

Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua; ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan, và sự thông biết cho kẻ tỏ sáng. (Đa-ni-ên 2:21)

Án đó là bởi các đấng canh giữ đã định, và lời các thánh đã truyền, hầu cho những kẻ sống biết rằng Đấng Rất Cao cai trị trong nước của loài người; Ngài muốn ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn hạ trong loài người lên đó. (Đa-ni-ên 4:7)

Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu chẳng phải từ trên cao đã ban cho ngươi, thì ngươi không có quyền gì trên ta; vậy nên, kẻ nộp ta cho ngươi là có tội trọng hơn nữa. (Giăng 19:11)

r 13

Đức Chúa Trời công bình, hợp lý trong sự tể trị, kiểm soát và phán xét của Ngài trên các vua. Ngài có thể dùng đế quốc A-si-ri (Ê-sai 10) và Ba-by-lôn (Đa-ni-ên 4) để trừng phạt tuyển dân Israel vì cớ tội lỗi của họ. Tuy nhiên cả hai đế quốc này cũng không tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sau đó, chúng bị Ngài xử lý cách thích hợp vì những việc làm gian ác của chúng đối với tuyển dân (Ê-sai 31:8; Ê-sai 13:1-11; Giê-rê-mi 50-51). Đức Chúa Trời có thể sử dụng vua Cyrus (2 Sử ký 36:23; Ê-sai 45) để kết thúc thời gian tuyển dân bị phu tù ở Ba-by-lôn và cho phép họ trở về xây dựng lại thành phố Giê-ru-sa-lem và đền thờ.

Mặc dù quyền lực và ảnh hưởng của các nhà độc tài thường kéo dài một thời gian nhất định, nhưng chính sách cai trị, những việc làm của họ là không phù hợp với Lời của Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Phao-lô viết rõ ràng về vai trò và mục đích của nhà cầm quyền:

“Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà không đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.  Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình.  Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng;  vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ.  Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm.  Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy.  Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp; sợ kẻ mình đáng sợ; kính kẻ mình đáng kính.” (Rô-ma 13:1-7)

Về căn bản, các quan quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời để làm sự ích lợi cho dân chúng, thi hành sự phán xét công nghĩa: phạt kẻ làm dữ, khen thưởng người làm lành (1 Phi-e-rơ 2:14). Trên tinh thần đó mỗi công dân phải vâng phục các nhà cầm quyền (Tít 3:1; 1 Phi-e-rơ 2:13-17). Nhưng nếu nhà cầm quyền ban bố những sắc luật chống nghịch với Phúc Âm (khi ấy họ có còn là đầy tớ của Đức Chúa Trời nữa hay không?) thì phản ứng của các sứ đồ là: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta.” (Công vụ 5:29).

Chúng ta đang sống tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Vai trò của chính quyền liên bang là gì? Hai trích dẫn tiếp theo sau đây rất đáng để suy nghĩ:

“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Đấng Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc. Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được quyền lực chính đáng trên cơ sở sự đồng ý của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an toàn và hạnh phúc của họ.”

(Trích từ Bản Tuyên Ngôn Độc Lập)

Trong lời nói đầu của Bản Hiến Pháp tuyên bố:

“Chúng tôi, nhân dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một Liên Bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ.”

(Trích từ Hiến Pháp Hoa Kỳ)

Như thế những giá trị căn bản của Tuyên Ngôn Độc  Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ được xây dựng vững chắc trên  luật đạo đức tự nhiên của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.

Để bảo vệ những quyền được Đức Chúa Trời ban cho, những nhà lập quốc Hoa Kỳ đã thiết lập một chính thể cộng hòa với một hệ thống chính quyền gồm ba nhánh: hành pháp, lập pháp và tư pháp. Họ cũng thiết lập các kiểm tra và cân bằng để tránh quyền lực chỉ tập trung vào một người.

Nhìn chung Hiến Pháp, Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và Tuyên ngôn nhân quyền Bill of Rights là ba trụ cột của Hoa Kỳ nhấn mạnh các tiêu chuẩn sau:

– Bảo vệ những quyền lợi bất khả xâm phạm của công dân, không vi phạm nó.

– Duy trì quân đội để bảo vệ lãnh thổ.

– Không áp đảo, chế ngự quyền quyết định chính đáng của công dân.

– Ban hành công lý.

– Các quan chức chính phủ đại diện cho dân được người dân trực tiếp bầu chọn cách minh bạch.

– Điều chỉnh thương mại giữa các bang và duy trì một đồng tiền mạnh.

ÁP DỤNG

Nhiều điều đã thay đổi tại Hoa Kỳ. Chính quyền đang cố gắng can thiệp vào sự riêng tư và tự do của người dân là điều mà những nhà lập quốc của những thế kỷ trước bảo vệ. Chúng ta tiếp tục tham gia vào các cuộc bầu cử ở thành phố, tiểu bang và quốc gia, kiên định trong việc duy trì những giá trị căn bản của Bản tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp và Tuyên ngôn nhân quyền Bill of Rights mà những nhà lập quốc đã dày công xây dựng.

KINH THÁNH THAM KHẢO

Rô-ma 13:1-7; Tít 3:1; 1 Phi-e-rơ 2:13-1

Hướng Đi biên soạn

Sách tham khảo:

The Bible’s Answers To 100 of Life’s Biggest Questions, by Norman L. Geisler & Jason Jimenez    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn