CHUYẾN THĂM TÂY NGUYÊN 2017 VỚI NHỮNG TRĂN TRỞ…
Vượt qua những con đường đèo dốc quanh co giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp, chúng tôi đến Thành phố Kon Tum, tỉnh thành nghèo khó nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam để đến thăm con cái Chúa tại huyện Đắk-Glei, huyện có nền kinh tế lạc hậu và nghèo nhất của tỉnh Kon Tum, giáp ranh biên giới Việt – Lào – Campuchia. Tranh thủ dừng chân, nuốt vội bữa ăn trưa, chúng tôi nhanh chóng bắt đầu cuộc hành trình VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG 2017 với sứ mạng: tổ chức chương trình vui chơi đố Kinh Thánh và trao học bổng cho trẻ em miền núi, thăm viếng động viên, chia sẻ và cầu nguyện cho Hội Thánh và người nghèo vùng sắc tộc bản địa.
Trên đường từ Tp. Kon Tum đến Đăk-Glei, chúng tôi ghé thăm Hội Thánh Đắk-Chỏa để tổ chức chương trình cho các em thiếu nhi. Không nằm trong kế hoạch ban đầu, nhưng theo lời làm chứng về HT Đắk-Chỏa, một Hội Thánh sắc tộc nằm ngay Tp. Kon Tum, đã chịu nhiều thử thách khó khăn và bắt bớ nên chúng tôi muốn ghé qua thăm viếng khích lệ. Thật bất ngờ và cảm động, gần hơn 2 tiếng đồng hồ chờ đón chúng tôi là vị Mục sư quản nhiệm cùng hơn 40 em nhỏ với vẻ mặt háo hức tò mò vì được biết có người đến tổ chức trò chơi đố Kinh Thánh. Không ai bảo ai, Hannah và Hương liền nhanh tay tập hợp các em bằng những bài hát và trò chơi sinh hoạt vui nhộn, trong khi các anh em còn lại mau chóng soạn những phần quà cho việc đố Kinh Thánh và học bổng.
Điều ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là các em thiếu nhi người sắc tộc này khá rụt rè, e ngại trong những bộ quần áo củ kỹ sờn màu khi tham gia sinh hoạt cộng đồng nhưng lại vô cùng sôi nổi và cố gắng tham gia trò chơi câu đố Kinh Thánh dù có sự hạn chế trong việc hiểu tiếng Việt. Các em thiếu nhi ở đây nắm bắt khá rõ các câu chuyện và nhân vật trong Kinh Thánh. Đến phần trao học bổng, chúng tôi vô cùng kinh ngạc vì những em có phần học bổng xuất sắc đều là những em nắm bắt câu chuyện Kinh Thánh nhiều nhất. Sắc thái của những em sắc tộc này cũng rất lạ thường: rất thơ ngây và sáng sủa. Những gương mặt này làm chúng tôi nhớ đến hình ảnh gương mặt sáng rực của Môi-se khi ông ở với Chúa trên núi để ghi chép các điều răn.
Dù chỉ có gần hai tiếng đồng hồ viếng thăm ngắn ngủi, nhưng đọng lại trong chúng tôi là sự thiệt thòi của các em thiếu nhi người sắc tộc vùng cao này. Các em thực sự thiếu thốn những cơ hội, điều kiện để học hỏi lời Chúa theo đúng lứa tuổi dù nắm bắt câu chuyện Kinh Thánh khá rõ nhưng chỉ theo phương pháp học và nhớ chứ không có sân chơi thực hành câu chuyện Kinh Thánh, và càng thiếu thốn hơn cho việc học trên trường và cuộc sống thường ngày. Theo như được biết, chính sự hạn chế cơ hội trong Cơ đốc giáo dục, trường Chúa Nhật và hoạt động ngoại khóa do Hội Thánh tổ chức đã khiến cho các em dù biết nhiều câu chuyện Kinh Thánh nhưng hầu như không biết áp dụng vào đời sống thực tế sao cho phù hợp với độ tuổi của mình. Lý giải cho điều này có thể là một phần vì sự hạn chế trong nhận thức của người sắc tộc không khuyến khích con em mình đến trường, một phần vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên các em phải đi chăn bò, lên nương, và một phần vì sự phân biệt miệt thị người dân tộc và giàu nghèo khiến cho các em nhỏ thiếu đi tự tin nên không dám hòa mình với các em nhỏ người Kinh sống xung quanh. Nhìn các em hớn hở vui mừng nhận những phần quà mà lòng chúng tôi sao bùi ngùi quá đỗi.
Chào tạm biệt các em để tiếp tục cuộc hành trình, xe chúng tôi băng qua những đoạn đường hẻo lánh, lác đác những ngôi nhà hai bên đường để đến Đăk-Glei khi trời vừa chợt tối. Uể oải sau chuyến đi dài, chúng tôi dùng bữa tối đơn sơ của núi rừng gồm có nồi canh, chén muối gừng, và dĩa cá khô với gia đình Mục sư Ân Ước và tranh thủ đi ngủ sớm để có sức cho ngày tiếp theo.
Sau giờ thờ phượng Chúa, như kế hoạch chúng tôi chuẩn bị hơn 400 phần quà, các suất học bổng, và phần quà khích lệ cho các gia đình nghèo khó. Bắt đầu khoảng 1 giờ chiều, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG 2017. Chúng tôi đi sâu vào rừng núi Ngọc Linh để thăm một Hội Thánh tại đó. Đường hoang vắng giữa núi rừng, quanh co đèo dốc chỉ đủ cho một chiếc ô-tô đi vào thực sự khiến chúng tôi thích thú pha lẫn sự căng thẳng khi tài xế liên tục bấm còi báo hiệu cảnh báo cho xe đi ngược chiều. Tạ ơn Chúa, vượt qua hơn 30km đường đèo, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến một ngôi làng gọi là Đắk-choong. Tiếp đón chúng tôi là Mục sư quản nhiệm cùng BTS Hội Thánh. Tại đây chúng tôi được nghe về câu chuyện phân biệt giữa học sinh theo đạo Tin Lành và học sinh không theo đạo hay về những câu chuyện thiệt thòi mà người tin Chúa phải gánh chịu. Mục sư quản nhiệm và BTS nói: “Nhà trường chia các em thành 2 nhóm, nhóm theo đạo Tin Lành thì không được ăn trưa, không được nhận sữa do nhà nước hỗ trợ, không được nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Nhìn mấy đứa nhỏ thèm thuồng khi thấy bạn nó uống mà tội quá” – nghe mà xót xa, các em có tội tình gì, theo đạo mà lại chịu thiệt thòi thế sao!? Anh Quân hỏi, “Hội Thánh có chương trình gì giúp các em không?” Vị Mục sư chia sẻ tiếp, “Chúng tôi muốn lắm nhưng không đủ khả năng vì con dân Chúa ở vùng núi nghèo khó quá.” Chúng tôi rất buồn khi biết thêm, ngay cả con vị Mục sư quản nhiệm cũng phải nghỉ học khi tốt nghiệp lớp 12 vì gia đình không đủ điều kiện cho con đi học tiếp.
Theo chân Mục sư chúng tôi tiếp tục đến thăm các gia đình nghèo trong Hội Thánh. Nhìn những túp lều tôn lụp xụp vách nứa, chúng tôi không nghĩ đó là “ngôi nhà” của 5-6 nhân khẩu. Thật xót xa khi chúng tôi nhìn vào gian bếp đen thui thủi vì khói than củi chỉ có cơm nguội và muối ớt, nồi canh nước lõm bỏm dính đầy cơm (vì có lẽ dùng chung muỗng húp “nước canh” cho dễ trôi cơm). Nhìn con cái Chúa vùng núi sao mà khổ cực quá! Khi chúng tôi đang rất bồn chồn thì anh Quân cầm cuốn Kinh Thánh và Thánh Ca của gia đình được cất cẩn thận trong bì ni-lon. Chúng rất cũ kỹ vì được sử dụng quá nhiều. Cảm tạ Chúa vì với họ đó chính là lời hứa và hi vọng khiến những người nghèo này thêm nghị lực sinh tồn khi mà chính sách cứu trợ luôn không dành cho họ như những em học sinh theo đạo.
Rời Đăk-choong, chúng tôi đến thăm những anh chị em trong Chúa có hoàn cảnh khó khăn ở một ngôi làng khác có tên là Đắk-Đoát. Tiếp đón chúng tôi là một sư quản nhiệm. Rôm rả trò chuyện trong buổi xế chiều mưa tầm tã, một lần nữa chúng tôi lại thấy nghẹn ngào khi đứa con gái lớn của ông tốt nghiệp Y sỹ nhưng không có đủ tiền để xin việc làm hay chứng kiến cảnh đời éo le mồ côi của một cô bé 14 tuổi tần tảo đi làm rẩy nuôi hai em trai đi học với tài sản chỉ có bao thóc nơi góc nhà hoang sơ. Sự hồn nhiên của các em khi trò chuyện khiến chúng tôi quên cả thời gian.Tiếp tục rong rã trong cơn mưa nặng hạt, chúng tôi tranh thủ viếng thăm các gia đình khó khăn khác để kịp về làm chương trình đố Kinh Thánh cho hơn 200 em thiếu nhi đang chờ sẵn ở nhà. Giữa cơn mưa ấy, lòng tôi như muốn nói cùng cơn mưa rằng hãy mưa thêm to để cuốn đi bao phiền muộn của các em, để tưới thấm đất để dân mình có thêm hạt lúa hạt gạo cho đời bớt khổ, cho no ấm cái bụng.
Đang nghẹn ngào, bâng khuâng nhìn những ngôi nhà lụp xụp, người anh em dẫn đường thúc giục chúng tôi mau chóng trở về vì hơn 200 em thiếu nhi đã đến tập trung hơn 1 tiếng rồi. Lao nhanh qua những đoạn đường gập ghềnh, chúng tôi trở về địa điểm tập trung của hơn 200 em thiếu nhi. Thật tuyệt vời! Không khí cứ y như lễ hội là khung cảnh chúng tôi thấy được khi vừa bước vào cổng nhà nguyện. Về rồi, về rồi! Mấy em nhỏ bảo nhau rồi lao vào nhà thờ tự hâm nóng bằng những bài hát với các thầy cô giáo viên thiếu nhi. Chúng tôi vội vàng chuẩn bị và nhanh chân bước vào nhà thờ vì biết mình đã về trể. Sau bao ngày chờ đợi chương trình đố Kinh Thánh, tụi nhỏ háo hức chờ đợi được đố Kinh Thánh ngay sau khi chúng tôi vừa bước vào. Hannah và Hương như thường lệ mau chóng thể hiện “tài năng” vui đùa cùng các em qua những trò chơi, câu nói chào hỏi. Quân và Thomas nhanh tay chuẩn bị máy chụp hình, những phần quà, câu đố Kinh Thánh để hòa mình với các em. Tiếng hát chiên thơ cất lên thánh thót, tiếng cười sảng khoái khi Hannah pha trò, những cánh tay đưa lên vun vút xin trả lời những câu Kinh Thánh thật khiến chúng tôi xúc động. Thật đáng khen cho các Mục sư và thầy cô giáo viên thiếu nhi ở đây, một vùng lạc hậu và nghèo nàn nhưng đã cố gắng hết sức dạy dỗ Kinh Thánh cho các em để rồi các em thiếu nhi tại đây rất giỏi Kinh Thánh, nhớ nhiều câu chuyện. Đến phần trao học bổng, một lần nữa lại là những em biết nhiều về câu chuyện Kinh Thánh là những em đã đạt thành tích xuất sắc nhiều năm liền trong học tập. Điều đáng nói các em thiếu nhi sắc tộc này không có điều kiện đi học thêm như con em của những gia đình người Kinh có điều kiện. “Do Chúa ban cho đó cô!” là câu nói mà chúng ta sẽ nghe nếu khi hỏi các em sao các con học giỏi thế. Thật là cảm động. Nhưng thêm một lần nữa, trong chúng tôi lại suy nghĩ, tại sao các em ở đây ai cũng nhớ khá giỏi những câu chuyện Kinh Thánh nhưng lại khá rụt rè, e ngại thiếu hẳn tự tin như các em thiếu nhi dưới đồng bằng? Chúng tôi muốn biết vì sao?
Ngày tiếp theo, chúng tôi đi đến một làng khác, có tên gọi là Đắk-Sút để tổ chức chương trình cho hơn 200 em thiếu nhi trong một buổi chiều trời mưa tầm tả. Giữa núi rừng hoang vu, giữa cái lạnh gió rét của Tây Nguyên vào mùa mưa chúng tôi ăn nhanh gói mì-tôm cho ấm lòng và cầu nguyện xin Chúa đem các em đến khi biết được các em đi học về mưa ướt lạnh, không có người chở xuống địa điểm tập trung .v.v. .Rồi giờ cũng đến 5:30 phút chiều mà không thấy một em nào. Vị Mục sư quản nhiệm cũng lấy làm sốt ruột nhưng cũng không làm gì được hơn. Gần 6:00 tối, A! Một nhóm các em thiếu nhi kéo đến người ướt nhẹp vì mưa. Và rồi thêm một nhóm nữa, rồi thêm nhóm nữa, rồi lại thêm nhóm nữa. Lòng chúng tôi bây giờ ấm hơn lúc ăn tô mì-tôm vì thấy sự nhiệt thành của các em thiếu nhi: sẵn sàng nhịn đói, đội mưa để đến tham gia chương trình đố Kinh Thánh và vui chơi trong Chúa. Hannah và Hương lại có dịp tiếp tục trổ tài, nhưng có vẻ gì đó không ổn! Các em ai nấy im thin thít, không giơ tay phát biểu. Có chuyện gì sao? Chúng tôi tự hỏi. Loay hoay một hồi, à, tụi nó đang xoa tay để tìm về hơi ấm sau khi đi học về dính mưa lạnh cóng, giờ lại đội mưa xuống nhà nguyện mà cái bụng thì trống rỗng. Không hiểu vì có lẽ đã nắm được tâm lý các em, Hannah đã nhanh trí cho chơi trò chơi vỗ tay trời mưa. Và rồi không hiểu từ khi nào, những cánh tay bắt đầu mọc lên như nấm sau cơn mưa tranh nhau trả lời những câu đố Kinh Thánh. Thật vui khi một lần nữa chúng tôi lại thấy các em thiếu nhi ở đây ai cũng giỏi Kinh Thánh, có trí tưởng tượng suy luận một cách lạ thường khi nhìn những bức tranh để suy đoán nhân vật trong Kinh Thánh. Thật cảm động hơn khi các em thể hiện tinh thần yêu thương, chia sẻ khi thấy bạn mình chưa có quà. Các em thiếu nhi nói với giọng lơ lớ pha chút tiếng Giẻ: “Cô chú ơi, mấy đứa con trai chưa có quà nè. Cô chú đố tụi nó đi.” Giữa trời rét lạnh, nhưng lòng chúng tôi cảm thấy thật ấm áp khi các em ôm chúng tôi và nói lời cảm ơn. Thật vui khi các em bu quanh thúc giục Mục sư quản nhiệm hỏi, “Thầy cô có quay trở lại để tổ chức đố Kinh Thánh cho các em nữa không?” Trong khi đó, các giáo viên thiếu nhi thì thầm với nhau: “Ước gì Hội Thánh mình có đủ điều kiện để làm việc này.”
Hành trình Về Thăm Quê Hương 2017 đã đọng lại trong lòng chúng tôi quá nhiều niềm vui phước hạnh khi thấy tấm lòng hiệp một hết mình hết sức hầu việc Chúa của các vị tôi tớ Chúa người sắc tộc miền núi. Càng cảm động hơn khi biết được các tôi tớ Chúa phải dâng nhà cửa, đất đai của mình để làm thành những ngôi nhà nguyện cho con dân Chúa có nơi nhóm hiệp. Để không làm gánh nặng cho Hội Thánh, các tôi tớ Chúa phải đi làm nương rẩy để sinh nhai nhưng công việc nhà Chúa cho hơn 14,000 tín đồ thực sự khiến họ bận rộn, xuống vụ trể nên năng xuất không cao. Điều này giúp chúng tôi hiểu được vì sao phần lớn gia đình Mục sư ở miền núi không đủ khả năng cho con mình tiếp tục theo học đại học, hoặc xin việc làm. Các Mục sư người sắc tộc, tôi tớ Chúa ở đây phần lớn chưa học hết cấp 2. Họ hầu việc Chúa bằng tinh thần tình nguyện và hi sinh. Ngoài việc dạy Kinh Thánh cho các em thiếu nhi và các ban ngành trong Hội Thánh, họ bị thiếu trầm trọng những kỹ năng lãnh đạo, kiến thức xã hội, hay các kỹ năng tư vấn thuộc linh, áp dụng lời Chúa vào đời sống. Việc tổ chức những chương trình như đố Kinh Thánh hoặc thi đua cho các em thiếu nhi và sinh hoạt mục vụ cho các ban ngành lại trở nên quá sức của họ hay Hội Thánh vì điều kiện khó khăn. Nói về Hội Thánh và con dân Chúa, quan sát những đồi núi cộc cằn dựng đứng, ngoài củ mì và củ sắn – nông sản chính giúp họ thu hoạch khoảng 20 triệu/1-2 năm – số tiền quá ít ỏi để nuôi 4-6 người trong gia đình, họ không thể làm gì hơn để có thu nhập hay cải thiện kinh tế gia đình và Hội Thánh. Từ đó, bản thân gia đình và Hội Thánh đã không thể tổ chức được những chương trình học bổng, từ thiện, và hoạt động ngoại khóa thuộc linh cho các em thiếu nhi hay các ban ngành. Qua điều này, chúng tôi hiểu vì sao các em thiếu nhi ở đây rất giỏi nhớ các câu chuyện Kinh Thánh nhưng e thẹn, thiếu tự tin trong việc tham gia sinh hoạt cộng đồng. Nhìn xa, sự thiếu tự tin khiến các em người sắc tộc không dám chia sẻ Tin Lành cho các bạn người Kinh. Thật đáng khen khi họ đã làm được một việc hết sức lớn lao: “dạy cho trẻ thơ con đườngnó phải theo” nhưng sau các chương trình đố Kinh Thánh dành cho các em thiếu nhi, chuyến viếng thăm người nghèo, cuộc gặp mặt với các bạn trẻ và hơn 70 Mục sư quản nhiệm đã giúp chúng tôi hiểu được một nhu cầu hết sức cấp bách và cực kỳ quan trọng cần đến sự cầu nguyện và trợ giúp của chúng ta. Tiếp xúc với các em thanh thiếu niên, giúp chúng tôi càng hiểu hơn vì sao Tây Nguyên ngày càng đánh mất thế hệ trẻ khi sự du nhập của Internet, phim ảnh, giải trí vui chơi từ đồng bằng ảnh hưởng thu hút họ quá nhiều trong khi Hội Thánh thiếu đi những chương trình và sự kiện giúp các em áp dụng Lời Chúa vào đời sống thường ngày hay các kỹ năng sống để hội nhập. Nhu cầu là quá nhiều: từ người nghèo khó, cho đến mục vụ thuộc linh nhưng sức chúng tôi là có hạn. Như anh Thomas đã nói: “Tiền của Bill Gates cũng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu.” Quả đúng như vậy, và cũng thực sự là thiếu khôn ngoan khi chúng ta cứ ban “con cá” chứ không phải “cái cần câu.” Vậy nên chúng tôi thật quý mến một người em đức tin. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ thần học ở nước ngoài, em đã từ bỏ những lời mời của “giấc mơ Mỹ – Châu Âu” hay cơ hội làm việc ở Thành phố để trở về với núi rừng tìm cách giúp đỡ miễn phí hoàn toàn cho Hội Thánh và cộng đồng qua mục vụ Agape Mission & English Center: sử dụng Mục vụ Thể thao và Cơ đốc giáo dục bằng Tiếng Anh để dạy dỗ các em học sinh trong cộng đồng các Hội Thánh, tiếp cận người ngoại qua CLB Nói Tiếng Anh & bài học Kinh Thánh để chia sẻ Phúc Âm, hay giúp các Mục sư, truyền đạo học hỏi thêm với khải tượng: “Tribal pastors with international leadership skills” – Tạm dịch: “Tôi tớ Chúa vùng cao với kỹ năng lãnh đạo quốc tế” để góp phần giúp Hội Thánh sắc tộc chuyển mình theo thời đại, và luôn là “ánh sáng” cho người khác học tập.
Với chúng tôi, muốn giúp người miền núi cách tốt nhất hãy cho họ “cái cần câu” chứ không phải là những gói quà từ thiện vì sẽ bao nhiêu cho đủ và khi nào cho xong? Hãy cùng chúng tôi trao cho các con cái Chúa vùng núi các phần học bổng để họ có cơ hội học lấy cách sử dụng những “chiếc cần câu”! Hãy góp phần giúp đỡ các tôi tớ Chúa để họ chuyên tâm trong công tác đào tạo và sáng tạo trong các chương trình kế hoạch phát triển Hội Thánh! Hãy cùng chúng tôi góp phần xây dựng một thế hệ trẻ kính sợ Đức Chúa Trời biến đổi Tây Nguyên, phục hưng Việt Nam!
Hannah Pham
Em về những nẻo rừng cao
Có nghe trong gió xôn xao điều gì
Ngậm ngùi cho những Teen kia
Ngẩn ngơ mưa nắng sớm chiều rẫy nương
Bàn tay ai góp dựng xây
Thêm cần câu cá đổi thay cuộc đời
Từ xa xôi nửa bán cầu
Người về sưởi ấm chan hòa yêu thương
Admin