Thứ Sáu , 22 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Ý Chí Tự Do?

Ý Chí Tự Do?

QUYỀN TỂ TRỊ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ Ý CHÍ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI

Trần Đình Tâm

1. Ý Chúa hay ý con người?

Tất cả những sự việc xảy ra chung quanh chúng ta, dù tốt hay xấu, là do ý Chúa hay ý của con người? Các Cơ-đốc nhân đều có cùng chung câu trả lời: “mọi sự xảy ra bởi ý muốn của Đức Chúa Trời.” Câu trả lời như thế có lẽ “an toàn” hơn là trả lời theo một cách khác! Vì tất cả chúng ta đều biết Đức Chúa Trời cầm quyền trên mọi sự, nên rõ ràng mọi việc xảy ra trong cuộc sống: từ những diển biến chính trị, kinh tế hay xã hội ở các nước trên khắp thế giới, cho đến những sự kiện xảy ra trong các Hội Thánh của Chúa hay những biến cố diễn ra ở từng cá nhân v.v… đều bởi ý Chúa mà xảy ra. Tuy nhiên, câu nói “mọi sự xảy ra bởi ý muốn của Đức Chúa Trời” mà hầu hết con cái Chúa hay đầy tớ Chúa thường hay thốt lên trên môi miệng mình, có thể là một câu nói theo quán tính, theo thói quen, mà thiếu sự suy xét cẩn thận những gì mình nói.

Nếu mọi việc xảy ra là tuyệt đối bởi ý muốn của Chúa thì kết luận đó đưa đến 2 vấn đề sau đây:

1. Vì bởi ý muốn của Chúa mà mọi việc xảy ra, nên loài người không có quyền tự do làm theo ý muốn của mình, điều nầy mâu thuẫn với mục đích của Đức Chúa Trời trong sự tạo dựng nên loài người: Ngài dựng nên loài người và ban cho họ quyền tự do chọn lựa vâng theo lời Chúa truyền dạy hay không vâng theo lời Chúa truyền dạy (câu chuyện trái cây biết điều thiện và điều ác chứng minh điều nầy), từ đó đến nay, loài người vẫn tiếp tục sống với quyền tự do quyết định ấy. Chúng ta cũng nhận thấy Đức Chúa Trời thật rất tôn trọng quyền tự do của con người, vì chính Ngài đã tạo dựng nên con người và ban cho con người quyền đó.

2. Vì bởi ý muốn của Chúa mà mọi sự xảy ra, nên về mặt lý luận, loài người không phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm và cũng không phải chịu trách nhiệm về những hậu quả mình gây ra. Như vậy, chúng ta đã đổ trách nhiệm cho Đức Chúa Trời về tất cả những gì đã xảy ra. Hoặc ít ra, loài người đã làm giảm nhẹ đi trách nhiệm của mình về những hành động sai trái mình đã làm và hậu quả để lại từ việc làm sai trái ấy. Bằng cách kết luận mọi việc xảy ra là “do ý Chúa”, chúng ta đã vô tình biện minh cho những việc làm theo ý muốn riêng mà không vâng theo lời truyền dạy của Chúa.

Thật ra, khi chúng ta phát biểu “mọi việc xảy ra là bởi ý Chúa” là chúng ta chỉ nêu ra phân nửa sự thật mà thôi! Chân lý đã không được chúng ta trình bày một cách trọn vẹn. Kinh Thánh cho chúng ta biết loài người có quyền tự do quyết định: Người chưa tin Chúa được tự do quyết định tiếp nhận hay từ chối ơn cứu rỗi khi họ có cơ hội nghe Tin Lành; người đã tin nhận Chúa cũng được tự do quyết định vâng giữ hay không vâng giữ Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh. Và cách hành xử của con người trong mọi trường hợp đều ở dưới sự kiểm soát của Đức Chúa Trời, Ngài có thể không ngăn cản những ý định và hành động sai trái của con người, nhưng ngài cho phép xảy ra. Như vậy, những điều xấu xảy ra không thể nào do ý muốn của Đức Chúa Trời được, vì Chúa không bao giờ muốn đều xấu xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta lại chứng kiến những việc xấu thật đã xảy ra trong cuộc sống chung quanh chúng ta, ấy là do con người gây ra, là hậu quả của việc làm sai trái của con người, Đức Chúa Trời không ngăn cản nhưng cho phép chúng xảy ravì Đức Chúa Trời có thể dùng những điều không tốt do con người gây ra để làm thành mục đích của Ngài, chúng ta gọi đó là quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên ý chí tự do của con người.

Những phần Kinh Thánh sau đây sẽ làm sáng tỏ chân lý trên:

2. Ý đồ của Pha-ra-ôn: “Ta sẽ khiến vua Ai-cập cứng lòng”

Đức Chúa Trời truyền dạy cho Môi-se phải đi gặp vua Pha-ra-ôn để yêu cầu vua cho phép dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập:

“Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Khi trở về xứ Ê-díp-tô, hãy cẩn thận về các dấu lạ của Ta đã giao nơi tay ngươi mà làm trước mặt Pha-ra-ôn; nhưng Ta sẽ khiến người cứng lòng chẳng cho dân sự đi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:21)

Đọc câu trên, chúng ta dễ cho rằng Đức Chúa Trời trực tiếp điều khiển tâm trí của vua Pha-ra-ôn, Ngài làm cho vua cứng lòng để vua không cho phép dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập. Nếu đúng như vậy, thì Pha-ra-ôn đã không thật sự có quyền quyết định, và ông không phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình! Thật ra, vấn đề không phải như thế, chúng ta cần tìm hiểu “Ta (Đức Chúa Trời) sẽ khiến người (Pha-ra-ôn) cứng lòng” có ý nghĩa gì?

Có một yếu tố quan trọng chúng ta cần biết: Trước khi Đức Chúa Trời cho Môi-se biết là Ngài sẽ làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng (4:21) như đã nêu trên, Chúa đã báo trước cho Môi-se biết là Pha-ra-ôn sẽ không cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi:

“Vả, Ta biết rằng dẫu lấy quyền lực ép buộc vua Ê-díp-tô, thì người cũng chẳng bao giờ cho các ngươi đi!” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:19)

Câu trên là câu chìa khóa giúp chúng ta giải quyết vấn đề: Đức Chúa Trời tỏ cho Môi-se biết bản chất của con người Pha-ra-ôn, chính Pha-ra-ôn sẽ không cho phép dân Y-sơ-ra-ên ra đi, Chúa biết trước điều ấy, như thế, chúng ta nên hiểu “Đức Chúa Trời khiến vua Pha-ra-ôn cứng lòng” như sau: Pha-ra-ôn thật sự là con người cứng lòng, ông sẽ không cho dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, ông muốn họ ở lại Ai-cập để tiếp tục làm nô lệ cho Ai-cập, Chúa biết trước điều nầy sẽ xảy ra, Ngài không ngăn cản nhưng cho phép xảy ra, Pha-ra-ôn được tự do ngăn cấm dân Y-sơ-ra-ên ra đi. Như vậy “Ta sẽ khiến vua Ai-cập cứng lòng” cho thấy quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên ý chí tự do của con người. Qua sự cứng lòng của Pha-ra-ôn, Đức Chúa Trời bày tỏ quyền năng của Ngài cho Pha-ra-ôn và dân xứ Ai-cập thấy bởi các tai họa mà Ngài giáng xuống trên xứ Ai-cập, để họ nhận biết Ngài là Đức Giê-hô-va. Đến tai họa cuối cùng, Pha-ra-ôn buộc lòng phải cho dân Y-sơ-ra-ên ra đi. “Ta sẽ làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, và thêm nhiều dấu lạ phép kỳ của ta trong xứ Ê-díp-tô. Nhưng Pha-ra-ôn sẽ chẳng nghe các ngươi đâu; ta sẽ tra tay vào đất Ê-díp-tô, dùng những sự đoán-phạt nằng-nề, đặng rút khỏi xứ đó các quân đội ta, là dân Y-sơ-ra-ên. Khi nào ta tra tay vào xứ Ê-díp-tô mà rút dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi giữa vòng người Ê-díp-tô, thì họ sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:3-5)

3. Dân Y-sơ-ra-ên muốn có vua: “Hãy nghe theo lời chúng nó”

Sau khi dân Y-sơ-ra-ên ở trong xứ Ca-na-an được hơn 300 năm, họ muốn có vua cai trị họ. Lúc nầy, Sa-mu-ên làm quan xét trên dân Y-sơ-ra-ên, ông là người rất có uy tín nên các trưởng lão trong dân đến gặp Sa-mu-ên và nói:

“Kìa, ông đã già yếu, còn các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông. Bây giờ, xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, y như các dân tộc khác đã có rồi.” (I Sa-mu-ên 8:5)

Chúng ta đặt câu hỏi: Việc dân Y-sơ-ra-ên cầu xin cho có một vua để cai trị trên họ là điều tốt hay xấu, nên hay không nên? Chúng ta có ngay lời giải đáp trong câu 7: Đó là điều xấu: “Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi; ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối Ta đó, hầu cho Ta chẳng cai trị chúng nó nữa. Dân Y-sơ-ra-ên không muốn Đức Chúa Trời cai trị họ, họ muốn loài người cai trị họ!

Đức Chúa Trời truyền dạy Sa-mu-ên: “Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi” (câu 7), “Vậy bây giờ, hãy nghe theo lời chúng nó.” (câu 9). Đức Chúa Trời cho phép dân Y-sơ-ra-ê có vua. Chúng ta biết Đức Chúa Trời chỉ định cho Sau-lơ làm vua, Ngài sai Sa-mu-ên xức dầu cho Sau-lơ làm vua, là vị vua đầu tiên của nước Y-sơ-ra-ên.

Như vậy, nếu đúng như điều mà chúng ta thường hay thốt lên “mọi việc xảy ra bởi ý muốn của Chúa” thì có phải sự kiện dân Y-sơ-ra-ên có vua là bởi “ý muốn” của Chúa? Câu trả lời là KHÔNG, dân Y-sơ-ra-ên có vua không phải là ý muốn của Chúa, nhưng là ý muốn của người dân, vì họ đòi hỏi điều đó. Tuy vậy, Đức Chúa Trời không ngăn cản nhưng cho phép xảy ra theo ý muốn của họ, theo quyết định của họ. Điều nầy bày tỏ quyền tể trị của Đức Chúa Trời trên ý chí tự do của con người.

4. Hôn nhân của Sam-sôn: “Điều đó bởi Đức Giê-hô-va mà đến”

Sách Các Quan Xét đoạn 14 ghi lại câu chuyện Sam-sôn gặp một cô gái người Phi-li-tin, ông nói với cha mẹ: “Con có thấy tại Thim-na một người nữ trong vòng con gái Phi-li-tin; bây giờ xin hãy hỏi nàng cưới cho con.” (câu 2). Nhưng cha mẹ ông nói: “Trong vòng các con gái của anh em con và trong cả dân sự chúng ta, há chẳng có người nữ nào, mà con phải đi cưới vợ nơi dân Phi-li-tin chẳng chịu cắt bì đó sao?” (câu 3a). Sam-sôn thưa với cha: “Xin cha cưới cô ấy cho con, vì nàng vừa mắt con.” (câu 3b). Và câu 4 cho chúng ta biết:

“Vả, cha mẹ người chẳng rõ điều đó bởi nơi Đức Giê-hô-va mà đến; vì người tìm dịp tranh đấu cùng dân Phi-li-tin. Lúc bấy giờ dân Phi-li-tin quản hạt Y-sơ-ra-ên.”

Qua câu chuyện của Sam-sôn, nan đề được nêu lên: Sam-sôn chọn cô gái Phi-li-tin làm vợ đến từ quyết định của cá nhân ông hay được Đức Chúa Trời định trước? Nhiều người căn cứ vào câu “điều đó bởi nơi Đức Giê-hô-va mà đến” để kết luận rằng Đức Chúa Trời cầm quyền trên mọi sự, Ngài chỉ định cô gái Phi-li-tin sẽ làm vợ Sam-sôn với mục đích Sam-sôn sẽ tranh chiến với dân Phi-li-tin, cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi sự hà hiếp của dân Phi-li-tin. Nếu kết luận đó đúng, sẽ mâu thuẫn với hai yếu tố sau: 1. Đức Chúa Trời tướt đoạt quyền tự do quyết định của Sam-sôn, là khả năng mà chính Ngài ban cho loài người. 2. Đức Chúa Trời cho phép Sam-sôn làm điều mà Ngài đã truyền dạy không được làm: Chúa có truyền dạy cho những người nam Y-sơ-ra-ên không được kết hôn với các cô gái thuộc các dân ngoại bang, là những dân tộc có truyền thống thờ lạy tà thần, lệnh truyền nầy được lặp lại nhiều lần (xin đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 34:16; Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:3,4; Giô-suê 23:12). Đức Chúa Trời không thể tự mâu thuẫn với chính mình Ngài.

Như vậy, Đức Chúa Trời không xúi giục Sam-sôn kết hôn với cô gái Phi-li-tin, Sam-sôn muốn kết hôn với cô gái ấy là một quyết định hoàn toàn đến từ cá nhân Sam-sôn, Kinh Thánh cho biết cô ấy vừa mắt ông, hay làm ông vui thích (pleased Samson well). Nên nhớ rằng Sam-sôn cưới cô gái Phi-li-tin không phải nhằm mục đích tranh chiến với dân Phi-li-tin, Sam-sôn không phải là mẫu người nhìn thấy được mục tiêu ấy, câu “vì người tìm dịp tranh đấu cùng dân Phi-li-tin” không phải là câu chứng minh Sam-sôn có một mục đích khi cưới cô gái Phi-li-tin, nhưng là câu trình bày mục đích của Đức Chúa Trời đối với cuộc hôn nhân của Sam-sôn. Chúng ta thấy rõ quyền tể trị của Đức Chúa Trời đối với quyền quyết định của con người: Sam-sôn kết hôn với cô gái Phi-li-tin là bởi ý riêng của ông, ông có quyền chọn cô gái đó hay không chọn cô gái đó, nhưng ông đã chọn cô gái ấy, và Đức Chúa Trời dùng điều đó để làm hoàn thành ý định của Ngài, là khiến cho Sam-sôn có cơ hội tranh chiến với dân Phi-li-tin, đó chính là ý nghĩa thật sự của câu “điều đó bởi nơi Đức Giê-hô-va mà đến. Đọc câu chuyện của Sam-sôn, chúng ta thấy thật Đức Chúa Trời đã dùng ông để trừng phạt dân Phi-li-tin, ông đã nhiều phen làm cho dân Phi-li-tin phải điêu đứng và tổn thất nặng nề, Kinh Thánh cho biết khi Sam-sôn chết, ông đã giết nhiều người Phi-li-tin hơn lúc ông còn sống (Các Quan Xét 16:30). Tuy nhiên, vì quyết định của Sam-sôn không theo ý muốn của Chúa, nên ông đã phải trả giá cho quyết định sai lầm của mình.

5. Sự phản bội của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt: “Con Người đi như điều đã chép về Ngài”

Con Người đi như điều đã chép về Ngài; nhưng khốn thay cho kẻ phản Con Người! Thà nó đừng sinh ra thì hơn.”  (Ma-thi-ơ 26:24)

Trong đêm cuối cùng, trước khi Chúa Jesus chịu chết, Chúa nói với các sứ đồ sự chết của Ngài phải xảy ra đúng theo “mọi điều đã chép về Ngài”. Chương trình cứu rỗi nhân loại qua sự chết của Chúa Jesus được Đức Chúa Trời hoạch định từ trước khi Ngài sáng tạo trời đất (Ê-phê-sô 1:4), và nhiều lần được bày tỏ qua các câu chuyện hoặc được tiên tri trong suốt cả Cựu Ước.

Vai trò của sứ đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt được đặc biệt nhắc đến trong kế hoạch của Đức Chúa Trời: khoảng 1000 năm trước khi Chúa Jesus chịu chết, sự phản bội của Giu-đa được nói tiên tri trong Thi Thiên 41:9 “Đến đỗi người bạn thân tôi, mà lòng tôi tin cậy, và đã ăn bánh tôi, cũng giơ gót lên nghịch cùng tôi.”  Và ông đã bán Chúa với giá 30 miếng bạc trong Xa-cha-ri 12:11 “Chúng nó bèn cân tiền công cho ta, là ba chục miếng bạc.”

Căn cứ vào lời tiên tri trên, có phải Giu-đa Ích-ca-ri-ốt được Chúa chỉ định là người sẽ phản bội Ngài, mở đầu cho một loạt sự kiện để đưa đến sự chết của Chúa Jesus trên thập tự giá?  Những người theo quan điểm “tiền định”, suy luận rằng Đức Chúa Trời cầm quyền trên mọi sự, loài người không có quyền quyết định về hành động của mình, nên Giu-đa thật được Chúa chỉ định cho sự phản Chúa Jesus, đúng như lời tiên tri loan báo. Tuy nhiên, căn cứ trên lời kết án của Chúa Jesus trên Giu-đa trong hai câu Kinh Thánh sau, chúng ta không thể chấp nhận quan điểm “tiền định”:

     “nhưng khốn thay cho kẻ phản Con Người! Thà nó đừng sinh ra thì hơn.” (Ma-thi-ơ 26:24b)

“Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn giữ họ, trừ đứa con của sự hư mất ra, thì trong đám họ không một người nào bị thất lạc, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm.” (Giăng 17:12)

Chúa kết án nặng nề Giu-đa Ích-ca-ri-ốt và Ngài gọi ông là đứa con của sự hư mất (the son of perdition). Điều nầy chứng minh rõ ràng hành động phản bội của Giu-đa không phải là ý muốn của Chúa, Chúa không xúi giục ông phản Ngài, nhưng do chính ông quyết định. Như vậy, lời tiên tri về sự phản bội của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt không nên hiểu là Đức Chúa Trời đã “tiền định”, hay chỉ định Giu-đa phản Ngài, nhưng nên hiểu là sự biết trước (foreknow) của Đức Chúa Trời, Ngài biết trước Giu-đa sẽ phản bội Chúa Jesus, và Đức Chúa Trời dùng sự việc đó để làm thành mục đích của Ngài. Đó là quyền tể trị của Đức Chúa Trời đối với quyền tự do của con người.

Thật ra, Giu-đa không phải là nguyên nhân chính yếu đưa đến sự chết của Chúa Jesus, hãy xem các câu Kinh Thánh sau:

“Thật vậy, Hê-rốt và Pôn-xơ Phi-lát cùng với các dân ngoại và dân Y-sơ-ra-ên đã tụ họp tại thành nầy để chống lại Đầy Tớ thánh Ngài là Đức Chúa Jesus, Đấng mà Ngài đã xức dầu để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định trước.”  (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:27,28)

“Ngài đã bị phản nộp theo kế hoạch đã định và sự biết trước của Đức Chúa Trời…” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:23)

Vua Hê-rốt, quan tổng đốc Phi-lát, quân lính La-mã và dân Y-sơ-ra-ên đều chịu trách nhiệm về sự chết của Chúa Jesus. Dù sự chết của Chúa Jesus đã được định trước, nhưng những ai can dự vào đều phải gánh chịu trách nhiệm về hành động của mình.

6. Bài học cho chúng ta:

Lẽ đạo về quyền tể trị của Đức Chúa Trời đối với sự tự do quyết định của loài người giúp chúng ta cẩn thận trong nếp sống của mình. Chúa ban cho chúng ta quyền tự do để vâng lời Chúa dạy hoặc không vâng lời Chúa dạy. Chúa không ép buộc chúng ta làm theo ý muốn Ngài, nhưng muốn chúng ta tự nguyện vâng lời Ngài. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về những gì mình đã làm, cho dù Đức Chúa Trời có dùng những sự sai trái của con người để hoàn thành mục đích của Ngài, thì con người cũng không có quyền gì để biện hộ cho mình hay cho người khác. không một ai có thể biện hộ cho những sai trái của mình hay biện hộ cho những sai trái của người khác bằng câu nói quen thuộc: “mọi việc xảy ra bởi ý muốn của Chúa”! Đức Chúa Trời không chỉ định cho bất cứ ai làm điều trái ngược với lời phán dạy của Ngài.

Tháng 12, 2013

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn