Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025

Dê Tế Thần

Tìm Hiểu Về Điển Tích “Dê Tế Thần”

Kinh Thánh:
“Kế đó người phải bắt hai con dê đực, đem để trước mặt Đức Giê-hô-va, tại nơi cửa hội mạc.  Đoạn, A-rôn bắt thăm cho hai con dê đực, một thăm về phần Đức Giê-hô-va, một thăm về phần Azazel.  A-rôn sẽ biểu dẫn con dê đực bắt thăm về phần Đức Giê-hô-va lại gần và dâng nó làm của lễ chuộc tội.  Còn con bắt thăm về phần Azazel, sẽ để sống trước mặt Đức Giê-hô-va, để làm lễ chuộc tội trên nó, rồi thả nó ra nơi đồng vắng đặng nó về Azazel.” (Lê-vi-ký 16: 7-10)

« Khi thầy tế lễ đã làm lễ chuộc tội cho nơi thánh, cho hội mạc, và cho bàn thờ rồi, thì người phải dâng con dê đực còn sống kia. A-rôn sẽ nhận hai tay mình trên đầu con dê đực còn sống, xưng trên nó các gian ác và sự vi phạm, tức những tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên, và chất trên đầu nó, rồi nhờ một người chực sẵn việc nầy mà sai đuổi nó ra, thả vào đồng vắng.  Vậy, con dê đực đó sẽ gánh trên mình các tội ác của dân Y-sơ-ra-ên ra nơi hoang địa.” (Lê-vi-ký 16: 20-22).

Vào ngày đại lễ chuộc tội Yom Kippur trong Lê-vi-ký 16, tuyển dân Israel sẽ đưa có hai con dê đến đền thờ, thầy tế lễ sẽ rút thăm, một lá thăm là “cho Đức Chúa Trời,” lá thăm còn lại, “cho Azazel.” Con dê có thăm “cho Đức Chúa Trời” sẽ được dâng lên làm sinh tế, con còn lại sẽ được trút tội của dân sự trên nó và thả vào đồng vắng y như những gì Chúa truyền bảo trong Lê-vi-ký 16:20-23.

 

Scapegoat Theory: Lý thuyết vật tế thần

“Scapegoat” trong tiếng Anh được ghép từ “escape” – chạy thoát và “goat” – con dê. Từ này có nguồn gốc từ Kinh thánh, mô tả một nghi thức chuộc tội của người Do Thái với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ, trong đó có hai con dê được chọn.  Một con bị giết để dâng lên làm vật đền tội, con còn lại thì gánh tất cả tội lỗi của  cộng đồng và sau khi cầu nguyện thì được thả vào trong sa mạc. Bằng cách đó, tất cả tuyển dân được sạch tội.

Các nhà tâm lý học xã hội mượn từ này để xác lập lý thuyết vật tế thần (scapegoat theory). Theo Peter Glick, giảng viên của Đại học Lawrence, khái niệm này mô tả một hình thái định kiến cực đoan, trong đó mô tả một nhóm người không có lỗi nhưng bị đổ lỗi cố tình gây ra tai ương cho cộng đồng.

Từ “scapegoat” lần đầu tiên được đặt ra vào thế kỷ 16 để mô tả các sinh tế mà cộng đồng Do Thái thực hiện trong ngày lễ chuộc tội Yom Kippur.

Ngày nay chúng ta dùng từ scapegoat để mô tả những người phải mang tội lỗi của người khác, trong khi họ không có lỗi. Vì vậy, hãy xem xét nguồn gốc của nó.

 

Từ này được William Tyndale, một nhà nghiên cứu Cơ đốc sử dụng lần đầu tiên. Vào năm 1530, khi ông đảm nhận nhiệm vụ phiên dịch   toàn bộ Kinh thánh tiếng Do Thái sang tiếng Anh. Ông thấy mình cần phải giới thiệu một số từ mới sang tiếng Anh để người đọc hiểu được tiếng Do Thái như  ông đã hiểu. Và khi đọc Ngũ Kinh của Môi-se mô tả về ngày đại lễ chuộc tội Yom Kippur, ông đã gặp một vấn đề.

Một phần quan trọng của ngày lễ chuộc tội Yom Kippur, như được mô tả trong Ngũ kinh Torah, là nghi lễ giết mổ hai con dê; một con dành cho Đức Chúa Trời, và con còn lại được chỉ định  cho Azazel. Con dê thứ nhất dành cho Chúa, sẽ bị giết  như một phần của đại lễ chuộc tội Yom Kippur. Sự giết sinh tế này sẽ mang đến sự chuộc tội cho cộng đồng tuyển dân.

Con dê thứ hai, mang tội lỗi của cộng đồng tuyển dân, được hiểu đơn giản là đã được tự do – đã trốn thoát. Tyndale đặt tên cho con dê này là “Escapegoat”, từ này phát triển sau đó được gọi là “vật tế thần hay dê tế thần.”

Cũng giống như con dê đối với Azazel, người Do Thái trong suốt nhiều thời đại đã thực sự  phải  làm vật tế thần nhiều lần.

Ngày nay, các nghi lễ chuộc tội Yom Kippur đã thay đổi rất nhiều kể từ lần đầu tiên nó được mô tả trong Ngũ kinh Torah (năm quyển sách đầu tiên của Kinh thánh), nhưng thói quen đổ lỗi cho người khác về những điều mà họ không làm, không thay đổi nhiều kể từ khi Tyndale lần đầu tiên sử dụng nó.

Một Góc Nhìn Về Điển Tích Này

Qua sự việc này, một số người bình luận rằng con dê này cũng giống như số phận của Chúa, hay nói cách khác, Chúa là con dê, đó là hình bóng  về Chúa Giê-su. Điểm tương đồng ở chỗ con dê .gánh tội nhưng bản thân nó thì vô tội, phải gánh mọi tội lỗi của cộng đồng Do thái và bị dẫn vào sa mạc thì  Chúa Giê-su cũng giống như con dê này. Ngài là người vô tội nhưng cũng đã phải gánh tất cả tội lỗi của trần gian vào thân mình, con dê này bị ném vào sa mạc cũng giống như Chúa Giê-su chơ vơ giữa một thế giới sa mạc vô tình và hờ hững của con người.

Con dê gánh tội đã sống trong đói khát và sợ hãi, phải ở giữa loài thú dữ dằn, có thể bị phanh thây nơi hàm sư tử hay một bầy sói, thì Chúa cũng phải bị chịu sự trừng phạt của pháp luật La Mã bằng hình thức đóng đinh, treo trên cây thập tự. Thực tế cho thấy cuộc đời của Chúa gắn liền với nỗi thống khổ, dù sống chính trực như một con người vô tội duy nhất trên trần gian này nhưng do truyền bá tin mừng mà bị chính quyền La-mã bắt và hành hình. Con dê đực bị giết được dâng lên Đức Giê-hô-va là một khía cạnh cho sự chết của Chúa. Và con dê đực để sống thả vào đồng vắng mang ý nghĩa về  công tác của Chúa thực hiện.

Về phần con dê đực bị đuổi ấy là một bài học thuộc linh, nó bị đuổi đi nghĩa là mang tội lỗi của dân sự đi xa cách khỏi mặt Đức Giê-hô-va (Thi 103:12; Mi-chê 7:19; Ê-sai 38:17; 43:25). Con dê đực mang thế gánh nặng tội lỗi  và được thả cho đi, chỉ về ảnh hưởng sạch tội của đức tin trong của lễ đó. Đây là hình ảnh Chúa Giê-su Christ gánh  trên vai mọi tội lỗi của dân sự, như Ê-sai đã nói lên trước đây rằng: “Người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội” (Ê-sai 53:12)

Con dê thuộc Azazel làm hình bóng về Chúa Giê-su mang tội lỗi của nhân loại, khi áp dụng điều này thì mỗi người chúng ta phải ăn năn tội và cầu xin sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Con dê thuộc về Azazel không bị giết mang ý nghĩa Chúa Giê-su chịu chết chỉ một lần trên thập giá, huyết Ngài  chỉ đổ ra lần một lần là đủ linh nghiệm để tha thứ cho tội lỗi của nhân loại. Chúa Giê-su không cần phải chịu chết thêm lần nào nữa. “Chúng ta được nên thánh nhờ sự dâng thân thể của Đức Chúa Giê-su Christ một lần đủ cả” (Hê-bơ-rơ 10:10), và vì “không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời” (Hê-bơ-rơ 9:12). Đó là lý do tại sao con dê thứ hai không phải chịu chết.

Bạn nghĩ thế nào về hình ảnh của dê tế thần hiện nay?

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn