Thứ Bảy , 16 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / “Gươm” Được Hiểu Như Thế Nào Trong Tân Ước?

“Gươm” Được Hiểu Như Thế Nào Trong Tân Ước?

Cơ đốc nhân có thể dùng gươm?
——————————–
Tại sao Chúa Jesus bảo các Sứ Đồ phải mua gươm?
Lu-ca 22:36
“Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ, ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài đi mà mua.”
Câu hỏi:
Tại sao Chúa Jesus bảo các Sứ Đồ phải mang theo gươm? Có phải với mục đích bảo vệ?
Giải đáp:
Chúng ta nên hiểu lời phán bảo của Chúa Jesus theo ý nghĩa nào: Nghĩa văn tự hay nghĩa hàm ngụ?
Nếu giải thích theo nghĩa văn tự (nghĩa đen), có nghĩa là Chúa bảo các Sứ Đồ phải trang bị gươm bên mình, nếu ai không có, phải bán áo ngoài để mua gươm cho bằng được! Nếu căn cứ vào văn mạch gần, có vẻ như chúng ta phải hiểu theo nghĩa văn tự, vì Chúa bảo các Sứ Đồ mang theo túi tiền, mang theo bao (hiểu theo nghĩa văn tự), thì rõ ràng mang theo gươm cũng phải được hiểu theo nghĩa văn tự. Ngay sau đó, câu 38 cho biết là có gươm thật: “Các Sứ đồ thưa rằng: Thưa Chúa, có hai thanh gươm đây.” Không bao lâu sau đó, chính Sứ Đồ Phi-e-rơ đã dùng gươm nầy chém đứt vành tai của người đầy tớ thầy tế lễ thượng phẩm (Giăng 18:10).
Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa văn tự như đã nêu trên, chúng ta phải đối diện với vài vấn đề khó giải quyết sau đây:
+ Sau khi Phi-e-rơ dùng gươm chém đứt tai người đầy tớ thầy cả thượng phẩm, Chúa Jesus lập tức khiển trách Phi-e-rơ: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm.” (Ma-thi-ơ 26:52). Sau đó Chúa chữa lành vết thương tai cho người đầy tớ ấy (Lu-ca 22:51). Chúng ta thấy Chúa Jesus đã không chấp nhận cho Sứ Đồ của Ngài sử dụng gươm.
+ Theo lời phán bảo của Chúa, ai không có gươm, hãy bán áo ngoài để mua gươm. Chúng ta biết lúc đó có 11 vị Sứ Đồ, vậy tất cả 11 Sứ Đồ phải được trang bị gươm, tổng số gươm phải là 11. Thế nhưng, khi họ nói với Chúa đã có 2 thanh gươm rồi, Chúa lại nói: “Ấy là đủ” (Lu-ca 22:38)
+ Chúa Jesus không bao giờ dạy sử dụng bạo lực để chống trả với kẻ thù của mình, cho dù là để bảo vệ: “nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn” (Ma-thi-ơ 5:39); “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.” (Ma-thi-ơ 5:44).
Cách hiểu tốt hơn, là chúng ta giải thích lời phán bảo của Chúa Jesus theo ý nghĩa hàm ngụ, đồng thời cũng phải căn cứ vào văn mạch từ câu 35 đến 38:
“35 Đoạn, Ngài lại phán rằng: Khi ta đã sai các ngươi đi, không đem túi, bao, giày chi hết, các ngươi có thiếu gì không? Môn đồ thưa rằng: Không thiếu chi hết. 36 Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ, ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài đi mà mua. 37 Vì ta rao cho các ngươi, có lời chép rằng: Ngài đã bị kể vào hàng kẻ dữ. Lời ấy phải ứng nghiệm về chính mình ta. Thật vậy, sự đã chỉ về ta hầu được trọn. 38 Các sứ đồ thưa rằng: Thưa Chúa, có hai thanh gươm đây. Ngài phán rằng: Ấy là đủ.” (Lu-ca 22:35-38)
Chúa Jesus nhắc cho các Sứ Đồ nhớ lại khi Ngài bắt đầu sai họ ra đi rao giảng về Nước Đức Chúa Trời, Ngài yêu cầu họ đừng mang theo gì cả: “Ngài dạy rằng: Đi đường chớ đem gì theo hết, hoặc gậy, hoặc bao, hoặc bánh, hoặc tiền bạc; cũng đừng đem hai áo.” (Lu-ca 9:3), trong suốt khoảng thời gian ấy, họ cho biết họ không thiếu thốn gì cả (câu 35). Khoảng thời gian đó, là lúc Chúa Jesus còn ở với họ, Chúa Jesus chưa bị bắt, giờ của Chúa chưa đến (Giăng 7:6). Nhưng khi Chúa Jesus bảo các Sứ Đồ mua gươm, Chúa Jesus biết rằng đã đến lúc Ngài sẽ bị bắt trong vài tiếng đồng hồ nữa, Ngài sẽ phải bước lên thập tự giá. Câu 36 nói rõ: “Ngài phán rằng: Nhưng bây giờ ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy; ai không có gươm, hãy bán áo ngoài đi mà mua.” Cụm từ “bây giờ” ám chỉ giờ của Chúa gần đến, Chúa muốn dạy các Sứ Đồ rằng, kể từ lúc Ngài bị bắt, chịu thương khó, chịu chết, và kể cả sau khi Ngài sống lại và hoàn tất sự chuộc tội, hoàn cảnh của họ sẽ thay đổi, họ sẽ không còn được hoan nghênh, được đón tiếp và cung cấp các nhu cầu nữa, nhưng họ sẽ gặp sự chống đối từ những người khước từ Tin lành.
Kế tiếp, Chúa Jesus trích dẫn Ê-sai 53:12, là lời tiên tri cho biết Ngài sẽ bị kể vào hàng kẻ dữ: “người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người …” Chúa thật đã bị bắt, bị xét xử, bị đánh đòn, bị đóng đinh chung với 2 phạm nhân khác.
Như vậy, khi Chúa phán dạy các Sứ Đồ bán áo ngoài để mua gươm, Chúa không có ý nói “gươm” theo nghĩa đen, nhưng theo nghĩa hàm ngụ. Chúa chỉ mượn hình ảnh, hay vật dụng thông thường trong cuộc sống để dẫn các Sứ đồ đi đến chân lý thuộc linh: Họ sẽ phải đối diện với sự chống đối của những người không tin. Kể từ khi Hội Thánh được thành lập, Tin Lành được rao giảng, luôn luôn có những thành phần chống đối với Tin Lành: những người tin nhận Chúa bị những người không tin khinh dễ, chống đối, bắt bớ v.v… Những người tin Chúa phải chọn sự “phân rẽ” với người không tin, vì sự sáng và sự tối không thể hòa đồng với nhau được. Đúng như Chúa Jesus đã nói: “Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.” (Ma-thi-ơ 10:34-36)
Các Sứ Đồ chỉ nghĩ đến “gươm” theo nghĩa đen, nên sau khi họ cho Chúa Jesus biết họ đã có sẵn 2 thanh gươm: “thưa Chúa, có hai thanh gươm đây.” (câu 38), Chúa liền phán: “Ấy là đủ”. Câu nói của Chúa Jesus rất sâu sắc (có tính chất hài hước trong sự dạy dỗ của Ngài, trường hợp nầy cũng như những trường hợp khác), Chúa muốn nói với họ rằng “Đừng mua thêm gươm nữa!!”
Ngoài ra, cụm từ “ấy là đủ” (it is enough) cũng được dùng tương tự trong Sáng Thế Ký 45:28; I Các Vua 19:4; I Sử Ký 21:15, “Ấy là đủ” cho biết Chúa Jesus không muốn dạy thêm về vấn đề nầy nữa, Ngài muốn chấm dứt vào lúc nầy khi thấy các Sứ Đồ không hiểu điều Ngài muốn nói, Chúa biết các Sứ Đồ sẽ hiểu điều Ngài dạy về “gươm” sau nầy chứ không phải trong lúc nầy. Họ sẽ học và ghi nhớ điều Ngài dạy một khi họ đối diện với thực tại.
Sau nầy, các Sứ Đồ đã thấu hiểu bài học Chúa dạy khi Phi-e-rơ dùng gươm chém đứt vành tai người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, và bị Chúa cảnh cáo: “Hãy nạp gươm vào vỏ; vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm.”. Họ thật đã hiểu, chúng ta thấy các Sứ Đồ đã không hề dùng gươm lần nào nữa.
Trần Đình Tâm

Ta Đến, Không Phải Để Đem Bình An, Mà Là Gươm Giáo.

“Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian; Ta đến, không phải để đem bình an, mà là gươm giáo.  Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, nàng dâu với mẹ chồng;  và kẻ thù của người ta, chính là người nhà của họ.  Ai yêu cha hoặc mẹ hơn Ta, thì không xứng đáng với Ta, ai yêu con trai hoặc con gái hơn Ta, cũng không xứng đáng với Ta.  Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta, thì chẳng xứng đáng với Ta.  Ai tìm mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì Ta mà mất mạng sống mình, thì sẽ tìm lại được.” Ma-thi-ơ 10:34-39.

Chúng ta cũng có thể tham khảo một bản dịch khác:

 “Đừng tưởng Ta đến để đem hoà bình cho thế giới. Không, Ta đến để chia loài người làm hai.  Vì Ta, mâu thuẫn sẽ diễn ra giữa con trai với cha, con gái với mẹ, con dâu với mẹ chồng.  Kẻ thù không ở đâu xa, nhưng ở ngay trong nhà.  Nếu các con yêu cha mẹ hơn Ta, các con không đáng làm môn đệ Ta. Ai yêu con trai con gái mình hơn Ta cũng không đáng làm môn đệ Ta.  Nếu các con không vác cây thập tự mình theo Ta, các con không đáng làm môn đệ Ta.
Ai tham sống sợ chết sẽ mất mạng, nhưng ai hy sinh tính mạng vì Ta, sẽ được sống.” (Bản dịch hiện đại)

Chúa Giê-su có vị trí nào trong thế giới hiện đại? Nhiều người không cần Chúa Giê-su, bất chấp những ảnh hưởng của Ngài trên các quốc gia theo Cơ đốc giáo. Những người này cho rằng tất cả những gì họ cần là tiền bạc, khoa học, công nghệ và… Còn quan tâm đến Phúc Âm của Chúa Giê-su chỉ là một sự lãng phí thời gian.

Tuy nhiên, trong một góc khuất của tâm hồn, con người luôn cần sự bình an nội tâm trước những khổ đau của đời sống. Thế giới này với những tôn giáo hay giá trị văn hóa của nó có thể ban cho con người một sự bình an thật sự? Nếu có được như thế thì Chúa Giê-su đã không cần đến trần gian này làm một Con Người.

“Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian; Ta đến, không phải để đem bình an, mà là gươm giáo.” Những lời này xác nhận rằng Chúa Giê-su không đem sự bình an đến cho thế giới nhưng là đem gươm giáo. Gươm giáo nào? Trước giả sách Hê-bơ-rơ đề cập đến từ “gươm”: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng” (Hê-bơ-rơ 4:12)

Gươm mà Chúa Giê-su đem vào trong thế giới này là gươm của Đức Thánh Linh hay còn được gọi là Lời của Đức Chúa Trời. “Hãy đội mũ của sự cứu rỗi, và cầm gươm của Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:17). Lời Đức Chúa Trời chính là Tin lành quyền năng mà Phao-lô mạnh dạn đưa ra lời chứng: “tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin” (Rô-ma 1:16).

Phúc Âm của Chúa Giê-su không làm cho thế giới trở nên hiệp nhất. Ngài đến để phân rẽ hay chia cắt con người trên thế giới làm hai phần tách biệt: “Đừng tưởng Ta đến để đem hoà bình cho thế giới. Không, Ta đến để chia loài người làm hai” (Ma-thi-ơ 10:34. Bản dịch hiện đại)

Phúc Âm Chia Cắt Thế Giới

“Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian.” Trước khi Chúa Giê-su tuyên phán những lời này, Ngài đã huấn luyện và sai phái các môn đồ đi ra rao giảng Phúc âm, chữa lành bệnh tật, đuổi quỉ. Ngài cũng cảnh báo cho các môn đồ cái giá họ phải trả khi dấn thân cho lý tưởng của Ngài. Họ có thể bị: ngược đãi, vu oan, khủng bố, gia đình từ bỏ…. và đôi khi bị giết chết từ những thế lực chống đối. Vì vậy Chúa Giê-su khích lệ các học trò: “Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng làm cho mất được linh hồn và thân thể trong địa ngục” (Ma-thi-ơ 10:28).

 

“Ta không đến để đem sự bình an cho thế giới.” Những lời này làm cho các môn đồ bối rối. Và vẫn còn làm cho nhiều Cơ đốc nhân ngày hôm nay bối rối. Ngài đến để chia cắt thế giới, không phải đến để mang lại sự bình an cho thế giới. Chúng ta sẽ nghiên cứu sâu hơn về lẽ thật này.

“Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao. Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!” (Lu-ca 2:14)

Bản dịch Kinh Thánh New American Standard dịch câu này như sau: Vinh danh Thiên Chúa trên nơi cao sang nhất. Bình an dưới đất cho những ai mà Đức Chúa Trời đẹp lòng. “Glory to God in the highest. And on earth peace among men with whom He is pleased.”

Câu hỏi ở đây là: Ai là người mà Đức Chúa Trời đẹp lòng? Đó là những người đã được sanh lại trong Christ Giê-su.

Chúa Giê-su không đến đem lại sự bình an cho thế giới. Chúa Giê-su đến để ban cho con người sự bình an, mà sự bình an này chỉ có duy nhất trong sự cứu rỗi.  Đây là điều Phao-lô giải thích trong Rô-ma 5:1, “Vậy chúng ta đã được xưng công bình bởi đức tin, thì được bình an với Đức Chúa Trời thông qua Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta.” Chúng ta chỉ có sự bình an thật sự khi ăn năn tội lỗi, tiếp nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa.

Chúa Giê-su không đem nhân loại vào sự hiệp nhất. Ngài đến để phân chia nhân loại ra làm hai phần: những người được cứu và những người khước từ ơn cứu rỗi. Sự phân chia này không quan tâm đến bạn thuộc phe Cộng Hòa hay Dân Chủ, màu da trắng hay đen, nói Tiếng Anh hay tiếng Việt….Chỉ có hai loại người trên thế giới này. Và không có chỗ đứng cho vị thế trung lập.

 

Ý Định Của Tin Lành Là Một Sự Chia Cắt

Sự chia cắt này là ngẫu nhiên? Không phải, nó là kế hoạch của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su minh họa điều này khi Ngài giảng dạy về hai con đường rộng và hẹp hay hai cánh cửa rộng và hẹp. Hai con đường này dẫn đến hai nơi khác nhau. Đường hẹp dẫn đến sự sống (thiên đàng). Đường hẹp dẫn đến sự chết (địa ngục). Không có con đường thứ ba.

Chúa Giê-su cũng dạy về hai loại cây: tốt và xấu. Cây tốt sanh trái tốt. Cây xấu xanh trái xấu. Chúng ta có thể biết một người như thế nào khi nhìn vào kết quả từ đời sống của người đó.

Chúa Giê-su cũng dạy về hai nền tảng để xây nhà: nền đá và nền cát. Nếu đời sống bạn được xây trên nền đá được thể hiện bằng cách nghe Lời Chúa và làm theo, bạn sẽ đứng vững trước những bão giông của đời sống. Ngược lại nghe lời Chúa mà không làm theo sẽ đi đến chỗ bị hủy diệt (Ma-thi-ơ 7:24-27).

Trong hành trình giảng đạo, bất cứ nơi đâu Chúa đến, Ngài cũng chia cắt đám đông thành hai phần. “Có mấy kẻ trong những người Pha-ri-si bèn nói rằng: Người nầy không phải từ Đức Chúa Trời đến đâu, vì không giữ ngày Sa-bát. Nhưng kẻ khác rằng: Một kẻ có tội làm phép lạ như vậy thể nào được? Rồi họ bèn chia phe ra” (Giăng 9:16). Đám đông tự chia phe ra. Đây là một khuynh hướng tự nhiên của con người.

Khi các sứ đồ giảng sứ điệp Phúc âm, họ cũng làm cho đám đông chia làm hai phe: một số người tiếp nhận Phúc âm và một số người khước từ. Trong sách Công vụ chương 28, chúng ta thấy khi Phao-lô giảng: “Có người chịu tin lời người nói, có kẻ chẳng tin.  Bởi chưng họ không đồng ý với nhau và ra về, nên Phao-lô chỉ nói thêm một lời nầy: Đức Thánh Linh đã phán phải lắm, khi Ngài dùng đấng tiên tri Ê-sai mà phán cùng tổ phụ các ngươi rằng:  Hãy đến nơi dân nầy và nói rằng: Các ngươi lấy lỗ tai nghe mà chẳng hiểu chi; Lấy mắt xem mà không thấy gì.  Vì lòng dân nầy đã nặng nề; Họ bịt lỗ tai. Nhắm mắt lại” (câu 24-27).

Như vậy chúng ta thấy Phúc Âm chia cắt nhân loại thành hai phần rõ ràng.

 

Phúc Âm Chia Cắt Các Thành Viên Trong Gia đình

“Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, nàng dâu với mẹ chồng; và kẻ thù của người ta, chính là người nhà của họ.  Ai yêu cha hoặc mẹ hơn Ta, thì không xứng đáng với Ta, ai yêu con trai hoặc con gái hơn Ta, cũng không xứng đáng với Ta.”

Một số người cho rằng Chúa Giê-su đã mang sự mâu thuẫn đến giữa vòng một gia đình. Nhưng Chúa Giê-su thực sự muốn dạy điều gì ở đây? Trong văn cảnh này chúng ta phải hiểu là một người cha chưa được cứu sẽ đối nghịch với đứa con trai/gái được cứu. Cũng vậy một đứa con trai/gái chưa tin nhận Chúa Giê-su sẽ chống lại với cha/mẹ đã tiếp nhận Chúa. Chính vì thế trong gia đình có sự phân rẽ, và đôi khi người con trai/gái đã tiếp nhận Phúc Âm sẽ bị cha mẹ đuổi ra khỏi nhà vì cha mẹ cương quyết khước từ ơn cứu rỗi.

Điều này cũng có nghĩa là Cơ đốc nhân dành tình yêu và sự vâng phục cho Chúa Giê-su nhiều hơn với cha mẹ hay những người thân khác của mình. Chúa Giê-su phải đứng ở vị trí đầu tiên trong tấm lòng của tín nhân. “Ta đến để phân rẽ” là ý định của Cứu Chúa.  Trong Mác 10:28-30 chúng ta đọc thấy, “Phi-e-rơ liền thưa cùng Ngài rằng: Nầy, chúng tôi đã bỏ hết mà đi theo thầy.  Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chẳng một người nào vì ta và Tin lành từ bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đất ruộng, mà chẳng lãnh được đương bây giờ, trong đời nầy, trăm lần hơn về những nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con, đất ruộng, với sự bắt bớ, và sự sống đời đời trong đời sau.” Nói một cách khác, Chúa Giê-su hàm ý rằng nếu có một người nào đó vì cớ Phúc Âm mà từ bỏ tài sản và các mối liên hệ thân thiết trong gia đình, thì anh/chị đó sẽ nhận được gấp vạn lần hơn những gì đã bỏ lại đằng sau. Người đó sẽ nhận lại tài sản, nhà cửa, các anh chị em khác trong thân thể của Đấng Christ.

Phúc Âm Lu-ca ghi lại tình huống này: “Có một người đàn bà ở giữa dân chúng cất tiếng thưa rằng: Phước cho dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú! Đức Chúa Giê-su đáp rằng: Những kẻ nghe và giữ lời Đức Chúa Trời còn có phước hơn!” (Lu-ca 11:27-28). Trong những ngày đó mẹ phần xác của Chúa Giê-su là Ma-ri, và các anh em trong gia đình của Ngài không bước đi theo Ngài. Thậm chí những người thân, bạn hữu của Chúa còn cho rằng Ngài đã mất trí khôn. “Những bạn hữu Ngài nghe vậy, bèn đến để cầm giữ Ngài; vì người ta nói Ngài đã mất trí khôn” (Mác 3:21).

Trong Lu-ca 14:26, Chúa Giê-su phán “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta.” Câu này phải hiểu là nếu bạn yêu cha mẹ, anh chị em, vợ con, chồng của mình hơn Chúa, lúc đó bạn không xứng là môn đồ của Chúa. Tình yêu của môn đồ Đấng Christ dành cho Chúa Giê-su phải cao hơn các mối dây liên hệ khác trong gia đình.

Tại Việt Nam, có một số anh chị em sau khi trở thành Cơ đốc nhân, thì lập tức bị gia đình từ bỏ. Trong số đó có những anh chị em xuất thân từ gia đình Công giáo, thờ cúng ông bà hay gia đình đang theo những tôn giáo khác. Những câu chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Quả thật, Chúa Giê-su đến để đem sự phân rẽ giữa vòng những thành viên thân thiết trong gia đình.

 

Phúc Âm Đòi Hỏi Vác Thập Tự Giá

 

“Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta, thì chẳng xứng đáng với Ta.” Chúa Giê-su đòi hỏi những ai tiếp nhận Phúc âm phải vác thập tự giá (chết bản ngã hay từ bỏ cái tôi). Một người vác thập tự giá có nghĩa là đã nhận án tử hình và phải đi tới chỗ chết. Chúng ta có thể hát Thánh ca: “Giê-su Christ dẫn dắt tôi xin theo. Ngài đi đâu tôi quyết đi theo cùng….” Tuy nhiên hát thì dễ, nhưng bước đi theo Ngài không dễ chút nào. Phúc Âm đòi hỏi chúng ta phải chết con người cũ. Chúng ta phải thấy rằng không có cách nào để chết mà không trải qua đau đớn.

Phao-lô nhấn mạnh điều này khi ông viết, “Tôi chết hằng ngày” (1 Cô-rin-tô 15:31). Vị sứ đồ cũng viết, “Vả, bởi luật pháp, tôi đã chết cho luật pháp, để sống cho Đức Chúa Trời.  Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:19-20). Phao-lô đã chết đối với nhưng điều thuộc về trần gian. Ông cũng viết trong Ga-la-ti 6:14, “Còn như tôi, tôi hẳn chẳng khoe mình, trừ ra khoe về thập tự giá của Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta, bởi thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy!” Phao-lô không còn quan tâm đến những điều thế hạ. Ông nói rằng thế gian đối với ông đã chết và ông đối với thế gian cũng vậy. Phao-lô vác thập tự giá của mình và chết bản ngã, bởi vì Phúc Âm của Chúa Giê-su đòi hỏi điều đó.

 

Không Có Chỗ Đứng Trung Lập

Cuối cùng Phúc Âm luôn luôn chia cắt thế giới. Đó là lý do Chúa Giê-su phán, “Ai tham sống sợ chết sẽ mất mạng, nhưng ai hy sinh tính mạng vì Ta, sẽ được sống.” Ngài đang dạy rằng những ai xây dựng lý tưởng cuộc sống của họ trong đời này sẽ phải đi vào địa ngục đời đời. Còn những ai khước từ các giá trị trần gian và tiếp nhận Đấng Christ sẽ được sống vĩnh cửu trên thiên đàng.

Tiên tri Đa-ni-ên đã nhìn thấy sự phân chia này, “Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời” (Đa-ni-ên 12:2). Cựu Ước đã nói về hai nơi mà con người sẽ đi đến: thiên đàng hoặc địa ngục.

Chúa Giê-su phán dạy rõ ràng trong Ma-thi-ơ 25:46, “những kẻ nầy sẽ vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống đời đời.” Chúa cũng dạy rõ hơn về hai nơi thiên đàng và địa ngục trong câu chuyện sau:

 Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, hằng ngày ăn ở rất là sung sướng.  Lại có một người nghèo, tên là La-xa-rơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ.  Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người.
 Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn.  Người giàu ở nơi Âm phủ Nguyên-văn là Hadès, theo ý người Gờ-réc là nơi người chết ở

đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người;  bèn kêu lên rằng: Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi.  Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: Con ơi, hãy nhớ lại lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình.  Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được.  Người giàu nói rằng: Tổ tôi ơi! Vậy thì xin sai La-xa-rơ đến nhà cha tôi, vì tôi có năm anh em, – đặng người làm chứng cho họ về những điều nầy, kẻo họ cũng xuống nơi đau đớn nầy chăng.  Áp-ra-ham trả lời rằng: Chúng nó đã có Môi-se và các đấng tiên tri; chúng nó phải nghe lời các đấng ấy!  Người giàu nói rằng: Thưa Áp-ra-ham tổ tôi, không phải vậy đâu; nhưng nếu có kẻ chết sống lại đến cùng họ, thì họ sẽ ăn năn.  Song Áp-ra-ham rằng: Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy” (Lu-ca 16:19-31).

Chúa Giê-su kể câu chuyện này để dạy chúng ta một lẽ thật căn bản: Người giàu có vào địa ngục đời đời, còn La-xa-rơ vào thiên đàng đời đời. Giữa hai nơi này có một sự phân rẽ tách biệt. Nơi đến của một người trong cõi tương lai đời đời tùy thuộc vào cách mà người đó đối xử với Chúa Giê-su khi còn đang sống trên thế giới này.

Trong Cựu Ước, tiên tri Ê-li cảnh báo tuyển dân Israel, “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn” (1 các vua 18:21).

Bạn không thể có vị trí trung lập nào trong việc chọn theo Phúc Âm của Chúa Giê-su hoặc theo đuổi các thần tượng khác. Hoặc là bạn chọn Ngài làm Cứu Chúa, hoặc là bạn khước từ Ngài để theo đuổi một lý tưởng riêng. Bạn sẽ về một trong hai nơi: thiên đàng hoặc địa ngục. Điều này tùy thuộc vào thái độ của bạn hôm nay.

Phúc Âm của Chúa Giê-su không đem nhân loại vào sự hiệp nhất. Nó chia cắt nhân loại thành hai phần: những người được cứu và những người hư mất. Phúc Âm là một sự phân rẽ. Và Chúa đến để đem sự phân rẽ.

“Ta đến không phải đem bình an, mà là đem gươm giáo.”

 

Tường Vi biên soạn

Tài liệu tham khảo:

The Gospel That Divides  của Dr. Steve Gaines

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn