“Xin Thầy giúp tôi có lòng tin.”
Dr. Jim Denison
Vào ngày 2 tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng tải một đoạn video trên Facebook, trong đó ông nói với đồng bào của mình, “Hôm nay các bạn, những người Ukraine, là biểu tượng của sự bất khả chiến bại, một biểu tượng mà người dân ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể trở thành những người yêu nước nhất trên tinh cầu này.” Với lập trường hào hùng và anh dũng của họ chống lại cuộc xâm lược kinh khiếp của Nga sô, thật khó để chỉ trích lời tuyên bố của ông Zelensky.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo một cách đáng ngại rằng các lực lượng Nga “có lệnh xóa sổ lịch sử của chúng tôi. Xóa bỏ đất nước chúng tôi. Tiêu diệt tất cả chúng tôi.”
Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, tôi đã tập trung vào sự phân tích nền văn hóa liên quan đến các động cơ và mệnh lệnh của Nga, sức mạnh, di sản văn hóa, và tôn giáo của Ukraine, cũng như những cách thực tế mà Cơ Đốc nhân có thể cầu nguyện và ủng hộ Ukraine. Hôm nay, chúng ta hãy chuyển trọng tâm từ văn hóa sang thần học.
–
Quyền tể trị của Đức Chúa Trời được trước giả Thi-thiên ghi nhận rằng: “ChÚA lập ngôi Ngài trên trời; quyền cai trị Ngài trên khắp mọi vật.” (Thi. 103: 19). Không một con chim sẻ nào có thể rơi xuống đất mà không có sự thuận ý của Ngài (Ma-thi-ơ 10: 29).
Nếu Đức Chúa Trời tối cao của chúng ta phải cho phép thì những điều đó mới có thể xảy ra; vậy tại sao Đấng Yêu Thương lại cho phép cuộc xâm lược này xảy ra? Đây không phải là sự phán xét của Chúa đối với Ukraine.
Đôi khi Đức Chúa Trời sử dụng các cuộc xâm lược quân sự như sự phán xét đối với các quốc gia như Chúa từng kêu gọi quân đội Do Thái chinh phục Ca-na-an (Giô-suê 1: 2–9; Phục truyền. 7: 1–2) và dùng người Ba Tư để lật đổ đế chế Ba-by-lôn (Ê-sai 13: 17–18; Giê-rê-mi 51:11).
Tuy nhiên, thực tế này không giải thích được việc Nga Sô xâm lấn Ukraine. Khi Đức Chúa Trời đưa ra sự phán xét chống lại các lãnh tụ và quốc gia, Ngài sẽ cảnh báo họ bằng lời tiên tri (như với Môi-se trước những bệnh dịch của Ai Cập, và Chúa Giê-su trước khi thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ). Theo tôi biết thì không có cảnh báo nào dành cho Ukraine.
–
Ngoài ra, Đức Chúa Trời phán xét tội nhân và tội lỗi cách cụ thể (Công-vụ 12: 20–23). Tôi không thấy tội lỗi nào của Ukraine để có thể khiến Nga Sô gây hấn. Trái lại, không phải người Ukraine mà là Vladimir Putin rõ ràng đang hành động trái đạo đức, dẫn đến sự thật thứ hai.
Đức Chúa Trời “không muốn cho một ai hư vong, nhưng muốn mỗi người đều ăn năn.” (2 Phi-e-rơ 3: 9b). Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều ăn năn (Khải Huyền 16:21). Ngài “muốn cho mọi người được cứu rỗi” (1 Ti-mô-thê 2: 4), nhưng không phải tất cả mọi người đều được cứu (Khải Huyền 20:15). Điều này là do Đức Chúa Trời cho phép con người sử dụng ý tự quyết mà Ngài ban cho chúng ta (Sáng. 3: 5). Khi chúng ta lạm dụng quyền tự do này, hậu quả không phải do lỗi của Chúa mà là của chúng ta. Theo tôi, đây rõ ràng là cách giải thích cuộc xung đột này theo tinh thần Kinh Thánh: Nga Sô xâm lấn một quốc gia vô tội là một điều sai quấy.
Nếu Chúa can thiệp cuộc xâm lăng này, có nghĩa là Ngài cất đi quyền tự do của Putin, trong trường hợp đó Putin sẽ không được sử dụng quyền tự do mà Chúa ban cho mọi người. Điều này giải thích một cách hợp lý tại sao Chúa lại cho phép cuộc xâm lược này xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề là: Đức Chúa Trời đôi khi ngăn chặn hậu quả của việc tự do bị lạm dụng.
Khi Hê-rốt bắt Phi-e-rơ và giam giữ ông để hành quyết, Đức Chúa Trời đã đáp lại lời cầu thay của hội thánh bằng cách sai thiên sứ đến giải thoát sứ đồ (Công vụ 12: 1–11). Khi Vua Giê-hô-sa-phát cầu nguyện xin sự can thiệp của Chúa Thánh Linh chống lại một đội quân xâm lược khổng lồ (2 Sử ký 20: 5–12), “họ thấy xác chết nằm trên đất, không ai sống sót.” (c. 22–24).
Vậy tại sao cho đến nay Chúa vẫn chưa nhậm lời cầu nguyện của chúng ta bằng cách bảo vệ Ukraine khỏi bị Nga Sô tấn công? Tóm lại, tôi tin rằng cuộc tấn công Ukraine là một ví dụ về sự lạm dụng tự do của con người. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng Chúa đôi khi can thiệp để bảo vệ người vô tội khỏi sự hung hăng như vậy.
–
–
Tình thế tiến thoái lưỡng nan này đưa tôi đến hai lựa chọn: Tôi có thể giới hạn niềm tin của mình vào Chúa về những gì tôi hiểu về Ngài, hoặc tôi có thể tin cậy Chúa những gì tôi chưa hiểu về Ngài.
Ở những khía cạnh khác của cuộc đời, tôi luôn chọn cách tin tưởng vào những gì tôi chưa hiểu, từ việc tôi có thể sử dụng vi tính để gửi cho bạn những lời này, đến chiếc xe tôi lái, và nguồn điện tôi sử dụng. Tôi đang đưa ra quyết định tương tự với Chúa, vì ba lý do:
1. Một số hành động siêu nhiên nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người (Ê-sai 55: 8–9). Không phải Chúa không giải thích cách của Ngài cho tôi hiểu mà là Ngài không thể nào làm hơn như tôi có thể nào dạy phép tính calculus cho đứa cháu trai ba tuổi của mình.
2. Chúng ta sẽ hiểu biết tường tận mọi việc khi gặp mặt Chúa dấu yêu (1 Cô. 13:12). Tất cả mọi mối quan hệ đều đòi hỏi một cam kết hơn cả bằng chứng và trở nên tự chứng thực, từ việc kết hôn, sinh con, đến việc chọn học đường hoặc việc làm. Ngày hôm nay, chúng ta càng vâng phục Đức Chúa Trời, thì ngày mai chúng ta càng có thể hiểu Ngài nhiều hơn. Và những gì chúng ta chưa hiểu trong cuộc sống này, chúng ta sẽ hiểu tỏ tường trong cuộc sống tiếp nối.
3. Sự vâng phục giúp chúng ta trải nghiệm điều tốt nhất nơi Đức Chúa Trời, bất cứ khi nào và bất cứ điều gì (Rô-ma 12: 1–2). Khi chọn tin cậy Chúa hơn là hiểu biết Chúa, tôi đặt mình trong vị trí để thử nghiệm cho biết ý định tốt lành, trọn vẹn và đẹp lòng Đức Chúa Trời.”
–
Với thảm kịch ở Ukraine và những đấu tranh lẫn nghi ngờ của cá nhân bạn, tôi khuyến khích bạn hãy cùng tôi trong việc tin cậy Chúa ngoài những gì bạn hiểu biết về Chúa. Tôi sẽ kết thúc bằng cách mời bạn cầu nguyện lời cầu nguyện mà tôi tâm đắc trong Kinh thánh.
Khi người cha mang con trai bị quỷ ám đến với các môn đệ của Chúa Giê-su, họ không thể đuổi quỷ được. Vì vậy, ông quay sang Chúa Giê-su với lời cầu xin: “Dù sao, nếu được, xin Thầy thương tình giúp chúng tôi.” (Mác 9:22). Chúa Giê-su đáp: “Ai tin thì mọi việc đều được cả.” (câu 23). Người cha đáp lại, “Tôi tin, xin Thầy giúp tôi có lòng tin.” (câu 24b).
–
Lược dịch: Nguyễn Thị Bảo Hạnh