Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Tiêu Chuẩn Nào Quyết Định Đúng Sai Về Đạo Đức?

Tiêu Chuẩn Nào Quyết Định Đúng Sai Về Đạo Đức?

Có nhiều quan điểm được đưa ra khi trả lời câu hỏi này. Trong xã hội vàng thau lẫn lộn, chúng ta rất khó xác định một ai đó để chúng ta tin tưởng và đi theo quan điểm của người đó. Một câu hỏi khác: Ai có quyền xác định rằng những gì là đúng hay sai cho chính bản thân người đó? Có phải mọi điều xảy ra trên thế giới về phương diện đạo đức không liên hệ gì cả đến từng cá nhân? Những câu hỏi này và những câu khác giống như thế được phát tán trên các blog và website. Các trường đại học thế tục cũng đưa ra những câu hỏi đó. Đâu là câu trả lời?

Bên cạnh câu hỏi này còn có quan điểm của thuyết tương đối. Nó chủ trương rằng không có điều gì tuyệt đối cả. Cái duy nhất tuyệt đối là cái tương đối.

Nhưng đây có phải là một trong những vấn đề cơ bản của thuyết tương đối? Dĩ nhiên là không. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét các luận điểm phản biện sau:

  1. Thuyết tương đối tự đánh bại chính nó khi tuyên bố rằng không có gì tuyệt đối trong vũ trụ này. Nó hàm ý rằng người ta không nên sử dụng từ “không bao giờ.” Tương tự như vậy, nó cũng cho rằng một người nên tránh sử dụng từ “luôn luôn.”
  2. Sự khẳng định rằng thế giới ngày càng tồi tệ hơn (hoặc tốt hơn) là không thể, trừ phi ai đó có đạo đức tuyệt đối để biết điều gì là tốt nhất. Ngay cả những phán đoán đơn giản về thế giới tốt (hay xấu) như thế nào là phụ thuộc vào một số tiêu chuẩn khách quan bên ngoài mà theo đó chúng ta có thể đưa ra những phán đoán như vậy. Nếu như không có ai là đạo đức tuyệt đối, khi đó chúng ta không thể nói rằng nghèo đói, lạm dụng, bóc lột, và chế độ nô lệ sẽ làm cho thế giới trở nên tồi tệ hơn, hoặc hòa bình, hòa hợp và tình yêu sẽ làm cho thế giới tốt hơn.
  3. Những sự so sánh về đạo đức mà chúng ta thường làm phụ thuộc vào sự tuyệt đối về đạo đức (điều gì là tốt nhất?) Tại sao chúng ta có thể nói Chúa Giê-su Christ tốt hơn Osama Bin Laden, trừ phi chúng ta có một tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng để biết ai là tốt hơn.
  4. Sự tranh cãi về đạo đức liên quan đến các luật đạo đức mang tính phổ quát. Chúng ta không thể nói A đúng, B sai cho đến khi chúng ta có một tiêu chí để đo lường chúng. Do đó, phải có một tiêu chuẩn cuối cùng đo lường cả hai A và B để so sánh.
  5. Chúng ta đã không phát minh ra những qui luật luân lý nào cả, trong khi chúng ta đã phát minh ra các định lý về toán học và vật lý. Newton đã không phát minh ra trọng lực, ông chỉ khám phá nó. Nó có sẵn đó trước khi ông nhận ra nó tồn tại. Không có người nào phát minh ra các qui luật về lô-gic. Nó là một phần của các luật trong vũ trụ. Cũng vậy, chúng ta không phát minh ra các qui luật đạo đức, chúng ta chỉ khám phá chúng.
  6. Tội lỗi phổ quát cho thấy có những luật luân lý phổ quát. Tại sao chúng ta lại bào chữa cho hành động của mình trừ khi chúng ta biết chúng ta không sai phạm? C. S Lewis trình bày sự thật này trong cuốn sách cổ điển của ông nhan đề Chỉ Là Cơ-đốc Giáo. Lewis chỉ ra rằng chúng ta có khuynh hướng hành xử một cách nhất định để tránh phá bỏ những nguyên tắc đạo đức chắc chắn mà chúng ta biết là không thể bị phá vỡ.
  7. Luật luân lý không thể là bản năng tự nhiên của các động vật. Tuy nhiên con người chúng ta đôi khi chọn nhiệm vụ thuộc về bản năng – như một người vội vàng lao vào một tòa nhà đang cháy để cứu một đứa trẻ. Sự biểu hiện cuối cùng của việc này là khi một người hy sinh mạng sống của mình để cứu người khác.
  8. Tất cả chúng ta đều nhìn thấy một số hành động là tội ác. Ví dụ như: tội diệt chủng, ngược đãi trẻ em, chế độ nô lệ…Nhưng làm thế nào chúng ta biết đó là điều ác xấu xa trừ khi chúng ta có một qui luật về đạo đức phổ quát cho chúng ta biết rằng những hành động như thế là sai.
  9. Những nguyên tắc đạo đức không được khám phá qua những hành động của chúng ta (nhưng qua cách chúng ta phản ứng). Bởi vì tất cả chúng ta đều không hoàn hảo và không luôn luôn làm theo điều chúng ta biết là đúng. Đây là lý do khiến chúng ta không thể xác định qui luật đạo đức căn cứ vào những gì chúng ta làm cho người khác. Nhưng có nhiều điều chúng ta không muốn người khác làm cho bản thân mình như: nói dối, giết người, lăng mạ, lừa đảo….Vì vậy qui luật về đạo đức được thiết lập trên căn bản: những gì chúng ta muốn người khác làm cho mình. Chúa Giê-su đã dạy: “Hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12)
  10. Những qui luật về đạo đức cũng được tìm thấy trong nhiều nền văn hóa. C. S. Lewis đã có một bộ sưu tập về điều này trong tác phẩm nổi tiếng Sự Thủ Tiêu Con Người. Trong phần phụ lục của sách này, Lewis so sánh các nguyên tắc đạo đức từ sự đa dạng của các nền văn hoá. Những gì ông tìm ra là thay vì hoàn toàn khác nhau, các nguyên tắc đạo đức rất giống nhau cách ấn tượng giữa các nền văn hóa chính trên thế giới. Điều này bao gồm sự tôn trọng đối với tài sản và nhân cách của người khác. Như triết gia vĩ đại Immanuel Kant đã nói, “chúng ta không nên làm bất cứ điều gì mà không phải là nguyện vọng chính đáng phổ quát của tất cả mọi người.” Mệnh lệnh rõ ràng này bao gồm việc cấm nói dối, giết người và những hành động tương tự khác.

ÁP DỤNG

Cuối cùng, ai có thể xác định điều nào là đúng và điều nào là sai? Chỉ một mình Đức Chúa Trời có thể làm điều này. Ngài là Đấng ban luật pháp, ban luật đạo đức và chúng được viết trong Lời của Ngài (Xuất Ê-díp-tô ký 20) và kỳ diệu thay cũng được viết trong lòng chúng ta (Rô-ma 2:12-15). Vì vậy chúng ta bắt buộc phải vâng theo những qui luật đạo đức đó.

KINH THÁNH THAM KHẢO

Sáng thế ký 20; Ma-thi-ơ 7:12; Giăng 14:15; Rô-ma 2:12-15; 4:5; 2 Ti-mô-thê 3:15-16; 1 Giăng 1:8.

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn