CHÚA GIÊ-SU CHRIST
Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.
Lu-ca 3:22
Một đám đông phấn khích tập trung trên bờ sông Giô-đanh để lắng nghe một con người đặc biệt đến từ đồng vắng. Người này không làm bất kỳ một phép lạ nào, nhưng thông điệp của ông rao giảng có một một sức hút kỳ lạ đến mọi người, ngay cả những lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ cũng đến xem. Giữa Cựu Ước và Tân Ước có bốn trăm năm yên lặng. Và rồi Giăng Báp-tít xuất hiện, ông là nhà tiên tri cuối cùng và vĩ đại nhất của người Do Thái. Ông công bố vương quốc của Đức Chúa Trời đã đến gần. Nó không phải là một vương quốc chính trị như nhiều người Do Thái đang trông mong. Nó là một vương quốc thuộc linh trong đó có sự tha thứ tội lỗi và sự sống đời đời. Giăng đang báp-tem cho những ai ăn năn tội lỗi và tiếp nhận sứ điệp của ông. Chức vụ của ông nhấn mạnh, “phúc âm Chúa Giê-su Christ là Con Đức Chúa Trời” (Mác 1:1; Công vụ. 1:21-22; 10:37-38). Từ “phúc âm” có nghĩa là “tin tức tốt lành”. Và thực sự đó là một tin tốt. Vì Đấng Mê-si đã đến theo như các lời tiên tri đã được dự báo trong Cựu ước. Một kỷ nguyên mới đang đến.
Chúa Giê-su từ Na-xa-rét (nơi Ngài đã lớn lên trong gia đình của một người thợ mộc) đến sông Giô-đanh. Lúc đó Chúa ba mươi tuổi và là một người vô danh trong đế quốc rộng lớn. Chúa đến để chịu Giăng làm phép báp-tem chuẩn bị cho một chức vụ ba năm sắp tới. Khi Chúa Giê-su nhận báp-tem và ra khỏi nước, Đức Chúa Cha từ thiên đàng công bố: “Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.”
Mác ghi nhận rằng “Ngài thấy các từng trời mở ra” (Mác 1:10). Và Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên Ngài. Cảnh tượng đầy kịch tính này bày tỏ cho chúng ta biết Chúa Giê-su là ai, tại sao chúng ta phải tin cậy Ngài và nhận Ngài là Cứu Chúa của đời sống chúng ta.
GIÊ-SU LÀ CON CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Cha công bố về Chúa Giê-su, “Ngươi là Con của Ta.” Điều này có nghĩa Chúa Giê-su Christ là một trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Khi các người lãnh đạo của Do Thái giáo đặt câu hỏi về Chúa Giê-su, Giăng Báp-tít trả lời: “Ta đã thấy và làm chứng về người này rằng, đây là Con Đức Chúa Trời.” Cảnh tượng đang ghi nhớ trong Lu-ca 3:22 bày tỏ chức vụ của Chúa Giê-su trong Đức Chúa Trời ba ngôi hiệp một: Đức Cha tuyên phán từ thiên đàng, Đức Con nhận lãnh báp-tem dưới sông Giô-đanh, và Đức Thánh linh ngự xuống từ thiên đàng trong hình chim bồ câu đậu trên Chúa Giê-su. Gần cuối của chức vụ, trước khi Chúa Giê-su lên thập tự giá, Đức Cha xác nhận một lần nữa về thân vị của Chúa Giê-su trên núi hóa hình, “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó!” (Ma-thi-ơ 17:5)
Tiên tri Ê-sai đã dự báo trước về Đấng Mê-si sẽ đến, “Nầy, đầy tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ; là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại” (Ê-sai 42:1; Ma-thi-ơ 12:18-21). Trong câu này, Đức Cha phán dạy về Đức Con. Đức Cha đặt Đức Thánh Linh trên Đức Con. Đây là khải thị về Đức Chúa Trời ba Ngôi hiệp một. Ngay cả Satan và những quỉ sứ của nó cũng nhận biết Thần tính của Chúa Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 4:3; 8:29), và Sau-lơ người Tạt-sơ cải đạo trở thành sứ đồ Phao-lô cũng dạn dĩ công bố trong các nhà hội rằng: “Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời.” (Công vụ. 9:20).
Khi Chúa Giê-su hỏi các môn đồ Ngài là ai. Phi-e-rơ thưa rằng, “Thầy là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:15-16). Và Chúa Giê-su không phủ nhận điều này. Sứ đồ Giăng viết, “Ví bằng có ai xưng Đức Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người, và người ở trong Đức Chúa Trời” (1 Giăng 4:15). Giăng kết thúc lá thư thứ nhất của ông với một lời nhắc nhở: “Nhưng chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến, Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân thật, và chúng ta ở trong Đấng chân thật, là ở trong Đức Chúa Giê-su Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời. Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!” (1 Giăng 5:20-21). Nếu bạn không thờ phượng Giê-su là Con Đức Chúa Trời, khi đó bạn không thờ phượng Đức Cha. Chúa Giê-su phán, “Ai không tôn kính Con, ấy là không tôn kính Cha, là Đấng đã sai Con đến.” (Giăng 5:23)
Đây chính là lý do Giăng viết sách Phúc âm, trong đó ông giới thiệu Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời và khích lệ con người tiếp nhận Ngài để nhận lãnh sự sống đời đời. “Đức Chúa Giê-su đã làm trước mặt môn đồ Ngài nhiều phép lạ khác nữa, mà không chép trong sách nầy. Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:30-31).
“Khi người Pha-ri-si nhóm nhau lại, thì Đức Chúa Giê-su hỏi họ rằng: Về Đấng Christ, các ngươi nghĩ thể nào? Ngài là con ai?” (Ma-thi-ơ 22:41-42). Câu hỏi này vẫn còn là một câu hỏi quan trọng nhất của đời sống.
CHÚA GIÊ-SU LÀ CON YÊU DẤU
Lần đầu tiên chúng ta tìm thấy từ yêu trong Sáng thế ký 22:2, “Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho.” Bây giờ chúng ta suy nghĩ đến Chúa Giê-su. Từ yêu được tìm thấy trong sách Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca. Trong khi Chúa Giê-su nhận phép báp-tem, Đức Cha phán, “Ngươi là Con yêu dấu của ta.” Sự nhấn mạnh trong Sáng thế ký là tình yêu của cha Áp-ra-ham dành cho Y-sác con trai mình. Và sự nhấn mạnh trong Tân ước là tình yêu thiên thượng của Đức Cha dành cho Đức Con. Đây là một chủ đề mà chúng ta cần chú ý. Khi đọc Phúc âm Giăng, suy ngẫm câu 16, chương 3 chúng ta khám phá tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho toàn thể nhân loại.
Điều quan trọng mà chúng ta cần thấy là mối quan hệ trong ba Ngôi Đức Chúa Trời là tình yêu. Giăng Báp-tít tuyên bố, “Cha yêu Con, và đã giao hết mọi vật trong tay Con” (Giăng 3:35). Và Chúa Giê-su tuyên phán với các lãnh đạo Do Thái giáo, “Cha yêu Con và tỏ cho mọi điều Cha làm” (Giăng 5:20). Sau đó Chúa cũng dạy, “Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình, để được lấy lại” (Giăng 10:17). Chúng ta thường nghĩ về sự chết của Chúa trên đồi Gô-gô-tha như một minh chứng Đức Chúa Trời yêu tội nhân – và điều này là thực (Rô-ma 5:8). Nhưng đồi Sọ cũng là bằng chứng nói rằng Con yêu Cha. Chúa Giê-su xác nhận, “Nhưng thế gian phải biết rằng ta yêu mến Cha, và làm theo điều Cha đã phán dặn” (Giăng 14:31)
Tuy nhiên còn có thêm lẽ thật ở đây. Chúa Giê-su yêu chính Ngài cũng giống như Cha yêu Con! Và Cha yêu chúng ta cũng giống như Ngài yêu Con. “Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy” (Giăng 15:9). Lời cầu nguyện của Cứu Chúa là: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến, và Cha đã yêu thương họ cũng như Cha đã yêu thương Con” (17:23). Chúa Giê-su bày tỏ: “Con đã tỏ danh Cha ra cho họ, Con lại sẽ tỏ ra nữa, để cho tình yêu thương của Cha dùng yêu thương Con ở trong họ, và chính mình Con cũng ở trong họ nữa” (17:26).
Cha yêu chúng ta cũng giống như Ngài yêu Con! Con yêu chúng ta cũng giống như Cha yêu Con! Cha đã ban ân điển vô điều kiện cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài. Phao-lô viết, “bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Giê-su Christ, theo ý tốt của Ngài, để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!” (Ê-phê-sô 1:5-6). Chúng ta được chấp nhận trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
GIÊ-SU LÀ CON VÂNG PHỤC
Tình yêu thương và sự hài lòng của Cha tập chú vào Con của Ngài. Và bởi vì chúng ta ở trong Con, nên Ba Ngôi Đức Chúa Trời tập chú vào chúng ta. Đức Cha phán dạy qua tiên tri Ê-sai: “Nầy, tôi tớ ta đã chọn. Là người mà ta rất yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thánh Linh ta ngự trên người. Người sẽ rao giảng sự công bình cho dân ngoại” (Ma-thi-ơ 12:18; Ê-sai 42:1). Đức Cha phán với Con, “Ta đẹp lòng về ngươi.” Và Ngài cũng muốn nói như thế với chúng ta. Chúa Giê-su làm chứng về chính Ngài: “ta chẳng tìm ý muốn của ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai ta” (Giăng 5:30). Và Ngài cũng nói, “Đấng đã sai ta đến vẫn ở cùng ta, chẳng để ta ở một mình, vì ta hằng làm sự đẹp lòng Ngài” (Giăng 8:29). Chúa Cứu thế phán, “Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:34).
Bước vào năm ba mươi tuổi, Chúa Giê-su chưa tuyên giảng sứ điệp Phúc âm hay làm một phép lạ nào, nhưng Đức Cha đẹp lòng về Ngài. Chúa Cứu thế trưởng thành theo một cách quân bình. “Đức Chúa Giê-su khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta. (Lu-ca 2:52). Khi đủ tuổi Ngài làm việc trong xưởng mộc với người cha phần xác Giô-sép (Ma-thi-ơ 13:55; Mác 6:3). Chúa Cứu thế vâng phục cha mẹ phần xác: “Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ” (Lu-ca 2:51). Tại Na-xa-rét Cứu Chúa học và làm nghề thợ mộc với gia đình.
Khi một Cơ đốc nhân được hỏi làm thế nào để sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, câu trả lời thường là cầu nguyện, dâng phần mười, suy ngẫm Kinh Thánh hàng ngày và thi hành các mục vụ khác. Nếu tất cả những công việc này dâng vinh hiển về cho Đức Chúa Trời, khi đó chúng ta được Chúa đẹp lòng. Đức Chúa Trời cũng đẹp lòng khi con cái tôn kính cha mẹ và khi các công nhân hoàn thành công việc được giao cách tốt nhất. “Vả, lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng; vì trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật. Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:8-10). “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa” (Cô-lô-se 3:20)
Cha thiên thượng đẹp lòng với ba mươi năm đầu tiên trên đất của Con, và Ngài cũng đẹp lòng khi Con nhận báp-tem tại sông Giô-đanh. Tại sao? Bởi vì phép báp-tem là một hình ảnh về tương lai của Cứu Chúa phải chịu chết trên thập tự giá để đền tội cho nhân loại. Chúa Giê-su dạy, “Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình, để được lấy lại” (Giăng 10:17). Trên đường đến Giê-ru-sa-lem, Chúa phán với các môn đồ, “Có một phép báp-têm mà ta phải chịu, ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành!” (Lu-ca 12:50)
Sách Giáo lý chính thức của Giáo hội Công Giáo ghi: “Phép báp têm, dấu hiệu nguyên thủy và đầy đủ là sự trầm mình trong nước, biểu thị cách hiệu quả cho Ki-tô hữu đi vào mồ mã chết vì tội lỗi với Chúa Ki-tô và rồi sống một đời sống mới.”1 Martin Luther viết rằng phép báp-tem là biểu tượng của sự chết và sự phục sinh. Những ai nhận lãnh báp-tem phải hoàn toàn trầm mình trong nước.2 John Calvin, nhà Thần học của Giáo hội Cải chánh viết trong sách Các Chủng Viện Của Cơ Đốc Giáo, “từ báp-tem có nghĩa là trầm mình, và rõ ràng nó là nghi thức ngâm mình trong nước đã được thực hành trong các hội thánh đầu tiên.”3 Trong phần chú giải Kinh Thánh, John Wesley nhà sáng lập giáo hội Methodist đã chú thích Rô-ma 6:4, “chúng ta được chôn với Chúa Giê-su qua nghi thức trầm mình.”4 Trong thực tế, sự thực hành của Wesley là trầm mình các trẻ sơ sinh ba lần trong nước.
Có vẻ như hiển nhiên là Giăng đã chôn Chúa Giê-su trong nước tại sông Giô-đanh và rồi đem Ngài ra khỏi nước là bức tranh về sự chết, sự chôn và sự phục sinh của Chúa. Hành động này tượng trưng cho phép báp-têm đau khổ của Chúa chúng ta trên thập tự giá khi những “cơn sóng và nước lớn” của cơn thịnh nộ Dức Chúa Trời chống lại tội lỗi đổ trên Ngài (Thi thiên 42:7). Lưu ý thú vị là Giô-na cũng trích dẫn Thi thiên 42:7 khi ông bị chìm xuống biển trong bụng của một con cá lớn (Giô-na 2:4). Và Chúa Giê-su đã dạy, “Ngài đáp rằng: Dòng dõi hung ác gian dâm nầy xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na. Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. Đến ngày phán xét, dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng dậy với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na!” (Ma-thi-ơ 12:39-41). Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đương thời dạy rằng Giê-su người Na-xa-rét đã chết, nhưng bài giảng của Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ Tuần nhấn mạnh đến sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ, và “dấu lạ của tiên tri Giô-na” là dấu lạ duy nhất mà Chúa Giê-su ban cho Israel.
Nhưng đó không phải là tất cả. Khi Giăng Báp-tít phản đối làm phép báp-tem cho Chúa Giê-su. Chúa Cứu thế trả lời: “Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy” (Ma-thi-ơ 3:15). Có phải đại từ “chúng ta” ở đây chỉ về Chúa Giê-su và Giăng? Tôi không nghĩ như vậy. Bởi vì một người thế hạ, tội lỗi như Giăng Báp-tít làm sao có thể hợp tác với Đức Chúa Trời để làm trọn mọi việc công bình? Tôi tin rằng từ “chúng ta” ở đây chỉ về Ba Ngôi Đức Chúa Trời: Cha phát ngôn từ thiên đàng, Con nhận lãnh báp-tem và Đức Thánh Linh đậu xuống trên Chúa Giê-su trong hình chim bồ câu. Cả Ba Ngôi đều góp phần trong chương trình cứu chuộc vĩ đại. Cha thiên thượng hài lòng vì Con sẵn sàng chịu thống khổ và trả giá bằng sự chết để trở thành Cứu Chúa của thế gian. “Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình, để được lấy lại” (Giăng 10:17). Cứu Chúa đã vâng phục cho đến chết thậm chí chết trên cây thập tự (Phi-líp 2:8).
Thêm một điều nữa. Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình chim bồ câu, và tên Giô-na có nghĩa là bồ câu. Bồ câu làm chúng ta nhớ đến Nô-ê và chiếc tàu (Sáng. 8:6-12), và Phi-e-rơ nối kết phép báp-tem với trận Đại hồng thủy và sự phục sinh của Christ (1 Phi-e-rơ 3:13-22). Hãy suy nghĩ đến những mối liên quan này.
GIÊ-SU LÀ CON CHIẾN THẮNG
Đức Thánh Linh đến trong hình chim bồ câu xác nhận Chúa Giê-su đã đến gặp Giăng Báp-tít (Giăng 1:32-34), và từ khi Chúa bước vào thế giới, thì Đức Thánh Linh làm vinh hiển Chúa Giê-su và bày tỏ Ngài cho những tấm lòng tìm kiếm nước trời. Chúa Giê-su dạy về Đức Thánh linh: “Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi” (Giăng 16:14). J. Sidlow Baxter đã nói, “Bất cứ điều gì bắt đầu với Đức Thánh Linh, thì luôn luôn dẫn tới Christ.” Thật là một lẽ thật kỳ diệu! Đức Thánh Linh chỉ ra Chúa Giê-su hiện diện trong Lời và ban quyền năng để chúng ta làm chứng về Chúa Giê-su cho thế giới (Giăng 15:26-27). “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công vụ 1:8).
Chúa Giê-su bước đi và thi hành chức vụ trên đất trong quyền năng Đức Thánh Linh (Công vụ. 10:37-38), và chúng ta cũng phải như vậy. Tuy nhiên có nhiều tín hữu cho rằng vì Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời nên Ngài chỉ đơn giản vận dụng quyền năng siêu việt của Đấng Toàn năng. Những người này cũng lý luận rằng bởi vì họ không có cùng thần tánh như Chúa Giê-su nên Đức Chúa Trời không thể trông đợi nhiều nơi họ. Thực ra đó là một lối suy nghĩ sai. Khi Cứu Chúa ở trên đất, Ngài tùy thuộc vào Đức Thánh Linh, vào sự cầu nguyện, vào Lời. Và những nguồn năng lực thuộc linh đó có sẵn cho chúng ta hôm nay. Khi Satan cám dỗ Chúa Giê-su trong đồng vắng, sự cám dỗ đầu tiên của nó là thách thức Chúa Giê-su sử dụng quyền năng siêu nhiên để phục vụ chính Ngài, và không sống bởi đức tin vào ý muốn của Cha thiên thượng (Ma-thi-ơ 4:1-4). Khi tìm kiếm vinh quang qui về Đấng Christ, Đức Thánh Linh sẽ vận hành trong chúng ta – chúng ta được ở trong Christ, ở trong Lời Chúa và trong sự cầu nguyện.
Bắt đầu với sự thụ thai kỳ diệu bởi quyền năng Đức Thánh Linh (Lu-ca 1:26-28), toàn bộ công tác của Cứu Chúa Trên đất được khai phóng và kiểm soát bởi Đức Thánh Linh.
Sau trải nghiệm vinh hiển tại sông Giô-đanh, Cứu Chúa được Thánh Linh dẫn dắt vào trong đồng vắng chạm trán với ma quỉ và đánh bại nó. (Trong Cựu ước những người Do Thái vượt qua sông Giô-đanh vào trong đồng vắng, rồi tiến về miền đất hứa.) Khi Đức Thánh Linh đưa Chúa Giê-su trở về Na-xa-rét là nơi Ngài công bố sứ điệp đầu tiên trong nhà hội và bị giáo đoàn từ chối (Lu-ca 4:14-30). Chức vụ rao giảng Phúc âm của Chúa cũng bao gồm chữa lành bệnh tật, đuổi quỉ, gọi kẻ chết sống lại, hay đào tạo các môn đồ. Tất cả các mục vụ này đều được thực hiện trong quyền năng Đức Thánh Linh. Đức Con qui vinh hiển về Đức Cha. Và Cha làm vinh hiển Con (Giăng 12:28; 13:31-32; 17:1). Mục vụ của Con được hoàn thành trong năng quyền Thánh Linh. Không có Ngôi nào tìm vinh hiển cho riêng mình.
Kết luận về bài học này khá rõ ràng: Nếu Con Đức Chúa Trời cần đến Đức Thánh Linh để hoàn thành ý chỉ Đức Chúa Trời, thì chúng ta ngày nay càng cần đến quyền năng Đức Thánh Linh là dường nào! Con người có thể làm nhiều việc tốt đẹp nhưng không dâng vinh hiển cho Chúa Giê-su vì không nhờ cậy Đức Thánh Linh hướng dẫn và ban quyền năng. Các hội chúng ngày hôm nay có quá nhiều bất động sản, các thiết bị công nghệ tinh vi, nhiều kiến thức về quan hệ công chúng, tài năng của con người và…. Nhưng hội chúng để Đức Thánh Linh ra bên ngoài. Con Đức Chúa Trời đang ngự bên hữu Cha thiên thượng khao khát được trao quyền năng chiến thắng của Ngài cho thân thể Ngài trên đất, nhưng chúng ta thích sống theo một cách khác. “Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin” (Gia-cơ 4:2). Có bao nhiêu lời cầu nguyện của các thánh đồ xin Cha tuôn đổ quyền năng Thánh Linh Ngài trên Hội Thánh? Đâu là chìa khóa cho nguồn năng lực vô biên của Hội Thánh đầu tiên? “Khi đã cầu nguyện, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công vụ 4:31).
Oswald Chambers đã viết, “Có một điều mà chúng ta không thể bắt chước – không thể bắt chước sự đầy dẫy Đức Thánh Linh.”
Nhưng chúng ta có thể tiếp tục đánh lừa người khác và chính chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không thể đánh lừa Đức Chúa Trời.
ADMIN