Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Quyền Phép Nước Trời

Quyền Phép Nước Trời

Các Giả Định Của Lý Thuyết Phủ Nhận Các Sự Kiện Siêu Nhiên

Việc đề cao lý trí của con người như là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý trong thời đại Khai sáng vào thế kỷ mười tám đã dẫn đến sự nở rộ phương pháp nghiên cứu phê bình lịch sử Kinh Thánh vào thế kỷ mười chín. Phương pháp này cho rằng tất cả các sự kiện lịch sử và tự nhiên diễn ra về nguyên tắc là có thể so sánh được bằng phép loại suy, và kinh nghiệm hiện tại của con người về thực tế có thể cung cấp các tiêu chí khách quan để kết luận điều gì có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra trong quá khứ. Nguyên tắc này sau đó đã được sửa đổi ở một số phương diện. Ví dụ, người ta thừa nhận rằng tất cả các sự kiện lịch sử theo một nghĩa nào đó là duy nhất và do đó không thể hoàn toàn tương tự với các sự kiện trước đó. Hơn nữa, có thể tìm thấy ý nghĩa trong một sự kiện không thể kiểm chứng một cách khách quan, chẳng hạn như các giá trị cao nhất trong đời sống, ví dụ như sự công bình và tình yêu thương.

Tuy nhiên, khi giữ nguyên tắc cơ bản rằng chỉ duy lý trí của con người mới có thể xác định điều gì là thật và đúng, thì sẽ dẫn đến nhiều cáo buộc sai lầm trong Kinh Thánh cho đến ngày nay. Như Richard Purtill giải thích, “Nếu các câu chuyện kể trong Kinh Thánh mà không có các câu chuyện về các sự kiện phép lạ hoặc không đề cập đến Đức Chúa Trời, các thiên sứ… thì lịch sử Kinh Thánh có lẽ sẽ được coi là vững chắc hơn nhiều so với phần lớn lịch sử, như là của Hy Lạp cổ và La Mã. Nhưng vì các câu chuyện trong Kinh Thánh có đề cập đến phép lạ và có liên quan đến Đức Chúa Trời, thiên sứ và ma quỷ… rồi những vấn đề quan tâm khác hơn là chỉ những nhân vật lịch sử đi vào bức tranh này…. Những người theo chủ nghĩa hiện đại bị thuyết phục là phép lạ không thể xảy ra.” Howard Vos tóm tắt vấn đề một cách thẳng thừng: “Chủ nghĩa hoài nghi thái quá của nhiều nhà thần học tự do không bắt nguồn từ việc đánh giá cẩn thận các dữ liệu sẵn có, mà là từ khuynh hướng của con người lý trí chống lại các sự kiện siêu nhiên.”

Niềm tin cho rằng lý trí của con người là phương tiện để xác định chân lý không những chỉ ảnh hưởng đến lịch sử, mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề đạo đức và tôn giáo. Mặc dù được khẳng định một cách khá thẳng thừng, nhưng nguyên tắc cơ bản của một học giả thế kỷ mười chín vẫn được nhiều người ngày nay áp dụng: “Nếu chúng ta tìm thấy ngay cả trong Kinh Thánh bất cứ điều gì khiến chúng ta nhầm lẫn giữa nhận thức đúng và sai, thì điều này đối với chúng ta sẽ không quan trọng hơn là đặc tính của Đức Chúa Trời. Nếu sau khi suy nghĩ thấu đáo và  tập trung cầu nguyện mà điều này vẫn còn mơ hồ, ta không được đầu hàng trước nó, vì nó không đáp ứng nhu cầu của sự mặc khải mà Ngài đã ban cho chúng ta bằng chính tâm linh và lương tâm của chúng ta, là điều vốn dĩ làm chứng về Ngài.”

Bởi vì một số quy định của Luật pháp Môi-se được ghi trong Xuất Ê-díp-tô Ký 21-23 cho thấy sự phản ánh hiện trạng trong xã hội Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ (ví dụ, chế độ nô lệ) và cả “lòng nhân từ và sự công bình của Đức Chúa Trời”, Paul Achtemeier kết luận rằng đoạn Kinh Thánh này xuất phát từ hai nguồn, một nguồn tự nhiên (từ đời sống của người Do Thái) và sự mặc khải khác (từ Đức Chúa Trời). Các nhà truyền giáo luôn hiểu rằng phân đoạn này là sự mặc khải vô ngộ về Đức Chúa Trời yêu thương, Đấng đã khôn ngoan hòa hợp các quy định của Ngài với dân sự của Ngài tại thời điểm đó trong lịch sử. Nhưng Achtemeier bác bỏ điều này và thay vào đó là đề xuất ý kiến của riêng mình về việc mặc khải của Đức Chúa Trời sẽ như thế nào.

Tất cả điều này cho thấy sự thật rằng quan điểm tôn giáo của chúng ta trên thực tế ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm về Kinh Thánh như thế nào. Tuy nhiên, các nhà phê bình luôn tìm cách phủ nhận thực tế này. Ví dụ, John Barton đã khẳng định rằng “các quy tắc cơ bản để phê bình Kinh Thánh hiệu quả chỉ phụ thuộc vào lý luận đúng đắn…. Quan điểm tôn giáo của các nhà phê bình hoàn toàn không liên quan đến công việc đánh giá, phê bình của họ.” Tuy nhiên, rất khó để phủ nhận những lời sau đây của nhà truyền giáo J. I. Packer. “Khi bạn bắt gặp một quan điểm  về Kinh Thánh, thì bạn phải giải quyết nhiều điều hơn là chỉ một quan điểm. Những gì bạn thấy là một quan điểm tổng quát về Đức Chúa Trời và thế giới, tức là một nền thần học tổng quát, vừa là một bản thể luận, là tuyên bố những gì có, và một nhận thức luận, là cho biết làm thế nào chúng ta biết những gì có…. Mọi góc cạnh của Kinh Thánh, qua phân tích chứng minh để đúc kết lại một quan điểm tổng quát về Đức Chúa Trời và con người.”

Đúng vậy, có những vấn đề khó hiểu thực sự trong Kinh Thánh mà những học viên đặt niềm tin vào Kinh Thánh không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nhiều sự công kích hiện đại chống lại tính trung thực của Kinh Thánh không phải xuất phát từ dữ liệu chứng minh rằng những lời tuyên bố trong Kinh Thánh là mâu thuẫn hoặc trái với thực tế, mà là từ những giả định về triết học và thần học của những người nghiên cứu. Mặc dù có thể đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau cho những giả định cơ bản ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với Kinh Thánh, Chúa Giê-su gợi ý rằng ước muốn cơ bản trong lòng chúng ta mới là điều đóng vai trò then chốt. “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Ðức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17). Chúa Giê-su nói rằng việc nhận thức lời dạy của Ngài là đúng hay sai không thể được quyết định bởi cái gọi là cuộc tranh luận hợp lý khách quan, mà tùy thuộc vào sự lựa chọn đạo đức. D. A. Carson nói về việc nhận biết ý muốn của Đức Chúa Trời sẽ áp dụng cho toàn bộ sự mặc khải thiên thượng của Đức Chúa Trời. “Sự kết ước đức tin được nhìn thấy trước ​​ở đây, sự lựa chọn đạo đức này, là cơ bản đúng đắn, và không thể đưa ra bất kỳ thái độ nào khiến chúng ta trở nên như những người đoán xét đường lối của Đức Chúa Trời…. Con người hữu hạn và sa ngã không thể tự đặt mình trên một nền tảng chắc chắn nào đó bên ngoài lẽ thật và do đó có được lợi thế để từ đó họ có thể đánh giá nó. Sự mặc khải thiêng liêng chỉ có thể được đánh giá, như cái nó vốn có, từ bên trong.”

Trong chừng mực nào đó mà chúng ta không tán thành những lời dạy của Kinh Thánh và không tuân theo những lời dạy đó, thì ở mức độ đó, chúng ta chắc chắn sẽ tìm thấy lý do để phủ nhận rằng Kinh Thánh là sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúng ta chắc chắn phải tìm cách dung hòa suy nghĩ của mình với cách chúng ta chọn để sống. Chúng ta nên nhớ nguyên tắc này khi suy nghĩ về những trường hợp khó hiểu trong Kinh Thánh: Lý do tại sao chúng ta tìm thấy rất nhiều chỗ tối trong Kinh Thánh, là vì có quá nhiều chỗ tối trong tâm hồn chúng ta.

 

Nguyên Nhân Xác Thực Của Các Vấn Đề Trong Kinh Thánh

Như đã lưu ý, nhiều vấn đề khó hiểu trong Kinh Thánh nảy sinh vì Kinh Thánh là một tài liệu cổ, được viết trong bối cảnh của các nền văn hóa khác với nền văn hóa của chúng ta. Ví dụ, các phương pháp tính toán khác nhau có thể đã được sử dụng. Điều này đặc biệt đúng đối với diễn biến trình tự của các niên đại. Cách tính trọng lượng có thể thay đổi theo thời gian, gây khó khăn trong việc hài hòa sự giải trình này với sự giải trình khác. Chúng ta có thể chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của một số từ, thành ngữ, cấu trúc ngữ pháp hoặc các khía cạnh khác của các ngôn ngữ và phong cách viết trong Kinh Thánh cổ đại.

Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên rằng có một số vấn đề tồn tại nhất định. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã hành động thông qua những con người thật để viết ra Kinh Thánh. Ngài không loại bỏ nhân cách của họ hay đưa họ ra khỏi hoàn cảnh lịch sử để rồi đặt họ lên một hình thức bình diện đặc biệt nào đó, nơi mà họ đều suy nghĩ và thể hiện bản thân giống nhau. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu mọi thứ không ngay lập tức xuất hiện trong sự thống nhất hoàn toàn. Trên thực tế, thống nhất như vậy có thể được coi là bằng chứng chống lại tính xác thực của Kinh Thánh, cho thấy rằng những trước giả đã có sự thông đồng và giả mạo.

admin

sách tham khảo UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn