Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / THẦY ƠI / Giáo Lý Căn Bản Của Cơ Đốc giáo

Giáo Lý Căn Bản Của Cơ Đốc giáo

Không một chỗ nào trong Kinh Thánh hướng dẫn chúng ta nên tổ chức Tiệc Thánh bao nhiêu lần. 1 Cô-rinh-tô 11:23-26 ghi lại những hướng dẫn cho Tiệc Thánh: “Vả, tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: ấy là Đức Chúa Giê-su, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một lẽ ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.” Phân đoạn Kinh Thánh nầy cho chúng ta mọi hướng dẫn cần thiết để thực hiện lễ Tiệc Thánh và để hiểu ý nghĩa những gì mà chúng ta đang làm.

Bánh mà Chúa Giê-su bẻ ra tượng trưng cho thân thể của Ngài đã bị vỡ ra trên thập tự giá vì chúng ta. Chén tượng trưng cho huyết Ngài vì chúng ta đổ ra, ấn chứng một giao ước giữa Ngài và chúng ta. Mỗi khi chúng ta thực hiện nghi lễ Tiệc Thánh, chúng ta không chỉ nhớ đến những gì Ngài đã làm cho chúng ta, mà chúng ta còn “thể hiện” điều đó cho tất cả những ai trông xem và tất cả những người tham dự. Tiệc Thánh là một bức tranh đẹp về những gì đã xảy ra ở thập tự giá, ý nghĩa của nó và cách nó tác động đến cuộc sống của chúng ta với tư cách là những tín đồ.

Dường như, bởi vì chúng ta tổ chức Tiệc Thánh để tưởng nhớ về sự chết của Đấng Christ, chúng ta nên thực hiện nó khá thường xuyên. Một số hội thánh tổ chức Tiệc Thánh mỗi tháng; một số khác làm điều đó hai tháng một lần; một số khác hàng tuần. Vì Kinh Thánh không cho chúng ta chỉ dẫn cụ thể về số lần, nên có một số quyền rộng rãi trong việc tổ chức Tiệc Thánh thường xuyên như thế nào trong một hội thánh. Nó thường vừa đủ để làm mới lại sự tập chú vào Đấng Christ, mà không thường xuyên đến mức nó trở thành thủ tục. Trong mọi trường hợp, tần suất không phải là điều quan trọng mà là thái độ tấm lòng của những người tham dự. Chúng ta nên tham dự với lòng tôn kính, tình yêu và ý thức sâu sắc về lòng biết ơn đối với Chúa Giê-su, Đấng sẵn sàng chết trên thập tự giá để nhận lấy chính tội lỗi của chúng ta.

https://www.gotquestions.org/Viet

PRAYER:
KHI ĂN BÁNH
Lạy Chúa Giê-su, con đến với Chúa và nhớ lại những gì Chúa đã làm cho con trên thập tự giá. Cảm tạ Chúa đã yêu thương con đến nỗi đã ban sự sống đời đời cho con.
Cảm tạ Chúa Ngài bằng lòng chịu đau đớn, nhục hình, đòn roi trong thân thể của Ngài để con nhận được sự chữa lành. Khi dự tiệc thánh này, con xin nhận lãnh sự sống phục sinh, sức khỏe sung mãn, sự chữa lành từ Ngài. Nhờ ân điển Chúa, suốt cuộc đời này chúng con được sống trong sự khỏe mạnh. Mắt con sẽ không làng, sức con sẽ không giảm, và không có bệnh tật nào có thể xâm hại con nhờ quyền năng phục sinh của Chúa lưu xuất.

KHI UỐNG CHÉN
Cảm tạ Chúa Giê-su về dòng huyết quí báu của Ngài. Nhờ đó Ngài đã tẩy sạch tội lỗi của con. Con đứng trước mặt Chúa được xưng công bình và nhận được sự tha thứ của Ngài. Dòng huyết Chúa cứu con khỏi mọi sự rủa sả, và  bây giờ  con nhận lãnh tất cả sự phước hạnh mà Ngài đã hứa ban cho người công bình trong Kinh Thánh.

Nhân danh Chúa Giê-su Christ. Amen

Bài 10, Phần 2 của sách UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

GẦN ĐÂY TÔI CÓ THAM DỰ đám cưới con trai của một đồng nghiệp tại Chủng viện Western. Khi buổi lễ bắt đầu, người chủ lễ thông báo cho bạn bè và những người thân rằng họ sắp chứng kiến lễ tuyên thệ một giao ước—giao ước hôn nhân. Những lời hứa nguyện sẽ được trao cho nhau, ràng buộc Bill và Julie bên nhau trọn đời. Nhưng không chỉ hội chúng sẽ chứng kiến sự khởi đầu của giao ước, mục sư chủ lễ giải thích. Những người có mặt cũng sẽ chứng kiến một phép lạ, vì trong hôn nhân, hai người thực sự trở thành một. Như Đức Chúa Trời đã phán, “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng thế ký 2:24). Mặc dù Bill và Julie sẽ vẫn duy trì cá tính và tính cách của riêng họ, nhưng thực tế theo lẽ mầu nhiệm trong Kinh Thánh – họ sẽ kết hiệp làm một không thể tách rời và trở thành một thực thể tâm linh.

Lẽ mầu nhiệm của sự kết hợp trong hôn nhân có thể dùng để minh họa một điều gì đó về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Trong lễ cưới của họ, Bill và Julie đã thắp lên một ngọn nến hiệp nhất để biểu thị rằng hai người đang trở thành một trong hôn nhân. Theo một cách tương tự nhưng hoàn toàn độc đáo và đặc biệt, Đức Chúa Trời là Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh là một trong thần tánh. Họ là ba ngôi riêng biệt hợp nhất với nhau trong một Chúa Ba Ngôi.

Chương này xem xét tín lý về Chúa Ba Ngôi, hay ba thân vị, chú trọng vào những câu hỏi sau: Có cơ sở Kinh Thánh cho tín lý này không? Các Cơ đốc nhân có luôn đồng ý về Chúa Ba Ngôi không? Ý nghĩa thực tiễn của tín lý này là gì? Làm thế nào để sự nhận thức về tín lý Chúa Ba Ngôi có thể giúp chúng ta hiểu biết rõ hơn về Đức Chúa Trời hơn?

NỀN TẢNG KINH THÁNH VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Từ Chúa Ba Ngôi, theo nghĩa đen có nghĩa là “trạng thái hoặc tính cách của ba thân vị”, có thể để lại ấn tượng rằng Cơ đốc nhân thờ phượng ba vị thần. Theo Charles Ryrie, Tôi thích từ Triunity hơn vì nó diễn tả cụ thể hơn những gì chúng ta tin về Đức Chúa Trời.1 Kinh Thánh dạy rằng trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi, có ba thân vị riêng biệt – Cha, Con và Thánh Linh – một Chúa Ba Ngôi. Nhưng theo lẽ mầu nhiệm và siêu nhiên, cả ba hợp nhất — Đức Chúa Trời Ba Ngôi Hiệp Một.

Chứng Cứ của Sự Hiệp Nhất

Kinh Thánh tuyên bố khá dứt khoát rằng chỉ có một Đức Chúa Trời thật. Điều này được minh chứng trong kinh Shema, được đọc vào mỗi ngày Sa-bát trong các giáo đường Do Thái. “Hỡi Y-sơ-ra-ên! [‘s‘ma], Hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” (Phục truyền 6:4). Đây là một tuyên bố mạnh mẽ về tính hiệp nhất và duy nhất của Đức Chúa Trời. Bản văn này đôi khi được trích dẫn để làm bằng chứng chống lại giáo lý về Chúa Ba Ngôi. Nhận xét về Phục truyền luật lệ ký 6:4, một nhà bình luận người Do Thái có nói, “Niềm tin rằng Đức Chúa Trời được kết hiệp từ một số thân vị, chẳng hạn như niềm tin Cơ đốc giáo vào Chúa Ba Ngôi, là một sự xuất phát từ quan niệm thuần túy về Sự Hiệp Nhất của Đức Chúa Trời.”2 Tuy nhiên, các nhà thần học bất đồng về việc liệu từ ehad trong tiếng Hê-bơ-rơ có ám chỉ đến sự hợp nhất của Đức Chúa Trời, sự độc nhất của Đức Chúa Trời, hay cả hai.3 Có lẽ ehad, có nghĩa là sự hợp nhất theo nghĩa ba ngôi vị của Chúa Ba Ngôi là một, bởi vì trong Sáng thế ký 2:24, cùng một từ tiếng Hê-bơ-rơ được sử dụng để chỉ A-đam và Ê-va là “một”, tức là hai ngôi vị riêng biệt được xem như một thể hiệp nhất. Mặt khác, Wolf gợi ý rằng cả bối cảnh rộng lớn của Phục truyền luật lệ ký và bối cảnh trước mắt của Phục truyền luật lệ ký 6:4 đều nhấn mạnh sự thật về sự duy nhất của Đức Chúa Trời và rằng dân Y-sơ-ra-ên có lòng trung thành với Ngài là một Đức Chúa Trời duy nhất (5:9; 6:5).4 Với điều này trong tâm trí, cụm từ “Giê-hô-va có một không hai” có thể được dịch là “Chỉ một mình Yahweh!”

Trong số tất cả các vị thần làm cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên tập chú đến, bao gồm cả Asherah và Anath, Baal và Marduk, nhưng chỉ có một vị thần thực sự xứng đáng được thờ phượng – chỉ mình Đức Giê-hô-va!

Điều Răn thứ nhất trong Mười Điều Răn nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên rằng họ chỉ được thờ phượng một mình Đức Chúa Trời chân thật duy nhất (Xuất Ê-díp-tô 20:3; Phục truyền 5:7) Môi-se thay mặt dân sự Y-sơ-ra-ên nhắc nhở họ về công việc của Đức Chúa Trời, ông  nói: “Giê-hô-va, ấy là Đức Chúa Trời, chớ không ai khác hơn Ngài” (4:35). Tân Ước cũng rõ ràng khẳng định rằng “chỉ có một Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 8: 6; xem thêm Ê-phê-sô 4:4-6; Gia-cơ 2:19).

 

Chứng Cứ về Ba Thân Vị

Trong số các tôn giáo lớn trên thế giới, Cơ đốc giáo là tôn giáo duy nhất chấp nhận giáo lý về ba ngôi vị thánh trong một Chúa Ba Ngôi. Thần uy của ba ngôi vị này được chứng minh rõ ràng trong Kinh Thánh.5 Trước hết, Chúa Cha được gọi là Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 8:6). Chúa Giê-su đã nhìn nhận Chúa Cha là Đức Chúa Trời. Ngài phán, “Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Con, mà Cha, tức là chính Đức Chúa Trời, đã ghi ấn tín của mình” (Giăng 6:27). Phi-e-rơ cũng đề cập đến “Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha” (1 Phi-e-rơ 1:2).

Thứ nhì, Đức Chúa Con được gọi là Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:8). Trong Rô-ma 9:5, Phao-lô đề cập đến “Đấng Christ, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời!” Là kẻ nghi ngờ đã nhìn thấy Chúa Giê-su phục sinh, Thô-ma thưa rằng: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi!” (Giăng 20:28). Những tuyên bố của Chúa Giê-su về sự toàn tri (Ma-thi-ơ 9: 4), sự toàn năng (28:18) và sự toàn tại (28:20) cho thấy Ngài là Đức Chúa Trời. Trong Giăng 8:58 Ngài công bố, “trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta!” Cụm từ “Ta là” (tiếng Hy Lạp, ego eimi) là một sự đề cập rõ ràng về Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, Đấng đã xác định chính Ngài trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14 là “Ta là Đấng tự hữu hằng hữu.” (Xem thảo luận trong phần “Câu hỏi về Danh Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô ký 3:13-15]” ở chương 3.) Những người Do Thái khi nghe Chúa Giê-su thừa nhận lời khẳng định rằng Ngài là Đức Chúa Trời thì nhặt đá để ném Ngài vì tội báng bổ (Giăng 8:59). Chúa Giê-su khẳng định sự bình đẳng của Ngài với Đức Chúa Trời bằng mà rằng, “Ta với Cha là một” (10:30). Bằng chứng thêm nữa về thần tính của Đấng Christ được chứng minh bằng các phép lạ của Ngài (20:30-31) và Ngài có quyền tha tội (Mác 2:1-12)—là những công việc mà chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm.

Thứ ba, Đức Thánh Linh được gọi là Đức Chúa Trời. Trong Công vụ 5:3-4, chúng ta được biết Phi-e-rơ quở trách A-na-nia là thể nào về sự lừa dối của ông về món tiền mà ông dâng cho hội thánh. “Hỡi A-na-nia, sao quỉ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó?” Kế đến Phi-e-rơ nói thêm, “ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời.” Nói cách khác, nói dối Đức Thánh Linh cũng là nói dối Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh có các thuộc tính của Đức Chúa Trời, bao gồm toàn tri (1 Cô-rinh-tô 2:10), toàn năng (Gióp 33:4) và toàn tại (Thi 139:7). Thêm nhiều chứng cứ nữa về thần tính của Đức Thánh Linh được tìm thấy trong các công việc mà Ngài đã làm, bao gồm việc tái sanh (Tít 3:5), cầu thay (Rô-ma 8:26) và sự làm cho được nên thánh (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).

 

Chứng cứ của Chúa Ba Ngôi

Bằng chứng đầu tiên về Ba Ngôi của Đức Chúa Trời trong Tân Ước được thấy trong phép báp têm của Chúa Giê-su, khi Cha, Con và Thánh Linh đều có dự phần (Ma-thi-ơ 3:13-17). Khi Chúa Giê-su chịu Giăng làm phép báp têm cho mình, “Thánh Linh của Đức Chúa Trời” (3:16) ngự trên Ngài và Đức Chúa Cha từ trời phán rằng: “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (3:17).

Chúa Giê-su phán bảo các sứ đồ của Ngài khiến mọi người trở nên môn đệ, làm báp têm cho những người mới tin “nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh” (28:19). Ba ngôi vị thánh được xác định — Cha, Con và Thánh Linh — nhưng Chúa Giê-su đã sử dụng từ “danh” (số ít) thay vì “danh” (số nhiều). Như vậy, Chúa Giê-su đã nhận biết Ba Ngôi của Đức Chúa Trời.

Trong lời chúc phước của Phao-lô trong 2 Cô-rinh-tô 13:13 thêm vào sự củng cố cho Ba Ngôi Đức Chúa Trời: “Nguyền xin ơn của Đức Chúa Jêsus Christ, sự yêu thương của Đức Chúa Trời, và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với anh em hết thảy.” Chỉ ba câu trước đó Phao-lô đã nói đến “Đức Chúa Trời sự yêu thương và sự bình an” (13:11). Phao-lô tin vào một Đức Chúa Trời duy nhất (1 Cô-rinh-tô 8:4), nhưng ông thừa nhận rằng các phước lành thiêng liêng đến từ Đức Chúa Trời là Cha, Đức Chúa Giê-su Christ và Đức Thánh Linh.

Phải chăng Ba Ngôi Đức Chúa Trời chỉ là một tín lý Tân Ước, hay chúng ta cũng tìm thấy chứng cứ cho điều đó trong Cựu Ước? Bằng chứng không được nêu trực tiếp hoặc rõ ràng, nhưng Ê-sai 48:16 có lẽ đề cập rõ ràng nhất về Chúa Ba Ngôi trong Cựu Ước. Ở đây Ê-sai đã ghi lại những lời của Đấng Cứu Thế với tư cách là Tôi tớ: “Các ngươi hãy đến gần ta, và nghe điều nầy: Từ lúc ban đầu ta chưa từng nói cách kín giấu. Vừa lúc có sự ấy, ta đã ở đó rồi. Vả, bây giờ, Chúa Giê-hô-va, và Thần của Ngài, sai ta đến.” Hãy để ý dòng cuối cùng – “CHÚA Giê-hô-va” (Đức Chúa Trời là Cha), “ta” (Đấng Cứu Thế), và “Thánh Linh của Ngài” (Đức Thánh Linh). Ba ngôi vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi được liên kết chặt chẽ trong mối quan hệ dường như là một mối quan hệ đồng đẳng, một Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Trong một đoạn tương tự, Ê-sai đã cho biết rằng Đức Chúa Trời là Cha (“Chúa Giê-hô-va”) đã xức dầu cho Đấng Cứu Thế (“ta”) bằng Thánh Linh của Ngài (61:1).

Ở một phân đoạn Kinh Thánh khác, Ê-sai đã tiên báo về sự ra đời và cai trị vương quốc của Đấng Cứu Thế. “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an” (9:5). Bằng cách gọi Đấng Cứu Thế là “Đức Chúa Trời quyền năng”, Ê-sai khẳng định rõ ràng thần tính của Đấng Christ. Khi tiên báo về sự ra đời của Đấng Cứu Thế tại Bết-lê-hem, tiên tri Mi-chê đã viết rằng “gốc tích của Ngài bởi từ đời xưa, từ trước vô cùng.” (Mi-chê 5:1,). Đây là bằng chứng cho sự hiện hữu và tính đời đời của Đấng Cứu Thế.

Cựu ước nói đến Thiên sứ của Chúa cũng hỗ trợ cho khái niệm nhiều thân vị trong một Chúa Ba Ngôi. Gia-cốp vật lộn với một “người”, một “thiên sứ” theo Ô-sê 12:4, người sau này được xác định là Đức Chúa Trời. Gia-cốp đặt tên cho nơi này là “Phê-ni-ên” (nghĩa đen là “mặt của Chúa”), vì ông nói, “Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi” (Sáng Thế ký 32:30). Con “người” mà Gia-cốp đã vật lộn dường như là ngôi hai của Chúa Ba Ngôi, Chúa Giê-su Christ trước khi Ngài nhập thể. Trong một phân đoạn khác “người đã đến cùng tôi ngày nọ” (người của Chúa) được xác định là “Thiên sứ của Đức Giê-hô-va,” hiện đến với một cặp vợ chồng người Y-sơ-ra-ên để báo cho biết về sự ra đời của Sam-sôn (Các Quan Xét 13:3). Vào cuối cuộc gặp gỡ, Ma-nô-a, người chồng, kết luận, “Quả thật chúng ta sẽ chết, vì đã thấy Đức Chúa Trời!” (13:22). Một lần nữa chúng ta thấy bằng chứng cho thấy một “người đàn ông” được công nhận là thần linh. Đây là một minh chứng khác về Đấng Christ, ngôi thứ hai của Chúa Ba Ngôi, trước khi Ngài nhập thể. Những đề cập đến Thiên sứ của Chúa cho thấy có ít nhất có hai ngôi vị thánh đồng đẳng.5

Nhiều nhà thần học và nhà bình luận Cơ đốc đã thấy bằng chứng về Ba Ngôi của Đức Chúa Trời trong từ số nhiều chỉ Đức Chúa Trời, Elohim. Trong khi hình thức số nhiều của ‘El (“thần”) cho phép và phù hợp với sự mặc khải sau này về Chúa Ba Ngôi, nó không đòi hỏi sự thông giải này. Điều này có thể hiểu là hình thức số nhiều Elohim là một số nhiều chỉ về nhà vua nhấn mạnh sự đầy trọn bản tánh và thuộc tánh của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, những người bạn Do Thái của chúng ta nhận biết hình thức số nhiều nhưng không chấp nhận tín lý Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, hình thức số nhiều được sử dụng để chỉ về Chúa Ba Ngôi, điều này được nói rõ ràng hơn trong sự mặc khải sau này.

Xem xét sự mặc khải của cả Tân ước và Cựu ước, chúng tôi kết luận rằng có bằng chứng Kinh Thánh mạnh mẽ cho Ba Ngôi của Đức Chúa Trời.6 Chỉ có một Đức Chúa Trời, nhưng trong sự hợp nhất của Chúa Ba Ngôi trong ba thân vị đồng đẳng và đời đời – Cha, Con và Thánh Linh.

Người ta vận dụng nhiều nỗ lực để minh tín lý về Chúa Ba Ngôi. Một số trong số này là hữu ích vì chúng cho phép chúng ta nhận ra những sự vật trong tự nhiên là ba trong một. Một quả trứng là ba trong một, có vỏ, lòng trắng và lòng đỏ. Các bộ phận khác nhau, nhưng tất cả đều tạo nên một quả trứng. Tuy nhiên, minh họa này không phù hợp vì các bộ phận của quả trứng không sở hữu các đặc tính hoặc “thuộc tính” của nhau. Ryrie sử dụng mặt trời để minh họa Chúa Ba Ngôi.7 Có ba phương diện khác biệt của mặt trời — quả cầu khí hydro phát nổ, ánh sáng phát ra từ khí đốt và năng lượng hay năng lượng bức xạ có thể làm nóng trái đất và làm cho mọi thứ phát triển. Bản thân mặt trời giống như Chúa Cha, ánh sáng giống như Chúa Con, và năng lượng giống như Đức Thánh Linh. Trên trái đất, chúng ta nhìn thấy ánh sáng của mặt trời, không phải chính mặt trời. Tuy nhiên, ánh sáng chiếu xuống trái đất sở hữu các đặc tính của mặt trời và cho chúng ta biết được một điều gì đó về bản chất của mặt trời. Năng lượng của mặt trời sở hữu những đặc tính của mặt trời nhưng lại riêng biệt với nó. Mặt trời, với ánh sáng và năng lượng của nó, có thể giúp một số người hiểu được tín lý rắc rối này về Chúa Ba Ngôi.

Những người theo đạo Cơ đốc ngày xưa đã sử dụng sơ đồ sau đây để minh họa Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Nó giúp hình dung ý tưởng rằng các ngôi vị của Chúa Ba Ngôi là khác biệt, nhưng họ cùng chung trong một Đức Chúa Trời Ba Ngôi.

Chúng ta phải cẩn thận với những hình ảnh minh họa này vì chúng không hoàn hảo và không đủ để mô tả sự mầu nhiệm lớn lao của Đức Chúa Trời. Là tín đồ, chúng ta phải công nhận rằng Ba Ngôi của Đức Chúa Trời là một giáo lý chân chính trong Kinh Thánh. Nhưng đó là một khía cạnh của Đức Chúa Trời mà chúng ta sẽ không thể hiểu hết được khía cạnh này của thiên đàng. Ngay cả Phao-lô cũng thừa nhận rằng “chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn” (1 Cô-rinh-tô 13:9). Kế đến ông nói thêm, “Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: Đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết: Đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy” (13:12). Ở thiên đàng chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự thật này. Nhưng ngày nay chúng ta xem tín lý về Chúa Ba Ngôi từ xa, như thể sử dụng ống nhòm trong sương mù. Bình luận của Bromiley rất hữu ích trong vấn đề này. Một người tin Chúa sẽ “không ngạc nhiên nếu một yếu tố bí ẩn vẫn tồn tại bất chấp những phân tích cuối cùng hoặc những điều chưa rõ ràng, vì chúng ta chỉ là một con người và Chúa là Đức Chúa Trời.”8 Một ngày nào đó chúng ta có thể hiểu tín lý này rõ hơn, nhưng ngay cả khi đó chúng ta cũng có thể không hiểu hết điều này.

PHẢI CHĂNG HỘI THÁNH LUÔN TÁN THÀNH?

Chúa Ba Ngôi là một chủ đề rất khó giảng giải, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng giáo lý này đã trở thành chủ đề tranh luận trong nhà thờ. Tất nhiên, cuộc tranh luận tập trung vào mối quan hệ của Chúa Cha, Chúa Con, và Đức Thánh Linh với nhau.

Tín lý về Chúa Ba Ngôi nảy sinh từ nhu cầu của các Cơ đốc nhân để phân biệt Chúa Giê-su với Đức Chúa Trời, song đồng nhất Ngài với Đức Chúa Trời. Tertullian (vào khoảng 160-220), Nhà lý luận và nhà thần học Bắc Phi, là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Chúa Ba Ngôi” và bắt đầu trình bày một cách có hệ thống về tín lý này. Nhưng quan điểm của ông liên quan đến sự hạ thấp tầm quan trọng của Chúa Con đối với Chúa Cha. Origen (vào khoảng 185-254) tiến thêm một bước nữa, lập luận rằng Chúa Con là thuộc cấp của Chúa Cha về bản chất cơ bản của Ngài, và Đức Thánh Linh là thuộc cấp của Chúa Con.

Vào thế kỷ thứ hai, Theodotus xứ Byzantium đã trình bày chi tiết quan điểm rằng Chúa Giê-su chỉ là một con người đơn thuần, người chịu ảnh hưởng bởi quyền năng của Đức Thánh Linh khi Ngài chịu phép báp têm và sau đó được gọi là “Con Đức Chúa Trời.” Quan điểm này được gọi là “Chủ nghĩa quân chủ năng động” bởi vì điều này khẳng định “quyền tể trị duy nhất” (chế độ quân chủ) hoặc quyền tối cao của Đức Chúa Cha, nhưng vẫn công nhận “chức năng” thuộc linh của con người Giê-su.

Trong khi học thuyết Năng Lực Duy Nhất Thần (Dynamic Monarchianism) thực sự phủ nhận tín lý về Chúa Ba Ngôi, một hình thức khác của học thuyết này đã tìm cách khẳng định điều đó nhưng đã làm như vậy bằng cách hạ thấp các thân vị của Đức Chúa Trời Ba Ngôi với các phương thức hoặc biểu hiện khác nhau của một Đức Chúa Trời.

Note:

Modalistic (modalism – hình thức thuyết)

Monarchianism (duy nhất thần thuyết)

FORMULA: The exact statement or formulation of a principle. In theology, there are doctrinal formulas that express either all the essentials of the Christian faith (có thể dịch là lời tuyên bố chính xác)

Học thuyết Duy nhất thần hình thức (Modalistic Monarchianism) được thúc đẩy bởi Sabellius (chúng ta được biết đến qua các tác phẩm của Tertullian), người hoạt động ở Rome vào đầu thế kỷ thứ ba sau Công nguyên. Ông dạy rằng có một Đức Chúa Trời có thể được tôn vinh là Cha, Con hoặc Thánh Linh. Cách giải thích theo kiểu thể thức đối với sự mầu nhiệm của Chúa Ba Ngôi là cách thu nhỏ “ba ngôi” của Đức Chúa Trời thành những tên gọi, vai trò hoặc hoạt động khác nhau.

Sự nhầm lẫn liên quan đến Chúa Ba Ngôi cuối cùng đã tạo tiền đề cho những lời dạy của Arius (khoảng năm 250-336), một vị trưởng lão người Hy Lạp ở Alexandria, Ai Cập, người có lập luận một cách logic rằng nếu Chúa Cha sinh ra Chúa Con, thì đã có lúc Chúa Con chưa hiện hữu. Arius và những người theo ông đã phủ nhận thần tính trọn vẹn của Chúa Con bằng cách cho rằng Ngài là tạo vật đầu tiên của Chúa Cha, và Thánh Linh là tạo vật đầu tiên của Chúa Con.

Sự nhầm lẫn liên quan đến Chúa Ba Ngôi bắt đầu được giải quyết vào thế kỷ thứ tư. Năm 325, Hội đồng Nicaea được Hoàng đế Constantine triệu tập để đối phó với tà thuyết của Arius,  vốn đe dọa sự thống nhất của giáo hội. Sau khi nghe những cáo buộc chống lại Arius, ba trăm giám mục có mặt đã tìm cách trình bày một tuyên bố chính thức bày tỏ quan điểm chính thống của Cơ đốc giáo. Tín điều của họ khẳng định rằng Chúa Giê-su Christ là “Con Đức Chúa Trời, sinh ra từ Cha, chỉ sinh ra, ấy là thực thể (ousia) của Cha, Thần của Đức Chúa Trời, Ánh sáng của Ánh sáng, Đức Chúa Trời thật của Đức Chúa Trời thật, không được tạo ra từ vật chất (homoousion) bởi Cha.” Tuyên bố trên đây nhấn mạnh rằng Chúa Cha và Chúa Con tồn tại khác biệt, mặc dù về cơ bản là một. Công đồng Constantinople, được triệu tập bởi hoàng đế La Mã Theodisius I vào năm 381, đã áp dụng từ khóa homoousia (“cùng thực thể”) với Thánh Linh. Bằng cách khẳng định rằng Đức Thánh Linh là “cùng thực thể” với Chúa Cha, thần tính đầy trọn của Đức Thánh Linh đã được khẳng định.

Thật không may, các quyết định của các hội đồng ban đầu này đã không giải quyết được vấn đề về Ba Ngôi của Đức Chúa Trời cho các Cơ đốc nhân ở mọi thời đại. Sự dạy dỗ sai lầm có xu hướng được lặp lại, và vào khoảng năm 550 Johannes Askunages và Johannes Philiponus cho rằng có ba thực thể thần thánh (ousiai) trong Chúa Ba Ngôi. Về cơ bản, họ lập luận rằng có ba vị thần chứ không phải ba thân vị trong Chúa Ba Ngôi. Những người theo thuyết nhất thể đã sai lầm khi coi Chúa Giê-su Christ như một con người đơn thuần và Đức Thánh Linh chỉ là một năng lực hoặc ảnh hưởng. Chứng Nhân Giê-hô-va và Người Mặc Môn có chung quan điểm của dị giáo khi họ phủ nhận thần tính của Đấng Christ.

Ý NGHĨA THIẾT THỰC CỦA BA NGÔI ĐỨC CHÚA TRỜI

Giáo lý về Chúa Ba Ngôi không chỉ đơn thuần là một vấn đề để các nhà thần học suy ngẫm. Điều này còn có ý nghĩa thiết thực đối với việc hiểu các công việc của Đức Chúa Trời, sự cứu rỗi cá nhân của chúng ta và đời sống Cơ đốc.

Chúa Ba Ngôi trong sự sáng tạo

Kinh Thánh bắt đầu với cụm từ, “Ban đầu Đức Chúa Trời [elohim] dựng nên trời đất” (Sáng thế ký 1:1). Đây là một lời giới thiệu chung về sự sáng tạo. Nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng các thân vị của Chúa Ba Ngôi đã đóng những vai trò riêng biệt trong công cuộc lớn lao này. Đức Chúa Trời là Cha, “muôn vật bởi Ngài mà ra” (1 Cô-rinh-tô 8:6), đã dựng nên thế giới và mọi vật (Công vụ 17:24-26). Ngài là Kiến trúc sư có chủ quyền trên sự sáng tạo, là Đấng “đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Đấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán” (Ê-phê-sô 1:11).

Đức Chúa Con đã thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa Trời bằng cách thực hiện công việc tạo dựng. Giăng có chép “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Giăng 1:3). Điều này được khẳng định trong Cô-lô-se 1:16, “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, … bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên.”

Đức Thánh Linh cũng hoạt động trong việc sáng tạo. Sáng thế ký 1:2 ghi lại rằng “Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.” Tiếng Hê-bơ-rơ được dịch là “bay lượn” được sử dụng trong Phục truyền 32:11 về hình ảnh của một con đại bàng bay chung quanh con còn nhỏ của nó nhằm theo dõi và bảo vệ. Và vì vậy Đức Thánh Linh đã hoạt động tích cực trong việc sáng tạo, bay lượn trên nó, đảm bảo mọi sự diễn ra an toàn.

Chúa Ba Ngôi trong Sự Nhập thể

Ba Ngôi Đức Chúa Trời cũng được thể hiện rõ ràng trong sự nhập thể và sự sống của Chúa Giê-su Christ. Kinh Thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời là thần linh (Giăng 4:24) và vô hình (Cô-lô-se 1:15). Ngài không có thể chất, hình thể. Nhưng để cho mọi người biết đến Đức Chúa Trời, “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” (Giăng 1:14). Trong thân vị của Chúa Giê-su Christ, Đức Chúa Trời đã mặc lấy hình thể con người và đến sống trên thế gian. Như Sứ đồ Giăng có chép, “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết” (1:18). Là Ngôi Lời (logos, 1:1, 14), Đấng Christ dự phần sự thân mật cách sâu nhiệm nhất với Đức Chúa Cha và do đó có thể bày tỏ những lẽ thật sâu sắc về Chúa Cha. Chúa Giê-su, Ngôi Lời thiên thượng, được tỏ ra (exegeomai, “công bố” [NKJV] hay “giãi bày” [NASB] ) tính cách của Đức Chúa Trời. Do vậy Phao-lô chép rằng, “Chính Ngài [Giê-su] là hình ảnh [eikon] của Đức Chúa Trời không thấy được” (Cô-lô-se 1:15). Từ eikon được sử dụng trong thời xưa để chỉ hình ảnh hoàng đế trên đồng xu. Hầu hết người La Mã chưa bao giờ nhìn thấy hoàng đế, nhưng họ biết ông ấy từ hình ảnh trên đồng tiền của họ. Cũng vậy đối với Đức Chúa Trời. Trong sự nhập thể của Chúa Giê-su Christ, loài người đã có được cái nhìn thoáng qua về Đức Chúa Trời là Cha. Như Chúa Giê-su đã phán, “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”  (Giăng 14:9).

Giăng đã sử dụng cụm từ “chỉ Con một ở trong lòng Cha” (1:18) để mô tả mối quan hệ của Chúa Giê-su với Đức Chúa Trời. Bản dịch theo (NASB), “con một từ Cha” đã dẫn đến sự nhầm lẫn về mối quan hệ giữa Cha và Con trong Ba Ngôi. Nếu Chúa Con được “sinh ra”, thì làm sao Ngài có thể hiện hữu đời đời và đồng đẳng với Chúa Cha? Để giải quyết hai vấn đề này, các nhà thần học đã lập luận rằng Chúa Giê-su “được sinh ra từ trước vô cùng” và do đó không có sự khởi đầu. Tôi tin rằng có một cách giải thích hợp lý hơn.

Có một số tranh luận về việc cụm từ trong tiếng Hy Lạp được dịch là “con một” (monogenes) có nguồn gốc từ gennao (“được sinh ra”) hay genos (“thực thể”). Tiền tố mono nghĩa là “một.” Chúa Giê-su hoặc là “con một” hoặc “một thực thể”. Từ monogenes cũng được sử dụng đối với Y-sác (Hê-bơ-rơ 11:17), người không phải là con trai một của Áp-ra-ham (Sáng thế ký 16:15-16), nhưng ấy là “một thực thể” con trai theo lời hứa của ông. Sức nặng của bằng chứng ngôn ngữ cho thấy Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời “duy nhất” hay “độc nhất vô nhị”.9 Bản NIV dịch thành, “Con Một” trong Giăng 1:14 (cũng như 3:16) có thể chinh phục quan điểm này. Đức Thánh Linh dự phần như thế nào trong sự nhập thể của Đấng Christ? Ma-thi-ơ tường thuật lại rằng Thánh Linh của Đức Chúa Trời đã ngự đến trên Ngài khi Ngài chịu phép báp têm. (Ma-thi-ơ 3:16). Phi-e-rơ đã chỉ ra tầm quan trọng của sự kiện này trong bài giảng luận của ông với Cọt-nây khi ông giảng giải rằng “Đức Chúa Trời đã xức cho Đức Chúa Giê-su ở Na-xa-rét bằng Đức Thánh Linh và quyền phép” (Công vụ 10:38; xem Ê-sai 61:1). Chúa Giê-su phán rằng Ngài đã làm những công việc phi thường “bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 12:28). Tất cả điều này cho thấy rằng Chúa Giê-su đã thực hiện chức vụ nhập thể của Ngài bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

Ba ngôi trong công cuộc cứu rỗi

Ba Ngôi của Đức Chúa Trời rất rõ ràng trong các bản văn Kinh thánh giãi bày sự cứu rỗi của người tin Chúa. Trong phần giới thiệu thư tín đầu tiên của mình, Phi-e-rơ đã đề cập đến những người “theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha, và được nên thánh bởi Đức Thánh Linh, đặng vâng phục Đức Chúa Jêsus Christ và có phần trong sự rải huyết Ngài: nguyền xin ân điển và bình an thêm lên cho anh em” (1 Phi-e-rơ 1:2). Ở đây chúng ta nhận thấy rằng mỗi thân vị trong Chúa Ba Ngôi có một vai trò riêng biệt: Chúa Cha chọn, Chúa Con cứu chuộc, và Thánh Linh làm cho nên thánh.

Sự khác biệt này về các vai trò trong sự cứu rỗi người tin Chúa cũng được thấy rõ ở Ê-phê-sô. Đức Chúa Trời là Cha đã “chọn” và “định trước” chúng ta (Ê-phê-sô 1:4-5). Trong Đức Chúa Con “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (1:7). Đức Thánh Linh có vai trò quan trọng trong việc bắt phục những người không tin “Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét” (Giăng 16:8). Khi một người đến với Đấng Christ bởi đức tin, người ấy được “ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta” (Ê-phê-sô 1:13-14). Ngày xưa, con dấu được sử dụng như một dấu hiệu nhận biết, thể hiện quyền sở hữu hợp pháp đối với vật được đóng ấn. Và do đó, chức vụ được ấn chứng của Thánh Linh đánh dấu các tín đồ là sự chứng nhận của chính Đức Chúa Trời, bảo đảm sự an ninh cho họ đến đời đời.

Ba Ngôi trong Sự Khải Thị

Ba Ngôi của Đức Chúa Trời được bày tỏ một cách đầy uy nghiêm trong quá trình bày tỏ lẽ thật thiêng liêng. Đức Chúa Trời là nguồn của sự mặc khải thiêng liêng (2 Phi-e-rơ 1:21; Khải huyền 1:1). Phao-lô chép rằng “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (2 Ti-mô-thê 3:16). Từ “soi dẫn” (theopnieustos) theo nghĩa đen “Đức Chúa Trời hà hơi,” theo bản Kinh thánh NIV (New International Version). Cả Kinh Thánh đều đến từ Đức Chúa Trời như là “ hơi thở” của lẽ thật và sự mặc khải thiêng liêng của Ngài. Đức Chúa Con là chủ đề của sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su cho biết rõ điều này khi Ngài phán cùng các môn đồ, “Đoạn, Ngài phán rằng: Ấy đó là điều mà khi ta còn ở với các ngươi, ta bảo các ngươi rằng mọi sự đã chép về ta trong luật pháp Môi-se, các sách tiên tri, cùng các thi thiên phải được ứng nghiệm” (Lu-ca 24;44). “Sự mặc thị của Đức Chúa Giê-su Christ” (Khải huyền 1:1) là sự mặc thị về Chúa Giê-su Christ. Chúa Giê-su là chủ đề và  trung tâm của mọi mặc khải tiên tri.

Đức Thánh Linh cũng có một vai trò quan trọng trong việc mặc khải của Đức Chúa Trời. Thánh Linh là tác nhân tích cực về sự mặc khải của Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ nói rằng khi người ta viết Kinh Thánh, họ “bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:21 ). Nói về Thánh Linh, Chúa Giê-su phán cùng các sứ đồ rằng, “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.  Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi” (Giăng 16:13-14). Những gì Đức Chúa Trời đã tỏ cho các sứ đồ đầu tiên, Ngài đã bày tỏ “bởi Đức Thánh Linh Ngài”  (1 Cô-rinh-tô 2:10).

Ba Ngôi trong Sự Cầu Nguyện

Một áp dụng thực tế của Chúa Ba Ngôi được thể hiện rõ ràng trong sự hướng dẫn của Kinh thánh về sự cầu nguyện. Mặc dù Đức Chúa Trời là một bản thể thiêng liêng, nhưng Ngài cũng gồm ba thân vị. Chúng ta nên trình dâng sự cầu nguyện của mình lên thân vị nào trong số những thân vị này?

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã hướng dẫn các môn đồ cầu nguyện với Chúa Cha. “Vậy, các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh” (Ma-thi-ơ 6:9). Sau đó, trong bài giảng tại Phòng Cao, Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện “nhân danh Chúa Giê-su”. Ngài phán, “Trong ngày đó, các ngươi không còn hỏi ta về điều chi nữa. Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, điều chi các ngươi sẽ cầu xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhân danh ta mà ban cho các ngươi. Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhân danh ta mà cầu xin điều chi hết. Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn” (Giăng 16:23-24). Lời cầu nguyện của Cơ đốc nhân bao gồm việc cầu xin Chúa Cha trên nhờ vào sự xứng đáng, ảnh hưởng và danh tiếng của Đức Chúa Con (danh”). Tất nhiên, những lời cầu nguyện của chúng ta cũng có thể được trình dâng lên Chúa Giê-su, như được thấy trong Giăng 14:14, “Nếu các ngươi nhân danh ta xin điều chi, ta sẽ làm cho.”

Đức Thánh Linh tham dự phần vào sự tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện như thế nào? Phao-lô chép rằng Thánh Linh giúp chúng ta cầu nguyện khi chúng ta yếu đuối hoặc không biết cầu nguyện như thế nào. Mẹ tôi đã trải qua điều này trong vài tháng sau cái chết đột ngột của người anh mười lăm tuổi của tôi. Trong những lúc khó khăn như vậy, “Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của Thánh Linh là thể nào, vì ấy là theo ý Đức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các thánh đồ vậy” (Rô-ma 8:26-27). Khi chúng ta không thể cầu nguyện hoặc không biết cách cầu nguyện, Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời dò xét tấm lòng chúng ta và cất tiếng rên rỉ thay cho chúng ta trước Đức Chúa Trời là Đấng giàu lòng trắc ẩn và luôn quan tâm đến chúng ta.

Biết Đức Chúa Trời Rõ Hơn

Một nghiên cứu về Ba Ngôi Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ giúp chúng ta biết Ngài rõ hơn. Chúng ta học biết rằng Đức Chúa Trời là một, không phải nhiều. Nhưng Ngài cũng là ba thân vị thiêng liêng — Cha, Con và Thánh Linh. Trong khi điều nầy có vẻ mâu thuẫn từ góc độ lý trí của con người. Bởi đức tin, chúng ta chấp nhận sự mầu nhiệm lớn lao về Ba Ngôi của Đức Chúa Trời là một lẽ thật trong Kinh Thánh. Đức Chúa Cha đã sai Con Ngài đến thế gian để chúng ta có thể nhận biết Đức Chúa Trời qua công việc bắt phục và tái sinh của Đức Thánh Linh. Ngoài lẽ thật nền tảng này, chúng ta không có cơ sở nào để biết Đức Chúa Trời, càng không thể biết Ngài rõ hơn.

 

 

trích từ UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

translated by VMI

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn