KINH THÁNH NÓI GÌ VỀ VIỆC THỜ CÚNG TỔ TIÊN
Nhà nghiên cứu Phạm Quỳnh viết như sau:Việc thờ cúng tổ tiên có một vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội của chúng ta. Nó đã trở thành một thứ giáo lý tôn giáo, và, theo một nghĩa nào đó, một tôn giáo quốc gia thực thụ. Nếu tôn giáo, đúng như ý nghĩa từ nguyên của nó đã chỉ rõ, là mối liên kết tinh thần nối liền con người với những lực lượng siêu cảm, việc thờ cúng hay tôn giáo về những người đã chết là cách biểu hiện những mối quan hệ giữa thế giới những người đang sống với thế giới những người đã chết. Các mối quan hệ ấy rất nhiều và liên tục. Những người chết thường xuyên can dự vào cuộc sống của những người đang sống; họ hướng dẫn, chỉ đạo, che chở cho chúng ta, bảo hộ chúng ta, gợi hứng cho những ý tưởng và hành vi của chúng ta, có thể nói nhìn theo chúng ta, bằng những đôi mắt có thể xuyên suốt bóng tối của sự sống và sự chết và rất có thể chính bằng những đôi mắt ấy mà nhân loại có được một hình dung thoáng chốc nào đấy về tương lai và số phận của mình; tóm lại họ sống trong ký ức của chúng ta, trong mọi công việc của chúng ta, trong mong ước của chúng ta về một cuộc sống còn sống động hơn cả cuộc sống trên trần thế này.
Bản chất của những mối quan hệ làm nên một trong những hình thức sống động nhất trong tôn giáo của người nước Nam đó là gì? Tôn giáo về những người chết ấy dựa trên những nền tảng tín ngưỡng nào? Các biểu hiện nghi thức và thực hành của nó ra sao? Từ đó có thể nhận ra những bài học luân lý và triết học gì? Khổng Tử, vốn là cả Socrate, Solon hay Lycurge cộng lại của Phương Đông, thường nói về các thần linh và các linh hồn. Quả là trong Luận Ngữ khi nói với các học trò của mình, đôi khi ông đã từ chối giải thích về bản chất của những điều ấy; ta đã biết câu trả lời của ông cho một học trò hỏi ông về vấn đề này: “Phục vụ người sống ngươi còn chưa biết cách, thì ta dạy ngươi cách phục vụ người chết làm gì?” – Nhưng chúng ta cũng lại biết rằng về chuyện này, ông luôn trung thành với các tín ngưỡng của Trung Hoa cổ đại, mà đặc biệt tác phẩm Kinh Lễ còn giữ lại cho chúng ta nhiều dấu vết. Theo các tín ngưỡng đó, con người có một cái phách và một cái hồn. Khi chết, phách tan hủy cùng với thể xác, còn hồn thì tách ra; nó bay lượn trong khoảng không và sống một cuộc sống độc lập, thuần khiết, bay bổng. Đấy là cuộc sống của các linh hồn, của các vong hồn hay các bậc tổ tiên đã quá cố. Như vậy họ không chết đi hoàn toàn: họ tiếp tục sống một đời sống siêu nhiên, tinh thần. Nhưng cuộc sống chừng có thể nhạt nhòa đi, tan biến mất trong cõi vô cùng đó, được làm cho trở nên hiện thực hơn, đầy hiệu lực hơn, có thể nói như vậy, bằng ký ức mà những người còn sống lưu giữ về họ, bằng việc thờ cúng mà những người sống có bổn phận phải làm tròn đối với họ. Như vậy đấy những người đã chết vẫn còn tham dự mãi vào cuộc sống của gia đình mình, con cháu mình. Người ta lại nhắc đến họ trong mọi dịp long trọng, như khi có người mới ra đời, trong dịp cưới xin, v.v… – Việc thờ cúng người chết chủ yếu là thờ cúng tổ tiên. Khổng Tử nói rằng: “Dâng lễ vật cho những vong hồn không phải là người thân của mình là một việc xu nịnh”. “Mỗi người, mỗi gia đình phải dâng lễ vật cho những người thân của mình, chứ không phải cho những người khác. Nếu có ai đó dâng lễ cúng cho những vong hồn chẳng hề liên quan gì đến mình, thì rõ ràng là để nhận được một ân huệ mà họ chẳng có quyền được hưởng: một sự chiếm đoạt lấy ân huệ đáng chê trách”. (Wieger). Như vậy, về nguyên tắc, mỗi người chỉ thờ cúng tổ tiên đã mất của mình. Nhưng có những con người trong đời mình đã làm nhiều điều tốt cho đồng bào mình, có công ơn đối với làng xóm của mình, tỉnh mình, đối với cả nước; có những vị vua, những vị quan đã xây dựng nên vinh quang của quốc gia; những vị tướng lĩnh đã cứu nước khỏi ách ngoại xâm; những nhà trí thức lớn đã đem lại vinh dự cho quốc gia do trí thông minh và tài năng của mình; những người đàn ông hay phụ nữ đã hy sinh vì danh dự hay đức hạnh; những người đó được quyền để cho đồng bào mình nhớ ơn và thờ phụng. Vậy nên các làng thờ phụng họ như những vị thành hoàng của làng; các tỉnh quê hương họ, hay cả nước lập đền thờ ở những nơi nổi tiếng để ghi nhớ công ơn họ. Đấy cũng là một hình thức thờ cúng tổ tiên; không phải là những bậc tổ tiên riêng của ai nữa, mà là tổ tiên chung của làng, của tỉnh thành, của quốc gia; đấy là thờ phụng các vị thần bảo hộ của đất nước, và theo một nghĩa nào đó, đó là việc thờ phụng những con người vĩ đại, những người anh hùng, mà Carlyle hết sức ca ngợi. Việc thờ cúng người chết được hiểu và được thực hiện ở nước Nam là như vậy đấy. Do tầm quan trọng to lớn của nó về phương diện thiết chế gia đình và xã hội nước Nam, cùng những nghi thức tỉ mỉ kèm theo, nó đã thật sự trở thành một tôn giáo, tôn giáo của gia đình và nòi giống, tôn giáo của ký ức và lòng biết ơn. Quả thật đây là một tôn giáo hợp lý, logic, phù hợp với lý trí và tình cảm, ít mang tính chất thần bí nhất để thỏa mãn những tâm hồn sùng tín, và nhiều lý tính nhất để làm vừa lòng những đầu óc duy lý. Đấy là một thứ tôn giáo đầy tính triết học và người nước Nam lấy làm vinh dự đã thực hiện nó suốt bao thế kỷ dài. Phạm Quỳnh – (1930) (Bản sử dụng từ FB Nguyễn Xuân Diện)
|
https://www.gotquestions.org/Viet/
Kinh Thánh dạy gì về việc thờ cúng tổ tiên? Trả lời: Thờ cúng tổ tiên bao gồm những niềm tin và những hành động tôn giáo gồm có việc cầu nguyện và dâng của cúng cho linh hồn của những người bà con đã qua đời. Thờ cúng tổ tiên được thấy trong nhiều nền văn hóa khắp nơi trên thế giới. Việc thực hiện những lời cầu nguyện và dâng của cúng tế, bởi vì được người ta tin rằng linh hồn của tổ tiên vẫn sống trong thế giới tự nhiên, và như vậy họ có thể có ảnh hưởng đến tương lai và sự may mắn của những người thân đang còn sống. Linh hồn của tổ tiên cũng được xem là có hành động như những người trung gian giữa người sống và Đấng Tạo hóa. Sự chết không phải là tiêu chí duy nhất để được thờ cúng như một tổ phụ. Người đó phải đã sống một đời sống đạo đức, cùng với sự khác biệt lớn với xã hội để đạt được địa vị đó. Các vị tổ tiên được tin là có ảnh hưởng đến đời sống của những thế hệ tiếp theo bởi việc chúc phước hoặc rủa sả họ, về bản chất họ hoạt động như những vị thần. Như vậy cầu nguyện với họ, tặng cho họ những món quà, và việc dâng của cúng được thực hiện để xoa dịu họ và để được họ ban ơn. Nhưng người chết “không thể trở về nhà mình [trên đất] được nữa, và xứ sở người chẳng còn biết người (Gióp 7:9-10) và họ “chẳng hề còn có phần nào về mọi điều làm ra dưới mặt trời” (Truyền đạo 9:6). Bằng chứng về việc thờ cúng tổ tiên được thấy tại nhiều khu vực trong vùng Cận Đông tại Giê-ri-cô trong thế kỷ thứ bảy trước Đức Chúa Giê-xu Christ. Nó đã tồn tại trong những nền văn hóa Hy-lạp và La-mã cổ đại. Việc thờ cúng tổ tiên có ảnh hưởng lớn nhất đến các tôn giáo của người Trung Quốc và người Châu Phi, và cũng được thấy trong các tôn giáo của người Nhật và các thổ dân ở Châu Mỹ, những nơi được biết đến nhiều hơn là việc hiếu kính với tổ tiên. Kinh Thánh dạy gì về việc thờ cúng tổ tiên? Trước hết, Kinh Thánh dạy cho chúng ta rằng linh hồn của người chết hoặc lên thiên đàng hoặc xuống âm phủ, và không còn lại trong thế giới tự nhiên (Lu-ca 16:20-31; 2 Cô-rinh-tô 5:6-10; Hê-bơ-rơ 9:27; Khải-huyền 20:11-15). Niềm tin rằng sau khi chết, linh hồn vẫn tiếp tục ở trên đất và ảnh hưởng đến đời sống của những người khác là phi Kinh Thánh. Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, hằng ngày ăn ở rất là sung sướng. 20 Lại có một người nghèo, tên là La-xa-rơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ. 21 Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người. 22 Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham;người giàu cũng chết, người ta đem chôn. 23 Người giàu ở nơi Âm phủ(o) đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người; 24 bèn kêu lên rằng: Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi,sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi. 25 Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: Con ơi, hãy nhớ lại lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình. 26 Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được. 27 Người giàu nói rằng: Tổ tôi ơi! Vậy thì xin sai La-xa-rơ đến nhà cha tôi, — 28 vì tôi có năm anh em, — đặng người làm chứng cho họ về những điều nầy, kẻo họ cũng xuống nơi đau đớn nầy chăng. 29 Áp-ra-ham trả lời rằng: Chúng nó đã có Môi-se và các đấng tiên tri; chúng nó phải nghe lời các đấng ấy! 30 Người giàu nói rằng: Thưa Áp-ra-ham tổ tôi, không phải vậy đâu; nhưng nếu có kẻ chết sống lại đến cùng họ, thì họ sẽ ăn năn. 31 Song Áp-ra-ham rằng: Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy.” ” Thứ hai, trong Kinh Thánh không chỗ nào nói với chúng ta rằng người chết hoạt động như người trung gian giữa Đức Chúa Trời và loài người. Nhưng chúng ta đã được dạy rằng Đức Chúa Giê-su đã được ban cho vai trò đó. Ngài đã ra đời, đã sống một cuộc đời không hề phạm tội, đã bị đóng đinh vì tội lỗi của chúng ta, đã bị chôn trong mồ mả, đã sống lại bởi Đức Chúa Trời, được chứng kiến bởi rất nhiều người, đã thăng thiên lên thiên đàng, và hiện nay ngự bên hữu Đức Chúa Cha, tại đó Ngài cầu thay cho những người đã đặt đức tin của họ và tin tưởng nơi Ngài (Công vụ 26:23; Rô-ma 1:2-5; Hê-bơ-rơ 4:15; 1 Phi-e-rơ 1:3-4). Chỉ có một Đấng Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, và đó là Đức Chúa Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời (1 Ti-mô-thê 2:5-6; Hê-bơ-rơ 8:6; 9:15; 12:24). Chỉ Đấng Christ có thể đảm nhiệm vai trò đó. Kinh Thánh dạy cho chúng ta trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-6; Ma-thi-ơ 4:10 rằng chúng ta không được thờ lạy bất cứ thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời. Hơn thế nữa, vì những thầy bói và các phù thủy được cho là có khả năng liên hệ với người chết, rõ ràng họ đã bị Đức Chúa Trời cấm (Xuất. 22:18; Lê-vi. 19:32, 20:6, Phục truyền 18:10-11; 1 Sa-mu-ên 28:3; Giê-rê-mi 27:9-10). Xuất 22:18, “Ngươi chớ để các đồng cốt sống.» Phục truyền. 18:10-11, «Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa, chớ nên có thầy bói, hoặc kẻ hay xem sao mà bói, thầy phù thủy, thầy pháp, kẻ hay dùng ếm chú, người đi hỏi đồng cốt, kẻ thuật số, hay là kẻ đi cầu vong.” Sa- tan luôn luôn tìm cách hất cẳng Đức Chúa Trời (Ê-sai 14:12-14), hắn đã lừa dối về việc thờ lạy các thần khác kể cả tổ tiên, để cố dẫn dắt mọi người xa rời chân lý về sự tồn tại của Đức Chúa Trời (Giăng 8:44; Khải 12:9). Thờ cúng tổ tiên là sai lầm bởi vì nó trái với những lời cảnh báo cụ thể của Đức Chúa Trời về việc thờ phượng, và nó tìm cách thay thế Đức Chúa Giê-su Christ là Đấng Thánh Trung bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người. |