Cho đến nay có nhiều người vẫn còn lầm tưởng rằng chỉ có người bình dân nghèo khổ mới đến với Cơ-đốc giáo để thờ Trời, để mong tìm được chỗ nương dựa, để mong được an ủi trong lúc khó khăn. Ở những nước hiếm hoi như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn, dân chúng còn bị hà hiếp tinh thần khi những nhà cầm quyền theo chủ trương duy vật dạy rằng người dân chỉ cần biết ơn Đảng, ơn lãnh tụ, chứ không cần biết ơn Trời. Tuy nhiên trong thực tế ở nhiều nơi dân chúng có lẽ đã không còn bị lừa phỉnh nữa. Ánh sáng đã đánh tan bóng tối. Mỗi lần cuối năm đến, mọi người dù lương hay giáo, nhà nào, người nào cũng náo nức giữ lễ kỷ niệm mừng Chúa giáng sinh. Trước lễ cả tháng người ta mua sắm đồ mới, chưng bày ánh sáng trong nhà, mở radio, xem TV nghe những bài thánh ca, đọc những bài viết nhắc đến sự tích Chúa giáng sinh. Điều duy nhất tôi quan tâm là không biết người giữ lễ giáng sinh có hiểu rõ ý nghĩa của lễ giáng sinh hay không. Chẳng hạn vì sao Chúa đã giáng sinh? Hoặc nếu Chúa đã giáng sinh, Ngài sẽ tái lâm như lời Ngài đã hứa hay không?
Những người có đức tin xưa nay đều biết Kinh Thánh đã chép chuyện tích Chúa giáng sinh với hình ảnh của nhóm những người ít học, những người bình dân, những người nghèo, “những người chăn chiên thức đêm canh giữ bầy mình” nhưng chuyện tích Chúa giáng sinh còn nhắc đến những người giàu sang, quyền quý, những người có chức quyền trong xã hội, những người trí thức khôn ngoan đã cố sức đi tìm và đã gặp gỡ Chúa Giê-su biến đổi cuộc đời mình. Chính những người có học, những người đạo đức, những người lãnh đạo, những người khôn ngoan, những người giàu có mới là những người cần đi tìm và tìm cho được Chúa của trời đất đã giáng sinh. Người bình dân hay người trí thức, mỗi người cũng là một linh hồn quý báu giá trị như nhau trước mặt Chúa. Người nghèo cũng chết, người giàu cũng chết. Mọi người đều sẽ chầu Trời.
Người Tin Lành và Công Giáo xưng danh Chúa giáng sinh là Chúa Cứu Thế. Danh Ngài là Đức Chúa Giê-su Cơ-đốc (Chúa Ki-Tô). Kinh Thánh gọi Ngài là Êm-ma-nu-ên nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Có bao giờ bạn đích thân mời Chúa vào lòng, mời Chúa vào nhà bạn chưa? Bạn có biết vì sao con số các tín đồ theo Chúa Giê-su vẫn luôn luôn là đông nhất thế giới so với bất cứ tôn giáo hay chủ nghĩa nào trên thế giới ngày nay không?
Kinh Thánh có ghi lại một lời tiên tri lớn chắc chắn sẽ ứng nghiệm: “Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giê-su, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giê-su Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.”
Mùa Giáng sinh năm nay, chúng ta sẽ cùng nhau học lại một câu chuyện Kinh Thánh đã trở thành niềm khích lệ, niềm hứng khởi cho rất nhiều người. Nhất là ở thế giới Âu Mỹ. Đó là câu chuyện các thầy bác sĩ bên đông phương đi tìm Chúa Giê-su. Người trí thức vẫn đang tìm kiếm Chúa. Sách Ma-thi-ơ chương 2 cho chúng ta biết:
Khi Đức Chúa Giê-su đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài.
Kinh Thánh ghi: có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem. Kinh Thánh ghi địa điểm, thời điểm, ghi tên nhân vật, ghi tên thủ đô Do Thái, ghi dân chúng đông phương, ghi hành trình tìm kiếm thờ Trời. Đối với tôi điều kỳ lạ là ngày nay các nhà thông thái tây phương lại tìm kiếm Chúa ra mặt còn mấy nhà thông thái đông phương lại đi trốn Chúa chứ không đi tìm Chúa.
Chữ BÁC SĨ này được dùng rất phổ biến vào những năm 1920 –1930 ở Việt Nam để chỉ về những người làm trong ngành y khoa và cả những lĩnh vực nghiên cứu khác như Sinh vật, hóa học, vật lý, triết học. Chính trong giai đoạn đó mà Kinh Thánh được dịch sang tiếng Việt, nên người dịch (cụ thể là cụ Phan Khôi gốc Quảng Nam là một trong số các dịch giả) đã dùng từ BÁC SĨ.
Lúc đó, những người đi du học bên Pháp về đa số thường được gọi là bác sĩ, tức những người trí thức uyên bác, khôn ngoan, được kính trọng trong xã hội. Các thấy bác sĩ từ Phương Đông mà chúng ta thấy trong đoạn này cũng vậy. Họ là những người khôn ngoan, am tường triết học và các niềm tin trong vùng Á Châu thời đó. Họ cũng là những người có ảnh hưởng, thành công, và được sự kính trọng tại quê hương họ.
Tuy rằng Kinh Thánh chỉ đề cập cách vắn tắt, rằng “có mấy thầy bác sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem” nhưng hành trình đó không hề đơn giản chút nào. Nhiều khả năng là các thầy bác sĩ bên đông phương này đến từ đế quốc Ba-tư thời đó. Đế quốc Ba-tư này nằm về phía đông của xứ Do Thái, và cách xứ Do Thái hàng ngàn dặm.
Để đến được Giê-ru-sa-lem, họ phải trải qua: Nhiều đồi núi, sa mạc. Mưa gió khắc nghiệt. Rủi ro bị cướp bóc dọc đường, vì ngày xưa mỗi vùng lại có những bộ lạc khác nhau chiếm cứ. Đi tìm Chúa không bao giờ là chuyện dễ dàng. Chỉ có lòng yêu mến chân lý, yêu mến lẽ thật, khao khát được gặp gỡ Đấng Tạo Hóa mới có thể cho chúng ta có động lực để vượt qua các trở ngại, tốn kém, khó khăn.
Những trở ngại đó có khi đến từ hoàn cảnh xã hội hay thời tiết, hay cuộc sống bên ngoài.
Nhưng cũng có khi những trở ngại đó đến từ bên trong gia đình chúng ta, khi vợ chồng không thể hiệp ý với nhau, cha mẹ có mâu thuẫn với con cái, hoặc những mâu thuẫn với bên vợ hoặc bên chồng. Cũng có khi những trở ngại ngăn cản chúng ta đi tìm Chúa lại đến từ bản thân mình, vì mình không thể sống hòa hợp được với những người khác.
Nếu như chính chúng ta không thể sống hòa hợp được với bất cứ người nào khác thì đa phần nguyên nhân các sự bất hòa đó đến từ chính chúng ta. Nếu một người dân bình thường như chúng ta trong gia đình hay xã hội ngày nay mà không có sự yêu thương mềm mại và kính nhường nhau, thì chúng ta sẽ không bao giờ vui vẻ hay thành công trên bất cứ mục tiêu hay cuộc hành trình nào, kể cả cuộc hành trình đi tìm Chúa.
Các thầy bác sĩ bên đông phương đã đến thành Giê-ru-sa-lem để tìm kiếm Chúa, và họ hỏi nhà cầm quyền ở thủ đô rằng: Vua dân Do Thái mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài. Ngôi sao là thiên văn học, là sử học, là triết học…
Điều nầy có nghĩa là Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên trời đất, đã cho một ngôi sao hiện ra để loan báo sự kiện Chúa Giê-su giáng sinh và các thầy bác sĩ bên đông phương đã thấy được.
Có thể là, sau đó, các thầy bác sĩ bên đông phương này đã hỏi thăm cộng đồng Do Thái ở hải ngoại, những người Do Thái đang sống lưu vong sau những lần tuyển dân của Chúa bị lưu đày.
Các thầy thông giáo trong các cộng đồng đó sau khi tra xem Kinh Thánh thì đã cho các thầy bác sĩ bên đông phương biết rằng ngôi sao đó chỉ về một vua của dân Do Thái vừa ra đời.
Ngày nay dù khoa học tiến bộ đến đâu, thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu thiên nhiên và đồng thời nghiên cứu Kinh Thánh. Hãy thử tưởng tượng quả đất của chúng ta nhỏ bé giống như một hạt cát giữa sa mạc ngôi sao cát của vũ trụ. Và Đức Chúa Trời là Đấng biết tên của từng ngôi sao. Đức Chúa Trời đó đã thành người thăm viếng quả đất của chúng ta. Ngày nay người ta đã tiêu tốn tiền tỉ để chỉ nghiên cứu mặt trăng, và các ngôi sao gần nhất. Kinh Thánh mở đầu bằng một câu, một chân lý: Ban đầu Đức Chúa Trời sáng tạo trời đất.” Có ban đầu. Sẽ có cuối cùng…
Hãy bắt chước các nhà thông thái năm xưa, khi đến thành Giê-ru-sa-lem đã hỏi mọi người: VUA DÂN DO THÁI ĐÃ SANH TẠI ĐÂU? Một học giả người Mỹ ở Dallas đã viết trong một quyển sách và tôi đã đọc, “Thế giới bắt đầu với Israel và sẽ kết thúc với Israel.”
Nghe tin ấy, vua Hê-rốt cùng cả thành Giê-ru-sa-lem đều bối rối. Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu.
Các thầy bác sĩ bên đông phương chỉ hỏi rằng “VUA DÂN DO THÁI ĐÃ SANH TẠI ĐÂU?” thôi mà, họ đâu có nói gì đến Đấng Christ đâu mà vua Hê-rốt lại tra hỏi về Đấng Christ.
Để hiểu được vì sao vua Hê-rốt tra hỏi như vậy, chúng ta cần xem qua bối cảnh xã hội của thế kỷ đầu tiên, lúc Chúa Giê-su được sinh ra.
Lúc đó xứ Do Thái đã mất tự do, họ đang bị đô hộ bởi của đế quốc La-mã. Hoàng đế La-mã lúc đó là Sê-sa Au-gút-tơ đã chọn vua Hê-rốt để cai trị xứ Y-sơ-ra-ên. Người Do Thái không bằng lòng, vì theo họ, người làm vua xứ Y-sơ-ra-ên phải là người Y-sơ-ra-ên, thuộc chi phái Giu-đa, và thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Mà vua Hê-rốt không phải là dân Y-sơ-ra-ên chính gốc.
Những người Y-sơ-ra-ên yêu nước phản kháng không ngừng, và họ thường nổi dậy để chống vua Hê-rốt. Vua Hê-rốt đại đế tuy làm vua xứ Giu-đê nhưng không lúc nào được bình an.
Ông luôn luôn đề phòng có người sẽ lật đổ mình, cho nên ông thường cư xử rất nham hiểm và độc ác.
Với lý do đó, khi ông nghe tin các thầy bác sĩ bên đông phương đến hỏi thăm về “VUA DÂN DO THÁI MỚI SANH TẠI ĐÂU?” thì ông đã nghĩ ngay đến Đấng Christ (Christos) là Đấng đang được người Y-sơ-ra-ên mong chờ.
Đấng Christ đối với người Y-sơ-ra-ên phải là một vị vua thật sự, theo nghĩa đen, cầm quyền trên quân sự và chính trị để giải phóng người Y-sơ-ra-ên. Và toàn bộ dân Y-sơ-ra-ên, xứ sở Y-sơ-ra-ên suốt nhiều trăm năm đều mong chờ một Đấng Christ như thế.
Vua Hê-rốt hoàn toàn biết rõ nguyện vọng của người Y-sơ-ra-ên nên ông đã rất lo sợ và tìm mọi cách để tiêu diệt nguy cơ có sự khởi nghĩa về sau. Thế là vua Hê-rốt đã triệu tập các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo trong dân đến để hỏi Đấng Christ phải sanh tại đâu.
Sứ đồ Ma-thi-ơ ghi rõ rằng những người vua Hê-rốt nhóm lại là CÁC THẦY TẾ LỄ CẢ VÀ CÁC THẦY THÔNG GIÁO TRONG DÂN, tức là số nhiều, rất nhiều.
Vào những năm đầu Công Nguyên thì dân Y-sơ-ra-ên vẫn thờ phượng Đức Chúa Trời mỗi ngày 2 lần tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, lúc 9am và 3pm. Số lượng các thầy tế lễ lúc đó được chia thành 24 ban, điều này được chép trong I Sử ký 24. Mỗi ban sẽ có một thầy tế lễ cả. Như vậy là có tổng cộng 24 thầy tế lễ cả. Cộng với nhiều thầy thông giáo đang phục vụ cho vua Hê-rốt nữa, cho nên buổi nhóm họp hôm đó của vua Hê-rốt có rất nhiều người.
Tại sao vua Hê-rốt lại nhóm họp các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo một cách đông đúc và công khai như vậy?
Vua Hê-rốt đại đế là một người rất độc ác và nham hiểm. Mọi hành động của ông đều có tính toán kỹ càng. Khi cần biết một mình thì ông đã gọi các thầy bác sĩ bên đông phương ra riêng và hỏi cách kín nhiệm về thời gian ngôi sao đã hiện ra khi nào.
Nhưng trong trường hợp này thì vua Hê-rốt lại nhóm họp các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo một cách công khai. Với bối cảnh cả xứ Y-sơ-ra-ên lúc nào cũng sôi sục đòi lật đổ ngai vua của mình thì vua Hê-rốt thấy cần phải khủng bố những người lãnh đạo tinh thần của dân chúng.
Những người lãnh đạo tinh thần của dân Y-sơ-ra-ên chính là các thầy tế lễ và các thầy thông giáo. Cho nên, vua Hê-rốt đã lợi dụng cơ hội này để DẠY DỖ những người lãnh đạo tôn giáo rằng “ăn cây nào thì phải rào cây ấy.” Và quả nhiên, đã không có bất cứ một thầy tế lễ hay một thầy thông giáo nào dám đến gần làng Bết-lê-hem để chào đón Đấng Christ, là Đấng mà cả dân tộc mình đang mong chờ.
Sứ đồ Ma-thi-ơ cho chúng ta biết những thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo đã hiểu chính xác Kinh Thánh, nhưng không có một ai dám hành động theo lương tâm của mình theo lời Kinh Thánh. Vì sao? Có phải vì họ sợ lỡ mất quyền lợi?
Tôi suy nghĩ hoàn cảnh thời sự ngày xưa, chẳng khác gì hoàn cảnh ngày nay, nhất là ở những nước có những nhà cầm quyền không tin thờ Chúa, lo sợ mất ngôi, mất quyền luôn luôn tìm sách đàn áp những người dám tin tưởng nơi một quyền thế lớn hơn, từ trên, từ trời. Trước cường quyền, nhiều người dân, kể cả những nhà trí thức cũng phải run sợ, rút lui.
Tôi để ý thấy Chúa Cứu Thế đến ở trần gian và lúc bấy giờ (cho đến hôm nay) Ngài không chủ trương dạy dỗ tín đồ lật đổ chính quyền như những chính quyền trần gian lo sợ. Chúa đã chinh phục thế giới bằng sự giải phóng tâm linh, bằng cuộc cách mạng bất bạo động, bằng tình yêu thương, bằng sự biến đổi tâm hồn, bằng quyền phép tái sinh.
Kinh Thánh tường thuật đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa:
Vua Hê-rốt bèn vời mấy thầy bác sĩ cách kín nhiệm, mà hỏi kỹ càng về ngôi sao đã hiện ra khi nào. Rồi vua sai mấy thầy đó đến thành Bết-lê-hem, và dặn rằng: Các ngươi hãy đi, hỏi thăm cho chắc về tích con trẻ đó; khi tìm được rồi, hãy cho ta biết, đặng ta cũng đến mà thờ lạy Ngài. Mấy thầy nghe vua phán xong, liền đi. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước mặt cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. Mấy thầy thấy ngôi sao, mừng rỡ quá bội. Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược. Kế đó, trong giấc chiêm bao, mấy thầy được Đức Chúa Trời mách bảo đừng trở lại nơi vua Hê-rốt; nên họ đi đường khác mà về xứ mình.
Tôi muốn noi gương những nhà thông thái đi tìm cho được Đấng Cứu Thế. Họ đã ngước lên trời, họ đã được chỉ dẫn đến tận nơi, họ đã gặp Chúa (dù lúc đó chỉ là một hài nhi), họ đã thờ phượng, dâng hiến, ca ngợi và khi đã tìm được thì đi đường khác mà về xứ mình. Đi đường khác. Những người gặp Chúa đều quyết định đi theo đường khác. Con đường của Trời, không phải con đường của người.
Là người Việt Nam, một người Quảng Nam, tôi được Đức Chúa Trời cho phép định cư ở Hoa Kỳ hơn 25 năm qua. Tôi cũng được TRỜI thương dẫn dắt để tôi và gia đình đến sống ở thành phố Dallas. Một nơi đã giúp tôi rất nhiều trong việc học biết. Tôi đã học được rất nhiều bài học. Bài học lớn nhất nằm trong một quyển sách gọi là Kinh Thánh, là Holy Bible. Tôi thích đọc Kinh Thánh, học Kinh Thánh và làm theo Kinh Thánh. Tôi tin Kinh Thánh là lời hằng sống của Đức Chúa Trời. Ít người biết rằng nhiều người trí thức thế giới đang tìm đến Dallas để học Kinh Thánh.
Nổi tiếng nhất ở Dallas là có một Trường Kinh Thánh lấy tên là Dallas Theological Seminary, viết tắt là DTS, nơi tôi đã theo học lấy bằng Cao Học và đã tốt nghiệp. Hàng ngàn sinh viên giỏi từ khắp thế giới đến học và tốt nghiệp tại DTS. Cơ sở Trường liên tục được mở rộng. Có rất nhiều Giáo Sư Thần Học viết sách nổi tiếng tốt nghiệp tại đây.
Kể từ năm 1924, có hơn 17,000 sinh viên đã theo học tại DTS. Các cựu sinh viên đã phục vụ trên tất cả 50 tiểu bang của nước Mỹ và hơn 100 quốc gia trên thế giới, hầu việc Chúa trong hơn 70 giáo phái Cơ-đốc và các Hội Thánh độc lập. Hiện năm nay (năm 2020) có 2.486 sinh viên đại diện 65 quốc gia đang theo học tại DTS.
Vì địa điểm của Trường nằm gần nhà tôi nên tôi có cơ hội đến đọc sách ở Thư Viện và mua sách mới ở Bookstore của Trường. Tôi mua sách để đọc và để tham khảo. Tôi tìm được những quyển sách mới, những quyển sách có chiều sâu, tôi gọi đó là những quyển sách quý.
Tôi muốn lập một thư viện Thần Học cho gia đình và bạn hữu của tôi. Bạn muốn giúp tôi không?
Ngày nay tôi chú ý chọn những sách mới theo tên tác giả, có những tác giả là những ông thầy còn sống nhưng cũng có những ông thầy đã về với Chúa rồi. Tôi thích đọc sách của những ông thầy. Những người có ơn làm thầy suốt đời. Tôi biết những người trí thức vẫn đang đi tìm kiếm Chúa. Tôi nhớ một lời hứa của Đức Chúa Trời, “Các con tìm kiếm ta và gặp được khi các con tìm kiếm ta hết lòng.”
Nhân mùa giáng sinh nầy, tôi đề nghị bạn hãy tìm kiếm Chúa cách cụ thể, hãy dành thời giờ đến dự lễ Mừng Chúa Giáng Sinh ở các nhà thờ đang có ở thành phố chúng ta đang sống. Các bạn chỉ cần đến và hỏi, “Tôi đang đi tìm Chúa, hãy giúp tôi.” Các bạn sẽ được thỏa nguyện. Các bạn sẽ kinh nghiệm câu nói, “Nhận không thì cho không.” Tôi biết dấu hiệu của người trí thức đang tìm kiếm Chúa là người ham học, ham đọc và ham viết, đó là người đã gặp Chúa.
Đó là lý do người Mỹ dịch và in Kinh Thánh với số lượng nhiều nhất thế giới. Nếu bạn chưa đọc Kinh Thánh và chưa làm theo Kinh Thánh bạn vẫn chưa thể gọi là người trí thức. Tôi đang đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Tôi đang tìm kiếm ý Chúa mỗi ngày. Người trí thức vẫn đang tìm kiếm Chúa. Tôi đang được thúc giục trong lòng để viết một quyển sách lấy tên TỪ NƯỚC VIỆT ĐẾN NƯỚC MỸ ĐẾN NƯỚC TRỜI. Bạn có muốn được Chúa gọi bạn là người trí thức không?
MS Nguyễn Văn Huệ