Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Cơn Thạnh Nộ Của Đức Chúa Trời Và Cơn Đại Nạn

Cơn Thạnh Nộ Của Đức Chúa Trời Và Cơn Đại Nạn

Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và Cơn Đại Nạn

Trần Đình Tâm

  1. Nhân loại sẽ gánh chịu cơn đại nạn:

Sau khi tổ tiên của loài người là A-đam và Ê-va bất tuân mạng lệnh của Chúa mà ăn trái cây biết điều thiện và điều ác, tội lỗi nhanh chóng lan tràn truyền trong dòng dõi loài người. Hậu quả của tội lỗi là sự chết (Sáng thế ký 2:17). Loài người càng trở nên gian ác và xấu xa, đến nỗi Chúa phải hủy diệt loài người bằng cơn nước lụt (Sáng Thế Ký 6:5-7). Sau đó, loài người vẫn tiếp tục phạm tội cho đến ngày nay. Sự gian ác của loài người ngày càng trở nên tinh vi, đúng như tiên tri Giê-rê-mi đã nói: “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa” (Giê-rê-mi 17:9). Tội lỗi cũng là nguyên nhân của biết bao nỗi thống khổ và hoạn nạn mà con người từ xưa đến nay phải gánh chịu như: Chiến tranh, thiên tai, thảm sát, bệnh tật, dịch lệ, đói kém, tai nạn, hỏa hoạn, giết chóc, hãm hiếp,  v.v… Tuy nhiên, Lời của Đức Chúa Trời tiết lộ cho chúng ta biết nhân loại sẽ phải đối diện một cơn đại nạn (the great tribulation) chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Có 3 câu Kinh Thánh xác nhận cơn đại nạn “vô tiền khoáng hậu” sau đây:

Lời tiên tri của Giê-rê-mi“Khốn thay! Ngày đó thật lớn, đến nỗi chẳng hề có ngày nào giống như vậy.” (Giê-rê-mi 30:7)

Lời tiên tri của Đa-ni-ên“Lúc đó sẽ có tai nạn, đến nỗi từ khi mới có nước đến kỳ đó cũng chẳng có như vậy bao giờ.” (Đa-ni-ên 12:1)

Lời tiên tri của Chúa Jesus“Vì lúc ấy sẽ có hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa.” (Ma-thi-ơ 24:21)

Căn cứ vào ý nghĩa của các câu trên, chúng ta nhận thấy những hoạn nạn mà nhân loại gánh chịu từ xưa đến nay dù rất trầm trọng, gây ra những thiệt hại to lớn về tính mạng con người, nhưng không có nghĩa lý gì so với cơn đại nạn sẽ xảy đến. Chúng ta có thể kể đến Chiến tranh thế giới lần I và II; dịch cúm Tây-ban-nha năm 1918; bệnh suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS) năm 1980; trận động đất 9,5 Richter tại Chi-li năm 1960; cơn sóng thần cao 30m tại Ấn Độ Dương năm 2004; hạn hán tại Sahel (Tây Phi) năm 2012; nạn đói tại Trung Quốc năm 1958-1961 v.v… những đại họa trên cũng chỉ mang tính cách cục bộ ở một số quốc gia, chỉ có ảnh hưởng trên một số vùng mà thôi, còn rất nhiều những vùng khác trên thế giới người ta vẫn sống bình an. Tuy nhiên, cơn đại nạn mà Kinh Thánh nói đến vượt trội hơn tất cả, cơn đại nạn trong ngày sau cùng sẽ bao gồm nhiều loại tai họa khác thường và xảy ra trên phạm vi toàn cầu, không có nơi nào được yên ổn, không có nơi nào con người có thể trú ẩn để tránh khỏi tai họa. Lời Chúa chỉ rõ cơn hoạn nạn ấy chưa từng có trước đó và sau nầy cũng không có giống như vậy, chỉ xảy ra một lần duy nhất trong lịch sử loài người.

  1. Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và cơn đại nạn.

Có sự tương quan nhân quả giữa cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời và cơn đại nạn.

Kinh Thánh dùng một thành ngữ đặc biệt là “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” (the wrath of God) hay “cơn giận của Đức Chúa Trời” để ám chỉ đến cơn đại nạn có một không hai. Điều nầy cho thấy tác nhân gây ra cơn đại nạn đến từ Đức Chúa Trời. Chính Chúa sẽ giáng cơn đại nạn trên thế giới loài người.

Thành ngữ “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” xuất hiện khá nhiều lần trong cả Cựu Ước và Tân Ước. Ngoài ra, Cựu Ước còn dùng “cơn nóng giận”, “cơn bão”, “cơn ghen” … đều có cùng ý nghĩa như “cơn thạnh nộ”. Xin trưng dẫn vài câu:

Ê-sai 13:13:

    “Vậy nên, ta sẽ khiến các tầng trời rung rinh, đất bị day động lìa khỏi chỗ mình, vì cơn thạnh nộ của Đức Giê-
hô-va vạn quân, trong ngày Ngài nổi giận dữ.”

Giê-rê-mi 30:23,24:

“Nầy, cơn bão của Đức Giê-hô-va, tức là cơn thạnh nộ của Ngài, đã phát ra, một cơn bão lớn: nó sẽ phát
ra trên đầu kẻ dữ. Sự nóng giận của Đức Giê-hô-va chẳng trở về cho đến chừng nào Ngài đã làm và đã trọn
ý toan trong lòng Ngài. Trong những ngày sau rốt, các ngươi sẽ hiểu điều đó.” 

Na-hum 1:6:

“Ai đứng được trước sự thạnh nộ Ngài? Ai đương nổi sự nóng giận Ngài? Sự tức giận của Ngài đổ ra như lửa,
những vầng đá vỡ ra bởi Ngài.”

Sô-phô-ni 3:8:

    “… hầu cho ta đổ sự thạnh nộ và cả sự nóng giận ta trên chúng nó, vì cả đất sẽ bị nuốt bởi lửa ghen ta.”

Giê-rê-mi 23:19:

    “Nầy, cơn giận của Đức Giê-hô-va đã phát ra như bão, như gió lốc, nổ trên đầu kẻ dữ.”

Rô-ma 2:8:

    “Còn ai có lòng chống trả không vâng phục lẽ thật, mà vâng phục sự không công bình, thì báo cho họ sự giận
    và cơn thạnh nộ.”

Lưu ý: Chúng ta cần phân biệt “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” theo ý nghĩa tổng quát và ý nghĩa đặc biệt như sau:

Khi đọc lịch sử dân Y-sơ-ra-ên, mỗi khi họ phạm tội, Đức Chúa Trời nỗi cơn thạnh nộ và trừng phạt họ. “Cơn thạnh nộ” của Chúa trong các trường hợp ấy có ý nghĩa tổng quát, vì Chúa là Đấng Thánh, sự “nóng giận” của Chúa bày tỏ bản tính Thánh Khiết và Công Bình của Ngài trước sự không vâng lời và chống nghịch Chúa của con người. Cơn thạnh nộ của Chúa mang ý nghĩa tổng quát được tìm thấy ở Xuất Ê-díp-tô Ký 32:10; Dân Số Ký 11:1; Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:8; Giô-suê 9:20; Các Quan Xét 2:14; II Sa-mu-ên 6:7; II Các Vua 13:3; Ê-xơ-ra 8:22; Nê-hê-mi 13:18 v.v…

Tuy nhiên, thành ngữ “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời” còn có ý nghĩa đặc biệt, ấy là lời tiên tri về cơn thạnh nộ vào ngày sau cùng, là cơn thạnh nộ mà Giăng Báp-tít đã cảnh báo người Pha-ri-si và người Sa-đu-sê khi họ đến với ông để chịu báp-têm: “Vậy, Giăng nói cùng đoàn dân đến để chịu mình làm phép báp-tem rằng: Hỡi dòng dõi rắn lục, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh nộ ngày sau?” (Lu-ca 3:7). Các sách tiên tri đề cập nhiều lần về cơn thạnh nộ trong ngày sau cùng. Trong Kinh Thánh Tân Ước, vì được viết trong thời kỳ Ân Điển, nên “cơn thạnh nộ” thường mang ý nghĩa đặc biệt. Chỉ rất ít câu mang ý nghĩa tổng quát, khi tìm hiểu văn mạch Kinh Thánh, chúng ta sẽ phân biệt được.

Tóm lại, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời hiểu theo ý nghĩa tiên tri, có nghĩa là cơn giận của Chúa giáng trên loài người trong thời kỳ sau cùng.

Như vậy, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời là nguyên nhân; cơn đại nạn là hậu quả.

  1. Làm thế nào tránh khỏi cơn đại nạn?

Tránh khỏi cơn đại nạn đồng nghĩa với tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời cung cấp cho loài người giải pháp để tránh khỏi cơn thạnh nộ của Ngài: Giải pháp đó là đặt đức tin nơi Chúa Jesus. Tin Chúa Jesus là phương cách duy nhất để nhận sự cứu rỗi ngay lập tức. Nếu người tin Chúa còn sống khi Chúa Jesus trở lại, người ấy sẽ được biến hóa thân thể và được Chúa đem đi khỏi thế gian để ở với Chúa luôn luôn (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17). Như vậy, tin nhận Chúa Jesus là sự bảo đảm chắc chắn tránh khỏi cơn đại nạn (hay cơn thạnh nộ). Sau đây là những lời hứa rất quý báu cho những ai tin nhận Chúa Jesus:

“Vì Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Đức
Chúa Jêsus Christ chúng ta
 (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9)

“Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng
Christ vì chúng ta chịu chết. Huống chi nay chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài
được cứu khỏi cơn thạnh nộ 
là dường nào!”
 (Rô-ma 5:8,9)

Như vậy, Chúa Jesus là Đấng giải cứu những người tin Ngài ra khỏi cơn đại nạn.

Đối với những người từ chối ơn cứu rỗi của Chúa Jesus, có hai trường hợp xảy ra như sau:

  1. a) Nếu người ấy qua đời trước khi Chúa Jesus đến tiếp rước Hội Thánh: Người đó sẽ không nhận được sự sống đời đời, vì vẫn “ở dưới” cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Giăng 3:36 cho biết:

“Ai tin Con (Chúa Jesus), thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng
     cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.”

  1. b) Nếu người đó còn sống khi Chúa Jesus trở lại đem những người tin Chúa ra khỏi thế gian (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17), họ sẽ bị ở lại và sẽ phải gánh chịu “cơn thạnh nộ” của Chúa, tức là cơn đại nạn. Đến đây, một thắc mắc có thể được nêu lên: Phải chăng có một cơ hội thứ haiđể ăn năn tội và tin Chúa trong cơn đại nạn? [Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề nầy trong một bài viết khác]
  2. Cơn đại nạn diễn tiến như thế nào?

Vì là cơn đại nạn chưa từng xảy ra, và sẽ xảy ra một lần duy nhất trong tương lai, nên Kinh Thánh mô tả cơn đại nạn qua thể loại văn tiên tri (prophecy) với nhiều biểu tượng (symbol). Chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào sự kinh hoàng của các tai nạn nầy qua việc nghiên cứu sách Khải Huyền. [Bài viết nầy không trình bày diễn tiến cơn đại nạn]

  1. Cơn đại nạn và “Ngày của Đức Giê-hô-va”.

Ngoài thành ngữ “cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời”, lời tiên tri trong Kinh Thánh còn sử dụng một thành ngữ khác là “Ngày của Đức Giê-hô-va” (Day of The Lord) để chỉ về một giai đoạn đặc biệt thuộc thời kỳ sau cùng của thế giới. Đây là một thành ngữ khác liên quan đến cơn đại nạn. Để tìm hiểu về “Ngày của Đức Giê-hô-va”, xin đọc bài “Ngày của Đức Giê-hô-va và ngày của Chúa Jesus Christ”.

  1. Cơn đại nạn bắt đầu khi nào và kéo dài bao lâu?

Chỉ có sách Đa-ni-ên và Khải Huyền giải đáp câu hỏi trên.

  1. a) Tuần lễ cuối cùng trong lời tiên tri về 70 tuần lễ của Đa-ni-ên:

“Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của
lễ và của lễ chay dứt đi. Kẻ hủy phá sẽ đến bởi cánh gớm ghiếc, và sẽ có sự giận dữ đổ trên nơi bị hoang vu,
cho đến kỳ sau rốt, là kỳ đã định.” 
(Đa-ni-ên 9:27)

Đa-ni-ên 9:24-27 cho biết Đức Chúa Trời định 70 tuần lễ cho dân Do Thái (70 tuần x 7 năm = 490 năm)

Đa-ni-ên 9:24-26 cho biết 69 tuần lễ đầu tiên đã được ứng nghiệm hoàn toàn (69 tuần x 7 năm = 483 năm). Tức là từ lúc vua Ạt-ta-xét-xe (Artaxerxes) ban sắc lệnh cho phép dân Do Thái xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem (445 BC) cho đến khi Chúa Jesus cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem (32 AD) là đúng 483 năm.

Sau 69 tuần lễ, dân Do Thái âm mưu bắt đem Chúa Jesus cho chính quyền La-mã để họ đóng đinh Chúa Jesus, sự kiện Chúa chết trên thập giá chấm dứt thời kỳ luật pháp, và cũng chấm dứt 69 tuần lễ đầu tiên, mở ra thời kỳ Ân điển. Như vậy, tuần lễ thứ 70 (1 tuần = 7 năm) tạm dừng lại cho đến thời điểm Đức Chúa Trời muốn nó bắt đầu.

Giữa tuần thứ 69 và tuần thứ 70 là thời kỳ Ân Điển, chúng ta đang sống trong thời kỳ nầy. Khi thời kỳ Ân Điển chấm dứt thì tuần lễ thứ 70 bắt đầu. Chúa Jesus sẽ đến tiếp Hội Thánh ra khỏi thế gian trước khi tuần lễ thứ 70 bắt đầu điểm. Như vậy, cơn đại nạn nằm trong tuần lễ thứ 70, cũng là tuần lễ cuối cùng.

  1. b) Những lời tiên tri xác nhận về 3 năm rưỡi:

Kinh Thánh dùng bốn cách trình bày khác nhau để xác định chính xác cơn đại nạn kéo dài trong bao lâu:

1) Giữa tuần lễ thứ 70:

Đa-ni-ên 9:27: “Người sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ, và đến giữa tuần ấy, người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi.”

Chúng ta nhận thấy tuần lễ thứ 70 (gồm 7 năm) được chia làm hai giai đoạn bằng nhau bởi cụm từ “đến giữa tuần ấy”, nghĩa là mỗi giai đoạn đúng 3 năm rưỡi.

2) Một thì, các thì và nửa thì (a time, times, and half a time):

+ Đa-ni-ên 7:25: “Vua đó sẽ nói những lời phạm đến Đấng Rất Cao, làm hao mòn các thánh của Đấng Rất Cao, và định ý đổi những thời kỳ và luật pháp; các thánh sẽ bị phó trong tay người cho đến một thì, những thì, và nửa thì.”

+ Khải Huyền 12:14: “Nhưng người được ban cho một cặp cánh chim phụng hoàng, đặng bay về nơi đồng vắng là chỗ ẩn náu của mình; ở đó được nuôi một thì, các thì, và nửa thì, lánh xa mặt con rắn.”

“Một thì” tương đương với 1 năm; “các thì” (số nhiều) là 2 năm và “nửa thì” là nửa năm, tổng cộng là 3 năm rưởi.

3) Bốn mươi hai tháng (42 tháng)

+ Khải Huyền 11:2: “Còn sân ngoài đền thờ thì hãy để nó ra ngoài, đừng đo làm chi; vì chỗ đó đã phó cho dân ngoại, họ sẽ giày đạp thành thánh đủ bốn mươi hai tháng.”

+ Khải Huyền 13:5: “Nó được ban cho cái miệng nói những lời kiêu ngạo phạm thượng; và nó lại được quyền làm việc trong bốn mươi hai tháng.”

“Bốn mươi hai tháng” tương đương với 3 năm rưởi.

4) Một ngàn hai trăm sáu mươi ngày (1260 ngày)

+ Khải Huyền 11:3: “Ta sẽ cho hai người làm chứng ta mặc áo bao gai đi nói tiên tri trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.”

+ Khải Huyền 12:6: “Còn người đàn bà, thì trốn vào đồng vắng, tại đó người đã có một nơi ở mà Đức Chúa Trời đã sửa soạn cho, để nuôi mình trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày.”

“Một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” tương đương với 3 năm rưởi.

KẾT LUẬN: Khi so sánh và đối chiếu tất cả các câu Kinh Thánh nêu trên, chúng ta đi đến vài kết luận sau:

  1. a) Bốn cách trình bày thời gian khác nhau: “giữa tuần ấy”; “một thì, các thì và nửa thì”; “42 tháng” và “1260 ngày”, tất cả đều chỉ về cùng một khoảng thời gian: Ba năm rưởi. Ngoài ra, bốn cách trình bày như thế giúp chúng ta xác nhận một điều quan trọng trong sự giải nghĩa các con số nêu trên: Chúng ta phải hiểu chúng theo nghĩa văn tự (literal), chứ không nên hiểu chúng theo nghĩa hình bóng (symbol) như một vài nhà Giải Kinh đề xướng.
  2. b) Nếu chúng ta nói “bảy nămđại nạn” thì không có gì sai, vì đó là tuần lễ thứ 70 (gồm 7 năm) và cơn đại nạn nằm trong 7 năm nầy. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn xác định một cách chính xác hơn thì cơn đại nạn (The Great Tribulation) hay cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời thật sự giáng xuống thế giới bắt đầu giữa tuần thứ 70, và kéo dài trong 3 năm rưỡi sau cùng.

 

  1. Mục đích của cơn đại nạn.

Đức Chúa Trời tể trị mọi sự, Ngài có mục đích rõ ràng đối với những gì Ngài đã, đang và sẽ làm: “Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.” (Ê-sai 46:10). Đức Chúa Trời có mục đích khi giáng cơn đại nạn trên thế gian. Qua sự nghiên cứu cẩn thận lời tiên tri về cơn đại nạn trong ngày sau rốt, chúng ta ghi nhận có hai mục đích chính yếu của Đức Chúa Trời như sau:

  1. Thanh tẩy dân Do Thái để đem họ đến sự ăn năn tội và công nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si.

Trong chương trình của Đức Chúa Trời cho ngày sau cùng của nhân loại, dân Do Thái (Israel) chiếm giữ tầm quan trọng, vì Do Thái là dân tộc được Đức Chúa Trời chọn lựa để đem nguồn phước đến cho mọi dân tộc khác: “Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước.” (Sáng Thế Ký 12:1,2). Chúng ta biết “nguồn phước” mà Chúa hứa ban cho các dân tộc khác thông qua hậu tự theo lời hứa của Áp-ra-ham, là Y-sác, Gia-cốp và 12 con trai của Gia-cốp. Dân Do Thái ngày nay là hậu tự của 12 con trai Gia-cốp, gồm 12 chi phái Y-sơ-ra-ên. Chúa Jesus, là Đấng Mê-si ra đời qua chi phái Giu-đa, chính Ngài là nguồn phước mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho mọi dân tộc qua dân Do Thái.

Tuy nhiên, dân Do Thái đã khước từ Đấng mê-si của họ, họ đã phối hợp với chính quyền La-mã để đóng đinh Đấng Mê-si của họ trên thập giá. Sứ đồ Phi-e-rơ đã giảng cho dân Do Thái: “Hỡi người Y-sơ-ra-ên … Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã làm vinh hiển đầy tớ Ngài là Đức Chúa Jêsus, là Đấng mà các ngươi đã bắt nộp và chối bỏ trước mặt Phi-lát, trong khi người có ý tha Ngài ra. Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Bình mà xin tha một kẻ giết người cho mình; các ngươi đã giết Chúa của sự sống, mà Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 3:13-15)

Như vậy, dân Do Thái đã phạm một tội rất lớn: Họ đã giết Chúa của sự sống, giết Đấng Mê-si của họ (khoảng 32 AD). Sau biến cố đền thờ tại Giê-ru-sa-lem bị quân La-mã tàn phá năm 70 AD, người Do Thái sống lưu vong khắp nơi trên thế giới. Dù dân Do Thái đã chính thức lập quốc vào ngày 14/5/1948, nhưng vẫn còn nhiều người Do Thái chưa trở về quê hương. Ngày hôm nay, dân Do Thái vẫn cứng lòng, không công nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si của họ.

Đối với tội rất lớn của dân Do Thái là chối bỏ Chúa Jesus, Đức Chúa Trời có chương trình sửa trị dân Do Thái để đem họ đến sự ăn năn tội và công nhận Chúa Jesus là Đấng mê-si. Nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời sẽ dùng cơn đại nạn trong ngày sau rốt để khiến họ quay trở lại với Chúa Jesus, dân Do Thái sẽ được phục hồi để bước vào vương quốc của Chúa Jesus sau khi chấm dứt cơn đại nạn.

  1. a) Trước hết, Môi-se nói tiên tri về dân Do Thái sẽ ăn năn tội vào thời kỳ sau cùng bởi các sự hoạn nạn:

    “Khi ngươi bị gian nan (tribulation), và các việc nầy xảy đến cho ngươi, bấy giờ trong ngày cuối cùng, ngươi
sẽ trở về cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và vâng theo tiếng Ngài.”
 (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:30)

  1. b) Tiên tri Giê-rê-mi cho biết dân Do Thái sẽ trải qua cơn đại nạn mà Kinh Thánh gọi bằng một thành ngữ đặc biệt là “Kỳ tai hại của Gia-cốp”:

“Khốn thay! Ngày đó thật lớn, đến nỗi chẳng hề có ngày nào giống như vậy. Ấy là kỳ tai hại của Gia-cốp!
Nhưng nó sẽ được cứu thoát khỏi sự ấy.”
 (Giê-rê-mi 30:7)

  1. c) Tiên tri Ê-xê-chi-ên mô tả dân Do Thái sẽ bị sửa trị dưới cây roicủa Đức Chúa Trời qua cơn đại nạn, nhưng sau cùng họ được đem vào trong giao ước:

    “Ta sẽ làm cho các ngươi qua dưới cây roi (rod), và sẽ đem các ngươi vào trongdây giao ước.” (Ê-xê-chi-ên
20:37)

Giao Ước của Đức Chúa Trời cho dân Do Thái sẽ được hoàn thành sau cơn đại nạn, lúc Chúa Jesus tái lâm trên đất và thành lập vương quốc của Ngài. [Sẽ có bài nghiên cứu cho chủ đề nầy.]

  1. d) Ê-xê-chi-ên còn dùng hình ảnh khác nói về sự thanh tẩy dân Do Thái giống như người ta làm tan chảy kim loại trong lò lửa:

“Như người ta hiệp bạc, đồng, sắt, chì, thiếc lại trong lò, và thổi lửa ở trên cho tan chảy ra thể nào, thì trong
cơn giận và sự thạnh nộ của ta, ta sẽ nhóm các ngươi lại và đặt vào lò mà làm cho tan chảy ra cũng thể ấy.
Thật, ta sẽ nhóm các ngươi lại và thổi lửa của cơn giận ta trên các ngươi, thì các ngươi sẽ tan chảy ra giữa
nó. Như bạc tan chảy ra trong lò, thì các ngươi cũng sẽ tan chảy ra giữa thành ấy, và các ngươi sẽ biết
rằng ta, Đức Giê-hô-va đã đổ cơn thạnh nộ ta trên các ngươi.”
 (Ê-xê-chi-ên 22:20-22)

  1. e) Tiên tri Ô-sê cho biết dân Do Thái sẽ bị Chúa đánh đòn và sẽ được phục hồi sau khi trải qua cơn đại nạn:

“Hãy đến, chúng ta hãy trở về cùng Đức Giê-hô-va; vì Ngài đã xé chúng ta, song Ngài sẽ chữa lành cho;
     Ngài đã đánh chúng ta, song sẽ buộc vết tích.” 
(Ô-sê 6:1,2)

  1. f) Tiên tri Xa-cha-ri cho biết dân Do Thái sẽ được Đức Chúa Trời thanh tẩy như vàng bạc trong lò rèn. Hình ảnh vàng bạc được tẩy sạch các chất cáu cạn sau khi thử lửa cho thấy tội của dân Do Thái được tha, địa vị của họ được phục hồi:

“Đức Giê-hô-va phán rằng: Xảy ra trong khắp đất, hai phần của nó sẽ bị diệt và mất song một phần ba sẽ
được còn lại. Ta sẽ đem một phần ba ấy vào lửa, ta sẽ luyện nó như luyện bạcthử nó như thử vàng;
chúng nó sẽ kêu cầu danh ta, và ta sẽ nhậm lời nó; ta sẽ phán rằng: Ấy là dân ta đây. Và nó sẽ nói rằng: Đức
Giê-hô-va là Đức Chúa Trời tôi.”
 (Xa-cha-ri 13:8,9)

  1. g) Chúa Jesus cũng nói tiên tri dân Do Thái sẽ chịu cơn thạnh nộ và sẽ đi vào cơn hoạn nạn lớn:

    “Vì sẽ có tai nạn lớn trong xứ, và cơn thạnh nộ nghịch cùng dân nầy (dân Do Thái).” (Lu-ca 21:23)

  1. Phán xét những người chống nghịch Chúa cùng với hệ thống cầm quyền chống nghịch Chúa.

Sau khi Hội Thánh chân chính được Chúa Jesus tiếp rước về trời đi thì tất nhiên, tất cả mọi người còn lại không được cất lên sẽ đi vào cơn đại nạn.

  1. a) Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên những kẻ ác trong thế gian:

“Nầy, cơn bão của Đức Giê-hô-va, tức là cơn thạnh nộ của Ngài, đã phát ra, một cơn bão lớn: nó sẽ phát ra trên đầu kẻ dữ. Sự nóng giận của Đức Giê-hô-va chẳng trở về cho đến chừng nào Ngài đã làm và đã trọn ý toan trong lòng Ngài. Trong những ngày sau rốt, các ngươi sẽ hiểu điều đó.” (Giê-rê-mi 30:23,24)

“Vì nầy, Đức Giê-hô-va từ nơi Ngài, đặng phạt dân cư trên đất vì tội ác họ. Bấy giờ đất sẽ tỏ bày huyết nó ra, và không che-đậy những kẻ đã bị giết nữa.” (Ê-sai 26:21)

  1. b) Cơn đại nạn được chỉ định không những trên cá nhân, mà còn trên bình diện các dân tộc, các quốc gia, nhất là các quốc gia chống dân Do Thái:

“Vậy nên, Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi khá đợi ta cho đến ngày ta sẽ dấy lên đặng cướp bắt; vì ta đã định thâu góp các dân tộc và nhóm hiệp các nước, hầu cho ta đổ sự thạnh nộ và cả sự nóng giận ta trên chúng nó, vì cả đất sẽ bị nuốt bởi lửa ghen ta.” (Sô-phô-ni 3:8)

  1. c) Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời dành cho các lãnh đạo thế giới cùng với hệ thống cai trị chống nghịch lại Chúa và bắt bớ dân Do Thái:

“Đất lay động như người say; lỏng chỏng như cái võng, tội lỗi chất lên trên nặng trĩu, nó sẽ đổ xuống và không dậy được nữa! Xảy ra trong ngày đó, Đức Giê-hô-va sẽ phạt các cơ binh nơi cao ở trên trời, phạt các vua thế gian ở trên đất.”  (Ê-sai 24:20,21)

  1. d) Cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ giáng trên các đạo quân của các nước đang hiệp nhau lại tiến đánh dân Do Thái [Khi học sách Khải Huyền, chúng ta sẽ thấy quân đội của nhiều nước chống Do Thái sẽ hợp lại tấn công nước Do thái trong ngày cuối cùng.]

“Vì Đức Giê-hô-va nổi giận nghịch cùng mọi nước; cơn thạnh nộ Ngài nghịch cùng cả đạo binh họ; Ngài đã giao họ cho sự diệt vong, phó cho sự đánh giết.” (Ê-sai 34:2)

Tóm lại, trên đây là hai mục đích chủ yếu của Đức Chúa Trời khi chuẩn bị cơn đại nạn. Nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh còn nêu thêm một vài mục đích khác như: Sự truyền giảng Tin Lành khắp thế giới; Sa-tan được phép tự do hành động mà không có giới hạn nào; Bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời; Sự chuẩn bị cho Vương Quốc Ngàn Năm v.v… Tuy nhiên, những lời tiên tri trong Cựu Ước liên quan đến cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời không trực tiếp thể hiện các mục đích ấy. Các chủ đề đó được tìm thấy trong sách Khải Huyền, chúng ta sẽ tìm hiểu các chủ đề đó rõ hơn khi học sách Khải Huyền.

 

 

[email protected]

Nguồn: http://gianggiaithanhkinh.net 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn