Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Chúng ta đang xây dựng điều gì?

Chúng ta đang xây dựng điều gì?

(hình chỉ mang tính minh họa)

Bài trước: https://huongdionline.com/2020/09/22/lam-ro-nhung-dieu-can-thiet/
Mặc dù vậy, điều đáng sợ nhất đó là chúng ta có thể vờ như chúng ta là con cái Chúa. Chúng ta có thể yên tâm nhắm mắt trước những lời dạy dỗ này trong Kinh Thánh và tiếp tục với một nền Cơ đốc giáo và hội thánh giàu có. Thậm chí chúng ta có thể thành công trong văn hóa hội thánh hiện tại khi phớt lờ người nghèo. Thực ra khi một ai đó chi hàng triệu đô la cho bản thân thì đó là dấu hiệu của sự thành công và phát triển. Họ sẽ nói rằng: “Xem kìa, hội thánh đó thật lớn. Bạn có thấy những vật dụng mà họ có không?”

Thực tế chúng ta nghĩ rằng những gì chúng ta đang làm là đúng với Kinh Thánh. Và các môn đồ của Đức Chúa Giê-su cũng vậy. Đó là lý do vì sao họ rất bất ngờ khi Đức Chúa Giê-su bước ra khỏi cuộc nói chuyện về chàng trai trẻ giàu có và nói rằng: “Người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm.” Trong câu tiếp theo viết rằng: “Môn đồ nghe lời ấy, thì lấy làm lạ lắm.”[1] Tại sao họ lại quá bất ngờ đến thế?

Câu trả lời được ẩn sâu trong lịch sử Cựu Ước. Từ thời khởi nguyên của đất nước Y-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ ban phước hạnh về của cải dư dật cho họ. Đức Chúa Trời ban phước hạnh vật chất dư dật trên Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và Giô-sép. Đức Chúa Trời hứa với dân tộc của Ngài rằng nếu họ vâng lời Chúa thì họ sẽ được thịnh vượng dư dật.[2]

Tại sao Đức Chúa Trời hứa về của cải vật chất? Đức Chúa Trời đang xây dựng một quốc gia dành riêng cho Ngài, quốc gia ấy sẽ là hình ảnh minh họa về sự vĩ đại của Chúa cho mọi dân tộc. Bằng cách ban của cải dư dật, Đức Chúa Trời thiết lập một nơi cho dân tộc của Ngài cư ngụ và Ngài đặt sự vinh quang của Ngài tại đó. Đa-vít và Sa-lô-môn đã tích lũy một tài sản khổng lồ khi họ lập quốc và một nơi quan trọng của vương quốc chính là đền thờ mà Sa-lô-môn xây dựng. Như được thấy trong 1 Các vua 8, Sa-lô-môn cung hiến đền thờ và cầu xin Đức Chúa Trời khiến cho sự vinh quang của Ngài được biết đến thông qua dân tộc của Chúa tại đền thờ ấy.[3] Phước hạnh vật chất giúp cho việc thành lập dân tộc của Đức Chúa Trời ở một địa điểm cụ thể, trong một đền thờ hữu hình chính là một phần nền tảng trong lịch sử Y-sơ-ra-ên.

Chính vì thế khi một chàng trai trẻ giàu có tiến đến Đức Chúa Giê-su và được Ngài phán rằng: “Hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn,” các môn đồ tự nhiên cảm thấy rất bối rối.[4] Tại sao vâng lời Đấng Christ lại khiến chàng trai này mất đi tài sản?

Các môn đồ sớm nhận ra rằng một sự thay đổi toàn diện đã xảy ra. Không phải Đức Chúa Trời thay đổi, và cũng không phải Đức Chúa Trời của Cựu Ước khác với Đức Chúa Trời của Tân Ước. Nhưng ngược lại, kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời được mở ra, và Đức Chúa Giê-su đang dẫn lối cho một giai đoạn mới trong lịch sử cứu chuộc, một thời kỳ sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa đức tin và phước hạnh vật chất.

Những buổi đầu của giai đoạn mới trong lịch sử cứu chuộc, không một người giảng đạo nào trong Tân Ước (kể cả Đức Chúa Giê-su) từng hứa về sự giàu có vật chất như là phần thưởng cho sự vâng lời Chúa.[5] Người Do Thái thế kỷ đầu tiên (và cả Cơ đốc nhân Mỹ thế kỷ hai mươi mốt) càng thêm kinh ngạc khi dân tộc của Đức Chúa Trời trong Tân Ước không được truyền lệnh phải xây một nơi thờ phượng nguy nga. Ngược lại, dân sự của Đức Chúa Trời được dạy phải trở nên đền thờ của Chúa – nơi thờ phượng Chúa.[6] Và tài sản của họ không được dùng để xây dựng một tòa nhà nơi người khác có thể đến và nhìn thấy sự vinh quang của Chúa, nhưng để xây dựng một dân tộc ra đi để đem sự vinh quang của Đức Chúa Trời cho thế giới.

Tất cả những điều trên phát sinh một câu hỏi, khi lịch sử cứu chuộc đã chuyển sang một giai đoạn mới, vậy ngày nay chúng ta đã thay đổi cách suy nghĩ về tài sản hay chưa?

Chẳng phải rất nhiều Cơ đốc nhân trong xã hội của chúng ta đều ngầm hiểu rằng nếu chúng ta đi theo Chúa thì sẽ được thuận lợi về vật chất hay sao? Suy nghĩ đó được thể hiện rõ ràng trong sự dạy dỗ về “sức khỏe và giàu có,” và tiềm ẩn trong đời sống của những Cơ đốc nhân nào có cách sử dụng tài sản giống như những người hàng xóm không tin Chúa.

Một tối nọ tôi đến gặp một hội thánh hầm mộ ở nước ngoài, chúng tôi bàn luận về nhiều vấn đề trong Kinh Thánh. Một phụ nữ sống ở thành phố và biết ít Tiếng Anh chia sẻ rằng: “Tôi có một chiếc Ti-vi, và đôi khi tôi có thể bắt được vài kênh truyền hình từ Hoa Kỳ. Một số kênh có truyền hình buổi nhóm thờ phượng. Tôi thấy các mục sư được mặc rất đẹp và giảng đạo trong những ngôi nhà thờ rất đẹp. Thậm chí một số mục sư đã nói rằng nếu tôi có đức tin thì cũng sẽ có được những điều tốt lành.”

Cô ấy ngừng lại một chút trước khi nói tiếp. “Khi tôi đến với các buổi nhóm của hội thánh, tôi nhìn quanh, đại đa số chúng tôi đều rất nghèo, và chúng tôi nhóm lại tại đây với đầy dẫy nguy cơ đánh mất tính mạng.” Rồi cô nhìn tôi và hỏi: “Phải chăng chúng tôi không có đủ đức tin?”

Tại thời điểm đó tôi nhận ra rằng chúng tôi, những hội thánh và Cơ đốc nhân tại Mỹ, đang xuất khẩu một loại thần học đánh đồng đức tin nơi Đấng Christ với sự thịnh vượng trong thế gian. Về nền tảng, đây không phải là hình ảnh Cơ đốc giáo mà chúng ta nhìn thấy trong Tân Ước.

Hơn thế nữa, khi dâng hiến cho hội thánh, chúng ta ưu tiên cho lĩnh vực nào? Mỗi năm tại Hoa Kỳ, chúng ta chi hơn 10 tỷ đô la vào xây dựng nhà thờ. Riêng tại Mỹ, lượng bất động sản do các hội thánh sở hữu có tổng giá trị hơn 230 tỷ đô la. Chúng ta có tiền và tài sản, và chúng ta xây dựng đền thờ ở khắp mọi nơi. Thật sự, đó là những đế chế, những vương quốc. Chúng ta gọi những nơi đó là nhà thờ phượng. Nhưng về cốt lõi, chẳng phải đó thường là những mô hình tôn giáo lạc hậu định nghĩa sai lầm sự thờ phượng dựa vào một địa điểm và chúng lãng phí tiêu tốn thời gian và tiền bạc của chúng ta trong khi ngược lại Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta trở nên một dân tộc dành cuộc sống mình vì sự vinh quang của Ngài giữa những người thiếu thốn bên ngoài cửa nhà của chúng ta hay sao?

Thậm chí tấm lòng của tôi đau xót khi viết ra điều này, bởi vì thực tế tôi cũng giảng đạo vào mỗi Chủ nhật trong một trong số những ngôi giáo đường khổng lồ ấy. Làm thế nào chúng ta thay đổi chiều hướng sử dụng những nguồn tài nguyên của mình? Tôi không ngừng tranh đấu với câu hỏi này, và tôi tin rằng đây không chỉ là câu hỏi dành cho các mục sư và các ủy ban xây dựng nhà thờ. Giống như chàng trai trẻ giàu có ở Mác 10, mỗi Cơ đốc nhân cần phải tranh đấu với điều Đức Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta phải làm với những nguồn tài nguyên của chúng ta khi chúng ta bước đi theo Ngài.

 

(Còn nữa)

DAVID PLATT

Translated by Vinh Hien

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn