Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Father’s Day Và Áp-ra-ham

Father’s Day Và Áp-ra-ham

Mục sư Lữ Thành Kiến
Lễ Phụ Thân 2020

Sau đó, Đức Chúa Trời thử nghiệm Áp-ra-ham. Chúa gọi: “Áp-ra-ham.” Người thưa: “Có con đây.”  Chúa bảo: “Hãy dắt Y-sác, đứa con một mà con yêu quý, đem đến vùng Mô-ri-a và dâng nó làm tế lễ thiêu trên một ngọn núi mà Ta sẽ chỉ cho con.”  Vậy, Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem Y-sác con mình và hai đầy tớ đi theo. Ông chặt củi để dâng tế lễ thiêu, rồi đứng dậy, đi đến địa điểm Đức Chúa Trời đã chỉ định.  Ngày thứ ba, Áp-ra-ham ngước lên, nhìn thấy địa điểm ấy từ đằng xa, liền bảo hai thanh niên: “Các anh cứ đứng lại đây và giữ lừa. Tôi và Y-sác sẽ lên đó thờ phượng Chúa, rồi sẽ trở lại.”  Áp-ra-ham lấy bó củi để dâng tế lễ thiêu chất trên vai Y-sác, con mình và cầm theo mồi lửa và một con dao. Rồi hai cha con cùng đi.  Y-sác nói: “Cha ơi!” Áp-ra-ham đáp: “Có cha đây, con!” Y-sác hỏi: “Củi lửa có sẵn rồi, nhưng chiên con ở đâu để dâng tế lễ thiêu?”  Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, Đức Chúa Trời sẽ cung ứng chiên con làm tế lễ thiêu!” Sáng 22:1-8

Hôm nay là ngày lễ Phụ Thân. Tôi quyết định dùng phân đoạn Kinh Thánh đặc biệt này để giảng hôm nay. Đây là câu chuyện đức tin kinh điển (tiêu biểu) của Kinh Thánh nói về hai cha con Áp-ram và Y-sác. Nhưng cũng nói về mối liên hệ cha con giữa Đức Chúa Trời và Áp-ram. Mối liên hệ này rất đặc biệt, không giống như cách mà người ta thường nghĩ. Câu chuyện này dường như nói rất ít về tình yêu của Cha Con, mà nói về sự dạy dỗ của một người Cha đối với con mình, đặc biệt là Cha thiên thượng đối với con cái của Ngài.

Câu chuyện bắt đầu bằng câu: sau đó, Đức Chúa Trời thử Áp-ram. Đức Chúa Trời nói trước rằng Ngài thử Áp-ram. Mới mở đầu đã biết đoạn kết, chỉ là thử thôi, chẳng có gì nguy hiểm. Nhưng Áp-ram hoàn toàn không biết Đức Chúa Trời thử mình. Đức Chúa Trời biết. Đức Chúa Trời làm gì cũng có mục đích, kế hoạch. Kinh Thánh nói đơn giản: sau đó Đức Chúa Trời thử Áp-ra-ham. Không ai thử một người mà nói trước với họ. Một người thử lòng người, thử tình yêu của người, không nói trước. Người được, hay bị thử hoàn toàn không biết mình bị thử, cho đến cuối cùng. Đức Chúa Trời vẫn dùng cách này cách khác để thử nghiệm đức tin của một người.

Nhưng tại sao cần phải thử thử? Để biết vàng thật hay giả hay pha trộn, người ta sẽ phải thử. Đức Chúa Trời nghi ngờ lòng dạ con người đối với Ngài chăng? Vì lòng dạ con người theo Kinh Thánh mô tả là dối trá, không thể tin được. Nhưng ngay từ đầu chúng ta đã thấy Áp-ram có đức tin thật, khi Đức Chúa Trời kêu gọi ông ra khỏi quê hương đang sống để đi đến một nơi Ngài sẽ chỉ cho. Kinh Thánh cũng nói là ông đi mà không biết mình đi đâu, ngay tức thì, vâng lời mà đi, mang theo toàn bộ gia đình gia sản rất lớn của mình, không hề hỏi lại. Đức Chúa Trời còn nghi ngờ gì nữa về đức tin của ông?

Trong trường hợp này chúng ta có thể đưa ra một giả thiết khác: để biết tình trạng thuộc linh của người đó. Đức Chúa Trời có nói với Áp-ram sau khi bảo ông ngừng tay lại, đừng đụng chạm vào sự sống đứa trẻ: Thiên sứ phán rằng: Đừng tra tay vào mình con trẻ và chớ làm chi hại đến nó; vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời, bởi cớ không tiếc với ta con ngươi, tức con một ngươi. Vì bây giờ ta biết rằng ngươi thật kính sợ Đức Chúa Trời…

Tôi học được môt điều rằng đôi khi Đức Chúa Trời muốn thử thách đức tin của chúng ta không phải vì không tin rằng chúng ta không tin Ngài, nhưng để biết tình trạng thuộc linh bây giờ của chúng ta đang như thế nào. Chúng ta có thể vẫn tin, nhưng niềm tin ấy bây giờ đang thế nào, đôi khi cũng phải thử để biết mình có còn tình yêu ban đầu với Đức Chúa Trời không.

Khi đọc đoạn Kinh Thánh này tôi cũng tự hỏi là sự thử thách này có mâu thuẫn với tình yêu của Đức Chúa Trời với Áp-ram và con người không. Thì tôi thấy là không có mâu thuẫn gì cả. Trong sự thử thách, tôi lại thấy rằng Đức Chúa Trời vì yêu Áp-ram mà thử thách, với mong muốn ông trở nên một người thật sự thuộc vê Ngài, như Cha yêu con dạy con mình, điều này sách Châm-ngôn cũng có đề cập đến.

Thử thách cũng cần, nhưng có cần phải thử thách một việc quá sức loài người như vậy không? Đây là một thử thách quá lớn. Đức Chúa Trời đã ban Y-sác cho Áp-ram và Sa-ra trong khi họ đã quá lớn tuổi và Kinh Thánh nói rõ không còn khả năng sinh nở nữa, Y-sác là đứa con thuộc dòng dõi chính, khác với Ích-ma-ên của A-ga, và sau này sẽ trở thành đứa con nối dõi của Áp-ram. Y-sác là hy vọng duy nhất của Áp-ram. Tại sao phải dùng đến cách đó?

Đụng đến Y-sác là đụng đến trái tim của Áp-ram, như chính Đức Chúa Trời đã nói: hãy bắt đứa con một mà ngươi yêu quý... Đó là tấm lòng của người cha đối với con trai một của mình. Đức Chúa Trời yêu loài người Ngài tạo ra như Cha với con, Ngài biết rõ tình yêu đó. Ngài chắc không thể nào nghĩ ra một việc quá ghê gớm như vậy. Nhưng thưa Hội Thánh, chúng ta có liên tưởng đến một việc gần giống như vậy không? Chữ con một khiến chúng ta nghĩ gì? Con một Đức Chúa Trời. Chúa Jesus là con một Đức Chúa Trời. Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. 1 Giăng 4:9

Hãy thử so sánh: Trước tình trạng băng hoại của con người, Đức Chúa Trời đã sai con một Ngài đến thế gian để chết. Trong cương vị một người Cha nhân từ như chúng ta thường nghe nói về bản chất thuộc linh của Đức Chúa Trời, yêu con mình là dường nào, nhưng để cứu lấy cả một thế giới đang đi dần xuống địa ngục, Đức Chúa Trời không còn có một giải pháp nào khác là hy sinh đứa con một yêu dấu của mình. Chúa chỉ thử Áp-ram, vào cuối câu chuyện, Đức Chúa Trời đã can thiệp để lưỡi dao oan nghiệt không đụng đến mạng sống đứa trẻ, nhưng khi Chúa Jesus cầu nguyện xin khỏi uống chén đắng thì Ngài đã làm ngơ… Con Một Đức Chúa Trời không phải là một thử thách, mà là sự thật.

Đoạn mở đầu có vẻ kinh khủng vậy, nhưng có một safety ending, một kết thúc an toàn. Đức Chúa Trời can thiệp ngay tức thì. Y-sác không chết. Thử thách đến mức độ cao nhất của nó đã ngừng lại. Đức Chúa Trời biết đức tin của Áp-ram thế nào, đến đâu, và Ngài chỉ thử đến đó. Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được. 1 Cô-rinh-tô 10:13. Vào giây phút cuối, trước khi thảm kịch có thể xảy ra, Đức Chúa Trời đã mở đường cho Áp-ram ra khỏi. Đây là câu Kinh Thánh mở một lối thoát cho những người theo Chúa. Đức Chúa Trời biết rõ trình độ thuộc linh và sức chịu đựng của người theo Ngài. Ngài là Đấng có sự cảm thông, không gay gắt ép buộc trong tình yêu, không phải ai cũng chịu một mức độ thử thách giống nhau. Phao-lô khác. Mà Gióp khác. Gióp là kinh khủng nhất, bài học của Gióp là bài học không ai muốn học. Một người khỏe mạnh có thể chịu đựng thử thách tới đâu. Một người yếu đuối bệnh tật có thể chịu đựng thử thách đến đâu. Nếu không thì họ sẽ bỏ Chúa.  Chúng ta mỗi người khác. Đức tin không tùy thuộc vào vị trí chức vụ người ấy. Không phải Mục sư là phải cao hơn tín đồ…. Mục sư cũng chỉ là người có thịt và huyết.

Chúng ta đã học bài học nếu Chúa không trả lời một lời cầu nguyện tha thiết. Tôi cũng tin rằng cho dù phép lạ không xảy ra sau lời cầu nguyện, Chúa không hành động, để điều đau đớn xảy ra cho con người, thì Chúa cũng có cách mở đường cho ra khỏi, bằng cách thêm sức cho chúng ta để mình có thể chịu đựng được.

Có ai muốn bị thử không? Không ai muốn. Tôi cũng vậy, nhìn thử thách của người khác, con người xác thịt của tôi cũng nao sờn lắm. Tôi vẫn thường cầu nguyện xin Chúa rằng Chúa ơi Ngài biết sức chịu đựng của con, xin đừng để con chịu thử thách đó…. Nhưng thử thách là điều không thiếu trong đời sống chúng ta, không ai tránh khỏi cả, nặng hay nhẹ mà thôi. Xin Chúa cho khi thử thách đến, thì Ngài thêm sức để chúng ta có thể chịu được. Như câu Kinh Thánh quen thuộc mà Phao-lô dùng: Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi. Trong những ngày này, đức tin của tôi đã bị thử thách nặng nề, Hội Thánh cũng vậy. Mỗi ngày đi bộ để giữ gìn sức khỏe, tôi cứ ngước mắt lên trời và nói: Chúa ơi Ngài biết là thử thách này quá lớn cho con, sức con không chịu nổi. Xin Chúa thêm cho con sức của Ngài. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho điều đó.

Hãy xem Áp-ram khi Chúa phán trực tiếp: Đức Chúa Trời phán rằng: Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên một hòn núi kia mà ta sẽ chỉ cho. Chúng ta có thể hình dung sự giằng co đau đớn giữa đức tin và tình cha con. Không mô tả chi tiết sự giằng xé, hay là hỏi Chúa, như hầu hết chúng ta vẫn thường làm khi đối diện với một trường hợp tương tự. Như Phi-e-rơ nói: Đức Chúa Trời nào nỡ vậy. Tôi đã có khi nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện này vì nó kinh khủng quá. Tôi nghĩ nó không có thật, chỉ là một ví dụ. Làm sao Chúa có thể thử thách một điều quá kinh khủng như vậy, nếu không nói là độc ác. Không, chắc chắn không phải là một ví dụ, nó là một câu chuyện có thật 100%. Và chính vì câu chuyện này mà ngày nay chúng ta gọi Áp-ra-ham là thánh tổ của đức tin.

Chúng ta có thể học bài học thuộc linh qua câu chuyện này, nhưng trong Kinh Thánh, trong bối cảnh thật của lịch sử Y-sơ-ra-ên, những nhân vật Kinh Thánh đều có thật, thì đây là câu chuyện có thật, không phải bài học thuộc linh. Hãy suy nghĩ đến sự đau đớn kinh khiếp của Áp-ram khi Đức Chúa Trời yêu cầu ông, chính tay ông, trói đứa bé, đặt trên bàn thờ, rồi đưa dao lên định giết nó, và thiêu sống nó. Ai có thể hình dung được.

Chúng ta cảm tạ Chúa rằng chúng ta biết Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ yêu cầu chúng ta làm một việc tương tự thật sự như vậy như Áp-ram, nhưng sẽ thử thách chúng ta xem đức tin của mình thế nào, khi buộc chúng ta phải từ bỏ điều quý nhất của mình. Khi Đức Chúa Trời yêu cầu chúng ta làm một việc gì dường như là quá sức mình, như là lấy đi một cái gì quý giá của mình mà mình vô cùng yêu mến. Anh chị em nghĩ nếu mình phải take cái exam này, thì sẽ pass hay fell, tất cả chúng ta đều fell hết.

Có khi Đức Chúa Trời không làm một cái test buộc chúng ta từ bỏ một cái gì quý giá của mình, nhưng nếu Ngài đã cất đi một cái gì rất quý giá của mình? Một người phụ nữ ở California đã bị cháy mất ngôi nhà yêu quý của mình và bị trầm cảm nhiều năm. Tôi cũng từng rất thất vọng khi bị mất chiếc xe mới mua, dù nó chẳng phải là cái gì quý giá nhất. Mất người thân yêu là một điều đau đớn trăm phần hơn, nhưng đó là điều chúng ta phải thường đối diện trong cuộc sống. Anh chị em biết tôi muốn nói gì. Một tuần sau khi biến cố xảy ra, tôi vẫn còn bàng hoàng thương tiếc, không dám nhắc nhiều đến, không muốn nghe nói, thậm chí từ chối nghe điện thoại những lời thăm hỏi. Chúng ta thật tiếc thương, đau đớn vì sự mất mát, nhưng chúng ta suy nghĩ gì, phản ứng thế nào? Mất, mất đồ vật, tài sản, tiếc, nhưng mất người, thì sao?

Sau lời phán của Đức Chúa Trời, Áp-ram đã làm gì: Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem hai đầy tớ và con mình, là Y-sác, cùng đi; người cũng chặt củi để dùng về của lễ thiêu, rồi đi đến nơi mà Đức Chúa Trời đã truyền dạy

Áp-ram nói gì? Không thấy nói gì hết. Môi-se đã từ chối lời kêu gọi của Đức Chúa Trời, viện dẫn lý do chính đáng, Giê-rê-mi đã từ chối lời kêu gọi và đưa ra lý do từ chối, Ê-sai cũng vậy, nếu họ muốn nói, thì họ nói, không ai cấm họ nói, họ có quyền nói, họ có quyền từ chối. Nhưng Áp-ram không nói gì hết, dù lý do của ông là quá chính đáng. Ông sẽ hỏi: sao kỳ vậy Chúa. Y-sác là đứa con Chúa cho con trong lúc tuổi già, không còn hy vọng gì có con nữa, và nói rằng nó là hy vọng của đời con, thế mà bây giờ Chúa lại bảo con phải dập tắt cái hy vọng đó đi, và chính con phải là người làm việc đó. Con thật không hiểu. Ông dậy sớm, thắng lừa, dẫn hai đầy tớ và Y-sác đi. lại có chặt củi để thiêu nữa. Tại sao? Không có câu trả lời. Chỉ có thể nói là Áp-ram vâng phục Chúa, không vùng vằng đặt câu hỏi và thưa kiện cho đến cuối cùng, và điều đó là đức tin của ông. Đức tin là cứ vâng phục cho dù không hiểu gì hết.

Có những điều, phải nói là rất nhiều điều, những việc Đức Chúa Trời làm, mà chúng ta không hiểu gì hết, ngay cả những việc xảy ra làm cho mình vô cùng đau đớn, không hiểu vì sao nó có thể xảy ra. Nhưng chúng ta còn có thể làm gì được ngoài sự vâng phục ý Chúa. Đó là ý của Chúa. Đức Chúa Trời không làm một điều gì mà điều đó không nằm trong chương trình đời đời của Ngài. Chúa Jesus đã trả lời thắc mắc cho các môn đồ khi họ không hiểu: Hiện nay ngươi chẳng biết việc ta làm, nhưng về sau sẽ hiểu.

Y-sác là nhân vật chính của câu chuyện, là nạn nhân chính nếu được gọi như vậy, nhưng cũng đã không phản ứng gì cả. Cha kêu đi thì đi, thậm chí khi bị trói lại để trên bàn thờ chuẩn bị bị giết làm của lễ thiêu, cũng không nghe kêu la vùng vẫy gì hết. Tại sao vậy? Y-sác lúc ấy được cho là khoảng 14, 15 tuổi, là một thiếu niên. Đứa trẻ ngây thơ khi đến nơi không thấy cái gì (như là con chiên) một sinh tế làm của lễ thiêu, đã hỏi: Y-sác bèn nói cùng Áp-ra-ham, cha mình rằng: Hỡi Cha! Người đáp: Con ơi! cha đây. Y-sác nói: Củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu có đặng làm của lễ thiêu? Lạ một điều là khi bị trói lại, để lên đống củi, và nhìn thấy Cha cầm dao đưa lên định giết mình, cũng không nói lời gì. Y-sác, sao không kêu lên. Tôi không hiểu.

Y-sác không hiểu gì hết, không hiểu tại sao Cha nó, người mà nó thương yêu, tin cậy, lại nỡ lòng giết nó để làm của lễ thiêu cho Đức Chúa Trời, Y-sác cũng là một đứa trẻ ngoan, như Kinh Thánh mô tả, không có chỗ nào mô tả về tánh hạnh của Y-sác, như tánh hạnh của Gia-cốp, nhưng vâng phục. Đây cũng là điều mà chúng ta không hiểu được. Ai có thể hiểu được ý muốn và kế hoạch, chương trình của Đức Chúa Trời? Ai?  Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta.  Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu. Ê-sai 55:8-9

Trên mái vòm nhà thờ St Petersburg có một bức tranh lớn ghép lại từ những tấm tranh nhỏ, rất nhỏ, như một trò chơi xếp chữ, xếp hình, nhiều tấm không có hình thù rõ ràng, chỉ là những góc cạnh. Nhìn những tấm tranh nhỏ chúng ta sẽ không hiểu gì cả, nhưng khi ghép lại nó sẽ ra một bức tranh lớn đầy đủ ý nghĩa. Chương trình của Đức Chúa Trời là một bức tranh lớn, mà cuộc đời của chúng ta là những tấm tranh nhỏ ghép lại. Những sự cố xảy ra trong cuộc đời chúng ta là những bức ghép nhỏ nhiều khi vô nghĩa lắm, khó hiểu lắm, chúng ta không hiểu, nhưng đều nằm trong chương trình vĩ đại của Đức Chúa Trời. Tự nguyện làm một miếng ghép, ghép vào bức tranh lớn của Chúa. Không hiểu gì hết. Nhưng về sau sẽ biết. Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm; nhưng về sau sẽ biết. Giăng 13:7. Nhìn cuốn Kinh Thánh là toàn bộ bức tranh lớn, nhiều câu chuyện ghép lại, những câu chuyện khó hiểu, không thể hiểu, nhưng ghép chúng lại thành ra một câu chuyện hoàn mỹ của Đức Chúa Trời.

Lạy Chúa, con không hiểu gì cả về điều Chúa làm bây giờ, nhưng tin là nằm trong chương trình vĩ đại của Chúa. Bây giờ con không thể hiểu. Nhưng ngày nào đó sẽ hiểu. Xin thêm chúng con đức tin và lòng vâng phục trọn vẹn, dù lòng chúng con đau đớn.

Mục sư Lữ Thành Kiến

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn