Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024

Mi-ri-am

Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi.
Và canh cửa môi tôi.

Thi thiên 141:3

Mi-ri-am, A-rôn và Môi-se là những anh chị em trong gia đình có cha mẹ tin kính. Song thân của họ đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (Hê-bơ-rơ 11:23). Amram và Jochebed kính sợ Đức Chúa Trời hơn là sợ quyền lực của Pha-ra-ôn, và họ huấn luyện con cái họ đi theo đường lối này (Hê-bơ-rơ 11:23).

Ba lần trong Kinh thánh cho biết Mi-ri-am – là một người quyết đoán, biết sử dụng từ ngữ một cách hiệu quả. Ngay cả khi còn ấu thơ, Mi-ri-am đã không ngần ngại tiếp cận con gái của Pha-ra-ôn và đề nghị giới thiệu một vú nuôi cho bé trai đang khóc trong một cái rương mây. Xuất Ê-díp-tô ký 15:20 gọi Mi-ri-am là một nữ tiên tri, một danh xưng cùng với chín người phụ nữ khác trong Kinh Thánh: Deborah (Các quan xét 4:4), Huldah (2 Các vua 22:14), Noadiah (Nê-hê-mi 6:14), vợ của Ê-sai (Ê-sai 8:3), Anna (Lu-ca 2:36), bốn cô con gái của thầy giảng tin lành Phi-líp (Công vụ. 21:9). Chức danh nói tiên tri ban cho Mi-ri-am đặc ân là người công bố lời Đức Chúa Trời cách chính thức.

Tuy nhiên những người có khả năng ăn nói tốt và uy quyền để làm điều đó phải luôn luôn cảnh giác. Châm ngôn 18:21 cảnh báo, “Sống chết ở nơi quyền của lưỡi.” và Gia-cơ 3:8 mô tả, “cái lưỡi, không ai trị phục được nó; ấy là một vật dữ người ta không thể hãm dẹp được: đầy dẫy những chất độc giết chết.” Nói một cách khác, lời nói của con người có thể là “thực phẩm và thuốc” giúp chữa lành những tấm lòng tan vỡ (Châm. 10:11, 21; 12:18; 15:4, 23). Chúng ta có thể học biết từ Mi-ri-am phải thận trọng và cảnh giác với lời nói của mình nhờ vào ân sủng Chúa.

NHỮNG LỜI KHÔN NGOAN (Xuất. 2:1-10)

Những người chị gái thường có một mối liên kết đặc biệt với những đứa em trai nhỏ hơn. Mi-ri-am là chị của Môi-se, và gia đình đều biết rằng Môi-se là một đứa trẻ xinh tốt khác thường (Công vụ. 7:20; Hê-bơ-rơ 11:23).

Khi Jochebed đặt Môi-se trong một cái rương mây rồi đem để trong đám lau sậy nơi mé sông – một nơi đã được suy tính trước, có phải bà và Mi-ri-am đã cầu nguyện xin Đức Chúa Trời của Israel cứu giúp đứa trẻ? Tôi cho rằng hai mẹ con đã cầu nguyện cho Môi-se và theo dõi chuyện gì sẽ xảy ra. Hãy hình dung công chúa của Pha-ra-ôn đi tắm nơi khúc sông đặc biệt đó đúng lúc Môi-se cất tiếng lên khóc. “Lòng các vua ở trong tay Đức Giê-hô-va” (Châm. 21:1) và tấm lòng của cô công chúa này cũng vậy. Cô không thể cưỡng lại sự thương xót dành cho đứa trẻ – và chúng ta đều biết câu chuyện đã diễn ra như thế nào. “Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đương khóc, bèn động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa con của người Hê-bơ-rơ.  Người chị đứa trẻ bèn nói cùng công chúa rằng: Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Hê-bơ-rơ đặng cho đứa trẻ bú chớ?  Công chúa đáp rằng: Hãy đi đi. Người gái trẻ đó đi kêu mẹ của đứa trẻ.  Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú.  Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se.” (Xuất 2:6-10).

Chúng ta thấy sự khôn khéo của Mi-ri-am. Cô thiếu nữ này không bày tỏ cô chính là chị của đứa trẻ. Rồi Mi-ri-am đưa ra lời đề nghị với công chúa là sẽ đi gọi một người vú nuôi cho em bé bú. Người vú đó thực ra là Jochebed – mẹ của Môi-se. Sự sắp đạt của hai mẹ con đã thành công mỹ mãn trong sự kiểm soát của Đấng toàn tri. Đức Chúa Trời đã sử dụng hai người phụ nữ, một bé gái nhỏ, và một bé trai đang khóc trong câu chuyện này là bước đệm đầu tiên để đánh bại đạo quân hùng mạnh của Ai-cập và giải phóng tuyển dân sau đó. Phao-lô viết, “Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh.” (1 Cô-rin-tô 1:27).

Làm thế nào mà một bé gái như Mi-ri-am biết cách nói chuyện với công chúa Pha-ra-ôn? Có phải Jochebed đã huấn luyện cô con gái nhỏ của mình hay Đức Chúa Trời đã đặt những lời khôn ngoan vào miệng của Mi-ri-am? “Việc toan liệu của lòng thuộc về loài người. Còn sự đáp lời của lưỡi do Đức Giê-hô-va mà đến.” (Châm. 16:1). Những lời nói của Mi-ri-am được Đức Chúa Trời sử dụng để bảo tồn sự sống của một em bé trai, mà từ nó sẽ đem tới sự giải phóng cho tuyển dân và khai sinh một quốc gia. Trong chức vụ mục sư của mình, không phải lúc nào tôi cũng biết cách nói chuyện với mọi người, nhưng chính Chúa đã ban cho tôi những lời khôn ngoan khi tôi cần chúng. Nếu tấm lòng của chúng ta được chuẩn bị, chúng ta cũng sẵn sàng lắng nghe những gì Đức Chúa Trời muốn nói.

Tấm lòng của chúng ta được chuẩn bị như thế nào? Đó là thông qua việc đọc Lời Chúa, ghi nhớ Lời, suy ngẫm Lời, vâng phục theo Lời và áp dụng Lời ấy mỗi ngày. Nếu cầu nguyện, bước đi trong Đức Thánh Linh, đầu phục Chúa bởi đức tin, khi ấy Chúa có thể làm việc bên trong tấm lòng và môi miệng của chúng ta để dâng vinh hiển về cho Ngài.

NHỮNG LỜI NGỢI KHEN (Xuất. 15:1-21)

Mi-ri-am xuất hiện lần đầu tiên trong Kinh Thánh khi là cô bé gái đứng trên bờ sông Nile của Ai-cập, là nơi mà bé trai Môi-se được công chúa Pha-ra-ôn cứu ra khỏi nước. Lần thứ hai Kinh Thánh nói đến Mi-ri-am, bà đứng trên bờ Biển đỏ khi Môi-se và tuyển dân vượt qua Biển thoát khỏi sự truy sát của đạo quân Ai-cập. Kể từ đêm tuyệt vời đó, tuyển dân tổ chức kỷ niệm lễ vượt qua hàng năm và ghi nhớ sự kiện ra khỏi Ai-cập nhờ ân sủng Chúa. Hãy hình dung cảnh tượng người Israel vượt qua biển như đi trên đất khô.  Chúa Giê-su cũng đã dự lễ vượt qua với các môn đồ trước khi Ngài lên thập tự giá. Tại đó, Chúa cứu thế truyền dạy một bức tranh thuộc linh “ra khỏi Ai-cập” cho những ai tin cậy Ngài. (Xem Lu-ca 9:31)

Trở lại câu chuyện sau khi vượt biển đỏ, tuyển dân đã hát ngợi khen Đức Chúa Trời. Môi-se hướng dẫn những người nam trong khi Mi-ri-am hướng dẫn những người nữ trong sự thờ phượng. Họ có lý do để cất tiếng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Trước đó họ phải chịu cảnh phu tù tại Ai-cập, nhưng bây giờ họ được tự do! Pha-ra-ôn đã từng ra lệnh dìm chết các bé trai của người Israel dưới nước, và bây giờ cả đạo quân hung hãn của Ai-cập bị chết chìm trong lòng biển đỏ! Đó là một chiến thắng cho Israel! Sự ngợi khen chân thật không thuộc về chúng ta. Nó thuộc về Đức Chúa Trời. “Ngài quở Biển đỏ, nó bèn khô. Ngài dẫn Y-sơ-ra-ên đi ngang qua vực sâu như ngang đồng vắng. Ngài giải cứu họ khỏi tay kẻ ghen ghét. Chuộc họ khỏi tay kẻ thù nghịch.  Nước chụp phủ những kẻ hà hiếp họ. Chẳng còn lại một người.  Bấy giờ họ mới tin lời của Ngài. Bèn hát ngợi khen Ngài.” (Thi thiên 106:9-12)

“Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca tụng của tôi: Ngài đã trở nên Đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi khen Ngài.” (Xuất. 15:2). Câu này cũng được tìm thấy trong Thi thiên 118:14 và Ê-sai 12:2. Tất cả các phân đoạn Kinh Thánh này nhấn mạnh đến sự vĩ đại của Đức Chúa Trời và quyền năng siêu việt của Ngài trong hành động giải cứu tuyển dân. Trong Xuất Ê-díp-tô ký chương 1, Đức Chúa Trời được tôn cao trong sự chiến thắng (câu 1-10), trong các thuộc tính vinh hiển của Ngài (câu 11-16) và trong các lời hứa kỳ diệu của Ngài dành cho Israel (câu 17-18). Ngài đem họ ra khỏi Ai-cập, và Ngài đem họ vào đất hứa (câu 17).

Bài ca ngợi này được gọi là “Bài ca của Môi-se” và nó được tái hiện trong Khải huyền 15:3, Sứ đồ Giăng nhìn thấy “biển bằng pha lê lộn với lửa” – không phải là biển đỏ, và ông nghe tiếng của các thánh đồ chiến thắng ngợi khen Đức Chúa Trời bằng bài ca của Môi-se. Quang cảnh này được liên tưởng đến lễ vượt qua, bởi vì bài hát của họ cũng là “bài ca của Chiên Con” chính là Chúa Giê-su Christ. Môi-se và Mi-ri-am dẫn dắt tuyển dân ngợi khen Đức Chúa Trời. Họ là những người thi hành sự phán xét trên Ai-cập với những tai vạ đến từ Đức Chúa Trời đáng kính sợ, nhưng quang cảnh trong Khải huyền chương 15 xảy ra trước khi Chúa cho phép các tai vạ đến trên địa cầu. Và những tai vạ này tương đồng với các tai vạ mà Chúa đã đổ xuống trên Ai-cập.

Sự thờ phượng Đức Chúa Trời là mục vụ cao nhất mà chúng ta có thể phục vụ Chúa, và nó cũng là đặc quyền lớn nhất cho trải nghiệm của tín nhân. Tuy nhiên, trong nhiều nhà thờ hiện nay, nơi thờ phượng trở nên một hí viện và tại đó những người hướng dẫn thờ phượng là những người trình diễn được đánh bóng. Giáo đoàn trở thành khán giả và những gì đã từng được tôn thờ bây giờ giống như trò giải trí nông cạn. Lúc đó thước đo của sự thành công không phải là hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời mà được đánh giá bằng số đông người tham dự cùng sự nhiệt tình và tiếng vỗ tay của họ. Hội chúng đã quên những tháng ngày nô lệ trong ngục tù Ai-cập, quên đi sự chết của Chiên Con, quên đi sự cứu rỗi vĩ đại của Đức Chúa Trời – và trở thành những người bại trận.

NHỮNG LỜI GANH TỊ (Dân số ký 12)

Tuyển dân đến Kadesh Barnea, chuẩn bị vào miền đất hứa và công bố cơ nghiệp của họ. Trong lịch sử Kinh Thánh, những người lãnh đạo được Đức Chúa Trời lựa chọn thường bị đe dọa bằng những cáo buộc sai trật ngay trước khi họ đối mặt với một cơ hội lớn. Trong trường hợp này, là trước khi tuyển dân vào Ca-na-an. Chúng ta không biết Zipprorah là vợ của Môi-se đã chết vào lúc nào, và bây giờ Môi-se đã kết hôn lần nữa. Điều này làm cho Mi-ri-am không thích người nữ mà Môi-se đã chọn. Vấn đề không phải là chủng tộc hay màu da của người vợ mới của Môi-se, mặc dù phiên bản King James đã dịch sai từ này thành “người Ethiopia” (những người Cushite sống ở nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Sudan.) Vấn đề của Mi-ri-am với người vợ mới của Môi-se không phải là chủng tộc hay màu da của người nữ này, hay là lỗi của Môi-se. Nếu Mi-ri-am kiểm soát được tình cảm của chính mình, bà có thể đã không gây ra quá nhiều rắc rối, nhưng bà đã thuyết phục A-rôn theo quan điểm của mình, và điều đó làm chuyện này trở thành một mối quan tâm chính thức của gia đình.

Vấn đề thực sự là quyền lực; nó là một vấn đề của lãnh đạo và uy quyền, như câu hỏi của Mi-ri-am và A-rôn trong Dân số ký 12:1-2, “Mi-ri-am và A-rôn nói hành Môi-se về việc người nữ Ê-thi-ô-bi mà người đã lấy; vì người có lấy một người nữ Ê-thi-ô-bi làm vợ.  Hai người nói rằng: Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao?” Có phải người vợ mới của Môi-se đã ảnh hưởng xấu lên chức vụ của ông? Có phải Mi-ri-am đã mất đi một số quyền lực mà bà cảm thấy là chỉ nên có một mình bà nắm giữ sau khi Môi-se lấy vợ. Mi-ri-am được đề cập trước A-rôn trong câu này, và vì vậy chúng ta có thể cho rằng bà là người khởi xướng vấn đề. Trong Xuất Ê-díp-tô ký chương hai, Mi-ri-am đã bảo vệ Môi-se, nhưng bây giờ bà tấn công người em trai và làm cho chức vụ của Môi-se gặp khó khăn. Người đối nghịch có thể khởi phát ngay trong chính gia đình. Giô-sép, Đa-vít và ngay cả Chúa Giê-su cũng đều đối diện nan đề này.

Môi-se là một người khiêm hòa, ông không tự bảo vệ mình, nhưng để việc đó cho Đức Chúa Trời. Trong câu 4 của Dân số ký 12, chúng ta đọc, “Thình lình Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am rằng: Cả ba hãy ra đến hội mạc. Cả ba đều đi.” Trong câu này thứ tự của những người lãnh đạo tuyển dân lần lượt là Môi-se, A-rôn, Mi-ri-am. Sau đó Đức Chúa Trời đã giải thích ý định của Ngài và xử lý kỷ luật trên Mi-ri-am vì tội nói hành Môi-se. Mi-ri-am bị phung trắng như tuyết và phải ở tách biệt ngoài trại quân trong bảy ngày. Sau đó được nhìn nhận đã sạch phung và cho vào lại trại quân. Là thượng tế, A-rôn phải giám sát việc kiểm tra bệnh phung của Mi-ri-am và ra lệnh cách ly, và điều này hẳn đã khiến ông bối rối vô cùng.

Đố kỵ giữa vòng tuyển dân giống như một ung nhọt tội lỗi, và những lời ganh tị chống lại đầy tớ của Đức Chúa Trời làm tổn thương tấm lòng Ngài. Mỗi người trong chúng ta phải vui mừng nhận lãnh các ân tứ và sử dụng chúng để dâng vinh hiển về cho duy nhất Đức Chúa Trời. Không có sự cạnh tranh giữa các mục vụ, mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm tính sổ trước mặt Chúa (Rô-ma 1:29). Thế gian đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ (Rô-ma 1:29). Những tội lỗi này không nên tồn tại giữa vòng con cái Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ viết, “anh em đã từ bỏ mọi điều độc ác, mọi điều gian giảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét và sự nói hành” (1 Phi. 2:1).

Ganh tị có nghĩa là khốn khổ khi nhìn thấy người khác thành công, và có tánh hiểm độc là vui vẻ khi thấy người khác thất bại. Cả hai đặc tính này đều dẫn đến những hậu quả xấu xa khôn lường. Tín nhân phải nhận thức rõ ràng về những tội lỗi này, xưng chúng ra và từ bỏ.

Khi Mi-ri-am chỉ trích/nói hành Môi-se, bà đã không nhận thức rằng tội lỗi của mình được ghi lại vào sách để các thế hệ kế tiếp đều đọc được. Bà không biết rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng bà như một tấm gương xấu cho mọi người. “Hãy nhớ lại điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi làm cho Mi-ri-am dọc đường, khi các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Phục truyền. 24:9). Lời nhắc này được đưa ra liên quan đến các luật về bệnh phung, nhưng nó cũng là một cảnh báo liên quan đến những tội lỗi ghê tởm và các cáo buộc sai trật. Chúa Giê-su cũng dạy, “Hãy nhớ lại vợ của Lót.” (Lu-ca 17:32). Đây là những cảnh báo mà chúng ta phải chú ý.

Trong lần tới, nếu bị cám dỗ để sinh lòng đố kỵ/lòng ghen ghét, chúng ta không chỉ nhớ lại trường hợp của Mi-ri-am, nhưng cũng nhớ đến trường hợp của những kẻ chống đối Chúa Cứu thế, “vì lòng ghen ghét nên chúng đã nộp Ngài” (Ma-thi-ơ 27:18).

Warren W. Wiersbe
Translated by  Tuong Vi

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn