Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / THẦY ƠI / Người Phụ Nữ Sa-ma-ri

Người Phụ Nữ Sa-ma-ri

Có thể nghe ở đây:

Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết,
Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.
Châm ngôn 4:23

Đây là câu chuyện về một người “đàn bà Sa-ma-ri xấu nết” với một tấm lòng chai lì vì đã để cho hết người nam này đến người nam khác giẫm đạp lên tấm lòng của bà và rồi rời bỏ bà ở lại trong đau khổ (Giăng 4:1-42). Năm lần lập gia đình rồi ly hôn, giờ đây bà chung sống với một người đàn ông không phải là chồng bà. Bà đã không giữ gìn tấm lòng mình nên gặt lấy hậu quả thật khó khăn và đau đớn. Đức Chúa Giê-su đã đến để thay đổi đời sống người phụ nữ nầy. Hãy cùng xem xét bốn tấm lòng khác nhau trong câu chuyện này.

TẤM LÒNG CỦA ĐỨC CHÚA GIÊ-SU
“Vả, Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri” (Giăng 4:4). Động từ “phải” trong câu Kinh Thánh này nói lên một sự bắt buộc, một nghĩa vụ phải thực hiện. Ngoài con đường này còn có hai con đường khác nối Giu-đê và Ga-li-lê và cả hai đều không đi qua xứ Sa-ma-ri. “Số là, dân Giu-đa chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri” (Giăng 4:9). Tuy nhiên, Đức Chúa Giê-su chọn đi một con đường không phải bởi vì vị trí địa lý hoặc vì sự định kiến dân tộc. Chính Đức Chúa Cha đã chọn con đường này để Đức Chúa Giê-su gặp được người phụ nữ cần được cứu rỗi. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Ta chẳng tìm ý muốn của Ta, nhưng tìm ý muốn của Đấng đã sai Ta” (Giăng 5:30). Đây chính là con đường duy nhất để đi.
Một người bạn giáo sĩ của tôi khi từ sân bay trở về cùng với mục sư của một Hội Thánh mà ông sẽ đến để chia sẻ lời Chúa, ông nhận thấy kim xăng trên đồng hồ báo nhiên liệu đã gần ở mức “cạn kiệt.” Khi họ đang đi trên đường, ông giáo sĩ đã nhắc nhở vị mục sư nhưng ông ấy trả lời rằng: “vẫn chưa hết đâu.” Họ càng rời xa thành phố để đến vùng nông thôn kim xăng càng nhích gần đến mức “cạn kiệt.” Vị mục sư bèn nói rằng: ‘Chúng ta sẽ đổ xăng tại đây,” rồi ông rẽ vào một cây xăng ọp ẹp cũ kỹ nhất mà người bạn giáo sĩ của tôi từng trông thấy. Người đàn ông đi ra để bơm xăng có một khối u ác tính rất lớn ở trên mặt trông rất đáng thương. Nhưng khi người đàn ông đó bơm xăng, vị mục sư đã làm chứng cho anh và dẫn dắt anh đến đức tin nơi Đấng Christ. Khi ấy người bạn của tôi đã hiểu lý do vì sao vị mục sư này chờ đợi khá lâu mới ghé vào một cây xăng: đó là vì Đức Chúa Cha đã phán cùng ông phải đổ xăng tại đâu để chinh phục một linh hồn, mà linh hồn ấy đã rất gần với cõi đời đời.
Lòng của Đức Chúa Giê-su đầy tình yêu thương cho những ai bị người khác khước từ. Cư dân trong thành Sa-ma-ri ấy biết người phụ nữ này và có lẽ họ đã xa lánh bà, nhưng Đức Chúa Giê-su đã đến vào đúng thời điểm để gặp mặt và trò chuyện với bà về nhu cầu lớn nhất của người đàn bà ấy. Các thầy dạy luật người Giu-đa không nói chuyện với phụ nữ nơi công cộng, và không một người đàn ông tự trọng nào sau khi đã biết về tiếng xấu của người phụ nữ này lại đi tiếp chuyện với bà. Nhưng Đức Chúa Giê-su đã đến “tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu 19:10), và đây cũng phải là gánh nặng cho tấm lòng của bạn và tôi.

TẤM LÒNG CỦA TỘI NHÂN
Giăng đã viết sách phúc âm để độc giả của ông “tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31). Khi đọc Giăng 4, chúng ta nhìn thấy người đàn bà này từng bước học biết về Đức Chúa Giê-su và cuối cùng tin cậy Ngài để nhận lấy sự cứu rỗi. Nước và mùa gặt là hai hình ảnh ẩn dụ chính trong đoạn Kinh Thánh này, và Đức Chúa Giê-su đã kể ẩn dụ về người gieo giống để làm bối cảnh cho ẩn dụ về mùa gặt (Mat 13:1-9, 18-23).
Khi Đức Chúa Giê-su mở đầu câu chuyện, tấm lòng người phụ nữ này rất chai cứng. Bà chỉ biết Đức Chúa Giê-su là “một người Giu-đa” và thắc mắc tại sao Ngài lại nói chuyện với bà là một người Sa-ma-ri (Giăng 4:7-9). Nhưng Đức Chúa Giê-su đã tiếp tục cuộc trò chuyện và mời bà nhận lấy nước hằng sống để thỏa mãn cơn khát. Sau đó người phụ nữ này nói Ngài “lớn hơn Gia-cốp” và xin Ngài ban cho nước sống. Giờ đây bà có một tấm lòng cạn cợt dù nhiệt thành đáp ứng nhưng không được chuẩn bị để tiếp nhận hạt giống (Giăng 4:10-15).
Sẽ không có sự cải đạo nếu con người không bị cáo trách về tội lỗi, chính vì thế Đức Chúa Giê-su tiếp tục mục vụ bằng việc bảo bà hãy gọi chồng bà. Chúa bày tỏ rằng Ngài biết hết về người phụ nữ này và về tội lỗi của bà, điều đó khiến bà nhận thấy Ngài là một đấng tiên tri (Giăng 4:16-20). Giờ đây bà có tấm lòng được đổ đầy, bằng chứng là bà cố thay đổi đề tài khi bàn về vấn đề tôn giáo. Đức Chúa Giê-su trả lời cho câu hỏi của bà một cách rõ ràng và đầy năng quyền, bà lại nói rằng bà biết Đấng Christ sẽ đến. Đức Chúa Giê-su tuyên bố Ngài chính là Đấng Christ, bà tin Chúa và được cứu. Ngay lập tức người phụ nữ này đi loan truyền tin mừng cho thị trấn ấy (Giăng 4:21-30). Tấm lòng của người phụ nữ này giờ đây là một tấm lòng kết quả, một minh chứng cho sự tái sinh. Lúc mới gặp Chúa, bà gọi Ngài là “một người Giu-đa” nhưng khi từ biệt, bà xưng Chúa là “Đấng Christ” và chia sẻ lẽ thật lớn lao này cho người khác.
Dù tấm lòng tội nhân có cứng rắn đến đâu nhưng nếu chúng ta kiên nhẫn thì Chúa có thể sử dụng lời chứng đầy yêu thương của chúng ta để thay đổi tấm lòng và đem đến đức tin cứu rỗi. Chúng ta phải tin cậy nơi Đức Thánh Linh sẽ cày bừa mảnh đất và chuẩn bị tấm lòng để tiếp nhận hạt giống sự sống từ Lời Đức Chúa Trời. Khi hạt giống đã được gieo trồng và nuôi dưỡng, chúng sẽ khơi nguồn sự sống và kết quả cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI LÀM VIỆC CHÚA
Khi các môn đồ trở về đem theo thức ăn mà họ đã mua, họ rất bất ngờ khi thấy Đức Chúa Giê-su tiếp chuyện với một người phụ nữ nhưng các môn đồ cũng đủ khôn ngoan để không cắt ngang cuộc trò chuyện (Giăng 4:27, 31-38). Sau khi người phụ nữ này rời đi, các môn đồ đã xin Chúa hãy dùng bữa, nhưng Ngài dạy cho họ một bài học ngắn về ý nghĩa của việc làm công việc Chúa theo cách của Ngài là như thế nào.
Làm theo ý Chúa không phải là một hình phạt, nhưng là thực phẩm đem lại sự nuôi dưỡng. Chứng đạo và dắt đem người khác đến với Chúa chính là thức ăn nuôi dưỡng con người bề trong. Đức Chúa Giê-su dùng phép ẩn dụ về hạt giống và mùa gặt để nhắc nhở mười hai môn đồ rằng trên cánh đồng có rất nhiều người làm công, mỗi một người đều có một trách nhiệm riêng. Một số người thì cày bừa, một số khác thì gieo giống, nhổ cỏ dại, những người còn lại thì gặt lúa. Dù công việc khác nhau nhưng họ đều là thành viên “đội làm công” và đều sẽ được ban thưởng. Trên cánh đồng không có sự thi đua, và tất cả những ai trung tín đều sẽ vui mừng với nhau. Rất có khả năng Giăng Báp-tít đã là một trong số những “người làm công khác” trong việc chăn dắt thuộc linh cho người phụ nữ này (xem Giăng 3:23 và 4:38).
Sứ đồ Phao-lô dùng chính hình ảnh ẩn dụ này để dạy về một bài học tương tự trong 1 Cô-rinh-tô 3:6-9. Dù người làm công trong Hội Thánh địa phương sở hữu nhiều ân tứ hoặc nổi tiếng đến đâu thì họ đều là đầy tớ của Đức Chúa Trời và chính Đức Chúa Trời là Đấng ban sự tăng trưởng. Người trồng, kẻ tưới nước, người khác gặt, nhưng chính “Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên” (c. 7). Duy Đức Chúa Trời là Đấng đáng nhận sự vinh quang. Bởi vì “chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô 3:9).

TẤM LÒNG NGƯỜI TÌM KIẾM
Người đàn bà Sa-ma-ri mạnh dạn quay trở về thị trấn để làm chứng về Đức Chúa Giê-su và công việc của Ngài (Giăng 4:28-29), và dân chúng đã đi ra giếng nước để gặp vị khách tuyệt vời này. Kết quả là rất nhiều người Sa-ma-ri đã đặt đức tin nơi Đức Chúa Giê-su Christ, một số đã tin nhờ vào lời chứng của người phụ nữ này, nhưng phần lớn mọi người tin là vì họ đã nghe từ chính Đức Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời đã ban một mùa gặt vĩ đại ở nơi khó khăn. Chính trong những thời điểm mà chúng ta không ngờ đến, Đức Chúa Trời hành động một cách tuyệt diệu để mở ra cánh đồng truyền giáo với những con người lạc mất.
Những người Sa-ma-ri này biết Đức Chúa Giê-su là ai và đặt lòng tin nơi Ngài. Họ được đảm bảo về sự cứu rỗi bởi chính họ đã lắng nghe phúc âm. Tuy nhiên điều tuyệt vời về sự cải đạo của họ chính là họ nhìn thấy thế giới đang cần điều mà họ đang có. Người dân trong thành nói Đức Chúa Giê-su là “Cứu Chúa của thế gian” (Giăng 4:42). Người Giu-đa và người Sa-ma-ri đều có niềm tin tôn giáo riêng, tuy nhiên họ không thể giữ Đức Chúa Giê-su cho riêng mình. Chúa yêu thế gian, Ngài đã chết vì tội lỗi nhân loại và Ngài truyền cho chúng ta phải ra đi môn đồ hóa muôn dân.
Mục vụ truyền giáo nhân bội rất thú vị. Một phụ nữ có đức tin và lời chứng của bà giúp cứu được một thị trấn. Phi-e-rơ dẫn dắt một người ăn xin đến đức tin nơi Đấng Christ, và bởi vì đời sống của một người được thay đổi mà nhiều người khác đã nghe phúc âm và hàng ngàn người được cứu (Công vụ 3:1-4:4). Hãy cậy đức tin gieo hạt giống. Hạt giống ấy sẽ nhân lên bội phần.
Trước khi kết lại phần Kinh Thánh này, chúng ta hãy chú ý đến bài học về vị trí địa lý. Trong Giăng 2:23, Đức Chúa Giê-su đi từ thành Giê-ru-sa-lem đến xứ Giu-đê (Giăng 3:22). Từ Giu-đê, Ngài đi đến Sa-ma-ri (Giăng 4:4), và chương này kết thúc bằng lời tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là “Cứu Chúa của thế gian” (Giăng 4:42). Giê-ru-sa-lem – Giu-đê – Sa-ma-ri – thế gian. Một khuôn mẫu địa lý tương tự như Công vụ 1:8!
Đức Chúa Giê-su làm gương mẫu và Ngài ban cho mệnh lệnh cho chúng ta. Hãy vâng theo Ngài.

Warren W. Wiersbe


Translated by Vinh Hien

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn