Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Sự Thật Về Nỗi Thống Khổ Của Chúa Jesus

Sự Thật Về Nỗi Thống Khổ Của Chúa Jesus

Trần Đình Tâm

Con dân Chúa khắp nơi trên thế giới suy niệm về sự thống khổ của Chúa Jesus qua thánh lễ Tiệc Thánh mỗi tháng một lần, hay qua lễ kỷ niệm Đêm Thương Khó mỗi năm một lần, hay thậm chí bất cứ lúc nào trong ngày, chúng ta vẫn có thể tưởng niệm về sự hy sinh của Chúa Jesus.

Theo thói quen, mỗi khi suy gẫm về nỗi thống khổ của Chúa Jesus, tâm trí của chúng ta thường nghĩ đến những sự đau đớn mà Chúa Jesus phải chịu như: Trận đòn mà Chúa Jesus chịu bởi lính La-mã thực hiện: “Phi-lát bèn tha tên Ba-ra-ba cho chúng; và khiến đánh đòn Đức Chúa Jêsus, đoạn giao Ngài ra để đóng đinh trên cây thập tự.” (Ma-thi-ơ 27:26); Chúa Jesus vác thập giá rất nặng từ tòa án đến đồi Gô-gô-tha, có một đoạn đường Chúa kiệt sức không vác nỗi, lính La-mã phải nhờ một người qua đường tên Si-môn vác thập tự thay cho Chúa Jesus: “Khi họ đi ra, gặp một người ở thành Sy-ren tên là Si-môn; thì bắt người vác cây thập tự của Đức Chúa Giê-xu.” (Ma-thi-ơ 27:32); sau cùng, đỉnh điểm của nỗi đau đớn chính là lúc Chúa bị đóng đinh vào thập tự giá và bị treo giữa trời đất trong vòng 6 tiếng đồng hồ trước khi Chúa chết. Tuy nhiên, hãy nhìn lại điều chúng ta đã từng suy niệm về sự chịu khổ của Chúa Jesus, có phải rằng chúng ta đã quá quan tâm đến cực hình đóng đinh

Kinh Thánh cho chúng ta biết sự đau đớn do bị đóng đinh không phải là nỗi thống khổ thật sự của Chúa Jesus.

Đành rằng hình phạt đóng đinh dưới thời đế quốc La-mã rất đau đớn và nhục nhã, nhưng nếu chúng ta suy gẫm cẩn thận những phần Kinh Thánh có liên quan đến nỗi thống khổ của Chúa Jesus, nhất là khi chúng ta chú ý đến một số chi tiết đặc biệt mà Lời Chúa bày tỏ, chúng ta sẽ nhận ra rằng bị đóng đinh vào tay và chân trên thập giá KHÔNG phải là nỗi thống khổ thật sự mà Chúa Jesus gánh chịu như đa số chúng ta thường gán cho!!

Sự đau đớn do bị đánh đòn hay đinh đóng là sự đau đớn thuộc về thể xác (physical), là nỗi đau thuần túy thuộc thân xác. Tất nhiên, Chúa Jesus có trải nghiệm sự đau đớn thể xác do đinh đóng chứ không phải không có, nhưng chỉ đứng hàng thứ yếu; nỗi đau khổ thật sự mà Chúa Jesus gánh chịu là nỗi đau của linh hồn (soul), đây mới thật sự là nỗi đau chính yếu của Chúa Jesus.

Hầu hết Cơ-đốc nhân ngày nay chỉ nghĩ đến sự đau khổ (thuộc thân xác) của Chúa Jesus khi Chúa bị đóng đinh là do tác động bởi nhiều loại thông tin thiếu chính xác, có thể kể ra như sau: Những bức tranh vẽ Chúa Jesus bị đóng đinh dưới nhiều góc cạnh khác nhau; các bộ phim về sự chết của Chúa Jesus mà qua đó các nhà làm phim thường khai thác triệt để, đôi khi quá đáng cảnh Chúa bị đánh đòn và bị đóng đinh; các bài đọc dưỡng linh thường nhấn mạnh đến khía cạnh đau đớn về thể xác khi bị đóng đinh để nói lên tình yêu của Chúa; các bài giảng về sự chết của Chúa Jesus từ các lãnh đạo trong Hội Thánh; đa số các bài thánh ca sáng tác thời nay có lời ca diễn tả quá nhiều đến nỗi đau thân xác của Chúa Jesus v.v…

Các thông tin trên tác động vào tâm trí chúng ta liên tục mỗi khi có dịp, chúng ta tiếp nhận chúng một cách thụ động mà không suy xét xem chúng có phù hợp với Thánh Kinh hay không, rồi theo thời gian những thông tin đó khắc sâu vào tâm trí chúng ta để rồi cuối cùng, chúng ta tin đó là chân lý.

Chúng ta ngày nay chú tâm quá nhiều đến nỗi khổ về thân xác của Chúa mà quên đi nỗi khổ về linh hồn của Chúa, vốn là nỗi đau khỗ lớn hơn nhiều so với nỗi đau của thể xác, và hơn hết chính Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời giúp chúng ta nhìn thấy được khía cạnh ấy.

Sau đây, chúng tôi xin nêu lên 4 bằng chứng:

  1. Bằng chứng thứ nhất: Ngôn ngữ Kinh Thánh xác định rõ.

Tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Jesus dẫn theo 3 vị sứ đồ Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng:

    “Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não
lắm. Ngài bèn phán: Linh hồn (soul) ta buồn bực cho đến chết.”
 (Ma-thi-ơ 26:37,38)

Trước khi lên thập tự giá, ngay lúc chưa bị đóng đinh nhưng Chúa đã nếm trải sự đau khổ. Kinh văn chỉ ra rõ linh hồn Chúa buồn khổ lắm đến nỗi như chết đi vậy. [Bản tiếng Anh KJV ghi như sau: “My soul is exceeding sorrowful, even unto death.”]

Mác 14:33,34 tường thuật tương tự: “Ngài bèn đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi, thì Ngài khởi sự kinh hãi và sầu não. Ngài phán cùng ba người rằng: Linh-hồn ta buồn rầu lắm cho đến chết.”

Chúng ta thấy rõ hơn nữa nỗi đau thương (thuộc linh hồn) của Chúa qua lời tường thuật của Lu-ca: “Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.” (Lu-ca 22:44). Giọt mồ hôi trở nên như giọt máu cho thấy sự bất bình thường về mặt sinh lý học cơ thể, chỉ có thể lý giải rằng nỗi thống khổ quá lớn, vượt ra khỏi giới hạn đau khổ mà một người bình thường có thể chịu đựng được.

Thử đặt câu hỏi: Vì lý do nào linh hồn Chúa Jesus phải chịu đau khổ quá lớn đến thế?

Nhiều nhà giải kinh ngày nay giải thích một cách quá đơn sơ khi cho rằng Chúa đau khổ trong vườn Ghết-sê-ma-nê vì Chúa biết mình sẽ phải bước lên thập giá, sẽ sớm gánh chịu cực hình đóng đinh. Nếu chúng ta chấp nhận lối giải thích đó, vô tình chúng ta đã xem Chúa Jesus ngang hàng với loài người, tức là … sợ sự đau đớn! sợ cái chết sắp đến! Chúng tôi tin rằng nỗi sầu khổ của Chúa Jesus vượt lên trên cách suy diễn của chúng ta, Ngài không suy nghĩ như cách chúng ta đã suy nghĩ về Ngài.

Chúng ta tìm thấy lời giải đáp ở  II Cô-rinh-tô 5:21: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta.”

Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng Thánh, Ngài vô tội, nhưng Chúa Jesus trở nên tội lỗi vì chúng ta! Đó chính là nguyên do nỗi thống khổ của Chúa Jesus. Đó không thể là nỗi đau của thể xác khi bị đóng đinh, nhưng là nỗi đau thuộc lãnh vực linh hồn. Ê-sai 53:6 cho biết: “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.”

Như vậy, chúng ta đi đến kết luận sau:

Chúa đau đớn khi bị đóng đinh: Đó là cái đau của thể xác.

Chúa đau khổ khi gánh lấy tội lỗi chúng ta: Đó là nỗi đau của linh hồn.

Nỗi đau của linh hồn lớn hơn nỗi đau của thể xác bội phần. Và nỗi đau khổ nầy không một người nào trên trần gian nầy hiểu được, cảm thông được và kinh nghiệm được như Chúa Jesus, vì lý do rất đơn giản: Mọi người đều phạm tội.

Chúng ta nên nhớ rằng, nếu chúng ta chỉ chú ý đến sự đau đớn thể xác do bị đóng đinh mà thôi, thì hãy nghĩ đến 2 người tội phạm hai bên thập tự của Chúa cũng bị đóng đinh như Chúa Jesus vậy (và nhiều người người khác cũng bị đóng đinh trong thời đó), họ cũng chịu đau đớn giống như Chúa Jesus chịu vậy. Tuy nhiên, nỗi thống khổ thuộc linh hồn của Chúa bởi gánh tội của nhân loại thì không có một ai từng trải như Chúa Jesus, vì tất cả mọi người đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa.

Ngoài ra, trong Ê-sai 53, là chương nói tiên tri về Chúa Jesus chịu khổ và chết, câu 11 chứng minh Chúa Jesus chịu khổ về phần linh hồn:

    “Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn (soul) mình, và lấy làm thỏa mãn. Tôi tớ công bình của ta sẽ
lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ.”

  1. Bằng chứng thứ hai: Lời nói của Chúa Jesus trên thập tự giá.

Trong lúc Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, một trong những lời nói của Chúa Jesus là lời Chúa nói với Cha Ngài:

    “Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li, lam-ma-sa-bách-ta-ni? nghĩa là:
Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”
(Ma-thi-ơ 27:46)

Đó không phải là một lời kêu than vì đau đớn do bị cực hình đóng đinh, nhưng là một tiếng kêu lớn [“cried with a loud voice” trong bản tiếng Anh], tiếng kêu thống thiết, bi thương, tiếng kêu toát lên sự đau khổ cùng cực vì bị Cha Ngài từ bỏ (forsake). Cái đau đớn của đinh đóng không làm Chúa Jesus đau bằng cái đau do Cha Ngài ngoảnh mặt đi và bỏ Ngài. Đức Chúa Cha bỏ Ngài, điều nầy có nghĩa là sự tương giao giữa Ngài và Cha Ngài bị cắt đứt, bị gián đoạn. Sự tương giao bị gián đoạn vì Chúa Jesus đã mang tội lỗi của cả nhân loại. I Phi-e-rơ 2:23 nói rõ: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ.”

Có thể nói không sai rằng trong suốt khoảng thời gian Chúa Jesus sống trên trần gian, điều làm Chúa Jesus đau khổ nhất chính là giờ phút tại thập tự giá, lúc Chúa Jesus bị Cha Ngài từ bỏ. Một lần nữa chúng ta nhận ra rằng nỗi thống khổ thật sự của Chúa không phải là nỗi đau của thể xác, nhưng là nỗi đau của linh hồn, là nỗi đau thương do bị ngăn cách với Cha Ngài, và chính tội lỗi của chúng ta là nguyên nhân của sự ngăn cách đó.

  1. Bằng chứng thứ ba: Chúa Jesus chết rất sớm. 

Kinh Thánh cho biết Chúa Jesus chết rất sớm. Chúa bị đóng đinh vào lúc 9 giờ sáng và chết lúc 3 giờ chiều (Mác 15:25,33). Chúa chết chỉ sau 6 tiếng đồng hồ bị đóng đinh, đó là cái cái chết không bình thường! Các tài liệu báo cáo trong thời đó cho thấy những phạm nhân sẽ chết trong vòng từ 3 đến 5 ngày sau khi bị đóng đinh, một ít trường hợp kéo dài đến 7 ngày. Phạm nhân không chết ngay trong ngày bị đóng đinh, nhưng chết dần chết mòn do đói khát, cơ thể mất nước nên từ từ đi vào mê sảng, hôn mê và chết.

Nhiều nhà giải kinh cho rằng Chúa Jesus chết sớm hơn bình thường là do kiệt sức, trước đó Chúa chịu trận đòn bởi lính La-mã; sau đó Chúa phải vác thập giá từ trường án đến Gô-gô-tha và bị kiệt sức, phải nhờ Si-môn vác dùm v.v… Tuy nhiên, chúng ta khó chấp nhận cách lý giải trên; kiệt sức không thể là nguyên dẫn đến cái chết sớm hơn bình thường.

Mác 15:42-44 cung cấp cho chúng ta một chi tiết quan trọng: Ngay sau khi Chúa chết, Giô-sép A-ri-ma-thê đến gặp Phi-lát để xin xác Chúa Jesus để tẩm liệm. Chúng ta chú ý Mác ghi nhận thái độ của Phi-lát như sau: “Phi-lát lấy làm lạ (marvelled) về Ngài chết mau như vậy…” (Mác 15:44). Phi-lát rất ngạc nhiên, hay kinh ngạc (marvelled) vì Chúa chết quá nhanh, ông biết rõ đây là điều bất thường. Phi-lát là quan án La-mã chuyên xét xử tội phạm, ông đã từng cho đánh đòn tội phạm, buộc vác thập giá và sau đó đóng đinh trên thập giá theo đúng thủ tục của người La-mã. Chúng ta nên nhớ Chúa Jesus không phải là người duy nhất bị đánh đòn, bị vác thập giá và bị đóng đinh. Chắc chắn có nhiều khác cũng bị hành xử giống như Chúa Jesus, nhưng không ai chết nhanh như Chúa. Phi-lát biết rõ như thế nên ông rất kinh ngạc! Tại sao Chúa Jesus chết nhanh như vậy? Chỉ có câu giải đáp thỏa đáng: Đó là linh hồn của Chúa Jesus đã phải gánh chịu nỗi đau khổ cùng cực do tội của chúng ta. Tất cả những phạm nhân bị đóng đinh khác không ai từng trải giống như Chúa Jesus, họ chỉ đau đớn về mặt thể xác mà thôi, do đó họ không thể chết sớm như Chúa Jesus, cái chết đến với họ sau vài ngày.

  1. Bằng chứng thứ tư: máu và nước chảy ra từ hông Chúa:

Chúa Jesus chết vào ngày lễ Vượt Qua của người Do Thái, ngày kế tiếp là ngày Sa-bát, lại là ngày Sa-bát rất quan trọng (Giăng 19:31) vì nằm trong tuần có lễ Vượt Qua. Giới lãnh đạo Do Thái không muốn các phạm nhân còn treo trên thập giá trong ngày Sa-bát, vì làm ô uế đất thánh, nên họ yêu cầu Phi-lát cho đánh gãy ống chân các phạm nhân để họ chết ngay (Giăng 19:31) và được đem chôn trước khi bước qua ngày Sa-bát. Lính La-mã dùng cái vồ đánh gãy ống chân của hai phạm nhân cũng bị đóng đinh ở hai bên Chúa Jesus, đến lượt Chúa, họ thấy Chúa đã chết rồi nên không đánh ống chân Chúa, nhưng tên lính lấy giáo đâm vào sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy ra:

     “Nhưng có một tên lính lấy giáo đâm ngang sườn Ngài, tức thì máu và nước chảy
ra.” 
(Giăng 19:34)

Các nhà nghiên cứu y khoa cho rằng trong trường hợp con người trải qua một cơn đau khổ cực điểmhuyết thanh (có sắc trong giống như nước) trong máu tích tụ lại rất nhiều tại màng tim (xem hình minh họa).

Lúc người lính La-mã dùng giáo đâm ngang sườn Chúa, mũi giáo đâm xuyên qua màng tim khiến lớp nước này chảy ra ngoài. Thêm vào đó, mũi giáo đâm không dừng lại tại màng tim nhưng đâm thấu qua tim vào khu tâm nhỉ của tim, là nơi tích tụ máu. Như vậy, máu và nước (huyết thanh) chảy ra từ mạn sườn của Chúa.

Có nhà nghiên cứu y khoa giải thích thêm: Trong cơn đau khổ tột cùng, tim của Chúa bị rách, máu trong tim chảy ra tích tụ lại tại màng tim cùng với huyết thanh. Đến lúc ngọn giáo đâm vào màng tim, chúng ta thấy máu và nước chảy ra.

Cách giải thích trên có thể phù hợp với Kinh Thánh: Ma-thi-ơ ghi lại một chi tiết quan trọng: “Đức Chúa Jêsus lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn.” (Ma-thi-ơ 27:50): Chúa Jesus kêu lên một tiếng lớn lần thứ hai (he had cried again with a loud voice) rồi trút linh hồn. [Chúa kêu lên một tiếng lớn lần thứ nhất đã được trình bày bên trên, là lúc Chúa nói “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” ]

Chúng tôi tin rằng vào thời điểm nỗi thống khổ lên đến tột đỉnh, trái tim Chúa bị tổn thương và bị rách, Chúa buộc phải kêu lên một tiếng lớn lần nữa vì đau đớn rồi Ngài chết ngay sau đó. Ma-thi-ơ 27:50 ghi lai sự kiện trên tương tự như Mác: “Đức Chúa Jêsus lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn.”

Kết luận:

Đành rằng Chúa Jesus cũng chịu khổ trên phương diện thể xác vì các cơn đau đớn do đinh đóng, tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ nghĩ như thế, thì chúng ta đã mặc nhiên cho rằng Chúa Jesus cũng không hơn gì nhiều người khác cũng bị cực hình đóng đinh như Chúa trong thời đó. Nhưng trường hợp của Chúa Jesus khác hoàn toàn: Ngài chấp nhận con đường thập tự bởi Ngài tình nguyện chọn con đường đó; Ngài chịu đóng đinh không phải vì Ngài phạm tội nhưng vì tội lỗi của chúng ta, do đó, nỗi thống khỗ của Chúa Jesus trên thập tự giá vượt trội hơn nỗi đau khổ của loài người khi bị đóng đinh bội phần. Con cái Chúa ngày nay phải giảm bớt sự chú tâm vào nỗi khổ do cực hình đóng đinh, nhưng hãy hướng tâm trí vào nỗi thống khổ thật sự của Chúa: Nỗi khổ thuộc linh hồn vì tội của chúng ta.

Tháng 7, 2018

[email protected] 

Nguồn: http://gianggiaithanhkinh.net/

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn