Thứ Sáu , 15 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Người Trong Bụng Cá

Người Trong Bụng Cá

“Tội lỗi các ngươi ngăn trở các ngươi được phước.”

Giê-rê-mi 5:25

Có lẽ chúng ta sẽ nói về tiên tri Giô-na và hành động dại dột của ông bằng những lời lẽ mà các môn đồ đã nói với Đức Chúa Giê-su khi Ma-ri dâng Ngài một món quà xa xỉ: “Sao phí của như vậy?” Hiển nhiên Giô-na là một tiên tri không nêu gương tốt, người đã làm mất giá trị bản thân khi không vâng lời Chúa và lãng phí những cơ hội Chúa ban cho ông. Tuy nhiên đó là điều sẽ xảy ra khi chúng ta chống nghịch Chúa và chọn đi theo ý riêng. Chúng ta sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Giô-na là thầy tế lễ của vua Giê-rô-bô-am đệ nhị, người cai trị vương quốc phía bắc Y-sơ-ra-ên trong bốn mươi mốt năm. Giê-rô-bô-am đã mở rộng bờ cõi đất nước – theo như lời tiên tri Giô-na đã báo trước – nhưng ông cũng làm theo gương xấu của một vua cùng tên mà “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” (2 Các vua 14:23-24). Vương quốc Y-sơ-ra-ên có được sự an ninh về chính trị, thịnh vượng về kinh tế nhưng lại sụp đổ về thuộc linh. Vì dân sự không quan tâm đến đức tính xấu của nhà vua nhưng tập trung vào những thành tựu vĩ đại của ông cho nên họ không nhìn thấy được “sự thịnh vượng” của họ chỉ là một chiếc vỏ bọc mỏng manh che giấu một nền móng đang bị mục nát nhanh chóng.

Quay trở lại với Giô-na. A-si-ry là một thế lực đang lên trong thời của ông, và Đức Chúa Trời kêu gọi ông đi đến thành Ni-ni-ve, thành phố then chốt của A-si-ry, mà cảnh báo cho họ rằng trong bốn mươi ngày nữa Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt thành phố của họ. Chính vì biết rõ lòng thương xót của Đức Chúa Trời, đồng thời là một người giảng đạo nổi tiếng trong cung vua và là một người Do Thái yêu nước, Giô-na không muốn nhìn thấy thành Ni-ni-ve được tha thứ, và vì thế ông đã rời bỏ nhiệm vụ là một tiên tri mà đi con đường ngược lại để đến thành Ta-rê-si tại Tây Ban Nha. Trong những ngày sau đó, Giô-na đã lãng phí ba cơ hội tuyệt vời.

GIÔ-NA BỎ LỠ CƠ HỘI LÀM ĐẸP LÒNG CHÚA

Giô-na hành xử giống như người con trai hoang đàng ở đất nước phương xa: lãng phí tài sản thừa kế và làm đau lòng cha (Lu-ca 15:11-32). Đầu tiên Giô-na đã lãng phí sự kêu gọi lớn và thánh của một tiên tri của Đức Chúa Trời. Giô-na có đặc ân được đi cùng Chúa và học biết những sự kín giấu của Ngài, tuy nhiên ông đã từ bỏ đặc ân ấy mà lên tàu đi Ta-rê-si. Đức Chúa Trời đã không phán cùng Giô-na như trước nữa; ngược lại Ngài sai cơn bão khiến mọi người đều chú ý đến, ngoại trừ Giô-na bởi vì ông đang ngủ! Khi thức dậy Giô-na đã nhớ đến Thi thiên 29?

Tiếng Đức Giê-hô-va dội trên các nước;

Giê-hô-va Đức Chúa Trời vinh hiển sấm sét;

Trên các nước sâu…

Đức Giê-hô-va ngự trên nước lụt;

Phải, Đức Giê-hô-va ngự ngôi vua đến đời đời.

Câu 3, 10

Đức Chúa Trời không còn là Vua nhưng chính Giô-na đang cai trị cuộc sống của mình. Quả là một ngày đáng buồn nếu tính bướng bỉnh khiến chúng ta không nghe thấy tiếng nói yêu thương của Đức Chúa Trời đến nỗi Ngài phải sai một cơn bão để đánh thức và làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Giô-na đã đánh mất giá trị. Ông không còn là người của Đức Chúa Trời nhưng chỉ là một hành khách bình thường trên con tàu. Ông đánh mất tiếng nói của Đức Chúa Trời, đánh mất năng quyền trong sự cầu nguyện và sự làm chứng của ông cho Chúa.

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Là một người Do Thái, Giô-na đáng ra phải là một nguồn phước bởi vì tuyển dân được dự phần trong giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham: “Ta sẽ ban phước cho ngươi… và ngươi sẽ thành một nguồn phước” (Sáng 12:1-3). Nhưng thay vì đem đến phước hạnh, Giô-na đã gây ra một cơn bão khiến chiếc tàu suýt chút nữa thì bị đắm. Đây là điều thường xảy ra khi dân sự chống lại ý muốn Chúa. Hãy nghĩ về Áp-ra-ham trong giai đoạn ông đến Ai Cập (Sáng 12:10-20), A-can trên chiến trường (Giô-suê 7), và gia đình của Đa-vít sau khi ông phạm tội cùng Bát-sê-ba và sắp đặt cho chồng của bà bị giết (2 Sa-mu-ên 11-18). Cái tên Giô-na có nghĩa là “chim bồ câu,” song chắc chắn nhân vật Giô-na không phải là điềm báo cho sự bình an.

Giô-na tiếp tục hạ thấp chính mình mà tự xem bản thân như một món hàng hóa trên tàu! Ông nói rằng: “Hãy bắt lấy ta; hãy ném ta xuống biển, thì biển sẽ yên lặng cho các anh” (Giô-na 1:12). Các thủy thủ người ngoại còn thương xót cho Giô-na nhiều hơn lòng thương xót mà ông dành cho họ cũng như dân chúng thành Ni-ni-ve! Nhưng sự việc ngày một xấu hơn, “món hàng có tên Giô-na” đã biến thành thức ăn cho cá – và cuối cùng biến thành một đồ nôn mửa! Một người có thể xuống thấp đến mực nào? Mọi việc bắt đầu từ khi nào? Sự việc bắt đầu khi Giô-na chối bỏ ý muốn Chúa mà quyết định đi theo con đường của riêng mình.

Một khía cạnh quan trọng nhất trong đời sống Cơ Đốc đó chính là mối liên hệ giữa chúng ta với ý muốn của Đức Chúa Trời. Trong bài cầu nguyện chung, lời cầu xin quan trọng nhất chính là “ý cha được nên ở đất như trời,” bởi vì đây là cầu nối giữa lời cầu nguyện về Danh và vương quốc của Đức Chúa Trời với những lời cầu xin cho cá nhân chúng ta (Ma-thi-ơ 6:9-13). Chúng ta có quyền gì mà cầu xin Đức Chúa Cha ban cho thức ăn, sự tha thứ và sự dẫn dắt nếu chúng ta không thật sự quan tâm đến ý muốn của Ngài? Thời điểm duy nhất Giô-na muốn ý muốn Chúa đó là khi ông cầu nguyện để được giải cứu khỏi con cá lớn (Giô-na 2), và cũng giống như Giô-na, nhiều người chỉ tìm kiếm ý muốn Chúa khi gặp nguy nan.

Ý muốn Chúa đến từ tấm lòng và là sự giải bày tình yêu thương của Ngài. “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia” (Thi thiên 33:11). Chính vì thế, phớt lờ hoặc cố tình không vâng theo ý Chúa là chối bỏ tình yêu thương của Ngài và làm Chúa buồn lòng. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “Như Cha đã yêu thương ta thể nào, ta cũng yêu thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu thương của ta. Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài” (Giăng 15:9-10).

Vâng theo ý Chúa thì được tôn lên; bất tuân ý Chúa thì bị hạ thấp.

GIÔ-NA BỎ LỠ CƠ HỘI CA NGỢI ÂN ĐIỂN CHÚA

Bởi ân điển, Đức Chúa Trời đã giữ cho Giô-na được sống trong bụng con cá lớn, Ngài lắng nghe ông cầu nguyện xin sự cứu giúp và giải cứu ông khỏi sự chết. Giô-na nhớ lại lời hứa trong 1 Các vua 8:46-51, hướng về đền thờ Giê-ru-sa-lem (Giô-na 2:4) và cầu xin Chúa tha thứ. Giống như điều những người không vâng phục ý Chúa thường làm khi cầu xin Chúa giúp đỡ, Giô-na có những lời hứa nguyện với Chúa. Ông nói rằng: “Tôi sẽ trả sự tôi đã hứa nguyện” (Giô-na 2:10), con cá lớn mửa Giô-na ra trên đất khô. Mặc dù Kinh Thánh không ghi lại đã có ai trông thấy phép lạ này xảy ra hay không, nhưng nếu thật đã có người trông thấy phép lạ này thì họ sẽ nhanh chóng đem tin ấy đến thành Ni-ni-ve và thành phố này sẽ được chuẩn bị để nhìn thấy và lắng nghe từ một người lạ khác thường này. Có lẽ ngoại hình của Giô-na đã bị thay đổi bởi vì ông đã ở trong bụng cá suốt ba ngày đêm và chắc chắn điều này sẽ thu hút sự chú ý của người khác. Giô-na giống như một người chết sống lại. Đức Chúa Trời giàu lòng ân điển đã ban cho ông một mạng lệnh mới và một thông điệp để gửi đến thành phố này. Chúng ta cần lưu ý rằng chủ đề chính của quyển sách này không phải là Giô-na, cũng không phải là con cá lớn hoặc thành phố Ni-ni-ve, nhưng là về Đức Chúa Trời. Con cá lớn được nói đến bốn lần, thành Ni-ni-ve chín lần, còn Giô-na mười tám lần, nhưng Đức Chúa Trời thì được nhắc đến ba mươi tám lần. Đây chính là câu chuyện về ân điển và lòng thương xót của Đức Chúa Trời.

Trong Giô-na 1 và 2, vị tiên tri này cư xử giống như Người con trai hoang đàng mà bỏ trốn và lãng phí những gì ông có, nhưng trong chương 3 và 4, Giô-na lại cư xử giống như người anh của người con trai hoang đàng (Lu-ca 15:25-32). Đầu tiên, ông vâng ý Chúa và hầu việc Ngài chỉ vì ông buộc phải làm vậy. Sự vâng lời của ông không bắt nguồn từ tấm lòng vui mừng đầy yêu thương, cũng không đến từ ý muốn đầu phục Chúa. Giống như người anh trai, Giô-na chỉ làm điều mà ông được truyền phải làm song động cơ của ông không tinh sạch. Tất nhiên, Giô-na không muốn bị Đức Chúa Trời sửa trị một lần nữa, và có lẽ ông đang mong rằng thành phố Ni-ni-ve sẽ không nghe lời mà phải bị diệt vong. Vâng ý Chúa nghĩa là “lấy lòng tốt làm theo ý muốn Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 6:6), và đây chính là điều Giô-na thiếu.

Thông báo mà Giô-na công bố chính là một lời cảnh báo: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” (Giô-na 3:4). Theo Kinh Thánh ghi lại, Giô-na không hề nói đến sứ điệp ân điển hoặc sự tha thứ, tuy nhiên Chúa đã dùng những lời của Giô-na để cáo trách tội lỗi thành Ni-ni-ve và họ đã ăn năn mà quay về với Chúa trong đức tin. Nếu Giô-na thật sự biết ơn ân điển của Đức Chúa Trời và có động lực từ tình yêu thương của Chúa thì Giô-na đã kể cho dân thành này biết những việc Chúa làm cho ông, nhưng chúng ta không đọc thấy lời làm chứng của ông. Giống như người anh trong câu chuyện người con trai hoang đàng, Giô-na chỉ làm công việc của mình, không hơn không kém.

Tuy vậy Đức Chúa Trời chấp nhận sự ăn năn và đức tin của thành Ni-ni-ve! Đó chính là ân điển! Có thể Giô-na đã kỳ vọng Đức Chúa Trời sẽ đòi hỏi dân thành này phải cải đạo mà trở nên giống như người Do Thái, phải hành hương đến đền thờ tại Giê-ru-sa-lem hoặc ít nhất phải có một phái đoàn các thầy tế lễ đến đây để dâng tế lễ. Một đầy tớ khác của Chúa đã được Ngài kêu gọi giảng đạo cho người ngoại đó là Phi-e-rơ lúc ông đang ở thành Giốp-bê, ông nhìn thấy một khải tượng: “có những thú bốn cẳng, đủ mọi loài, côn trùng bò trên đất, và chim trên trời. Lại có tiếng phán cùng người rằng: Hỡi Phi-e-rơ, hãy dậy, làm thịt và ăn.  Song Phi-e-rơ thưa rằng: Lạy Chúa, chẳng vậy; vì tôi chẳng ăn giống gì dơ dáy chẳng sạch bao giờ.” (Công vụ. 10:13-14). Tuy nhiên khi Phi-e-rơ biết được rằng người ngoại quốc không cần phải trở nên giống như người Do Thái thì mới được làm Cơ Đốc Nhân, ông đã nói rằng: “Hết thảy các đấng tiên tri đều làm chứng nầy về Ngài [Đức Chúa Giê-su] rằng hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài,” và Cọt-nây, gia đình và bằng hữu của ông đều tin và được cứu (Công vụ 10:43-48).

Giô-na bị hẹp hòi và mù lòa, và cả hai điều này đều xa lạ với sứ điệp ân điển của Đức Chúa Trời. Là một người Do Thái yêu nước, Giô-na muốn nhìn thấy kẻ thù của Y-sơ-ra-ên phải bị tiêu diệt còn đất nước của ông thì được phước. Ông giảng một sứ điệp về sự đoán phạt sắp xảy đến, nhưng cả thành phố, dân chúng và thú vật đều ăn năn và quay về với Chúa. “Nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” (Rô-ma 5:20).

GIÔ-NA BỎ LỠ CƠ HỘI TRƯỞNG THÀNH TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

“Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận dữ” (Giô-na 4:1). Thay vì dành thời gian hướng dẫn các tân tín hữu có sự hiểu biết về Chúa, Giô-na đã bỏ rơi họ và ngồi dưới một cái chòi mà ông tự dựng lên cho mình ở phía đông thành phố. Có lẽ Giô-na hy vọng rằng Ni-ni-ve sẽ làm điều gì đó chọc giận Chúa và Ngài sẽ hủy diệt họ. Người anh trai trong câu chuyện ngụ ngôn của Đức Chúa Giê-su đã rất giận dữ bởi vì người em trai hoang đàng được chào đón và tha thứ khi trở về nhà, không những thế, đứa em còn có giày mới, nhẫn mới, chiếc áo tốt nhất của cha và một bữa tiệc linh đình được tổ chức. Người anh trai ngoan ngoãn vẫn luôn mong muốn có được bữa tiệc ấy nhưng giờ đây tiệc được tổ chức cho đứa em trai và bạn bè của nó.

Nếu Giô-na trung tín mà thi hành chức vụ cho dân thành Ni-ni- thì chắc hẳn ông đã có được cái nhìn sâu sắc hơn về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đồng thời phát triển những đức tính tin kính Chúa. Thực ra, Giô-na cần Ni-ni-ve cũng như Ni-ni-ve cần ông. Nhờ chức vụ với Cọt-nây và gia đình của ông tại thành Sê-sa-rê, Phi-e-rơ đã học được những lẽ thật mới về Chúa và lớn lên trong tầm vóc thuộc linh, và lẽ ra Giô-na cũng đã được tăng trưởng như thế. Nhưng thay vì trở nên giống như con trẻ mà phục vụ người khác, Giô-na trở nên như một đứa trẻ mà bĩu môi và phàn nàn. Ông tiếc nuối cho dây bầu bị héo úa và chết đi nhưng không tiếc cho hàng ngàn người trong thành – cùng bầy súc vật của họ – sẽ bị tiêu diệt khi Đức Chúa Trời phá hủy thành Ni-ni-ve. Thật Giô-na đã bỏ lỡ một cơ hội lớn là dường nào!

Nếu chúng ta vâng lời Chúa trong những việc khó thì chúng ta sẽ học được những lẽ thật tuyệt vời nhất mà Ngài muốn chúng ta học, cũng như tăng trưởng trong tâm linh và trở nên như giống như Đức Chúa Giê-su Christ. Đừng bỏ lỡ các cơ hội của mình. Chúng sẽ không quay trở lại một lần nữa.

Ma-thi-ơ 12:38-42 dùng một hình ảnh trong Cựu Ước đó là Giô-na được cứu khỏi con cá lớn để nói về sự phục sinh của Đức Chúa Giê-su. Giô-na minh họa cho hình ảnh Đức Chúa Giê-su là một Đầy tớ chịu đau khổ khi Ngài trải qua sự chết, chôn và phục sinh. Đây quả thật là ân điển Chúa! Chắc chắn Giô-na không xứng đáng để được chọn làm hình ảnh cho Con Đức Chúa Trời, nhưng Ngài vẫn chọn ông. Ma-thi-ơ 12 nói rằng Đức Chúa Giê-su là Đấng tôn trọng hơn Giô-na (c. 41), tôn trọng hơn đền thờ (c. 6) và tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn (c. 42) bởi vì Ngài chính là Tiên tri, Thầy tế lễ và Vua.

Phi-e-rơ và các sứ đồ khác đã dùng dấu hiệu của Giô-na để giảng trong sách Công vụ các sứ đồ (2:22-26, 32; 3:15; 5:30-32; 10:39; 13:26-37), và đây cũng chính là trọng tâm của sứ điệp phúc âm (1 Cô 15:1-8).

Chắc chắn Đức Chúa Giê-su “tôn trọng hơn Giô-na” về thân vị, bởi vì muôn đời Ngài chính là Con Đức Chúa Trời, và về sứ điệp, bởi vì thông điệp của Đức Chúa Giê-su là thông điệp cứu rỗi, không phải thông điệp đoán phạt. Giô-na có một thông điệp cho một thành phố, nhưng thông điệp của Đức Chúa Giê-su dành cho cả thế gian. Giô-na không chết, nhưng Đức Chúa Giê-su đã chết, được chôn và sống lại từ cõi chết như lời Ngài đã hứa. Sự chết của Giô-na không thể giải cứu con người, nhưng Đức Chúa Cha đã ban Đức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian (1 Giăng 4:14). Giô-na bằng lòng bị ném khỏi tàu và chết vì tội lỗi của mình, nhưng Đức Chúa Giê-su sẵn lòng chịu chết vì tội lỗi của thế gian – nhưng trong Ngài không hề có tội lỗi! Giô-na miễn cưỡng đến Ni-ni-ve, song Đức Chúa Giê-su tình nguyện rời thiên đàng đến thế gian để bày tỏ tình yêu thương và ân điển của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Giô-na chỉ cầu nguyện cho riêng ông, nhưng Đức Chúa Giê-su cầu nguyện cho kẻ thù của Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34). Đức Chúa Trời dung thứ cho Giô-na nhưng không dung thứ cho Con một của Ngài. Ngược lại, Đức Chúa Trời đã ban Đức Chúa Giê-su để chết vì chúng ta (Rô-ma 8:32).

Vì lãng phí những cơ hội của mình, Giô-na ngày một trở nên hạ thấp xuống, nhưng Đức Chúa Trời vẫn sử dụng ông để làm hình ảnh cho chính Con Ngài trong sự chết, chôn và phục sinh! Ân điển Ngài vĩ đại làm sao!

Nếu tôi gửi đến nhà xuất bản một bản thảo giống như sách Giô-na, rất có thể họ sẽ trả lại sách mà hỏi rằng: “Kết thúc đâu?” Sách Giô-na kết lại bằng một câu hỏi của Đức Chúa Trời dành cho Giô-na, nhưng chúng ta không biết Giô-na trả lời ra sao. Có phải ông đã ăn năn và học được bài học quan trọng chính là Đức Chúa Trời có thể cứu người ngoại quốc cũng như những người Do Thái và họ không cần phải trở nên giống như người Do Thái để được cứu? (Đây là một vấn đề lớn gây tranh cãi tại giáo hội nghị Giê-ru-sa-lem được ghi lại trong Công vụ 15.) Có phải Giô-na đã ăn năn sự giận dữ và hẹp hòi của mình mà trở về quê hương với một tấm lòng yêu thương? Hy vọng là thế nhưng chúng ta không thể biết chắc. Chúng ta không thể tác động đến quyết định của Giô-na nhưng chúng ta có thể thay đổi quyết định của chính mình. Có phải những con người lạc mất khiến chúng ta cảm thấy phiền toái hay nặng lòng? Phải chăng chúng ta mong muốn Đức Chúa Trời hủy diệt họ, hay là chúng ta cầu nguyện để Ngài giải cứu họ? Chúng ta có tin rằng ân điển của Đức Chúa Trời đủ để cứu dù là những tội nhân tồi tệ nhất?

Chúa … không muốn cho một người nào chết mất,

song muốn cho mọi người đều ăn năn.

2 Phi-e-rơ 3:9

 

Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta… muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

1 Ti-mô-thê 2:3-4

Giữa hai câu Kinh Thánh trên là khoảng trống cho tất cả mọi người. Đâu là Ni-ni-ve của bạn, và bạn có sẵn lòng đi đến đó không?

Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn