Nên Theo Ai?
Tin Lành ?
Công Giáo La-mã?
hay Chúa Giê-su Ki-tô?
Trong nhiều phương diện, tôi rất kính trọng Giáo Hội Công Giáo La-mã (Roman Catholic Church). Giáo Hội Công Giáo La-mã có một hệ thống giáo lý chặt chẽ, một tổ chức toàn cầu và một tấm lòng kính ngưỡng chân thành. Họ không hổ thẹn về Phúc Âm, họ sẵn sàng binh vực Giáo Hội như là con đường duy nhất. Họ cũng sẵn sàng giữ vững những lập trường giáo lý và đạo đức mà nhiều người Tin Lành khó lòng qua mặt. Ở nước Mỹ, người ta thường suy nghĩ đến việc chọn lựa tôn giáo cho gia đình. Dĩ nhiên họ không chọn chủ nghĩa Cộng sản vì chủ nghĩa nầy không chấp nhận một tôn giáo nào là giá trị cả. Họ cũng không cần những tôn giáo như Hồi Giáo, Ấn độ Giáo, Phật Giáo và Khổng Giáo. Lý do là những tôn giáo nầy trong lịch sử đã không đem lại cho con người sự giải phóng tâm linh, cũng không đem đến chế độ tự do dân chủ, lại cũng không cho con người bốn thứ tự do mà người Mỹ đang tận hưởng.
Đa số người Mỹ chọn Cơ-đốc Giáo làm tôn giáo chính của họ. Cơ-đốc Giáo đã đem lại cho họ quyền tự do dân chủ, lối sống hằng ngày, và sự giải phóng tâm linh. Dĩ nhiên đây cũng là nền tảng đem lại sự thịnh vượng cho dân tộc và quốc gia Hoa Kỳ trong đó khái niệm “IN GOD WE TRUST” (Chúng Tôi Tin Cậy Đức Chúa Trời) luôn luôn được đề cao.
Nước Mỹ được xây dựng bởi những người Tin Lành, Công Giáo La-mã và Do Thái Giáo tính theo tỉ lệ con số tín hữu. Tin Lành và Công Giáo La-mã được gọi chung là Cơ-đốc Giáo và Cơ-đốc Giáo có gốc rễ phát sinh từ Do Thái Giáo.
Công Giáo La-mã tự nhận là Giáo hội chân chính, duy nhất và không sai lầm. Giáo Hội Tin Lành, vốn tách ra từ Công Giáo La-mã khoảng 500 năm về trước, đã từ khước lập trường nầy. Chính vì phản kháng (protest) quan niệm nầy nên Giáo Hội Tin Lành được gọi là Protestant Church để phân biệt với Roman Catholic Church.
Vì giữ lập trường cho mình là Giáo Hội duy nhất đúng, nên Giáo Hội Công Giáo La-mã tin rằng họ có thẩm quyền tối cao trên mọi lãnh vực thuộc linh; sứ mạng của họ là đem mọi người gia nhập Giáo Hội Công Giáo; không có sự cưú rỗi nào cả ngoài Giáo Hội Công Giáo; giáo hữu phải trung thành với Giáo Hội và không được tham dự bất cứ thánh lễ nào của Giáo Hội Tin Lành. Chúng tôi kính phục lập trường đó của người Công Giáo. Dĩ nhiên nếu Giáo Hội Công Giáo đúng thì Giáo Hội Tin Lành sai. Như vậy, một là người Tin Lành phải đi theo Giáo Hội Công Giáo hoặc họ phải tự lập ra Giáo Hội riêng và giữ lập trường của mình.
Thẩm quyền tôn giáo
Ở nước Mỹ có ba nhóm tôn giáo: Tin Lành, Công Giáo La-mã và nhóm thứ ba không thuộc hai nhóm nầy. Ba nhóm nầy tượng trưng cho ba nhóm tôn giáo chính. Mỗi nhóm được phân chia theo Thẩm Quyền Tôn Giáo. Người Tin Lành tin rằng Thẩm Quyền Tôn Giáo của họ là Kinh Thánh. Người Công Giáo tin rằng Thẩm Quyền Tôn Giáo của họ là Giáo Hội. Nhóm thứ ba tin rằng Thẩm Quyền Tôn Giáo của họ là Lý Trí của họ.
Vì chúng ta quan tâm tìm kiếm một tôn giáo có giá trị siêu nhiên và có một nền tảng thẩm quyền đúng đắn tốt hơn sự suy đoán của loài người, vì thế mục đích chính của chúng ta là quyết định xem toà án tối cao xác định thẩm quyền của Cơ-đốc Giáo là Kinh Thánh hay là Giáo Hội. Chúng ta không nhắc đến lập trường thứ ba không có nghĩa là chúng ta bỏ bê Lý trí của chúng ta vì lý trí cũng góp phần giúp chúng ta lựa chọn lập trường nào là đúng nhất. Khi một người bị mắc bệnh nan y thì phó mình vào tay một Bác sĩ chuyên khoa dĩ nhiên là tốt hơn tự mình tìm phương cưú chữa. Tôi tin cậy nơi một thẩm quyển cao hơn không có nghĩa là tôi loại bỏ trí phán đoán của tôi. Một tôn giáo thật nhứt thiết phải có tính siêu nhiên và mang đặc tính mặc khải từ trên xuống. Vì thế lựa chọn để tin một thẩm quyền cao hơn không trái lại với lý trí nhưng siêu vượt trên lý trí. Đó là điều hợp lý và bình thường trong cuộc sống mà ai cũng đã làm.
Công Giáo La-mã và Kinh Thánh
Giáo Hội Công Giáo La-mã lập nền tảng lập trường của mình trên Kinh Thánh. Dĩ nhiên, họ cũng lập nền tín ngưỡng trên truyền thống nữa. Nhưng ý thức về thẩm quyền tối cao của Kinh Thánh là đúng đã ám ảnh họ, vì thế họ gọi Kinh Thánh của Tin Lành là “Kinh Thánh giả mạo” và cấm giáo dân đọc. Tuy nhiên người ta phải công nhận rằng quyển Kinh Thánh duy nhất mà người Tin Lành sử dụng khi họ tìm kiếm Lời Chúa đem lại cuộc Cải Cách Giáo Hội đương thời thế kỷ 16 chính là quyển Kinh Thánh của Công Giáo La-mã. Đây không phải là bản dịch Bản Kinh Thánh Công Giáo Anh Ngữ dịch theo Bản Vulgate với lời ghi chú được gọi là bản Douay Version nhưng là chính bản Kinh Thánh Vulgate do Giáo Phụ Jerome dịch sang tiếng La-tinh khoảng năm 400 từ những cổ bản Kinh Thánh khác. Trong bản Kinh Thánh nầy không có khác nhau gì giữa bản Kinh Thánh mà cả người Công Giáo lẫn người Tin Lành đang dùng ngày nay.
Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo có 7 sách trong Kinh Thánh Cựu Ước nhiều hơn Kinh Thánh của người Tin Lành. Những sách nhiều hơn nầy chỉ bắt đầu xuất hiện trong bản dịch tiếng Hy Lạp Septuagint được thực hiện trong khoảng giao thời của thời Cựu Ước và Tân Ước. Nhưng những sách nầy với rất ít tầm quan trọng đã không có tên trong bản Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ mà Chúa Giê-xu Christ, các Sứ đồ và Hội Thánh đầu tiên đã công nhận như là Kinh điển. Những sách thêm vào nầy không có trong bản chính tiếng Hê-bơ-rơ nên được gọi là Apocrypha (Thứ Kinh). Nội dung của những sách thêm nầy không có gì đáng thắc mắc ngoại trừ một điều các sách Apocrypha có nhắc đến, đó là việc cầu nguyện cho người đã chết, là những câu người Công Giáo thích trưng dẫn như là nền tảng duy nhất để họ có thể xây dựng giáo lý về Ngục Luyện Tội (Purgatory).
Kinh Thánh Tân Ước với tầm quan trọng chính yếu có đủ các sách như nhau mà cả Công Giáo và Tin Lành đều công nhận và sử dụng. Chỉ có vài khác biệt về lối dịch mà thôi. Những người khách quan ngồi xuống đọc và so sánh giữa hai quyển Kinh Thánh đều thấy không có gì khác nhau. Tuy nhiên những quyển Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo luôn luôn được sửa chữa với nhiều lời chú giải và đối với người Công Giáo những lời chú giải đó có thẩm quyền ngang với Kinh Thánh, bởi vì đó là lập trường của Giáo Hội Công Giáo và là thẩm quyền tối hậu của người giáo dân.
Lý do có rất nhiều lời chú giải chi tiết như thế là vì Giáo Hội Công Giáo không thể tồn tại trước một quyển Kinh Thánh mở ra nguyên vẹn không lời chú giải, đúng y như Kinh Thánh ban đầu được viết ra bằng ngôn ngữ thường dùng cho mọi người bình dân đều đọc được và hiểu được. Những người được gọi là “Cải Cách” không hề có ý tách rời ra khỏi Hội Thánh ban đầu, nhưng họ đã khám phá ra quyển Kinh Thánh nguyên thủy trước khi được Giáo Hội Công Giáo chú giải, họ đem quyển Kinh Thánh đó trao vào tay dân chúng và tìm cách đem Giáo Hội trở lại với sự tinh tuyền thời các Sứ đồ. Vào lúc bấy giờ, Giáo Hội Công Giáo đã quá sa lầy vào truyền thống trải qua nhiều thế kỷ. Kết quả là những nhà Cải Cách đã bị dứt phép thông công và họ buộc lòng phải đứng tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo. Cũng vào thời điểm đó, nhà máy in đã được phát minh (cuốn sách đầu tiên được in là quyển Kinh Thánh in năm 1454), nhiều bản dịch Kinh Thánh được phát hành, phổ biến, dân chúng được tự do đọc trực tiếp Lời Chúa khắp mọi nơi. Sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo đang lâm nguy. Giáo Hội phải làm gì đó để cưú vãn. Dĩ nhiên họ không thể từ chối Kinh Thánh.
Tiếp ngay theo đó, Công Đồng Trent (1546-47) đã được triệu tập và để tìm giải pháp ngăn ngừa sụp đổ, Giáo Hội Công Giáo đã ban hành một biện pháp ba mặt giáp công để đóng gông Kinh Thánh.
- Truyền thống của Giáo Hội, nghĩa là bất cứ điều gì Giáo Hội quyết định, đã được tuyên bố là có thẩm quyền tương đương với thẩm quyền của chính Kinh Thánh, mà theo truyền thống, đó là “Lời bất thành văn của Đức Chúa Trời.” Điều nầy có nghĩa là Kinh Thánh không còn uy quyền tối hậu nữa vì Giáo Hội có thể tuyên bố truyền thống của Giáo Hội có uy quyền quyết định cho dù truyền thống đó đi ngược lại Kinh Thánh.
- Cá nhân người giáo hữu không được quyền tự quyết định ý nghĩa Kinh Thánh cho chính mình mà phải chấp nhận sự giải thích của Giáo Hội Công Giáo.
- Bản dịch Kinh Thánh do Jerome dịch sang tiếng La-tinh (khoảng 400 S.C.), thường được gọi là bản Vulgate, đã được tuyên bố là bản văn có thẩm quyền tối hậu của Kinh Thánh. Khi chọn việc nầy Giáo Hội Công Giáo đã bất chấp những khám phá của những cổ bản Kinh Thánh giá trị, chẳng hạn bản Codex Vaticanus đã được chính Tòa Thánh Vatican cất giữ bí mật trải qua nhiều năm, đồng thời bất chấp cả những tiến bộ trong ngành Thần Học Nghiên Cưú Thánh Kinh. Hành động của Công Đồng Trent đã thành công cất hết Kinh Thánh khỏi tay người tín hữu Giáo Hội Công Giáo La-mã. Từ đó, Kinh Thánh rất ít được người giáo hữu Công Giáo quí trọng và tìm kiếm. Hậu quả là người giáo hữu Giáo Hội Công Giáo chỉ biết nghe theo lời Giáo Hi và không cần biết đối chiếu với Lời Chúa để xem lời giảng có thật hay không. Để giải thích hiện tượng nầy, Giáo Hội Công Giáo đã chủ trương rằng các tín hữu đầu tiên đã không phải là người tín hữu của Kinh Thánh bởi vì lúc bấy giờ Kinh Thánh Tân Ước đã chưa được in ra và ít được phổ biến trong thời các Sứ đồ! Người Công Giáo vui mừng vì sự kiện lịch sử nầy. Tuy nhiên, dù Kinh Thánh lúc bấy giờ chưa được in ra, Kinh Thánh Tân Ước đã cho biết những tín hữu tại thành Bê-rê “ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công Vụ 17:11). Sự thật các tín hữu đầu tiên là những tín hữu rành Kinh Thánh. Cũng vậy, khi Sứ đồ Phao-lô xác nhận “Cả Kinh Thánh là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (2 Ti-mô-thê 3:16, 17), thì rõ ràng ông đã hàm ý rằng những tín hữu đầu tiên là những người say mê đọc, học, nghiên cưú và làm theo Kinh Thánh.
Còn nữa
Tiến sĩ George Wells Arms
(Mục sư Nguyễn Văn Huệ sưu tầm và tuyển dịch)