Năm ấy là năm 1963, tôi 17 tuổi.
Thật tôi sẽ nhớ mãi cái năm Mão ấy, tôi vừa bước chân tới nước Pháp để du học, thì tôi đã bị một người đồng hương tước mất gần hết tài sản ngay đêm đầu tiên.
Nếu vào thời điểm ngày hôm nay thì thực tình mà nói số tiền tôi mất hồi đó cũng không quá to, 3 ngàn đô-la. Nhưng đó là tất cả số tiền tôi đem đi để làm vốn cho ít nhất hai năm học, đối với một sinh viên không có nhà cửa gia đình anh em bên cạnh thì nó to lắm. Mà nó cũng rất to đối với cha mẹ tôi, vì đó cũng là tất cả số tiền cha mẹ tôi dành dụm để chuẩn bị cho con đi học ở nước ngoài. Với đồng lương công chức của cha tôi thì đó là công dành dụm từ nhiều năm về trước.
Thế nhưng ngay hôm đầu tiên tôi tới Pháp, mắt nhắm mắt mở, chân ướt chân ráo, giờ giấc ngược xuôi, thì tôi đã bị tước mất số tiền đó do một băng đảng du đãng ăn chơi, họ chuyên môn đón đầu những sinh viên còn ngây thơ vừa bước sang nước xa lạ. Tôi đã bị dọa bởi vũ khí, và tôi đã để tuột tất cả những gì có trong tay, cả số tiền khổng lồ được dành dụm bằng tình yêu của cha, được gói ghém từ bàn tay của mẹ. Và từ một thanh niên mới ra đời với nhiều ưu đãi, tôi đã biến trong khoảnh khắc thành một thằng bé vô gia cư, chưa có nghề nghiệp và nhất là không còn gì trong tay để phấn đấu, cũng như không có chỗ vịn thực sự, trên một đất nước mà mình chưa nói sõi tiếng người, chưa hiểu thực văn hóa, chưa có bạn, chưa có cả một tấm mền để trải nằm ban đêm.
Ngày đó đâu có như bây giờ, không có điện thoại di động, chỉ có telegram để báo tin khi cần, nhưng linh tính đã khuyên tôi không thông báo cho gia đình ở nước nhà. Vì chuyện đã rồi, việc báo tin chỉ làm cho cha mẹ lo thêm.
Thế là tôi một mình ôm bí mật rằng tôi đã trắng tay.
Vài chục năm sau, khi nghĩ lại sự cố đã xảy ra cho mình, thì tôi mới ngỡ ra là chính cái sự cố vô cùng bi đát ấy đã giúp cho tôi, một thằng bé 17 tuổi, sớm thành người.
* * *
Trùng lúc ở bên Pháp tôi bị trắng tay hết tiền, thì cha tôi lại bị sự cố tại nước nhà.
Một người bạn của cha đi công cán sang Pháp mới cho tôi thông tin không mấy vui về cha. Mẹ tôi có gửi ông bạn đó một lá thư trong đó mẹ dặn đi dặn lại là con cố cầm cự với số tiền mang theo càng lâu càng tốt, rồi đến khi gia đình ổn định trở lại thì mẹ sẽ gửi tiếp. Nào mẹ có biết sự thật phũ phàng phía bên này… Và tôi cũng viết vội vài hàng gửi mẹ qua tay của ông bạn rằng “mẹ đừng lo, số tiền cha mẹ cho con còn nguyên và nhờ đó con sẽ sống được thoải mái nhiều năm sắp tới”. Đó là lần đầu tiên tôi đã nói dối mẹ.
* * *
Vào những năm 60, xã hội Pháp không như ngày nay, đó là một xã hội tuy không kỳ thị nhưng vẫn khép kín. Người Pháp thì đã đành, nhưng ngay cả người Việt sống bên Pháp cũng không cởi mở như ngày nay. Ngày đó, chưa có các tiệm fastfood hay hamburger như McDonald’s hay Kingburger, nơi mà một người trẻ như tôi có thể kiếm việc dễ dàng để tự nuôi sống.
Thế nhưng, cũng vì tôi sang Pháp trễ so với niên học, nên tôi chỉ được đăng ký vào nội trú một trường ở ngoại ô xa, trường Francisque Sarcey ở Dourdan, cách Paris hơn 50 km. Cũng may cho tôi là tôi không được nhận vào các trường tại Paris, vì có lẽ tôi sẽ phải bỏ dở việc học do đời sống Paris quá đắt đỏ. Ngày ấy tại Dourdan, cái gì cũng rẻ, thêm vào đó, đây là một thị trấn rất nhỏ, gần như một cái làng lớn. Chính vì Dourdan nhỏ bé mà tôi đã tìm ra nơi nương tựa.
* * *
Trước hết tôi phải kể tới Cha Paul. Cha là cố đạo của nhà thờ Dourdan. Không có Cha có lẽ tôi đã không có ngày hôm nay.
Lần đầu tôi gặp Cha, là chính tôi đã mạnh dạn đến gõ cửa nhà thờ. Tối hôm đó, bụng đói, tôi đã mạo muội tìm đến nơi Thánh. Tôi vào nhà thờ, lòng bất an. Nhưng cánh cửa bên trong nhà thờ bất thình lình mở và Cha xuất hiện. Cha hiểu ngay tôi đang có vấn đề. Cha mời tôi vào nơi Cha tiếp khách. Cha không hỏi han gì mà lại chia ngay với tôi một khúc bánh mì. Cha nói: “Em vào đây chia sẻ bữa cơm của tôi.”
Từ ngày hôm đó, tôi mới thực sự có một người bạn đầu tiên trên đất Pháp, đó chính là Cha Paul. Cứ đến chủ nhật là tôi đến giúp việc trong nhà thờ Dourdan và được Cha cho một bữa cơm ấm áp. Lần đầu ra đời gặp “nhân loại” tôi đã có ngay được cảm nhận là nhân loại không phải là một ý niệm gì trừu tượng, mà là những gương mặt cụ thể và tích cực. Gương mặt đầu tiên của nhân loại đối với tôi là Cha Paul.
Cha đã có những nghĩa cử đơn giản nhưng chứa chan tình người. Cha Paul đã là người đầu tiên làm cho tôi thấu hiểu được rằng hạnh phúc là một thứ gì rất chân thật, trong sáng, ấm áp. Và chỉ cần mỗi tuần một buổi sáng chủ nhật giúp việc trong lễ nhà thờ cũng đủ cho tôi cảm nhận phẳng phất được niềm hạnh phúc đó suốt tuần.
Và cũng không có gì sung sướng hơn là biết rằng Chúa ở trên cao đã đoái nhìn xuống ban cho tôi phúc lành, mà vẫn biết rằng phúc lành chỉ là một mẩu bánh mì mộc mạc.
* * *
Trong đời sống nhà trường, tôi được nội trú, tôi còn nhận được sự yêu thương của vợ chồng gác dan. Nhìn từ ngoài, ôngbà Jean trông rất dữ dằn. Có lẽ nghề gác cửa, cấm kẻ lạ xâm nhập vào khu vực nhà trường, cấm học sinh thoát ra ngoài đi bụi đời đã vẽ lên nét mặt của cặp vợ chồng tất cả cái nghiêm nghị của thế gian. Tuy nhiên, trái tim của họ bằng vàng. Ông bà Jean đã thấu hiểu cảnh ngộ của tôi ngay từ lúc tôi nhập học ngày đầu.
Bà ấy thường hay rày tôi, nhưng lúc nào bà cũng quan tâm. Một hôm bà bảo tôi: “Mày giặt giũ làm sao? Trông mày dơ bẩn thế kia, mày cởi hết quần áo ra đưa tao giặt”. Thế là tôi được bà giặt quần áo miễn phí, bà còn ngụy biện rằng đằng nào ông bà cũng có máy giặt, nhiều ít gì cũng thế. Tuy nhiên, bà còn ủi thẳng thắn cho từng chiếc sơ mi, chiếc quần. Đến khi tôi chụp ảnh gửi về cho mẹ thì mẹ tôi rất ngạc nhiên hồi âm ngay hỏi rằng ai giặt và trông nom cho tôi mà áo quần ngay ngắn thế. Sau này khi mẹ tôi sang Pháp, mẹ đã tỏ ý muốn đến cám ơn tận nơi ông bà Jean.
Tôi thì cứ bị bà Jean mắng hoài hoài, nhưng tôi hiểu đó là lời mắng của sự quan tâm, lời mắng để cải thiện một thanh niên không được sống bên gia đình của mình. Những lời mắng này thật mát mẻ trong lòng tôi.
Ông Jean thì lại thương tôi một cách cụ thể hơn. Cứ đến hai ngày cuối tuần, ông rủ tôi đi làm thêm. Ông chuyên sửa điện nước, đổ rác, sơn nhà, đổ nền, nạo ống khói…Thế là ông và tôi chia nhau việc. Ông nhận việc chuyên môn, còn tôi thì việc chân tay. Có lần, tôi nạo xong ống khói mặt mũi đen đủi quần áo lọ lem làm mọi người cười. Tôi cũng cười, cái cười của một đứa thanh niên thật hãnh diện vừa nhận được chút tiền để tự nuôi thân. Ông bà Jean dần dần coi tôi như một đứa cháu trong nhà. Tôi cảm nhận được hạnh phúc sâu đậm đó, rằng tôi đã được người bản xứ nhận lãnh. Chỉ được nhìn nhận như vậy thôi cũng đủ để làm cho tôi cảm thấy mình thật quá may mắn.
* * *
Ở trong trường tôi còn được một người khác giúp đỡ tôi rất nhiều. Đó là bà Monique, bà là y tá săn sóc sức khỏe của học sinh nội trú. Gọi là bà, nhưng bà chưa có chồng tuy đã quá trạc 50. Người ác miệng nói là bà không có nhan sắc nghiêng thành do đó mới khó lấy chồng. Nhưng đối với tôi, thì bà là một con người nhân hậu mà tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi gặp bà lần đầu lúc tôi bị bệnh. Mùa đông năm 1963 kỷ lục lạnh, nhiệt độ xuống hơn 15 độ âm. Tôi thiếu quần áo ấm và sau một lớp thể dục ngoài trời tôi bị lạnh phổi và được đưa vào nằm phòng bệnh hai tuần.
Bà Monique mới hỏi tôi gia đình ở đâu, vì trên nguyên tắc, học sinh nhuốm bệnh phải được trả về gia đình, chứ giường bệnh nội trú chỉ là tạm thời, quá lắm là 2, 3 ngày. Sau khi tôi khai hết cảnh ngộ thì không những bà cho phép tôi ở lại mà bà còn chăm lo cho tôi thật tận tụy. Sau này, tôi thường hay lên thăm bà trong giờ chơi, tôi hay tặng bà một miếng bánh sô cô la hoặc là một bó hoa tôi hái trong rừng. Bà cũng thường viết thư trấn an mẹ tôi. Đây không phải là trách nhiệm của bà, tôi cảm nhận đó là lòng thương. Từ lúc đó, tôi mới lại hiểu cụ thể hơn thế nào là hạnh phúc. Hạnh phúc rút cục là sự cảm nhận tình thương mà mọi người dành cho mình. Nhưng trên hạnh phúc đó, còn có cái duyên mà Đấng trên cao đã sắp sẵn cho mình. Tại sao mình lại được hưởng đặc ân đó thì mình thực sự không biết.
Trường học của tôi có một tục lệ là cứ mỗi 15 ngày thì nhà trường tổng vệ sinh nên yêu cầu tất cả học sinh nội trú ra ngoài trong hai ngày cuối tuần. Tất cả học sinh đều đợi dịp đó để về với gia đình nên họ vui tíu tít. Ngược lại đối với tôi thì dịp đó lại gây cho tôi nhiều khó khăn vì tôi không có gia đình, không có nơi để về… Vào hai ngày cuối tuần đó người ta dọn giường của sinh viên nội trú, mở toang cửa số, khóa máy sưởi, rải thuốc Javel, phun vòi nước sát trùng để tổng tẩy uế.
Bà Monique là người đầu tiên cứu tôi, bà đề nghị tôi ở lại trong trường, nhưng ở tạm trong căn phòng dành cho người bệnh. Bà coi đó là một trường hợp bất khả kháng, do đó tôi không thể coi đó là giải pháp thường trực.
Tôi cũng có mấy người bạn Việt Nam ở trong nhà Lào Việt tại Cư Xá quốc tế cho phép tôi trải nệm ngủ lậu qua đêm. Ở đây ông gác dan biết chuyện nhưng ông ấy cũng tốt nên ông không cằn nhằn.
Nhưng riêng tôi lại còn có thêm một phương án khác. Một hôm, tôi gặp lại một bạn xưa tên là Lân, Lân mới rủ tôi tới nhà chị Trà. Chị Trà là một phụ nữ đã đứng tuổi có chân tu.
Nhà của chị Trà là một căn hộ nhỏ bé, vỏn vẹn có một phòng, ở ngoại ô Levallois. Tuy căn nhỏ bé nhưng lúc nào cũng đông sinh viên tới xin ngủ qua đêm. Chị bảo nhà của chị là nhà của Chúa, các em cứ tới trú.
Thế là đêm nào cũng có đứa trải nệm nằm la liệt dưới đất, có hôm năm đứa chúng tôi phải nằm sít gần nhau vì căn phòng nhỏ quá. Nhưng chúng tôi rất vui, vì không những được qua đêm miễn phí nhưng còn có sẵn một bếp nhỏ để nấu xào. Đông như thế làm cho chúng tôi như có gia đình bên cạnh. Hơn thế nữa, chính vì gặp gỡ nhau tại nhà chị Trà mà chúng tôi truyền cho nhau công việc làm để kiếm tiền thêm. Lân thì rủ tôi cùng đi hầu bàn, Hà thì chỉ cho những chỗ để mua trái cây rẻ, những hoa trái già héo sắp thối nhưng vẫn còn ăn được. Huy thì lại chỉ cho tôi một chỗ làm đêm được trả rất hậu hĩnh. Đó là những dịch vụ tại bệnh viện ít ai muốn làm và có chút rủi ro nếu không cẩn thận.
Từ lúc thường gặp những người bạn mới này, tôi không thiếu việc. Hễ mình chấp nhận viêc khó hoặc nặng nhọc thì kế sinh nhai đơn thuần không phải là một vấn đề. Nhận định này cho tôi có được tự tin. Tự tin rằng mình sẽ chẳng bao giờ sợ đói, chỉ một ý tưởng đó thôi đã làm cho tôi thấy cuộc đời đượm tươi màu hồng. Thật vui, thật hạnh phúc. Duy một cái là trong lớp học tôi không được xuất sắc cho lắm.
* * *
Cuối niên học 63-64, cuối cùng tôi cũng thi đậu. Điểm suýt soát, nhưng vừa vặn để lên Đại Học. Vừa đúng lúc đó thì cha tôi cũng hồi sức. Bao nhiêu mây đen phủ trên bầu trời của tôi như dần dần tản bay.
* * *
Phải mấy chục năm sau, tôi mới dám hồi tưởng lại cái thời kỳ kinh khủng đó. Vì khách quan mà nói, nó kinh khủng quá. Nhưng tại sao tôi không giữ lại một chút đắng cay là một điều tôi khó lý giải. Mẹ tôi, khi gặp lại tôi vài năm sau đó mới rõ sự thật, bà cứ khóc mãi, bà tự trách sao trót để đứa con yêu lâm vào cảnh ngộ quái dị như vậy. Nhưng trong lúc mẹ khóc thì tôi lại vui cười sung sướng ôm mẹ. Tôi còn nói với mẹ: “Mẹ ạ, suốt năm học ấy con không khổ chút nào mà rất sung sướng mẹ ạ, mẹ đừng khóc nữa vì chẳng có gì để khóc.”
* * *
Một hôm, vào năm 1994, tôi được cô thư ký đưa lên một đơn xin việc, lúc đó tôi đang làm phó Tổng giám đốc một tập đoàn đa quốc gia. Hồ sơ xin việc có cả hình của người nộp đơn. Tôi nhận ra ngay, đúng hắn, không thể sai, người đã cướp hết tài sản của tôi vào lúc tôi đang tập tễnh ra đời. Cô thư ký nể tôi, cứ mỗi khi có người Việt xin việc thì cô hay báo cáo trực tiếp cho tôi.
Tôi đã hít một hơi thở thật mạnh. Và chỉ trong một chớp mắt, tôi đã chỉ đạo “để cho Ban nhân sự xử lý bình thường đơn xin việc”, tôi không để lộ cho ai chuyện riêng của tôi. Có lẽ hắn cũng đã quên tôi và cả sự việc rồi, hơn 30 năm đã qua. Trong lòng tôi không có chút hận thù mà ngược lại tôi lại có cảm giác nhẹ nhõm hơn, cứ như đã trút được cái gì còn vướng mắc.
* * *
Nghĩ lại chuyện của tôi, tôi không khỏi bàng hoàng và cùng một lúc tôi có cảm giác hạnh phúc. Bàng hoàng vì có lẽ tôi sẽ không bao giờ sẵn sàng sống lại một thời kỳ như thế.
Nhưng tại sao tôi lại có cảm giác hạnh phúc từ sự trải nghiệm đó thì thực tình tôi không rõ.
Phải chăng tôi đã được hưởng trọn niềm hạnh phúc của một con người tự tạo nên. Từ bàn tay trắng tôi đã thành con người tôi ngày nay. Tôi đã lông bông nhưng chưa bao giờ bụi đời. Tôi mới khám phá ra rằng tôi đã được hưởng một cái ADN cứng cỏi, lấy tính hiền từ làm cách hành xử. Lấy nụ cười can trường để làm bia bảo vệ. Những thứ đó như có sẵn trong cơ thể. Rõ ràng tôi chỉ biết mỉm cười mà không biết khóc.
Phải chăng đó là do tính lạc quan. Tôi chưa bao giờ nhìn nỗi khó trước mặt như là một cực hình mà ngược lại tôi đã chỉ trông thấy những cơ hội được mở ra, thậm chí những thách thức rất đáng sống.
Phải chăng là tôi đã hiểu rất sớm rằng hạnh phúc bắt nguồn từ tình yêu thương. Tôi đã được nhà trường Dourdan yêu thương, Cha Paul yêu thương, ông bà gác dan yêu thương, bà y tá Monique yêu thương, chị Trà thánh thượng yêu thương. Thế giới của tôi vào lúc đó chỉ có thế nhưng đó là thế giới của những người tình nghĩa. Tình nghĩa và đoàn kết, biết cảm nhận, biết xót xa, biết chia sẻ. Chia sẻ hột cơm, chia sẻ mồ hôi, chia sẻ ngọt bùi.
Phải chăng là tôi luôn luôn có trong người tế bào hy vọng. Tương lai sẽ luôn luôn sáng nếu còn hy vọng. Thực ra, chính khi mình nằm tận đáy thì mình mới bám vào hy vọng để trông chờ. Từ đáy thì mình chỉ có thể vươn lên, tương lai chỉ có thể sáng hơn.
Phải chăng là tôi có một niềm tin mãnh liệt nơi Đấng trên cao. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Nhưng, trong lời cầu nguyện tôi luôn luôn chỉ xin có thêm sức mạnh và sự soi sáng của Thượng đế chứ tôi chưa bao giờ xin những thứ khác. Và tôi ngạc nhiên tôi chưa bao giờ bị Đấng trên cao bỏ rơi.
* * *
Có lần tôi hỏi cha tôi: “Bố ạ, thế nào là thành công? Thế nào là một cuộc đời sung mãn và hạnh phúc?”
Ông nhìn đứa con và chậm rãi trả lời: “Người thành công là người muốn khẩn khoản chia lại những gì phúc lành đã ban cho mình. Chia lại tài sản, chia lại kiến thức, chia lại kinh nghiệm sống”.
Tôi lại hỏi cha: “Còn thế nào là hạnh phúc?” thì cha mới mỉm cười và ôn tồn chia sẻ với tôi: “Con ạ, hạnh phúc là cái gì con cảm nhận được khi con đã chia sẻ thật nhiệt tình, với tất cả lòng trong sáng từ bi.”
Và cha còn nói thêm: “Con hãy đem cả thân thế của con để xây dựng tình người, con hãy dùng tài sản riêng tư như là những viên gạch để kết nối và đoàn kết người với người. Con đừng bao giờ nhìn lên hay nhìn xuống mà coi mỗi người như là một người bạn đồng hành, đón nhận họ với những cá tính của họ, con hãy quý trọng ý kiến của mỗi người, vì chỉ có sự đa dạng mới làm nên một xã hội hùng mạnh, một đất nước trù phú.”
Những lời của cha còn văng vẳng bên tai. Nghĩ lại tôi vẫn choáng váng, và tôi chỉ mong suốt cuộc đời xứng đáng với ước niệm của cha.
🙂
http://cafebiz.vn
—————————-