HÊ-LI
“Các ngươi… không để lòng dâng sự vinh hiển cho danh Ta.”
Ma-la-chi 2:2
Đối tượng để Ma-la-chi viết: “các ngươi… không để lòng dâng sự vinh hiển cho danh Ta” chính là các thầy tế lễ của Y-sơ-ra-ên. Họ đang thi hành chức vụ trong ngôi đền thờ mới tái thiết vào giai đoạn người Do Thái được hồi hương sau cuộc lưu đày, song các thầy tế lễ đã không thờ phượng với thái độ tin kính Chúa. Mặc dù vậy, lời răn dạy của Ma-la-chi vẫn có thể được áp dụng cho những thầy tế lễ không trung tín vào bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử Do Thái và thậm chí câu Kinh Thánh này có thể được áp dụng cho bất kỳ Cơ Đốc Nhân nào đang cần nhận lời cáo trách. Đặc ân của Cơ đốc nhân là “làm chức tế lễ thánh… là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh” (1 Phi 2:5, 9), và nhiệm vụ cao cả của họ chính là hầu việc Đức Chúa Trời với cương vị của thầy tế lễ.
Từ kabod trong tiếng Hê-bơ-rơ chính là từ khóa của cả câu chuyện về Hê-li. Từ này có nghĩa là “nặng nhọc” hoặc “nặng nề,” và được dùng trong 1 Sa-mu-ên 4:18 để diễn tả Hê-li “già yếu và nặng nề.” Một ý nghĩa khác của từ này đó là “vinh quang,” như trong 1 Sa-mu-ên 4:19-22 đứa trẻ mới sanh được đặt tên là Y-ca-bốt, nghĩa là “thiếu sự vinh hiển” hoặc “sự vinh hiển đã rời khỏi.” Trong 2 Cô-rinh-tô 4:17, Phao-lô liên kết hai khái niệm về sự vinh quang và sự nặng nề trong một câu Kinh Thánh: “Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên.” Từ này cũng nghĩa là “sự tôn trọng” bởi vì những người đáng kính “mang lấy gánh nặng” và thường có nhiều của cải.
Chủ đề “sự tôn kính Chúa” đã được thể hiện qua đời sống và chức vụ của Hê-li như thế nào?
ĐỨC CHÚA TRỜI TÔN QUÝ HÊ-LI
Bắt đầu câu chuyện, Đức Chúa Trời trong sự tể trị của Ngài đã sắp đặt cho Hê-li được sinh ra là một người Do Thái. Điều này nghĩa là ông được biết về một Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp; rằng ông là con của lời hứa; và ông có được đặc quyền thuộc linh mà chỉ người Do Thái có được (Rô-ma 9:1-5). Khi Đức Chúa Giê-su đến thế gian và hoàn thành công tác cứu chuộc, các đặc quyền trên được mở rộng cho người ngoại quốc nào tin nhận Chúa (Ê-phê-sô 2:11-22). Là một người Do Thái đã là một đặc ân, nhưng được làm một thầy tế lễ cả để phục vụ nơi bàn thờ lại càng là đặc ân vĩ đại. Hê-li là hậu tự của Y-tha-ma, là con thứ tư của A-rôn.
Tiếp theo, Đức Chúa Trời tôn quý Hê-li qua việc ban cho ông một người vợ, người đã sinh cho ông ít nhất hai người con. Các cặp gia đình tại Y-sơ-ra-ên rất muốn có con, đặc biệt là con trai để nối dõi và bảo vệ sản nghiệp của gia đình. Trong gia đình của thầy cả thượng phẩm thì điều này lại càng quan trọng bởi vì con trai sẽ tiếp tục chức vụ của cha.
Song, có lẽ điều tôn quý lớn nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho Hê-li đó là cơ hội được dạy dỗ chàng trai trẻ Sa-mu-ên và chuẩn bị chàng trai này cho công tác phục vụ dân tộc Y-sơ-ra-ên. Sa-mu-ên là người sẽ xức dầu cho Đa-vít trở thành vua của Y-sơ-ra-ên, và Cứu Chúa sẽ ra từ dòng dõi vua Đa-vít. Thật vậy, Hê-li là người được Đức Chúa Trời tôn quý. Trong đêm Sa-mu-ên lắng nghe giọng nói, Hê-li đã đủ sáng suốt để nhận biết đó là tiếng Chúa. Sa-mu-ên không được sống với một gia đình tin kính nhất trong dân Y-sơ-ra-ên, song Đức Chúa Trời đã bảo vệ và chuẩn bị ông để thực hiện chức vụ của mình. Cha mẹ đã dâng Sa-mu-ên cho Chúa, và Ngài chăm lo cho ông. Vậy chẳng phải ngày nay Đức Chúa Trời cũng có thể chăm lo cho con cháu của chúng ta khỏi mọi tác động không tin kính tại trường học hay sở làm hay sao?
HÊ-LI KHÔNG TÔN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI
Đức Chúa Trời tôn quý Hê-li, nhưng lòng Hê-li không tôn kính Chúa. Câu chuyện đi từ ân sủng sang ghét bỏ. “Con trai tôn kính cha mình, đầy tớ tôn kính chủ mình. Vậy nếu ta là cha, nào sự tôn kính thuộc về ta ở đâu? Và nếu ta là chủ, nào sự kính sợ ta ở đâu?” (Ma-la-chi 1:6). Vì già cả và đôi mắt hóa mù, Hê-li giao công việc chức vụ cho hai người con, song Hê-li đã không giám sát con mình theo luật pháp. Họ đã không dâng của lễ theo luật pháp Môi-se và làm điều đúng đắn. Họ đã coi thường của lễ thánh của Đức Chúa Trời và “vỗ béo chính mình” với những phần ngon nhất của thú vật được dâng hiến (xem 1 Sam-mu-ên 2:12-17; 29; Ma-la-chi 1:8-9).
Tệ hơn thế nữa, hai người con trai này đã ngủ với những người phụ nữ hầu việc tại cửa hội mạc (1 Sam-mu-ên 2:22; cũng xem Xuất. 38:8). Chúng ta không rõ những người nữ này làm công tác gì, nhưng các con trai Hê-li đã ăn nằm cùng họ và vi phạm luật pháp Chúa. Họ hành xử như các thầy tế lễ của các tà thần ngoại quốc xung quanh họ là những người thực hiện các nghi lễ bẩn thỉu với các kỵ nữ trong đền thờ (Phục 23:17-18). Đây quả thật là một hành động đáng xấu hổ đối với các thầy tế lễ của Đức Giê-hô-va!
Hê-li biết các việc ấy, nhưng ông không kỷ luật con trai mình, ngược lại, sự quở trách nhẹ nhàng của ông không hề khiến hai người con trai thay đổi hành vi (1 Sam-mu-ên 2:22-25). Thậm chí Đức Chúa Trời đã sai một tiên tri vô danh đến để cảnh báo Ê-li mà nói rằng khi bỏ qua việc ác của con trai, Hê-li đã phạm trọng tội cũng như con trai mình và họ sẽ bị Đức Chúa Trời trừng phạt (1 Sam-mu-ên 2:27-36). Đại từ “các ngươi” trong câu 29 chỉ về số nhiều, nghĩa là cả Hê-li lẫn hai con của ông. Hê-li vị nể con mình hơn là tôn kính Chúa, điều này nghĩa là ông làm ô danh Chúa và phải trả giá cho hành động của mình.
Khi quân đội Y-sơ-ra-ên thất bại trong cuộc chiến đầu tiên với đội quân Phi-li-tin, họ đã quyết định đem hòm giao ước ra khỏi lều tạm để đến chiến trường và xem hòm giao ước như một “bùa hộ mệnh” (1 Sam-mu-ên 4:1-11). Quân lính biết rằng chiếc hòm đại diện cho ngôi của Đức Chúa Trời và sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa dân sự Ngài, hơn thế nữa chiếc hòm thường đem lại chiến thắng cho người Y-sơ-ra-ên trong quá khứ (xem Dân 10:33-36; Giô-suê 6:6-27; Thi 80:1). Nhưng con trai của Hê-li là Hóp-ni và Phi-nê-a là những thầy tế lễ ô uế, họ không phải là những lãnh đạo tin kính Chúa giống như Môi-se và A-rôn; và để lấy được chiếc hòm giao ước, hai người phải tiến vào nơi chí thánh của đền tạm! Đặc quyền ấy chỉ được ban cho thầy tế lễ thượng phẩm, và chỉ một lần mỗi năm vào ngày Đại Lễ Chuộc Tội. Cả hai thầy tế lễ trần tục nầy đã tiếm quyền và hành động một cách không kính sợ Chúa, nhưng Hê-li không kêu cầu Chúa để dừng họ lại, hoặc ông cũng không tự mình ngăn cản họ.
Dù chúng ta nhìn vào hoàn cảnh này như thế nào, Hê-li đều thể hiện mình là một thầy tế lễ vô tâm và không vâng lời Chúa, ông đã không dạy hai con trai mình trong sự kính sợ Đức Chúa Trời. Ma-la-chi tả về thầy tế lễ hoàn hảo của Đức Chúa Trời trong Ma-la-chi 2:5-6: “Giao ước của ta với Lê-vi vốn là sự sống và sự bình an mà ta đã ban cho nó, hầu cho nó kính sợ ta; thì nó đã kính sợ ta, và run rẩy trước danh ta. Luật pháp của sự chân thật đã ở trong miệng nó, trong môi miếng nó chẳng có một sự không công bình nào; nó đã bước đi với ta trong sự bình an và ngay thẳng, làm cho nhiều người xây bỏ khỏi sự gian ác.”
ĐỨC CHÚA TRỜI HẠ THẤP HÊ-LI
“Phàm ai tôn kính ta, ta sẽ làm cho được tôn trọng, còn ai khinh bỉ ta, tất sẽ bị khinh bỉ lại” (1 Sam-mu-ên 2:30). Từ “bị khinh bỉ lại” nghĩa là “bị rủa sả, bị hạ thấp, bị coi khinh.” Thầy tế lễ là những người chúc phước cho dân sự và họ là một nguồn phước, nhưng Hê-li và các con của ông đã khinh bỉ Chúa, luật pháp và của tế lễ của Chúa, và đây chính là thời điểm Chúa sẽ đoán xét họ.
Mỗi một ngày Hê-li đều chịu sự đoán phạt. Đầu tiên, quân đội Phi-li-tin chiến thắng quân đội Y-sơ-ra-ên và đoạt lấy hòm giao ước, là ngôi Đức Chúa Trời. Sau đó cả Hóp-ni và Phi-nê-a đều bị giết, còn vợ của Phi-nê-a thì qua đời trong cơn sinh nở. Bà đặt tên con trai mình là Y-ca-bốt, nghĩa là “sự vinh hiển đã rời khỏi.” Khi Hê-li nghe tin từ chiến trường, ông đã đột quỵ, bị ngất đi, ngã người ra sau, gãy cổ mà chết, tệ hơn nữa, tất cả những điều này xảy ra là do cơ thể nặng nề của ông.
Nhưng đó chưa phải là hết: Đức Chúa Trời xóa bỏ chức tế lễ khỏi nhà Hê-li. Trong thời vua Sau-lơ, các thầy tế lễ bị thảm sát tại Nóp đều là hậu tự của Hê-li (1 Sam-mu-ên 22:18-19), và chính Sa-lô-môn đã truất phế thầy tế lễ cuối cùng của nhà Hê-li là A-bia-tha vì đã đứng về phe A-đô-ni-gia mà âm mưu chiếm ngôi vua (1 Các vua 2:26-27). Xa-đốc được lập làm thầy tế lễ thay cho A-bia-tha (1 Các vua 2:35), vậy lời tiên tri do người của Đức Chúa Trời công bố cho Hê-li và gia đình ông đã được ứng nghiệm (1 Sam-mu-ên 2:30-36).
Bi kịch khủng khiếp nhất không phải là khi Hê-li mất con, mất con dâu, cũng không phải là ông mất chính mạng sống mình, nhưng thảm kịch chính là Hê-li đã khinh thường danh Chúa và đánh mất đi đặc quyền được hầu việc Chúa trong cương vị thầy tế lễ, và hậu tự của ông cũng vậy. Những ai còn trẻ thì sẽ phải chết mà không có cơ hội được làm thầy tế lễ, còn những ai được sống lâu hơn thì đều bị loại bỏ bởi vì những thiếu sót cá nhân.
ĐỨC CHÚA TRỜI MUỐN TÔN QUÝ CHÚNG TA
Đức Chúa Trời hứa rằng: “Phàm ai tôn kính ta, ta sẽ làm cho được tôn trọng,” chúng ta có thể nương dựa nơi lời hứa này. Cứu Chúa của chúng ta đã sống và chết để tôn vinh Đức Chúa Cha, Ngài chính là tấm gương để chúng ta noi theo. “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (Giăng 17:4). Đây là những lời cầu nguyện của Đức Chúa Giê-su trong lúc Ngài “báo cáo” cho Đức Chúa Cha trước khi đi đến khu vườn mà tại đó Ngài sẽ bị bắt, bị tra hỏi, bị kết tội và bị đóng đinh. Dù người ta đã nói về Ngài như thế nào tại các phiên tòa hoặc họ đã nói gì với Ngài khi Ngài bị treo trên cây gỗ, Đức Chúa Giê-su biết Ngài đã trung tín tôn vinh Đức Chúa Cha và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.
Hãy cầu nguyện để đời sống chúng ta sẽ khép lại với sự đảm bảo vui mừng, và hãy sống làm vui lòng Đức Chúa Cha để Ngài tôn quý chúng ta. Điều này có nghĩa chúng ta phải chú ý đến những điều thiết yếu sau:
- Sự cầu nguyện – Thi thiên 50:15 và 91:15
- Sự cảm tạ – Thi thiên 50:23
- Lòng rộng rãi – Châm ngôn 3:9-10
- Sự vâng phục – Thi thiên 84:11
- Tận tâm phục vụ – Giăng 12:23-26
Hãy đọc và suy ngẫm các câu Kinh Thánh trên.
Con người có tôn trọng chúng ta hay không điều đó không thật sự quan trọng, bởi vì sự ca ngợi của con người chỉ là tạm thời hoặc là sự ca ngợi rẻ tiền. Nếu chúng ta tôn kính Chúa thì chúng ta đang xây dựng đời sống và mục vụ của mình bằng “vàng, bạc và đá quý”, nhưng nếu chúng ta chỉ sống và làm việc để nhận được sự ca ngợi của người khác thì chúng ta chỉ sống vì “gỗ, rơm rạ” (1 Cô-rinh-tô 3:12). Sự tôn quý và ca ngợi của con người sẽ bị đốt cháy như gỗ, rơm rạ. Nhưng vàng, bạc và ngọc quý sẽ được làm thành một chiếc vương miện đầy vinh hiển mà chúng ta sẽ dâng lên cho Đức Chúa Giê-su, bởi vì chỉ một mình Ngài xứng đáng với mọi sự tôn quý và ngợi khen. Khi chúng ta đặt chiếc vương miện của mình nơi chân Ngài, chúng ta sẽ hòa cùng thiên đàng trong bài hát: “Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!” (Khải. 5:12).
Warren W. Wiersbe
Translated by Vinh Hien
GIỚI THIỆU:
(Hình ngôi nhà cần bán)
Cần bán nhà mặt tiền. Địa chỉ: 26 Đường số 2, Khu Dân Cư Thăng Long, Phường Bình Trị Đông B. Quận Bình Tân. TP. HCM. Diện tích đất: 120 mét vuông. Diện tích xây dựng: 73,75 mét vuông. Diện tích sàn: 215,75 mét vuông. Giấy tờ hợp lệ (sổ hồng). Liên hệ: Thùy Trang. ĐT: 0903140125; 0989249554
Mô tả chi tiết:
Phòng khách:1
Phòng họp trên lầu 3 đủ chỗ cho 70 người ngồi: 1
Phòng vệ sinh: 7
Phòng ngủ: 4
Nhà bếp:1
Ga-ra để ô tô: 1
Có thể xem sổ hồng sau đây:
Những ai có thiện chí, vui lòng đến khảo sát nhà và thương lượng giá cả phù hợp.