Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Ai Có Quyền Tha Tội?

Ai Có Quyền Tha Tội?

Nan đề lớn nhất của loài người là phạm tội. Không có nan đề nào lớn hơn. Khuynh hướng tội lỗi đeo đuổi con người ngay từ khi còn bé. Không cha mẹ nào dạy con phạm tội nhưng em bé nào cũng tham lam, tranh giành, hờn giận, dối trá, kiêu ngạo, chống nghịch, không vâng lời. Hành vi phạm tội dẫn đến mặc cảm tội lỗi, hối tiếc, ăn năn, muốn từ bỏ tội nhưng lại tiếp tục phạm tội. Mỗi người dù nam hay nữ đều là người nô lệ của tội lỗi. Tội lỗi luôn dẫn đến hình phạt, và mặc cảm tội lỗi luôn luôn vấn vương. Kinh Thánh khẳng định, “Mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Từ trong bản chất, mọi người là những tội nhân.

Nhu cầu lớn nhất của loài người là được tha tội. Được tha tội là được bình an, nhẹ nhàng. Gánh nặng vơi đi, tự do hiện đến. Hòa bình được tái lập. Người nào dù ở đâu trên thế giới cũng đều mong muốn được tha tội. Mọi mối quan hệ trong gia đình và xã hội sẽ được khôi phục chỉ nhờ được tha tội. Được tha chỉ có hai cách, một là tự tha, hai là nhờ Trời tha. Nhưng từ xưa đến nay, không một người nào tìm ra được giải pháp để giúp mình được tha tội. Ai nấy đều thừa nhận là chỉ có Trời ban cho khả năng tha chúng ta mới có thể tha. Chỉ có Trời tha chúng ta mới được tha mà thôi.

Chúa Giê-su là người tha tội nhiều nhất

Một trong những khía cạnh quan trọng khiến Chúa Giê-su khác biệt với mọi người là Ngài đã không bao giờ làm sai hay phạm tội nào cả. Trong 33 năm sống ở trên đời Chúa Giê-su chưa hề xin lỗi, xin lỗi Trời hay xin lỗi người. Nhiều người tìm đến với Ngài. Cả rừng người chen nhau đến gần Ngài. Ngài yêu thương, Ngài ban cho và nhất là Ngài tha thứ tội. Người được Chúa tha là người được chữa lành. Chúa biết một người được tha là người được giải thoát. Những nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời thường ghét Chúa Giê-su chỉ vì Chúa thích tha tội. Họ luôn theo dòm ngó để bắt lỗi Chúa trong lời nói và trong việc làm, nhưng họ không tìm ra được lỗi phạm nào. Ngược lại họ thấy Chúa Giê-su là người tha tội nhiều nhất. Chúa thường dạy chúng ta hãy tha thứ, “Hãy yêu kẻ thù, làm ích cho kẻ ghét anh em, hãy tha thứ…” Chúa không chỉ dạy chúng ta biết tha thứ nhưng chính bản thân Chúa là người đã sống tha thứ. Ngày nay người Việt chúng ta cần được tha thứ và tha cho nhau biết bao.

Chúa Giê-su không ngại nói lời tha thứ. Những nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời tin rằng chỉ có Đức Chúa Trời có quyền tha tội nên họ hoàn toàn phủ nhận Chúa Giê-su khi Ngài lên tiếng tha tội. Họ thấy Chúa Giê-su chỉ là một người mà sao dám sánh mình ngang với Đức Chúa Trời. Nếu nhận Chúa Giê-su tha thứ có nghĩa là nhận Chúa Giê-su chính là Đức Chúa Trời. Họ không biết và không tin Chúa Giê-su là hiện thân của Đức Chúa Trời. Nhưng Chúa Giê-su lại sẵn sàng lên tiếng tha tội y như chính Ngài là Đức Chúa Trời tuyên bố tha tội.

Được tha để được chữa lành

Chúng ta hãy nghe tác giả Mác kể lại chuyện nầy một lần nữa.

Vài ngày sau, Đức Chúa Giê-su trở lại thành Ca-bê-na-um, dân chúng nghe tin Ngài ở trong nhà nên tụ họp lại rất đông, đến nỗi ngay trước cửa cũng không còn chỗ trống. Ngài giảng đạo cho họ. Bấy giờ có bốn người khiêng đến cho Ngài một người bại liệt. Vì đám đông, họ không thể đem người ấy đến gần Ngài được, nên đã dỡ mái nhà ngay trên chỗ Ngài đang ngồi, rồi từ lỗ trống đó họ dòng giường người bại xuống. Thấy đức tin của họ, Đức Chúa Giê-su phán với người bại: “Hỡi con, tội lỗi con đã được tha.” Nhưng có mấy thầy thông giáo ngồi đó, thắc mắc trong lòng rằng: “Sao người nầy nói như vậy? Thật là phạm thượng! Ngoài Đức Chúa Trời còn ai có thể tha tội được?” Trong thâm tâm Đức Chúa Giê-su đã nhận biết ngay những gì họ đang nói với nhau, nên phán: “Tại sao trong lòng các ngươi lại thắc mắc như vậy? Theo các ngươi thì giữa việc bảo người bại liệt rằng: ‘Tội con đã được tha’, và việc bảo: ‘Hãy đứng dậy vác giường mình mà đi’, việc nào dễ hơn? Nhưng, để các ngươi biết rằng Con Người ở thế gian có thẩm quyền tha tội”. Ngài phán với người bại liệt: “Ta bảo con, hãy đứng dậy, vác giường và đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, lập tức vác giường đi ra trước mặt mọi người, đến nỗi ai nấy đều kinh ngạc và tôn vinh Đức Chúa Trời rằng: “Chúng ta chưa từng thấy việc như vậy bao giờ!” (Mác 2:1-11)

Chúa Giê-su dùng trường hợp Chúa làm phép lạ chữa bệnh để dạy rằng Chúa có quyền tha tội. Không một chứng nhân nào có thể xác chứng một người được tha tội nhưng ai cũng có thể xác nhận một người được chữa lành. Trong trường hợp nầy Chúa Giê-su kết hợp cả hai vấn đề. Phép lạ chữa lành là một dấu hiệu chứng tỏ Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời, Đấng duy nhất có quyền tha tội.

Dân chúng biết ngay từ đầu Chúa Giê-su có quyền năng chữa bệnh. Ngay cả kẻ thù của Ngài cũng biết vậy. Điều Chúa muốn họ thấy là Ngài quan tâm đến mối liên hệ thuộc linh của họ với Đức Chúa Trời. Được tha tội là phần căn bản để phục hồi mối liên hệ đó. Chúa Giê-su là người duy nhất có thể giúp giải quyết mối liên hệ vốn đã bị đứt đoạn giữa Trời và người. Có một số đông người nghe lời dạy của Chúa Giê-su và bước đi theo Ngài, chỉ những nhà lãnh đạo thì chuyên môn chống đối. Họ công nhận quyền phép của Chúa nhưng họ chống đối sự tha tội của Chúa. Ngày nay vẫn có một số người bị vấp phạm vì chân lý nầy. Họ khước từ Chúa Giê-su vì họ không chấp nhận được làm sao Chúa Giê-su có thể là Đấng duy nhất đưa con người trở lại với Trời và Ngài là người duy nhất có quyền tha tội được. Họ vấp phạm và té nhào trước vầng đá lớn nầy.

Một thời gian sau khi chữa lành người bại, Chúa Giê-su lại bày tỏ thẩm quyền tha tội một cách khác rất lạ lùng. Tác giả Lu-ca đã kể lại chuyện nầy:

Được tha để được yêu nhiều

“Một người Pha-ri-si mời Đức Chúa Giê-xu dùng bữa với mình. Ngài vào nhà người Pha-ri-si ấy và ngồi vào bàn. Có một người đàn bà tội lỗi ở thành đó nghe nói Ngài đang ngồi ăn tại nhà người Pha-ri-si, nên đem đến một bình bằng ngọc đựng đầy dầu thơm. Nàng đứng đằng sau, nơi chân Đức Chúa Giê-xu mà khóc, nước mắt thấm ướt cả chân Ngài; rồi

nàng lấy tóc mình lau, hôn chân Ngài, và xức dầu thơm lên. Người Pha-ri-si đã mời Ngài, thấy vậy, thầm nghĩ: “Nếu người nầy thật là nhà tiên tri, chắc đã biết người đàn bà chạm đến mình đó là ai, thuộc hạng người nào, vì nàng là kẻ tội lỗi.” Đức Chúa Giê-xu phán với ông: “Hỡi Si-môn, Ta có vài lời nói với ngươi.” Ông thưa: “Xin Thầy cứ nói.” Ngài phán: “Một chủ nợ có hai con nợ: Một người nợ năm trăm đơ-ni-ê, người kia nợ năm chục. Vì hai người đều không có gì để trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy, trong hai người đó, ai thương chủ nợ hơn?” Si-môn thưa: “Tôi tưởng là người mà chủ đã tha nhiều nợ hơn.” Đức Chúa Giê-xu phán: “Ngươi đoán phải lắm.” Ngài quay lại phía người đàn bà và phán với Si-môn: “Ngươi thấy người đàn bà nầy không? Ta vào nhà của ngươi, ngươi không cho nước rửa chân; nhưng chị ấy đã lấy nước mắt thấm ướt chân Ta, rồi lấy tóc mình mà lau. Ngươi không hôn Ta, nhưng từ khi Ta vào nhà của ngươi, chị ấy luôn hôn chân Ta. Ngươi không xức dầu cho đầu Ta, nhưng chị ấy lấy dầu thơm xức chân Ta. Vì thế, Ta bảo ngươi, tội lỗi của người đàn bà nầy nhiều lắm, nhưng đã được tha hết, nên chị ấy yêu mến nhiều; còn người được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Ngài phán với người đàn bà: “Tội lỗi con đã được tha.” Các người ngồi cùng bàn với Ngài nói với nhau: “Người nầy là ai mà có quyền tha tội?” Nhưng Ngài phán với người đàn bà: “Đức tin của con đã cứu con; hãy đi bình an.” (Lu-ca 7:36-50)

Câu chuyện nầy thật mỉa mai. Người Pha-ri-si mời Chúa Giê-su vào nhà mình đã thầm nghĩ rằng cung cách của Chúa Giê-su tỏ ra Ngài không phải là Đấng tiên tri khi tại sao một thánh nhân như Ngài mà lại để cho một phụ nữ mà Ngài biết là tội lỗi chạm đến Ngài? Tác giả Lu-ca đã cho thấy Chúa Giê-su làm như vậy là vì Ngài đã biết tội lỗi của người đàn bà và tấm lòng ăn năn của bà. Trong khi người Pha-ri-si lên án Chúa Giê-su vì nghĩ sai tưởng Chúa không biết gì về người đàn bà, thực ra ông đã tự lên án chính mình vì ông đã không biết về tình trạng tội lỗi hư hoại của chính ông.

Chúng ta thấy rõ Chúa Giê-su đã tuyên bố tha tội cho người đàn bà ăn năn. Ngài phớt tỉnh những lời bình của những ai thắc mắc về quyền tha tội của Ngài. Và Chúa tiếp tục nói với người đàn bà về sự cứu rỗi và bình an. Chúa Giê-su đã tuyên bố rõ ràng Ngài là Đấng duy nhất có quyền tha tội. Được tha tội để được cứu rỗi và bình an.

Được tha tội vì biết ăn năn

Trường hợp hay nhất và rõ nhất về quyền năng tha tội của Chúa Giê-su được bày tỏ trên thập tự giá. Chúa sẵn sàng tha tội cho mọi người biết ăn năn và không trường hợp nào là quá trễ.

  1. Trường hợp tên cướp ăn năn.

Một trong hai tên tội phạm bị treo cũng phỉ báng Ngài rằng: “Ông không phải là Đấng Cơ Đốc sao? Hãy tự cứu lấy mình và cả chúng tôi nữa!” Nhưng tên kia quở trách nó: “Mầy đang chịu cùng một hình phạt, còn chẳng sợ Đức Chúa Trời sao? Chúng ta bị phạt là đúng, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm; nhưng người nầy không hề làm một điều gì sai trái.” Rồi anh ta nói: “Lạy Giê-su, khi Ngài đến trong vương quốc mình rồi, xin nhớ đến con!” Đức Chúa Giê-su đáp: “Thật, Ta bảo con, hôm nay con sẽ được ở với Ta trong Ba-ra-đi.” (Lu-ca 23:43)

Tên cướp nầy lúc đầu cũng hòa theo mắng nhiếc Chúa và đã nói mỉa mai Ngài. Nhưng sau khi chứng kiến hành động, lời nói của Chúa, diễn ra ngay trước mặt anh thì anh đã đổi ý. Anh đã thực sự ăn năn và tin nhận Chúa vào ngay trong giờ phút chót. Chúng ta tin rằng anh nầy đã được cứu vì anh đã nghe chính lời của Chúa nói với anh, ngay trên cây thập tự, “Hôm nay con sẽ ở với ta trên thiên đàng.” Rõ ràng người tử tội nầy đã không cần ai làm phép, không cần ai cầu bầu, không cần ai làm phước, anh ta chỉ thật lòng ăn năn tội với Chúa và kêu cầu Chúa. Tôi tin rằng ngay giờ phút nầy khi Thánh Linh của Chúa cảm động lòng bạn, bạn biết ăn năn tội và kêu cầu Chúa tha tội, lập tức bạn sẽ được Chúa tha. Bạn sẽ được cứu và tâm hồn bạn được bình an. Đây chính là tin mừng cho nhân loại.

  1. Trường hợp Chúa Giê-su cầu xin Cha tha cho những kẻ đóng đinh Ngài.

Họ cũng giải hai tên tội phạm khác để xử tử chung với Ngài. Khi đến một chỗ gọi là Đồi Sọ, họ đóng đinh Ngài vào thập tự giá cùng với hai tên tội phạm, một tên bên phải, một tên bên trái Ngài. Đức Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” Rồi họ bắt thăm chia nhau áo choàng của Ngài. Dân chúng thì đứng nhìn, còn những người lãnh đạo thì chế giễu Ngài rằng: “Nó đã cứu kẻ khác. Nếu nó thật là Đấng Cơ Đốc, người được chọn của Đức Chúa Trời, thì hãy để nó tự cứu mình đi!” Quân lính cũng chế giễu Ngài, lại gần đưa giấm cho Ngài uống, và nói: “Nếu ngươi là Vua dân Do Thái, hãy tự cứu mình đi!” Phía trên đầu Ngài có dòng chữ: NGƯỜI NẦY LÀ VUA DÂN DO THÁI (Lu-ca 23:32-38)

Không tội lỗi nào khủng khiếp hơn là tội của những tên lính La-mã đã đánh đập Chúa Giê-su cách tàn nhẫn, hung bạo và điên cuồng. Kinh Thánh mô tả hình ảnh Chúa bị thương tích khủng khiếp đến nỗi không ai dám nhìn xem. Hình ảnh Chúa Giê-su bị đóng đinh trên tự giá thật lạ lùng. Ngài là người thật đã chịu đựng sự đau đớn thật vì tội của mọi người. Ngài là Trời thật đến nỗi Ngài có thể tha tội cho những kẻ đang tra tay giết Ngài. Với lý do chỉ một mình Chúa đã nghĩ ra. Họ đã đánh đập Ngài và đã giết Ngài vì họ không biết Ngài là ai. Ngày nay nhiều người phạm tội coi thường Chúa và không cầu khẩn Ngài chỉ vì họ chưa biết Ngài là ai. Thế gian, tội lỗi, Satan đã và đang bịt mắt tối lòng nhiều người khiến nhiều người tiếp tục mù lòa tâm linh và không thấy đường. Bạn đang nghĩ Chúa Giê-su là ai? Bạn có biết Chúa Giê-su là ai không?

Chúa Giê-su vẫn còn chờ đợi bạn và Ngài đang cầu thay cho bạn với lý do là bạn không biết mình đang làm gì.

Có phải bạn đang dập tắt tiếng nói lương tâm, tiếng gọi của Chúa, tiếng phán của Thánh Linh.

Chắc chắn có một số lính đóng đinh Chúa hôm ấy được Chúa xin Cha tha cho đã được Chúa Thánh Linh cảm động và trở lại tin Chúa trong Lễ Ngũ Tuần. Có 3,000 người tin Chúa nhờ lời cầu nguyện trên thập tự giá của Chúa Giê-su. Ai nấy vẫn còn cơ hội.

Tôi tin Chúa đang dành cho bạn cơ hội kêu cầu Chúa để được tha. Ngay hôm nay. Hãy chạy mau đến với Chúa, vì Ngài là người duy nhất có quyền tha tội.

NGƯỜI ĐƯỢCTHA SẼ CÓ KHẢ NĂNG THA 

Tôi thích đọc sách của Dr. Tim LaHaye. Sách của ông nhiều chi tiết và lối viết văn của ông dễ đọc. Kinh nghiệm của ông thật phong phú. Trong một quyển sách ông đã kể lại câu chuyện sau đây:

“Tôi nhớ có lần cầu nguyện với một người đàn ông giận dữ đầy ghen ghét. Ông ta có mối liên hệ nghèo nàn với cả gia đình ông.

Trải qua một thời gian dài tôi có dịp chia sẻ phúc âm của Chúa cho ông, và một ngày kia ông đã quỳ gối xuống và cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Sau một vài phút từng trải sự bình an với Chúa, ông thình lình đứng lên và nói, “Ôi Chúa ơi, tôi sẽ đi tha thứ cho cha tôi.” Và ông ta đã kể cho tôi nghe cả đời ông bị lạm dụng và từ chối đau đớn bởi chính người cha ruột của ông. Trong nhiều năm ông thù ghét người cha và đã phá vỡ mối liên hệ yêu thương với người cha.

Tôi đã khuyên ông hãy tha thứ cho người cha và chỉ ra rằng Chúa Giê-su có thể giúp ông khả năng tha thứ. Tôi đã cầu nguyện cho ông học được cách tha thứ cho người cha và quên đi quá khứ. Và ông đã đi về nhà nói với vợ về đức tin mới tìm được của ông.

Ngày hôm sau ông gọi điện cho tôi và nói, “Tôi đã ngủ giấc ngon nhất đêm qua sau nhiều năm không ngủ được.” Ông cũng cho biết đã xin lỗi vợ ông về những thương tổn mà ông đã mang đến cho đời sống bà. Rồi ông nói, “Thứ bảy tới tôi sẽ đi đến nhà cha tôi và xưng nhận mối giận dữ của tôi đối với ông trong nhiều năm qua.”

Điều nầy không dễ đối với một người như ông, nhưng ông đã làm y như điều ông nói. Ông kể lại rằng trong chuyến thăm của ông, cha ông đã khóc và không nói được câu nào. Và Mục Sư LaHaye đã kể tiếp, “Sau sáu tháng bạn tôi đã dắt dẫn người cha đến với Chúa và ngay hôm nay họ đang xây dựng tình bạn với nhau. Cả nhà ông đều nghĩ rằng ông là một phép lạ biết đi. Như một trong

những đứa con nhỏ của ông đã nói, “Cha tôi trở nên người biến đổi đến nỗi ngay cả con chó cưng của tôi bây giờ cũng thích ông!”

Chúa Giê-su vẫn còn thi hành sự tha tội và Ngài vẫn còn ban cho những người tin Ngài khả năng để tha tội. Khả năng tha thứ chỉ có Trời tha. Hãy nhanh chóng cầu xin sự tha thứ từ Chúa và hãy nhanh chóng tha cho người mắc nợ với mình. Hãy nhớ Chúa Giê-su là người duy nhất có quyền tha tội.

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ

 

GIỚI THIỆU:

(Hình ngôi nhà cần bán)

Cần bán nhà mặt tiền. Địa chỉ: 26 Đường số 2, Khu Dân Cư Thăng Long, Phường Bình Trị Đông B. Quận Bình Tân. TP. HCM. Diện tích đất: 120 mét vuông. Diện tích xây dựng: 73,75 mét vuông. Diện tích sàn: 215,75 mét vuông. Giấy tờ hợp lệ (sổ hồng). Liên hệ: Thùy Trang. ĐT: 0903140125  

 

Mô tả chi tiết:
Phòng khách:1
Phòng họp trên lầu 3 đủ chỗ cho 70 người ngồi: 1
Phòng vệ sinh: 7

Phòng ngủ: 4
Nhà bếp:1
Ga-ra để ô tô: 1

Có thể xem sổ hồng sau đây:

Những ai có thiện chí, vui lòng đến khảo sát nhà và thương lượng giá cả phù hợp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn