Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Giảng Dạy Mà Không Bị Mất Linh Hồn?

Giảng Dạy Mà Không Bị Mất Linh Hồn?

“Làm Thế Nào Để Giảng Dạy Mà Không Bị Mất Linh Hồn?”
Mục sư Francis Chan (Phần Đầu, #1 đến #3)
Mục sư Nguyễn Duy Tân soạn dịch
(c) 2019 TinLanhLibrary.info 
Lời giới thiệu: Mục sư Francis Chan, là Trưởng Lão của một mạng lưới Hội Thánh tư gia ở San Francisco. Ông đã được giới trẻ rất hâm mộ và được mời rao giảng Lời Chúa cho các mục vụ thanh niên ở nhiều nơi trên thế giới hơn 30 năm qua. Ông là tác giả của những quyển sách “Crazy Love” (Tình Yêu Điên Rồ), “Forgotten God” (Đức Chúa Trời Bị Lãng Quên) và “You and Me Forever” (Mãi Mãi Bạn và Tôi).
(Bài viết ngày 01 tháng 7 năm 2015 được đăng trong Báo Alliance Life số tháng Giêng/Hai 2016, sẽ được dịch và đăng tải từng đoạn một.)
“Hỡi anh em, trong vòng anh em chớ có nhiều người tự lập làm thầy, vì biết như vậy, mình sẽ phải chịu xét đoán càng nghiêm hơn.” (Gia cơ 3:1).
Khi tôi được 17 tuổi tôi đã quyết định trở thành một mục sư. Trải qua những năm ở Trung học, tôi dành thì giờ năn nỉ bạn bè của tôi tin theo Chúa Giêsu. Mối quan tâm của tôi về số phận đời đời của họ thúc đẩy tôi chia sẻ Phúc âm với bất kỳ ai muốn lắng nghe. Sự suy nghĩ của tôi khá đơn giản: Nếu thiên đàng và địa ngục là có thật, thì những vấn đề khác đâu còn gì quan trọng? Vì vậy, tôi quyết định dành phần còn lại của cuộc đời tôi khuyến cáo mọi người về cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời và chia sẻ những tin mừng về tình yêu và ân sủng của Ngài.
Sau khi tốt nghiệp, tôi đã làm việc như một truyền đạo nội trú cho một mục vụ thanh niên và bắt đầu rao giảng. Tôi yêu thích công việc đó; tôi không thể tưởng tượng mình có thể làm bất cứ việc gì khác với cuộc sống của tôi.
30 năm sau, mọi sự vẫn y nguyên. Tôi vẫn còn yêu thích giảng dạy Lời Chúa, và tôi vẫn đang được thúc đẩy bởi những thực tế của thiên đàng và địa ngục. Điều gì đã thay đổi là bây giờ tôi hiểu thế nào dạy Kinh Thánh và sống thánh thiện là điều rất khó.
Tôi đã theo dõi và nhìn thấy kẻ thù phá hủy rất nhiều đồng nghiệp của tôi. Satan rất thích những người giảng dạy lên mình kiêu ngạo và có đời sống bất khiết, vì vậy nó rất hăng hái tấn công chúng ta. Nó sử dụng bất kỳ phương tiện nào để tiêu diệt chúng ta: niềm kiêu hãnh, danh vọng, tiền bạc, phụ nữ, áp lực, bất an, thất vọng, cô đơn, lời vu oan, sự phản bội, lời vu khống, sự bận rộn, kỳ vọng, dị giáo, sự lười biếng, ích kỷ, sự tức giận, sự thờ ơ, và đó là chỉ là kể ra một vài điều.
Nhiều năm trôi qua, tôi bắt đầu nhận thấy có nhiều thói xấu trong cuộc sống của tôi. Tôi cảm thấy hổ thẹn khi nhận ra nhiều lần tôi đã rời khỏi những lãnh vực mà Chúa đã kêu gọi tôi để làm. Để chống lại điều này, tôi đã phát triển một loạt bảy câu hỏi mà tôi bắt đầu tự hỏi tôi trước khi rao giảng Lời Chúa. Những câu hỏi đó đã giúp tôi nhanh chóng điều chỉnh lại tấm lòng của tôi trước khi đứng phía sau bục giảng. Những câu hỏi này cũng đã giúp cho nhiều người khác, vì tôi biết tôi không phải là người duy nhất dễ bị trôi lạc.
#1. Tôi có quan tâm đến việc làm vui lòng Chúa hay làm cho người ta vui lòng?
Rất là hiếm hoi mà tôi có thể giảng trọn một bài giảng mà không có cái tôi của tôi nhiễm vào một số điểm nào đó. Tôi muốn thay mặt Chúa mà nói, nhưng ước muốn làm vui lòng loài người thường cướp lấy những cái tốt nhất của tôi. Tôi không thể nói hết biết bao nhiêu lần tôi đã bước lên tòa giảng, lòng tự hỏi liệu mọi người sẽ thích tôi không. Trước khi tôi sực tỉnh, thì tôi đã tập trung vào loài người hơn là vào Chúa, và giọng nói của tôi nghe không còn giống một tiên tri chút nào.
Dưới đây là một vài suy nghĩ đã giúp tôi thắng hơn những ham muốn làm vui lòng loài người. Những điều nầy thấy có vẻ hơi khắt khe, nhưng tôi có xu hướng đáp ứng tốt nhất khi đối diện với một thực tế ảm đạm và hiểu rõ được tình hình.
a. Đức Chúa Trời biết rõ động cơ của tôi là sự kiêu ngạo, vì thế Ngài sẽ chống lại nỗ lực của tôi chứ không ban phước cho. “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Phierơ 5:5).
b. Tôi là một kẻ đạo đức giả. Tôi đang sử dụng bục giảng để tìm lợi ích cá nhân hơn là cho Vương quốc của Chúa. Chúa Giêsu đã lên án người Pharisi về những gì mà tôi sắp làm (Mác 12: 38-40).
c. Chúa thật sự có thể kết thúc cuộc sống của tôi ngay ở giữa bài giảng của tôi. Lúc đó, đứng trước mặt Chúa tôi sẽ phải khai trình với Ngài tất cả mọi điều mà tôi vừa nói trong giờ nầy (1 Côr. 4:5). Tôi không muốn đứng trước mặt Ngài hôm nay trong bối cảnh đầy xấu hổ của một bài giảng mà con người là trọng tâm.”Chớ cậy ở loài người, là loài có hơi thở trong lỗ mũi; vì họ nào có đáng kể gì đâu?” (Êsai 2:22).
Bạn ơi, thà đừng giảng còn tốt hơn là giảng dạy với lòng kiêu ngạo, đạo đức giả, và lòng ích kỷ (Gia cơ 3:1). Bạn không có sự lựa chọn nào khác hơn là nên điều chỉnh lại tấm lòng của bạn.
#2. Tôi có thật sự yêu thương những người nầy không?
Trong 10 năm đầu tiên của tôi trong chức vụ, nếu có ai hỏi tôi tại sao tôi giảng dạy, tôi sẽ trả lời với thái độ đầy sự công bình riêng tư rằng: “Bởi vì tôi yêu mến Lời Chúa.” Thật sự tôi có lòng kính sợ Chúa và muốn dạy dỗ cách chính xác những gì Kinh Thánh dạy. Những đoạn Kinh Thánh như Mathiơ 10 đã dạy tôi phải kính sợ Chúa thay vì sợ loài người. Trong khi điều đó là tốt và đúng với Kinh Thánh, nhưng tôi đã xem thường một lẽ thật không kém phần quan trọng của Lời Chúa: Chúa muốn tôi giảng dạy cho người khác vì tôi yêu thương họ. Tuy nhiên, tôi đã giảng cho rất nhiều nhóm người mà không vì yêu thương họ.
“Chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Vả, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy. ” (1 Giăng 1:3-4).
Giăng đã giảng dạy để những người khác có thể tận hưởng mối tương giao với Đức Chúa Trời mà chính ông đã được vui hưởng. Đây có phải là lý do mà bạn giảng dạy? Bạn có giảng dạy bởi vì bạn yêu thương người khác và muốn họ được hưởng mối tương giao ngọt ngào với Chúa Jêsus mà chính bạn rất vui thích trong tuần này? Nhiều khi, chúng ta giảng dạy bởi thói quen, vì nghĩa vụ, hoặc do lòng kiêu ngạo. Giăng đã được thúc đẩy bởi lòng mong ước nhìn thấy người khác vui hưởng Chúa của họ. Được vui hưởng Chúa chưa đủ cho Sứ đồ Giăng. Niềm vui của ông sẽ được hoàn toàn khi ông giúp cho những người khác cũng bước vào mối tương giao với Chúa.
Trước khi bạn mở miệng nói, hãy nhìn vào đôi mắt của những người mà bạn sắp nói với họ và xin Chúa ban cho bạn một tình yêu sâu sắc đối với họ. Hãy nhớ rằng không có tình yêu thương đối với những người này, thì họ sẽ không nghe thấy gì khác hơn là những tiếng “đồng kêu lên hay chập chỏa vang tiếng” (1 Côr. 13:1)
#3. Tôi có giảng dạy chính xác khúc Kinh Thánh này không?
Nếu bạn đã bị mất đi lòng kính sợ Chúa hay tình yêu cho mọi người, bạn có thể ăn năn cách nhanh chóng và điều chỉnh lại tấm lòng của bạn cho đúng chỗ; nhưng có điều này là không đơn giản. Bạn không thể khám phá ra các lời giải thích của một khúc Kinh Thánh cách nhanh chóng. Sự giảng giải chính xác đòi hỏi bạn bỏ ra nhiều công khó và gian khổ. Sự tự tin của bạn trên những gì mà Kinh Thánh dạy thực sự xuất phát từ nhiều thì giờ nhọc công của bạn.
Tôi cần phải kính sợ Chúa và yêu tha nhân; nhưng nếu tôi đang giảng dạy không chính xác, tôi là người đang gây sự hiểu sai. Thà không giảng dạy tốt hơn là dạy dị giáo (heresy). Không có điều nào tệ hại hơn mà bạn có thể gây cho người khác khi bạn dạy cho họ một hình ảnh không chính xác về Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời có những cảnh cáo đáng sợ cho các nhà lãnh đạo hay dạy người khác rằng Chúa phán điều gì đó mà thật ra Ngài đã không có nói. Chúa gọi đó là “một việc rùng rợn và kinh tởm” (Giê. 5:30-31, Bản Hiệu Đính). Chúa nói rằng khi người ta nhơn Danh Ngài mà “nói lời tiên tri dối trá”, họ đang “nói tiên tri theo những sự hiện thấy giả dối, sự bói khoa, sự hư không, và sự lừa gạt bởi lòng riêng mình!” và Đức Chúa Trời hứa sẽ “khiến điều ác chúng nó đã làm sẽ lại đổ trên đầu chúng!” (Giê.14:14-16).
Chúa chống lại những tiên tri giả vì họ “làm trái những lời của Đức Chúa Trời Hằng Sống” và vì vậy “không làm ích gì cho dân nầy hết” (Giê. 23:30-40). Chúa phán “Ta sẽ nghịch cùng các ngươi”, cùng những người nói, “Chúa phán” trong khi “Chúa đã không có sai họ” (Êxêchiên 13:6-13).
Trong khi đó, Đức Chúa Trời ban lệnh này cho những ai trong chúng ta là người dạy dỗ kẻ khác: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” (2 Tim. 2:15 ).
Hãy tự hỏi lấy mình trước khi giảng dạy, “Tôi có làm với hết khả năng của tôi hay chưa? Tôi có xử lý Lời Chúa một cách đúng đắn không?” Hãy ghi nhận vai trò độc nhất của bạn là một giảng viên. Khi bạn được đặt ở một vị trí giảng dạy trong các hội thánh, những người nghe sẽ xem lời dạy của bạn là đúng với Kinh Thánh. Bạn có trách nhiệm đảm bảo rằng những điều bạn nói là đúng theo Lời Chúa.
Nếu bạn không có bình an trong sự giảng giải một khúc Kinh Thánh nào đó, thì thà giảng dạy một đoạn nào khác đi. Chọn lại một bài giảng cũ. Chọn một khúc Kinh Thánh đơn giản hơn. Hoặc bạn có thể trình bày những sự giải thích chính nhưng tập trung vào các điểm chung của những đoạn văn chứ không nên nói đến các chi tiết thường gây tranh cãi. Sự chính xác là điều quá quan trọng nên không thể bỏ qua. Đừng làm cho câu chuyện thêm gay cấn để giúp cho nó thêm thú vị, hoặc sử dụng những từ ngữ Hy Lạp khi chúng ta thực sự không biết mình đang nói điều gì. Đừng quá phóng đại sức mạnh của một đoạn văn để động viên mọi người hướng về sự ăn năn. Đức Chúa Trời không cần chúng ta thêu dệt cách quá đáng Lời của Ngài, và thật khó có thể tưởng tượng là Chúa sẽ ban phước cho sự thiếu trung thực của chúng ta.
#4. Tôi có nhờ cậy quyền năng của Đức Thánh Linh hay sự khôn ngoan của tôi?
Một trong những cám dỗ lớn nhất của một người giảng dạy có tài năng là hay dựa vào chính mình. Thật khó cho bạn cảm thấy bất lực khi bạn có tài năng. Những lời khen ngợi mà bạn nghe hàng tuần có thể dẫn bạn đến sự kiêu ngạo, nhưng đó là lúc quyền năng của bạn sẽ bị giảm bớt.
Có một sự khác biệt rất lớn giữa sự giảng dạy mà người nghe ƯA THÍCH và sự giảng dạy CÓ QUYỀN NĂNG. Hàng ngàn bài giảng tốt được rao giảng mỗi tuần nhưng không đưa đến sự thay đổi trong đời sống người nghe. Bài giảng khéo léo không thay đổi đời sống; Chúa Thánh Linh là Đấng thay đổi. Quyền năng để thay đổi những đời sống xuất phát từ một đời sống cầu nguyện.

Sứ đồ Phao-lô đã chọn được trở thành một người giảng đạo đầy ơn quyền. Ông đã chọn sự giảng dạy để “tỏ ra Thánh Linh và quyền phép” chứ không phải là “bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan.” Hãy dành thời gian để suy gẫm khúc Kinh Thánh 1 Côr.2:1-5. Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giê-su nhờ cậy vào lời cầu nguyện của Ngài để thay đổi những đời sống. Tôi đã giật mình khi lần đầu tiên tôi nghiên cứu Lu-ca 22:31-32: “Hỡi Si-môn, Si-môn, nầy quỉ Sa-tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì. Song ta đã CẦU NGUYỆN cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.” Mối quan tâm của Đấng Christ về sự yếu đuối của Phierơ thúc đẩy Ngài cầu nguyện cho ông. Chúa Giê-su còn phải TÙY THUỘC vào lời cầu nguyện, thì chúng ta nên xét lại xem mình kiêu ngạo như thế nào khi chúng ta thiếu sự cầu nguyện trong khi tìm cách phát triển những minh họa khéo léo hoặc tìm những ví dụ đầy ấn tượng.

#5. Tôi có áp dụng sứ điệp này trong chính đời sống tôi chưa?

Đây là lãnh vực mà nhiều nhà truyền giảng đã gây xấu hổ cho chính bản thân họ và làm cho Danh Đấng Christ bị ô nhục. Vì sự THANH LIÊM của họ đã bị thiệt hại, khiến cho thế gian khi nghe đến cụm từ “NHÀ TRUYỀN GIẢNG” (preacher) đều nghĩ đến chữ “ĐẠO ĐỨC GIẢ”. Khi tôi ở giữa độ tuổi 20, tôi đã viết ở trang bìa của quyển Kinh Thánh của tôi: “Không dạy bất cứ điều gì bạn đã chưa có tự áp dụng.” Một khi chúng ta để cho mình rao giảng những bài giảng chưa được áp dụng, chúng ta tự đặt mình vào một vị trí thật nguy hiểm. “Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con; phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con VÀ kẻ nghe con sẽ được cứu..” (1 Tim. 4:16).
Người truyền giảng biết “canh giữ chính mình” có ảnh hưởng lớn nhất trên những người khác. Điều quan trọng hơn, đó là đời sống của chính chúng ta đang bị đe dọa. Như Phao-lô đã nói trong 1 Côr. 9:27, “Song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.” Chúng ta có thể giảng dạy cho người khác nhưng chính bản thân mình thì bị xét là không đủ tiêu chuẩn (disqualified). Điều này quan trọng cho một người giảng dạy hơn là cho một tín hữu Cơ-đốc.
Chúng ta dễ bị vướng vào thói quen nghiên cứu Thánh Kinh chỉ để soạn bài giảng. TRƯỚC TIÊN chúng ta phải học để giúp cho sự thánh hóa của chính chúng ta. Chúng ta phải sống một cuộc sống biết ăn năn thường xuyên. Nếu đời sống chúng ta không thay đổi mỗi tuần/mỗi tháng, chúng ta là những tấm gương RẤT XẤU, và những tín hữu chân chính sẽ lấy làm chán ngán về con người của chúng ta. Lời Chúa phải thay đổi chúng ta cách đều đặn mỗi tuần. Hãy học hỏi cho chính mình trước khi học hỏi để soạn bài giảng.
#6. Sứ Điệp này sẽ thu hút sự chú ý đến tôi hay đến Đức Chúa Trời?
Hãy tưởng tượng một vài thanh niên đang trên đường về nhà sau bài giảng của bạn. Họ sẽ bàn tán về ai – về bạn hay về Chúa Giê-su? Trong khi thật ra cũng có một số người sẽ nói về bạn dù cho bạn đã hết sức cố gắng nói về Chúa Giê-su, câu hỏi nầy vẫn cần thiết. Khi soạn bài giảng bạn đã lôi kéo sự chú ý của người nghe đến Chúa Giêsu hay đến chính mình? Chúa Giê-su phải tăng lên và người giảng dạy phải giảm xuống (Giăng 3:30). Chúng ta đang sống trong một nền VĂN HÓA mà ai cũng muốn tôn mình làm ANH HÙNG. Hãy chống lại điều đó. “Ta là Đức Giê-hô-va; ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh hiển ta cho một đấng nào khác…(Ê-sai 42:8).

Đức Chúa Trời rất nghiêm chỉnh khi nói đến sự vinh hiển của Ngài. Thường thì trong Kinh Thánh, Lời Chúa cho biết Ngài luôn làm việc một cách nào đó “để không ai có thể khoe mình.” Hãy soạn bài giảng của chúng ta một cách cẩn thận để mang đến một cái nhìn cao hơn về Đức Chúa Trời, không phải về chúng ta. Hãy sử dụng tòa giảng của chúng ta để bày tỏ những điểm yếu của mình và sức mạnh của Chúa Giê-su.

#7. Những học viên này có đang rất cần sứ điệp này không?

Khi đứa con của bạn sắp bước tới phía trước của một chiếc xe đang chạy nhanh, bạn sử dụng một giọng nói hoàn toàn khác so với lúc bạn bảo nó buộc dây giày của mình. Có một sự CẤP BÁCH trong giọng nói của bạn vì sự nguy hiểm sắp xảy ra. Thái độ lo lắng của bạn khiến cho con của bạn đáp ứng ngay. Đây là loại cấp bách mà chúng ta cần có khi chúng ta giảng dạy.
Trước khi tôi giảng, tôi nhắc nhở bản thân mình tại sao các sứ điệp mà tôi sắp trình bày là vô cùng quan trọng. Tội lỗi có những HẬU QUẢ nghiêm trọng, và chúng ta phải cố gắng nài nỉ mọi người phải ăn năn. Nếu sứ điệp của tôi không phải là khẩn cấp, thì tôi nên giảng cho họ một thông điệp khác. Khi còn có hàng tỉ người đã chưa được nghe nói về Chúa Giê-su, chúng ta không có thì giờ để rao giảng những bài giảng ít có liên hệ đến sự sống vĩnh cửu.
Phao lô dạy, Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin; Đức Chúa Trời biết chúng tôi, và tôi mong anh em cũng biết chúng tôi trong lương tâm mình.” (2 Côr. 5:11). Một vài câu sau đó, ông nói, Chúng tôi nhơn danh Đấng Christ mà nài xin anh em: hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.” (c. 20). Phao-lô không chỉ giảng những bài giảng, ông nài xin mọi người phải ăn năn. Phierơ kêu gọi đám đông, “… Các ngươi khá cứu mình thoát khỏi giữa dòng dõi gian tà nầy!” (Công vụ 2:40), và 3.000 người đã đáp ứng.

Nhiều lúc, chúng ta bước lên tòa giảng một cách thoải mái. Chúng ta quên mất những gì là chính yếu. Chúng ta có những tin tức tốt lành nhất trên đời nầy và cấp bách nhất. Nếu bạn không tin điều đó, thì đây là lúc bạn nên tìm một công việc mới đi.

Là một người giảng dạy (nguyên văn: teacher, giáo sư), chúng ta đã được giao phó một nhiệm vụ thiêng liêng. Đó là một vinh dự tuyệt vời và cơ hội để mang ánh sáng vào một thế giới đầy tối tăm. Đừng làm việc đó vì lợi riêng của chúng ta.

Translated by DrTan Duy Nguyen

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn