Thứ Năm , 23 Tháng Một 2025
Home / THẦY ƠI / Kinh Thánh Nói Gì Về Mẹ Ma-ri?

Kinh Thánh Nói Gì Về Mẹ Ma-ri?

                       TRINH NỮ MA-RI
                       Hồ Ga-li-lê

Khác với Thiên Chúa Giáo, dù Tin Lành rất kính trọng bà Ma-ri, nhìn nhận rằng bà Ma-ri là một người nữ tin kính và đầu phục Đức Chúa Trời trọn vẹn đến nỗi bà chấp nhận chương trình của Đức Chúa Trời cho Chúa Giê-su hoài thai trong lòng bà khi bà đã hứa hôn, chưa chính thức lập gia đình. Điều đó là một thử thách đức tin quá lớn đối với một người nữ. Thêm nữa theo luật pháp của Cựu-ước, vì lúc bà sống vẫn còn theo luật Do thái, thì bà phải bị ném đá chết. Thế nhưng bà Ma-ri đã nói:“Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!”(Lu-ca 1:38). Khi bà nhận lãnh sứ mệnh hoài thai và sanh Chúa Giê-su ra, thì bà cũng đã chấp nhận cái chết đến với bà, tuy nhiên vì đức tin của bà nơi Chúa, bà kể sự ấy là một phước lớn. Kinh Thánh cũng cho biết bà Ma-ri là người “được ơn trước mặt Đức Chúa Trời”(Lu-ca 1:30) và trong lời nói của bà cũng cho chúng ta thấy rằng bà là một người khiêm nhường, “Ma-ri bèn nói rằng: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi. Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là có phước; Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh, Và Ngài thương xót kẻ kính sợ Ngài từ đời nầy sang đời kia.” (Lu-ca 1:46-50). Chúng ta để ý ở đây việc Đức Chúa Trời dùng bà sanh ra Chúa Giê-su là một ân huệ đối với bà, vì Chúa đã đoái đến bà và làm các việc lớn cho bà. Xin đừng hiểu lầm rằng chúng tôi không tôn trọng bà Ma-ri. Tuy nhiên, chúng tôi tôn kính bà Ma-ri trong phạm vi của một con người, mà không phải là thánh thần và có quyền như Chúa, vì bà chỉ là một phương tiện của ân điển mà Đức Chúa Trời dùng để sanh ra Chúa Giê-su mà thôi. Đó là điểm khác biệt với Thiên Chúa Giáo. Niềm tin Tin Lành dựa trên cơ sở lời Kinh Thánh rằng:“Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không”.(Rô-ma 3:10) Kinh Thánh còn cho chúng ta biết:“Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.”(Công-vụ 4:12), nghĩa là ngoài Chúa Giê-su không có con người nào ban cho chúng ta sự cứu rỗi được. Vì thế, giả sử bà Ma-ri có thật sự đồng trinh trọn đời, nghĩa là bà không hề gần gũi người nam nào trọn đời mình, thì vai trò của bà trong niềm tin Tin Lành vẫn không thay đổi. Sự hoài thai ra Chúa Giê-su trong sự đồng trinh là công việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời, chớ không phải của chính bà Ma-ri (Lu-ca 1:35) dù như chúng tôi có trình bày ở trên, bà nêu một gương sáng cho chúng ta về sự thuận phục và tin cậy Đức Chúa Trời.


Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su sinh ra và lớn lên trong gia đình ông cha nuôi Giô-sép làm nghề thợ mộc, và Ngài khôn ngoan, mạnh mẽ, sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta.  Năm 12 tuổi Ngài theo cha mẹ về thủ đô Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt qua, rồi Ngài tiếp tục sống chịu lụy, phục tùng cha mẹ đến năm 30 tuổi mới thi hành chức vụ. Ngài làm tròn bổn phận làm con, từ “Chịu lụy” trong Bản Truyền thống 1926 còn nghĩa là: Phục tùng, Tùng phục hay là Vâng phục.
Chúng ta thấy Ma-ri có mối liên hệ mật thiết với Chúa Giê-su từ lời tiên tri khi ông bà Giô-sép và Ma-ri đem con đầu lòng lên đền thờ dâng lên cho Đức Chúa Trời (Lu-ca 22:22-24). Cụ Si-mê-ôn chúc phước cho con trẻ và nói: “Còn về phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi.” Lu-ca 2:35a, lời này đã ứng nghiệm 33 năm sau đó, khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, thì có sự hiện diện của Ma-ri, lòng bà đau cắt như thanh gươm đang đâm thấu trong lòng. Và trên thập tự giá trong khoảnh khắc giờ phút hấp hối tột cùng ấy, Chúa Giê-su còn nhìn xuống và gửi gắm mẹ Ngài cho môn đồ Ngài yêu dấu là Giăng để ông đem bà về chăm sóc như người mẹ của mình.

Vả lại, sự thờ phượng bà Ma-ri làm cho người ta quên lãng Đấng Christ, hay xem Ngài như một ảnh trang trí mà chỉ hướng về Ma-ri, cho đến nỗi ngày nay, trước sự trạng đó, nhiều tín đồ bối rối tự hỏi có nên gọi những người theo Công giáo là tín đồ Chúa Giê-su hay tín đồ của mẹ Ma-ri. Kinh Thánh Ma-thi-ơ 4:10, Chúa Giê-su trả lời cho ma quỉ khi nó cám dỗ Ngài sau khi Chúa nhịn đói 40 ngày đêm: “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.”
Ngày xưa khi Chúa Giê-su thi hành chức vụ trên đất, thì Ngài luôn dành thì giờ để rao giảng Tin Lành cho đoàn dân đông, có một phụ nữ ở giữa đám đông cất tiếng nói: “Phước cho dạ đã cưu mang Ngài và vú đã cho Ngài bú! Ðức Chúa Jesus đáp: Những kẻ nghe và giữ lời Ðức Chúa Trời còn có phước hơn (Lu-ca 11:27-28). Cho nên chúng ta đừng dại dột mà nói rằng: “Phước cho dạ đã cưu mang Ngài”, nhưng chúng ta sẽ đủ thông minh để tôn ngợi Ðức Chúa Trời rằng bằng cách nghe và tuân giữ lời Ngài, trước hết, chúng ta đã thật sự được tương giao với Cứu Chúa như trinh nữ Maria, và thứ hai, chúng ta cũng thật sự biết  sự huyền nhiệm trong câu chuyện của Ngài. Tâm hồn nào nhận được đặc ân ấy, thật là có phước!
Giáo phụ Epiphanius nói: “Chúng ta nên kính trọng Ma-ri nhưng kính mến và thờ phượng Đức Chúa Trời”. Sự thờ phượng các thánh và Ma-ri có rất sớm trong giáo hội từ sau thế kỷ thứ 3.
Giáo hoàng Innecent III: “Ê-va vẫn được dựng nên vô tội, mà sinh con trong tội lỗi. Còn Ma-ri vẫn được dựng nên trong tội, mà sinh con vô tội (Chúa Giê-su).
Giáo hoàng Leo II:“Chỉ có Đấng Christ là vô tội, vì một mình Ngài hoài thai và ra đời không bởi luật kết hiệp vợ chồng.” Giáo hoàng Gregori vĩ đại cũng nói như vậy.
Người ta tin bà vô nhiễm nguyên tội, chỉ là ý riêng của một ông tên là Scotus, đến thế kỷ 19 (1854) mới được tuyên bố là của Giáo hội La-mã. Người ta cũng tin rằng Mẹ không nhiễm tội cá nhân, và không vướng một ước muốn bất chính hay dục vọng nào (thuộc truyền thống và tính hợp lý). Tự bản tính, bà đã được giữ sạch khỏi tội nguyên tổ.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo viết:
“Ðức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc thụ thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Ðức Giê-su Ki-tô Ðấng Cứu độ loài người (DS 2803). Mẹ có được “Sự thánh thiện tuyệt vời có một không hai”, “Ngay từ lúc tượng thai” hoàn toàn là do Ðức Ki-tô: Mẹ đã “Được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con Mẹ”. Hơn bất cứ thụ tạo nào khác, Chúa Cha đã thi ân giáng phúc, cho Mẹ “Hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Ðức Ki-tô”. Người “Đã chọn Mẹ trong Ðức Ki-tô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người”.
Các Giáo phụ Ðông Phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Ðấng Rất Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là: “Ðấng không hề vương nhiễm một tội nào, như một thụ tạo mới do Chúa Thánh Thần nắn đúc và tác tạo.” (x. LG 56). Nhờ ân sủng Thiên Chúa, Ðức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm tội riêng nào.)
Kinh Thánh chép rõ ràng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, hụt mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Hê-bơ-rơ 9:27
Thánh Mẫu thăng thiên, hay là Ma-ri hồn xác lên trời. Đức Mẹ Lên Trời (hay còn gọi là Lễ Đức Mẹ Mông Triệu) là một ngày Lễ quan trọng của các Ki-tô hữu thuộc Giáo hội Công giáo Rô-ma, Chính Thống giáo Đông phương, Cộng đồng Anh giáo, vì họ tin rằng khi qua đời thì linh hồn và thể xác của Đức Maria đã được đưa về thiên đàng.
Giáo hội Công giáo Rô-ma định sự kiện này là một “Tín điều” (điều phải tin) do Giáo hoàng Piô XII ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Hiến chế “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa vô cùng vinh hiển). Trong hiến chế này, Giáo hoàng Piô XII tuyên bố :“Sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa vừa vô nhiễm vừa mãi mãi đồng trinh, đã được đưa vào vinh quang thiên quốc cả hồn lẫn xác” bởi những lý do: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; thân xác Đức Giê-su sinh ra từ thân xác Đức Maria (“caro Jesu est caro Mariae”); thân xác Đức Maria không hề sa sút nhưng vẫn trinh khiết vẹn toàn và bởi đó thật xứng đáng nếu thân xác ấy không bị hư nát sau khi chết; và vì đã liên kết chặt chẽ với Đức Ki-tô trong sứ mạng cứu độ của Người ở trần gian, nên Đức Maria cũng thật xứng đáng được chia sẻ tình trạng vinh quang của thân xác.”
Thuật ngữ “Đức Mẹ hiện ra” được sử dụng trong các hiện tượng khác nhau xảy ra liên quan đến sự xuất hiện của Maria. Đa phần, các cuộc hiện ra của Đức Mẹ chỉ có một vài người chứng kiến, nhưng trường hợp tại Zeitoun và Assiut có tới hàng ngàn người tuyên bố đã nhìn thấy Đức Mẹ trong một khoảng thời gian.
Đây là sản phẩm của lý luận con người: Chả lẽ Con lên trời, để mẹ lại ở dưới đất. Kinh Thánh không có chỗ nào nói Ma-ri thăng thiên, về trời cả, và cũng không có chỗ chép Ma-ri hiện ra đây đó. Mẹ có giá trị theo thời gian, mẹ phần xác, gọi là mẹ của Chúa không có nghĩa là mẹ của hai bản tánh, Thần tánh và Nhân tánh. Nếu gọi Ma-ri là mẹ Đức Chúa Trời ấy là chối  bản vị Tự hữu và Hằng hữu của Ngài. Kinh Thánh cũng không có chỗ nào chép Maria vô nhiễm nguyên tội, và đồng trinh suốt đời (Hê-bơ-rơ 9:27 và Ma-thi-ơ 12:46-50 & 13:55-56). Đây không phải là công trình ngày một ngày hai, mà là của hơn mười sáu thế kỷ. Cứ mỗi một hay hai trăm năm người ta rút bớt sự thờ phượng Đức Chúa Trời để dâng lên cho bà Maria. Đây là một công trình kiên nhẫn và ngày nay lên đến tột đỉnh của Giáo hội Công giáo.
Hãy trở về với Kinh Thánh sách Khải Huyền đoạn 22 câu 18 và 19:
“Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách này: nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy.
Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời  sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy.”

 

Hồ Ga-li-lê 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn