Giăng Báp-tít vĩ đại, Người Báp-tít thì sao?
Trong Ma-thi-ơ 11:11, Chúa Jêsus phán về Giăng Báp-tít rằng, “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít, nhưng mà kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn người.” Suy nghĩ về điều Chúa Jêsus nói ở đây: không có ai lớn hơn Giăng Báp-tít! Điều nầy có nghĩa là Giăng Báp-tít vĩ đại trên đất và câu hỏi đặt ra ai là người lớn hơn Giăng trong nước thiên đàng. Tôi thấy có ba điều làm cho Giăng Báp-tít vĩ đại; nhưng vì khuôn khổ bài báo, không thể nói hết. Trước nhất chúng ta tìm hiểu Giăng Báp-tít là ai.
Sáu tháng trước khi Chúa Jêsus sinh, thì Giăng Báp-tít đã được sinh ra. Như vậy, tuổi tác của Giăng Báp-tít chỉ lớn hơn Chúa Jêsus sáu tháng. Khi Chúa Jêsus bước vào chức vụ năm 30 tuổi, thì danh tiếng của Giăng Báp-tít đã được đồn vang khắp đất Do Thái. Điều chúng ta cần phân biệt, Giăng Báp-tít khác với Giăng Sứ Đồ của Chúa là người viết sách Phúc Âm Giăng, ba sách Giăng và sách Khải huyền. Theo Lu-ca 1, Giăng là con của ông Xa-cha-ri và bà Ê-li-sa-bết. Câu 6 chép, “Cả hai là nguời công bình truớc mặt Đức Chúa Trời, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa một cách không chỗ trách được.”Xa-cha-ri là một thầy tế lễ thuộc ban A-bi-a. Tên Xa-cha-ri có nghĩa “Đức Chúa Trời nhớ lại,”còn tên Ê-li-sa-bết có nghĩa “Lời thề của Đức Chúa Trời,” Giăng có nghĩa là “Món quà của Đức Chúa Trời”. Như vậy, Báp-tít không phải là họ nguyên thủy của Giăng. Đáng lý ra họ của Giăng là Xa-cha-ri. Nhưng tại đây Giăng đã được đổi họ thành ra họ Báp-tít. Nhưng Báp-tít có nghĩa gì và tại sao mang họ đó?
Báp-tít là một danh hiệu như danh hiệu Đấng Christ. Báp-tít trong Kinh Thánh Hi văn là chữ “Baptistés” ra từ chữ “Baptizo” nghĩa là nhúng, dìm mình xuống nước, được gọi là Báp-tem, làm sạch hay rửa tội bằng cách thường là nhúng. Vậy Báp-tít là danh hiện được đặt cho Giăng, người làm báp-tem bằng cách nhúng, dìm xuống nước. Thật ra Báp-tít không chỉ có nghĩa như vậy thôi. Giống như Đấng Christ là Đấng chịu xức dầu, nhưng có tới hơn 200 danh hiệu. Báp-tít không nhiều như vậy, nhưng ít ra cũng gần cả chục ý nghĩa: Báp-tít là nhúng nước, là ăn năn, là rửa tội, là tiên tri, là sứ giả, là tiếng kêu trong đồng vắng, là người mở đưòng cho Chúa, là người chết và sanh lại, là người mới, là chứng nhân cho Chúa, là người vĩ đại. Giăng Báp-tít là vị tiên tri sau cùng của Cựu Uớc, độ 400 năm sau tiên tri Ma-la-chi, Giăng Báp-tít đã bước vào chức vụ để công báo sự hiện hữu của Đấng Cứu thế giữa dân mình. Trong Giăng 1:6 chép về Giăng Báp-tít như vầy, “Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng.”
Từ cái tên Giăng Báp-tít, mà chúng ta có hệ phái Báp-tít. Chúng ta là Hội Thánh Báp-tít, chúng ta là những người Báp-tít. Hệ phái hay Hội Thánh Báp-tít khởi nguyên từ sau cuộc đại cải cách Giáo Hội của Linh mục Martin Luther vào thế kỷ 16 tại Đức. Hội Thánh Báp-tít đầu tiên trên thế giới được thiết lập tại thủ đô Amsterdam, Hòa lan do John Smyth thành lập, kế đó Hội Thánh Báp-tít bắt đầu và phát triển tại Anh Quốc.
Khi biết Giăng Báp-tít vĩ đại như Chúa phán, chúng ta sẽ hiểu tại sao chúng ta mang tên Báp-tít và hãnh diện mình là người Báp-tít. Tất cả những đàn ông trong Kinh Thánh, không ai được tôn trọng hơn là chính Chúa Jêsus, thế mà Chúa Jêsus nói về Giăng Báp-tít rằng “trong những người bởi đàn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít”. Điều gì làm cho Giăng Báp-tít vĩ đại và được tôn trọng hơn?
Điều vĩ đại của Giăng Báp-tít không phải danh hiệu của ông, nhưng sự kiện là Giăng Báp-tít đã chỉ cho người khác đến với Chúa Cứu thế Jêsus. Một trong những đặc tính của người Báp-tít tin Kinh Thánh như chúng ta phải là người rao truyền Jêsus và tôn cao danh Ngài bất cứ nơi nào chúng ta ở, chúng ta đi, và sống. Vĩ đại đầu tiên của Giăng Báp-tít là vĩ đại trong sự sửa soạn (Lu-ca 1:15-17).
“Sửa soạn” tức là chuẩn bị. Kinh Thánh cho chúng ta biết Giăng Báp-tít là nguời được Đức Chúa Trời chọn lựa từ trong lòng mẹ và được gọi là người Nazarite với những mạng lịnh rõ ràng là “sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.” Đây là người được Chúa gọi, một người biết rằng ông ta đã được chọn bởi Chúa cho một mục đích đặc biệt. Lu-ca 3:2 chép, “có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng.” Chúng ta thấy Giăng Báp-tít không chĩ được kêu gọi bởi Chúa nhưng được huấn luyện bởi Đức Chúa Trời nữa. Trước nhất Giăng sinh ra trong một gia đình vâng giữ sự công bình trước mặt Chúa và vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa. Theo sử gia Josephus, thời đó có độ 20 ngàn thầy tế lễ trong nước, nhưng Đức Chúa Trời đã chọn gia đình thầy tế lễ Xa-cha-ri, gia đình hiếm muộn. Đức Chúa Trời lại cho Giăng đi học trong trường đồng vắng. Không biết đích xác Giăng Báp-tít vào đồng vắng tuổi nào, nhưng Lu-ca 1:80 chép,”Vả, con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Y-sơ-ra-ên.” Điều nầy chứng tỏ Chúa đã phán với Giăng ở đồng vắng. Rồi cha mẹ của Giăng đã nuôi ông ở trong hay quanh khu vực đồng vắng. Thường Giăng ở trong hang động miền Giu-đa và các vùng hẻo lánh, nơi mà Giăng đã lớn lên cả mặt tâm linh.
Ma-thi-ơ 3:4 ghi lại, “Vả Giăng mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì ăn những châu chấu và mật ong rừng.” Cái ăn và cái mặc của Giăng khác người, không rập khuôn theo mốt thời đại. Nói cách khác, Giăng Báp-tít là một người mà ảnh hưởng trên ông ta không đến từ người hay là văn hóa nhưng từ Đức Chúa Trời, Đấng đã gọi ông vào chức vụ. Các vị lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ không ưa Giăng Báp-tít, vì ông ta không đồng nhất với họ. Giăng Báp-tít cũng không đồng nhất với thế gian. Ông chỉ đồng nhất với Chúa. Hình như ông không quan tâm về con người với văn hóa. Giăng Báp-tít ăn và mặc những sản phẩm tự nhiên trong khi bắt đầu giảng sứ điệp của Đức Chúa Trời, ông ở trong sự hoà hợp với Chúa. Hoà hiệp trong tiếng gọi, hoà hiệp trong sự sửa sọan, chuẩn bị, học tập, vâng phục, huấn luyện để hoàn thành mục đích Chúa gọi.
Trong thời chức vụ của Giăng Báp-tít, không khí chính trị và tôn giáo cũng rất căng thẳng như hiện nay. Những người Pha-ri-si là những người câu nệ nghi thức. Còn phái Xa-đu-sê là những kẻ chủ trương vật chất. Cả hai đều khinh rẻ sứ điệp của Giăng Báp-tít. Trên ngôi thì Vua Hê-rốt thối nát, độc ác và gian xảo. Trong thời có cần nầy, Đức Chúa Trời đã sai một người đến để làm chứng nhân cho Chúa. Giăng Báp-tít đã đến và sống trong đơn giản, huấn luyện trong đồng vắng, giảng trong chống đối và chịu cái chết đau thương. Vua Hê-rốt đã chặt đầu Giăng Báp-tít. Đây là lý do Chúa Jêsus đã nói Giăng Báp-tít vĩ đại.
Thật sự Giăng Báp-tít vĩ đại, nhưng liền đó Chúa nói đến một người rất nhỏ trong nước thiên đàng còn vĩ đại hơn Giăng. Người đó là ai và tại sao? Người đó là những ai được thấy, được nghe về thập tự giá yêu thương và sự phục sinh kỳ diệu của Chúa Jêsus mà Giăng không có cơ hội. Giăng đã chết trước khi Chúa bước vào đường thập giá. Người rất nhỏ trong nước thiên đàng đó chính là kẻ hậu thế, là hội thánh Báp-tít, người Báp-tít, mỗi chúng ta ngày nay. Nhưng điều quan trọng, có bao nhiêu người vĩ đại hơn Giăng Báp-tít mà không có tấm lòng của Giăng Báp-tít, không sửa sọan, không huấn luyện, không vâng phục, không trung tín như Giăng?
Đây là điều thách thức cho mỗi chúng ta. Thế giới nầy, đất nước nầy, tiểu bang nầy, thành phố nầy cũng như quê hương Việt-nam cần một Giăng Báp-tít được Chúa sai đến để đại diện cho Chúa và được Chúa sử dụng trong chỗ đó. Thời kỳ sau rốt nầy, cần có những con dân Chúa có tinh thần của Giăng Báp-tít, để đưa người khác đến với Chúa. Nếu Chúa đặt chúng ta giữa đồng vắng khô hạn, Chúa muốn chúng ta sống trong nơi tăm tối, giữa sự bội đạo, chống đối, thù nghịch, và chủ nghĩa vật chất; liệu chúng ta có sẵn sàng làm người mở đường cho Chúa!
Ngay cả kết quả và chức vụ giữa hội thánh chúng ta không thỏa lòng như đáng có, liệu chúng ta có sẵn sàng chịu đựng, trung tín trong tiếng gọi, trong công việc Chúa giao. Nhiều lúc bạn bè, anh em có thể làm nản lòng chúng ta. Mục sư có thể làm đau lòng tín hữu, hội thánh không quan tâm, mật ong, châu chắu cũng không có, liệu chúng ta có bám chặt lấy đồng vắng khô hạn, trung tín trong nghịch cảnh?
Một câu chuyện cảm động được nghe trong buổi kỷ niệm tại New York một năm ngày sau ngày 9/11 tang thương. Một lính cứu hỏa sống sót kể lại một đồng đội tên là Timothy Stagpole đã nằm xuống. Chuyện kể rằng, nhiều tháng trước 9/11, Timothy đã bị phỏng nặng trong một vụ cứu hỏa. Bạn hữu đã ẳm anh ra khỏi đám cháy, đã hô hấp nhân tạo cho anh phục hồi, máy móc giúp anh thở. Anh ta đã nằm nhà thương nhiều tháng, trải qua những cuộc chỉnh hình vì da phải giải phẩu và ghép lại. Cuối cùng vào tháng tám năm 2001, Timothy đến trình diện với các lãnh đạo của ngành cứu hỏa để sẵn sàng nhận lại nhiệm vụ, sẵn sàng đi đầu chiến tuyến. Vị xếp lớn của anh nói, “Timothy à, anh không cần phải trở lại nhiệm vụ cũ. Anh đã chịu nhiều sự tổn thương đủ để hoàn toàn hưu hạ. Nếu anh không muốn về hưu, chúng tôi có thể cho anh một vài công việc nhẹ trong văn phòng.” Timothy vội đáp lời xếp lớn, “Thưa ông, tôi thật cảm ơn điều mà ông đã nói với tôi hôm nay, nhưng thật sự tôi muốn trở về vị trí cũ. Vì đây là tiếng gọi của tôi, là lý tưởng mà tôi theo đuổi!” Thế rồi Timothy đã trở về với đồng đội, với trận tuyến. Ngày anh trở lại chính là ngày 9/11 bi thảm đó! Nơi đến đầu tiên của anh là tòa nhà cao ốc số 2. Timothy là một trong số 15 đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống. Anh đã sống cho tiếng gọi và chết cho lý tưởng!
Nhiều lúc trong chúng ta muốn tìm con đường ra dễ dàng! Nhiều người nghĩ mình đã bị phỏng, bị cháy! Từng gặp khó khăn trong quá khứ, trong hiện tại, nhiều người muốn rút lui, về hưu. Trong vòng tín hữu cũng vậy! Có người đã bỏ nhà thờ, có người muốn đổi hội thánh, có người chỉ muốn làm phó tín đồ! Nhưng với Giăng Báp-tít thì không bao giờ! Không có gì có thể cản ông lại. Ông được Chúa sai, được Chúa gọi, được Chúa chọn! Giăng Báp-tít đã chuẩn bị, chịu huấn luyện, đã trung tín giảng trong đồng vắng.
Nếu ngày nay chúng ta nhận mình là người Báp-tít mà Chúa đang đặt để giữa thời sau rốt nầy, Lời Chúa trong 1 Phi-e-rơ 1:6-7 nhắc nhở mỗi người, “Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu; hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra.”
Nguyện xin Chúa cho chúng ta trong những năm tháng còn lại, mỗi chúng ta cứ đứng chỗ mà Chúa muốn chúng ta đứng, giữ lấy điều mình đã được gọi, được sai, dù đó là đồng vắng khô hạn, dù khó khăn nhiều bề, dù thù nghịch vây hãm. Hãy nhớ lời Chúa phán, “kẻ rất nhỏ hèn trong nước thiên đàng còn được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít.” Nguyện mỗi tín hữu Báp-tít hôm nay là người được Chúa tôn trọng hơn khi chúng ta gặp Ngài. Amen!
Mục sư Đặng Ngọc Vui
Bài viết liên quan:
https://huongdionline.com/2016/05/16/dai-hoi-lan-1-giao-hoi-tin-lanh-bap-tit-viet-nam/