Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / Vị Trí Trung Tâm Của Hội Thánh

Vị Trí Trung Tâm Của Hội Thánh

Nhận biết vị trí trung tâm của Hội Thánh

Rod Dempsey 

my

Bài trước: https://huongdionline.com/2018/10/16/dang-quan-trong-nhat-trong-doi-song-muc-vu/

Câu chuyện của tôi

Vào một buổi sáng mùa xuân tuyệt đẹp tháng 5, lần đầu tiên tôi đã hiểu và làm theo phúc âm của Đức Chúa Giê-su Christ. Lúc đó tôi chín tuổi. Như thường lệ tôi cùng gia đình đi đến nhà thờ. Chúng tôi tham gia vào lớp Trường Chúa Nhật. Sau lớp Trường Chúa Nhật, chúng tôi đến buổi nhóm thờ phượng. Sau buổi nhóm chúng tôi có lễ báp têm, và sau đó mục sư nói rằng ông tin Đức Thánh Linh đang hành động và vẫn còn một người nữa trong buổi sáng hôm đó cần tiếp nhận Đấng Christ. Tôi chính là người đó. Một điều gì đó thật lạ. Khi ông nói những lời ấy, tim tôi bắt đầu đập thình thịch trong lồng ngực như một chuyến tàu chở hàng. Tôi biết rằng Đức Chúa Trời đang hành động trong đời sống tôi. Tôi quay sang người bên cạnh và nhờ anh ấy giữ giúp tài liệu Trường Chúa Nhật, anh ấy nhanh chóng đáp rằng: “không thể nào.” Tôi vội vàng đặt tập tài liệu xuống và đi lên phía trước. Sau khi nói chuyện với Mục sư, tôi đã xưng nhận Đức Chúa Giê-su là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa của tôi (Rô-ma 10:9-10) và ngay sau đó tôi được làm phép báp têm! Tôi cảm thấy được tự do, được tinh sạch và  tâm hồn nhẹ nhàng thư thới. Tôi biết tội lỗi của mình đã được tha và tôi sẽ được lên thiên đàng.

Tôi đã rất phấn khởi được trở thành một môn đồ của Đấng Christ, đến nỗi tôi đã nói cho tất cả các bạn của tôi. Không may thay, niềm phấn khởi của tôi sớm héo tàn bởi vì những người bạn của tôi không có cùng một niềm tin mới giống như tôi. Không lâu sau, tôi đã không còn nói cho họ về Đấng Christ nữa. Tôi đã sớm học phải giữ “quan điểm cá nhân” cho riêng mình tôi. Tôi bắt đầu bỏ nhóm khi có một lý do nào đó, và một vài năm sau, bạn sẽ không nhận ra cuộc sống của tôi có gì khác biệt với những người bạn của tôi không biết Chúa. Tôi đã đi từ niềm phấn khích vì được làm môn đồ của Đấng Christ và rồi trở nên sợ hãi không dám nhắc đến Đức Chúa Giê-su. Thay vì là một môn đồ của Đức Chúa Giê-su, tôi đã đã trở thành một môn đồ của thế gian.

Trong thời Trung học, tôi tham gia rất nhiều hoạt động thể thao và chỉ muốn hòa nhập với đám đông. Bạn gần như khó có thể nhận ra tôi là một người tin Chúa. Song nhìn lại khoảng thời gian đó, tôi tin là mình đã được cứu. Tuy nhiên, tôi hiển nhiên không phải là một “môn đồ” của Đức Chúa Giê-su theo như cách mà chúng ta định nghĩa trong quyển sách này. Tôi là một người tin Chúa những vẫn rất “thế tục” (I Cô-rin-tô 3:1-3). Tôi không tăng trưởng trong linh trình với Đấng Christ. Tôi là một Cơ Đốc Nhân non nớt về mặt thuộc linh, một người cần được lớn lên và trưởng thành.

Trở nên một môn đồ của Đức Chúa Giê-su có nghĩa là bạn phải chủ tâm theo Ngài. Các sách Phúc Âm nói rõ về điều này. Bạn vâng theo lời dạy và sứ mệnh mà Ngài giao. Bạn ăn năn về thói ích kỷ và về việc bạn đã sống theo cách riêng của mình, rồi sau đó bạn đầu phục để vâng theo những lời dạy và sứ mệnh mà Đức Chúa Giê-su Christ đã giao. Đó chính là ý nghĩa của việc trở nên một môn đồ. Tiến trình giúp đỡ các Cơ Đốc Nhân tăng trưởng và phát triển tâm linh được gọi là môn đồ hóa.

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng bất kỳ một Cơ Đốc Nhân nào khi mới bắt đầu tiếp nhận Đấng Christ thì người đó được sanh lại (Giăng 3:1-5). Họ được ví sánh như là những đứa trẻ thuộc linh (Hê-bơ-rơ 5:13-14), là những người cần “trưởng thành” trong mọi mặt để trở nên giống Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:14). Đó chính là cuộc sống bình thường của Cơ Đốc Nhân. Tuy nhiên sự tăng trưởng tâm linh của tôi trong tuổi niên thiếu có lúc thành công, nhưng cũng lắm lúc thất bại. Tôi đã đầu phục Đấng Christ và muốn theo Ngài, nhưng tôi cũng luôn cảm thấy bất lực không thể thực hiện được điều đó. Chỉ một vài năm sau, tôi đi từ một môn đồ nhiệt thành của Đấng Christ trở nên một “Cơ Đốc Nhân thầm lặng”, bất lực, bối rối, và khốn khổ.

Bài học đau thương

Đáng buồn thay, gần như ba mươi năm trong chức vụ Cơ Đốc, tôi đã nhiều lần chứng kiến những câu chuyện tương tự như lời chứng của tôi – những bạn trẻ hứa nguyện với Đấng Christ khi còn nhỏ nhưng sau đó lại lạc lối đi xa Ngài trong độ tuổi niên thiếu. Trong hầu hết các trường hợp, đứa con hoang đàng đó đã trở về, nhưng mang trên mình những vết sẹo đầy đau đớn. Có thể trường hợp của tôi cũng giống như câu chuyện của bạn.

Jubilee_Evangelical_Church

Có thể bạn sẽ hỏi rằng: tại sao những đứa trẻ, người lớn hay bất kỳ ai cũng có thể lạc hướng và đi xa khỏi Chúa? Có rất nhiều lý do, nhưng một trong những lý do lớn nhất khiến con người lạc lối và đi xa khỏi Chúa đó là bởi vì họ không bước đi với Chúa nhiều hơn. Tôi đã không “lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình” (Phi-líp 2:12), và Hội Thánh nơi tôi lớn lên đã không giúp đỡ tôi. Hội Thánh nơi tôi lớn lên là một Hội Thánh vùng quê, nơi đó người giảng đạo thì giảng, còn các gia đình thì tham dự buổi nhóm. Song tại đó không có một kế hoạch chủ động giúp đỡ những Cơ Đốc Nhân trẻ tuổi tăng trưởng và phát triển. Những lãnh đạo Hội Thánh là những người tốt và tin kính Chúa, song họ không có chủ tâm nỗ lực giúp đỡ các thanh niên lớn lên và trưởng thành về mặt thuộc linh. Câu chuyện này không xa lạ đối với nhiều người.

Không may thay, rất nhiều Hội Thánh đã không chủ động tập trung vào công tác trang bị và giúp sức cho những tân tín hữu lớn lên và phát triển tối đa khả năng của họ cho Vương quốc của Chúa. Hậu quả là rất nhiều tân tín hữu lạc bước đi xa khỏi Chúa và Đấng Cứu Chuộc của họ. Tân tín hữu đó không đủ mạnh để chống lại “ba mối đe dọa”-mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời – và họ cách xa Chúa và Đấng Cứu Chuộc của họ (I Giăng 2:16).

 

Thất bại trong việc lập kế hoạch đồng nghĩa với việc lập kế hoạch cho sự thất bại

Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su Christ cần phải có những kế hoạch cụ thể để giúp mọi người tăng trưởng và phát triển tối đa tiềm năng của họ trong Đấng Christ. Mệnh lệnh chính trong Đại Mạng Lệnh đó chính là “môn đồ hóa.” Tôi không đổ lỗi cho Hội Thánh mà tôi đã lớn lên. Tôi là người đã có những quyết định sai cho cuộc đời mình. Chúng ta đều là những con người tự do về đạo đức. Chúng ta có quyền lựa chọn, và cho đến cuối cùng chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm cho những sự lựa chọn của mình. Mặc dầu vậy, tôi vẫn tin rằng Hội Thánh cần phải rất chú tâm đến việc giúp đỡ những Cơ Đốc Nhân non trẻ để họ lớn lên và trưởng thành, trở nên những môn đồ hết lòng tận tụy của Đức Chúa Giê-su Christ. Trong quyển sách Chiến lược môn đồ hóa (Strategic Disciple Making), tác giả Aubrey Malphurs khẳng định: “Mệnh lệnh dành cho Hội Thánh là rất rõ ràng… chúng ta phải môn đồ hóa. Hội Thánh phải theo đuổi, khiến người khác trở nên người tin Chúa và giúp họ trưởng thành, ở tại quê nhà lẫn hải ngoại.”1 Thanh niên Cơ Đốc cần phải đi lên từ uống sữa rồi chuyển sang thức ăn đặc là Lời Chúa. Họ phải lớn lên từ những em bé  để trở thành những người lớn và trưởng thành, khi đó họ sẽ tham dự vào kế hoạch của Đức Chúa Trời để tiếp tục nhân bội lên những môn đồ của Chúa trong thế gian.

 

Vai trò của Hội Thánh

Hội Thánh phải đóng vai trò trung tâm trong kế hoạch môn đồ hóa của Đức Chúa Trời trên toàn cầu. Chữ Hội Thánh xuất hiện tám mươi hai lần trong Tân Ước, và lần đầu tiên Đức Chúa Giê-su nói về khái niệm “Hội Thánh” là ở Ma-thi-ơ 16:18, tại đó Ngài phán rằng: “Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội Thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” Chúng ta nhận thấy từ câu Kinh Thánh này rằng khi ấy Hội Thánh vẫn chưa tồn tại. Hội Thánh là điều sẽ xảy ra trong tương lai. Đức Chúa Giê-su phán rằng: “ta sẽ,” đó là để nói về tương lai. Chúng ta cũng nhận thấy rằng chính Chúa sẽ xây dựng nên điều mới mẻ này, đó chính là Hội Thánh. Nghĩa là Đức Chúa Giê-su là nhà sáng lập và cũng là đầu của Hội Thánh (Ê-phê-sô 1:22; 5:23; Cô-lô-se 1:18). Ngài nói thêm về Hội Thánh rằng đó là một lực lượng tập thể sẽ khóa các cửa âm phủ lại. Chúng ta nhận thấy từ câu Kinh Thánh này rằng Hội Thánh sẽ là công cụ tấn công vương quốc của sự tối tăm (Cô-lô-se 1:13).

Trong sách Công vụ các sứ đồ, Hội Thánh xuất hiện sau khi Phi-e-rơ lần đầu tiên rao giảng sứ điệp phúc âm. Hàng ngàn người tin, ăn năn, và hiệp lại cùng nhau để hình thành nên thân thể đầu tiên của Đấng Christ (Công vụ 2:42-47). Từ Hội Thánh xuất hiện 21 lần trong sách Công vụ các sứ đồ. Đã có rất nhiều tác phẩm nói đến cộng đồng những người tin Chúa đầy năng động này, họ đã nhóm nhau lại để cầu nguyện, thông công, dạy dỗ và chủ tâm thực hiện Đại Mạng Lệnh. Khi chúng ta đọc đến Công vụ 9:31, Lu-ca đã diễn tả Hội Thánh như sau: “Ấy vậy, Hội Thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình an, gây dựng và đi trong đường kính sợ Chúa, lại nhờ Đức Thánh Linh vùa giúp, thì số của hội được thêm lên.” Từ câu Kinh Thánh này chúng ta có thể thấy một số yếu tố cơ bản cho sinh hoạt của một Hội Thánh. Ở họ có sự hòa hợp. Các thành viên được gây dựng và tăng trưởng trong sự thông biết về đời sống được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Hội Thánh đã có ảnh hưởng đến xã hội tại khắp xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri, và sự ảnh hưởng đó bắt nguồn từ những đời sống được biến đổi.

(Còn nữa)

Dave Earley and Rod Dempsey

Translated by Vinh Hien

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn