Thẩm Quyền Kinh Thánh và Nghiên Cứu Lời Chúa: Phần Hai
Tôi đang nhìn quyển Kinh Thánh đầu tiên của mình trên giá sách. Đó là một quyển Kinh Thánh Tân Ước màu đỏ được phân phát bởi hội Gideon tại Trường Tiểu Học James Butler Bonham ở Houston, Texas vào ngày 27 tháng 3 năm 1969. Tôi biết điều đó bởi vì tôi đã ghi lại trên trang giấy trắng của quyển Kinh Thánh. Khi tôi được nhận quyển Kinh Thánh này, tôi đã bắt đầu mang nó theo bên mình, để trong túi sau của quần Jeans, đó là lý do khiến quyển sách bị nhàu rách như ngày nay.
Dù tôi rất vui khi có được quyển Kinh Thánh cho riêng mình, nhưng tôi không thể làm được nhiều điều với quyển sách ấy. Giống như hầu hết những người lần đầu học Kinh Thánh, tôi mở ra trang đầu tiên. Tại đó tôi thấy phần gia phả. Sau ba hay bốn giờ, tôi bỏ cuộc. Tôi nghĩ rằng rõ ràng mình đã không có đủ hiểu biết để hiểu quyển sách này.
Ý kiến đó vừa đúng nhưng cũng vừa sai. Như chúng ta đã tìm hiểu trong chương mười, một số công tác chuẩn bị rất cần thiết cho việc học bất kỳ thể loại văn chương nào, đặc biệt là lời Chúa. Như chúng ta sẽ thấy trong chương này, có những nguyên tắc và thực hành giúp cho việc học Kinh Thánh được hiệu quả. Những công cụ này dành cho tất cả mọi người muốn gặp Chúa trong lời Ngài.
Khi chúng ta bắt đầu học một phân đoạn Kinh Thánh, đầu tiên chúng ta sẽ nêu lên những câu hỏi như trong chương mười. Với những thông tin này, chúng ta đã sẵn sàng tiếp tục.1
Trong chương này tôi sẽ đề xuất phương pháp bốn yếu tố cho việc học Kinh Thánh:
- Về văn phạm: Từ ngữ có nghĩa gì?
- Về lịch sử: Hoàn cảnh đằng sau bản văn là gì?
- Về mặt thần học: Bản văn muốn truyền đạt lẽ thật thuộc linh gì?
- Về mặt thực hành: Bản văn muốn áp dụng bài học nào cho cuộc sống tôi?
Các nguyên tắc về văn phạm
Chúng ta sẽ bắt đầu với những câu hỏi về văn phạm. Người Baptist tin rằng Kinh Thánh dành cho tất cả mọi người tin Chúa, và trước mặt Chúa mỗi một Cơ Đốc Nhân là một thầy tế lễ của chính mình. Vậy chúng ta đến với Kinh Thánh với niềm tin rằng mục đích là chúng ta sẽ hiểu Kinh Thánh.
Nghiên cứu về từ ngữ
Hãy bắt đầu với từ ngữ. Chúng ta muốn biết tác giả có ý định nói lên điều gì, không chỉ là điều mà họ dường như muốn nói cho chúng ta ngày nay. Trong bất kỳ ngôn ngữ nào, từ ngữ trải qua thời gian dài sẽ có thêm những lớp nghĩa và áp dụng mới. Chúng ta muốn biết ý nghĩa mà trước giả muốn truyền đạt là gì.
Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-su đã kể cho chúng ta về một người trao cho các đầy tớ của mình các “ta-lâng” (Ma-thi-ơ 25:14-30). Ngày nay từ ta-lâng có nghĩa là những tài năng hoặc khả năng. Trong thời của Đức Chúa Giê-su đó là đơn vị tiền tệ (trị giá hơn một ngàn đô-la ngày nay). Chúng ta diễn giải sai câu chuyện ngụ ngôn này nếu chúng ta nghĩ câu chuyện liên hệ đến những khả năng và ân tứ thuộc linh mà Đức Chúa Trời ban cho.
Bản Kinh Thánh King James kể cho chúng ta câu chuyện Xa-chê muốn nhìn xem Đức Chúa Giê-su “nhưng không thấy được, vì đoàn dân đông lắm, mà mình lại thấp” (Lu-ca 19:3). Có thể lắm chúng ta sẽ tưởng tượng người đàn ông thấp này cố nhìn qua những phóng viên đang phỏng vấn Đức Chúa Giê-su trên đường Ngài đến thành Giê-ri-cô. Dĩ nhiên, từ “đám đông” (trong tiếng Anh là từ “press”, cũng có nghĩa là báo chí) trong thế kỷ mười bảy lúc bản Kinh Thánh này được dịch thì mang nghĩa là đám đông. Không phải Lu-ca đang lên án phương tiện truyền thông đại chúng.
Làm thế nào chúng ta có thể nghiên cứu về từ ngữ? Hãy hỏi năm câu hỏi:
Đầu tiên, từ ngữ đó được định nghĩa như thế nào? Với sự giúp đỡ của một từ điển Kinh Thánh, hãy tra mọi từ ngữ tối nghĩa có trong bản văn. Hãy cẩn thận giới hạn công việc này trong phạm vi định nghĩa những từ vựng theo như ý định truyền tải ban đầu của tác giả.
Thứ hai, bối cảnh của từ vựng đó là gì? Thường thì những câu xung quanh thuật ngữ sẽ giải thích ý nghĩa cho từ ngữ đó. Chẳng hạn như, Đức Chúa Giê-su nói về vương quốc Đức Chúa Trời trong lời Cầu Nguyện Mẫu (Ma-thi-ơ 6:10). “Vương quốc” này là gì? Chính Chúa đã định nghĩa cho điều này: “Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời.” Đức Chúa Giê-su dùng phép quan hệ song song, đây là một cách diễn tả của người Hê-bơ-rơ mà tại đó câu thứ hai lặp lại hoặc định nghĩa cho câu thứ nhất. “Vương quốc” là nơi mà ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện. Ngữ cảnh định nghĩa cho thuật ngữ.
Thứ ba, lịch sử về từ vựng đó là gì? Một quyển từ điển hoặc bách khoa toàn thư sẽ cung cấp cho chúng ta bối cảnh và ý nghĩa ban đầu của từ ngữ đó. Nhưng một lần nữa, hãy cẩn thận giới hạn việc diễn giải của bạn trong ý nghĩa mà trước giả muốn truyền tải. Cũng vậy, hãy sử dụng các sách giải kinh để giúp bạn xử lý những từ ngữ trong ngôn ngữ ban đầu được viết ra.
Hãy lưu ý rằng lịch sử của từ ngữ được dịch ra có thể chỉ liên kết rất ít với ý nghĩa mà tác giác muốn nói. Hãy xem xét từ “phước” (tiếng Anh là từ “bless”) là từ mà Đức Chúa Giê-su dùng để bắt đầu cho bài giảng về Các Phước Lành (Ma-thi-ơ 5:3-11). Từ ngữ tiếng Anh này có thể bắt nguồn từ chữ blis trong tiếng Anh cổ, nghĩa là vui mừng. Từ này cũng có thể bắt nguồn từ chữ blod, nói về huyết hy sinh. Một người được “phước” nếu họ được chuộc tội bằng của tế lễ. Từ này cũng có thể bắt nguồn từ chữ benedicere, một từ Latin có nghĩa là chúc điều tốt lành. Lần đầu tiên tôi giảng về Các Phước Lành lúc còn là một sinh viên thần học, tôi đã dùng tất cả các định nghĩa trên để giải thích cho từ ngữ này.
Chỉ sau đó tôi mới nhận ra rằng Đức Chúa Giê-su không sử dụng từ “phước” như trong tiếng Anh, nhưng từ tiếng Hy Lạp đó là makarios. Từ ngữ này không có bối cảnh lịch sử như của từ phước trong tiếng Anh. Makarios diễn tả niềm hạnh phúc vượt trên hoàn cảnh, một niềm vui vượt quá ngôn từ hoặc thế giới. Khi đưa những định nghĩa từ phước trong tiếng Anh vào, tôi đã đánh mất ý nghĩa của từ phước trong nguyên bản. Nên xin đừng làm thế.
Thứ tư, những phần khác trong Kinh Thánh sử dụng từ ngữ này như thế nào? Một quyển Kinh Tiết Sách Dẫn hoặc từ điển có thể giúp chúng ta. Bởi vì Kinh Thánh giải thích cho Kinh Thánh, các phân đoạn khác thường giúp làm rõ ý nghĩa của những từ vựng trong phân đoạn mà chúng ta đang tìm hiểu.
Chẳng hạn như, hãy nhớ rằng Đức Chúa Giê-su căn dặn chúng ta rằng nếu ai gọi người khác là “đồ điên” thì bị nguy hiểm trước “lửa địa ngục” (Ma-thi-ơ 5:22). Tại sao? Bởi vì từ “đồ điên” trong Kinh Thánh nói về một người kém cỏi về đạo đức nhất, một người chối bỏ Đức Chúa Trời để theo đuổi cuộc sống lầm lạc tệ hại. Đây là người “nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 14:1). Gọi một ai đó là “đồ điên” nghĩa là vu khống cho nhân cách và giá trị của người ấy, là sự phỉ báng tồi tệ nhất.
Thứ năm, bối cảnh văn hóa của từ vựng đó là gì? Những thông tục nào trong thời đại của tác giả ảnh hưởng đến việc sử dụng từ ngữ này? Đức Chúa Giê-su phán với chúng ta: “nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ” (Ma-thi-ơ 5:41). Có phải Ngài đang nói đến những người chạy bộ, hay những người chạy xe đạp trên con đường mòn?
Thực ra, Ngài đang nói về một tập quán của người Ba-tư được người Rô-ma kế tục, đó là một người nào đó có thể bị ép phải khiêng binh khí cho quân lính trong vòng một dặm. Điều này không phải là để giúp cho người lính ấy nhưng để nhắc nhở người mang giúp binh khí rằng người ấy đang phục vụ cho Đế Quốc. Đức Chúa Giê-su pháp rằng: Nếu ai đó làm nhục con, hãy để cho người đó làm nhục con nữa. Đùng báo trả vu khống bằng vu khống, báo trả việc làm nhục bằng làm nhục. Thậm chí con hãy đối đãi với kẻ thù của mình bằng sự phục vụ khiêm nhường. Bối cảnh về văn hóa đã làm sáng tỏ ý định của câu Kinh Thánh này.2
Để tóm lại, hãy bắt đầu việc học Kinh Thánh với những từ ngữ. Hãy định nghĩa và làm rõ ý nghĩa của những từ ngữ đó, với sự hỗ trợ của một quyển từ điển, Kinh Tiết Sách Dẫn, bách khoa toàn thư, và chú giải Kinh Thánh. Chúng ta cần phải biết ý nghĩa từ ngữ của Đức Chúa Trời nếu chúng ta muốn diễn giải lời Chúa.
Văn phạm
Thường thì ngữ pháp tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram, hoặc Hy Lạp sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa được dịch ra cho chúng ta. Tại đây cấu trúc câu mà tác giả sử dụng là vô cùng quan trọng. Một quyển sách chú giải Kinh Thánh có thể giúp trong vấn đề này.
Một ví dụ về tầm quan trọng của cấu trúc câu trong tiếng Hê-bơ-rơ, hãy xem Sáng thế ký 3:12: “Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.” A-đam đổ tội lỗi của mình cho ai – người nữ hay là Đấng đã dựng nên người nữ ấy? Ngữ pháp trả lời cho câu hỏi này.
Dịch theo từng chữ một câu Kinh Thánh trong tiếng Hê-bơ-rơ sẽ là: “người nữ / người nam / và ông nói / với tôi / Ngài ban / người mà / cái cây / cô ấy đưa cho / cô ấy / và tôi / ăn.” Trong tiếng Hê-bơ-rơ, khi từ “cô ấy” làm chủ ngữ đặt trước động từ thì sự nhấn mạnh đặt trên người thực hiện hành động. A-đam đã đổ lỗi một cách trực tiếp và dứt khoát lên bà Ê-va về tội lỗi của ông. Bạn không cần biết tiếng Hê-bơ-rơ để hiểu ý này. Nhưng bạn nên tham khảo một sách giải kinh nào đó do một người biết tiếng Hê-bơ-rơ viết ra.
Một ví dụ quan trọng về cấu trúc câu trong Kinh Thánh Tân Ước tiếng Hy Lạp đó là I Giăng 3:9. Bản Kinh Thánh King James dịch câu Kinh Thánh này là: “Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời” (bản dịch truyền thống). Việc dịch câu Kinh Thánh này đã gây cho nhiều người nghi ngờ khi họ phạm tội. Nếu chúng ta “đã sanh ra bởi Đức Chúa Trời,” chúng ta “không thể phạm tội”. Hoặc là bản văn dường như muốn nói lên điều đó.
Đây là tin tốt lành cho tất cả chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời nhưng vẫn thất vọng về Cha chúng ta. Động từ trong tiếng Hy Lạp này chỉ về hành động tiếp diễn liên tục. Chính vì vậy mà bản NIV đã dịch: “Ai do Đức Chúa Trời sinh ra thì không còn khuynh hướng phạm tội, vì mầm sống của Ngài ở trong người ấy; người ấy không thể cứ phạm tội vì đã được Đức Chúa Trời sinh ra” (Bản dịch 2011). Cú pháp khiến cho ý nghĩa ban đầu trở nên sáng tỏ hơn.
Thể loại văn học
Chúng ta đã thảo luận trong chương mười về tầm quan trọng của việc tìm hiểu thể loại văn học của sách mà chúng ta đang nghiên cứu. Tuy nhiên, một phân đoạn cụ thể cũng cần phải được dành thời gian để tìm hiểu như vậy. Chẳng hạn như, Phúc Âm của Ma-thi-ơ chứa đựng những biểu tượng, những bài thuyết giảng, và những phần nói về ngày tận cùng của thế giới. Chúng ta sẽ diễn giải một câu chuyện ngụ ngôn khác với tường thuật lịch sử.
Những phép tu từ là một chủ đề quan trong trong thể loại văn chương. Đầu tiên là phép ẩn dụ, đó là một minh họa sử dụng cách so sánh trực tiếp và không được hiểu theo nghĩa đen. Chẳng hạn như khi Đức Chúa Giê-su ví chính Ngài là “cây nho thật” (Giăng 15:1), rõ ràng Ngài đang sử dụng phép ẩn dụ.
Một phép tu từ khác đó là phép so sánh, là phép tu từ sử dụng những từ ngữ như từ giống như hoặc như là. Chẳng hạn như: “Cảnh trạng của sự vinh quang Đức Giê-hô-va nơi đỉnh núi, trước mặt dân Y-sơ-ra-ên, khác nào như đám lửa hừng” (Xuất Ê-díp-tô ký 24:17) đây là một phép so sánh. Phép tu từ thứ ba đó là lối nói phóng đại, một mệnh đề sử dụng cách nói quá để nêu lên quan điểm của mình. Giống như phép ẩn dụ và so sánh, lối nói phóng đại không được hiểu theo nghĩa đen.
Khi chúng ta đọc lời khuyên răn của Đức Chúa Giê-su: “Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi” (Ma-thi-ơ 5:29), điều vô cùng quan trọng đó là chúng ta cần phải diễn giải câu Kinh Thánh này theo ý định của Đức Chúa Giê-su!
Ngữ cảnh
Khi chúng ta xem xét những phương diện về văn phạm của bản văn mà chúng ta đang nghiên cứu, chúng ta cần phải tìm hiểu ngữ cảnh lớn hơn xung quanh bản văn. Hãy hỏi ba câu hỏi:
- Ý tưởng chung của bản văn xung quanh phân đoạn mà chúng ta đang nghiên cứu là gì?
- Phần Kinh Thánh đóng góp như thế nào với dòng tư tưởng và ý định của tác giả?
- Phân đoạn Kinh Thánh dạy về lẽ thật có tính mô tả hay có tính quy tắc? Đây là vấn đề cốt yếu trong chú giải Kinh Thánh.
Những mệnh đề mang tính quy tắc được đưa ra như là những mệnh lệnh cho độc giả. Khi Đức Chúa Giê-su khuyên chúng ta: “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét” (Ma-thi-ơ 7:1), Ngài quy định hành vi cho mọi người tin Ngài. Mặc khác, những mệnh đề mang tính mô tả đơn giản chỉ là kể về sự kiện mà không công nhận hành vi đúng đắn nào. I Các vua 11:3 nói rằng Sa-lô-môn có 700 vợ và 300 người hầu. Mô tả này không quy định hành vi tương tự đối với chúng ta.
Rất nhiều người đỗ lỗi ý nghĩ sai lầm của mình cho Kinh Thánh, họ đã bắt đầu từ việc diễn giải như trên. Những người theo thuyết đa thê công bố: Kinh Thánh nói rằng Sa-lô-môn có 700 vợ, vậy thì tại sao chúng ta không thể có nhiều vợ? Kinh Thánh cũng nói rằng đám đông muốn đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên cây thập tự, rằng A-na-nia và Sa-phi-ra đã lừa dối Hội Thánh, và thành Lít-trơ đã ném đá Phao-lô và để mặc ông đến chết. Kinh Thánh không quy định chúng ta ngày nay phải thực hiện theo bất kỳ hành động nào như trên. Rất nhiều điều được tìm thấy trong Kinh Thánh là để nhắc nhở về những điều chúng ta không được thực hiện.
Khi bạn nghiên cứu về một phân đoạn Kinh Thánh, hãy nghĩ về ngữ cảnh xung quanh. Đi từ phân đoạn đang nghiên cứu đến chương sách chứa đựng phân đoạn đó và rồi đến toàn bộ Kinh Thánh. Khi bạn hiểu những từ ngữ theo ý nghĩa mà trước giả muốn truyền tải, bạn sẽ đi một bước quan trọng nhất trong việc học Kinh Thánh hiệu quả.
(Còn nữa)
James C. Denison
Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”
Translated by Vinh Hien
Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:
VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE
BBVA compass BANK
3111 North Galloway Ave.
Mesquite, TX 75150, USA
Routing# 113010547
Account# 6702149116
Chân thành cảm ơn.
Mục sư Nguyễn Văn Huệ.