Thứ Năm , 21 Tháng Mười Một 2024
Home / Tổng hợp / Mục sư Thomas Stebbins – Tôn Thất Bình (1933-2018)

Mục sư Thomas Stebbins – Tôn Thất Bình (1933-2018)

Lời Ban Biên Tập thuvientinlanh.org:
Theo tin từ Florida, Mục sư Thomas Stebbins (Tôn Thất Bình) đã về với Chúa vào sáng ngày 15/2/2018 tại Florida, Hoa Kỳ. Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc một ít về tiểu sử của Mục sư Thomas Stebbins.

Sơ Lược Tiểu Sử:
Mục sư Thomas Stebbins – Tôn Thất Bình (1933-2018)

Mục sư Thomas Hartman Stebbins sinh ngày 19 tháng 5 năm 1933 tại Huế, Việt Nam; và  về với Chúa vào ngày 15/2/2018 tại Florida, Hoa Kỳ.

Gia Đình

Mục sư Thomas Stebbins là con trai út của ông bà  Irving R. Stebbins.  Cha của Mục sư Thomas Stebbins là Irving Randolph Stebbins và mẹ của ông là Mary Jones Hartman.   Mục sư và bà Irving R. Stebbins  là những giáo sĩ tiên phong của Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance) tại Việt Nam. Hai người đến hầu việc Chúa tại Việt Nam vào năm 1918, lúc đó cả hai còn độc thân.  Sau một một năm quen biết trong khi cùng tập sự hầu việc Chúa, Giáo sĩ Irving R. Stebbins ngỏ lời cầu hôn với Giáo sĩ Mary J. Hartman tại Đà Nẵng, và được nhận lời.  Sau đó, hai người đã thành hôn với nhau.

Ông bà  Irving R. Stebbins sanh được 7 người con là Harriette, Ruth, Robert, Betty, George , Anne, và Thomas, tất cả đều sinh tại Việt Nam.  Ngoại trừ một con trai phải phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ khi Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra, sáu người con còn lại của ông bà  Irving R. Stebbins về sau đã trở thành giáo sĩ, hầu việc Chúa tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Thomas Stebbins và các anh chị.  Thomas là cậu bé nhỏ nhất.

Tên Việt Nam

Vì Mục sư Thomas Stebbins sinh tại Huế, và tên Thomas Stebbins của ông phát âm giống với chữ Tôn Thất Bình trong tiếng Việt; hơn nữa những người tin Chúa được Chúa gọi là con của Đức Chúa Trời và được kể vào dòng hoàng tộc, cho nên trong những năm về sau Mục sư Thomas Stebbins đã chọn tên Việt Nam của mình là Tôn Thất Bình.

Thời Thơ Ấu

Vào thời gian đó, các giáo sĩ sau khi hầu việc Chúa 5 năm tại khu vực truyền giáo, họ được về nước một năm để nghỉ ngơi, thăm viếng gia đình, đi làm chứng vận động để nhận được sự cầu nguyện và hổ trợ cho nhiệm kỳ 5 năm kế tiếp.  Năm 1936, Giáo sĩ và bà  Irving R. Stebbins về Hoa Kỳ nghỉ phép.  Đây là lần đầu tiên cậu bé Thomas Stebbins được thấy Hoa Kỳ, quê hương của cha mẹ mình.

Năm 1937, gia đình Giáo sĩ Irving R. Stebbins trở lại Việt Nam, tiếp tục hầu việc Chúa tại Huế.  Trước khi trở lại Việt Nam, những người thân yêu trong gia đình của Giáo sĩ Irving R. Stebbins đã gom tiền để mua tặng ông bà một chiếc xe Ford mới sản xuất năm 1937 để mang về Việt Nam.  Những người bạn của Giáo sĩ Irving R. Stebbins đã gởi tặng một số vật liệu và phụ tùng để ráp được một căn nhà di động do xe Ford kéo để Giáo sĩ Irving R. Stebbins có thể chở nhiều người đi đến những vùng quê lo công việc Chúa.  Tin tức về căn nhà di động đã được báo vào hoàng cung. Hoàng đế Bảo Đại đã cho mời Giáo sĩ Irving R. Stebbins mang xe đến để tham quan. Cậu bé Thomas Stebbins được cha cho đi theo, và cậu bé hãnh diện vì được bắt tay với Hoàng đế Việt Nam.

Nhà di động tại cung điện Huế

Đến 6 tuổi (1939), như các anh chị của mình và con của những  giáo sĩ khác đang hầu việc Chúa tại Việt Nam vào lúc đó, cậu bé Thomas Stebbins được gởi đến học tại trường dành cho các con của giáo sĩ tại  Đà Lạt.   Khi đó tại Việt Nam chưa có trường dạy trẻ em bằng tiếng Anh, cho nên Hội Truyền Giáo đã thành lập một trường học tại Đà Lạt để dạy cho các con của những  giáo sĩ tại Việt Nam và trong vùng Đông Nam Á.  Sau năm 1975, trường này di chuyển sang Malaysia và tiếp tục hoạt động với tên là Dalat International School.  Các em được gởi đến trường học bốn tháng, sau đó về thăm cha mẹ một thời gian, rồi quay lại học tiếp bốn tháng. Cậu bé Thomas  Stebbins  đã học tại Trường Đà Lạt gần ba năm.

Thomas Stebbins (hàng đầu tiên, góc dưới bên phải) trong lớp học tại Trường Đà Lạt

Trong khoảng thời gian đó, Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Năm 1941, quân Nhật bắt đầu xâm chiếm Việt Nam.  Gia đình giáo sĩ  Irving R. Stebbins  vì có nhiều con còn nhỏ nên được Hội Truyền Giáo khuyên cần di tản khỏi Việt Nam trước khi những diễn biến xấu hơn có thể xảy ra.  Cuối tháng 10 năm 1941, cậu bé Thomas  Stebbins, lúc đó được 9 tuổi, cùng gia đình xuống tàu rời Sài Gòn sang Philippines.  Ngày 7/12/1941, quân đội Nhật tấn công Trân Châu Cảng và nước Nhật  tuyên chiến với Hoa Kỳ.  Tất cả những giáo sĩ ngoại quốc còn ở Việt Nam sau đó đã bị quân Nhật quản thúc trong trại giam tại Mỹ Tho.

Giữa tháng 11 năm 1941, gia đình Giáo sĩ  Irving R. Stebbins về đến San Francisco.  Sau đó, cả gia đình lái xe xuyên nước Mỹ trở về New York để sống tại cư xá dành cho các giáo sĩ tại Nyack.  Thomas Stebbins bắt đầu học lớp ba tại Liberty Elementary School, ở Nyack, New York.

Tiếp Nhận Chúa

Vào mùa hè năm 1942, trong năm đầu tiên ở tại Nyack, cậu bé Thomas Stebbins được mẹ dẫn đến tham dự các buổi nhóm bồi linh do Đại Học Nyack tổ chức.  Cuối mỗi giờ giảng, Merv Roselle, diễn giả của chương trình bồi linh vào lúc đó, thường kêu gọi người nghe bước  lên tin nhận Chúa.  Bà Irving R. Stebbins  thường hỏi Thomas Stebbins rằng con có muốn tiến lên để tiếp nhận Đức Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa của mình hay không. Cậu bé Thomas Stebbins đã nhiều lần thoái thác và trả lời rằng con đã làm điều đó rồi.  Tuy nhiên, trong đêm chót, diễn giả đã kể lại câu chuyện có một cậu bé khi đi mua hoa cho mẹ đã bị xe lửa cán chết.  Điều đáng buồn là cậu bé đã nhiều lần trì hoãn trong việc tiếp nhận Đấng Christ làm Cứu Chúa của mình.  Câu chuyện dường như nói đúng với tâm trạng của Thomas Stebbins vào lúc đó.  Khi trở về nhà, cậu bé Thomas Stebbins trăn trở không thể nào ngủ được.  Giữa khuya, cậu bé đã gõ cửa phòng, xin mẹ cầu nguyện cho mình để tin nhận Chúa.

Thời Niên Thiếu

Vì chiến tranh vẫn kéo dài, năm 1943 gia đình Giáo sĩ  Irving R. Stebbins dọn về Californnia sống  tại East Oakland, rồi Richmond, và El Cerritos.  Năm 1945, Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, gia đình Giáo sĩ  Irving R. Stebbins quay trở lại Nyack, New York.

Như phần lớn thiếu niên trong lứa tuổi này, cậu bé Thomas Stebbins thích giao du với bạn bè, thích âm nhạc và thể thao. Thomas Stebbins học thổi kèn trombone, và có thể độc tấu trong giờ thờ phượng tại nhà thờ.  Thomas Stebbins thích nhiều môn thể thao và chơi giỏi bóng chày (baseball), bóng rổ, và tennis.  Thomas Stebbins đã đoạt hạng nhì về tennis dành cho các học sinh trung học tại Rockland County, New York.

Mặc dầu đã cầu nguyện tin Chúa, nhưng trong những năm đó, Mục sư Thomas Stebbins kể lại rằng cậu thiếu niên Thomas Stebbins chỉ sống như là một người mang danh tín đồ mà thôi.  Trong 7 năm, ngoại trừ lúc ở nhà thờ, ngày thường  cậu không đọc Kinh Thánh,  không cầu nguyện, không chia sẻ với ai về Chúa.  Những người mà cậu tiếp xúc bên ngoài không ai biết cậu là người tin Chúa.

Trong một kỳ trại hè tại Đại Học Nyack, khi nghe Tiến sĩ Harold Boon chia sẻ về việc Phi-e-rơ chối Chúa, Thomas Stebbins nhận biết rằng mình đã cư xử chẳng khác nào Phi-e-rơ, bởi vì đã dành quá nhiều thì giờ bên cạnh những “bếp lửa của trần gian”, bên cạnh những người không tin Chúa, và thậm chí đã chối Chúa trước một phụ nữ trẻ đẹp ngoại đạo, là người mà Thomas đã cùng chơi tennis.

Thomas Stebbins đã ăn năn với Chúa, quyết định sống cuộc đời của một người thuộc về Chúa cả bảy ngày trong tuần, và hứa sẽ hầu việc Chúa là Đấng Chủ Tể của cuộc đời mình.  Thomas Stebbins bắt đầu đọc Kinh Thánh, mỗi ngày ba đoạn và Chúa Nhật năm đoạn.  Và rồi, Lời Chúa đã mang lại sức sống và ánh sáng cho cuộc đời của chàng thanh niên Thomas Stebbins trong những năm tháng kế tiếp.

Được Chúa Kêu Gọi

Năm 1949, khi tình hình tại Việt Nam đã tương đối ổn định, Giáo sĩ và bà Irving R. Stebbins quyết định trở lại Việt Nam.  Ông bà đã cho đứa con trai út của mình hai sự chọn lựa: Thứ nhất, theo ông bà về Việt Nam học tại Trường Đà Lạt. Thứ hai, ghi danh theo học nội trú tại Hampden DuBose ở Zellwood, Florida, là trường dành cho con các giáo sĩ tại Hoa Kỳ.

Khi xem qua cuốn niên giám của trường Hampden DuBose,  Thomas Stebbins thấy trường có hai sân quần vợt, có dạy trượt nước và cỡi ngựa, Thomas Stebbins đã chọn ở lại Hoa Kỳ học tại Hampden DuBose.  Thomas Stebbins không biết rằng Đức Chúa Trời đã có chương trình để kêu gọi ông trở thành người hầu việc Chúa tại Hampden DuBose.

Thomas Stebbins được sinh ra trong một gia đình đã hai đời làm giáo sĩ nhưng Thomas Stebbins không muốn làm giáo sĩ.  Thuở nhỏ, cậu bé Thomas Stebbins muốn lớn lên trở thành một nông gia để được lái những chiếc xe chuyên dùng của nhà nông, và được vắt sửa bò.  Đến tuổi thiếu niên, cậu bé mơ ước được trở thành một danh thủ quần vợt hoặc một huấn luyện viên quần vợt.

Năm 1950, Jack Wyrtzen, người sáng lập Word of Life Hour, đã đem con gái đến ghi danh cho cô học tại trường Hampden DuBose.  Nhân dịp này, nhà trường đã mời ông giảng cho các học sinh của trường.  Jack Wyrtzen đã giảng câu Kinh Thánh  “Ta đã tìm một người trong vòng chúng nó để xây lại tường thành và vì cớ đất nước này mà đứng vào nơi rạn nứt trước mặt Ta, hầu cho Ta không hủy diệt nó; nhưng Ta chẳng tìm được một ai” (Ê-xê-chi-ên 22:30). Jack Wyrtzen đã dùng câu Kinh Thánh trên để nhắc cho các học sinh nhu cầu truyền giáo cho thế giới.  Thế giới đang rạn nứt, đỗ vỡ.  Đức Chúa Trời không muốn hủy diệt thế giới. Ngài đang tìm những người để xây dựng lại những nơi bị đổ vỡ nhưng không tìm được ai.

Jack Wyrtzen đã hỏi các học sinh tại trường Hampden DuBose: “Các thanh niên ở đâu? Và thường nghe họ trả lời rằng: Xin Chúa hãy sai chị con”.  Lúc đó Thomas Stebbins có ba người chị là Harriete, Ruth và Betty đang hầu việc Chúa trong công tác truyền giáo, và người chị thứ tư là Anne cũng đang học tại Nyack để trở thành giáo sĩ.  Chàng thanh niên Thomas Stebbins  thầm nguyện trong lòng: “Xin Chúa sai các chị của con, nhưng để con ở nhà cầu nguyện hổ trợ cho họ”.

Bất thình lình, Jack Wyrtzen giơ ngón tay chỉ về Thomas Stebbins và nói: “Có một vài người trong các cậu ngay tại trường này đang nói rằng: Lạy Chúa!  Xin sai chị con.  Nhưng Chúa đang kiếm cậu và Ngài cần cậu cho lĩnh vực truyền giáo thế giới”.  Thomas Stebbins kể lại rằng lúc đó, ông không thấy ngón tay của ông Jack Wyrtzen nhưng Thomas Stebbins biết Đức Thánh Linh đang chỉ vào mình.  Chúa đã kêu gọi ông. Ngài giao công tác vĩ đại của Ngài và đặt nó vào lòng ông.

Kết thúc sứ điệp, Jack Wyrtzen kêu gọi những  học sinh nào cảm thấy đây là lời của Chúa kêu gọi mình để hầu việc Ngài tại nước ngoài, hãy tiến lên cầu nguyện cam kết.  Gần phân nửa lớp học đã đáp ứng, và Thomas Stebbins là một người trong số những học sinh đó.

Tháng 5/1951, Thomas Stebbins tốt nghiệp trung học.  Mùa thu năm đó, Thomas Stebbins  vào học tại Đại Học Nyack. Không có học bổng cũng như không có người thân để giúp, trong những tháng hè chàng đã làm nhiều việc khác nhau để kiếm tiền trang trải cho năm học đầu tiên.

Lập Gia Đình

Trong thời gian theo học tại Đại Học Nyack, Thomas Stebbins được người chị là Anne Stebbins giới thiệu cho một cô gái tên là Donna Jean Stadsklev, là con của một giáo sĩ tại Phi châu, được sinh tại Phi châu.   Donna từ thuở nhỏ đã mong ước trở thành giáo sĩ để chia sẻ tình yêu của Chúa cho những người chưa biết Chúa. Donna cũng học tại Đại Học Nyack, học chung với Anne, và học trước Thomas Stebbins hai năm.  Thomas Stebbins nghe lời chị của mình, đã làm quen với Donna. Hai người yêu nhau và hơn hai năm sau Thomas Stebbins  và Donna Stadsklev đã thành hôn vào ngày 31/8/1954.  Khi đó, Donna đã tốt nghiệp và Thomas vẫn còn học tại trường.

Mục sư Thomas Stebbins đã kể lại rằng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn cho ông một người có cùng tâm chí để hầu việc Chúa.  Mục sư cho biết sau hơn 55 năm từ lúc thành hôn, hai người chưa hề cãi nhau một lần.

Tập Sự Hầu Việc Chúa

Trong hai năm chót của đại học, sinh viên Thomas Stebbins được mời làm Mục sư phụ tá, đặc trách cho thanh niên, cho một nhà thờ tại West Hempstead, Long Island, New York.  Trong thời gian này,  Thomas Stebbins đã hướng dẫn các thanh niên trong Hội Thánh học sách Rô-ma.  Kinh nghiệm hầu việc Chúa trong khoảng thời gian này đã giúp Thomas Stebbins hoàn tất một điều kiện của Hội Truyền Giáo CMA vào lúc đó là ứng viên của chức vụ giáo sĩ phải có kinh nghiệm hầu việc Chúa ít nhất hai năm trước khi được gởi ra làm giáo sĩ tại hải ngoại.

Chuẩn Bị Sang Việt Nam

Trong thời gian đó, Bob Mosely, con trai của Viện Trưởng Đại Học Nyack có sang Việt Nam một thời gian ngắn để dạy tại Trường Kinh Thánh Đà Lạt.  Sau khi Bob Mosely trở về Hoa Kỳ, Giáo sĩ Irving R. Stebbins đã viết thơ mời Bob Mosely trở lại Việt Nam để dạy Kinh Thánh.  Tuy nhiên, Bob Mosely cho biết ông đã lớn tuổi, học tiếng Việt rất chậm, khó có thể diễn giải Kinh Thánh một cách rõ ràng trong tiếng Việt.  Giáo sĩ Bob Mosely đề cử Thomas Stebbins sẽ là người thay ông sang Việt Nam để dạy Kinh Thánh, bởi vì nhiều người ở Nyack nhận định Thomas Stebbins có ân tứ dạy Kinh Thánh, và Thomas Stebbins đã biết tiếng Việt từ nhỏ nên học tiếng Việt trở lại sẽ dễ dàng hơn.

Sau khi được Hội Truyền Giáo chấp thuận để gởi sang Việt Nam, tân giáo sĩ Thomas Stebbins đã đến gặp Tiến sĩ Louis King, Tổng Thư Ký của Hội Truyền Giáo CMA tại Á châu.  Tiến sĩ Louis King đã hỏi Giáo sĩ Thomas Stebbins dự định sẽ làm gì khi đến Việt Nam. Khi nghe câu trả lời “Tôi muốn dạy Trường Kinh Thánh”, Tiến sĩ Louis King đã bày tỏ sự thất vọng, và nói rằng: “Tom! Tất cả những người được bổ nhiệm cho công tác truyền giáo ở Việt Nam mà tôi từng trò chuyện đều nói như vậy.  Nếu ai cũng làm giáo sư thì ai là người sẽ truyền giảng Phúc Âm và là người xây dựng Hội Thánh.  Tại sao anh không cầu xin Đức Chúa Trời sử dụng anh như là một nhà truyền giảng Phúc Âm và là người xây dựng Hội Thánh.”

Câu nói của  Tiến sĩ Louis King đã thay đổi nhận thức của vị giáo sĩ trẻ.  Khi được Hội Truyền Giáo CMA cầu nguyện bổ nhiệm vào chức vụ giáo sĩ tại Việt Nam, trong khi các vị lãnh đạo hội thánh cầu nguyện cho mình, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã thầm nguyện xin Chúa cho mình sẽ trở thành một nhà truyền giảng Phúc Âm (Ê-phê-sô 4:11).

Thời Gian Đầu Tại Việt Nam

Ngày 11/1/1957, Thomas Stebbins cùng vợ và con gái là Jennifer Ruth rời San Francisco đi Việt Nam.  Ngày 15/2/1957, tàu đến Vũng Tàu.  Trong năm đầu tiên, hai giáo sĩ dành thì giờ để học tiếng Việt tại Sài Gòn.

Năm 1958, Giáo sĩ Thomas Stebbins được cử về lo công việc truyền giáo tại tỉnh Phú Yên. Cũng trong thời gian đó, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đã cử ba Truyền Đạo trẻ đến Phú Yên là Ngô Tấn Phi (Sông Cầu), Đặng Đăng Khoa (Thạch Bàn), và Trương Đoan Dương (La Hai).  Tại Phú Yên, Giáo sĩ Thomas Stebbins cùng với các truyền đạo Việt Nam được Mục sư Nguyễn Văn Thìn hướng dẫn về văn hóa Việt Nam và cách truyền giáo cho người Việt.  Mục sư Nguyễn Văn Thìn đã giúp những nhà truyền đạo trẻ hiểu nguồn gốc sâu xa của những suy nghĩ và tập quán của người Việt, nhờ đó các nhà truyền đạo biết cách tiếp cận với người chưa tin Chúa một cách thích ứng với từng hoàn cảnh.  Những điều Mục sư Nguyễn Văn Thìn đã hướng dẫn các nhà truyền đạo trẻ tại Phú Yên là điều mà nhiều thập niên về sau các chủng viện thần học tại Hoa Kỳ đã dạy các sinh viên về vấn đề hội nhập văn hóa.

Hàng trước: TĐ. Đặng Đăng Khoa, Mục sư Nguyễn Văn Thìn, TĐ. Trương Đoan Dương, TĐ. Nguyễn Kim Khánh
Hàng sau: TĐ. Ngô Tấn Phi, Giáo sĩ Thomas Stebbins

Trong thời gian ở Phú Yên, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã khiêm tốn học hỏi với các Mục Sư Truyền Đạo Việt Nam. Giáo sĩ Thomas Stebbins cho biết được hầu việc Chúa với Mục sư Nguyễn Văn Thìn trong những năm đầu tại Việt Nam là một đặc ân. Điều đó đã giúp ông rất nhiều trong chức vụ hầu việc Chúa cho người Việt trong những năm về sau. Trong các chương trình truyền giảng tại nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên, lúc đầu Mục sư Nguyễn Văn Thìn chỉ cho Giáo sĩ Thomas Stebbins thổi kèn trombone.  Một thời gian sau, Giáo sĩ Thomas Stebbins được dạy Kinh Thánh bằng hình ảnh cho thiếu nhi.  Và khá lâu sau đó, Giáo sĩ Thomas Stebbins được phép giảng cho người lớn.  Mặc dầu có những giới hạn về ngôn ngữ, Phúc Âm của Chúa đã được công bố, và một số người đã tiếp nhận Chúa qua lời giảng của Giáo sĩ Thomas Stebbins. Ông biết rằng Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của mình để ban cho ông ân tứ làm nhà truyền giảng Phúc Âm cho người Việt.

Để trở thành một nhà truyền giảng Phúc Âm cho người Việt, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã tìm cách học hỏi phương thức giảng của các mục sư người Việt có ơn Chúa.  Khi biết được Mục sư Phan Đình Liệu – một mục sư Việt Nam đã về hưu – là một mục sư có ơn Chúa trong việc truyền giảng cho công chúng, Giáo sĩ Thomas Stebbins đã tổ chức một chương trình truyền giảng kéo dài suốt một tháng và mời Mục sư Phan Đình Liệu đến giảng.  Kết quả của chương trình truyền giảng kéo dài suốt một tháng này đã có một trăm người tin Chúa và hai hội thánh mới được thành lập.

Giáo sĩ Thomas Stebbins  cho biết trong suốt một tháng đó, ông ngồi dưới chân Mục sư Phan Đình Liệu, theo dõi cách Mục sư Phan Đình Liệu thu hút sự chú ý của thính giả như thế nào, cách ông dùng Kinh Thánh ra sao, cách ông minh họa sứ điệp thế nào, cách ông tiếp xúc với người quan tâm tìm hiểu đạo Chúa ra sao, và cách ông “kéo lưới” như thế nào.   Giáo sĩ Thomas Stebbins  cho biết tháng đó là tháng vô cùng quý giá cho ông vì ông đã học được từ một nhà truyền giảng Việt Nam hàng đầu – một người được xức dầu của Chúa – về cách giới thiệu Phúc Âm của Chúa cho người Việt trong bối cảnh văn hóa của người Việt, với một phương thức rất chinh phục.

Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm cho trách nhiệm truyền giảng trong tương lai, Giáo sĩ Thomas Stebbins thường đến thăm các Mục Sư và Truyền Đạo Việt Nam.  Tình hình chính trị tại tỉnh Phú Yên vào cuối thập niên 1950 rất phức tạp.  Ngay tại tỉnh lỵ Tuy Hòa, thỉnh thoảng có một viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị sát hại; do đó việc Giáo sĩ Thomas Stebbins đến thăm các Hội Thánh Việt Nam tại những địa phương xa tỉnh lỵ vài chục cây số là vô cùng nguy hiểm.  Những lần đi thăm viếng như vậy, Giáo sĩ Thomas Stebbins biết rằng những điều xấu nhất có thể xảy ra; ông nói sự thật về những nguy hiểm với vợ mình, và thậm chí còn dặn rằng nếu ông không trở về ông muốn bà phải tái giá với một giáo sĩ khác và tiếp tục hầu việc Chúa.  Dầu vậy, ông vẫn tiếp tục đến thăm các Hội Thánh Việt Nam.

Giáo sĩ Thomas Stebbins, Truyền Đạo Đặng Đăng Khoa
và Hội Thánh Thạch Bàn, Phú Yên (1958)

Giáo sĩ Thomas và Donna Stebbins hầu việc Chúa tại tỉnh Phú Yên hơn ba năm.  Trong thời gian này, ông bà có thêm hai người trai là Jeff và John.  Sáu tháng trước khi mãn nhiệm kỳ đầu tiên (1957-1961), Giáo sĩ Thomas Stebbins được điều về tạm thời đảm trách chức giám thị tại Trường Đà Lạt, là nơi ông đã theo học từ nhỏ.  Sau đó, Giáo sĩ Thomas Stebbins và gia đình đã trở về Hoa Kỳ để nghỉ phép.

(Còn tiếp)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn