Vậy còn các sách ngụy kinh thì thế nào?
Chữ ngụy kinh nghĩa là bị che giấu hoặc là ít được biết đến. So với Kinh Điển Kinh Thánh, Ngụy Kinh bao gồm mười lăm sách mà một số Cơ Đốc Nhân chấp nhận là Kinh Thánh của họ nhưng những người khác thì không. Đây là tóm lược câu chuyện về các sách này.
Các sách ngụy kinh có thể đã được viết vào cuối thời Cựu Ước, sau sách Ma-la-chi (khoảng năm 400 trước Công Nguyên). Tất cả đều được viết bằng tiếng Hy Lạp, mặc dù sách Sirach dường như có nguồn gốc từ tiếng Hê-bơ-rơ. Người Do Thái sống tại Alexandria, Ai Cập đã chấp nhận các sách trên là được mặc khải thiên thượng. Người Do Thái sống tại Palestine chưa từng chấp nhận các sách này là Kinh Thánh. Ngày nay, tất cả các sách ngụy kinh đều bị Do Thái Giáo bác bỏ. Sau đây là các sách ngụy kinh: I Esdras; I Maccabees; II Maccabees; Tobit; Judith; Sách bổ sung cho sách Ê-xơ-tê; Bài ca của ba chàng trai trẻ; Susanna; Bel và Con Rồng; Khôn ngoan của Sa-lô-môn; Khôn ngoan của Giê-xu con Sirach (cũng được gọi là Ecclesiasticus); Baruch; Thư của Giê-rê-mi; Bài cầu nguyện của Manasseh; II Esdras.
Câu chuyện về các sách ngụy kinh được đưa đến cuộc họp của các học giả Do Thái tại Alexandria vào thế kỷ thứ hai trước Chúa. Mục đích của họ là: dịch Kinh Thánh Hê-bơ-rơ sang ngôn ngữ phổ biến hơn đó là tiếng Hy Lạp. Phải mất 200 năm công việc này mới được hoàn thành. Kết quả là bản Kinh Thánh Septuagint (bắt nguồn từ chữ Hy Lạp có nghĩa là bảy mươi). Theo truyền thuyết, trong vòng bảy mươi ngày, bảy mươi học giả Do Thái (chính xác là bảy mươi hai người) đã dịch Ngũ Kinh, năm sách đầu tiên trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Bởi vì họ sống và làm việc tại Alexandria, nơi các sách ngụy kinh rất phổ biến, họ đã đưa các sách này vào bản dịch của họ, khiến cho các sách ấy thêm phần đáng tin cậy và có thẩm quyền.
Tiếp theo, Jerome bước vào câu chuyện. Là học giả Kinh Thánh vĩ đại nhất trong thời của mình, năm 382 sau Công Nguyên ông bắt đầu dịch Kinh Thánh sang tiếng Latin (bản “Vulgate,” từ ngữ này trong tiếng Latin có nghĩa là “phổ biến”). Ông hoàn thành công trình của mình vào năm 405. Ngay từ đầu ông đã sử dụng bản Septuagint cho phần dịch Cựu Ước. Chính vì vậy mà ông đã gặp phải các sách Ngụy Kinh. Jerome đã đưa các sách ấy vào Kinh Thánh tiếng Latin, mở ra cánh cổng để các sách ngụy kinh bước vào Giáo Hội Công Giáo La-mã. Năm 1546, Giáo hội nghị Trent ban hành nghị định bản Kinh Thánh Vulgate là bản Kinh Thánh Latin chính thức của Giáo Hội. Chính vì vậy mà những người Công Giáo kể các sách Ngụy Kinh vào Kinh Thánh của họ ngày nay.
Tại sao các sách trên không có trong Kinh Thánh của người Tin Lành? Khi Tin Lành Cải Chánh bắt đầu 500 năm trước, các nhà cải chánh đã thấy rằng Tân Ước không hề trích dẫn từ sách ngụy kinh. Hơn thế nữa, các nhà cải chánh đã viện dẫn các giáo phụ là những người giữ sự phân biệt rạch ròi giữa Kinh Thánh Hê-bơ-rơ và các sách thêm vào trong bản Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Họ kết luận rằng mặc dù chứa đựng thông tin lịch sử và các câu chuyện nhưng các sách này không được công nhận là có sự mặc khải thiên thượng.
Khi Martin Luther dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức, ông đã không đưa các sách Ngụy Kinh vào. Từ thời gian đó cho đến ngày nay, Kinh Thánh Tin Lành không có các sách ngụy kinh. Các bản dịch của người Công Giáo thì có. Một vài phiên bản Kinh Thánh đưa các sách ngụy kinh vào với mục đích tham khảo, nhưng không phải là Kinh Thánh.
Cho đến khi nào người Tin Lành và người Công giáo còn tranh luận về thẩm quyền của các sách Ngụy Kinh, câu hỏi về kinh điển vẫn còn là một sự tranh luận thần học. Nhưng ngoài ra không còn vấn đề nào khác liên quan đến Kinh Điển Kinh Thánh. Mọi Cơ Đốc Nhân đều tin rằng chúng ta có tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn bảo tồn và truyền tải cho dân sự của Ngài.
Kết luận
Vậy ai đã quyết định sách nào được liệt vào Kinh Thánh? Về bản chất, đó là Tác giả của Kinh Thánh. Cùng một Đức Thánh Linh đã ban sự mặc khải được viết trong Kinh Thánh (II Phi-e-rơ 1:20-21), Đấng đã dẫn dắt phong trào Cơ Đốc đến với những sách mà Đức Thánh Linh đã thần cảm. Bạn có thể biết được rằng Kinh Thánh mà bạn cầm trên tay ngày hôm nay là quyển sách mà Đức Chúa Trời muốn bạn có.
Thẩm quyền Kinh Thánh được củng cố khi bàn về Kinh Điển. Trái với một số chỉ trích, quá trình biên soạn các sách trong Kinh Thánh phản ánh nguồn gốc thiên thượng và việc phổ biến các sách ấy một cách đầy siêu nhiên. Không gì hơn một phép lạ khi một tiến trình không do sự kiểm soát tập trung nào lại có thể tạo ra một trọng tâm rõ ràng.
Học giả Kinh Thánh Tân Ước William Barclay đại diện cho hàng ngàn học giả để nói về vấn đề này: “Việc nghiên cứu Kinh Điển Kinh Thánh không phải là bước ra để có cái nhìn nhỏ hơn về Kinh Thánh, nhưng với một cái nhìn lớn hơn, bởi ta thấy được năng quyền không thể lý giải khi lời Chúa hành động trong trí và lòng của những người nam và nữ”10
Giả định đầu tiên về nguồn gốc của Kinh Thánh khi tôi còn là một đứa trẻ cuối cùng đã đúng: Đức Chúa Trời thật đã “truyền” Kinh Thánh cho chúng ta và qua chúng ta.
(Còn nữa)
James C. Denison
Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”
Translated by Vinh Hien