Thứ Ba , 24 Tháng Mười Hai 2024
Home / Tổng hợp / Những Liên Kết Yêu Thương

Những Liên Kết Yêu Thương

tran

Admin: 

“Mục sư Lữ Thành Kiến là một hiện tượng độc đáo trong cộng đồng Cơ đốc giáo Việt Nam. Anh đặc biệt vì trong anh có những tố chất của một nhà văn, thi sĩ, ca sĩ …và cuối cùng là Mục sư. Anh khác biệt với mọi người vì chính anh đã làm nên sự khác biệt.” 

🙂

Trần Nguyên Đán là một bút hiệu trong một vài bút hiệu. Tên thật là Lữ Thành Kiến. Làm thơ viết văn từ khi còn là trẻ con cho các báo xuất bản tại Việt Nam trước (Tuổi Hoa, Ngàn Thông, Tuổi Ngọc) và sau 1975 (Tuổi Trẻ, Văn, Kiến Thức Ngày Nay). Định cư ở Mỹ vào cuối năm 1994 tại California. Vào Trường Thần Học và được đào tạo trở thành một Mục sư, bắt đầu quản nhiệm các Hội Thánh từ năm 1997 đến nay tại các tiểu bang Maryland, Texas và hiện nay là South Carolina, dầu vậy vẫn kết hợp làm công tác giáo sĩ, truyền giáo, chia sẻ Tin lành cho người Việt ở khắp nơi trên thế giới hàng năm. Đã đi khoảng 30 tiểu bang Hoa Kỳ, các nước Úc, Canada, Nga, Việt Nam và Campuchia.

Hiện sống tại Greenville, South Carolina. Có vợ, 3 con trai, 4 cháu nội.

Viết cho các báo trong đạo, đặc biệt là Sống Đạo Online, làm chủ bút Đặc san Hướng Đi, một tờ báo Tin lành phát hành khoảng 10.000 số mỗi kỳ 3 tháng từ hơn 10 năm nay, văn phòng đặt tại Dallas, Texas. Cũng viết (thơ, truyện) cho các báo văn chương như Việt Báo, Da Màu, Tiền Vệ, Sáng Tạo…

Đã xuất bản một số tập sách (truyện và ký) trong đạo: Ai Đã Vẽ Mùa Thu, Biển Rộng Hai Vai, Nếu Những Con Chim Biết Nói, Vẽ Lại Chân Dung Chàng, Ơn Đời Ơn Người Ơn Trời. Một số tập thơ trong thế giới văn chương: Tôi Nói Với Chiêm Bao, Chữ Nghĩa Của Đán, Tôi Chạy Vòng Quanh Một Khoảng Trống. Một vài CD Nhạc Thánh: Khi Tôi Quỳ Nơi Chân Chúa, Không Ai Lo Cho Linh Hồn Này và sách Giáo Khoa: Ngồi Đứng Đi.

Trần Nguyên Đán xuất hiện đều trên các báo văn học những năm gần đây. Niềm tin tôn giáo ở ông bộc lộ rõ ràng, mạnh mẽ. Tuy vậy, trên trang viết văn chương, trước hết ông vẫn là một thi sĩ. Với cái mới trầm lặng, và đôi khi, bất ngờ.

Những đề tài rất khác nhau, khả năng hài hước nhẹ nhàng, một thứ âm nhạc len lỏi qua các dòng chữ, như sự chuẩn bị cho độc giả trước những khúc rẽ đột ngột về thẩm mỹ. Đó là một người quan sát tỉnh táo hạnh phúc và đau khổ của từng cá nhân, xung đột và hy vọng, sự cám dỗ và sự chống lại cám dỗ. Thơ Trần Nguyên Đán nói nhiều về tình yêu, trong đó có tình yêu Thiên chúa, nhưng không rơi vào thuyết giảng nặng nề hoặc mơ hồ, nên thơ ông là một thứ thơ trữ tình thực sự. Trong một vài bài, người đọc có thể ngạc nhiên nhận ra tính chất thể nghiệm, làm mới ngôn ngữ. Tuy nhiên, những cố gắng ấy không tồn tại lâu, ít khi được nâng lên, và cuối cùng nhà thơ lại quay về với các tham chiếu quen thuộc. Như vậy, nhìn chung thơ Trần Nguyên Đán không phải hoàn toàn mới, nhưng xét trong từng bài, kinh nhiệm của một người đọc vẫn có thể ngược lại. Nhiều bài thiếu tính táo bạo trong cấu trúc và ngữ vựng, và mặc dù đề tài thường thay đổi, giọng điệu lập lại, quen thuộc. Ông thành công hơn trong những cố gắng hỗn hợp giữa khuynh hướng trữ tình, ý thức xã hội và đời sống tâm linh.

Thể hiện trước độc giả như một người có đức tin, trong khi vẫn là nhà thơ, tất nhiên là việc khó khăn. Sự tương thông giữa người này và người khác là một trong những chủ đề quan trọng của thơ Trần Nguyên Đán. Bao gồm nhận thức, đánh giá, săn sóc tha nhân, lòng cảm kích, niềm vui sống, khả năng chịu đựng đau khổ và chia sẻ gánh nặng với người khác, sự chấp nhận lẫn nhau, và khả năng biểu đạt. Khả năng cuối cùng là quan trọng đối với những liên kết yêu thương.

Văn Việt trân trọng giới thiệu

 

M LÀ MỘT MẬT MÃ KHÔNG THỂ GIẢI MÃ

M, ta phải viết như vậy
để tránh những cái nhìn trống rỗng đi qua tâm hồn
để chôn vùi những cơn đau thắt ruột dư
ngủ một mắt tay choàng ôm con nhân sư hóa đá
M, ta đã nói rằng em không có thật
M chỉ là một mẫu tự chiếc, hay một thoáng mây bay
khi ta mơ về một hoàng hôn bên trời
lúc tia nắng cuối cùng chói lọi dĩ vãng rơi lại
M như một chỗ nằm bên cạnh dòng suối
để tắm mát thân thể mục ruỗng
để ngơi nghỉ giấc đời không bao giờ thức dậy
M là nỗi cô đơn ta tìm thấy
qua lăng kính của phi thuyền con thoi vỡ tan
M có nhiều khi chỉ là một ảo ảnh đeo đuổi buồn phiền
mùi thơm của số mệnh bị bạc đãi
ta phải đau lòng nói rằng M, M là một chuỗi số bất tận
một mật mã không bao giờ được giải mã
cho đến khi bị tan loãng vào chốn khôn cùng
chỉ còn những tình yêu bạc bẽo rong chơi cuối trời quên lãng *
M, ta đã nói rằng trong giấc mơ của motel 6
thỉnh thoảng, là căn nhà nằm sau chân mây vắng
M, sẽ chỉ là heo hút
sẽ chẳng là gì cả khi cơn mưa rồi hết
những ngày nghỉ lễ rồi tan
người ta vội vã trở lại văn phòng, cơ xưởng, trường học
ta lại chở M tiếp tục cuộc hành trình
đầy nghi vấn và dang dở
nhiều lần ta đã thống hối mà đuổi M đi
nhưng M, vẫn là một ẩn số
chẳng thể nào giải mã
nó một mình một chốn một niềm riêng

tran 2

SỰ BẤT ỔN MƠ HỒ TRÊN MẶT ĐỜI

tôi ngồi dậy, giấc mơ đã tan biến
như con thuyền thoáng qua trong sương mù
tôi nặng nhọc nâng nó lên
đi vào mưa
một việc làm mang đầy tính bất ổn
giữa một ngày bắt đầu
với dăm ba tin tức thường lệ
không có dấu hiệu của một cơn đau bụng ngầm
một cơn bão kiêu hãnh chết người vừa đi ngang alabama
mấy trăm người mất sự sống
tôi nghe tiếng sóng vỗ
trên mặt giấy vẽ gợn sóng
vài con chim bay dớn dác
tan tác trên không
cảm nhận sự bất ổn lan rộng

tôi ngồi đây, sự bất ổn buổi chiều
khi những người tây ban nha vội vã rời công sở
về nhà trên những chuyến bus
đang chúi mũi vào những tin thời sự chạy tít lớn trên báo
với những đàn bà đàn ông cộng với thanh niên ấn độ
tay còn cầm quyển sách cũ của tagore
băng qua những hầm tàu
giữa thủ đô new dehli chật chội
vì phụ nữ mặc áo quá nhiều vải
tôi chỉ cảm thấy bớt sự bất ổn
khi nhìn bà theresa bồng đứa bé tóc đen
mà nó cố gắng ngoái đầu lại
thật là trớ trêu hôm nay
cả thế giới lại đổ xô đi xem đám cưới

giữa đống rác bề bộn của sự bất ổn
tôi đọc được một tin nhắn tình cờ
“tôi là một người đàn bà rảnh rỗi tự do
sung sướng hơn một người đàn ông
đa đoan nhiều việc”
tôi bực bội delete ngay lập tức
nhưng nó cứ nhởn nhơ nhảy nhót
đỏng đảnh, vô tư, tự do
thậm chí dancing một cách quá lố
làm tôi phải ngừng tay và suy nghĩ lại
điều mà người ta gọi là unfair
ở giữa biên giới của một cơn bão và một đám cưới

cuối cùng tôi nói
cút đi, mặc xác tao
chúc phước cho mày
sự bất ổn của đêm khuya đáp lại
chết cha mày đi, tôi đáp trả và vội vã bỏ chạy

MỘT CÁI GÌ ĐÓ ĐÃ THẬT SỰ MẤT TÍCH

tôi nằm xuống kiểm tra độ nhún của mông
sự nhún nhẩy còn khoảng ba mươi phần trăm
phần còn lại hình như đã mất tích
không phải đâu, nó đã thật sự mất tích

trong bầu trời đầy bụi của sài gòn
tôi nhìn thấy một giọt nước căng thẳng rơi
một tiếng khóc lẻ loi rơi
không còn một cái gì có thể bay

thật tội nghiệp cho phần còn lại của đêm
chiếc gối lõm đầy hơi thở nhốt kín
tôi nhìn thấy nửa khuôn mặt vầng trăng
trôi càng lúc càng xa sài gòn

sáng ra tôi mặc áo quần nghiêm chỉnh như chờ đợi ai
chờ đợi một cái gì đã thật sự mất tích
mà tôi vẫn còn hy vọng một cách đau khổ
như bàn tay cố gắng nắm một làn gió

tôi thấy mình mệt mỏi lắm chiều nay
khi bơi từ bên kia cầu sài gòn với cánh tay cụt
những ánh lửa của hoàng hôn chia buồn tôi
dăm ba vòng hoa xác xơ đầy lá

đôi khi người ta vẫn còn đau dù vết thương đã lành
như làm một cuộc đi bộ trở lại địa cầu
sau nhiều năm sống trong mây
tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng mình ngu dại thế

còn không, những chữ m. bay như bong bóng
những chữ n. cuống cuồng vây kín
rồi một vài chữ j. cũng dần lặn tắt như những vì sao
khi trời bắt đầu về sáng

ĐI GẦN ĐẾN NHỮNG BIÊN GIỚI

tôi cười, nói đùa, nhíu mày làm trò nghịch
nhưng chợt vấp khi nhìn thấy biên giới
những lằn ranh thấp thoáng trong sương
nhưng có thể chạm đến được
chẳng phải nằm mơ như ngày nào còn ngông cuồng
muốn đi tìm biên giới
không tìm, nó vẫn tới đấy
bước chân của sư tử chậm, có tiếng động
nó đã đến, nhún nhẩy, ngạo mạn
tôi lùi lại, đã trễ

tôi đưa tay sờ nắn
bàn tay thiếu ngón xung đột trầm trọng
như khớp xương bẻ gẫy trong da
tảng băng sơn vỡ hoả táng trong biển
những cơn sóng quằn quại tựa khủng long đứng dựng
đêm mưa bão thinh lặng
tiếng người khóc chìm khuất
còn tiếng mưa nhỏ nhẹ trên ngói
làm bồn chồn một khoảnh khắc mỏng
mỏng như một buổi hẹn

tôi cặm cụi vẽ mình
đôi mắt ngó vào chỗ bóng tối bị xé rách
đầy những mộng mị quái dị và bức xúc
chiếc xuồng nâu bị xiềng cứng chân đảo
nhưng biên giới, nó đấy
bước chân lặng lẽ, nổ lớn, rồi mất
như tôi rồi sẽ đi qua và mất
như mọi người
sự tồn tại đã ở bên kia bờ
chẳng còn ai thấy nữa, ngoài chính nó buồn đau

 

HẠNH PHÚC CHO MỘT NGÀY KHÔNG TÌNH YÊU

ai nói tượng đá không tình yêu
tôi đã nhìn thấy một pho tượng chảy nước mắt
chính nó phủ nhận rằng giọt nước ấy chỉ là nước mưa
nhưng từ đêm qua đến giờ có mưa đâu

khi thức dậy pho tượng không dám thu xếp chăn gối
nó lảng tránh những vết tích đổ vỡ
thật ra chăn gối không có gì đổ vỡ
ngoại trừ những vết nhăn nhúm của sự nhàu nát

một người nói cơn bão đã đi qua oklahoma
nhưng texas thì sao, nó vẫn ở đó
sự tàn phá làm biến dạng khuôn mặt đang cười
nó trở thành một chiếc mặt nạ đang khóc

hôm qua tôi đã nằm mở mắt suốt đêm
bấy giờ thì thật sự mưa rơi
ở đâu đó, trong những vùng đất khô hạn yên lặng
có một pho tượng bị đánh cắp trái tim

tôi muốn gọi, em, nhưng sợ bão
tôi ôm mình và hình dung tình yêu
hạnh phúc cho một ngày không có tình yêu
không có ai chết vì thiếu một tình yêu

có thể lắm hôm nay sau khi đi nhà thờ về
tôi sẽ ngồi xem những trận đấu mở màn wimbledon
hình dung những trận đòn của tình yêu
mà người ta đánh trả thù sự thất vọng

 

NHỮNG LÚC TRƯỢT CHÂN KHÔNG THỂ TRÁNH ĐƯỢC

tôi là mây, đám mây kỳ khôi
bị một hoàng hôn tối mù trói chân
vùng vẫy gượng gạo cho có chuyện thế thôi
tôi đâm sầm vào một mảnh đời tật nguyền
phản chiếu những vết nứt tạm bợ của dòng sông
tôi lắng nghe tiếng kêu rên của đá núi
những khi đám mây bị gió cuốn
tôi níu mặt trời bồng bềnh và van vỉ kêu cầu
tôi cố gắng trì kéo một trái tim lãnh cảm
như đêm, như biết bao đêm
khô như chiếc bóng tôi lầm lũi trên đường về
có khi tôi thử rao bán món hàng bị ế
tôi gọi người đến bằng tiếng kêu thất thanh
giữa phố thị chẳng ai đếm xỉa
chỉ một người nhìn tôi vội vã qua đường
người lẩn trốn tôi bằng cái nhìn xót thương giấu kín
tôi thỉnh thoảng là gió, cơn gió vô tình
thổi qua cánh đồng làm sóng tình rờn rợn
rờn rợn trên mảnh da thịt một phần nghìn mét vuông
tôi thỉnh thoảng chạy vù ra mưa
tôi ca hát trong mưa
khi trở về nhà, lòng tôi khô héo như nắng
chẳng có một chút dấu vết nào của cơn mưa đọng lại

kien 2

Có gì trong tuyển tập ‘40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại’

WESTMINSTER, California (NV) – “Cách đây gần ba năm, Tháng Mười Hai, 2014, tôi dự buổi hội thảo ‘20 Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975’ do hai nhật báo Người Việt và Việt Báo cùng với hai tờ báo mạng về văn học là Tiền Vệ và Da Màu tổ chức tại Little Saigon, từ đó tôi nuôi ý tưởng, sau 20 năm đó thì còn lại cái gì nữa. Và tôi đã nung nấu trong lòng mình thực hiện 40 năm văn chương hải ngoại.”

Đó là chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, trong đời thường là một bác sĩ y khoa sinh sống ở Canada, người chủ biên tuyển tập “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại,” một tác phẩm với thơ của 53 tác giả hải ngoại, do Văn Việt và Người Việt Books xuất bản. Nhân dịp ra mắt sách, một số nhà thơ có mặt trong tuyển tập, sẽ gặp gỡ độc giả lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 3 Tháng Chín, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ông cho biết: “Ý tưởng là vậy nhưng tôi không thể nào thực hiện được, mà chỉ ấp ủ. Bởi vì muốn làm được thì phải có sự hợp nhất và đoàn kết của nhiều người, có những tiếng nói lớn, có nhiều người góp ý kiến. Đùng một cái tôi gặp ba, bốn nhân duyên.”

“Tình cờ tôi cộng tác với các anh trong Văn Việt, một tổ chức của người Việt trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Ý Nhi… Các anh ở trong nước nhưng rất quan tâm đến văn học ở hải ngoại, và khuyến khích tôi tập hợp bạn bè lại làm cuốn sách này. Rồi tôi được dịp nói chuyện trực tiếp với nhà thơ Cung Trầm Tưởng, anh khích lệ tôi làm,” ông kể.

“Vì vậy cuốn sách này có công sức của các anh, của nhà thơ Du Tử Lê, nhà văn Nhật Tiến… cùng góp bàn tay vào giúp tôi thực hiện. Do đó, 40 năm văn học hải ngoại là nối tiếp của văn học miền Nam Việt Nam 1954-1975,” ông cho hay.

Để chọn 53 tác giả góp mặt trong sách, ông chọn lựa theo hai tiêu chí. Thứ nhất là người đã từng sống và viết ở hải ngoại từ năm 1975. “Có nghĩa là, dù viết trước năm 1975 nhưng sau đó không viết nữa thì cũng không tính. Chỉ những người có tác phẩm sau năm 1975 mới tính, cho đến thời điểm chúng tôi thực hiện sách,” ông nói.

“Thứ hai, thơ phải là thơ hay. Tiêu chuẩn chọn lựa của chúng tôi là bài thơ đó phải đại diện cho những tác phẩm mà tôi tin rằng nó có giá trị nhất định. Tất nhiên nói hay thì có nhiều dư luận khác nhau. Có người chê, có người khen, có người thích, có người không. Nhưng ít nhất có điểm chung là bài thơ tương đối có giá trị đại diện cho văn chương hải ngoại. Không những nó là tác phẩm văn học, mà nó còn phản ảnh được cho cuộc sống, tâm hồn người Việt hải ngoại, như là một cộng đồng tị nạn từ năm 1975, sau đó phát triển hơn nữa thành phong trào di dân như HO, đoàn tụ… nhưng gốc rễ của nó vẫn là tiếng nói của một cộng đồng lưu vong,” ông giải thích.

Tuyển tập “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Dẫu vậy, ông vẫn chưa hài lòng lắm về tuyển tập này của mình, bởi vì “Tuyển tập có một nhóm tác giả được gọi là sót, và một nhóm tác giả được gọi là thiếu.”

“Thiếu là vì chúng tôi quyết định không đưa những tác phẩm của những tác giả quá cố. Lý do là chúng tôi không tìm được bản quyền của những gia đình thừa kế. Như vậy theo luật bản quyền, chúng tôi không thể in thành sách các tác phẩm của người đã mất, dù rất quý mến như nhà thơ Mai Thảo, Cao Đông Khánh, Minh Đức Hoài Trinh… Riêng trường hợp duy nhất là nhà thơ Đinh Cường thì ngoại lệ, bởi vì chúng tôi được nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà thơ Đinh Trường Chinh và gia đình chuẩn bị tài liệu chu đáo, gửi bài vở cho chúng tôi,” ông nói.

“Sót là vì chúng tôi rất muốn đưa vào nhiều nhà thơ nữa nhưng không liên lạc được với tác giả hoặc người đại diện. Ví dụ, một người rất ủng hộ chúng tôi hiện nay và cũng ủng hộ trong vấn đề xuất bản sách như nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà thơ Đỗ Quý Toàn… nhưng cách đây ba năm khi thực hiện sách, chúng tôi không thể liên lạc được, không tìm được số điện thoại, không xin được email, nên không xin phép được. Nay xong rồi thì chúng tôi mới liên lạc được,” ông nói thêm.

Ông nhìn nhận: “Do hạn chế về nhân sự và thời gian, việc tập hợp bài vở không phải lúc nào cũng được như ý. Cố gắng của chúng tôi là chọn những tác phẩm vừa tiêu biểu cho tác giả, vừa khá mới, một ghi nhận về lối viết như quá trình đang diễn ra. Bằng cách ấy, người đọc có thể nhìn thấy hoàn cảnh chung của nền thơ Việt Nam hải ngoại mấy mươi năm nay.”

“Có thể nhận thấy tuyển tập chưa thể bao gồm các nhà thơ quá cố. Các nhà thơ nữ cũng xuất hiện với tần số thấp. Tỷ lệ các vùng địa lý chưa thích hợp, ví dụ thơ Đông Âu còn thưa thớt. Thật khó có thể biết tuyển tập hơn 50 nhà thơ là tiêu biểu đến đâu cho toàn bộ nền thơ hải ngoại, cũng thật khó để so sánh nền thơ ấy với thơ cơ trong nước và hai miền Nam và Bắc trước 1975,” ông cho hay.

Trong “Lời Nói Đầu” của tuyển tập, ông viết: “Thơ ca, như được thấy trong tuyển tập, mô tả ký ức của cộng đồng về đất nước nguồn cội, ghi lại bầu khí quyển của xã hội ngoài biên giới tổ quốc, tự do nhưng cũng trộn lẫn hạnh phúc và bất hạnh. Nền thơ ấy bảo vệ sự hy vọng vào những giá trị của con người và của dân tộc. Bốn mươi năm thơ hải ngoại là lời phản kháng và lời ca ngợi, là sự thật được mang đi qua những lằn ranh cương thổ.”

Tuyển tập có sự góp mặt của các nhà thơ: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Hàn Chung, Đinh Cường, Nam Dao, Hà Nguyên Du, Thế Dũng, Trần Nguyên Đán, Trần Trung Đạo, Phan Tấn Hải, Pháp Hoan, Luân Hoán, Phạm Cao Hoàng, Trần Nghi Hoàng, Lê Thị Huệ, Khế Iêm, Đỗ Kh., Lê Đình Nhất Lang, Vi Lãng, Du Tử Lê, Trần Vấn Lệ, Đinh Linh, Trần Đình Lương, Chu Vương Miện, Vương Ngọc Minh, Lâm Quang Mỹ, Đỗ Quang Nghĩa, Bắc Phong, Đức Phổ, Thường Quán, Nguyễn Linh Quang, Đỗ Quyên, Lữ Quỳnh, Như Quỳnh de Prelle, Phan Xuân Sinh, Hoàng Xuân Sơn, Cao Tần, Phan Ni Tấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Vũ Hoàng Thư, Trịnh Y Thư, Nguyễn Đăng Thường, Trangđài Glassey – Trầnguyễn, Trần Mộng Tú, Nguyễn Đức Tùng, Cung Trầm Tưởng, Huy Tưởng, Lưu Diệu Vân, Thi Vũ, Nguyễn Lương Vỵ, Ngu Yên, Tô Thùy Yên.

—–

Liên lạc tác giả: [email protected] 

 

https://www.nguoi-viet.com

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn