Chủ Nhật , 22 Tháng Mười Hai 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Phục Hồi Tín Ngưỡng Thờ Trời

Phục Hồi Tín Ngưỡng Thờ Trời

GƯƠNG THỜ TRỜI CỦA NGƯỜI DO THÁI

Chúng ta tập trung giới thiệu Đạo Trời theo Kinh Thánh. Lợi dụng tín ngưỡng thờ Trời có sẵn trong lòng của người Việt. Hoàn toàn khách quan và dạn dĩ. Mục tiêu chính của mỗi chứng nhân là giúp đồng bào Việt Nam hiểu rõ tâm tình của tổ phụ người Việt là kính Trời, thờ Trời, luôn cố nối lại mối liên hệ vốn đứt đoạn giữ Trời và người. Bước đầu nên tránh dùng ngôn ngữ của Giáo Phái hay áp đặt hình thức tôn giáo. Hãy xây dựng phương pháp học để dạy và dạy để học. Mọi người già, trẻ, lớn bé đều chú tâm xây dựng hình ảnh thầy giáo, bạn bè và học trò quanh mình. Hãy kiên trì và chờ đợi việc Chúa Trời làm để cứu người Việt. Hãy cầu Trời cảm động lòng người Việt tỉnh ngộ trở lại thờ Trời như đứa con đi hoang quay lại trở về nhà Cha (theo Lu-ca 15). Hãy giới thiệu nhu cầu phục hồi tín ngưỡng thờ Trời và chỉ cần đặt một câu hỏi: “Có điều chi đang ngăn cản ông bà, anh chị trở lại thờ Trời?”
Hãy xây dựng và chia sẻ sách học về Đạo Trời cho mọi người:
Biết Trời, Ơn Trời, Luật Trời, Nước Trời, Nhờ Trời, Cầu Trời, Thờ Trời, Chầu Trời.

Hãy suy nghĩ đến tình thầy trò và lời khuyên của của Phao-lô với Ti-mô-thê:
“Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. 16 Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, 17 hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.
Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhân sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: 2 hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi. 3 Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, 4 bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. 5 Nhưng con, phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ” (1 Ti-mô-thê 3:14-17; 4:1-5).

BANG-CHUNG-TOI-THO-TROI-2-1
Hãy đưa chủ trương mời mọi người đến thờ Trời tại thánh đường trở thành ý niệm hãy bắt đầu thờ Trời tại nhà riêng. Với lời hứa của Chúa: “Nơi nào có hai ba người nhóm lại nhân danh Ta, Ta sẽ ở giữa họ.”
Hãy thường xuyên liên hệ, thông công và hiệp tác với gia đình và dòng họ trong các ngày tưởng niệm của dòng họ bà con và ngày kỷ niệm của gia đình. Hãy tập thói quen giữ Lễ Cầu An. Hãy tập Cầu Trời. Hãy tập hát thuộc lòng những bài hát tôn vinh Trời. Hãy yêu thích hình ảnh quê hương tốt hơn ở trên trời. Xem Hê-bơ-rơ 11:16. Hãy học thuộc những câu Kinh Thánh căn bản thờ Trời. Hãy tìm dịp làm ơn cho thân nhân. Hãy yêu Trời và yêu người. Hãy tìm hiểu về tình Trời, ơn Trời, luật Trời. Hãy xây dựng mối liên hệ thân mật hữu cơ với Trời. Hãy cố sống đẹp lòng Trời. Hãy học đạo, sống đạo trước khi truyền bá Đạo Trời.
Nói tóm gọn, chúng ta phải biết mình và biết người. Cụ thể chúng ta nên biết cái văn hóa đã thành hình nên lối sống của con người.

KHÁI NIỆM TRỜI VÀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN QUA CA DAO (1)
Trong ca dao, chúng ta gặp rất nhiều câu có chữ trời. Thường nhất là những câu mà trời dùng để chỉ toàn bộ cảnh vật thiên nhiên tồn tại quanh con người, trước hết là không gian và cảnh vật trên không:
Ai vô xứ Huế mà coi
Sông Hương núi Ngự cảnh trời đẹp thay
Nhưng bên cạnh trời như một hình ảnh thiên nhiên còn có Trời như một lực lượng siêu tự nhiên, một đấng quyền uy quyết định tất cả:
Trời làm bão lụt mênh mông
Sông khô hồ cạn, cá trên đồng còn chi
Trời không chỉ làm ra núi sông, mưa gió, bão bùng, mà còn làm ra vạn vật, thậm chí cả cái sướng, cái khổ của con người:
Trời sinh cái cực mần chi
Bán thì nỏ được, cho thì không ai xin.
Tóm lại, Trời là một đấng toàn năng, tạo ra tất cả:
Trời làm một lặng gió Đông
Chồng tôi đi lưới rổ không trở về
Trời làm ghê gớm, gớm ghê
Bạn thời chết đói, nhà nghề thời không
Trời làm cho vợ chửi chồng
Đi vay đi tạm luống công đêm ngày
Gần trăm năm trước, nhà bác học Nguyễn Văn Huyên đã nhận xét: “Ông giời đối với người dân quê Việt Nam là nguồn gốc mọi sự sống và mọi lẽ công bằng. Đấy không phải là một vị thần trừu tượng và không thể hiểu. Người ta xem ông như một con người, vua của các vua. Ông có một triều đình, ông điều khiển tất cả cuộc sống trên trời và dưới đất. Ông trừng phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt”.
Ông Trời, ông Giời với người nông dân là hiện thân của sức mạnh siêu nhiên và do đó cũng trở thành một vị thần linh như bao nhiêu thần khác (sấm, sét, gió, mưa…), chỉ có điều Ông Trời là vua của các vua, là vị thần cao nhất, là Ngọc Hoàng Thượng Đế, ông có một triều đình ở tận trên cao, ở một cõi khác:
Thang đâu dám bắc tận trời
Lưới đâu dám bủa những nơi cá thần
Người nông dân Việt xưa tin có một đấng thiêng liêng, một cõi thiêng liêng như vậy. Niềm tin ấy chính là một tín ngưỡng dân gian tồn tại trong tâm linh, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa của người Việt.
Một trong những biểu hiện của tín ngưỡng ấy là tục thờ tứ pháp ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tác giả Ngô Đức Thịnh viết: “Trong tâm tưởng của con người thời đại đó, ai ai cũng phải tuân theo đạo trời đất, phải tôn vinh, thờ phụng trời đất, khi có hạn hán hay bão lụt phải cầu xin trời đất làm mưa hay cho tạnh. Từ đó hình thành nên các nghi lễ cầu mưa, trong đó tập trung nhất là tín ngưỡng tứ pháp”.
Tứ pháp là bốn hiện tượng trời tạo nên mưa, do vậy cũng có thể xem tín ngưỡng tứ pháp là tín ngưỡng thờ Trời, hay có thể gọi là đạo Trời.
Trong ca dao Việt có nhiều câu nhắc đến đạo Trời:
Theo nhau cho trọn đạo Trời
Dẫu mà không chiếu, trải tơi mà nằm
Vì là đạo nên đạo Trời cũng có vị trí, giá trị trong tâm linh người Việt như những đạo khác. Điều này giải thích vì sao trong ca dao, Trời và Phật thường được đặt gần nhau, được xem như những đấng thiêng liêng như nhau, những đạo giống nhau:
Chắp tay vái lạy bụt giời
Gió đông phẳng lặng, đạo Trời theo nhau
Tín ngưỡng đạo Trời cũng như những tín ngưỡng khác, một mặt gắn với nghi lễ thờ cúng, mặt khác nằm sâu trong tâm linh, thể hiện ở lòng tôn kính, biết ơn, cầu xin, van vái mỗi khi hoạn nạn hay ăn năn hối lỗi khi phạm điều gì sai, mắc tội.
Tín ngưỡng và tôn giáo là một trong những môi trường nảy sinh và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa (lễ hội, thờ cúng…), nhiều sáng tác dân gian như văn chầu, thần tích, thần phả, thần thoại, truyền thuyết, thơ giáng bút… gắn liền với việc thờ cúng đạo Mẫu hay các vị thần khác. Ca dao không thuộc loại các giá trị này. Cho đến nay hình như vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào chỉ ra mối quan hệ của ca dao với các nghi lễ tín ngưỡng, chưa dẫn ra những câu ca dao nào trực tiếp bắt nguồn từ các hoạt động tín ngưỡng. Ca dao trước hết vẫn là những câu hát dân gian được hình thành trong lao động và sinh hoạt hàng ngày, nói lên kinh nghiệm sản xuất, cảm nghĩ và tình cảm của người nông dân, nhất là tình yêu nam nữ. Nhưng trong ca dao, chúng ta cũng có thể tìm thấy dấu vết của các sự tích lịch sử, đời sống vật chất và tinh thần của xã hội trong những hoàn cảnh khác nhau, dấu vết của các phong tục, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa dân gian.
Xét theo phương diện này, nếu tín ngưỡng là “niềm tin vào cái thiêng” thì có thể thấy ca dao phản ánh khá rõ tín ngưỡng dân gian về Trời, đạo Trời.
Ông Trời trong ca dao là một đấng thiêng liêng. Người nông dân Việt coi Trời như thánh thần, tất cả đều phụ thuộc vào Trời, vào ý Trời:
Được thua là sự bởi Trời
Chớ thấy sóng cả mà rời tay ra
Người nông dân nhắc đến Trời với niềm tin thiêng liêng rằng cái gì Trời cũng biết:
Ai mà ở bạc có Trời
Lòng em khăng khẳng một lời như xưa
Trời là thánh, thần, mọi thứ có được đều nhờ ơn Trời, do Trời phù hộ, ban cho:
Nhờ Trời hạ kế sang đông
Lúa khoai no đủ, thong dong con người
Trời thương ai người ấy được, Trời ghét ai thì người ấy phải chịu, đó là số Trời, tất cả đều do Trời định:
Lương duyên Trời định đất kề
Lòng em khăng khắng một bề thương anh
Với sức mạnh và quyền uy ấy, không ai có thể chống lại được ý Trời, một khi Trời đã quyết thì không gì cứu vãn được:
Của Trời, Trời lại lấy đi
Giương hai con mắt làm chi được Trời
Người nông dân xưa đã tin vào một sức mạnh huyền bí, vô hình, tồn tại ở đâu đó, thường là ở tận trên cao (trời xanh có phụ ai đâu) và con người không giải thích được, không can dự được, hoàn toàn phụ thuộc vào nó. Nhưng tin chưa phải đã là tín ngưỡng. Tín ngưỡng vừa là niềm tin vào cái thiêng vừa là thái độ, cách ứng xử với cái thiêng. Thái độ tiêu biểu của mọi tín ngưỡng là sự tôn kính và cầu xin.
Trong ca dao, bên cạnh niềm tin có Trời như một đấng toàn năng thiêng liêng, chúng ta dễ dàng bắt gặp thái độ tôn kính và cầu xin của người nông dân đối với Trời, thể hiện ứng xử có tính chất tín ngưỡng của họ.
Hình ảnh trời luôn luôn hiện ra trong tâm thức của người nông dân như đấng thiêng liêng, thành kính:
Nửa ngày mưa bụi gió bay
Anh bưng thau nước chắp tay vái Trời

images (2)
Họ luôn luôn mong được Trời phù hộ trong mọi công việc hàng ngày, từ chuyện đồng áng cho đến những chuyện tình duyên riêng tư:
Trông Trời một trận mưa sa
Để cho ngoài ruộng trong nhà được vui
Và cũng như trong mọi tín ngưỡng khác, đứng trước Trời, thái độ tiêu biểu nhất của con người là van vái, cầu xin.
Xin cho con trẻ ăn ngoan, khỏe mạnh:
Lạy Trời phù hộ ấu nhi
Ăn no chóng lớn, biết đi biết đùa
Xin cho tình duyên không bị trắc trở, người mình yêu thương chung thủy, trước sau vẹn toàn:
Vái Trời cho đặng vuông tròn
Trăm năm giữ vẹn lòng son cùng chàng
Xin cho tuổi già bình an, trường thọ:
Lạy Trời cho miễn sống lâu
Ai kêu bằng chó bằng trâu cũng ừ
Nhưng xin nhiều nhất vẫn là cho chuyện làm ăn. Trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp lạc hậu, chủ yếu là trồng lúa và đánh cá, toàn bộ hoạt động sản xuất đều phụ thuộc vào thời tiết, vào điều kiện tự nhiên, người nông dân chỉ biết cầu Trời, mong sao công việc làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, người đi làm xa trở về bình an:
Lạy Trời trăm lạy Trời ơi
Trông cho trong ruộng ngoài khơi được mùa
Thành kính, cầu xin là những dấu hiệu của tín ngưỡng nhưng cảm giác tội lỗi cũng rất điển hình cho cách ứng xử mang tính chất tôn giáo. Trong ca dao chúng ta bắt gặp khá nhiều câu diễn tả cảm giác của người nông dân thấy mình có tội với Trời khi làm điều gì đó không phải:
Đã thành gia thất thì thôi
Đèo bòng chi lắm, tội Trời ai mang
Cảm giác mắc tội ấy rõ ràng là một cảm giác tín ngưỡng, chỉ có điều tín ngưỡng ở đây không đi kèm với những lễ nghi như trong các tín ngưỡng khác. Người ta nói mình mắc tội với Trời nhưng không đi đến nơi có thờ Trời để dâng lễ và cầu xin tha tội. Có lẽ đây cũng là một đặc điểm của tín ngưỡng Trời, một tín ngưỡng dân gian nặng về tâm linh hơn là nghi thức.
Một điểm khác biệt nữa của tín ngưỡng dân gian này là khi lạy Trời, người nông dân không chỉ van vái cầu xin Trời rủ lòng thương, ban ơn cứu vớt, ban phước lành như khi đến cửa Phật hay vào nhà thờ mà còn kêu cầu sự công minh, trừng phạt cái ác, cái xấu:
Những người nói láo nói không
Xin Trời quăng xuống giữa sông Bồ Đề
Trời ở đây không chỉ là vị thần từ bi, bác ái, cứu độ chúng sinh mà còn là hiện thân của “mọi lẽ công bằng… thường phạt kẻ xấu và ban thưởng người tốt”. Người dân quê tin hoặc chí ít cũng muốn tin là có điều đó:
Em mà ăn ở hai lòng
Trời tru đất diệt không mong thấy chàng
Yêu cầu về công lý, niềm tin vào mọi lẽ công bằng làm cho tín ngưỡng Trời không còn thuần túy là tín ngưỡng tâm linh, tinh thần nữa. Ông Trời đã mang dáng dấp của Bao Công mang tính chất thế tục, tính chất xã hội, như một con người…
Điều này giải thích vì sao hình ảnh Trời trong ca dao hiện ra không phải lúc nào cũng thiêng liêng, thần thánh mà nhiều khi rất người, rất quen thuộc:
Mẹ cha là biển là Trời
Phận con đâu dám cãi lời mẹ cha
Vì Trời không chỉ là thánh, thần mà còn là Đấng giống người nên quan hệ của con người với Trời cũng có khác. Trời với người gần gũi, thân thiện:
Trời mưa thì mặc trời mưa
Tôi không tơi nón, Trời đưa tôi về
Trời tham gia vào những chuyện rất đời thường:
Ông tra mà đội nón cời
Muốn đi ve gái mà Trời không cho
Bản thân Trời cũng như người, có kẻ ghét người thương:
Trời còn có kẻ không ưa
Huống chi phận thiếp, ở cho vừa lòng ai
Với quan niệm về Trời như vậy nên thái độ của người nông dân với Trời cũng trở nên bình đẳng, không còn sợ sệt. Người ta không chỉ lạy Trời, xin Trời, vái Trời mà còn mạnh dạn hỏi Trời, muốn tận mặt gặp Trời:
Phải chi lên đặng ông Trời
Hỏi xem duyên nợ đổi dời về đâu
Thậm chí đùa giỡn, sàm sỡ với Trời:
Trông trời, trời mưa cho to
Không mai thì mốt, tôi gả chị cho trời
Từ chỗ kéo Trời từ trên cao xuống mặt đất, nhìn Trời không phải như thần thánh mà như người, một quan hệ bình đẳng, người ta tự cho phép mình có thể có thái độ bất kính với Trời:
Một lòng chỉ quyết lấy anh
Ong bay bướm lượn xung quanh mặc Trời
Đến đây xuất hiện vấn đề: liệu một thái độ như vậy có phản ánh đúng tín ngưỡng Trời của người nông dân xưa, có thực là một phần trong cách ứng xử với Trời như một tín ngưỡng hay chỉ là hình tượng nghệ thuật về Trời trong ca dao… Câu trả lời quả không đơn giản.
Một mặt, bản thân tín ngưỡng dân gian là hiện tượng phức tạp, chứa đựng, pha trộn nhiều yếu tố gắn liền với tư duy cổ sơ, với lối nhân hóa tự nhiên, tất cả những gì siêu nhiên đều được quy về con người, đời sống con người. Ở đây cái trừu tượng, không hiểu thì biến thành cụ thể, dễ hiểu (trời thành ông Trời), còn cái cụ thể, dễ hiểu thì biến thành huyền bí, xa vời (mưa thành thần mưa, bếp thành ông đầu hỏa, ông đầu rau…). Thêm nữa cũng cần thấy rằng đối với người nông dân xưa, tín ngưỡng không thuần túy là chiêm nghiệm tinh thần, nó còn là một phương tiện để sống, để tồn tại; cái thiêng và cái thực dụng xen kẽ với nhau. Điều đó phần nào giải thích vì sao mặc dù sùng bái Trời, người ta vẫn có thể coi Trời như bạn, có khi còn chế diễu, chống lại.
Mặt khác, ca dao không phải là giá trị văn hóa trực tiếp nảy sinh từ những nghi thức tín ngưỡng mà là khúc hát tình, gắn liền với đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt của người nông dân. Trong những hình tượng, biểu tượng ca dao có thể pha trộn nhiều thứ: kinh nghiệm sản xuất, nhận thức tự nhiên, tín ngưỡng, triết lý xã hội, con người, tình cảm… Hình tượng ca dao – cụ thể ở đây là hình tượng Trời – bởi vậy có thể không thuần khiết, đơn nghĩa. Thái độ của người nông dân với Trời có chỗ phản ánh tín ngưỡng của họ nhưng có chỗ thuộc về cái nhìn xã hội, đạo đức của sáng tạo của dân gian.

ch
Học giả Đào Duy Anh viết: “Trước khi có Cơ-đốc giáo du nhập, người nước ta đồng thời sùng bái cả Trời, Phật, các thần linh ở trong vũ trụ, các quỷ thần hay là linh hồn người chết”. Sùng bái Trời chính là tín ngưỡng Trời, đạo Trời, đã để lại dấu vết trong nhiều sáng tác dân gian, trong đó có ca dao. Khảo sát nhỏ 598 câu có chữ Trời trong ca dao miền Trung trên đây phần nào minh chứng điều đó. Rất tiếc là hiện tượng này đến nay còn chưa được đề cập nhiều trong các công trình nghiên cứu tín ngưỡng dân gian cũng như văn hóa dân gian ở nước ta.(1)

Chúng ta kiên trì và yêu thương giới thiệu Đạo Trời dựa trên lời dạy của Con Đức Chúa Trời và các Sứ đồ của Ngài trong Kinh Thánh. Chúng tôi chọn dùng Bản Dịch Kinh Thánh 1925 để dễ dùng theo ngôn ngữ người bình dân. Dễ nhớ và dễ học thuộc.
Giăng 17:3, Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến.
1 Ti-mô-thê 2:4-6, Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật. Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung Bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, là người; Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người.

 

(1) Nguồn: Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014
Tác giả: Nguyễn Thị Kim Ngân
Trích Website TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

(Còn nữa)

Đồng tác giả: Nguyễn Xuân Đức, Đoàn Hưng Linh, Nguyễn Văn Huệ, Lữ Thành Kiến, Trần Lưu Chuyên.

Trích từ “PHỤC HỒI TÍN NGƯỠNGTHỜ TRỜI”   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn