SAN JOSE (NV) – Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, tác giả “Gọi Người Yêu Dấu,” vừa qua đời tại San Jose, miền Bắc California, vào sáng Thứ Hai, 24 Tháng Bảy 2017, hưởng thọ 87 tuổi.
Ông Vũ Ngọc Bích, bào đệ của nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm cho báo Người Việt biết tin này.
Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, trong những năm gần đây nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã thực hiện các CD Tôn Vinh Ca và 2 CD: Mùa Xuân Thung Lũng Hoa Vàng và Dòng Sông Đứng Lại (cộng tác với nhạc sĩ Phạm Anh Dũng).
Năm 2002, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm được thành phố Santa Clara, California, tuyên dương và trao giải thưởng đặc biệt dành cho những nghệ sĩ cao niên đã phục vụ nghệ thuật trên 50 năm, đã tạo thành tích ở Việt Nam và tiếp tục sau khi định cư ở Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm qua đời vì bệnh ung thư máu, sau một thời gian dài chữa trị. (HP)
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh ngày 30-6-1930 tạI làng Hoàng Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Là con thứ trong một gia đình tin kính Chúa, ông đã say mê âm nhạc từ thuở nhỏ, và bắt đầu sáng tác ca khúc vào năm 17 tuổi. Năm 1951 ông gia nhập quân ngũ, học Khóa 1 trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định. Sau 1975 ông bị bắt đi học tập cải tạo suốt 13 năm. Cuối năm 1990, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và gia đình sang Hoa Kỳ theo diện H.O. hiện cư ngụ tại San Jose.
Với hằng trăm ca khúc viết suốt hành trình theo Chúa, Vũ Đức Nghiêm đã trở thành một trong những nhạc sĩ Cơ Đốc được biết đến nhiều nhất qua những ca khúc mà chúng ta thường hát, như: Khi tôi quỳ nơi chân Chúa, Tôi ước mơ là viên than hồng, Vững bước đi trên khổ đau…Ngoài những CD, cassette đã thực hiện, trong những năm gần đây nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã thực hiện hàng loạt các CD Tôn Vinh Ca với nhiều sáng tác mới.
https://www.youtube.com/watch?v=y-IQFMf73dQ
Nhạc Vũ Đức Nghiêm có thể được chia làm bốn thể loại, tương ứng với bốn giai đoạn khác nhau:
1. Quân hành ca: Viết lúc còn trẻ, thời kỳ sống trong quân đội.
2. Tình ca: Viết ở lứa tuổi trưởng thành.
3. Ngục tù ca: Viết trong thời gian 13 năm ở các trại tù cải tạo.
4.Tôn vinh ca: Viết từ giai đoạn sau đó cho đến nay.
CHỪNG NÀO TÔI CÒN SỐNG
Tôi không nhớ bài hát “Gọi người yêu dấu“ tôi được nghe lần đầu tiên vào khoảng năm nào. Chỉ nhớ thuở ấy chúng tôi đã bắt đầu biết để ý đến người khác phái, và hẳn nhiên đứa nào cũng thầm ao ước có một “người yêu dấu” thật sự có tên tuổi đàng hoàng để mà “gọi”. Con gái, bọn tôi thời đó, dưới mười tám tuổi, còn ngồi ở ngưỡng cửa trung học, là còn hoàn toàn bị gia đình kiểm soát; chuyện có thân thiết với người khác phái nào đó trong tính cách bè bạn thôi cũng đã khó khăn rồi, huống gì là bạn trai, bồ bịch. Và mặc dầu trong lớp chúng tôi dạo ấy cũng có đôi ba chị là “người yêu của lính”, hoặc có chị đang đi học bỗng nghỉ ngang xương để đi lấy chồng; nhưng những đứa còn lại như tôi, vẫn là thứ con nít ăn chưa no lo chưa tới, xớn xác để mắt tới tên con trai nào đó là thể nào cũng bị “coi chừng tao!”.
Do đó người yêu dấu của chúng tôi thuở đó, thưòng chỉ là một “thằng” bạn học cùng lớp, một anh lớn hơn đôi ba tuổi, học chung hoặc khác trường, thỉnh thoảng đứng chờ trước cổng trường để nhìn theo tà áo chúng tôi vờn bay. Hay gần hơn, là một ông bạn của ông anh, bà chị lớn trong nhà, tình cờ thả cho một ánh mắt, một câu nói dễ thương nào đó. Chỉ cần vậy thôi, là đủ rúng động tâm can rồi. Người “có tên tuổi” đàng hoàng để gọi như tôi nói trên, chỉ là ở… trên mây.
Nhưng đã nửa nít nhỏ, nửa lớn như vậy, nên bọn tôi đứa nào cũng đua đòi hát “gọi người yêu dấu” để mơ có người yêu dấu. Và khi hát, khi nghe bài ca lãng mạn ấy, chúng tôi đã được đôi lần nghe người ta nhắc đến tên nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Trong đám bè bạn tôi thuở ấy, thì có đứa biết đến tên tác giả bài hát, có đứa không. Riêng tôi, tôi nhớ chắc chắn mình có nghe đến, vì trong nhà tôi; ngoài anh chị em ruột của tôi, ba mẹ tôi còn nuôi một số anh em nuôi, hoặc bà con của chúng tôi nữa; đứa nào cũng mê nhạc, mê đàn.
Nhà tôi dạo ấy có một kệ sách, chứa đầy sách văn học. Nghiên cứu có, truyện ngắn có, tiểu thuyết có. Phía dưới cùng, là ngăn để chứa những bài hát của rất nhiều tác giả, do cậu và các anh tôi mua về để học đàn. Đây là những bản in rời, đằng trước thường có in hình ca sĩ. Minh Hiếu, Thanh Thúy, Phương Dung, hay Thái Thanh, Bạch Yến, Lệ Thu… Và nhạc thì bao gồm đủ loại. Từ loại xoàng xoàng, mùi mẫn, như Giã từ gác trọ, Lạnh trọn đêm mưa, Tàu đêm năm cũ, Đám cưới đầu xuân, Tình Anh Lính Chiến v.v. Đến những loại nhạc tân kỳ, với hình nữ hoàng nhạc Twist Túy Phượng, Sáu Mươi Năm Cuộc Đời, chẳng hạn. Rồi nhạc tiền chiến, Văn Cao, Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Nguyễn Văn Tí, Lê Thương… Và cả cổ nhạc, mà tôi vẫn còn nhớ những Minh Cảnh, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan…, với Gánh nước đêm trăng, Tình anh bán chiếu, rồi sau này, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà.
Một ngăn thứ hai nữa, là nhạc in thành tập. Nhiều nhất là của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Các anh tôi mê nhạc, mặc dầu không anh nào hát hay, cũng chẳng anh nào đàn giỏi.
Tuy nhiên, tôi không hiểu sao Vũ Đức Nghiêm lại “lọt sàng”, hoàn toàn không có bản nhạc, hay tập nhạc nào trong danh sách kể trên.
https://www.youtube.com/watch?v=0vM0sqF-538
*
Sau bảy lăm, tất cả các sách báo trong nhà tôi đều bị rơi rụng dần trong hai đợt chiến dịch càn quét văn hóa phẩm đồi trụy của chính quyền cộng sản đương thời. Anh em chúng tôi hết dấu trước dấu sau, thì còn lại được vài tập truyện dịch Anh, Pháp. Truyện Tàu còn Thủy Hử, Anh Húng Lương Sơn Bạc. Nhạc thì chỉ hai cuốn, Như Cánh Vạc Bay của Trịnh Công Sơn; và Ngày Đó Chúng Mình của Phạm Duy mà thôi. Về sau, cả hai tập nhạc này cũng mất, không hiểu lý do vì sao. Có thể vì đứa em nào đó trong nhà tôi lấy đi nộp “kế hoạch nhỏ” cho cô giáo. Hay thời buổi khan hiếm giấy má, vật dụng, mẹ tôi đem đi… nhóm lửa cũng nên.
Văn nghệ văn gừng thuở bị cấm đoán đủ mọi thứ như vậy, cũng không hiểu sao, mấy anh em tôi còn giữ lại được đôi ba cuộn băng cassette, gồm trường ca Mẹ Trùng Dương, trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy, Người Đi Qua Đời Tôi của Phạm Đình Chương… Và lạ hơn, là một cuộn băng thâu nhiều loại nhạc khác nhau, trong đó có những bài nhạc tình của Từ Công Phụng, nhạc du ca của Nguyễn Đức Quang, Bùi Công Thuấn, phản chiến của Miên Đức Thắng. Và, Gọi Người Yêu Dấu của Vũ Đức Nghiêm.
Tôi không hề biết Vũ Đức Nghiêm là trung tá chế độ cũ. Cũng không biết ông đi học tập cải tạo nhiều năm. Kể cả sau này, thời gian gia đình chúng tôi dọn về huyện lỵ Xuân Lộc, tôi thân với em gái nhạc sĩ Bùi Công Thuấn, nghe anh Thuấn kể chuyện về nhiều người bị đọa đày trong trại cải tạo, cũng không nghe anh nhắc đến tên tác giả “Gọi Người Yêu Dấu”… Mãi cho đến ngày ra hải ngoại, tôi mới tình cờ “gặp” lại Vũ Đức Nghiêm, một cách hết sức khác thường, không qua nhạc phẩm của ông, mà qua bài viết của nhà văn Duyên Anh về ông. Lúc Duyên Anh viết “Lãng Mạn Ngục Tù” về tác giả Gọi Người Yêu Dấu, đăng trên báo Ngày Nay, số 55, tháng 3&4 năm 86, thì Vũ Đức Nghiêm vẫn còn đang nằm ở trại trừng giới Phú Khánh; và tôi thì đang ở tại Xuân Lộc. Bài báo tôi đọc được, chẳng nhớ ở đâu, chỉ nhớ đó là lúc tôi đã được định cư ở Úc, nhiều năm sau khi nó được viết ra. Về sau này, khi có dịp đọc lại bài viết ấy, thấy Duyên Anh ca ngợi “vậy thì tôi viết những gì cần viết về Vũ Đức Nghiêm và xin phép được ví Nghiêm như một biểu tượng sĩ quan trong sạch nhất và oan khiên nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”; tôi mới thấy nhà văn một thời rất nổi tiếng này, đã yêu mến không chỉ “con người nghệ sĩ Vũ Đức Nghiêm” mà còn “con người trung tá Vũ Đức Nghiêm” nữa. (1)
Ngoài Duyên Anh, còn có nhạc sĩ Anh Việt, ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, và vân vân người, viết về Vũ Đức Nghiêm; với những lời lẽ rất chân tình và yêu mến. Nhưng người ta đã chỉ biết đến một Vũ Đức Nghiêm viết nhạc tình, một Vũ Đức Nghiêm viết nhạc buồn cải tạo, Giả sử Mai Ta Về (phổ thơ Nguyễn Xuân Thiệp), Mưa Buồn Long Giao, (phổ thơ Hà Thượng Nhân)… Giới văn nghệ sĩ, tiếp xúc với Vũ Đức Nghiêm, người khen anh khiêm tốn, người khen anh hiền. Anh Nguyễn Xuân Hoàng, chủ bút tờ Văn và Việt Mercury, nói với tôi “anh ấy dễ thương lắm”.
Và người ta đã chỉ biết như vậy về Vũ Đức Nghiêm. Tôi không biết những người quen với ông, trong giới văn nghệ sĩ, có ai đã từng nghe “Tôi Ước Mơ Tôi Là Viên Than Hồng”, “Khi Tôi Quì Bên Chân Chúa”… hay chưa.
Riêng tôi, có lẽ tôi may mắn hơn họ. Tôi đã “gặp” lại Vũ Đức Nghiêm một lần nữa, chẳng chỉ ở những bài viết tôi kể trên, mà trong những giòng thánh ca ông viết ca tụng Chúa. Trong những gương mặt bừng sáng, ước mong “được góp một phần; dù rằng tôi thật nhỏ bé đơn sơ…” vào ngọn lửa Tin Lành đang tỏa sáng. Trong những giọt nước mắt thống hối của nhiều tín đồ xa cách Chúa đã tuôn rơi lúc được nghe “Khi Chúa Yên Lặng Nhìn”.
https://www.youtube.com/watch?v=0fHOAOxDGvk
Bản thân tôi cũng đã từng khóc khi nghe bài thánh ca này. Bài hát, mà cái âm giai, âm điệu của nó, không chỉ gợi lên nỗi buồn cách đơn giản khi một cơn mưa u hoài nào đó rớt ngang qua trại cải tạo Long Giao, Suối Máu, Phú Khánh…, mà có thể khiến được trái tim người tan nát, đớn đau. Lời bài hát, theo tôi nghĩ, cũng chỉ là những lời mà tín đồ vẫn thường được nghe giảng, hay được trích trong Kinh Thánh, về một tiếng gà gáy vang rền khi Phierơ nhận ra mình đã chối Chúa ba lần như lời Ngài đã nói trước đó với ông, hay về nỗi thống hối của con người tầm thường đã từng treo mình Chúa lên thập tự nhiều lần bởi những vấp phạm hằng ngày của mình đối với Chúa. Điều tôi muốn nói ở đây, là khi bài hát được cất lên, những nốt nhạc, những giòng chữ khi biến thành thanh âm vang lên; là nỗi bi thương, thống thiết cũng tuôn tràn, khiến người ta không thể nào không nghĩ đến những giọt huyết mà chính Chúa đã đổ ra trên thập tự giá cho tội lỗi của mình.
Bài hát đã tràn đầy sức mạnh, Vũ Đức Nghiêm đã thuyết phục được người nghe, bởi vì chính ông đã đến với Chúa, bằng tấm lòng bi thương, thống thiết như vậy.
Mãi đến năm 2003, tôi mới được quen với nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ bút tạp chí Làng Văn ở Canada viết cho tôi “một bậc đàn anh văn nghệ rất đáng kính của anh, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, muốn làm quen với Hoàng Nga”. Trước đấy, chẳng bao giờ tôi nghĩ, tôi sẽ có dịp trao đổi chuyện sáng tác với nhạc sĩ, không phải vì thể loại sáng tác của chúng tôi hoàn toàn khác hẳn nhau, văn chương và âm nhạc; nhưng vì ông đi trước tôi nhiều quá. Vừa về tuổi đời, vừa cả về sự nghiệp.
Một điều thật hết sức bất ngờ đối với tôi. Và còn bất ngờ hơn, là tôi không bao giờ nghĩ rằng những bài viết của tôi, lại có tác động, không chỉ đối với riêng Vũ Đức Nghiêm, mà còn với rất nhiều người như ông đã kể cho tôi nghe.
Ông viết cho tôi, “khi tôi đọc đến nhân vật Năm Ngoạn, một người, đã cưu mang nỗi cay đắng, buồn tủi lâu ngày, vì những tháng năm thanh xuân của đời mình đã không cung hiến mình cho Chúa, cho đến lúc về già, sức đã hết, lực đã tàn thì tất cả đều muộn màng; thú thật là tôi đã vội nghĩ ngay đến mình. Tôi cũng thấy mình đã chẳng tận hiến cho Chúa điều gì trong những tháng năm tôi còn trẻ. Và tôi cũng đã buồn như Năm Ngoạn. Nhưng thật cám ơn Chúa, cám ơn Hoàng Nga, rằng Hoàng Nga đã không cho Năm Ngoạn bi lụy với nỗi hối hận, không bắt Năm Ngoạn làm Giu đa Ích ca ri ốt, mà cho Năm Ngoạn biết dùng những sức lực cuối của đời mình để hấu việc Chúa”.
Trong truyện ngắn ấy, có đoạn tôi viết, Chúa đã trả lời với ông Năm Ngoạn, “chiếc thân gỗ mục, mà khi được dùng vào việc hữu ích, có thể làm nở rộ những đóa phong lan chùm gửi, thì nó chẳng còn là gỗ mục nữa. Cũng như con, khi con già yếu, mà còn biết nương cậy nơi ta, còn có ý muốn hầu việc ta, ta sẽ dùng con…”. Tôi đã hoàn toàn không bao giờ dám nghĩ những điều tôi viết ra ấy, lại có tác động đến một người, thật ra vẫn trung tín, vẫn biết dùng sức của mình ngay từ thời còn thanh xuân để phục vụ Chúa như vậy. Nhạc sĩ nói với tôi, “phục vụ Chúa, là phải phục vụ mọi bề, phục vụ hết mình, và phục vụ đến cùng”.
Đến “Chừng Nào Tôi Còn Sống” (2). Đến hết đời tôi!
*
Vũ Đức Nghiêm đã cho tôi nghe bài hát này tại nhà riêng của ông bà, ở San Jose. Bài hát rất hùng tráng, âm điệu rất mãnh liệt. Khác hẳn, khác hoàn toàn với một “Gọi Người Yêu Dấu” tôi từng nghe thời thiếu nữ. Cũng không đau đớn như “Khi Chúa Yên Lặng Nhin”, và càng không bi thương, u uất như “Mưa Buồn Long Giao”. Mà bài hát, thật đã như một lời khấn nguyện, một lời hứa với Chúa, rằng “chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ hát ca tôn vinh Đức Giê Hô Va cho đến trọn đời”.
Tôi đã chứng kiến cảnh cả hai ông bà đều ngồi nhắm mắt khi nghe bài hát này với tôi. Tôi đã thấy cả ông lẫn bà đều như muốn nói với Chúa, rằng chừng nào ông bà còn sức lực, là còn nương thân mình dưới cánh của Đấng Toàn Năng, là còn hát ngợi ca Ngài.
Tôi cũng đã tự hỏi tôi, nếu như những điều tôi viết ra, đã có sức tác động đến một người đã dám hứa với Chúa, “sẽ hát ca tôn vinh Đức Giê Hô Va cho đến trọn đời”, thì tôi, tôi cũng có dám hứa với Chúa, rằng tôi sẽ phục vụ Ngài hết mình, trên trọn bước đường Ngài ban cho tôi ở trên đất hay chăng?
HOÀNG NGA
NHẠC SĨ VŨ ĐỨC NGHIÊM… GIÃ TỪ
Cuộc đời con người như một bài ca, có nốt đầu và cũng có nốt kết. Điều quan trọng của một bài ca không phải chỉ ở hai nốt nhạc này, nhưng là tại nội dung của bài hát. Nội dung bài hát đi sâu vào lòng người, bài hát đó trở nên Bất Tử. Cuộc đời con người không quan trọng nhiều ở ngày sanh và ngày tử, nhưng quan trong là suốt cuộc đời người đó đã làm được những gì. Những việc làm đó có giá trị vĩnh cửu không. Khi công việc của một người còn lại trong lòng Trời, Đấng Tạo Hóa, người đó cũng sẽ Bất Tử. Mỗi con người là một công cụ của Đấng Tạo Hóa, làm thế nào để Ngài yêu thích là điều quan trọng nhất. Bởi đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-su, tôi tin rằng Nhạc sĩ đang tận hưởng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời trong sự sống đời đời của linh hồn bất diệt.
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh ngày 30 tháng 6 năm 1930 tại Hoành Nha, Nam Định, Việt Nam. Ông cùng gia đình di cư vào Nam. Gia nhập quân đội năm 1951 và cấp bậc cuối cùng là Trung Tá thuộc Quân Lực VNCH. Sau năm 1975, ông ở tù Cộng Sản 13 năm, đây cũng chính là lúc ông viết những bài Thánh Ca rất được ơn để tôn vinh Đức Chúa Trời.
Ông đã về với Chúa vào lúc 5:30 sáng ngày 24 tháng 7 năm 2017 tại tư gia ở San Jose, California, hưởng thọ 87 tuổi. Tang lễ sẽ được tổ chức lúc 12:30 – 2:00pm tại nhà quàn Oak Hills Memorial Park & Mortuary số 300 Curtner Ave., San Jose, CA 95125 vào thứ Bảy tuần này ngày 5 tháng 8 năm 2017. Đặc biệt sẽ có Đêm Tưởng Niệm vào lúc 6:00 – 8:00pm tại Nhà Thờ Tin Lành số 480 S. White Road, San Jose, CA 95127, nơi Mục sư Lê Hoàng Duy Tín quản nhiệm. Trong chương trình này, chúng ta sẽ nghe và hát lại những bài Thánh Ca mà nhạc sĩ đã sáng tác, hòa với những lời phát biểu cảm tưởng của nhiều người thân quen.
Cá nhân tôi biết Nhạc sĩ qua dòng nhạc của ông từ khi 13 tuổi. Với tuổi thiếu niên tôi vẫn mơ ước mình được làm một viên than hồng. Lời nhạc của bài hát Tôi Ước Mơ Là Viên Than Hồng đã đi theo quãng đời thanh niên của tôi… để rồi ngày nay, bởi ân điển Chúa ban, tôi cũng được là một viên than hồng.
Trong chức vụ Chủ tịch Liên Hữu Tin Lành Baptist Người Việt tại Hoa Kỳ và Canada, tôi hay về San Jose để giảng dạy và thăm viếng các Hội Thánh trong vùng Bắc Cali. Lúc trước tôi gặp Nhạc sĩ và gia đình ở tại Hội Thánh Baptist Thứ Nhất và sau này thường gặp hơn ở Hội Thánh Sống Tin & Hy Vọng. Nhạc sĩ luôn luôn khích lệ tôi sau mỗi bài giảng. Ông luôn cầm tay tôi và nói rằng: “Đúng là Chúa ban cho Mục sư cái tên Phước Lành vì sự giảng dạy của Mục sư mang đến cho tôi và Con Dân Chúa sự tươi mát thỏa lòng. Nghe Mục sư giảng tôi hiểu được Lời Chúa mà lòng cảm thấy sung sướng.” Tấm hình trên được chụp cách đây vài tháng, sau giờ thờ phượng, chúng tôi ngồi chung ăn trưa tại nhà thờ Sống Tin & Hy Vọng.
Trong niềm thương nhớ và quý mến Nhạc sĩ kính yêu Chúa này, tôi cảm tác bài thơ Tiễn Bác Nghiêm ngay ngày hôm sau được biết Bác giả từ và được đến tận nhà để viếng thăm cầu nguyện cho Tang Quyến. HẸN GẶP QUÝ VỊ VÀO CUỐI TUẦN NÀY TẠI TANG LỄ VÀ ĐÊM TƯỞNG NIỆM CỐ NHẠC SĨ VŨ ĐỨC NGHIÊM!
TIỄN BÁC NGHIÊM
Mới đó mà nay đã xa rồi
Bác về với Chúa giã từ tôi
Tôi yêu quý bác qua dòng nhạc
Dòng suối linh ân để đắp bồi.
Bác với tôi phụng sự Chúa Trời
Hết lòng tận hiến việc khắp nơi
Trọn lòng trung tín theo Thánh Ý
Bác mến thương tôi bởi giảng Lời.
Mỗi lần gặp gỡ, bác nắm tay
Tạ ơn Thiên Chúa, nói câu này:
“Chúa ban đúng tên Phước Lành đấy
Để lời Cha cặn kẽ giãi bày.”
Bác xong cuộc đua Chúa gọi về
Bên lòng Từ Ái Chúa phủ phê
Tôi đây quyết dặn lòng trung tín
Sẽ lại gặp nhau ở Ngày Về.
Mục sư Tiến sĩ Phan Phước Lành
Chủ Tịch Liên Hữu Tin Lành Baptist Người Việt tại Hoa Kỳ & Canada