Mê tennis, không biết mê từ hồi nào, ở Việt Nam chạy ăn từng bữa mệt phờ người lấy đâu ra mà mê, có cũng không dám mê. Qua Mỹ thời gian, không biết tình cờ ghé mắt vào cái Ti Vi nhà ai xem một trận tennis, rồi hai, rồi ba, và những con số cứ cộng thêm vào, đến một ngày thì thấy rằng mình không dứt nổi nó, phải tìm DirecTV để có ESPN, để có Tennis Chanel, chờ từng tournament để xem. Mê tennis, rồi mê người chơi tennis. Mê Justin Henin, mê Serena Williams, rồi mê Pete Sampras, Roger Federer, Rafael Nadal. Vui khi họ thắng cuộc, buồn khi họ thua cuộc, không đến nỗi khóc “tức tưởi” như các fan mê cuồng khác, nhưng cũng thấy trái tim bị cào cấu chút đỉnh. Hồi hộp khi cả hai người yêu dấu của mình đụng nhau trong trận chung kết, rồi khám phá ra rằng trái tim thiên vị của mình cũng dành cho một người nhiều hơn, mong cho người ấy thắng hơn. Nhiều khi nghĩ, Chúa cho “mê” tennis để có cái mà “giải khuây” những lúc cần 🙂 Nhưng rắc rối, những lúc cần thì chẳng có gì có thể “giải khuây” được.
Từng tournament đi qua, từng năm qua, các cây vợt yêu dấu của mình già dần đi theo năm tháng, mình thì già hơn, không biết đến ngày nào thì không thể nhìn thấy họ già thêm được nữa. Dù một thân năm sáu việc, sáng thứ bảy cũng phải dậy 3 giờ xem hai chị em Williams gặp nhau trong trận chung kết nữ và sáng nay một lần nữa sau nhiều năm các fan lại một phen hồi hộp xem hai người yêu của họ Nadal và Federer hội ngộ trong trận chung kết nam của Australian Open. Sáng nay cũng dậy sớm 3 giờ- sau khi sắp xếp đâu đó hết cả, dặn dò yếu nhân cẩn thận là có gì thì kêu- mở Ti Vi, hai mắt dán vào Ti Vi nhưng hai tai vểnh lên nghe tiếng động trong phòng, ngồi một mình trong phòng khách, một mình yên lặng xem, trong sự vắng lặng của buổi sáng sớm, không có ai xem cùng, không có ai để cùng hò reo, cùng “mắng chửi” cái thằng “ấy” hôm nay sao mà đánh dở quá.
Trong những khi hai đấu thủ tạm nghỉ, TV cho chạy những quảng cáo, đưa mắt nhìn quanh nhà, như thói quen từ thời gian mà yếu nhân không thể làm việc nhà được nữa, một mình mình “quán xuyến” việc nhà, việc nước. Nhà im vắng, phòng bên phải một yếu nhân, phòng bên trái một bệnh nhân, chỉ có mình còn tương đối “lành mạnh”, nỗi buồn của một tâm hồn “nghệ sĩ” đa cảm ở đâu kéo về, dặn lòng là chớ có bao giờ buồn, phải đứng thẳng, mắt phải ngó tới trước, tay phải nắm lấy áo Chúa và chân phải bén gót chân Chúa, phải có đức tin, phải có hy vọng. Nhưng Chúa đã tạo ra con người với những tình cảm, yêu thương chứ không phải một một trái tim bằng đá, nên nỗi buồn vẫn cứ “ào ạt” kéo về, như sóng biển tràn bờ, làm sao ngăn được những con sóng, chỉ có những vách đá vô cảm mới có thể ngăn được, mà cũng chẳng cần ngăn chận, hãy cứ để nó tự nhiên, như con người tự nhiên. Ngày xa xưa ấy, Chúa Jesus đã để nỗi buồn tự nhiên tràn ngập mình trong vườn Ghết-sê-ma-nê, cho dù Ngài là một Đức Chúa Trời, trong thân phận con người, Ngài đã buồn đến nỗi phải kêu lên, không giữ lại được, linh hồn ta buồn bực cho đến chết. Chúa, Ngài cũng cảm thông cho tình cảm yếu đuối của con người.
Không muốn xem nữa, dù trận đấu đang rất quyết liệt, và “thằng bé” của mình đang có vẻ chông chênh. Tắt máy, muốn viết. Muốn xem, nhưng muốn viết nhiều hơn, vì đã mang cái “nghiệp dĩ” ấy rồi. Ngồi vào bàn rồi, lại tự hỏi viết gì. Đem nỗi buồn của mình ra treo trên móc áo cho mọi người nhìn xem chăng. Đầu năm, năm mới, lẽ ra nên viết những cái gì vui tươi, hy vọng, tin cậy Chúa, Mục sư vẫn dạy dỗ tín đồ như vậy mà, sao không dạy mình. Dạy mình thì khó hơn dạy người.
Nhớ tới một cuốn sách đọc từ hồi rất lâu, khi còn rất nhỏ, Bonjour Tristesse của Francoise Sagan, xem lâu đến nỗi không còn nhớ cuốn truyện ấy viết cái gì, và tác giả muốn nói gì, Buồn Ơi Chào Mi đơn giản là chào nỗi buồn đang đến, vừa đến, nhưng có chút hoài mong nào nỗi buồn ấy sẽ sớm ra đi, chỉ là hello thôi, một cái vẫy tay chào người, rồi đường ai nấy đi?
Trong khi đang nghĩ, thình lình câu Kinh Thánh chạy ngang đầu, như những thông tin điện tử đang chạy qua màn hình: song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng. Có phải Chúa đang nói? Chúa vẫn dùng cách ấy để nói với tôi những lúc tôi phân vân tự hỏi, cái gì là nên, cái gì là cần, cái gì là thôi, bỏ.
Vậy thì, Chúa yêu dấu của con, Bonjour Tristesse, đường ai nấy đi nhé. Con phải đứng dậy làm việc đây, con không có quyền được buồn, khi còn nhiều người buồn hơn.
Mục sư LỮ THÀNH KIẾN |