Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / Nhân Và Quả

Nhân Và Quả

s

Nhân và quả.
Con người hình như không còn thấy công lệ nhân quả luôn luôn tác động trên mọi giai tầng của vũ trụ này. Hậu quả thì rõ ràng nhưng nguyên nhân sâu kín và chủ yếu lại dường như kém hiển nhiên. Có lẽ chính ảnh hưởng xấu xa của triết lý hiện đại về sự tiến bộ làm lu mờ khải tượng của con người. Có lẽ vì quá say mê với lý thuyết nhân tạo mà con người cố bám lấy niềm tin là nhân loại đang tiến bộ từ từ nhưng chắc chắn đạt đến chỗ trọn vẹn cuối cùng.
Thậm chí nhiều triết gia luận rằng tấn thảm kịch của thế giới ngày nay chỉ là một việc ngẫu nhiên trong tiến trình đi lên; họ viện dẫn những thời kỳ khác trong lịch sử nhân loại có những triển vọng dường như ảm đạm và hậu quả dường như cũng vô vọng như thế. Các triết gia tìm cách cho rằng tình trạng buồn thảm chúng ta đang trải qua chỉ là cơn đau đớn lâm bồn của một ngày tốt đẹp hơn! Rằng con người vẫn còn là những đứa trẻ mò mẫm và vấp ngã trong ấu trĩ viện của cuộc sống, và còn phải mất hàng mấy thế kỷ nữa mới trở nên trưởng thành, có ý thức.
Nhưng Kinh Thánh vạch rõ điều mà khoa tự nhiên học hình như không muốn chấp nhận – rằng thiên nhiên đồng thời khải thị về một Đấng Tạo Hóa và một kẻ phá hoại. Con người đổ lỗi cho Tạo Hóa về việc làm của kẻ phá hoại. Con người quên rằng thế giới của chúng ta không còn như lúc mới được Thượng Đế sáng tạo, nó đã bị suy đồi. Thượng Đế đã sáng tạo thế giới tốt đẹp. Tội lỗi làm hư hỏng thế giới. Thượng Đế đã dựng con người vô tội, nhưng tội lỗi đã xâm nhập, biến họ thành hư xấu. Mỗi một sự thể hiện của điều ác là hậu quả của tội lỗi căn bản. Tội lỗi đã không thay đổi từ lúc nó mới nhập vào nhân loại. Tội lỗi có thể tự biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau, tội lỗi đã khiến một người Phi-châu dã man núp dọc theo con đường mòn trong rừng sâu, tay cầm giáo đón chờ nạn nhân của hắn, và một phi công có học thức, được huấn luyện đầy đủ lái một phản lực cơ cũng trên khu rừng rậm ấy, sẵn sàng ném bom xuống làng mạc không có gì khả nghi.
Hai người trên cách nhau hàng thế kỷ văn hóa. Có thể nói rằng người này “tiến bộ” hơn người kia bội phần, một người có tất cả lợi điểm của một nền văn minh nhân tạo, trong khi người kia ở trong “cổ sơ” – Tuy nhiên, có phải do đó mà họ thật sự khác nhau chăng? Phải chăng cả hai đều bị thúc đẩy bởi sự lo sợ và bất tín nhiệm người đồng loại? Phải chăng cả hai đều có lòng vị kỷ muốn thực hiện mục đích của mình bằng bất cứ giá nào, mặc cho kẻ đồng loại gánh chịu hậu quả? Một quả bom có kém dã man hay tàn bạo hoặc văn minh hơn một ngọn giáo trần trụi không? Liệu chúng ta có thể tìm được giải pháp cho các vấn đề nan giải của người “cổ sơ” nhất và “tiến bộ” nhất đang hăng hái muốn giết kẻ đồng loại hơn là yêu mến họ chăng?

images (3)
Tất cả nỗi buồn rầu, lo lắng, hung bạo, bi thảm, đau lòng, thương tâm và hổ nhục trong lịch sử loài người đều được tóm tắt trong chữ: “Tội lỗi”! Thật vậy, tội lỗi đã được phổ biến rộng rãi và đã khiến mọi người say mê. Các chương trình T.V. trình chiếu sự đồi bại của giới giàu có. Bìa các tạp chí in những hình ảnh vô luân đồi trụy.

Tội lỗi vốn ở giữa chúng ta.
Không ai thích kẻ khác bảo mình là người có tội, dù rằng cha mẹ và tổ tiên họ là những người phạm tội trước! Nhưng Kinh Thánh đã chép: “Không phân biệt một ai, vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế“ (Ro 3:22, 23). Kinh Thánh tuyên bố rằng mỗi một người trên thế gian là một tội nhân trước mặt Thượng Đế. Mỗi khi nghe người ta tự loại mình ra khỏi lời tuyên bố mạnh mẽ đó, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện một viên chức trong Hội thánh, một ngày kia, đàm đạo với vị mục sư về tội lỗi.
Ông nói: “Thưa mục sư, tín hữu chúng tôi ước mong ông sẽ không nói quá nhiều hay quá rõ ràng về tội lỗi như vậy. Chúng tôi cảm thấy, nếu các con cái chúng tôi nghe ông giảng luận về vấn đề này nhiều quá, chúng sẽ càng trở nên kẻ phạm tội. Tại sao không gọi đó là một sự “sai lầm” hay nói rằng lớp trẻ chúng ta thường phạm tội vì “kém nhận xét”? Dầu sao, chúng tôi mong ông đừng nói đến tội lỗi quá rõ ràng như vậy”.
Mục sư bèn đi lấy một lọ thuốc độc trên cái kệ cao trao cho ông ta xem. Trên chai có ghi chữ to tướng: “Thuốc độc, chớ đụng đến!” Rồi mục sư hỏi: “Ông muốn tôi làm sao? Ông muốn tôi nên gỡ bỏ cái nhãn ghi rõ ràng thuốc độc này mà dán nhãn hiệu khác đề là “dầu bạc hà” không? Ông há chẳng thấy rằng càng làm cho nhãn hiệu dễ nghe bao nhiêu thì càng làm cho thuốc độc trở nên nguy hiểm bấy nhiêu sao?”
Tội lỗi – chính tội lỗi có từ thượng cổ, đã gây cho A-đam sa ngã – là điều mà tất cả chúng ta đang gánh chịu đau khổ ngày nay; và nếu chúng ta cố khoác cho nó một lớp nhãn lòe loẹt, hấp dẫn hơn, không những nó không tốt hơn mà lại còn làm cho chúng ta thiệt hại bội phần. Chúng ta không cần một danh từ mới cho tội lỗi. Điều chúng ta cần là tìm xem danh từ chúng ta hiện có nghĩa là gì! Vì mặc dầu tội lỗi hiển nhiên thịnh hành trong thế giới ngày nay, vẫn còn có hằng hà sa số người hoàn toàn chẳng biết gì về ý nghĩa thật của nó. Chính ý niệm sai lạc, thiển cận về tội lỗi đã ngăn cản rất nhiều người hối cải quay về cùng Thượng Đế. Chính sự hiểu biết khiếm khuyết về tội lỗi đã khiến nhiều Cơ Đốc nhân không sống đời sống thật của Chúa Cứu Thế.
Một bản Thánh ca cũ có câu: “Không phải mọi người nói về nước Thiên đàng đều được đi đến Thiên đàng”. Đối với tội lỗi cũng vậy. Không phải ai ai nói đến tội lỗi cũng đều nhận biết rõ ràng tội lỗi là gì. Điều tuyệt đối hệ trọng là chúng ta phải ý thức được quan điểm của Kinh Thánh về tội lỗi.
Chúng ta có thể có ý nghĩ xem thường tội lỗi, và cho nó là một “sự yếu đuối của con người”. Chúng ta có thể tìm cách gọi nó là điều nhỏ nhặt, nhưng Thượng Đế gọi nó là một thảm kịch. Chúng ta muốn bỏ qua và coi nó là một việc tình cờ nhưng Thượng Đế tuyên bố đó là một điều ghê tởm. Con người tìm cách tự bào chữa cho tội lỗi của mình, nhưng Thượng Đế tìm cách thuyết phục con người về tội lỗi và cứu con người thoát khỏi điều đó. Tội lỗi không là một món đồ chơi thích thú, tội lỗi là điều kinh khiếp phải lánh xa! Vậy hãy học biết điều gì cấu thành tội lỗi trước mặt Thượng Đế.
Tấn sĩ Richard Beal định nghĩa tội lỗi bằng 5 danh từ:
Thứ nhất: tội lỗi là ‘sự bất chấp luật pháp’, sự vi phạm luật pháp của Thượng Đế (IGi 3:4). Thượng Đế đã thiết lập một lằn ranh giữa điều thiện và điều ác, và mỗi khi chúng ta vượt qua ranh của bên kia biên giới, mỗi khi chúng ta xâm nhập vùng cấm địa của tội ác, thì chúng ta đã vi phạm luật pháp. Khi nào chúng ta không vâng giữ Mười Điều Răn, hoặc đi trái với nguyên tắc của Bài Giảng Trên Núi (bài giảng của Chúa Giê-xu, được ghi chép trong Kinh Thánh Mat. 5:1-7:29) chúng ta đã vi phạm luật pháp của Thượng Đế và có tội.’
Nếu bạn xét từng điều một trong Mười Điều Răn, bạn sẽ thấy hiện nay nhân loại đang cố ý, chẳng những vi phạm, mà còn hô hào mọi người vi phạm nữa. Điều răn chớ thờ hình tượng nghĩa là chớ để bất cứ sự việc gì trước Thượng Đế, điều răn hãy nhớ giữ ngày nghỉ làm ngày thánh (các tay chơi dã cầu và túc cầu chuyên nghiệp sẽ làm gì nếu các Cơ Đốc nhân không chịu xem họ thi đấu ngày Chúa nhật?), điều răn hãy hiếu kính cha mẹ (các quyển sách ‘Mommie Dearest’ phơi trần tội lỗi của các bậc làm cha làm mẹ), điều răn chớ tham lam và chớ tà dâm – dường như mọi người đang hè nhau nỗ lực để cố ý vi phạm từng điều răn một. Và không những chỉ thế mà thôi, dường như thiên hạ còn cố ý biến chúng thành hấp dẫn khi làm như vậy nữa.
Gia-cơ (em trai của Chúa Giê-xu, tác giả sách Gia-cơ trong Kinh Thánh) nói rõ rằng chúng ta đều phạm tội, ông viết: “Chính những tư tưởng, dục vọng xấu xa trong con người thôi thúc, tạo ra sự cám dỗ. Tư tưởng xấu xa sẽ biến thành hành động tội lỗi; tội lỗi phát triển đem lại cái chết” (Gia-cơ 1:14-15). Chính vì tất cả chúng ta đều vi phạm luật pháp của Thượng Đế, không vâng giữ các điều răn của Ngài, nên chúng ta hết thảy bị liệt vào hàng tội nhân.
Thứ hai: Kinh Thánh mô tả tội lỗi là ‘gian tà’. Gian tà là đi lệch ra ngoài con đường chánh, dù hành động đó có bị ngăn cấm rõ rệt hay không. Sự gian tà liên quan đến những nguyên do thúc đẩy nội tâm của chúng ta, những gì chúng ta cố che giấu loài người và Thượng Đế. Đó là những điều sai quấy bắt nguồn từ bản tính hư hoại của chính chúng ta hơn là từ những hành động xấu xa đôi khi do áp lực của hoàn cảnh khiến chúng ta vấp phạm.

images (2)
Chúa Giê-xu đã diễn tả sự hư hoại nội tâm này khi Ngài phán: “Vì từ bên trong, từ tâm hồn con người, sinh ra những tư tưởng ác, như gian dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, lừa dối, phóng đãng, ganh ghét, phỉ báng, kiêu căng, dại dột. Chính những thứ xấu xa từ bên trong mới làm con người dơ bẩn” (Mác 7:21-23).
Thứ ba: Kinh Thánh giải thích tội lỗi là không đạt tới mục tiêu đã đặt. Chúa Cứu Thế là mục tiêu của Thượng Đế. Đối tượng và cứu cánh của cả đời người là sống theo đời sống Chúa Cứu Thế. Ngài đã đến để chỉ cho chúng ta biết con người có thể thực hiện điều gì trên mặt đất này; nếu không noi theo gương Ngài, chúng ta sẽ không đạt tới mục tiêu và không hội đủ tiêu chuẩn thiên thượng.
Thứ tư: Tội lỗi là một hình thức ‘xâm phạm’, tức là lấy ý riêng xen vào quyền uy thiên thượng. Tội lỗi không chỉ là điều tiêu cực, không chỉ là sự thiếu tình thương yêu đối với Thượng Đế. Tội lỗi là sự lựa chọn tích cực, ưa thích bản ngã thay vì Thượng Đế, là quy tụ tình thương vào chính bản thân mình, chớ không hết lòng vươn đến Thượng Đế. Tính vị kỷ và duy ngã là những dấu hiệu của tội lỗi, cũng như trộm cắp và sát nhân vậy. Có lẽ đây là hình thức tinh vi và tai hại nhất của tội lỗi, vì với hình thức này nhãn hiệu trên lọ thuốc độc rất dễ bị coi thường. Những ai chỉ nghĩ đến mình, hoàn toàn chú trọng vào chính bản thân, những ai chỉ nhìn thấy và bảo vệ quyền lợi riêng – những người ấy là tội nhân không khác gì kẻ say rượu, đàng điếm.
Chúa Giê-xu phán: “Nếu một người chiếm được cả thế giới nhưng mất linh hồn thì có ích lợi gì?” (8:36). Tư tưởng này nếu diễn tả bằng ngôn ngữ hiện đại, có thể được trình bày như sau: “Nếu một người bị ung độc tàn phá cơ thể không hưởng thụ được cơ nghiệp rộng lớn của mình thì có ích gì chăng?”. Một nhà độc tài sẽ được lợi gì nếu ông ta chinh phục được cả bán cầu nhưng phải thường xuyên sợ hãi viên đạn kẻ thù hoặc lưỡi dao thích khách? Bậc làm cha mẹ được lợi gì khi nuôi nấng con cái bằng cách kỷ luật nghiêm khắc, để rồi về sau bị chúng ruồng bỏ, phải sống cô đơn trong tuổi già? Quả thật, tội lỗi của chính bản ngã vị kỷ là một tội lỗi chết người.
Thứ năm: Tội lỗi là ‘sự vô tín’. Vô tín là tội lỗi vì đó là sự phỉ báng chân lý của Thượng Đế: “Ai tin Con Thượng Đế đều biết Lời chứng của Thượng Đế là thật. Không tin Con Thượng Đế cũng như bảo Thượng Đế là nói dối, vì cho Lời Thượng Đế phán về Con Ngài không đúng sự thật” (IGi 5:10).
Sự vô tín đã đóng cửa Thiên đàng và mở cửa Địa ngục. Sự vô tín đã chối bỏ Kinh Thánh và không công nhận Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa. Sự vô tín làm con người bịt tai đối với Phúc Âm và chối bỏ những phép lạ của Chúa Cứu Thế.
Tội lỗi dẫn đến án phạt là sự chết, và không ai có khả năng tự cứu mình thoát khỏi án phạt ấy hay tẩy sạch sự hư hoại của tội lỗi ra khỏi lòng mình. Thiên sứ và con người không chuộc được tội. Chỉ trong Chúa Cứu Thế mới có phương thuốc trị tội lỗi. Chỉ có Chúa Cứu Thế mới có thể cứu tội nhân ra khỏi số phận đau thương đang chờ đợi. “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôm. 6:23). “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Exe 18:4). “Chẳng có người nào chuộc được anh em mình, hoặc đóng giá chuộc người nơi Thượng Đế” (Thi 49:7). “Hoặc vàng hoặc bạc của chúng nó đều không thể giải cứu chúng nó trong ngày thạnh nộ của Thượng Đế” (Sô-phô-ni 1:18).

(Còn nữa)

Billy-Graham-when-a-young-minister

BILLY GRAHAM
Bài trước: https://huongdionline.com/2016/06/11/su-lua-chon-cua-loai-nguoi/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn