Thượng Đế là tình yêu.
Thứ tư: Thượng Đế là tình yêu. Cũng như các đặc tính khác của Thượng Đế, nhiều người không đọc Kinh Thánh không thể hiểu được ý nghĩa câu: “Thượng Đế chính là tình yêu” (IGiă. 4:8).
Chính chúng ta đã không thật biết mình muốn nói gì khi dùng hai chữ tình yêu. Trong ngôn ngữ của chúng ta, danh từ này đã bị lạm dụng nhiều hơn cả. Chúng ta dùng danh từ tình yêu để diễn tả những mối liên hệ hèn mạt cũng như cao quý hơn hết của con người. Chúng ta nói mình “yêu” nghệ thuật, “yêu” văn chương, “yêu” du lịch, “yêu” sô-cô-la, “yêu” chiếc xe mới, thậm chí chúng ta nói rằng chúng ta “yêu thương” kẻ lân cận. Nhưng phần nhiều chúng ta chỉ nói mà không làm. Thảo nào chúng ta không có một ý niệm chính xác về điều Kinh Thánh muốn nói khi chép: “Thượng Đế là tình yêu”.
Chúng ta đừng lầm lạc suy nghĩ rằng vì Thượng Đế là tình yêu nên mọi việc sẽ diễn ra êm đềm, đẹp đẽ, hạnh phúc và sẽ không bị trừng phạt về tội lỗi mình. Sự thánh khiết của Thượng Đế đòi hỏi mọi tội lỗi phải bị trừng phạt, nhưng tình yêu của Ngài sắm sẵn kế hoạch và phương pháp để cứu chuộc con người tội lỗi. Tình yêu của Thượng Đế đã chuẩn bị thập tự giá để nhờ đó con người được tha tội và thanh sạch. Chính tình yêu của Thượng Đế đã đưa Chúa Giê-xu đến thập tự giá!
Chớ bao giờ nghi ngờ tình yêu vĩ đại của Thượng Đế, vì yêu là một phần bất diệt của Ngài, cũng như sự thánh khiết của Ngài vậy. Dù tội lỗi của bạn có đen tối đến thế nào chăng nữa, Thượng Đế vẫn yêu bạn. Nếu không bởi tình yêu của Thượng Đế, chẳng một người nào trong chúng ta có cơ hội được hưởng phước cứu rỗi trong đời sau. Nhưng Thượng Đế là tình yêu, và Ngài yêu chúng ta mãi mãi. “Nhưng Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi Chúa Cứu Thế chịu chết thay chúng ta là người tội lỗi” (Rôm. 5:8).
Ngôn ngữ của loài người có thể bày tỏ đến mức nào thì các lời hứa về sự yêu thương và tha thứ của Thượng Đế cũng thiết thực, chắc chắn và tích cực chừng ấy. Nhưng điều đó chẳng khác nào diễn tả đại dương, vì nếu thật sự chưa thấy đại dương, thì không thể hiểu được vẻ đẹp toàn vẹn của đại dương được. Tình yêu thương của Thượng Đế cũng vậy. Nếu bạn chưa thật sự tiếp nhận và nếm trải tình yêu thương ấy, nếu bạn chưa thật sự được hòa hợp với Thượng Đế, không ai có thể diễn tả cho bạn rõ những điều kỳ diệu của tình yêu thương ấy.
Đây không phải là điều bạn có thể thực hiện bằng tâm trí. Trí não giới hạn của bạn không thể hiểu thấu những gì vĩ đại như tình yêu của Thượng Đế. Trí não bạn khó có thể giải thích được tại sao một con bò cái đen có thể ăn cỏ xanh và cho sữa trắng – nhưng bạn lại uống sữa và được bổ dưỡng cách dễ dàng. Trí não bạn không thể lý luận suốt cả những tiến trình tinh tế của một hạt giống nhỏ và dẹp khi đem gieo xuống đất, trở thành một đám dây sinh ra những trái dưa hấu đỏ và ngọt, nhưng bạn lại ăn và thưởng thức hương vị của chúng một cách dễ dàng! Trí não bạn không thể giải thích điện lực tạo ra ánh sáng cho bạn đọc sách ngay lúc này đây, nhưng bạn biết rằng có điện và điện đã giúp bạn đọc sách!
Bạn phải tiếp nhận Thượng Đế bằng đức tin – đức tin trong Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi điều này xảy ra, bạn không còn nghi ngờ gì nữa. Bạn khỏi cần tự vấn rằng Thượng Đế có ở trong lòng mình hay không, vì chính bạn biết được điều đó.
Khi người ta hỏi tôi làm sao biết chắc Thượng Đế thật sự là ai, tôi liên tưởng đến một cậu bé thả diều. Hôm đó trời rất đẹp, rất tiện thả diều, gió hiu hiu và trên trời những cụm mây lớn trôi nhanh. Diều lên cao, cao mãi cho đến khi bị mây che.
Một người hỏi cậu bé: “Em đang làm gì đó?”
Em trả lời: “Dạ, đang thả diều”.
Người kia nói: “Em thả diều thật à? Làm sao em biết chắc là em đang thả diều? Em đâu có trông thấy nó.”
Cậu bé đáp: “Thưa không! tuy em không trông thấy diều, nhưng lúc nào em cũng cảm thấy dây giựt, và như vậy em biết chắc rằng diều còn đang bay”.
Đừng mong ai khác chỉ cho mình thấy Thượng Đế. Hãy tự tìm kiếm Ngài, và nhờ sự rung động ấm áp trên đường tơ lòng bạn, bạn sẽ biết rằng chắc chắn Ngài hiện hữu.
Vì mọi người đều phạm tội, không còn phản chiếu vinh quang Thượng Đế.
Rôm. 3:23
NẾU Thượng Đế là Đấng công nghĩa và yêu thương tại sao lại có quá nhiều tội ác, đau khổ và sầu thảm như vậy? Tại sao lại có thù oán? Tại sao chúng ta lại tạo nên những hình tượng giả dối? Tại sao chúng ta lại tôn thờ chiến tranh, tham lam và ích kỷ? Tại sao nhân loại do Thượng Đế dựng nên theo hình ảnh Ngài lại đắm chìm trong bại hoại đến nỗi Ngài phải ban Mười Điều Răn (căn bản luật pháp mà Thượng Đế đã ban cho dân Do-thái khi họ ra khỏi Ai-cập để trở về quê hương mình) và buộc họ phải vâng giữ? Tại sao Thượng Đế ban chính Con Một của Ngài để cứu chuộc chúng ta? Tại sao các vật thọ tạo của Thượng Đế lại đầy dẫy tham dục và tội ác?
Muốn hiểu điều này, muốn thấy rõ tại sao nước này chống nghịch nước kia, tại sao nhiều gia đình phân ly, tại sao báo chí tràn ngập những bài tường thuật các hành động dã man, điên cuồng, tàn bạo và căm thù, chúng ta phải trở lại từ lúc ban đầu. Chúng ta phải trở lại truyện tích A-đam trong vườn Ê-đen, trở lại chương đầu của sách Sáng-Thế Ký.
Có người cho rằng truyện tích quen thuộc về sự sáng tạo chỉ là một huyền thoại. Họ nói rằng đó chỉ là một cách đơn giản để giải thích cho trẻ con một vấn đề không sao giải đáp được. Nhưng không phải thế. Kinh Thánh cho chúng ta biết tường tận những việc đã xảy ra lúc khai thiên lập địa và tại sao từ đó đến nay con người vẫn cứ liên tục đi trên con đường tự tiêu diệt?
Thượng Đế đã sáng tạo thế giới này như một toàn thể trọn vẹn. Con người đã dẹp bỏ thế giới đẹp đẽ, hòa hợp Ngài đã sáng tạo – thế giới trọn vẹn mà chúng ta đang khao khát tìm gặp lại, thế giới mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm.
Trong thế giới trọn vẹn đó, Thượng Đế đã đặt một người trọn vẹn. A-đam vốn là trọn vẹn vì chẳng có việc gì Thượng Đế làm lại không trọn vẹn, và Ngài đã ban cho người trọn vẹn ấy một ân tứ quý báu hơn hết, là sự tự do. Thượng Đế ban cho con người quyền tự do lựa chọn.
Một bạn thân của chúng tôi, tiến sĩ M. L. Scott, nhà truyền đạo lừng danh người da đen, kể lại câu chuyện về người bạn của ông. Cậu con trai của ông này đã vào Đại học, nhân dịp về thăm nhà, đầy phấn khởi về số kiến thức vừa mới thâu thập được. Một chiều nọ, cậu ta trịnh trọng nói: “Ba à, bây giờ con đã vào đại học rồi, nên không còn tin chắc là con có thể đồng ý với loại đức tin đơn sơ, ấu trĩ của ba vào Kinh Thánh nữa”.
Bạn tôi sững người, nhìn con mình không chớp mắt. Cuối cùng, ông ta nói: “Con ơi, đó là quyền tự do của con – quyền tự do khủng khiếp của con”. Đó chính là điều mà Thượng Đế đã ban cho A-đam – quyền tự do cho ông lựa chọn. Quyền tự do khủng khiếp của ông.
Con người đầu tiên không phải là kẻ sống trong hang cốc, trong rừng rú, gầm gừ, hục hặc, gào thét, cố khắc phục những hiểm nghèo nơi sơn lâm và ác thú trong đồng nội. Lúc mới được dựng nên, A-đam đã trưởng thành, với tất cả mọi khả năng của trí óc và thân thể phát triển đầy đủ. Ông đồng đi với Thượng Đế và được tương giao với Ngài. Theo ý chỉ của Thượng Đế, ông đã được dự trù sẽ làm vua trên mặt đất và trị vì .
Đó mới là địa vị đích thực của A-đam khi sống trong vườn Ê-đen; một người trọn vẹn đầu tiên, một loài thọ tạo duy nhất trên mặt đất được Thượng Đế ban cho ân tứ vô giá, tức là quyền tự do. A-đam được tự do hoàn toàn – tự do lựa chọn hay chối bỏ, tự do vâng theo hoặc chống trả mạng lịnh của Thượng Đế, tự do làm cho chính mình sung sướng hay khốn cùng. Không phải có tự do là đời sống được thỏa mãn, nhưng chính hành động sử dụng sự tự do mới xác định là chúng ta sẽ có bình an trong lòng và bình an với Thượng Đế hay không?
Trọng tâm của vấn đề.
Đây chính là trọng tâm của vấn đề, vì khi được tự do, con người đứng trước hai ngả đường. Nếu chỉ có một con đường để theo thì quyền tự do trở nên vô nghĩa. Tự do hàm ý một sự lựa chọn, một quyền quyết định đường lối hành động cá nhân.
Tất cả chúng ta đều biết, người ta sở dĩ lương thiện không phải vì tự do chọn lựa điều đó, song vì họ chưa có dịp để làm quấy. Tiến sĩ Manfred Gutzke từng nói: “Các ông già ơi, chớ tưởng rằng các ông đã gần kề với cái chết mà các ông trở thành người khá hơn đâu”. Tất cả chúng ta đều biết có những người tự hào là mình nhân đức, nhưng thật ra do hoàn cảnh và lề lối sinh hoạt bên ngoài đã giữ họ khỏi thành ra xấu xa. Chúng ta không thể khoe khoang đã chống lại sức cám dỗ khi không phải đương đầu với một sự cám dỗ nào cả!
Thượng Đế không để cho A-đam gặp trở ngại này. Ngài ban cho A-đam quyền tự do lựa chọn và cơ hội để hành xử quyền đó. Vì Thượng Đế không làm việc gì bất toàn nên Ngài đã đặt A-đam trong một khung cảnh trọn vẹn để ông chứng tỏ mình sẽ hầu việc Thượng Đế hay không.
Khi sống trong vườn Ê-đen, A-đam không có tội lỗi, và tình trạng vô tội của ông không chỗ chê trách. Cả vũ trụ ở trước mặt ông. Cả lịch sử trinh nguyên của loài người đang trải ra dưới tay ông như một tấm giấy da vĩ đại, hết sức tinh khiết, đợi chờ ông quyết định con đường cho các thế hệ tương lai.
Thượng Đế đã hoàn tất công trình của Ngài. Ngài đã dựng nên một khu vườn trên mặt đất, đầy đủ mọi thứ cần thiết cho con người. Ngài đã dựng nên một người trọn vẹn, giống như Ngài. Ngài đã ban cho con người trí óc và linh hồn cùng quyền tự do trọn vẹn để sử dụng trí óc và linh hồn tùy thích. Sau đó, với tư cách một người Cha vô cùng khôn ngoan, Thượng Đế chờ xem con mình lựa chọn như thế nào.
(Còn nữa)
BILLY GRAHAM
Bài trước: https://huongdionline.com/2016/06/07/thuong-de-la-than-linh/