Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / Không Gì Có Thể Thay Đổi Quá Khứ

Không Gì Có Thể Thay Đổi Quá Khứ

“Không Gì Có Thể Thay Đổi Quá Khứ”

j 2

Chương này sẽ là sự đối chiếu của chương trước. Cả hai chương đều nói về phản ứng của con người đối với tội lỗi. Trong chương trước chúng ta đã nhìn vào những người mà họ mong rằng quá khứ sẽ biến mất, miễn là họ nỗ lực hết sức. Trong chương này chúng ta sẽ suy nghĩ về hạng người biết quá rõ rằng quá khứ không thể nào mất đi. Quá khứ vẫn còn đó. Không gì có thể thay đổi nó. Vết nhơ của quá khứ không thể rửa sạch được. Ta thường nghe ai đó than khóc về những chuyện tồi tệ xảy ra trong quá khứ rằng: “Tôi không thể nào tha thứ cho chính mình.” Giống như Lady Macbeth sau vụ án mạng, cứ mãi rửa tay, nhưng chúng ta biết quá rõ rằng dù có dùng tất cả nước hoa của Ả-rập cũng không thể nào loại bỏ mùi tanh của máu. Không gì có thể xóa bỏ quá khứ.
Vậy thì chính xác vấn đề của họ là ngược lại với nhóm người mà chúng ta đã xem xét trong chương trước. Tại đó những con người  thành đạt tự tin nghĩ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn: họ đã nỗ lực hết sức, vậy còn đòi hỏi điều gì ở họ cơ chứ? Nhưng ở đây, không gì có thể sửa chữa được quá khứ. Tuy nhiên có thể thật nghịch lý khi cả hai căn bệnh này đều có cùng một giải pháp. Giải pháp đó được tìm thấy ở một ngọn đồi phía xa xa bên ngoài bức tường thành Giê-ru-sa-lem.

Đức Chúa Giê-su trên cây thập tự.

Xin quý vị hãy cùng tôi tưởng tượng về khung cảnh nổi tiếng ấy. Đó là một ngày nghỉ lễ. Một đám đông hung dữ, cười đùa, xô đẩy nhau qua con đường chật hẹp của thành phố Giê-ru-sa-lem. Cuối cùng, chính quyền La-mã đã thông qua quyết định của Hội Đồng Do Thái, bản án đối với Giê-su người Na-xa-rét. Người sẽ bị xử tử hình theo án phạt dành cho những phạm nhân thuộc tầng lớp thấp hèn của những nước thuộc địa, đó là đóng đinh trên cây thập tự. Tốp quân lính chịu trách nhiệm thi hành án đi xuyên qua đám đông. Một trong ba phạm nhân mà tốp lính phải bảo vệ cẩn thận bị vấp ngã. Người ấy phải thức suốt đêm, không ăn uống, và đã phải trải qua nhiều phiên tòa liên tiếp. Người kiệt sức. Người ngã xuống dưới sức nặng của thanh gỗ mà người phải vác trên vai. Thiếu ngủ, thiếu thức ăn và bị mất nhiều máu từ tấm lưng đầy vết hằn do những lằn roi tra tấn của người La-mã. Người ngã quỵ, một tên lính bắt lấy một người đàn ông đang tình cờ đi ngang đó. “Anh kia, vác cây thập tự cho người này, mau lên.”

jesus-carrying-cross-lrg
Toán thi hành án sớm kéo đến địa điểm phía bên ngoài tường thành, trong khi đó đám đông đứng xem cảnh tượng cái chết công khai của ba phạm nhân với những cảm xúc lẫn lộn. Những tên lính đào hố nhỏ để đặt cây thập tự vào. Những cây thập tự được đặt nằm trên mặt đất, ba phạm nhân nằm lên trên. Thế rồi những chiếc đinh sắt dài đóng xuyên qua mắt cá chân và cổ tay của những phạm nhân. Một vài năm về trước, xương của những người bị hành hình trên cây thập tự đã được khai quật ở Israel. Trước đó người ta chưa từng phát hiện ra những bộ xương như thế này. Những chiếc đinh được đóng xuyên qua hai xương cổ tay và xương mắt cá chân. Hãy nghĩ về sự đau đớn tột cùng mà họ đã phải trải qua. Chắc hẳn, hai tử tội bị hành hình cùng Đức Chúa Giê-su đã chửi rủa, văng tục và quằn quại. Thay vào đó, Đức Chúa Giê-su đã thốt ra lời cầu nguyện: “Lạy Cha, xin hãy tha thứ cho họ. Họ không biết việc mình làm.”

3
Rốt cuộc, việc kinh khiếp ấy cũng hoàn tất. Quân lính dựng từng cây thập tự lên và đặt vào hố đã đào trước đó. Những phạm nhân giờ đây phơi mình trước mọi ánh nhìn của đám đông, lơ lửng giữa trời và đất, sự đau đớn tột cùng về mặt thể xác, gắng gượng trong từng hơi thở. Họ bị treo trong sự đau đớn tận cùng, bị phơi dưới cái nóng, bị quấy rầy bởi những côn trùng bay quanh, cái chết từ từ đến với họ.

Nơi Đức Chúa Trời lìa bỏ.
Điều gì giải thích cho sự lôi cuốn của nhân vật trung tâm trên cây gỗ kia, người đã làm nhân loại băn khoăn suốt hai mươi thế kỷ qua? Đó không chỉ đơn thuần là sự đau đớn về thể xác mà còn là sự rùng rợn của cảnh tượng kinh hoàng. Có những người khác đã ra đi với cái chết đầy đau đớn, thậm chí còn khinh khiếp hơn. Hai tên cướp bị hành hình cùng Ngài cũng đã có cùng một cái chết đầy kinh hoàng. Không, sự đau đớn về thể xác không đưa chúng ta đến tâm điểm của những gì đã đạt được trên thập giá. Thú vị thay, các trước giả Phúc Âm dường như không hề mô tả gì về trải nghiệm đau thương của Ngài. “Tại đó họ đã đóng đinh Ngài trên cây thập tự,” đó là tất cả những gì họ đã viết, rất ít thông tin về sự đau đớn.
Cũng vậy, sự đau đớn về mặt tinh thần của Chúa cũng không khai thác hết điều huyền nhiệm của thập giá. Sự nhạo báng của các thầy tế lễ hẳn phải đụng đến lòng tự ái của Ngài: “Hắn đã cứu người khác nhưng lại không tự cứu mình được. Đấng Christ Vua Israel hãy xuống đây khỏi cây thập tự để chúng ta được thấy và tin.” Thật đau lòng khi nhìn thấy tất cả môn đồ của Ngài đều chạy trốn. Phải khiêm nhường biết bao để chịu phơi mình như một tội nhân – công trình cả đời của Ngài tiêu tan. Thật nhục nhã biết bao khi bị chối bỏ và bị đóng đinh trên cây thập tự bởi chính tuyển dân của Đức Chúa Trời, những con người mà Ngài đã đến để dạy dỗ và cứu rỗi. Sự đau đớn về mặt tinh thần đã làm lòng Ngài tan nát: nhưng những điều đó vẫn chưa khai phá được điều huyền nhiệm của thập tự giá ấy.
Sự tối tăm buông xuống, một sự tối tăm mới chớm, một sự tối tăm có thể cảm nhận được. Thật kỳ lạ, Thallus một sử gia ngoại giáo đã ghi lại sự kiện ấy, cho nên đây không phải là sự thổi phồng từ các sách Phúc Âm. Nhưng dù sao đó cũng là biểu trưng cho sự tối tăm phủ ngập Chúa Giê-su trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời Ngài. Sự tối tăm bị chọc thủng bởi tiếng kêu lớn trong sự đau đớn, được chọn lọc từ Thi Thiên 22: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi?” Sự tối tăm chỉ có thể trùng với khung cảnh trong Vườn Ghết-sê-ma-nê vào đêm trước đó, khi Ngài đã đối diện với cái chết và những đòi hỏi của nó, Ngài đã đổ mồ hôi như những giọt máu trước viễn cảnh ấy. Tại sao một người toàn hảo lại phải cam chịu cảm giác bị bỏ rơi, bị Đức Chúa Trời lìa bỏ trong giờ khắc đỉnh điểm của Ngài?
Câu trả lời chung cho tất cả các trang sách Tân Ước là đây. Ngài cảm nhận sự lìa bỏ của Cha Thiên Thượng bởi lý do đơn giản là Ngài đã bị lìa bỏ. Như chúng ta đã thấy trong chương trước, Phao-lô làm rõ cho chúng ta rằng không ai đến được với Đức Chúa Trời nếu nhờ vào bộ áo công đức cá nhân. Bởi tất cả mọi người đều vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, tất cả đều chịu sự rủa sả, sự phán xét của luật pháp. Nhưng nếu bạn hỏi Phao-lô ý nghĩa tâm điểm của thập tự giá Đức Chúa Giê-su là gì, ông sẽ trả lời rằng: “Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta.” Không thể tưởng tượng nổi – một người thánh khiết, một người toàn hảo, là Con Trời vô tội lại chịu chết trong chỗ đoán phạt, rủa sả. Nhưng đó là sự thật.

images (4)
Là một người Do Thái, Phao-lô hiển nhiên biết về Cựu Ước. Ông biết rõ rằng trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký có nói kẻ nào bị treo trên cây gỗ thì bị xem là chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Trước khi trở thành Cơ Đốc nhân, Phao-lô đã nghĩ có một lý do chính đáng tại sao Đức Chúa Giê-su không thể nào là Đấng Mê-si mà dân sự của Ngài hằng mong chờ; đó là vì Ngài không đơn thuần chết trong nơi tội lỗi, nhưng còn chết trong nơi rủa sả. Trên đường đi Đa-mách, Phao-lô đã gặp Đức Chúa Giê-su phục sinh. Quan điểm trước đó của ông bị tan vỡ. Ông nhận thấy rằng quả thật Đức Chúa Giê-su đã đối diện với sự chết của Ngài trong chỗ rủa sả, nhưng vì sự rủa sả của chúng ta mà Ngài vui gánh thay. Không nghi ngờ gì, Đức Chúa Giê-su đã phó dâng sự sống của Ngài trong sự vui lòng phục vụ bởi “Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” Khi Phao-lô đối diện với sự thay đổi vị trí lớn lao mà Đức Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta, ông không thể làm gì hơn. “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21). Không nghi ngờ gì, Đức Chúa Giê-su đã cảm thấy bị Đức Chúa Trời lìa bỏ: Ngài đã bị lìa bỏ… Và đó là lý do để khiến chúng ta đến gần Ngài.

MICHEL GREEN

Translated by Vinh Hien.

 

Bài trước: https://huongdionline.com/2016/05/25/mot-quan-diem-khong-the-chap-nhan/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn