Thứ Tư , 22 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / HOÀNG NGA CHIA SẺ KINH NGHIỆM VIẾT VĂN

HOÀNG NGA CHIA SẺ KINH NGHIỆM VIẾT VĂN

hoang nga

Thuở nhỏ, tôi đã mê đọc sách, mê văn chương chữ nghĩa. Lớn thêm lên một chút, mê viết văn. Lúc nhà văn Lê Tất Điều phụ trách trang thiếu nhi của một tờ nhật báo mà tôi không nhớ rõ là Trắng Đen, Sóng Thần hay báo gì…, nhưng nhớ rất rõ cứ manh nha trong đầu cái ý định sẽ gửi bài đi đăng báo. Rồi cuối cùng lấy hết can đảm, tôi gửi đi, và báo đăng thật. Mười hai, mười ba tuổi, thấy tên mình trên báo, tưởng như một giấc mơ, tôi mừng quýnh đến chảy cả nước mắt vì được thần tượng của mình, tác giả “Đêm Dài Một Đời” nổi tiếng, cho mấy lời khen đại khái, “bài tốt lắm, gửi tiếp bài mới”, tôi đem khoe tùm lum với cả nhà. Ai cũng vui nhưng chỉ trừ thằng em họ, lớn hơn tôi vài tuổi, đọc hết bài viết của tôi lại bĩu môi:

– Nhà mình đâu phải dân di cư mà viết chuyện thương về miền Bắc. Cái này là cóp pi truyện của Duyên Anh.

Tôi sượng cứng người. Đớ lưỡi không dám cãi, bởi mặc dầu ý tưởng giã từ miền Bắc là của… Duyên Anh thật, nhưng văn là của tôi một trăm phần trăm cơ mà. Thế là “sự nghiệp văn chương” đăng báo của tôi coi như bị chấm dứt một cách hết sức tàn nhẫn không kèn không trống. Không những thế, nỗi xấu hổ còn kéo dài đến tận nhiều năm sau. Đến nỗi có một lần, không biết sao tôi lại gửi bài đi cho bán nguyệt san Ngàn Thông, cũng được đăng và cũng được tổng thư ký Quyên Di khen, nhưng hoàn toàn không còn dám đem khoe và cũng không dám nhận đó là bài viết của mình.

Mười mấy năm sau đó trôi qua, vẫn mê viết như thuở ấu thời, sau bảy lăm, dẫu biết cách viết, lối viết của mình hoàn toàn không thích hợp với loại văn chương chính trị, nhưng tôi vẫn tiếp tục, vẫn cứ miệt mài làm cái công việc “vô bổ, tốn thì giờ” như bạn tôi và vài người nhận xét. Tôi viết ngày này qua ngày nọ. Viết kỹ lưỡng, viết có giờ giấc đàng hoàng, tẩy xoá kỹ lưỡng đàng hoàng và… không bao giờ đưa cho ai đọc.

Ngày ấy, có một trường đại học ở Hà Nội mà tôi thường hay nghĩ đến, và vẫn ước ao có dịp quen một ai đó đã học qua, hoặc có dịp xem những chương trình hoặc những môn học đang được giảng dạy ở tại đó. Đó là trường dạy viết văn Nguyễn Du. Nhưng mãi cho tới lúc gần mới đây, khi tìm những tài liệu về cách hành văn tiếng Việt, tôi mới thấy một thông báo: “nhằm đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao kĩ năng sáng tác và thẩm định văn chương của đông đảo các cây bút và những người làm công tác quản lý, biên tập văn nghệ; tạo điều kiện cho việc gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các nhà văn nổi tiếng; trên cơ sở sự thành công của hai khóa học về sáng tác và thẩm bình truyện ngắn và thơ, Khoa Viết văn – Báo chí (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức lớp Sáng tác và thẩm bình văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, chân dung văn học) do các nhà các nhà văn, các nhà nghiên cứu – lí luận, phê bình văn học có uy tín trực tiếp đứng lớp”(TUYỂN SINH LỚP SÁNG TÁC VÀ THẨM BÌNH VĂN XUÔI KHÓA 3).

Đọc hết thông báo, tôi được biết, với lệ phí là hai triệu năm trăm ngàn đồng, trong mười hai ngày (nghỉ ngày Chúa Nhật), bạn sẽ được học những môn như sau:

Phần một là một số vấn đề chung về lí thuyết thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết (thời gian là mười tiết học) với sự hướng dẫn của các nhà văn Bùi Việt Thắng, Chu Văn Sơn, Văn Giá.

Phần hai là kỹ năng viết truyện ngắn, tiểu thuyết. Trong phần này sẽ chia ra làm bốn phần nhỏ gồm: ý tưởng, đề tài và tình huống; nhân vật; kết cấu và chi tiết nghệ thuật; ngôn ngữ và giọng điệu. Mỗi phần là mười tiết học với các nhà văn Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ.

Phần ba là lý thuyết và kỹ năng viết tản văn, chân dung văn học, với nhà văn Nguyễn Việt Hà, và Văn Giá.

Phần bốn là phê bình (mà chữ dùng của trường là thẩm bình) tác phẩm văn xuôi, lý thuyết và kỹ năng.

Và cuối cùng là phần trao đổi, đi “thực tế”. Tác phẩm, bài làm thực tập sẽ được chấm cũng như sẽ được trả lại trong thời gian này.

Với mười hai ngày, tổng cộng một trăm tiết (một tiết có nghĩa là một period, bốn mươi lăm phút học), các học viên sẽ được huấn luyện những điều căn bản để viết văn như vậy.

Khi đi dự buổi phát thưởng cuộc thi viết truyện ngắn Cơ Đốc, tôi có dịp gặp nhiều anh chị em trúng giải, hầu hết (có thể nói là một trăm phần trăm) đều nói:

– Em (tôi) thích thì viết chứ không được học qua trường lớp nào.

Tôi đã cười và trả lời rằng ban giám khảo cũng không có ai “kinh qua” trường lớp, cũng không được học cách viết văn. Thật tình mà nói, không biết nếu được đào tạo một cách chính thức từ trường dạy viết văn như trường Nguyễn Du hay trường Đại Học Văn Hoá gì đấy, thì tôi có viết khá hơn hay không. Tuy nhiên sau gần hai mươi năm viết lách, lúc về sống ở Sydney, tôi có theo học một năm môn học có tên “Respond To The Creative Arts”, trọng tâm phân tích (analysing) những tác phẩm nghệ thuật, từ truyện ngắn, tiểu thuyết, âm nhạc, kịch nghệ cho đến hội hoạ, điêu khắc, thì đã có dịp xem lại và… phân tích những gì mình đã viết. Và hôm nay tôi bỗng muốn ghi lại những “kinh nghiệm viết văn của tôi”, để chia xẻ vài điều đã được học từ kinh nghiệm thực tế lẫn ở trường học, như món quà đầu năm với anh chị em. Có thể sẽ có rất nhiều người không cần đến, vì đã biết và đã viết rất vững vàng (hẳn nhiên là hay hơn tôi), nhưng cũng có thể có chút hữu dụng với anh chị em khác.

Trong bài viết “mười điều những cây viết mới thường vấp”, tiểu thuyết gia Sally Zigmond đã trình bày khá rõ ràng, tuy nhiên tôi sẽ chỉ nêu lên một số điểm quan trọng trong cách viết truyện ngắn.

  1.   Thiếu sự chỉnh sửa bài: bà Sally Zigmond khẳng định rằng một người viết giỏi là người biết sửa đi sửa lại bài của mình cho đến lúc hoàn chỉnh. Là người sẽ không ngại nghe những “phản hồi” (feedback) từ chủ bút hoặc độc giả để sửa những sai sót của mình. Điều này theo kinh nghiệm của chính tôi, khi viết cho báo bên ngoài, nhất là thuở báo in bằng giấy ở hải ngoại còn nhiều, cứ hễ viết vội, gửi đi vội, thì thế nào cũng bị chủ bút cắt bỏ nhiều đoạn trong bài viết của mình một cách không thương tiếc. Bà Sally còn đề nghị để có một bài viết hay, người viết nên viết lại (rewrite) ít nhất là hai lần. Đối với tôi thì điều này không dễ làm, nhưng việc đọc đi đọc lại, sửa kỹ lưỡng từ chữ để câu văn suôn sẻ, có nhạc điệu, và dễ đọc là điều nên làm.

Mới đây thôi, khi làm việc với trung tâm Asia, các bạn có thể tưởng tượng chỉ một truyện ngắn thôi, mà tôi đã phải sửa hơn cả mười lần mặc dù tôi được cho biết “truyện chị viết rất hay, nhưng (chỗ này, chỗ nọ…) không hợp lắm (với thính giả, với thị hiếu, vân vân)”. Và bài viết năm ngoái cho cuộc thi Viết Cho Niềm Tin, khi gửi bài đi cho Mục Sư Lữ Thành Kiến, ông viết lại “xin chị cho thêm chút ‘lửa’ để khích lệ tinh thần anh em”; và “chỉ” một chút lửa ấy thôi, tôi đã bỏ nguyên bài vì chỉ dùng được hai câu để viết lại “Bước Đi Trong Khu Vườn Chữ Nghĩa”.

  1.  Quá nhiều chi tiết: với những cảm xúc tràn đầy trong lòng, thường một người mới viết truyện ngắn hay tiểu thuyết, ít khi “để dành” chi tiết lại cho các bài sau. Và như vậy, ngoài việc dẫn người đọc đi… lung tung, làm rối trí độc giả thì ý tưởng của bạn sẽ bị lập lại ngay trong bài viết thứ hai. Nếu bạn có quá nhiều chi tiết để viết, xin ghi xuống trong một cuốn sổ nhỏ. Có đôi khi chỉ cần vài ba chữ bạn ghi xuống thôi, một lúc nào đó, bạn có thể dùng chúng để viết được thành một truyện mới. Trên bàn viết, trong giỏ xách và lác đác trong máy tính của tôi, luôn luôn có những mảnh giấy, những “file” ghi đôi ba điều như vậy.
  2.   Ít chú ý đến ngôn ngữ: Sally Zigmond cho rằng rất nhiều người viết chỉ lo kể chuyện mà quên mất cách chọn chữ cho đúng. Bà khuyên nên dùng nhiều chữ khác nhau để diễn tả một điều nào đó. Bà nói, gió, không chỉ thổi mà còn gầm, rít…

Tôi nhớ cách đây một năm, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm gọi cho tôi, đề nghị tôi nên xem lại một chữ trong một truyện ngắn của tôi đã được in ra thành sách khá lâu rồi. Ông xin lỗi phải gọi tôi hơi khuya như vậy vì cảm thấy không yên lòng với chữ dùng ấy của tôi. Khi bạn viết, những gì nằm trên giấy, hay nằm trong máy tính là của bạn, nhưng lúc đã lên báo, được in ra thành sách như cái truyện ngắn ấy của tôi, thì đứa con tinh thần của bạn, của tôi, đã không còn thuộc về chúng ta nữa, mà thuộc về của công chúng. Độc giả là người sẽ quyết định cho bạn chuyện hăng hái viết tiếp hay lặng lẽ giã từ cuộc chơi, và bạn nên nhớ đó là những giám khảo công bình nhất cho dẫu bạn nói “tôi chỉ muốn viết cho vui mà thôi”.

  1.   Điều thứ tư tôi muốn nói với các bạn không nằm trong bài viết của Sally Zigmond mà là chính kinh nghiệm của tôi, là bạn nên để ý ngôn ngữ cũng phải đi theo bối cảnh và nhân vật trong truyện ngắn của bạn. Theo tôi thì không nhất thiết người trung là phải chi mô răng rứa, nhưng một khi bạn quyết định dùng những thổ ngữ địa phương, thì không nên lẫn lộn. Xin đừng bắt nhân vật mình đang “chi mô răng rứa” mà thỉnh thoảng lại “vậy hở”, “thế à”, “nhỉ”… Các bạn sẽ tự làm hỏng bài viết của mình vì sự nhạy cảm của độc giả sẽ khiến họ không còn muốn đọc bài của bạn nữa. Trong phạm vi nhỏ của cuộc thi Viết Về Niềm Tin của chúng ta, tôi cũng có một nhắc nhở nhỏ với các bạn, rằng xin các bạn đừng “hoán chuyển” mình từ một người Tin Lành qua một người Phật Giáo, hay từ một người Công Giáo qua Tin Lành. Những người đọc nhạy bén sẽ nhận ra sự “cố gắng nỗ lực” của các bạn qua những từ ngữ bạn dùng, chẳng hạn người Tin Lành sẽ nói “đi nhóm” thay vì “đi xem lễ”, “tín hữu” hoặc “tín đồ” thay vì “giáo dân”. Điểm nhấn mạnh và quan trọng nhất trong cuộc thi là “chia xẻ, kinh nghiệm về Chúa Jesus, những người đang tìm kiếm Chúa Jesus, những đời sống thật sự gặp Chúa Jesus” từ tất cả những người trong và ngoài nhà thờ, không phân biệt giáo phái; do đó các bạn cứ tự nhiên bày tỏ niềm tin, hoặc những gì mà bạn kinh nghiệm về Chúa Jesus mà không cần phải “hoá thân” gì cả.
  2.   Đối thoại: tôi có một ví dụ nho nhỏ gửi đến các bạn để tham khảo về việc viết đối thoại trong một truyện ngắn:

“Em”

“Gì chị?”

“Chị phải về.”

“Vậy hả chị?”

“Ờ”

“Nhưng trời gió to quá mà”

“Chị vẫn phải về vì các cháu đang chờ chị ở nhà”

“Ồ!”

“Bữa khác chị sẽ tới chơi”

“Vậy để em dắt xe ra cho chị nghe”

“Cám ơn em”

Xin mời các bạn xem cũng nội dung như vậy ở đoạn viết này:

“Chị bảo chị phải về trong khi ngoài trời gió rất lớn. Tôi ái ngại dắt xe ra cho chị. Chị nói:

– Gió lớn như vậy chị mới phải về. Các cháu đang chờ chị ở nhà em ạ”.

Từ mười một giòng chỉ còn lại ba, nhưng tôi nghĩ với ba giòng “compact”, gói gọn như vậy sẽ gây được ấn tượng cho người đọc về tấm lòng của người mẹ nhiều hơn là mười một giòng với nhiều chữ thừa.

Khi có cảm hứng, các bạn cứ viết ra tất cả những gì đang ở trong đầu, kể cả những giòng thừa như vậy, nhưng sau khi đọc lại, xin các bạn cắt bỏ bớt những đối thoại không cần thiết, hoặc biến chúng thành một câu văn ngắn gọn ở thể thụ động. Tôi cam đoan viết như thế, bạn sẽ được những “vòng khuyên” tốt từ người đọc.

  1.   Lỗi chính tả: Chủ bút của trang báo web, writing-world.com, bà Moira Allen nhấn mạnh khá nhiều về những lỗi mà nhiều người viết vấp phải là… đánh vần sai (spelling). Trong thời gian làm giám khảo cuộc thi truyện ngắn Cơ Đốc, chúng tôi cũng phải sửa lỗi chính tả rất nhiều, kể cả những chữ đơn giản và căn bản nhất, như “đi ngủ” được viết với dấu ngã thay vì dấu hỏi. Thật sự mà nói, nếu chẻ sợi tóc làm tư, thì hai chữ “đi ngũ” như vậy không có ý nghĩa gì hết và nó khiến giám khảo hơi… mệt mắt.

Tôi nhớ lúc sinh tiền, nhà văn nổi tiếng Mai Thảo làm chủ bút tạp chí Văn ở hải ngoại, vốn là người Bắc, nhưng có lẽ ông không chịu khó sửa bài cho bạn văn, đến nỗi khi ông mất đi rồi, anh em văn nghệ vẫn còn cười vì một thông báo sửa lỗi chính tả có rất nhiều “lổi chính tã” của báo Văn. Vì vậy, để tạo thành một thói quen, các bạn nên có một cuốn tự điển tiếng Việt để tra cứu thêm. (Tôi vẫn làm như vậy với những chữ tôi không chắc chắn lắm trong cách đánh vần vì tôi là người Trung).

  1.  Cách viết con số: Ngày nay với sự vội vã của cuộc sống, người ta hay viết tắt, và dùng con số trong bài viết của mình. Nhưng có lẽ bạn nên nhớ là bạn đang viết truyện ngắn, viết văn, không phải viết báo cáo hay tiểu luận, nên xin các bạn chịu khó viết bằng chữ khi muốn nói đến con số. Và đó không chỉ là nguyên tắc trong văn phạm Việt Nam nhưng còn là của nhiều ngôn ngữ lớn trên thế giới như Anh ngữ, Đức ngữ (những ngôn ngữ tôi có thể nói, viết và đọc). Chúng ta sẽ thấy bản dịch cuốn tiểu thuyết “Cien años de soledad” của nhà văn Gabriel García Márquez, tiếng Việt là “Trăm năm cô đơn” (hay “Một trăm năm cô đơn”), tiếng Anh sẽ là “One hundred years of solitute” và tiếng Đức là “Hundert Jahr Einsamkeit” (*), mà không là 100 Năm Cô Đơn. Gần hơn chút nữa, khi mở Kinh Thánh ra đọc, các bạn sẽ thấy Chúa Giê-xu hoá bánh cho bốn ngàn người ăn, Chúa kể về chuyện mười người nữ đồng trinh, vân vân. Tôi đề nghị khi có thì giờ, bạn nên thử tìm trên internet cách viết chữ hoa, và con số trong văn phạm tiếng Việt để tham khảo thêm.
  2.  Chữ viết tắt: Một số bạn có thói quen viết Hội Thánh thành HT, thầy truyền đạo thành thầy TĐ, Kinh Thánh thành KT, vân vân, trong truyện ngắn của mình. Đây cũng là một trong những nguyên tắc nên tránh khi viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Các bạn có thể viết tắt tên của một địa danh nếu bạn không muốn nêu tên thật ra, chẳng hạn “lâu lắm rồi tôi mới về lại thành phố V.”, mà độc giả có thể nghĩ là Vũng Tàu, hay Vĩnh Long…, nhưng đã là Vũng Tàu thì không thể VT, hay Vĩnh Long là VL.
  3.  Kỹ thuật: với thời buổi kỹ thuật tiên tiến, ít người gửi bài đi cho toà soạn báo bằng bản văn viết tay, tuy nhiên với những kỹ thuật tiên tiến mà bạn đang xử dụng lắm khi làm chủ bút phải nhức đầu. Nhà văn Karen Fox cẩn thận khuyên khi gửi văn bản đi, bạn không nên tự “format” (định dạng) bất cứ điều gì, mà chỉ cần đánh máy rõ ràng, xử dụng font chữ Time New Roman, size 12, không sắp xếp văn bản theo dạng “justify” mà dùng “align text left”, không tự ý chừa thêm những khoảng trống ở đầu giòng, vân vân. Phải thú thật một điều, là tôi theo học ngành computer nhiều năm, mà khi nhìn những truyện viết rất khá nhưng đánh máy có nhiều chỗ “thụt ra thụt vào”, xuống hàng tùy tiện nơi này hai giòng nơi kia ba giòng, tôi không muốn sửa chút nào. Và mặc dầu tôi rất thông cảm chuyện không có chuyên môn, quí vị sẽ không để ý điều này, hay cũng có thể vì những chương trình tiếng Việt quí vị đang xử dụng có những hạn chế, như VNI sẽ tự động sửa đổi “tùy ” thành “tuỳ”, hoặc nhiều vị không rành máy tính, đã không biết làm thế nào để loại bỏ những khoảng trống sau khi gạch đầu giòng ở hàng trước đó, vân vân…. Tuy nhiên nếu đấy chỉ là những lỗi kỹ thuật nhỏ, thì có lẽ không đến nỗi nào, nhưng thử tưởng tượng lẽ ra bài viết của quí vị đã được chọn đăng, được nhiều người đọc, mà chỉ vì vị chủ bút nào đó không muốn cất công ngồi sửa từng giòng một, đã bỏ qua một bên thì thật là đáng tiếc vô cùng.
  4. Gạch đầu giòng: Trở lại chuyện viết đối thoại, qui định trong cách viết đối thoại của tiếng Việt ngày trước là hai chấm (:), xuống hàng và gạch đầu giòng. Ngày nay, theo cách viết Âu Mỹ, người viết có thể xử dụng dấu ngoặc kép (“ “) để viết đối thoại. Điều này có lợi ở điểm bạn có thể nhấn mạnh ý của mình sau câu đối thoại ấy, tuy nhiên cũng có điểm bất lợi là nếu bạn muốn dùng một câu nói, một lời bài hát của người khác vào văn bản (quote) ở ngay sau lời đối thoại, thì bài viết của bạn trông có vẻ hơi lộn xộn.

Điểm mà tôi muốn nhắc ở đây là bạn nên thống nhất nguyên tắc viết đối thoại cho bài viết của mình. Nếu đã xử dụng cách thứ nhất, thì không nên dùng cách thứ nhì, đã xuống hàng gạch đầu giòng thì không nên dùng ngoặc kép nữa. Thêm một điểm nhỏ, dấu gạch ngang (- , không phải gạch đầu giòng) thường được dùng để giải thích một điều gì đó phía trước. Trong một truyện ngắn, dấu gạch ngang này chỉ nên xử dụng tối đa là một đến hai lần mà thôi.

Các bạn thân mến,

Trên đây tôi chỉ mới ghi ra một vài điều tôi chợt bắt gặp và nhớ lại những gì đã trải và đã được học. Những kinh nghiệm khác của tôi trong nhiều năm viết lách còn rất nhiều, nhưng có lẽ tôi sẽ viết sang một bài khác, nếu quí vị còn muốn… đọc tiếp.

Các bạn thử tưởng tượng thêm lần nữa, nếu một sáng đẹp trời nào đó, bạn nhận được cái tin rằng bài viết của bạn đã được dùng để… giảng dạy cho học sinh, không chỉ cấp một mà còn cấp hai, cấp ba…, thì bạn có giật mình như nhận… hung tin giống như tôi hay không? Thưa các bạn, sự thật là sẽ có đấy.

Tôi tin chắc các bạn cũng sẽ  hoảng hốt khi biết ra học sinh trung học đã… phải đọc và phê bình bài viết của mình. (**). Tôi tin chắc các bạn cũng sẽ nhảy nhỗm lên vì không nhớ mình đã viết cái gì và viết ra sao, liệu có từ ngữ nào mình dùng hớ hênh hoặc… dở quá mà các em sẽ phải bị học hay không? Thú thật là cái cảm giác ấy cho đến bây giờ vẫn còn làm tôi bàng hoàng và sợ.

Vậy nên, viết, cho dẫu là viết có mục đích hay chỉ viết để giải trí, tôi xin các bạn cố gắng… cẩn thận và “bảo trọng”.

HOÀNG NGA

———————————-

(*): Trong tiếng Đức thì danh từ bắt buộc phải viết hoa.
(**): Truyện ngắn (nào đó) của tôi đã được chọn vào sách giáo khoa cho học sinh do nhà văn Nguyễn Hải Hà giới thiệu; và truyện khác (cũng nào đó, tôi không được biết) dùng cho học sinh học Việt ngữ lớp mười một tại Úc.

Bài viết liên quan:

https://huongdionline.com/2016/02/02/viet-cho-niem-tin-2016/   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn