Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / TỪ NGỒI ĐI ĐỨNG ĐẾN NGỒI ĐỨNG ĐI

TỪ NGỒI ĐI ĐỨNG ĐẾN NGỒI ĐỨNG ĐI

 

Tôi có vài câu hỏi muốn hỏi quý vị: Có ai muốn Hội thánh phát triển không? Câu trả lời chắc chắn là có. Hầu như tất cả cánh tay trong Hội thánh đều đưa lên, trừ người đang ngủ gật.

Thế có bao giờ cầu nguyện cho Hội thánh phát triển không? Chắc có lẽ rơi bớt vài cánh tay, nhưng vẫn còn khá nhiều.

Thế có bao nhiêu người đã làm gì cho sự cầu nguyện ấy? Vài cánh tay lẻ tẻ, nhưng cũng còn.

Thế thì nếu chúng ta muốn Hội thánh phát triển, chúng ta cầu nguyện cho Hội thánh phát triển, mà lại chỉ có vài người làm việc cho sự cầu nguyện ấy, thì Hội thánh có phát triển không? Chúa có làm phép lạ đem người vào ngồi đầy trong nhà thờ không? Im lặng.

Xin trả lời: nếu chúng ta chỉ cầu nguyện mà không làm gì cả thì Chúa cũng sẽ không làm gì cả. Chúa sẽ không làm gì cả cho đến khi chúng ta bắt đầu bước đi. Tôi muốn nhắc qua về bài học rẽ nước sông Giô đanh ở sách Giô suê. Chúa bảo những thầy tế lễ phải bước đi đến sông Giô đanh và chân họ phải ướt nơi mé nước, có nghĩa là phải thật sự bước xuống chạm nước, chứ không phải chỉ giả vờ bước chân trên đất.

Nhưng làm gì cũng là một câu hỏi quan trọng. Có những người làm rất hăng hái nhiệt thành nhưng không thấy kết quả. Có lẽ vì chúng ta chưa làm thật đúng. Phải bắt chước người làm thật đúng. Người làm thật đúng, chắc chắn phải là Chúa Jesus. Nhìn vào Chúa và bắt chước cách Ngài đã làm. Không bắt chước ai, bắt chước Chúa.

Trong suốt mục vụ trên đất, Chúa Jesus đã làm ba việc quan trọng, và chúng ta tin rằng đó là ba nguyên tắc để cho một Hội thánh có thể khỏe mạnh, lớn lên và tăng trưởng. Ngài đã Ngồi để Thờ Phượng, Ngài đã Đứng dậy để Phục Vụ và Ngài đã Đi ra để Giảng Đạo.

 

I.

MỘT HỘI THÁNH NGỒI ĐỂ THỜ PHƯỢNG CHÚA

 

Thờ Phượng là một từ rất rộng, nhiều ý nghĩa. Trong phạm vi bài viết này, chỉ đề cập đến sự Thờ Phượng trong Hội thánh vào ngày thánh và đời sống Thờ Phượng của tín hữu trong cuộc sống hàng ngày. Như điều răn thứ 4 trong Xuất Ê-díp-tô-ký 20:8: Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.

 

THỜ PHƯỢNG CHÚA TRONG ĐỀN THỜ

Lu-ca 4:16b, 20: Đức Chúa Jêsus đến thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc……. Đoạn, Ngài xếp sách, trả lại cho kẻ giúp việc, rồi ngồi xuống; mọi người trong nhà hội đều chăm chỉ ngó Ngài.

 

Đây là một việc làm thường xuyên của Chúa Jesus trong cuộc đời mục vụ của Ngài. Hãy lưu ý chữ thói quen trong câu Kinh Thánh này.

Thói quen là một việc làm thường xuyên được lập đi lập lại, không thể quên hay bỏ được. Thờ Phượng vào ngày thánh là một thói quen của Chúa Jesus. Dù bận rộn đến mấy, ngày thánh vẫn luôn luôn là ngày Chúa Jesus vào đền thờ để Thờ Phượng dù Ngài chính là đối tượng của sự Thờ Phượng. Nếu sự Thờ Phượng Chúa vào ngày thánh là thói quen của Chúa Jesus thì sự Thờ Phượng Chúa vào ngày thánh phải trở thành một thói quen của Cơ đốc nhân. Chúng ta không thể nói tôi sẽ Thờ Phượng Chúa nếu hôm đó tôi rảnh. Chúng ta phải nói tôi sẽ đi Thờ Phượng Chúa ngay cả khi tôi bận. Tại sao tôi nói vậy? Vì Chúa là Đức Chúa Trời của tôi. Tất cả mọi việc làm trong ngày thánh tôi sẽ phải gác lại hết cho đến khi sự Thờ Phượng Chúa xong. Sự Thờ Phượng Chúa là ưu tiên số một của đời sống tôi. Tôi không thể nói vì tôi có vấn đề với những người trong Hội thánh nên tôi sẽ không đi Thờ Phượng Chúa hôm nay. Tôi đi Thờ Phượng Chúa vì Chúa là đối tượng duy nhất để tôi Thờ Phượng chứ không phải tôi đi Thờ Phượng vì một người nào, dù đó là người tôi yêu hay ghét. Thờ Phượng Chúa không phải là sự lựa chọn của tôi, không phải là việc tôi muốn hay không, nhưng nó là một đặc ân và là một phước hạnh cho tôi, nó phải là điều Đức Chúa Trời muốn. Điều quan trọng nhất mà tôi có thể nói là tôi đi Thờ Phượng Chúa vì Chúa là Đấng quan trọng nhất, Đấng mà tôi yêu quý nhất trong cuộc đời tôi. Khi chúng ta khẳng định được điều đó, thì việc nhóm lại Thờ Phượng Chúa hàng tuần của chúng ta sẽ thay đổi.

Tính cách quan trọng của ngày thánh đã ghi rõ trong điều răn thứ tư trong Xuất-Ê-díp-tô ký 20: 8:hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh và Hê 10:25: chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm… Đó chỉ là một mạng lệnh. Nhưng lý do chúng ta Thờ Phượng Chúa cao hơn là làm theo một mạng lệnh, nó phải là một sự phước hạnh.

Thờ Phượng Chúa là điều phải làm, nên làm, nên tập làm để trở thành thói quen, nhưng Thờ Phượng thế nào là quan trọng hơn. Vì chúng ta có thể đến nhà thờ mà không Thờ Phượng.

Kinh Thánh nói gì về thái độ Thờ Phượng: Ngươi hãy hết lòng hết linh hồn hết ý mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ma-thi-ơ 22:37.

Chữ mà chúng ta lưu ý trong câu này là chữ hết được lập đi lập lại. Mác 12:30 còn thêm chữ hết sức. Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Điều đó có nghĩa là hết tất cả. Không phải chỉ là lòng, là linh hồn, là trí khôn, là sức, mà là toàn bộ con người, như Rô-ma 12:1: Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự Thờ Phượng phải lẽ của anh em.

Người đàn bà Sa-ma-ri chia xẻ với Chúa Jesus về sự Thờ Phượng, cũng như dân tộc bà, bà tin rằng nơi thờ phượng phải là một nơi chốn thiêng liêng. Cũng như người đàn bà ấy, chúng ta có suy nghĩ sai lầm về nơi chốn Thờ Phượng, nghĩ rằng đi nhà thờ là được, lựa chọn một nhà thờ nào mà mình thích, là nơi mà mình sẽ “nhận” được nhiều thứ, là đúng bổn phận của một người tín đồ, chúng ta chẳng bao giờ để ý là thái độ đi nhà thờ đó có làm Chúa vui thích hay không. Chúa Jesus sửa lại suy nghĩ sai lầm ấy. Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết… Đây mới là mấu chốt của sự Thờ Phượng, sự Thờ Phượng mà Chúa ưa thích. Giăng 4:23: Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ Thờ Phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà Thờ Phượng Cha: ấy đó là những kẻ Thờ Phượng mà Cha ưa thích vậy. Để xác nhận chắc chắn, Chúa Jesus lập lại trong câu 24: Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.

Điều gì xảy ra trong câu Kinh Thánh này: sự Thờ Phượng tốt nhất mà Chúa ưa thích, Kinh Thánh nói rất rõ: tâm thần và lẽ thật.

Tâm thần, là khi toàn bộ ý tưởng chúng ta để cho Chúa ngự trị, hướng dẫn và điều khiển, tự do trong mối quan hệ với Ngài, không bị gò bó theo nghi thức con người hay giáo hội. Các nhà thờ, các giáo hội có cách Thờ Phượng riêng, nhưng điều chú ý là sự Thờ Phượng ấy có hoàn toàn tập trung vào Đấng mà họ Thờ Phượng không. Chúa có phải là Đấng duy nhất đáng được vinh hiển qua sự Thờ Phượng của chúng ta hay không. Mọi điều khác chỉ là phụ, dĩ nhiên không phải là mất kỷ luật (I Cô-rinh-tô 14:40). Hình thức Thờ Phượng chỉ là những phương tiện đưa người tin Chúa đến gần Chúa hơn.  Nội dung sự Thờ Phượng mới là quan trọng hơn. Thờ Phượng thật là không có biên giới giữa cá nhân ấy với Chúa. Chúng ta tin rằng khi Thờ Phượng, linh hồn mình đến gần với Chúa nhất, ấy là chúng ta đã Thờ Phượng phải lẽ.

Hãy hình dung cảnh một buổi triều thần vào chầu Vua trong các thời xưa. Ngôi Vua ở giữa, triều thần xung quanh, mọi con mắt và tâm hồn đều tập trung vào Vua. Vua là đối tượng chính và duy nhất để chú ý. Khi Thờ Phượng Chúa, thì mọi đôi mắt, mọi tâm hồn đều tập trung vào Chúa. Chúa là Đấng duy nhất được chú ý và tôn vinh trong buổi Thờ Phượng.

Đây là một mẫu Thờ Phượng Chúa tiêu biểu của Ê sai 6:1: Về năm vua Ô- xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ. Ô- xia là một vị vua, nhưng cũng tượng trưng cho một thần tượng, một con người mà vinh quang che lấp vinh quang của Chúa. Rất có thể trong nhiều năm Ê-sai đã để cho vinh quang của vua Ô-xia che khuất vinh quang của Chúa. Ô-xia có thể là một thần tượng của Ê-sai, chiếm hữu con người của Ê-sai, trong nhiều năm Ê-sai dù trong chức vụ tiên tri, nhưng ông vẫn chưa thể thấy rõ Chúa và để cho vinh quang Ngài thực sự bày tỏ qua đời sống, cho đến khi Ô-xia chết đi. Khi Ô-xia chết thì ông mới thực sự kinh nghiệm được vinh quang Chúa: tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo Ngài đầy dầy đền thờ. Đây chính là cốt lõi của sự Thờ Phượng, sự Thờ Phượng được Chúa yêu thích, Giăng 4:23b:… ấy đó là những kẻ Thờ Phượng mà Cha ưa thích vậy. Với chúng ta điều đó cũng có nghĩa là những con người, những hình thức tôn giáo, kiêu ngạo, tự mãn đã che khuất vinh quang Chúa, đến nỗi sự Thờ Phượng Chúa của chúng ta trong nhiều năm chỉ là hình thức. Chúng ta đi nhà thờ chỉ để giữ lễ, chỉ để làm mình an tâm, để chứng tỏ cho mọi người biết mình có một tôn giáo, một niềm tin, nhưng chưa bao giờ thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ.Điều này cũng có nghĩa là cho đến khi những thần tượng, con người hay bất cứ điều gì trong chúng ta làm cản trở vinh quang của Chúa chết đi, thì chúng ta mới thật sự thấy Chúa, mới thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, mới thấy vạt áo Ngài đầy dẫy đền thờ. Như Ê-sai, khi đến trong đền thờ, chúng ta chỉ còn thấy Chúa và vinh quang Ngài chiếm hữu toàn bộ tâm tư ý tưởng, không còn nhìn thấy ai khác, nghe ai khác, bị chi phối bởi cái gì khác. Chúng ta đến đền thờ là bởi Chúa, vì Chúa, cho Chúa, hoàn toàn không vì một lý do nào khác.

Cũng rất có thể là trong nhiều năm chúng ta đi đến nhà thờ nhưng chưa hề kinh nghiệm một sự Thờ Phượng thật. Đó là một mối liên hệ cá nhân riêng tư với Chúa Jesus, Đấng chúng ta Thờ Phượng. Gia-cốp, con của Y-sác, cháu của Áp-ra-ham, đạo dòng, có Chúa trên môi miệng, bằng hình thức, vẫn sống một đời sống theo ý mình, cho đến khi gặp Chúa một mình tại rạch Gia-bốc, vật lộn với Chúa từ đêm khuya cho đến rạng đông, nhất định nài xin cho được sự ban phước. Sáng-thế-ký 32:24-32. Ông đã gặp Chúa thật, đối diện với Chúa mặt đối mặt, linh hồn và đời sống được giải cứu, được đổi tên. Từ đó Gia-cốp trở thành Y-sơ-ra-ên, đem nguồn phước cho nhiều người. Chúng ta cũng cần một sự vật lộn ghê gớm như vậy để có thể kinh nghiệm được sự gặp gỡ riêng tư với Chúa và sự Thờ Phượng Ngài phước hạnh là dường nào. Sẽ không có sự Thờ Phượng uể oải, miễn cưỡng, chiếu lệ, mà tràn ngập vinh quang. Tôi đề nghị chúng ta thay đổi một từ: đừng nói đi nhà thờ nữa, nhưng nói đi Thờ Phượng Chúa. Khi mời một ai đó, cũng đừng nói mời bạn đi nhà thờ, mà nói, mời bạn đi Thờ Phượng Chúa. Tôi chắc là thái độ chúng ta sẽ thay đổi.

Khi chúng ta đã Ngồi Thờ Phượng cách hết lòng hết linh hồn hết sức hết ý như vậy, thì chúng ta không thể ngồi yên được nữa. Vinh quang Chúa và tình yêu Ngài sẽ kéo chúng ta đứng dậy.

-Lẽ thật là lời của Chúa. Lời của Chúa là trung tâm điểm của sự Thờ Phượng. Khi Chúa Jesus Thờ Phượng vào ngày Sa-bát, Ngài cầm Kinh Thánh đứng lên và đọc. Vào ngày thánh, thầy tế lễ Ê-xơ-ra đã đọc và giảng luật pháp (lời Chúa) cho dân sự trong Nê-hê-mi 8:1-2 Bấy giờ, dân sự đều nhóm hiệp như thể một người, tại phố ở trước cửa Nước. Chúng nói với E-xơ-ra là thầy thông giáo, xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên. Ngày mồng một tháng bảy, thầy tế lễ E-xơ-ra đem luật pháp đến trước mặt hội chúng, người nam và nữ, cùng những người có thông sáng nghe hiểu được.

Lời Chúa phải được rao giảng cách rõ ràng, câu 8: Họ đọc rõ ràng trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc.

Lời của Chúa phải luôn luôn đem đến sự đáp ứng, sự thay đổi, nếu không, nó chỉ là một lời người bình thường, cũng trong Nê-hê-mi 8:9b: Vì cả dân sự đều khóc khi nghe đọc các lời luật pháp.Đây là sự đáp ứng của dân sự khi nghe lời của Chúa, nó đụng chạm đến tấm lòng của họ, cáo trách họ, nhắc nhở họ. Cũng vậy, một sứ điệp trong buổi Thờ Phượng cũng cần đọc, giải nghĩa ra, làm cho người ta hiểu, và khiến người ta phải đáp ứng.

Nhiều người trong chúng ta đi nhà thờ nhiều chục năm, nghe lời Chúa hàng trăm, hàng ngàn lần trong các buổi Thờ Phượng, các buổi khác, nhưng không hề được chạm đến để đáp ứng và thay đổi. Điều này có thể đổ lỗi cho các tiên tri thời nay giảng không rõ ràng, giảng không có sứ điệp dạy dỗ, dân sự không hiểu. Rất có thể là dân sự chỉ áp dụng lời Chúa như Thi thiên 119:103: Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi! Chúng ta thích lời Chúa như mật ngọt làm ngọt ngào miệng mình, làm cho mình được ve vuốt, được thỏa mãn. Chúng ta cám ơn Chúa vì lời Chúa giảng hôm đó không đụng chạm gì đến mình làm cho mình đau, mà chỉ làm cho mình êm ái. Hãy thêm câu này vào: Hê-bơ-rơ 4:12: vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng. Không nghi ngờ gì việc lời Chúa cũng phải là một thanh gươm hai lưỡi giải phẫu “sạch sành sanh” nội tạng chúng ta ngay cả truy tìm ráo riết vào tận cùng suy tưởng và ý định. Nếu bạn đi Thờ Phượng Chúa, nghe lời Chúa, mà chỉ mong lời Chúa ve vuốt mình, không đụng chạm mình, e rằng bạn đã trật mục đích Thờ Phượng rồi. Bạn đã không Thờ Phượng Chúa bằng lẽ thật rồi. Cũng rất có thể là chúng ta đã không nghe lời Chúa, nhưng nghe lời của Mục sư và cảm thấy bị chỉ trích, bị tố cáo, rồi bất mãn. Chẳng phải là Mục sư làm việc đó, bèn là lời của Chúa. Chúa Jesus hay nói câu này: ai có tai, hãy nghe. Chẳng phải Ngài nói về cái lỗ tai thật, vì ai cũng có tai cả, nhưng là một lỗ tai thiêng liêng có thể nghe được lời Ngài và được lời ấy chạm đến vào tận trong sâu thẳm của hồn mình. Chúng ta có tai không?

Ma-ri, người em gái của La-xa-rơ và Ma-thê, là người có tai, trong buổi gặp mặt Chúa Jesus ở nhà riêng, trong khi Ma-thê lăng xăng, bận rộn trong việc nấu nướng tiếp đãi, thì Ma-ri lại làm một việc khác trông có vẻ rất… chướng mắt: cô đến ngồi dưới chân Chúa nghe lời Ngài. Ma-thê than phiền về việc này, nhưng Chúa Jesus lại khen ngợi: Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được. Người khen không quan trọng, Chúa khen mới quan trọng.

Mục đích của lời Chúa là đem đến sự thay đổi và kết quả, như Giăng 15:1-2 Ta là gốc nho thật, Cha ta là người trồng nho. Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt hết; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả, để được sai trái hơn. Chặt và tỉa không đem lại sự êm ái, bèn là sự đau đớn, nhưng sau sự đau đớn, là kết quả bội phần. Nếu bạn chưa từng được lời Chúa chạm đến, chặt, tỉa, giải phẫu, đau đớn, e rằng lâu nay bạn chỉ có một hình thức tôn giáo, mà điều đó không đem lại sự phước hạnh gì cả, điều đó chỉ là vô ích.

Lời Chúa vô địch vì luôn luôn đem đến sự thay đổi và có thẩm quyền thay đổi. Lời Chúa không để nghe, để nói, để biết, mà để làm. Giô-suê 1:8 Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước. Hãy thay đổi suy nghĩ về việc học lời Chúa.

Sự thay đổi bắt đầu khi Chúa chạm đến và sự đáp ứng của người bị chạm. Hãy xem trường hợp của Ê sai 6:5: bấy giờ tôi nói: khốn nạn cho tôi, xong đời tôi rồi. Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê hô va vạn quân.

Bạn có thể xét lại lòng mình cách thành thật với Chúa ngay bây giờ chăng? Tôi đã Thờ Phượng Chúa bằng lẽ thật như thế nào? Có bao giờ tôi dâng hết tâm tư ý tưởng tôi cho Chúa để lời Ngài chạm đến, chạm mạnh, như thanh gươm hai lưỡi, như chiếc kéo tỉa sửa cắt bỏ của người làm vườn nho? Bạn có thể cam kết với Chúa hôm nay để Ngài tự do hành động trong chúng ta chăng?

 

THỜ PHƯỢNG CHÚA NGOÀI ĐỀN THỜ

2 Cor 2:15: Vì chúng tôi ở trước mặt Đức Chúa Trời là mùi thơm của Đấng Christ, ở giữa kẻ được cứu, và ở giữa kẻ bị hư mất

 

Sự thờ phượng như đã nói, tập trung vào Vua, là mối tương quan thật giữa Chúa và dân sự Ngài, không phải là một nghi thức hoặc hình thức. Khi một người đã có một mối tương giao thật với Chúa, điều đó cần phải bày tỏ ra.

Thờ Phượng chưa bao giờ có nghĩa là ở trong đền thờ. Thờ Phượng không phải là một giờ đầy đủ nghi thức trong nhà thờ. Thờ Phượng là trọn một đời sống, hết tất cả mọi giờ. Chúa không chỉ hiện diện trong đền thờ trong một giờ, Chúa hiện diện trong suốt đời sống.

Chúa cũng đòi hỏi chúng ta điều này: không chỉ Thờ Phượng Chúa trong đền thờ, chúng ta còn phải Thờ Phượng Chúa ngoài đền thờ, có nghĩa là tất cả đời sống mình, bất cứ ở đâu, đều Thờ Phượng Chúa. Thờ Phượng Chúa trong đền thờ thế nào, Sống Đạo cho Chúa ngoài đền thờ y như vậy. Chúa chúng ta không bị giới hạn trong đền thờ. Chúa chúng ta vĩ đại hơn đền thờ. Chúng ta phải cho thế gian thấy sự vĩ đại của Ngài qua sự Thờ Phượng của chúng ta ngoài đền thờ. Một cách khác, chúng ta phải đem sự Thờ Phượng ra ngoài đền thờ. Nói tóm lại: chúng ta phải sống cách nào để thế gian thấy là chúng ta đang Thờ Phượng một Đức Chúa Trời vĩ đại. Chúa Jesus có lần rất buồn, giận, và phê phán lối sống bất xứng của con dân Chúa làm cho Ngài bị… vạ lây trong thế gian: vì cớ các ngươi mà danh ta bị nói phạm trong vòng người ngoại. Một cách nói khác, chúng ta hãy bày tỏ Chúa cho thế gian biết qua chính đời sống của mình.

Đời sống Thờ Phượng bên ngoài đền thờ là ảnh hưởng, là kết quả của một hành động Thờ Phượng bên trong đền thờ. Chúng ta không thể sống kiểu “đa nhân cách”, ở trong đền thờ giống như một “thiên sứ”, nhưng khi bước chân ra khỏi đền thờ thì biến thành “quỷ sứ”!!!

Người ta nói rằng tại mỗi góc đền thờ Do Thái đều có đặt một bình trầm hương, người ta xông hương khi có các buổi lễ. Mùi hương bay tỏa khắp căn phòng đền thờ, bay vướng vào áo quần, da thịt của người đến lễ. Khi họ bước ra ngoài đền thờ, mùi hương ấy còn phảng phất trên người họ khiến người bên ngoài nhận biết họ mới vừa từ đâu ra. Và khi họ ở trong đền thờ càng lâu bao nhiêu, thì mùi hương trên họ sẽ đậm đà bấy nhiêu. Chúng ta có tỏa mùi hương Chúa ra thế gian khi từ trong đền thờ bước ra? Rất có thể chúng ta đã xức nhiều nước hoa, nhưng những mùi thơm ấy chỉ thoảng qua, chỉ mùi thơm thật từ trong đời sống theo Chúa, mới khiến người ta quay lại, để ý và tìm hiểu.

Điều này có nghĩa là khi chúng ta Tin Đạo, thì phải bày tỏ niềm tin ấy ra qua sự Sống Đạo. Sống Đạo là một bằng cớ hiển nhiên của Tin Đạo. Phao-lô đã không ngần ngại đưa ra những hình ảnh rất xấu của các Hội thánh, khi họ mang danh của Chúa, mà sống đời sống bất xứng, đặc biệt là Hội thánh Cô-rinh-tô để cảnh cáo những ai chỉ mang cái vỏ bọc của Chúa, mang tên Chúa, mà sống tệ hơn những người không mang tên Chúa. Hãy nhớ điều răn thứ 4 trong Xuất Ê-díp-tô-ký 20:7: Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi. Sự sống đạo không tương xứng của chúng ta sẽ làm cho danh Đức Chúa Trời chúng ta bị “lấy làm chơi” trong vòng người ngoại.

Đây là thời điểm tốt nhất để chúng ta có thể xét lại đời sống đạo của mình, và nói với Chúa về ước muốn thay đổi của mình.

Bạn đã Thờ Phượng Chúa giống như vậy và hơn như vậy chưa?

Khi bạn đã Ngồi giống như vậy và hơn như vậy, thì chẳng còn ai có thể giữ ạn ngồi trong nhà thờ được nữa. Chúa kỳ diệu quá, vĩ đại quá, không thể ngồi yên, phải Đứng Dậy để làm một cái gì chứ?

II

MỘT HỘI THÁNH ĐỨNG DẬY ĐỂ PHỤC VỤ

Mat 20:28: Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người.

 

Một trong những công việc quan trọng mà Chúa Jesus đã làm trong suốt 3 năm rưỡi mục vụ của Ngài là Phục Vụ. Ngài nói rõ trong Mat 20:28: Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người. Chúa Jesus chỉ Ngồi trong thì giờ phải Ngồi, nhưng sau khi Ngồi thì Ngài nhanh chóng Đứng dậy. Và Ngài đã Đứng trong suốt 3 năm rưỡi, thậm chí ngay trong buổi tiệc ly biệt trước khi chết, Ngài cũng bẻ bánh và rót chén cho các sứ đồ. Sẽ không thể nào đếm được hết tất cả những sự phục vụ mà Chúa đã làm vì Giăng 21:25 chép rằng: ví bằng người ta cứ từng việc mà chép hết, thì ta tưởng rằng cả thế gian không thể chứa hết các sách người ta chép vậy. Trong khi làm những công tác phục vụ, Chúa Jesus đã dắt đem nhiều người về sự công bình. Điều này nói lên mức độ và tầm quan trọng của sự phục vụ. Điều này cũng cho thấy rằng một trong những nguyên tắc phát triển của Hội thánh là Phục Vụ.

Đây là gương mẫu sự Phục Vụ của Hội thánh ban đầu, Công vụ 4:44-45: Phàm những người tin Chúa đều hiệp lại với nhau, lấy mọi vật làm của chung. Bán hết gia tài điền sản mình mà phân phát cho nhau, tùy sự cần dùng của từng người. Không nghi ngờ gì, sự phát triển mạnh mẽ của Hội thánh ban đầu đã tùy thuộc rất nhiều vào việc làm này. Người ta rất có thể đã nghe, đã thấy, đã kinh nghiệm những việc làm, những bài giảng của Chúa Jesus, nhưng người ta cũng muốn nhìn thấy ảnh hưởng thật của Ngài trên dân sự của Ngài, câu 47: ngợi khen Đức Chúa Trời và được đẹp lòng cả dân chúng. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh. Chúng ta tin rằng chính đời sống phục vụ không giới hạn của các tín hữu trong Hội thánh đầu tiên đã tạo một sự ngạc nhiên đối với những người ngoại xung quanh, từ ngạc nhiên dẫn đến sự hiếu kỳ muốn tìm hiểu, và từ sự tìm hiểu đã dẫn đến việc họ tin Chúa Jesus.

Sự Phục Vụ chắc chắn sẽ đem lại sự khỏe mạnh cho Hội thánh: phàm những người tin Chúa(44a), có nghĩa là những người tin đều làm việc, cùng hợp tác làm việc, như một đội ngũ công nhân cùng làm việc. I Cô-rinh-tô 3:9: vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời, anh em là ruộng của Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây, không có thành phần ngồi không trong Hội thánh. Nhàn cư vi bất thiện, khi một thành viên trong Hội thánh không làm việc này, người đó sẽ làm việc khác: là gây gổ, là nói hành, là bè đảng… gây thương tổn Hội thánh.

Điều này có nghĩa là hãy bắt đầu tìm cách giảm thiểu số người ngồi không trong Hội thánh, mà giúp họ có việc làm. Họ sẽ làm việc tốt khi được đào tạo chính quy. Chương trình của Viện Đào Tạo Môn Đồ có một câu slogan: đừng làm một tín đồ, hãy trở nên một môn đồ. Chương trình này sẽ giúp đào tạo một người tín đồ từ rất mới (mới tin, mới trở lại, mới kinh nghiệm Chúa thật) trở nên một môn đồ. Khi Chúa Jesus gặp Phi-e-rơ và Anh-rê đang đánh cá bên mé biển Ga-li-lê, họ chỉ là những người đánh cá, ngày đêm đôi mắt họ chỉ nhìn thấy biển khơi, và những con cá. Họ không thấy xa hơn những điều đó, nhưng khi Chúa gọi: các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi trở nên tay đánh lưới người (Ma-thi-ơ 4:19), họ bằng lòng theo. Ngài chỉ cho họ một chân trời xa hơn, vẽ cho họ một bức tranh mà họ chưa bao giờ nhìn thấy, Ngài gieo cho họ một hạt mầm của một lý tưởng vĩ đại. Ta sẽ cho…, là một hành động ngụ ý cho việc đào tạo, vì họ không thể tự nhiên biến đổi từ một người đánh cá sang một lãnh vực hoàn toàn khác là đánh… người. Và sau ba năm rưỡi theo Chúa, Ngài đã môn đồ hóa họ, biến họ trở nên những môn đồ thật, những người có phẩm chất phục vụ cho vương quốc Đức Chúa Trời. Họ không còn là người đánh cá nữa, họ đánh… người. Từ một công việc chỉ để mưu sinh nhỏ nhoi tầm thường, bây giờ họ cùng nhau thực hiện một chương trình phi thường, một lý tưởng phi thường, một công tác phi thường: đưa loài người tội lỗi chết mất trở lại hòa thuận với Đức Chúa Trời. Chẳng có việc gì có ý nghĩa hơn là việc này. Chúng ta tin rằng họ đã thật sự Biết Chúa Jesus là ai, như một vài lần họ đã xưng nhận, từ sự hiểu biết đó họ chấp nhận Theo Ngài dù gặp gian lao, và họ đã trở thành những người Hầu Việc Ngài cách hiệu quả.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng từ những con người hết sức tầm thường, chỉ biết phục vụ cho mình, gia đình mình, khi chúng ta thật sự Biết Chúa, nghe theo lời Chúa gọi, bước đi với Ngài, chúng ta cũng được huấn luyện trở thành những người mang một sứ mạng cao cả đem lại sự hòa bình thật sự cho thế giới.

Người ta thử làm một thống kê: một Hội thánh có 100 người, có 90 người là tín đồ (chỉ ngồi), 10 người là môn đồ (đứng) (1/10) Hội thánh ấy không thể phát triển tốt hoặc chỉ sống sót. Vì 10 người làm việc không thể cáng đáng nổi cho 90 người không làm việc gì cả mà còn gây rắc rối cho Hội thánh, gây rắc rối cho Mục sư, cho những thành phần khác. Một con sâu làm rầu nồi canh, nhưng có đến 90 con sâu trong một nồi canh thì sự “buồn rầu” ấy sẽ là lớn biết mấy. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể “vớt” những con sâu ấy ra, biến họ thành những con “bướm” đẹp, bay đi, và vẽ vào bầu trời những hình ảnh đẹp. Chúa Jesus đã làm điều ấy. Chương trình của Viện Đào Tạo Môn Đồ, theo gương Chúa Jesus, có thể giúp những Hội thánh làm điều ấy.

Hãy thử xem một hình ảnh kinh điển của sự Phục Vụ: Mác 1:30-31: Vả, bà gia Si-môn đang nằm trên giường, đau rét; tức thì chúng thưa với Ngài về chuyện người. Ngài bèn lại gần, cầm tay người đỡ dậy; bịnh rét dứt đi, và người bắt tay hầu hạ. Điều gì xảy ra ngay sau khi bà gia Phi-e-rơ được Chúa chữa lành? Bà bắt tay hầu hạ, phục vụ. Chúng ta có thể học bài học này, Chúa cứu một người là để họ góp phần phục vụ, chứ không phải để họ chỉ vui hưởng sự lành bệnh và làm những việc cá nhân. Không phải vì Chúa “sòng phẳng”, có qua có lại, cứu người để họ phải phục vụ cho Ngài, nhưng vì Chúa muốn họ có kết quả, Giăng 15:16: Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn….. Chúa cứu chúng ta và đem chúng ta ra khỏi thế gian, là để chúng ta bắt đầu phục vụ và đem nhiều người trong thế gian trở lại với Ngài, chứ không muốn chúng ta tiếp tục… nằm ì ra trên giường thoải mái, mong đợi người khác phục vụ mình. Được Cứu Để Phục Vụ là một câu khẩu hiệu cho Cơ-đốc-nhân trong cả ngày xưa và thời đại ngày nay.

Tôi tin rằng khi quý vị đọc những trang này, thì đồng ý với tôi rằng đã đến lúc mà chúng ta cần xét lại về đời sống theo Chúa của mình bấy lâu, chúng ta vẫn đang tiếp tục làm một người ngồi nhìn mọi người làm việc hay đã đứng dậy làm việc?

Chúa Jesus không bảo chúng ta làm điều gì mà Ngài đã không làm trước: Ngài đã phục vụ cho những người trong Chúa và những người ngoài Chúa.

  1. Đây là sự Phục Vụ trong vòng Hội thánh, giữa anh em. Giăng 13:4-5: … nên đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ Nước vào chậu, và rửa chân cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chân cho…..

Có một số giáo hội hiện nay có nghi thức lễ rửa chân vào mỗi năm, chỉ là một hình thức nhắc nhở về sự phục vụ, nhưng ý nghĩa của việc Chúa rửa chân cho các môn đồ là để làm gương. Vậy, nếu ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau. Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.Thật sự thì Chúa Jesus không cần phải làm việc đó, chính Phi-e-rơ đã tỏ ra ngạc nhiên, ngần ngại vì hành động của thầy mình. Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa sẽ chẳng rửa chân tôi bao giờ.

Làm gương gì? Phục vụ cho nhau, làm công việc Chúa trong vòng anh chị em. Một Hội thánh có quá nhiều công việc để làm, để phục vụ nhau, nhưng thực chất là phục vụ Chúa. Vì Chúa bảo trong Ma-thi-ơ 25:40: Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy. Có thể không phải là nhiều người phục vụ thì Hội thánh sẽ phát triển (vì còn tùy thuộc vào làm việc gì) nhưng chắc chắn rằng nếu có nhiều người làm việc thì Hội thánh sẽ chuyển động tốt hơn. Sự chuyển động sẽ đem lại sự thay đổi. Và sự thay đổi đem lại kết quả.

Chúng ta không chỉ gói gọn sự phục vụ trong các bữa ăn thông công hay thậm chí quét dọn nhà thờ, hoặc ca hát trong Ban Tôn Vinh, làm tờ chương trình, hướng dẫn chương trình, đọc Kinh Thánh… Chúng ta tin rằng Chúa Jesus đã cúi xuống rửa chân các sứ đồ, là một việc làm cho con người, và bảo: vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi… có nghĩa là Ngài muốn chúng ta làm việc ấy cho con người, chứ không phải là những nghi thức hoặc hình thức. Công việc ấy có nghĩa là chúng ta hãy chăm sóc nhau, cả về thuộc thể lẫn thuộc linh, là anh chị em một cha, chúng ta có bổn phận quan tâm đến nhau, và sẵn sàng hạ mình xuống để làm một việc mà rất có thể chúng ta chưa bao giờ làm hoặc không làm được. Chữ dùng chính xác trong phần này là chăm sóc nhau.

Động cơ của sự chăm sóc ấy phải bắt đầu từ tình yêu thương. Chúa Jesus đã dùng nhiều thì giờ để dạy các môn đồ về chủ đề yêu thương nhau. Giăng 13:34-35: Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta. Lời Chúa là chân lý, nếu Cơ-đốc nhân không thật có tình yêu thương với nhau, một tình yêu mà Chúa Jesus nói rất rõ: như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Câu này là rõ không phải phân tích. Yêu nhau bằng một tình yêu giống như Chúa đã yêu mình. Đây là một tình yêu mà chúng ta phải học để làm với sự thêm sức của Chúa. Nói một cách khác, tình yêu này phải bắt đầu và kết thúc bằng tình yêu của Chúa tuôn chảy qua chúng ta… Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta.

  1. Một sự Phục Vụ khác, phục vụ tha nhân, xã hội, Chúa Jesus không chỉ phục vụ môn đồ, nhưng còn phục vụ tha nhân khi Ngài hóa bánh cho 5000 người ăn trong các sách Phúc Âm. Không phải một lần, mà là hai lần, có lẽ vài lần khác mà Kinh Thánh không chép hết. Điều này có lẽ là điều chúng ta thường quên. Chúng ta thường chỉ thích phục vụ trong đền thờ, giữa vòng Hội thánh, dễ hơn, khỏe hơn. Chúng ta thích làm chuyện dễ. Nhưng xin đừng quên rằng Chúa Jesus đã làm điều này nhiều lần, chưa kể đến những việc đuổi quỷ chữa bệnh và nhiều việc khác.

Đây là tinh thần của đám đông theo Chúa, là điều Chúa không vui lòng. Ngài đã nói rất rõ không úp mở gì trong Giăng 6:26: các ngươi tìm ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no. Chính các môn đồ cũng có vẻ muốn thoái thác chuyện phục vụ này. Họ bảo: Đến chiều tối, môn đồ tới gần Ngài mà thưa rằng: Ở đây vắng vẻ, và trời tối rồi, xin thầy cho dân chúng về, để họ đi vào các làng đặng mua đồ ăn. Đó là tinh thần của Cơ đốc nhân chỉ muốn tìm muốn nhận phước vật chất từ nơi Chúa, chỉ muốn yên thân. Quan niệm và cách sống như vậy rõ ràng là không đúng với tinh thần của Chúa Jesus. Đây là tinh thần Chúa muốn:các ngươi hãy cho người ta ăn. Điều đó có nghĩa là các ngươi hãy phục vụ người khác. Phục vụ không chỉ giới hạn trong đền thờ mà còn ngoài đền thờ. Chúa Jesus không giới hạn sự phục vụ của Ngài, Ngài phục vụ các môn đồ nhưng cũng sẵn sàng làm cho cả đoàn dân đông đói cần thức ăn và đoàn dân đông bệnh cần thầy thuốc. Và rồi sau đó thì Ngài giảng để cứu linh hồn họ.

Thật ra các môn đồ chỉ đóng vai trò phục vụ. Họ chỉ đi phân phát thức ăn. Thức ăn thì chính Chúa Jesus đã lo. Chúng ta chỉ đi làm công việc phân phát, còn Chúa sẽ lo những phần chính.

ĐỨNG là tốt, nhưng đủ chưa, vẫn chưa đủ.

 

III

HỘI THÁNH ĐI RA ĐỂ GIẢNG ĐẠO CỨU NGƯỜI

 

Đây là điều quan trọng nhất trong ba điều, vì đây chính là mục đích chính của Chúa Jesus khi đến trần gian. Xin đọc Mác 1:32-38:  Đến chiều, mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ bịnh và kẻ bị quỉ ám đến cùng Ngài. Cả thành nhóm lại trước cửa. Ngài chữa lành nhiều kẻ đau các thứ bịnh, và đuổi nhiều quỉ, chẳng cho phép các quỉ nói ra, vì chúng nó biết Ngài. Sáng hôm sau trời còn mờ mờ, Ngài chờ dậy, bước ra, đi vào nơi vắng vẻ, và cầu nguyện tại đó. Si-môn cùng đồng bạn đi tìm Ngài. Khi kiếm được thì thưa rằng: Hết thảy đang tìm thầy. Ngài phán: Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến.

Đoạn Kinh Thánh mô tả toàn cảnh một ngày làm việc của Chúa Jesus. Ngày hôm trước, Ngài đã vào nhà hội để dạy dỗ, trong nhà hội đã chữa lành một người bị tà ma ám. Sau đó đi vào nhà Si-môn và Anh-rê để chữa lành cho bà gia Phi-e-rơ. Đến chiều, mặt trời đã lặn, ngày sắp hết, lẽ ra Chúa cũng nên ngơi nghỉ lấy lại sức, nhưng người ta lại đem những người bệnh và bị quỷ ám đến cầu xin Ngài chữa bệnh nữa. Kinh Thánh nói là cả thành nhóm lại trước cửa nhà Phi-e-rơ, chắc chắn là rất đông, và Chúa lại thương xót giúp đỡ, chữa lành nhiều người, có thể đến đêm. Nhưng sáng mai sớm Ngài đã thức dậy, theo thói quen lên núi, một nơi vắng vẻ, để cầu nguyện, tương giao cùng với cha mình. Đây là việc mà Chúa Jesus làm mỗi ngày. Đoàn dân lại tiếp tục kéo đến. Họ đến đông quá, chờ lâu quá đến nỗi các sứ đồ phải đi tìm Chúa. Khi tìm ra Ngài, họ thông báo:hết thảy đang tìm thầy, nghe thì giống như một sự báo tin, nhưng có thể hàm ý một sự nóng ruột, trách móc, sao thầy đi lâu quá, người ta đến rất đông và đang tìm thầy để chữa bệnh, họ đang đợi, xin thầy về gấp. Chúng ta nghĩ rằng Chúa Jesus sẽ trả lời thế nào? Tốt lắm, ta sẽ trở lại ngay. Không phải vậy, Chúa lại nói một câu ngược lại. Câu 38: Ngài phán: Chúng ta hãy đi nơi khác, trong những làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa; vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến.

Chúa Jesus nói câu này có nghĩa gì?  Không cần phân tích vì câu nói trực tiếp, Ngài đã khẳng định lý do Ngài đến thế gian, điều này là rất rõ ràng: Ta đến đây là để giảng đạo cứu người. Giảng đạo là ưu tiên một của Ngài. Chúa Jesus đã Ngồi trong những thì giờ phải Ngồi để Thờ Phượng, đã Đứng trong những thì giờ phải đứng để Phục Vụ, nhưng mục đích chính của Ngài vẫn là Đi ra để giảng đạo. Câu nói này, ít nhất cho chúng ta thấy rằng Chúa Jesus không hề chểnh mảng khi đi dọc đường, trong khi đi và làm việc, Ngài vẫn chú tâm vào mục đích chính. Có thể nói rằng Ngài đã làm những việc đó chỉ để hỗ trợ cho mục đích duy nhất: giảng đạo. Như Phao lô nói trong Phi-líp 3:14: nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy… Mục đích của Phao-lô là gì vậy? Phao-lô là người mà Chúa đã chọn để đem Tin-lành đến cho dân ngoại như trong Công-vụ 22:21: Chúa bèn phán cùng tôi rằng: Hãy đi, vì ta toan sai ngươi đi đến cùng dân ngoại ở nơi xa. Đây là điều mà chúng ta không được phép quên hay giả vờ quên.

Các Hội thánh ngày nay dường như là quên điều này, họ vui thú trong các giờ thờ phượng, nghe các bài giảng ve vuốt, an ủi, khích lệ, không hề có sự bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, muốn mật ong, không muốn tỉa sửa, làm các nghi thức thờ phượng cách hoàn chỉnh, bằng lòng với ngôi nhà thờ đã được tạo mãi, mỗi tuần đến làm bổn phận tín đồ là đủ. Hài lòng với những bữa ăn thông công sau giờ nhóm, tụ tập chuyện trò rôm rả từng nhóm nhỏ, những người hợp “rơ” với nhau. Thấy thì vui thật, nhưng Chúa không vui. Chúng ta quên là chúng ta con dân Chúa, tìm làm những việc để Chúa vui chứ không phải mình vui. Khi Phi-e-rơ, vì yêu Chúa, cố gắng phủ nhận sự chết của Chúa đang đến gần, Chúa Jesus đã nói một câu khá nặng nề nhưng là sự cảnh giác cho những ai muốn làm theo ý mình, Mác 8:33: Nhưng Đức Chúa Jêsus xây lại ngó môn đồ, và quở Phi-e-rơ rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta. Chúng ta thỉnh thoảng tổ chức những buổi truyền giảng, đặc biệt chỉ là vào các ngày lễ đặc biệt, nhất là Giáng Sinh và Tết, tập dượt rất kỹ, nhưng chẳng mấy ai nghĩ đến việc Đi ra mời thân hữu. Nếu có đi thì cũng đi cho xong bổn phận. Ai đến thì đến, thì mừng, không ai đến thì cũng tạ ơn Chúa vì cũng có một buổi truyền giảng, trấn an mình rằng mình cũng đã có làm điều ấy rồi. Những buổi truyền giảng toàn tín hữu. Nhiều năm qua vẫn như vậy, không ai mong muốn một sự thay đổi. Chúng ta lại quên một đoạn Kinh Thánh quan trọng nữa, Lu-ca 14:23: Chủ nhà lại biểu rằng: Hãy ra ngoài đường và dọc hàng rào, gặp ai thì ép mời vào, cho được đầy nhà ta.

Người ta hỏi: tại sao Chúa Jesus không ở lại tiếp tục chữa bệnh cho đoàn dân? Ngài có thể ở lại thêm thời gian ngắn nữa để chữa lành đám dân nghèo bệnh tật đáng thương, rồi đi cũng không muộn. Đơn giản là vì Chúa không muốn phí thì giờ cho những việc làm phụ, Chúa muốn tập trung cho việc làm chính, cho mục đích. Chúa Jesus không muốn người ta hiểu lầm về mục đích sự đến của Ngài. Bệnh tật thuộc thể là điều cần, nhưng các y bác sĩ những người Chúa cho khả năng làm việc đó có thể làm việc đó (quá nhiều) và cuộc sống trên đất là tạm. Bệnh tật thuộc linh là điều quan trọng hơn vì nó liên quan trực tiếp đến sự sống đời đời và ai có thể làm điều đó. Chỉ chúng ta. Chúa như muốn nói với các sứ đồ là đừng quên mục đích Ngài xuống thế gian, đừng quên.

Một điều quan trọng khác mà chúng ta nên lưu ý, đó là động cơ của việc Đi ra. Điều này bắt đầu từ Giăng 3:16: Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Tại sao Đức Chúa Trời đã ban con một của Ngài đến thế gian? Lời Chúa nói rõ là vì yêu thương. Chúa Jesus đến là vì yêu thương. Ngài nhìn thấy một thế gian đang ở trong sự tối tăm (Giăng 1: 5), Ngài biết rõ nơi đến cuối cùng của họ sẽ là hồ lửa đời đời, Ngài biết nếu Ngài không đến thì họ sẽ chết mất đời đời, Ngài không thể đứng nhìn cảnh tượng ấy xảy ra mà không làm gì cả để cứu. Ngài đã tạo nên họ, họ là con của Ngài. Cha không thể nào bỏ mặc con đi vào chốn hư mất đời đời. Ngài yêu họ, yêu bằng một tình yêu không điều kiện, một tình yêu đời đời. Ma-thi-ơ 14:14: Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thuơng xót… Lu-ca 19:41-42: Khi Đức Chúa Jêsus gần đến thành, thấy thì khóc về thành, và phán rằng: Ước gì, ít nữa là ngày nay, mầy đã hiểu biết sự làm cho mầy được bình an! Song hiện nay những sự ấy kín giấu nơi mắt mầy. Ngài thương xót đoàn dân, Ngài khóc vì sự hư mất của những người vô tín. Và Ngài đã đi khắp mọi nơi với đôi chân trần, với chiếc áo bạc mầu, vào trong những nơi không ai đến, đến với những người không ai quan tâm, đến với những người bị xã hội ruồng bỏ.

Hãy xem Thi-thiên 126:5-6 nói gì: Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, Sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, Ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình. Những giọt lệ rơi trong khi đang đi gieo giống gợi lên hình ảnh một người gieo giống thuộc linh khóc cho linh hồn của những tội nhân. Họ khóc vì họ yêu mến linh hồn những tội nhân ấy, thương xót cho sự tối tăm của những linh hồn ấy, như Chúa Jesus đã động lòng thương xót đoàn dân đông và khóc về sự cứng cỏi của Gie-ru-sa-lem. Kinh Thánh nói rằng khi một người ra đi với động cơ và tinh thần như vậy thì sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình.

Động cơ thúc đẩy sự ra đi của chúng ta cũng phải bắt đầu bằng điều này. Bằng tình yêu. Tất cả đều phải bắt đầu từ tình yêu, bằng tình yêu, cho tình yêu. Chúng ta Đi ra truyền giáo vì yêu mến linh hồn tội nhân chứ không phải vì mạng lệnh, vì bổn phận. Dĩ nhiên điều này không hề là điều dễ dàng. Tình yêu của chúng ta là một tình yêu có điều kiện và giới hạn, tình yêu của trần gian. Chúng ta không thể tự yêu. Nhất là yêu những người xa lạ, thấp kém, hư mất.

Giống như Chúa Jesus, chúng ta được kêu gọi: hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Câu này có nghĩa là thế gian là xấu, những ngày trên thế gian là xấu, và hãy lợi dụng nó, nghĩa là hãy tận dụng những ngày đó, những ngày ngắn ngủi còn lại, tập trung làm những điều chính, mục đích chính của Chúa, chứ không làm việc phụ. Có thể chúng ta đã để quá nhiều thì giờ cho những việc phụ mà chúng ta nghĩ là việc chính. Rất có thể chúng ta để thời gian Thờ Phượng nhiều hơn hay phục vụ trong Hội thánh nhiều hơn thời gian mà chúng ta đi ra. Khi một người đã Ngồi Thờ Phượng Chúa đủ, Đứng dậy Phục Vụ tốt, thì tự nhiên là phải Đi ra để giảng đạo. Nó là một hiệu quả tất nhiên: không ai có thể ngồi mãi, phải đứng dậy, và chẳng thể đứng yên, bèn là đi. Và rồi khi chúng ta đi, Kinh Thánh còn nói thêm những lời mầu nhiệm, sẽ bay: cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc. Những bàn chân người truyền đạo nay đã trở thành những cánh chim bay đến những phương trời.

Đọc lại cuộc đời của Chúa Jesus, chúng ta sẽ thấy rằng trọn cuộc đời Ngài, ngồi trong những thì giờ cần ngồi, đứng trong những thì giờ cần đứng, nhưng đi bất cứ khi nào còn có thể đi được. Đi là nhiều hơn. Nhiều nhất. Vì đi là mục đích của Ngài, Đi là lý do Ngài đến. Đi là một đam mê của Ngài. Cuộc đời Ngài là một sự di chuyển liên tục, như lời Ngài mô tả về chính mình con cáo có hang chim trời có tổ, nhưng Ta không một chỗ gối đầu. Chúng ta có thể khó tìm những đoạn Kinh Thánh về vấn đề ngồi Thờ Phượng, đứng dậy phục vụ, nhưng rất dễ tìm những đoạn nói về vấn đề đi ra giảng đạo của Chúa Jesus, vì đầy dẫy trong Kinh Thánh.

Nó quan trọng đến nỗi Ngài đã dành những giây phút cuối cùng trên đất để nói về điều đó.

Trong bữa tiệc ly biệt cuối cùng, I Cô-rinh-tô 11:26: Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến. Công vụ 1:8-9: Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất. Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa. Hãy lưu ý câu 9, ngay tức thì sau khi dặn dò điều quan trọng nhất, Chúa thăng thiên. Chữ nhấn mạnh trong câu này, như một mạng lệnh: hãy làm chứng về ta…

Còn Ma-thi-ơ 28:19-20: Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. Chữ mà Ngài nhấn mạnh trong câu này là dạy. Có nghĩa là huấn luyện, đào tạo. Làm chứng là một điều quan trọng giúp người ta biết Chúa và quay về với Ngài, nhưng nếu việc đó đã đủ rồi, Chúa Jesus sẽ không nói thêm câu này. Ngài nói thêm một việc nữa, dạy ho, không phải dạy một điều, một vài điều, mà là hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Một sự đào tạo từ căn bản cho đến cao hơn, tất cả những gì mà các môn đồ đã học được, phải dạy lại cho họ.

Một người mới tin Chúa giống như một hạt giống vừa gieo vào lòng, chưa kịp nẩy mầm, không được chăm sóc kỹ lưỡng chắc sẽ bị cướp mất bởi ma quỷ, nắng gió. Ma-thi-ơ 13:4-5: Khi đang gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. Một phần khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên… Chúa biết thế, nên Ngài nói hãy dạy họ, hãy nuôi họ, giúp họ lớn lên. Tin Chúa chỉ là bước khởi đầu, còn cả một quá trình nuôi dưỡng cam go. Như quá trình nuôi con của những bậc làm cha mẹ. Các Hội Thánh cũng có người đi làm chứng, tổ chức những buổi truyền giảng, nhiều người tin Chúa, những con số làm người ta rất vui, nhưng thời gian sau trở lại Hội Thánh vẫn y hệt như vậy, vẫn như cũ. Tại sao vậy? Đây là trách nhiệm của sự dạy dỗ, nói chung là đào tạo, huấn luyện. Chúng ta sinh con mà không nuôi được.

Chương trình đào tạo môn đồ của Viện Đào Tạo Môn Đồ Việt Nam (VMI) sẽ cung cấp một giáo trình để dạy dỗ hữu hiệu từ căn bản, cho những người chưa tin Chúa, lẫn người đã tin Chúa nhưng mất căn bản, ngay cả người có căn bản. Vì chương trình này là một chương trình quay vòng theo 2 Ti-mô-thê 2:2: Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác. Chương trình đó gọi là Learn To Teach, Teach To Learn. Học Để Dạy. Dạy Để Học. Chúng ta đi ra làm chứng đưa người vào trong nhà thờ. Đưa người vào trong nhà thờ nuôi cho họ lớn lên. Những người lớn lên, ý thức công việc Chúa, lại đi ra làm chứng đưa người vào trong nhà thờ, lại nuôi cho lớn lên, và lại đi ra. Cứ thế. Những dòng sông sẽ làm đầy biển. Một mặt biển cồn cào thôi thúc lan rộng ra mãi.

Chúng ta có thể hiểu mạng lệnh của Công-vụ 1:8 như thế này: Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất. Một mình cá nhân chúng ta sẽ không thể đi cho đến cùng trái đất, nhưng nếu cứ tiếp tục truyền lại, cộng them, nhân rộng ra, một ngày nào đó những làn gió sẽ đưa những hạt giống mà chúng ta đã gieo ra bay cho đến cùng trái đất. Chúng ta là một cái mắc xích trong chuỗi dây xích ấy, góp phần đưa Tin lành đến cùng trái đất.

Như vậy, là làm trọn mạng lệnh của Chúa.

LỜI KẾT

 

Vậy thì, Ngồi, Đứng và Đi, điều nào là quan trọng cho một Hội Thánh phát triển? Điều nào là quan trọng cho sự rao giảng Tin lành từ Giê-ru-sa-lem cho đến cùng thế giới?

Tôi xin phép trả lời: cả ba đều quan trọng, là một cái kiềng ba chân mà lấy đi một chân sẽ bị chông chênh. Sẽ bị ngã đổ. Nhưng tôi xin nói thêm: Đi là quan trọng nhất. Chính vì bàn chân của những người truyền đạo khởi đầu từ Phao-lô đến những thánh đồ từ thế hệ này sang thế hệ kia, mà chúng ta có mặt trong nhà của Chúa ngày hôm nay. Chính vì thế mà hơn hai tỉ người theo Chúa có mặt trên toàn thế giới ngày hôm nay, những con số vẫn tiếp tục được đếm và sẽ không bao giờ đếm nổi như lời Đức Chúa Trời phán cho Áp-ram khi kêu gọi ông từ bỏ quê hương ra đi đến nơi mà Ngài sẽ chỉ cho. Sáng-thế-ký 13:16: Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi như bụi trên đất; thế thì, nếu kẻ nào đếm đặng bụi trên đất, thì cũng sẽ đếm đặng dòng dõi ngươi vậy. Và hôm nay chúng ta hứa nguyện để trước hết là noi dấu chân Chúa, sau bước theo những bước chân của các thánh đồ.

Sách I Cô-rinh-tô 13:13 cũng viết: Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương. Có ba điều không thể thiếu nơi người tin Chúa, nhưng Kinh Thánh vẫn nói: nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

Tình yêu thương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt Kinh Thánh. Truyền giáo là cây cầu bắc ngang hai bờ vực, là huyết của Chúa Jesus đã đổ ra, cây thập tự đã ngã xuống ngang hai bờ vực, nối liền hai bờ, đưa con người tuyệt vọng từ bờ bên này sang được bờ kia, là bờ hy vọng và an bình vĩnh cửu.

Truyền giáo là đi ra nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời: Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Giăng 3:16.

 

KIEN LU

Mục sư Lữ Thành Kiến   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn