Thứ Tư , 8 Tháng Một 2025
Home / Trang Chủ / GIÁ TRỊ CỦA LINH HỒN

GIÁ TRỊ CỦA LINH HỒN

GIÁ TRỊ CỦA LINH HỒN

giatri

Con người có thể xác và có linh hồn, có phần thuộc thể và phần thuộc linh. Con người khác với các loài vật. Con vật chỉ có thể xác nhưng không có linh hồn. Con vật không tiến bộ, con người tiến bộ. Con nhện tiếp tục giăng tơ, con chim tiếp tục làm tổ theo bản năng, nhưng con người đã biết may chế áo quần theo thời trang. Con ngựa tiếp tục chạy nhanh bằng bốn chân, con người đã biết sáng chế xe hơi, tàu bay, tàu thủy, tàu ngầm… Con người khác con vật như trời với vực. Bởi con người có thể xác và cũng có linh hồn.

Dấu hiệu của linh hồn.

Con người biết mưu cầu hạnh phúc và tìm cách bảo vệ hạnh phúc. Con người có nhận thức về sự khổ đau và tìm cách giải thoát. Con người biết cầu nguyện, biểu lộ ngôn ngữ của linh hồn. Con người thích khám phá thiên nhiên, thích chinh phục thế giới. Con người luôn khao khát tự do. Con người muốn thi hành công lý. Con người đánh giá cao chân thiện mỹ. Con người vẽ tranh, sáng tác âm nhạc, làm thơ, viết sách. Con người ham thích thể dục thể thao. Con người có ước nguyện. Con người có khát vọng thiên đàng…

Con người có khả năng sáng tác, có khả năng học nói theo tiếng mẹ đẻ, cũng có khả năng học các thứ ngoại ngữ. Con người còn có tiếng nói của lương tâm, có khả năng phân biệt đúng sai. Con người biết bảo tồn văn hóa, biết giải trí, biết đọc sách, xem phim, nói chuyện qua điện thoại… Con người muốn giao thông, muốn phát triển ngành truyền thông. Con người là sinh vật duy nhất có khát vọng tôn giáo. Con người thiết lập và lưu truyền các tôn giáo. Con giống cha. Con người giống Đức Chúa Trời bởi vì con người đã được Chúa dựng nên. Nhà thần học C.S. Lewis có lần đã viết: “Nếu tôi thấy trong tôi một ước vọng mà không kinh nghiệm nào trong đời nầy có thể làm cho tôi thoả mãn, thì lời giải thích hay nhất chính là tôi đã được dựng nên cho một thế giới khác.” Chúng ta nhìn thấy dấu vết của linh hồn ở khắp mọi nơi có bóng dáng con người.

Ca dao tục ngữ Việt Nam có nói đến linh hồn nhưng không có nói nhiều. Chẳng hạn: “Hồn lìa khỏi xác.” “Hồn vía lên mây.” “Hồn bay phách lạc.” “Hồn ai nấy giữ.” Người Việt không chối bỏ sự tồn tại của linh hồn. Người Việt là một dân tộc tâm linh, người Việt biết cầu Trời. Dù nhiều người Việt theo Phật giáo, họ cũng trước hết cầu Trời rồi mới khẩn Phật. “Cầu Trời cho tai qua nạn khỏi!” là tiếng nói dễ hiểu biểu lộ sự khát khao sâu thẳm của linh hồn. Bạn còn biết cầu Trời là bạn còn linh hồn. Linh hồn là phần thiêng liêng để con người giao thông với Chúa và với nhau. Tiếng nói của lương tâm là ngôn ngữ của linh hồn. Có lần tác giả Thi Thiên đã than: “Không ai hỏi han linh hồn tôi!”

Linh hồn có một thân thể

Tôi nhớ có lần đọc lời của một danh nhân nói rằng: “Tôi là một linh hồn có thân thể chứ không phải tôi là một thân thể có linh hồn.” Xưa nay nhiều người vẫn nói ngược lại: “Tôi là một thể xác có linh hồn.” Và chúng ta quen với ý niệm “có thực mới vực được đạo.” Chúng ta công nhận có nhu cầu ăn uống cho thể xác và nhu cầu đạo đức của tâm hồn. Rồi chúng ta dùng ý niệm nầy để cổ vũ cho nhu cầu thể xác, và chỉ bận tâm đến nhu cầu thể xác hằng ngày. Chúng ta thường quên hẳn nhu cầu của linh hồn. Tại sao? Tại vì nhu cầu về thể xác thì dễ thấy và nhu cầu tâm linh thì khó thấy. Thể xác dễ rờ đụng, linh hồn chỉ có thể cảm nhận. Nhưng linh hồn có thực cũng như thể xác có thực. Thể xác có sống có chết, linh hồn cũng có sống và chết. Vấn đề là chúng ta có quan tâm đến sự sống của thể xác và cả sự sống của linh hồn hay không. Sứ đồ Giăng đã viết một lời cầu chúc quan trọng: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thịnh vượng trong mọi sự, và được khoẻ mạnh phần xác anh cũng như đã được thịnh vượng về phần linh hồn anh vậy” (III Giăng 2).

Bạn có đang khoẻ mạnh về phần linh hồn không? Sống không chỉ là tồn tại nhưng phải là sống mạnh khoẻ, sống có ý nghĩa. Con người cần quân bình giữa thể xác và linh hồn. Bạn có thì giờ dành cho thể xác, bạn cũng cần dành thì giờ cho linh hồn. Thân thể cần nghỉ ngơi, linh hồn cũng cần được yên nghỉ. Chúng ta dành nhiều thì giờ lo cho thể xác mà dùng rất ít thì giờ lo cho linh hồn. Chúng ta thường ăn no thể xác mà để đói linh hồn.

Thân thể cần nghỉ ngơi, linh hồn cũng cần được yên nghỉ. Chúng ta dành nhiều thì giờ lo cho thể xác mà dùng rất ít thì giờ lo cho linh hồn. Chúng ta thường ăn no thể xác mà để đói linh hồn.

Chúa Giê-su có lần đã bị ma quỷ cám dỗ hãy hóa đá thành bánh để ăn cho đỡ đói. Khi kiêng ăn thể xác của Chúa đang đói thật, nhưng Ngài đã không dùng quyền năng vốn có của mình để hóa đá thành bánh như lời cám dỗ mặc dầu Chúa có khả năng làm việc đó. Nhưng tại sao ma quỷ muốn cám dỗ Chúa hãy hoá đá thành bánh? Ma quỷ muốn con người đánh giá sai về giá trị của linh hồn. Ma quỷ biết rằng linh hồn giá trị hơn thể xác. Thể xác tạm thời ở đời nầy nhưng linh hồn vĩnh cửu. Ý kẻ cám dỗ muốn nói, bạn hãy lo cho thể xác, đừng nên lo cho linh hồn. Kẻ cám dỗ muốn lừa đảo loài người rằng nhu cầu thể xác quan trọng hơn nhu cầu linh hồn. Nhưng Chúa Giê-su đã trả lời: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4).

Nhiệm vụ của Chúa Giê-su từ trời giáng trần là để đáp ứng nhu cầu thuộc thể lẫn thuộc linh của loài người. Bắt đầu chức vụ công khai trên đất, Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Thần của Chúa ngự trên ta; Vì Ngài đã xức dầu cho ta đặng truyền tin lành cho kẻ nghèo; Ngài đã sai ta để rao cho kẻ bị cầm được tha, kẻ mù được sáng, kẻ bị hà hiếp được tự do; Và để đồn ra năm lành của Chúa” (Lu-ca 4:18-19). Qua lịch sử cuộc đời của Chúa, chúng ta thấy Chúa không chỉ lo cứu giúp thể xác của con người, nhưng Ngài cũng lo cứu giúp cho linh hồn con người. Theo sách Ma-thi-ơ Chúa Giê-su đến thế gian để giảng, dạy, và chữa lành. Chức vụ của Chúa Giê-su đáp ứng nhu cầu của linh, hồn và thể xác của loài người.

Nhu cầu tâm linh của con người.

Người tín hữu của Chúa nhận biết rõ nhu cầu sâu xa nhất và to lớn nhất của con người là nhu cầu tâm linh. Con người đã được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời nên con người có linh hồn bất tử và sống mãi như Chúa sống, cho dù sống trong mối giao thông với Chúa hay gián đoạn mối giao thông với Ngài. Nhu cầu lớn nhất của loài người là được Chúa cứu rỗi. Chúa Giê-su đã đặt vấn đề nầy khi Ngài giảng dạy: “Một người nếu được cả thế gian mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà đổi lại linh hồn mình?” (Mác 8: 36-37).  Và câu hỏi quan trọng nhất con người đã từng hỏi khi còn sống trên đất là: “Tôi phải làm chi để được cứu?” (Công vụ 16:30). Trả lời được câu hỏi nầy là quyết định được số phận của linh hồn.

Kinh Thánh khẳng định rõ là con người đã xa cách với Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:18), thù nghịch với Chúa (Rô-ma 5:10), và đang ở dưới cơn giận của Đức Chúa Trời (Giăng 3:36). Niềm hy vọng duy nhất của tội nhân là từ bỏ con đường tà, quay lại và tin cậy vâng lời Chúa Giê-su. Không có sự lựa chọn nào khác, không có niềm hy vọng nào khác. Tiếc thay con người không ý thức được nhu cầu của mình. Điều đáng buồn là con người bị mất mà không biết mình bị mất (2 Cô-rinh-tô 4:4). Đây chính là lý do chúng ta được Chúa ban lịnh hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành.

Nhu cầu tâm trí của con người.

Con người không chỉ có hồn nhưng cũng có trí nữa. Tâm trí có nhu cầu. Giáo dục đáp ứng nhu cầu tâm trí. Con người cần giáo dục. Lần đầu tiên khi các giáo sĩ đến Phi Châu họ gặp đến 800 bộ lạc, và mỗi bộ lạc có ngôn ngữ khác nhau. Dân chúng chỉ biết nói bằng miệng và ra dấu bằng tay chân, vì tất cả đều dốt nát và không có chữ viết. Các giáo sĩ Tin Lành đã buộc phải tìm cách đáp ứng nhu cầu tâm trí bằng cách đặt chữ viết, dịch Kinh Thánh, phổ biến giáo dục để dạy cho mọi người biết đọc Kinh Thánh và các sách báo khác. Nhờ đó họ không chỉ biết đọc mà còn có khả năng để góp phần biến đổi cộng đồng. Hiện nay Hội Dịch Kinh Thánh đã dịch Kinh Thánh ra hầu hết những ngôn ngữ chính của thế giới góp phần biến đổi con người. Điều nầy cũng là một bằng chứng nữa của linh hồn.

Đừng quên nhu cầu của thể xác.

Chúa Giê-su đã từng dạy rằng linh hồn con người là sở hữu quý báu nhất, và Ngài đã cảnh cáo rằng nếu một người mất linh hồn là mất tất cả. Nhưng Chúa Giê-su không bao giờ chối bỏ nhu cầu của thể xác. Các tôn giáo Á Đông coi thường thể xác, đến mức hành xác, để mong tìm sự giải thoát của linh hồn. Nhưng Chúa Giê-su nói con người cần bánh, cũng như họ cần đức tin, tình yêu, và niềm hy vọng. Không có tôn giáo nào tôn trọng thân thể hơn đạo Chúa.  Chúng ta thấy Chúa Giê-su làm sạch người phung, chữa lành bệnh tật, nuôi người đói, thậm chí khiến người chết sống lại. Bệnh tật, đau đớn, yếu đuối, và chết chóc là phần của thế giới Ma quỷ và Chúa Giê-su đã đến để huỷ phá. Khi Chúa sai phái 12 sứ đồ và 70 môn đồ ra đi đến với các gia đình dân chúng, Ngài truyền cho họ trách nhiệm chữa lành kẻ bịnh và làm sạch kẻ phung. Khi các giáo sĩ ra đi đến các nước rao giảng Tin Lành họ cũng nhận lãnh nhiệm vụ xây dựng bệnh viện, chữa bệnh cho dân chúng. Họ không làm phép lạ như Chúa Giê-su đã làm nhưng họ đã giới thiệu tình thương của Chúa thông qua tiến bộ của y khoa hiện đại để chữa lành cho dân chúng. Họ đã noi gương Chúa chăm lo phần xác lẫn phần hồn cho người khác.

Chỉ có Chúa Giê-su đáng cho chúng ta tin cậy và vâng lời. Ngài chính là Đấng tạo hóa, Ngài đã dựng nên con người và Ngài biết rõ nhu cầu của mỗi người. Các giáo sĩ noi gương Chúa Giê-su đem bánh hằng sống cho người đói, nước hằng sống cho người khát, sự tự do cho những người bị áp bức, sự giải phóng cho những người bị nô lệ. Chúng ta không quên lời Chúa dạy: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta và Tin Lành mà mất mạng sống, thì sẽ cứu được mạng sống mình. Một người nếu được cả thế gian mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà đổi lại linh hồn mình? Vì nếu ai hổ thẹn về Ta và đạo Ta giữa thế hệ gian dâm tội lỗi nầy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn về người ấy khi Ngài cùng với các thiên sứ thánh ngự đến trong vinh quang của Cha Ngài” (Mác 8:34-38).

Chúng ta cần sống quân bình trong đời sống. Chúng ta yêu mến thể xác lẫn linh hồn. Chúng ta nhớ đến nhu cầu của thể xác nhưng chúng ta không quên nhu cầu của linh hồn. Vì một linh hồn quý hơn cả thế gian.

 

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn