Thứ Ba , 21 Tháng Một 2025
Home / Tổng hợp / DARWIN VÀ SÁCH “NGUỒN GỐC CÁC CHỦNG LOẠI”

DARWIN VÀ SÁCH “NGUỒN GỐC CÁC CHỦNG LOẠI”

Khi quyển sách “Nguồn gốc các chủng Loại”  của Charles Darwin ra đời vào năm 1859, trình bày lý thuyết tiến hóa của sinh vật bằng luật đào thải tự nhiên, dư luận đương thời đã gọi đây là một đại họa như tiếng sét nổ ngang đầu. Vì nếu thuyết của Darwin đúng, thì truyện Sáng Thế trong Kinh Thánh là không thể chấp nhận được nữa.

darwin

Thời niên thiếu, Darwin năm 16 tuổi được gia đình cho theo học ngành y khoa, nhưng không thích, nên hai năm sau đó được gởi tới trường đại học Cambridge học làm mục sư. Thời gian ba năm tại đây, ông quen thân với Sedgwick, và được giáo sư địa chất học này vận động cho đáp tàu đi nghiên cứu ở miền nam bán cầu. Chính trong 5 năm liền ở trên con tàu ấy, quan niệm về luật tiến hoá của vạn vật bắt đầu thành hình trong trí. Nên ngay sau khi trở về lại Anh quốc, ông đã triển khai lý thuyết này, không còn tin nữa ở những lời dạy trong Kinh Thánh về các chủng loại động vật nguyên thuỷ được Đức Chúa Trời tạo ra.

Do đó, có những trận tranh luận nẩy lửa, đầu tiên là vào năm 1860. Chính Thomas Huxley, một nhà nhân bản và sinh vật học, là người cộng tác, biện hộ và là bạn của Charles Darwin, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lý thuyết này. Về sau, khi nói về địa vị của Darwin trong lịch sử khoa học, Julian Huxley, nhà sinh vật học nổi tiếng, cháu nội của Thomas Huxley, viết:

“Sự nghiệp của Charles Darwin… đã đưa thế giới sinh vật vào trong phạm vi chi phối của định luật thiên nhiên. Sau Darwin, người ta không còn nghĩ rằng mọi sinh vật và động vật được sáng tạo nguyên từ lúc khởi thủy, không còn nghĩ rằng có một trí thông minh huyền bí đã trang bị cho các sinh vật những khí giới kỳ diệu để kiếm ăn hay để đương đầu với kẻ thù, không còn nghĩ rằng có một sức mạnh huyền bí dẫn dắt sự tiến hóa muôn loài…”

Dĩ nhiên là nhiều người không đồng ý với nhận định này, vì người ta không thể phủ nhận được Tạo Hóa trong việc dựng nên và trang bị cho các loài sinh vật những khí giới cần thiết để sống còn. John George trong một bài khảo cứu với tựa “Tài Chịu Rét Của Loài Vật” viết: “Tạo Hóa cho các sinh vật nhiều khí giới bất ngờ để chống lại các sự gay gắt của thời tiết.”

Một buổi chiều mùa đông trời rét thấu xương với hàn thử biểu chỉ 22 độ dưới số không và mọi cảnh vật chung quanh đều bao phủ một màn tuyết trắng xóa, ta hãy quan sát mấy con vịt đang tung tăng bơi lội mò thức ăn, trên một cái ao nước đóng băng chỉ còn một khoảng trống nhỏ có nước. Vịt làm thế nào để cho nước ấy khỏi đóng thành băng? Chúng đang áp dụng một qui tắc giản dị nhất về thủy lực học, hai chân chúng vùng vẫy khua động luôn, làm cho nước ấm áp ở dưới đáy ao bị xáo trộn, và lên thay thế làn nước lạnh giá ở trên mặt ao. Tuy không khí ở ngoài trời là  âm 22 độ, nhưng chỗ ấy phải nóng trên 3 hay 4 độ, nếu không thế nước sẽ đông lại. Chúng dùng chỗ không thể đông ấy và dùng lỗ hổng đầy nước đó vừa làm chỗ mò thức ăn, vừa để sưởi cho chân nóng lên.

Dựa vào sự an bài rất khôn ngoan khéo léo của Tạo Hóa, loài vật đã theo bẩm tính thiên nhiên và dùng đủ mọi phương sách để sinh tồn. Nhờ sự áp dụng theo lương năng những nguyên lý tương tự và giản dị về vật lý, nên nhiều loài chim và loài có vú đã giữ được hơi nóng trong mùa đông giá rét.

Chỉ mới độ 100 năm nay, khi nghiên cứu về sức mạnh của khí hơi, các nhà vật lý học mới khám phá ra rằng, trong một bầu không khí không chuyển động, hơi nóng xê dịch rất chậm chạp. Áp dụng qui tắc này cho các quần áo mùa rét, người ta may áo quàng và áo cộc có nhồi thêm một lần lót để giữ không khí. Nhưng tự hàng ngàn năm nay, loài hươu nai đã biết sử dụng nguyên lý này. Về mùa thu khi nước mới đông giá, bộ lông mùa hạ của chúng rụng hết và thay thế bằng một bộ lông đặc biệt mùa đông, mọi chiếc lông đều rỗng và kín ở đầu ngoài như một chiếc ống nhỏ. Trùm cái chăn bằng không khí như vậy, nên hươu nai có thể đi khắp mọi nơi lạnh buốt trong cả mùa đông không cần nơi trú ẩn, ngoài một cái thân cây che gió, hay một cây thông nhỏ che mưa.

Ðêm đông lạnh lẽo, ta thử quan sát một con chim gõ mõ chui vào tổ ở trong thân cây thì thấy, khi đã vào hẳn bên trong chung quanh có gỗ bao bọc và kín gió, nó xù ngay lông ra vì lông là một vật cách điện rất đặc sắc của Tạo Hóa. Bao trùm trong bầu không khí bất động ấy, con chim chỉ việc ngủ yên và được sưởi ấm theo một phương pháp rẻ tiền. Một vài loài chim có cách tổ chức rất tài tình để sưởi ấm, ví dụ như các chim cun cút. Về ban đêm chúng tụ họp nhau lại, lấy chân giày xéo tuyết cào thành một chỗ hỏm xuống, chúng đứng quây quần cả chung quanh quay duỗi chân vào trong, châu đầu ra ngoài để canh chừng quân thù, rồi thu mình sát lại để chuyền hơi nóng cho nhau và ngủ rất ngon lành.

Sáng mùa đông đẹp trời đang đi dạo, thình lình một con thỏ ở trong đống tuyết nhảy vọt ra, ngồi xổm xuống, ta thấy một thứ hang hốc nhỏ chỉ bằng mình nó, được gió thổi vun quén chồng chất tuyết chung quanh. Nằm kín đáo như vậy thỏ vừa tránh luồng gió bấc, vừa được hơi nóng sưởi ấm. Khi nhìn con thỏ rừng nhảy nhót, nếu không biết sẽ cho là nó đang chạy trên mặt tuyết; nhưng thật ra là không. Vì về mùa thu những lông cứng và co giãn mọc ra ở giữa kẽ chân, nên vào tháng một, thỏ đi lại cách mặt đất độ 1 phân trên cái thảm lông và không khí. Do đó, khi thỏ chạy nhảy trên đường, hiếm có lắm ta mới thấy vết móng và gót chân. Diện tích của tai thỏ lại là sự tài tình của Tạo Hoá nữa: Tai thỏ miền Bắc Oregon nơi rét nhiều nhất, chỉ to bằng nửa tai thỏ miền Nam Arizona; thỏ ở Bắc cực hay Nam cực quanh năm nhảy nhót trên các vùng đại thảo nguyên gió lạnh thấu xương, tai rất nhỏ, chỉ đủ để nghe tiếng sột soạt của loài cáo lần mò đi kiếm mồi trên băng tuyết.

Thưa quý vị! Chỉ cần biết phần nào thôi những sinh hoạt trong thế giới của các loài sinh vật ở trên, chúng ta cũng đủ hiểu là chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể làm nên, cùng ban cho chúng được những sức mạnh và khả năng kỳ diệu như thế để có thể sinh tồn. Cho nên chính Sedgwick, giáo sư cũ của Darwin về địa chất học ở Cambridge, cũng coi thuyết của Darwin là “hoàn toàn sai lầm và rất có hại.”  Lời Kinh Thánh trong Sáng Thế Ký 1:21, 25 chép: “Ðức Chúa Trời dựng nên các loài cá lớn, các vật sống hay động nhờ nước mà sanh nhiều ra, tùy theo loại, và các loài chim hay bay, tùy theo loại… Ðức Chúa Trời làm nên các loài thú rừng tùy theo loại, súc vật tùy theo loại, và các côn trùng trên đất tùy theo loại.”

Cho nên chính Sedgwick, giáo sư cũ của Darwin về địa chất học ở Cambridge, cũng coi thuyết của Darwin là “hoàn toàn sai lầm và rất có hại.”

Ðức Chúa Trời là Đấng tạo nên và trang bị cho các loài sinh vật, chứ không phải theo định luật đào thải tự nhiên như Charles Darwin trình bày. Trong sách “Nguồn Gốc Các Chủng Loại”,  vì sợ dư luận có thể bác bỏ toàn bộ lý thuyết của ông, nên Darwin cố ý tránh bàn luận về nguồn gốc loài người. Ðến sách “Dòng Dõi Loài Người” , Darwin cố đưa ra những sự kiện, để chứng tỏ rằng loài người cũng tiến hóa từ ở những sinh vật thô sơ mà ra. Nhưng khi trở về già, đối với Ðấng Tạo Hóa, quan niệm của Darwin có chiều thay đổi. Hồi thiếu thời, ông nhìn nhận là tạo vật được sinh ra một cách đặc thù trọn vẹn. Trong cuốn “Ðời Sống và Thư Từ” , Darwin lại ngỏ ý tin tưởng rằng “trong một tương lai xa xôi, con người sẽ hoàn hảo hơn bây giờ nhiều.” . Về sau Darwin viết:

“Còn một lý lẽ rất mạnh nữa khiến tôi tin ở Ðức Chúa Trời, đó là lý lẽ lý trí chứ không phải lý lẽ cảm tình. Người ta rất khó hay hầu như là không thể có quan niệm được rằng, cả cái vũ trụ mênh mông và kỳ ảo này, trong đó có con người với khả năng nhìn lùi về quá khứ và hướng về tương lai, lại có thể là kết quả của một sự ngẫu nhiên mù quáng hay một tất yếu. Suy nghĩ miên man như vậy, sau tôi tự cảm thấy phải tin rằng có một Ðệ Nhất Nguyên Nhân có trí thông minh tương tự như người, nghĩa là tôi tin có Ðức Chúa Trời. Trong thời kỳ tôi viết bộ ‘Nguồn Gốc Các Chủng Loại’, tôi nhớ là tâm trạng của tôi như vậy. Tuy nhiên qua nhiều sự thăng trầm sau này, niềm tin của tôi không còn được như trước. Ðến đây lại nẩy một mối hoài nghi: Tôi tự hỏi làm sao mà có thể tin được rằng, linh hồn con người, thoạt kỳ thủy không khác gì linh hồn các loài vật thấp nhất, lại có thể suy luận tới những kết luận bao la như vậy?”

Charles Darwin không trả lời câu hỏi và kết luận như sau: “Tôi không dám mong dọi sáng những vấn đề trừu tượng đó. Chúng ta không thể nào biết nổi nguồn gốc của vạn vật, và tôi đành cam nhận mình là người theo chủ nghĩa lý trí hữu hạn.” Charles Darwin nổi tiếng được nhiều người ca tụng là nhờ học thuyết tiến hoá, nhưng rồi sau khi đã cố công tìm tòi cùng suy ngẫm nhiều, đã phải thú nhận là lý trí của mình hữu hạn, không thể hiểu biết nổi sự vô hạn của Tạo Hóa, dù rằng tới nay vẫn có người còn rán ép cho thuyết tiến hóa của ông có một chỗ đứng cao trong lịch sử khoa học.

Charles Darwin nổi tiếng được nhiều người ca tụng là nhờ học thuyết tiến hoá, nhưng rồi sau khi đã cố công tìm tòi cùng suy ngẫm nhiều, đã phải thú nhận là lý trí của mình hữu hạn, không thể hiểu biết nổi sự vô hạn của Tạo Hóa, dù rằng tới nay vẫn có người còn rán ép cho thuyết tiến hóa của ông có một chỗ đứng cao trong lịch sử khoa học.

Nhiều người trước đây cũng có những suy nghĩ không khác gì Darwin trong thời viết cuốn “Nguồn Gốc Các Chủng Loại,” nhưng khi nhận biết được Ðức Chúa Trời là Ðấng dựng nên vũ trụ cùng muôn loài trong đó có con người chúng ta, đã quyết định trở về thờ phượng Ngài. Còn quý vị thì sao? Ðây là một thách thức, và cũng là một lời mời gọi rất ư quan trọng. Trở về với Ðấng Tạo Hoá qua niềm tin đặt vào Chúa Cứu Thế Giê-su, quý vị sẽ hưởng được nguồn phước hạnh lớn lao, vô đối, mà không gì có thể ví sánh được!

MỤC SƯ ỨC CHIẾN THẮNG

songdaoonline.com   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn