Thứ Hai , 25 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / Đây là Sự Sống!

Đây là Sự Sống!

This is the Life!
Warren W. Wiersbe

images-1
Đây là Sự Sống!
Tận hưởng sự chúc phước và đặc quyền của niềm tin trong Đấng Christ.

Lời Tựa
“Sự sống của anh em là chi?” Gia-cơ 4:14
Một trong những tranh biếm họa nổi tiếng mà tôi thích là có hai con bò trên bãi cỏ nhìn qua hàng rào cạnh đường quốc lộ. Một cái xe tải chở sữa chạy ngang qua với dòng chữ quảng cáo: “Sữa Johnson – tiệt trùng – thuần nhất bổ sung Vitamin C và D.”
Chú bò nọ nói với chú bò kia, “Mày có thấy quảng cáo này láo không hả?” Sau khi nghe những lời phản đối và đọc nhiều lời chỉ trích trên các trang sách báo. Tôi nhận ra rằng đúng là ngu như bò và tôi tự hỏi tại sao con người không có được sự lạc quan để quan tâm đến cuộc sống tốt lành mà người tin Chúa đang được hưởng.
Nhưng không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Một nhà văn người Do Thái Shalom Aleichem (Ông là cha đẻ của nhân vật Tevye, người giao sữa trong tác phẩm Fiddle on the Roof) nói rằng cuộc sống là “Một vết phồng trên đỉnh khối u và đang loét ra.” James M. Barrie người viết Peter Pan nói rằng cuộc sống là một bài học dài về sự khiêm nhường và nhà thơ người Mỹ Carl Sandburg so sánh cuộc sống với củ hành tây, “Mỗi khi bạn bóc một lớp vỏ, bạn sẽ phải ứa nước mắt một lần.” Một luật sư thực tập nổi tiếng Clarence Darrow gọi cuộc sống là, “Một khoảng thời gian mà một nửa của nó bị phá hỏng bởi cha mẹ và nửa còn lại bị phá hỏng bởi con cái.”
Kinh Thánh không phủ nhận rằng cuộc sống không những có những trận chiến và gánh nặng mà còn có cả những phước lành. Một vài trước giả của Kinh Thánh thấy cuộc sống là một lò luyện kim (Gióp 23:10), một cơn bão dữ dội (Thi Thiên 42:7), một trận chiến (2 Ti-mô-thê 2:3), hay là một cuộc chạy đua khó khăn (Giê-rê-mi 12:5). Những trước giả này không chỉ nói với chúng ta rằng cuộc sống là khó khăn mà họ còn cảnh báo chúng ta rằng cuộc sống là chóng qua và hay hư nát. Khi Đức Chúa Trời dựng nên A-đam, Ngài “Hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một loài sinh linh.” (Sáng Thế Ký 2:7). Hơi thở làm ta liên tưởng tới sự ngắn ngủi, yếu ớt. Vua Đa-vít viết rằng: “Đời người chỉ như hơi thở.
“Kìa, Chúa khiến ngày giờ tôi dài bằng bàn tay,
Và đời tôi như không không trước mặt Chúa;
Phải, mỗi người, dầu đứng vững, chỉ là hư không.” (Thi Thiên 39:5)

jas4-14

Còn Gia-cơ hỏi rằng: “Sự sống của anh em là chi?”
Gia-cơ 4:14 chép, “Song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay.” Đời người bắt đầu bằng hơi thở, tiếp tục bằng hơi thở và kết thúc là khi chúng ta ngừng thở. Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp là ông tổ của đức tin nhưng cả ba đều “trút hơi thở cuối cùng” (Sáng Thế Ký 25:8,35:29;49:33). Và có vẻ như họ ra đi sớm hơn chúng ta nghĩ.
Trong những hoàn cảnh khó khăn làm chúng ta không phải lúc nào cũng có thể làm chủ những vấn đề và những yêu cầu của cuộc sống, và từ xa xưa, con người đã kêu ca về “những thời khắc nhất định”. Đa-vít than thở trong Thi Thiên 11 rằng “khi tất cả nền móng của sự sống bị hủy diệt” (câu 3) và trong Thi Thiên 12 rằng “kẻ thành tín đã biến mất khỏi thế gian” (câu 1-2). Ngày 23 tháng 3 năm 1783, Nhà văn người Anh Samuel Johnson đã nói với bạn mình là James Boswell rằng: “Tôi đã chứng kiến nhiều điều trở nên xấu xa kinh khủng.” Cùng thời điểm đó, Thomas Jefferson viết trong cuốn “Notes on the State of Virginia”: “Quả thực tôi run sợ cho đất nước của tôi vì tôi biết Chúa là Đấng Công Bình.” Nhà soạn kịch George Bernard Shaw lại than phiền rằng, “Nếu có thể sống trên các hành tinh khác, họ sẽ dùng Trái Đất làm nhà thương điên.”
Có quá nhiều quan điểm bi quan về cuộc sống. Trái tim của mọi vấn đề là vấn đề của trái tim, và chỉ Chúa mới có thể thay đổi trái tim của con người. Quyển sách này nói về cách sống mà Chúa ban cho chúng ta và chúng ta nhận nó nhờ ân điển và quyền năng của Ngài.
Quan điểm đó ràng buộc chúng ta, thái độ tiêu cực đó khiến ta chán nản, mọi người làm phiền lòng chúng ta, những nhu cầu cuộc sống khiến ta lo lắng và những thách thức khiến ta lo sợ, tất cả đều có thể được giải quyết nếu ta để Chúa hành động.
Hãy đọc và suy nghĩ kỹ về chương 1 và xác quyết mối tương giao với Chúa. Sau đó bạn đọc mục lục và quyết định chương nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của bạn. Bắt đầu đọc từ chương đó. Mỗi chương là một đơn vị hoàn chỉnh, vì vậy lựa chọn là của bạn. Đừng đọc lướt qua các chương mà hãy đọc chúng cách riêng tư như tôi và bạn đang thảo luận với nhau một cách bình tĩnh cùng với quyển Kinh Thánh để trước mặt. Hãy để thời gian cầu nguyện và suy nghĩ để Chúa có cơ hội dạy dỗ (hay nhắc nhở) bạn về điều bạn cần lúc này. Khi tôi dẫn chứng các câu Kinh Thánh mà không trưng dẫn nó ra sách, bạn hãy giữ địa chỉ các câu Kinh Thánh nầy để tra cứu tìm kiếm mối liên quan và đọc nó cẩn thận.

images
Cuối cùng bạn hãy nhờ Chúa giúp bạn thực hành theo những nguyên tắc mà bạn học được. Vâng phục mạng lệnh của Chúa chính là biến lời nói thành hành động, và đó là cách tốt nhất để trải nghiệm sự trưởng thành thuộc linh. Học mà không hành tạo ra một cái đầu to nhưng trái tim băng giá và ý chí yếu ớt. Phao-lô cảnh báo chúng ta rằng, “Song sự hay biết sanh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt.” (I Cô-rinh-tô 8:1)
“Tôi vừa nghe những lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời vạn quân, vì tôi được xưng bằng danh Ngài!” (Giê-rê-mi 15:16)

Warren W. Wiersbe

 

CHƯƠNG 1

Sự Sống Đời Đời

“Trong vòng người Pha-ri-si, có người tên là Ni-cô-đem, là một người trong những kẻ cai trị dân Giu-đa. Ban đêm, người nầy đến cùng Đức Chúa Giê-su mà nói rằng:“Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng , thì không ai làm được”. Đức Chúa Giê-su cất tiếng đáp rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.”
Giăng 3:1-3

ni

Ni-cô-đem là một thành viên hội Giu-đa lúc bấy giờ theo Giăng 3:1-21. Chúa Giê-su gọi ông là giáo sư của dân Do Thái, (Giăng 3:10), vì vậy chắc hẳn ông phải biết rất rõ về những lời dạy trong Kinh Thánh. Ông xuất hiện như một người đàn ông giàu có và ngoan đạo. Là người Do Thái, ông là thành viên của tuyển dân Đức Chúa Trời mà Ngài đã lựa chọn để trở nên “một dân thuộc riêng về Ngài” (Phục Truyền 7:6). Ông khao khát được biết về chân lý và từ tấm lòng của mình, ông ao ước yêu mến và vâng phục Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp. Ni-cô-đem là một người đàn ông có nghị lực và can đảm; tuy vậy, ông biết mình còn thiếu điều gì đó trong cuộc sống. Ông đã đến tìm sự giúp đỡ từ Chúa Giê-su, người thầy đã cho ông biết điều mà ông còn thiếu: “Các ngươi phải sanh lại” (Giăng 3:7). Ni-cô-đem chưa từng biết đến “sự sanh lại” và đời sống mới là gì? Những phước hạnh về thuộc thể có được khi chúng ta được sanh ra bởi xác thịt, và nếu chúng ta muốn có được những phước hạnh thuộc linh, chúng ta phải trải nghiệm được sự tái sanh bởi Đức Thánh Linh. Chính lúc đó chúng ta nhận được sự sống đời đời.

Sự Sống Đời Đời Là Sự Sống Thật Từ Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh là đời đời; không có điểm bắt đầu và kết thúc. Môi-se đã nói với Chúa rằng Ngài hằng có “từ trước vô cùng cho đến đời đời” (Thi thiên 90:2). Ông cũng đã gọi Ngài là “Đức Chúa Trời hằng sống” (Phục Truyền 33:27), và tiên tri Ê-sai gọi Đức Chúa Trời là “Đấng cao cả, ở nơi đời đời vô cùng” (Ê-sai 57:15). Phao-lô xưng Chúa là “Vua muôn đời” (I Ti-mô-thê 1:17). Sự sống mà ta đang có là bởi cha mẹ sinh ra, nhưng Đức Chúa Trời thì có “sự sống trong mình” (Giăng 5: 26) và sự sống đó được truyền đến cho những ai ăn năn tội lỗi và tin nhận Chúa Giê-su Christ là Đấng Cứu Chuộc và Vua của cuộc đời mình (Giăng 10:27-28; Rô-ma 6: 23).
Mỗi ngày trôi qua, chúng ta đã quen với việc nhìn thấy mọi vật và con người xung quanh chúng ta dần đi đến hồi kết, hoặc thình lình hoặc là từ từ, và chúng ta luôn lo lắng về sự sống đời đời và bất diệt sau đó. Trong quyển The Knowledge of the Holy của A.W. Tozer, tác giả đã nói về sự đời đời của Đức Chúa Trời rằng, “trái tim chúng ta vui mừng thừa nhận những điều mà lý trí không thể nhận thức được thấu đáo.” Bất cứ ai hay bất cứ điều gì tồn tại mà không có sự bắt đầu cũng như kết thúc là một điều mà óc suy nghĩ hạn hẹp của chúng ta không thể hiểu thấu được. Sự đời đời là “ban đầu”, khi Chúa tạo dựng nên loài người, Ngài đã “khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người” (Truyền đạo 3:11). Điều này lý giải vì sao loài người chúng ta, là loài được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời, luôn khao khát những điều vượt quá những thứ mà thế giới này đem đến cho chúng ta. Trước khi tin Chúa Giê-su, chúng ta thường nói rằng, “Chắc hẳn phải có điều gì đó tốt hơn!” Augustine đã đúng khi ông viết, “vì Ngài đã dựng nên chúng con cho Ngài nên lòng chúng con không yên cho đến khi nghỉ yên trong Ngài.”

gods-great-exchange-16-728
Sự Sống Đời Đời Là Món Quà Của Đức Chúa Trời.
Sứ đồ Giăng đã viết về Chúa Giê-su, “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (Giăng 1:4). Chúa Giê-su đã đắc thắng sự chết và quyền lực của sự tối tăm khi Ngài chịu đóng đinh trên thập tự giá như một tế lễ chuộc tội. “Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Giê-su đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1:29). “Ta là người chăn hiền lành; người chăn hiền lành vì chiên mình phó sự sống mình” (Giăng 10:11). Trong suốt lịch sử của người Do Thái, chiên thường hy sinh cho người chăn, nhưng khi Chúa Giê-su đến, Ngài là người chăn đã chịu chết vì chiên mình! “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Câu Kinh Thánh quen thuộc này là một trong những câu đầu tiên mà khi còn bé chúng ta được học thuộc trong các lớp Trường Chúa Nhật, nhưng chúng ta đã hiểu rất ít về ý nghĩa thật sự của nó. Nó chỉ là văn tự. Nhưng cho đến khi làm một người cha hay người mẹ lần đầu tiên được ôm đứa con của mình vào lòng, chúng ta mới bắt đầu hiểu tình yêu Đức Chúa Trời dành cho Chúa Giê-su và cho cả chính chúng ta! Theo Giăng 17:23, chúng ta biết Đức Chúa Cha đã yêu thương những đứa con yêu dấu của Ngài là mỗi chúng ta nhiều như Ngài đã yêu chính Con Một của Ngài vậy!
Chúa Giê-su đã phó sự sống của Ngài cho chúng ta, để khi chúng ta tin nhận Ngài, Ngài ban cho chúng ta chính sự sống của Ngài, là điều vượt xa khỏi sự hiểu biết của chúng ta. Sứ đồ Giăng đã gồm tóm lại điều kỳ diệu này một cách ngắn gọn: “Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:20). Khi Đức Thánh Linh ngự vào lòng chúng ta, làm chủ đời sống chúng ta, mọi thứ sẽ thay đổi! “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới (II Cô-rinh-tô 5:17). Thân thể chúng ta trở thành đền thờ của Đức Thánh Linh và những chi thể là công cụ mà Đức Thánh Linh sử dụng bởi vì Ngài cho chúng ta đặc ân được phục vụ Chúa và làm sáng danh Ngài (I Cô-rinh-tô 6:19-20). Bạn có một đời sống mới, giá trị mới và một ước vọng mới là hầu việc Đức Chúa Trời và phục vụ những người quanh mình. Thánh Linh ở trong chúng ta sẽ ban cho quyền phép để khiến chúng ta trở nên giống Chúa Giê-su càng hơn trong tư tưởng (Phi-líp 2:5) và trong cách sống của chúng ta (Ga-la-ti 2:20), và chúng ta được nếm trải những ngày của thiên đàng ngay trên đất này bởi vì sự sống thiên đàng đang ở ngay trong chính chúng ta.

 

 

(Còn nữa)

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn